Trang chủ Đời sống Ứng dụng Phật giáo hóa giải “vọng tưởng” của cha mẹ về con cái

Ứng dụng Phật giáo hóa giải “vọng tưởng” của cha mẹ về con cái

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Nguyễn Chiến Trường
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Ung Dung Phat Giao Hoa Giai Vong Tuong Cha Me Voi Con Cai 1

Hiếu đạo là một trong những nền tảng đạo đức của Phật giáo, “hiếu đạo” không chỉ đơn phương một chiều từ con cái đến cha mẹ mà ngược lại khi nhận được sự phụng dưỡng từ con cái, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ/gả chồng xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.

Trong sự thương tưởng của cha mẹ với con cái, có những sự thương tưởng đến từ chính đạo nhưng cũng không thể tránh những sự thương tưởng đến từ những vọng tưởng của cha mẹ đặt vào con cái.

Chư tăng, ni khi hoằng pháp nên hướng dẫn các bậc cha mẹ vượt qua các vọng tưởng trong sự thương tưởng với con cái để hướng đến một sự thương tưởng có nền tảng chính đạo.

Bài viết không nói đến những vọng tưởng với tư cách là một khái niệm phật học chỉ các ảo giác, ảo ảnh trong quá trình tu tập, hành thiền của tăng sĩ. Vọng tưởng trong bài viết này, nhằm nói đến những “ảo tưởng” đang có, đang được xây dựng bởi định kiến (bias) trong mối quan hệ cha mẹ-con cái.

Trong Kinh Lăng Già, một bộ kinh hệ phái Đại Thừa đã phân chia có 12 loại vọng tưởng. Bài viết, đề cập đến một số vọng tưởng đang tồn tại từ phía cha mẹ nhìn về con cái của họ.

1. Ngôn thuyết vọng tưởng

Trong Kinh Lăng Già, Như Lai đã nói với Bồ- tát Đại Huệ “Do đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, nướu răng hòa hợp mà phát ra âm thanh”. Do vậy có thể hiểu Ngôn thuyết vọng tưởng, là chỉ cho loại ngôn thuyết nói năng của người đời. Đó có thể là những lời chê bai kể cả những lời khen ngợi cho chính đứa con của cha mẹ. Trong xã hội, ta sẽ gặp những kiểu như: “Con anh chị thế mà giỏi ghê nếu bồi dưỡng tốt thì nó sẽ thành người tài giúp ích cho xã hội”, “Đứa trẻ này thật có năng khiếu đàn hát, tương lai nó sẽ thành ca sĩ/nhạc sĩ” hay “Cháu nhà rất nghịch/không tập trung/không nghe lời người lớn/giáo viên sau này chắc chẳng được tích sự gì” và vô vàn những kiểu chê bai lẫn khen ngợi khác.

Sự thật là việc một đứa trẻ có năng khiếu đàn hát thì cũng không có gì đảm bảo đứa trẻ sẽ trở thành một người thành công trong giới nghệ thuật, cũng như một đứa trẻ ngang bướng, ngỗ nghịch cũng chẳng có gì đảm bảo rằng đứa trẻ sẽ trở thành một kẻ bất hảo.

Từ năng khiếu tức là dạng tiềm năng đến hoạt động có tính thực tiễn đạt được thành công, bằng cái nhìn Phật giáo là một chuỗi vận hành bởi thuyết duyên-khởi có tính ngẫu nhiên, khó đoán. Vì thế những lời suy luận mang tính võ đoán ấy, theo lối tất định như thế tác động đến cha mẹ để tạo ra những vọng tưởng định hình nên đứa trẻ là kiểu người thế này hoặc thế khác. Để rồi chính đứa trẻ cũng tự vọng tưởng về bản thân đứa trẻ sẽ là kiểu người tốt hay xấu theo cách mà người khác thường nói về chúng.

2. Sở thuyết sự vọng tưởng và Thành vọng tưởng

Kinh nói: “Nói ra là chỗ Thánh trí biết, y đó mà sinh ngôn thuyết vọng tưởng, nên gọi là Sở thuyết sự vọng tưởng”.

Trong Phật giáo, những lời kinh, tiếng kệ, giáo pháp đều là thứ sinh ra vọng tưởng, vì chúng chỉ là pháp dẫn đạo. Trong đời sống, giáo dục thì chính những lý thuyết giáo dục là sở thuyết sự sinh ra sự vọng tưởng cho cả cha mẹ lẫn đứa trẻ. Rồi khi sở thuyết sự ấy trở thành một lý thuyết tất định thì lúc này trở thành Thành vọng tưởng tác động đến mối quan hệ cha mẹ-con cái.

