Kinh Trung Bộ là một trong những văn bản kinh không những có giá trị về nghiên cứu học thuật mà còn có giá trị về ứng dụng tu tập. Mỗi nội dung trong từng bài kinh là một pháp để chúng con thực tập và trao dồi trí tuệ, nuôi dưỡng từ tâm, diệt trừ tham sân si, chung sống hòa hợp…
Thích Nhuận Sơn Học viên Thạc sĩ khóa IV, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
Dẫn nhập: Kinh Trung Bộ là một trong năm bộ Nikaya thuộc Kinh tạng Pali, gồm có 152 bài kinh, mặc dù chúng con chưa có đủ nhân duyên và thời gian để đọc hết, chưa được thầy giáo thọ sư giảng giải chi tiết hết 152 bài kinh. Với thời gian ngắn và số bài kinh học qua không nhiều nhưng từ khi học kinh Trung Bộ thì bản thân con đã được hiểu thêm rất nhiều về cuộc đời đức Phật, về giáo pháp và về phương pháp hành trì giáo pháp đạo Phật.
Qua mỗi bài kinh chúng con đều có thể rút ra ít nhất là một bài học thực tiễn để suy nghĩ và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, dù đó là bài kinh đức Phật thuyết giảng cho các tỷ kheo, cư sĩ hay những người ngoại đạo. Những bài học thực tiển rút ra từ Kinh Trung Bộ rất nhiều và phong phú, nhưng trong phạm vi giới hạn của bài viết này, chúng con chỉ xin đề cập những bài học như sau: (1) Sự khác nhau về cuộc sống của con người chính là sự khác nhau về nghiệp. (2) Chính kiến trong cách nhìn nhận kết quả của nghiệp. (3) Việc giáo dục những tu sĩ trẻ là việc làm vô cùng quan trọng. (4) Ý nghĩa của chung sống tu học (5) Cúng dường, thọ nhận và công đức của sự cúng dường.
Từ khóa: Kinh Trung bộ, Nikaya, kinh tạng Pali, đức Phật,...
1. Sự khác nhau về cuộc sống của con người chính là sự khác nhau về nghiệp
Trong Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, đức Phật có dạy “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng.
Nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu”. Ðại ý câu trả lời này, đức Phật giải thích sự khác biệt nhau về cuộc sống của con người chính là sự khác biệt về nghiệp. Nghiệp chính là chủ nhân phân chia sự sống của con người có sự sai khác. Như vậy, nghiệp là gì? Nghiệp tiếng Phạn là karma, có nghĩa là hành động, hành vi, hay sự tạo tác. Nghiệp cũng có hai ý nghĩa, nghiệp thiện và nghiệp ác. Nghiệp thiện là nghiệp được chỉ đạo bởi tâm không tham không sân và không si; Nghiệp ác là nghiệp được chỉ đạo bởi tâm có tham có sân và có si. Nói một cách dễ hiểu là hành động nào mang một ý thức tốt đẹp, thì hành động ấy sẽ mang lại một kết quả tốt đẹp và ngược lại.
Sự khác biệt nhau về con người không phải là số phận, là định mệnh, chính là do hành nghiệp của chúng ta. Ðây là ý nghĩa chân chính mà đức Phật muốn trả lời cho vị thanh niên Subha todeyyaputta.
“Ở đây, này Thanh niên! Có người đàn ông hay đàn bà sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sinh. Do nghiệp ấy... sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi ác..., nếu sinh làm người... người ấy phải đoản mạng...”. Vì người ấy sống với tâm độc ác, không có lòng từ bi, tàn nhẫn sát hại mạng sống của chúng sinh... Ðây là nguyên nhân khiến cho mạng sống của họ ngắn ngủi, nhiều tật bệnh, hoặc sau khi mạng chung, người ấy phải sinh vào cõi dữ, ác thú hay địa ngục. Ngược lại, người sống được trường thọ và ít bệnh tật: Vì người ấy sống với tâm từ bi, thương yêu mọi loài chúng sinh, không sinh tâm sát hại, cho nên người ấy hiện đời có cuộc sống lâu dài, ít bệnh. Sau khi người ấy mạng chung, sinh vào cõi Người hay cõi Trời. Nói tóm lại, mục đích giáo dục của đức Phật không ngoài mục đích khuyến khích con người làm việc lành, tránh xa điều ác. Nhưng sự hiểu biết của con người trong xã hội không giống nhau, do vậy bằng nhiều hình thức khác nhau, đức Phật hướng dẫn mọi người đạt được cuộc sống hạnh phúc và an lạc.