Kinh nói: “Tưởng ngã và sở tạo thành luận quyết định, ấy gọi là Thành vọng tưởng”. Là muốn nói đến những luận cứ hay học thuyết mang tính quyết định. Ngã là chỉ cho năng tạo. Sở tạo là chỉ cho các học thuyết mang tính quyết định ấy. Đã nói ngã thì luận thuyết ấy thường mang tính chủ quan. Từ cái chủ quan ấy mà tạo ra các học thuyết thì học thuyết ấy không tránh được sai lầm, nên nói “vọng tưởng”.

Xã hội hiện đại ngày nay, cả cha mẹ và đứa trẻ bị bủa vây mới hàng ngàn lý thuyết giáo dục khác nhau. Từ thuyết đa trí thông minh của Howard Garner, rồi cả sinh trắc học dấu vân tay để tìm ra năng khiếu, xu hướng bẩm sinh của đứa trẻ, đến cả những quan điểm giáo dục khơi mở tư duy sáng tạo theo kiểu Montessori hay bất kỳ lý thuyết giáo dục nào xuất phát từ tiền đề “mọi đứa trẻ là một thiên tài” đều góp phần tạo ra những vọng tưởng cho cha mẹ và đứa trẻ.
Bởi lẽ học thuyết nào cũng dựa trên những niềm tin cá nhân lẫn những giả định/tiền giả định của người lập thuyết và thuyết ấy cũng chỉ hợp lý trong những điều kiện nhất định của nó. Một học thuyết được đưa ra bởi tác giả chịu sự chi phối của tính thời đại của tác giả đang sinh sống, học thuyết ấy được đưa ra nhằm giải quyết những vấn nạn mà tác giả nhìn thấy. Nếu áp dụng khoa học thì đáng nhẽ ra người áp dụng cần phải xem xét các điều kiện giả định/tiền giả định giống nhau để vận dụng, những ngày nay việc áp dụng lại là áp dụng đại trà, bất chấp xem xét các nền tảng là cơ sở hình thành các học thuyết.

Hệ quả của nó là cha mẹ đua thực hiện đủ thứ trắc nghiệm để xem con mình có là bậc xuất chúng thượng thừa hay không. Nếu ra kết quả như mong đợi thì hồ hởi, vui mừng bồi dưỡng đứa trẻ theo kết quả đó. Nếu kết quả không như mong đợi thì buồn rầu, thất vọng; cực đoan hơn là đay nghiến cả đứa trẻ. Mặt khác, về phạm trù “tự do ý chí”, cha mẹ lại đua nhau dẫn con đi tham gia bất cứ mọi loại hình nghệ thuật từ đàn hát đến hội họa, điêu khắc, cả người mẫu, diễn viên, dẫn chương trình nhằm mong đợi một tương lai tươi sáng rực rỡ cho con mình mà quên rằng đứa trẻ có cần, có quan tâm điều đó hay không.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Ung Dung Phat Giao Hoa Giai Vong Tuong Cha Me Voi Con Cai 2

Chủ thuyết cho rằng “mọi đứa trẻ là một thiên tài” thực sự mang đến một tâm lý tích cực cho cha mẹ trong việc giáo dục con cái, và cả những cơ hội cho đứa trẻ phát huy năng lực bẩm sinh của nó, nhưng bên cạnh đó mang đến sự vọng tưởng cho cả 2 đối tượng rồi từ đó hình thành áp lực cho cả hai lúc nào không biết. Chủ thuyết cho rằng “mọi đứa trẻ là một thiên tài” là một sự đánh tráo tiên đề khi thiên tài là một kết quả được hình thành bởi sự nỗ lực, sự đấu tranh, sự học tập không ngừng cho năng lực của mình, nay đã trở thành một yếu tố “thiên mệnh” mà ai cũng có ngay từ bắt đầu. Cái mà con người ai cũng có ngay từ bắt đầu là một loại năng lực “giải quyết vấn đề” chứ không phải một dạng thiên tài xuất chúng nào đó như chủ thuyết này xây dựng. Ý tưởng chủ đạo mà chủ thuyết này đã xây dựng nên rằng: “Nếu bạn dạy con cá cách leo cây thì cả đời con cá nghĩ nó là một loại bất tài” hay “Nếu bạn cho đại bàng sống chung với bầy gà thì con đại bàng cả đời sẽ nghĩ nó là một con gà to lớn”. Sự thật, nếu một con cá không tự nhận ra nó cần phải sống trong nước chứ không phải cái cây, hay một con đại bàng không tự nhận ra nó có thể bay thì con cá đó, con đại bàng đó xứng đáng là một kẻ bất tài như vậy.