2. Chính kiến trong cách nhìn nhận kết quả của nghiệp
Trong Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, đức Phật phân tích bốn hạng người ở đời: 1- Người làm ác gặp quả xấu, 2- Người làm ác gặp quả lành, 3- Người làm lành gặp quả lành, 4- Người làm lành gặp quả xấu. Đức Phật phân tích sự sai khác giữa người với người qua mối quan hệ nhân quả thuộc độ tâm lý, không phải vật lý, đặc biệt ngài rất chú trọng đến vai trò của chính kiến và thời điểm hiện tại, đó là điểm căn cứ để đánh giá kết quả của một hành động, nó thuộc về thiện hay ác, tốt hay xấu. Nó chính là yếu tố cơ bản để con người có được cuộc sống hạnh phúc.
Bốn trường hợp vừa nêu trên là bốn hiện tượng có thật trong cuộc sống của con người. Trong đó, trường hợp thứ nhất và ba là hai trường hợp có mối quan hệ giữa nhân và quả rất hợp lý, làm ác phải gánh chịu quả báo xấu, làm lành được thọ nhận quả lành là điều tất nhiên. Nhưng trường hợp thứ hai và thứ tư, nếu chúng ta căn cứ luật nhân quả nghiệp lực trong Phật giáo để phán xét vấn đề, thì mối quan hệ về nhân quả không hợp lý, không công bằng, vì tại sao người làm ác, có tà kiến mà người ấy lại được sinh vào cõi lành. Ngược lại, người làm việc thiện có chính kiến, nhưng sau khi mạng chung lại đọa vào cõi dữ, ác thú, thế thì vấn đề nhân quả nghiệp báo trong đạo Phật có giá trị gì trong cuộc sống? Ðây là những vấn đề mà trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường gặp, chính nó đã tạo thành những hoài nghi về qui luật nhân quả nghiệp báo. Ðồng thời cũng chính vì những hiện tượng không công bằng này, là yếu tố sản sinh các nhà triết học mang chủ nghĩa hoài nghi, hoặc chủ trương vô nhân vô duyên hay đoạn diệt.
3. Việc giáo dục những tu sĩ trẻ là việc làm vô cùng quan trọng
Tôn giả La-hầu-la là vị Sa-di đầu tiên trong lịch sử Tăng-già Phật giáo, từ lúc xuất gia thuở ấu thời, và cuối cùng cũng đã sánh vai với chư Thánh trên lộ trình giác ngộ giải thoát. La- hầu-la không chỉ mở đường cho chính mình, mà còn mở đường cho vô số tăng sĩ trẻ, bước vào đời sống giải thoát. Tôn giả La-hầu-la được đề cập nhiều trong Kinh tạng, nhưng quan trọng nhất là ba bài kinh được ghi ở Trung bộ sau:
3.1 Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-ba-la (Ambalatthikā Rāhulovādasuttam).
Bản kinh cho biết Thế Tôn tự mình đến rừng Am-ba-la để gặp La-hầu-la. Thấy Thế Tôn từ xa, La-hầu-la vội vàng cung đón rồi lấy nước dâng Ngài rửa chân. Rửa chân xong, Thế Tôn hỏi La-hầu-la phẩm chất của nước trong chậu sau khi Ngài đã rửa chân; tiếp theo, Thế Tôn hắt chậu nước dơ đi, chỉ để một ít nước trong chậu; rồi sau cùng lại lật úp chậu xuống. Qua đó, Thế Tôn dạy cho La-hầu-la biết về tàm quý cũng như về thân khẩu và ý nghiệp. Cũng trong kinh này, Thế Tôn dùng thí dụ tấm gương để dạy cho La-hầu- la biết tự phản tỉnh. Ở đây, Thế Tôn chú trọng đến việc hướng dẫn Tôn giả La-hầu-la phải biết hành động sao cho đem đến lợi mình, lợi ngưởi và lợi cả hai; từ đó dần dần tịnh hóa ba nghiệp thân khầu và ý.