Cái giáo dục nhân danh việc hướng đến nhân bản là hướng dẫn cách con người tự tìm ra cái bản thể tạo ra họ, như cách Phật giáo hướng dẫn người tu hành tự tìm ra con đường tu của mình, chứ không phải tạo ra những đường lối là sự vọng tưởng khiến cha mẹ lẫn con cái loay hoay trong thứ không tạo ra chính họ.

3. Tướng vọng tưởng, Tự tướng vọng tưởng và Nhân vọng tưởng

Tướng vọng tưởng trong ngữ cảnh Phật học là khái niệm chỉ việc vọng tưởng dựa trên tướng của các pháp mà thành. Ví như việc thấy đất thì tưởng cứng, thấy lửa thì tưởng nóng, nghe me thì tưởng chua. Với con người thì khi nhìn cái “hình tướng” mà tâm khởi lên các thứ tưởng có liên quan, thì những liên tưởng đó gọi là Tướng vọng tưởng. Việc tưởng rằng đất có tính cứng, lửa có tính nóng là chẳng do từng biết đất có tính cứng, lửa có tính nóng rồi lưu giữ những thấy biết đó trong tâm trí. Để rồi khi đối diện với hình tướng tương tự thì vọng tưởng theo đó sinh khởi.

Chuyện rằng, Khổng Tử, một lần dẫn học trò du thuyết sang Tề, có Nhan Hồi và Tử Lộ đi theo. Cả hai đều là học trò giỏi của Khổng Tử. Trong thời Đông Chu, dân chúng lầm than đói khổ, thầy trò Khổng Tử cũng không thoát được cảnh đó. May thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử phân Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm. Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay nắm lại từng nắm, rồi cho cơm vào miệng. Chứng kiến cảnh ấy, Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời than: “Chao ôi! Học trò giỏi của ta mà lại đi ăn vụng…”. Chuyện rằng, Nhan Hồi không ăn vụng. Chỉ là vì khi giở nắp xem cơm, một cơn gió thổi qua, bụi trần rơi xuống làm bẩn lớp cơm trên. Ông quyết định ăn phần cơm bẩn đó để thầy và các bạn không phải mất thêm phần cơm cho mình. Khổng Tử, do huân tập cái thấy bình thường của người đời, thấy tướng như thế và cho là đang như thế, nên kết luận Nhan Hồi ăn vụng. Đó là một kiểu Tướng vọng tưởng.

Sở dĩ có Tướng vọng tưởng một phần do Ngôn thuyết vọng tưởng và Nhân vọng tưởng mà ra. Những điều mà nhiều người nói, xã hội quy ước đã ăn sâu trong tàng thức để rồi khi gặp hiện tượng, con người lại kết nối với những quy ước đó. Ở trên có đề cập, trong xã hội, ta sẽ gặp những kiểu như: “Con anh chị thế mà giỏi ghê nếu bồi dưỡng tốt thì nó sẽ thành người tài giúp ích cho xã hội”, “Đứa trẻ này thật có năng khiếu đàn hát, tương lai nó sẽ thành ca sĩ/nhạc sĩ” hay “Cháu nhà rất nghịch/không tập trung/không nghe lời người lớn/giáo viên sau này chắc chẳng được tích sự gì”. Những hình ảnh về một người thành đạt hay kẻ bất hảo là những vọng tưởng được xây nên bởi một lý nhân duyên đậm màu dân gian của xã hội Á Đông, hoàn toàn xa lạ với lý nhân duyên của Phật giáo, được hình thành bằng niềm tin về một nguyên lý một chiều: khởi đầu tốt tương ứng kết quả tốt, khởi đầu xấu tương ứng kết quả xấu: đó là Nhân vọng tưởng.