3.2 Đại kinh Giáo giới La-hầu- la (Maha Rāhulovādasuttam)
Thế Tôn dạy La-hầu-la phải quán sát với chính trí tuệ về địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới và hư không giới, cả ở nội thân và ngoại thân, để thấy rằng tất cả không phải là của ta, là ta, là tự ngã của ta. Ngài phân tích hạnh của đất, của nước, của lửa, của gió và của hư không; tiếp đó Ngài khuyên La-hầu-la hãy tu tập theo hạnh của các giới ấy. Ngài hướng dẫn La- hầu-la tu tập tứ vô lượng tâm: tu tập lòng từ để diệt sân tâm, tu tập lòng bi để diệt hại tâm, tu tập lòng hỷ để diệt bất lạc tâm, tu tập lòng xả để diệt hận tâm… Ngài cũng dạy La-hầu-la quán bất tịnh để diệt tham ái, quán vô thường để diệt ngã mạn. Sau cùng, Thế Tôn hướng dẫn La- hầu-la tu tập Tứ niệm xứ qua Nhập tức xuất tức niệm liên quan đến thân, thọ, tâm, pháp và từ đó từng bước hướng đến ly tham, đoạn diệt, từ bỏ. Đức Phật xác nhận với La-hầula rằng với việc tu tập niệm hơi thở vào hơi thở ra như vậy, đến khi những hơi thở vô hơi thở ra tối hậu chấm dứt thì hành giả chứng được giác tri.
3.3 Tiểu kinh Giáo giới La-hầu la (Cùla Rāhulovādasuttam)
Tại rừng Andha, Thế Tôn tuần tự hỏi La-hầu-la về năm sắc, năm căn, năm trần, năm thức là thường hay vô thường; cái gì vô thường thì khổ hay vui; cái gì đã vô thường mang lại đau khổ thì có hợp lý để xem nó là của tôi, là tôi, hay tự ngã của tôi hay không. Trước các câu hỏi đó, La-hầu-la đều trả lời bằng sự phủ định. Thế Tôn kết luận: do thấy biết như vậy, vị đa văn thánh đệ tử yếm ly các căn trần thức, yếm ly xúc thọ tưởng hành. Do yếm ly, vị ấy ly dục; do ly dục, vị ấy giải thoát. Khi giải thoát, vị ấy biết tâm đã giải thoát; sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Bản kinh này cho thấy Đức Phật rất quan tâm đến việc thành tựu thánh quả ở Tôn giả La-hầu-la, và Ngài cũng đã dành cho Tôn giả rất nhiều công sức trong việc huấn luyện Tôn giả thật thuần thục. Tóm lại, các bản kinh liên quan đến việc giáo giới Lahầu- la được ghi lại trong Kinh tạng mang nội dung triết lý giáo dục sâu sắc. Có nhiều phương thức giáo dục trong các bản kinh này. Đó là, giáo dục phản tỉnh, giáo dục luận đàm, giáo dục đánh thức, và giáo dục giới định tuệ. Qua ba bản kinh này, hành giả sẻ tiếp nhận được những pháp hành căn bản, nhằm ứng dụng thực hành đưa đến đoạn tận phiền não, lậu hoặc, chứng đắc giải thoát.
4. Ý nghĩa của chung sống tu học
Đức Phật thương tưởng, quan tâm đến đời sống của ba vị Tỳ-khưu: Anurudha, Nandiya và Kimbila đang trú ngụ tại khu rừng Sừng Bò (Gosinga), nơi có nhiều cây sa-la. Bậc Đạo sư đã thân lâm đến nơi chư Tỳ- khưu đang tu tập để thăm hỏi và muốn hiểu rõ về đời sống vật chất, thể chất, tâm lý, tâm linh, sự thực hành chính pháp, chứng đắc quả vị của chư đệ tử. Những điều này được nêu rõ qua sự hỏi và đáp giữa đức Phật và ba vị Tỳ-khưu có thể tóm lại trong các nội dung: (1) Thân khẩu ý của các Tỳ-khưu như thế nào? Thưa vâng, Thế Tôn, chúng con thân tuy khác nhưng đồng một tâm, hòa như nước với sữa; khẩu hành từ ái, luôn bàn luận đạo pháp; Ý hoà cả trước mặt lẫn sau lưng. (2) Đời sống tu hành của các Tỳ- khưu như thế nào? Thưa vâng, Thế Tôn, chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, có sự an trú, khinh an. (3) Quả vị chứng đắc của các Tỳ-khưu như thế nào? Thưa vâng, Thế Tôn, chúng con chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái, an lạc. Đức Phật khen ngợi đây là đời sống thanh cao, tối thượng cần thực hành và duy trì. Ngài dạy không có nơi nào lạc trú, tối thắng hơn nơi này. Sự có mặt của đức Phật và của ba vị Tỳ-khưu đã được đem lại sự lợi ích an lành cho dân chúng Bạt-kỳ (Vajjī), đem lại hạnh phúc cho chư thiên và loài người qua lời thưa bạch của Dạ-xoa (Yakkha) Dīgha Parajana. Bài kinh muốn nhấn mạnh ý nghĩa của sự sống chung tu học là phải đem lại hạnh phúc cho mình và cho tha nhân, cho số đông. Mỗi người phải tự nỗ lực, tinh tấn, chuyên cần, hoà hợp, khi đang sống trong hội chúng, hội chúng sống nương tựa lẫn nhau, cùng học tập chính pháp, sống không phóng dật, chuyên cần, tinh tấn.
5. Cúng dường, thọ nhận và công đức của sự cúng dường
Có bốn sự thanh tịnh các loại cúng dường: (1) Có loại cúng dường thanh tịnh bởi người cho, không bởi người nhận: người cho giữ giới, người nhận không. (2) Có loại cúng dường thanh tịnh bởi người nhận, không bởi người cho. (3) Có loại cúng dường được thanh tịnh bởi cả hai bên: người cho, người nhận đều giữ giới. (4) Có loại cúng dường không được thanh tịnh bởi cả hai bên: người cho, người nhận đều theo ác giới.
Điều kiện tiên quyết về vật phẩm cúng dường đó là thanh tịnh và phải xuất phát từ lòng bi mẫn mà dâng dúng. Bố thí cho người xuất ly tham ái, vật thí đúng pháp và người bố thí tâm hoan hỷ, có lòng tin vững vàng vào quả báo, thì đó là sự bố thí tài vật lớn nhất.
Kết luận
Kinh Trung Bộ là một trong những văn bản kinh không những có giá trị về nghiên cứu học thuật mà còn có giá trị về ứng dụng tu tập. Mỗi nội dung trong từng bài kinh là một pháp để chúng con thực tập và trao dồi trí tuệ, nuôi dưỡng từ tâm, diệt trừ tham sân si, chung sống hòa hợp… Dùng không thể truyền tải hết những gì đức Phật đã từng dạy, thế nhưng Kinh Trung Bộ bao gồm những pháo môn căn bản là con đường cốt lõi của đời sống tu tập đưa đến giải thoát. Khi có con đường, có sự chỉ dẫn rõ ràng thì mỗi người phải tự mình thực hành mới có thể đưa đến kết quả.
“Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì Ðạo Phật là Ðạo đến để mà thấy chớ không phải Ðạo đến để nhờ người thấy hộ…”. Như vậy, trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật đã giảng dạy cho người Phật tử con đường tu tập ngay trong lòng cuộc đời, để vừa có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc đích thực cho bản thân, vừa góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, trong đó mọi người biết sống chung hài hòa, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, biết đem lòng từ, bi, hỷ, xả làm phương châm hành động.
Thích Nhuận Sơn Học viên Thạc sĩ khóa IV, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023
Bình luận (0)