Một phương diện khác của Tướng vọng tưởng là Tự tướng vọng tưởng. Kinh nói: “Gìn giữ tự tính này như thế chẳng đổi khác, gọi là Tự tính vọng tưởng”. Đó là quy chiếu một “bản tướng/ bản tính/bản chất” duy nhất vào một đối tượng. Ví dụ biết đá, đất thì cứng, biết nước thì ướt, lỏng thì nghĩ rằng đất chỉ có cứng, nước chỉ có ướt mà thôi. Trong xã hội, có những kiểu tự tướng vọng tưởng như thế, ví dụ tin rằng làm Bác sĩ, Tiến sĩ là cao quý, làm công nhân, lao động thủ công là thấp hèn. Trong mối quan hệ cha mẹ-con cái chính là việc cha mẹ tin rằng con cái chỉ có một loại thiên bẩm mà thành, nên khi con trẻ muốn thay đổi con người nó thì cha mẹ ưu tư, buồn phiền, có khi ngăn cấm. Cũng như con cái luôn mặc nhiên rằng cha mẹ chỉ có nghĩa vụ thương yêu, ủng hộ hết lòng mà quên đi chức năng phản biện, “xã hội hóa” của cha mẹ khi ngăn cấm, “bàn ra” các mong ước của mình. Để rồi khi cha mẹ tỏ ra không ủng hộ mình thì sinh ra các hành vi tổn hại đến cha mẹ lẫn chính mình. Tương tự như thế, con cái khi thấy cha mẹ luôn không ủng hộ mình thì mặc nhiên tin rằng cha mẹ chỉ có không tin tưởng mình, không yêu thương mình mà xa cách, đứt kết nối với cha mẹ mà không nhìn ra những sự lo lắng có tính quan tâm, yêu thương từ phía cha mẹ đang có.

4. Lợi vọng tưởng

Vọng tưởng này do tài lợi mà xuất hiện, nên gọi là Lợi vọng tưởng. Tài lợi không phải đơn giản do tiền bạc, phúc lợi mà là những mong đợi với sự thành công, sự thành đạt mà thành. Cha mẹ nào cũng đều mong muốn bản thân và đứa trẻ của mình sẽ thành công, có vị thế trong xã hội, hoặc chí ít cũng có một cuộc sống “ổn định”, có một gia đình êm ấm, có một cuộc sống đủ ăn đủ mặc, v.v.. Những mong ước ấy quả thật không sai. Nó xuất phát từ tình cảm phụ mẫu tử thiêng liêng, những ước vọng, nhu cầu chính đáng của con người. Nhưng nó là những vọng tưởng để tạo ra thứ áp lực đè nặng lên vai của cả hai đối tượng.
Thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo khổ dưới nhãn quan Phật giáo đều chẳng có giá trị thực trong đời sống theo lối Phật giáo. Vì nó góp phần trong sự chấp tướng của con người, góp phần vào vòng luân hồi sinh tử cái mà Phật giáo luôn chủ trương xóa bỏ trong chủ thuyết của mình. Do đó, không phải thấy lợi mà theo, thấy không lợi thì chối bỏ. Lợi hay không lợi theo góc nhìn của Phật giáo đều không có giá trị như nhau cả.

5. Tương tục vọng tưởng

Tương tục là một khái niệm Phật học để chỉ về sự nối kết thành một quá trình liên tục trước sau không có gián đoạn thường được chỉ về Pháp. Tương tục do đó cũng là một nguyên lý của Pháp, để Pháp hình thành nên lý nhân duyên liên tục của nó. Tuy nhiên, khi người tu vướng chấp vào lý tương tục này thì cũng là sự vọng tưởng. Trong xã hội, con người cũng vướng vào sự vọng tưởng về tính tương tục như thế.

Ở đời thế tục, ta sẽ thấy một lối suy nghĩ đại chúng là cha mẹ tin rằng con cái cần phải nối nghiệp của gia đình. Nhà làm nghề giáo thì các đời sau cũng là nhà giáo, nhà làm chính trị thì con cái cũng phải làm chính trị như vậy. Người đời gọi đó là nối tục/nối nghiệp gia đình. Đó là một cái lý tương tục có tính hợp lý của nó. Vì mọi sự khi khởi sinh mà có nền tảng, truyền thống thì bao giờ cũng dễ dàng cả. Nhưng khi cha mẹ hay con cái chấp vào cái tương tục ấy thì chính là cái vọng tưởng để sinh ra cái áp lực cho cả hai. Xét đến cùng, chẳng có một cơ sở nào để bắt thế hệ sau gồng gánh cái truyền thống của cả thế hệ trước cả.

Mặt khác, cái tương tục ăn sâu trong xã hội chính là nghĩa vụ thiên chức của cha mẹ đối với con cái và cả con cái đối với cha mẹ cả. Cha mẹ thường lấy lý do rằng “nó là con tôi/là thế hệ sau của tôi/là sự nối dài của tôi” để can thiệp, để giáo dục, để định hướng, để tác động đến quyết định của con cái mà không cần quan tâm đến tính “bản thể” của đứa con vậy. Chiều ngược lại, đứa con vẫn chịu sự áp lực rằng “tôi là con của cha mẹ tôi/là sự nối tiếp cha mẹ tôi” để phải nghe lời, để phải chịu đựng các giáo điều (dogma) mà cha mẹ đang áp đặt lên bản thân mình. Những sự tương tục thế này, là kết quả của một truyền thống Nho giáo Á Đông, nơi cha mẹ lẫn con cái có sự ràng buộc trách nhiệm qua lại bất chấp sự “tự ý thức” về trách nhiệm có hay không giữa cha mẹ và con cái.

Kể từ đó, cha mẹ tự ban cho mình cái quyền bắt con cái phải theo ý mình, và con cái cũng cho mình cái quyền phải nghe theo lời cha mẹ mình.

Lời kết

Khủng hoảng trong mối quan hệ cha mẹ-con cái ngày nay rõ ràng có nguyên nhân trực tiếp là từ những áp lực vô hình đang đè nặng lên vai cha mẹ, con cái từ xã hội và cả đè nặng lên vai con cái từ cha mẹ lẫn lên vài cha mẹ từ con cái. Những áp lực này lại có nguyên nhân sâu xa từ những Vọng tưởng đang có trong mối quan hệ tam giác Xã hội-Cha mẹ-Con cái theo góc nhìn Phật giáo như đã phân tích. Người đời bàn nhiều về các phương pháp giải bỏ những áp lực này từ phương diện giáo dục về một ý thức “không có áp lực” thì Phật giáo đang đặt vấn đề tương tự là xóa bỏ những Vọng tưởng như thế. Xóa bỏ những Vọng tưởng chưa bao giờ là dễ dàng. Vì như đã phân tích, nó có căn nguyên gốc rễ từ những Sở thuyết sự, từ những Ngôn thuyết, từ những Tương dực đã ăn sâu vào tâm trí con người. Quán về tính Không của Phật giáo xem chừng là một phương pháp khả dĩ triệt để Khi một đứa trẻ bắt đầu năm học tập, cũng là thời gian bậc cha mẹ nổi lên nhiều nỗi lo âu về việc học của con cái. Với những vọng tưởng đang mang, vô hình chung cha mẹ lại tạo ra những áp lực lên con cái làm mối quan hệ cha mẹ-con cái trở nên căng thẳng, ngột ngạt theo thời gian. Đứa trẻ với sự thương dưỡng từ cha mẹ ngỡ như là có ích cho cuộc đời của trẻ thì lại trở thành ngục từ tư tưởng khiến trẻ không thể chịu trách nhiệm cuộc đời của nó bởi sự tự quyết tự thân. Giải thoát cha mẹ khỏi những vọng tưởng đồng nghĩa giải thoát đứa trẻ để chúng có thể tự do trở thành một con người tự chịu trách nhiệm với bản thân, tự đối mặt với nghiệp báo của chúng, thiết nghĩ là một nhiệm vụ cần làm của tăng sĩ Phật giáo đối với chúng sinh, từ đó cũng là công cuộc hoằng dương Phật pháp vậy.

Nguyễn Chiến Trường
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, Chương II, Tương ưng Thiên Tử, Phẩm các ngoại đạo, (1993), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành
2. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Chương V, Tương ưng Kassapa, (1993), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali sang Việt ngữ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành
3. Kinh Tiểu Bộ, tập 1, (1999), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali sang Việt ngữ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành
4. Kinh Trung Bộ, tập 3, (1992), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali sang Việt ngữ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành
5. Kinh Tăng chi bộ, tập 1, (1996), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali sang Việt ngữ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành
6. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, (2014), Tâm Minh Lê Đình Thám dịch từ Hán sang Việt, NXB. Tôn giáo, Hà Nội
7. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, (2012), HT. Thích Trí Tịnh dịch từ Hán sang Việt, NXB. Tôn giáo, Hà Nội
8. Nguyễn Thị Thu Hằng (2022): The basic human nature of someone who brings the Buddha-Dharma into life.
9. Thích Minh Cảnh (chủ biên), 2016, Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập I, NXB. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh
10. Thích Minh Cảnh (chủ biên), 2016, Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập V, NXB. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường