Việc áp dụng giáo lý đạo Phật vào kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thiết lập một xã hội đại đồng, không còn bất công, xung đột; xóa bỏ được lòng tham lam, vị kỷ của mỗi cá nhân hướng tới xây dựng một thế giới văn minh, công bằng và thịnh vượng.
Tác giả: Thích Nhuận Kiện Học viên cao học khóa 4 tại HVPGVN TP.HCM
DẪN NHẬP
Từ xưa đến nay, giáo lý đạo Phật không những chú trọng đến những giá trị tinh thần, tâm linh đề ra những con đường chuyển hóa thân tâm, tu tập giác ngộ, giải thoát mà còn quan tâm đến các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, y khoa… hay cách khác, Phật giáo không hoàn toàn tách biệt với đời sống thế tục, không chỉ hạn cuộc ở khía cạnh tu tập tâm linh mà còn đóng góp tích cực cho sự tiến bộ và văn minh của xã hội. Bởi lẽ, đức Phật cũng hiểu rằng sự chính sự phát triển và ổn định của xã hội sẽ là nền tảng để cho tôn giáo được truyền bá và hưởng ứng. Hơn nữa, Ngài cũng thấy rõ rằng con người không thể có được bình an và hạnh phúc nếu như đất nước còn bị chia rẽ, đấu tranh, tệ nạn và thiếu thốn vật chất. Vì thế, ngoài việc giảng dạy những phương pháp tu tập, phát triển đời sống tâm linh, Ngài còn trình bày những quan điểm về văn hóa, xã hội, kinh tế… để góp phần thúc đẩy sự ổn định và phát triển bền vững của cộng đồng.
Kinh tế có mối tương quan mật thiết đến vấn đề trật tự xã hội cũng như sự thịnh vượng và tiến bộ của đất nước. Vì thế nên đức Phật cũng đã lưu tâm và giảng dạy lĩnh vực này dưới nhiều khía cạnh và hình thái khác nhau. Tuy không có một lời dạy trực tiếp, cụ thể nào trong kinh điển Phật giáo nói về cách thức tổ chức cũng như phương pháp để mang lại một nền kinh tế bền vững. Nhưng qua sự trình bày về các vấn đề ăn, mặc, ở, thuốc men…hay những giá trị đạo đức xuất hiện rải rác ở các bản kinh Phật giáo, đức Phật đã ngầm dạy cho chúng ta về một nền kinh tế học được tổng hợp giữa những giá trị đạo đức và học thuyết kinh tế được gọi tắt là kinh tế học Phật giáo, và chúng ta cần đề ra một mô hình kinh tế lý tưởng với những phương châm kinh tế theo con đường “Trung đạo” của Phật giáo để tạo nên sự bình đẳng, ổn định và phát triển cho đất nước. Mô hình kinh tế đó không chỉ đơn thuần là học thuyết kinh tế nhằm đáp ứng những nhu cầu vật chất tầm thường của con người mà còn cho thấy sự tương quan giữa đạo đức và kinh tế, giữa con người và tự nhiên.
NỘI DUNG
I. Khái quát về kinh tế học Phật giáo và vấn đề trật tự xã hội
1.1. Khái quát về kinh tế học Phật giáo
Thuật ngữ “Kinh tế học Phật giáo” (Buddhist Economics) được E.F Schumacher đặt ra vào năm 1955, khi ông đến Miến Điện với tư cách là cố vấn kinh tế cho Thủ tướng U Nu. Thuật ngữ này được sử dụng trong tiểu luận của ông có tên “Kinh tế học Phật giáo” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1966 tại châu Á. Thuật ngữ này hiện được sử dụng bởi những người theo Schumacher và các tác giả Phật giáo nguyên thủy, chẳng hạn như Prayudh Payutto, Padmasiri De Silva và Luang Por Dattajivo.
Ngoài ra, “kinh tế học Phật giáo” còn được định nghĩa: “Kinh tế học Phật giáo là một phương pháp tiếp cận tinh thần và triết học để nghiên cứu kinh tế học. Nó nghiên cứu tâm lý của tâm trí con người và những cảm xúc chi phối hoạt động kinh tế, đặc biệt là các khái niệm như lo lắng, khát vọng và các nguyên tắc tự hiện thực hóa. Theo quan điểm của những người đề xuất, kinh tế học Phật giáo nhằm mục đích xóa tan sự nhầm lẫn về điều gì có hại và điều gì có lợi trong phạm vi hoạt động của con người liên quan đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, cuối cùng là cố gắng làm cho con người trưởng thành về mặt đạo đức”.[1]
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng tư tưởng kinh tế học Phật giáo không được trình bày trong một kinh văn riêng biệt để tạo thành một lý thuyết hoàn chỉnh. Người ta phải chắt lọc, đúc kết qua nhiều bài pháp bảo để đan dệt thành một hệ thống tư tưởng nhất quán với tinh thần Phật pháp. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta cho rằng Phật giáo hoàn toàn không có một lý thuyết kinh tế đáng kể nào. Bởi vì, đức Phật luôn hướng đến giải quyết những vấn đề thiết thực ngay trong hiện tại chứ không phải những điều trừu tượng, mơ hồ. Kể cả Niết bàn, sự giác ngộ giải thoát tối thượng cũng có thể thành tựu ngay trong kiếp sống hiện tại.
1.2. Khái niệm trật tự xã hội
Trật tự xã hội là khái niệm chỉ sự hoạt động ổn định hài hòa của các thành phần xã hội trong cơ cấu xã hội; trật tự xã hội nhằm duy trì sự phát triển xã hội và cơ chế bảo đảm tính trật tự xã hội là các thiết chế xã hội. Trật tự xã hội biểu hiện tính tổ chức của đời sống xã hội, tính chuẩn mực của các hành động xã hội. Nhờ trật tự xã hội mà hệ thống xã hội đạt được sự ổn định, cho phép nó hoạt động một cách có hiệu quả dưới sự tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài.
Như vậy, cơ chế để đảm bảo cho trật tự xã hội là các thiết chế xã hội như: gia đình, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, chính trị… Xã hội có hưng vượng, ổn định hay không phụ thuộc vào sự hiệu quả, tổng hòa của các thiết chế xã hội đó. Và ngược lại, rối loạn xã hội là trạng thái xã hội mà các hình thái trong cơ cấu xã hội không có sự tương quan, dung hợp hay bị thiếu hụt, mất ổn định về một thành phần cơ cấu nào đó.
II. Các tiêu chí của kinh tế học Phật giáo đóng góp cho vấn đề trật tự xã hội
2.1. Cân bằng và sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội
Đức Phật thấy rằng chính sự nghèo khó là nguyên nhân đầu tiên mang đến sự suy đồi đạo đức và rối loạn trật tự xã hội[2]. Bởi vì chính nghèo khó là nguyên nhân thúc đẩy con người đến các hành vi bất thiện như: trộm cắp, giết người, nói dối, tệ nạn và sự suy đồi đạo đức xã hội [3]. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng về kinh tế giữa các cá nhân sẽ tàn phá những giá trị tín ngưỡng, truyền thống lâu đời bằng sự giết chóc, cướp bốc, sân hận, bạo hành và tàn hại lẫn nhau. Và ngược lại, với sự ổn định về kinh tế, tốt đẹp của đạo đức cá nhân là yếu tố rất cần thiết mang sự lành mạnh và tốt đẹp cho xã hội cũng như bình an, tuổi thọ, phúc báu, sắc đẹp cho con người[4].
Bên cạnh đó, đức Phật cũng nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của các nhà lãnh đạo đối với sự gia tăng nghèo khó và rối loạn xã hội “kẻ nghèo khốn không của cải, không được cấp phát càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì nạn trộm cắp càng lan tràn nên sự chém giết càng tăng lên”[5]. Như vậy, các nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự ổn định trong cơ cấu xã hội, khi các nhà lãnh đạo thờ ơ với sự nghèo khó của người dân, thì nạn đói gia tăng và các tệ nạn tiếp diễn thì dẫn tới cuộc chiến giữa những người có tài sản và không có tài sản “ta cũng nên bắt chước rèn dao thật bén, mang đi ăn trộm vật dụng. Nếu lấy vật dụng của ai thì bắt chủ nhân của vật ấy mà chém đầu”[6] dẫn đến việc mục nát và biến động xã hội. Vì thế, khắc phục tình trạng nghèo đói của người dân là vấn đề cấp thiết và trọng yếu để mang lại một xã hội an bình và phát triển.
Hơn nữa, đức Phật còn đề ra những giải pháp “bất bạo động” tối ưu cho các nhà lãnh đạo để hỗ trợ sản xuất cho người dân và đóng góp cho nền kinh tế quốc gia “Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hạt giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, tôn vương hãy cấp cho vị ấy vốn đầu tư;…”[7]. Có thể nói, phương pháp hỗ trợ kinh tế khắc phục nghèo đói này hết sức trí tuệ, thích đáng và mang tính từ bi, bất hại của đạo Phật, hoạch định ra một kế hoạch kinh tế hết sức khôn ngoan và sáng tạo để làm giảm sút sự nghèo đói, đảm bảo được tự do cá nhân và công bằng xã hội. Thay vì trừng phạt các tệ nạn xã hội bằng vũ lực thì khuyến khích, động viên họ chuyên cần lao động để tạo ra của cải, một mặt vừa khắc phục được sự nghèo đói bằng của cải tạo ra, mặt khác gia tăng được sản lượng quốc gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung cho đất nước. Do vậy, chúng ta có thể thấy rằng, chỉ với trí tuệ và tinh thần bất hại của đạo Phật mới có kiến thiết được một thế giới hòa bình, bình đẳng và thịnh vượng, thiết lập “tịnh độ” ngay tại thế gian này.
2.2. Hướng con người tạo ra tài sản bằng chính nghiệp
Đạo Phật luôn đề cao tính nhân bản, bình đẳng, từ bi và bất hại. Vì thế bất cứ một giáo nghĩa hay phương pháp tu tập nào đều mang thông điệp của sự bình an, hạnh phúc và giải thoát. Đức Phật nhận thấy rằng phương cách tạo ra tài sản của mỗi người dân sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự suy đồi đạo đức cá nhân hay hơn nữa là sự suy thoái hay hưng thịnh của xã hội, vì thế định hướng nghề nghiệp của con người theo con đường chân chính luôn được Phật giáo quan tâm, chúng ta dễ thấy chính là chính nghiệp trong con đường Bát chính. Chính nghiệp có thể hiểu là những nghề nghiệp hợp pháp, phát sinh từ nỗ lực chân chính của con người và về mặt đạo đức thì không làm tổn hại đến sự bình an và hạnh phúc của người khác. Vì khi chúng ta có được một nghề nghiệp chân chính thì sẽ dẫn tới những giá trị đạo đức tốt đẹp, gắt hái được những thiện nghiệp từ đó mà có một tương lai tươi sáng hơn. Và ngược lại khi chúng ta tạo ra của cải bằng những con đường bất thiện sẽ gây ra những tội lỗi khó lường ảnh hưởng đến sự biến động và suy thoái của xã hội. Vì vậy có thể nói phương thức gia tăng tài sản, của cải cũng quan trọng như việc trau dồi đạo đức vậy.
Là một tôn giáo trung đạo, thì đạo Phật không xem tài sản là một điều xấu, cũng không xem nó là cứu cánh của con người, xấu hay tốt, tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào phương cách nó được tạo ra và mục đích sử dụng nó. Nếu của cải được tạo ra từ sự nỗ lực chính đáng thì là điều đáng khích lệ và ngược lại từ những tư duy và hành động phi pháp, bất thiện thì là điều đáng lên án “Sự chú trọng tích lũy của cải có khi tự nó ẩn chứa nhiều hệ lụy. Tuy nhiên của cải tài sản tự thân nó vốn không mang tội lỗi, điều quan trọng nhất là bằng cách nào nó được tạo ra và rồi sẽ sử dụng như thế nào”[8]. Hơn nữa, bên cạnh trau dồi đạo đức đức Phật còn khuyến khích con người tạo ra của cải, vì Ngài thấy rằng có của cải con người đáp ứng được những nhu cầu căn bản như ăn, mặc, ở, thuốc men… thì người ta mới hướng đến đời sống đạo đức và thăng hoa tâm linh. Ngoài ra đức Phật không chủ trương sự nghèo khó, bời vì người nghèo ít có cơ hội về mặt quan hệ xã hội so với người khác, sống trong cảnh cùng cực, nợ nần, nghèo khổ khó có thể hướng tới tu tập tâm linh.
Do đó, đạo Phật luôn khuyến khích con người tìm kiếm nghề nghiệp bằng Chính mạng để mạng lại những của cải chân chính và không làm tổn hại đến giá trị đạo đức của bản thân và sự suy thoái của xã hội. Ngược lại, đạo Phật chê trách, lên án những nghề nghiệp tạo ra của cải bằng con đường tà mạng, phi pháp và phi đạo đức “Có năm nghề buôn bán này, này các Tỳ- kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là 5? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc”[9] sẽ mang lại đau khổ và oán hận cho muôn loài dẫn vào nơi đọa xứ, ác giới.
Như vậy, với tinh thần từ bi, vô hại, ngoài việc đức Phật đề cao việc tạo ra của cải bằng con đường chân chính, phù hợp với đạo đức, luật pháp, luân lý xã hội và không dựa trên bạo lực. Ngài còn chê trách, phê phán các nghề nghiệp tà mạng, bất lương gây nhiều hệ lụy khổ đau và bất lợi cho người khác.
2.3. Đề cao việc tiêu dùng hợp lý và ý nghĩa
Khác với chủ trương của các nhà kinh tế hiện đại là nhấn mạnh vào việc tiêu dùng tối đa để thỏa mãn lòng tham dục, phục vụ cảm xúc, thì ngược lại Phật giáo cũng chủ trương thái độ tiêu dùng chuẩn mực, tối thiểu để giảm bớt lòng tham và sự luyến chấp vào các giá trị tài sản, vật chất. Hay nói cách khác, kinh tế học hiện đại “cố gắng tối đa hóa sự tiêu dùng bằng mô hình tốt nhất của sự tiêu dùng”[10] thì Phật giáo chủ trương “hưởng hạnh phúc tối đa bằng tài sản tối thiểu”. Vì thế, đức Phật luôn chủ trương sự điều độ, tối thiểu để giảm đi lòng tham đắm, ái chấp, nô lệ cho của cải, vật chất, chỉ chú trọng và đề cao sự phát triển nội tâm, tiến bộ tâm linh và kiện toàn đạo đức “sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”[11], do đó các vấn đề bạo hành, rối loạn xã hội không xảy ra, kinh tế phát triển, xã hội hưng vượng. Hình ảnh minh chứng rõ nét chính là cuộc sống phạm hạnh của các vị Tỳ kheo ba y, 1 bát, du hành khất thực. Người tu được huấn luyến hài lòng với những sở hữu ít ỏi để không bị ràng buộc vào đời sống thế tục, dành hết thời gian chuyên tâm tu tập phát triển đời sống tâm linh.
Với chủ trương “Trung đạo”, Phật giáo phê phán việc tiêu dùng của cải một cách phung phí, xa xỉ và thái độ tiêu dùng bủn xỉn, keo kiệt. Vì chính sự tiêu dùng lãng phí sẽ dẫn tới sự tham đắm, nô lệ cho tài sản và gây ra sự kiệt quệ cho nền kinh tế gia đình và các hệ lụy kéo theo cho các hình thái xã hội khác và đức Phật còn chỉ ra các việc làm suy hao, lãng phí kinh tế gia đình “Này gia chủ tử, đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám hí viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao hữu bạn ác là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản”[12]. Mặt khác, với chủ nghĩa cá nhân, sự keo kiệt, bủn xỉn chính là nguyên nhân dẫn tới sự bảo thủ tài sản, chấp chặt vào cái đang sở hữu, sống ích kỷ, làm trở ngại trong việc kiện toàn nhân cách, đạo đức và ở một khía cạnh khác chính sự vị kỷ, thủ đắc đó dẫn tới sự chênh lệch giàu nghèo, tệ nạn phát sinh và rối loạn xã hội.[13]
Như vậy, với quan điểm “Trung đạo” Phật giáo tránh xa hai cực đoan: Sự phóng dật theo vật chất để phục vụ thỏa mãn cảm xúc, tham đắm dục lạc và sự nghèo khó, thiếu thốn về phương tiện vật chất để có được đời sống đạo đức tốt đẹp. Hai cực đoan này đều dẫn tới sự bất mãn, đau khổ, trụy lạc và đọa xứ. Ngoài ra đạo Phật còn chủ trương tránh hai thái cực phung phí, tiêu hao tài sản cho những tiêu dùng sai trái, gây lãng phí tài sản và gây tổn hại, đau khổ đến người khác và thái độ keo kiệt, tham lam, thủ đắc tài sản một cách thái quá dẫn đến sự chệnh lệch giai cấp và rối loạn cơ cấu xã hội.
2.4. Quản lý và tích lũy tài sản thích đáng
Quản lý kinh tế một cách khôn ngoan sẽ cải thiện được chất lượng đời sống của gia đình, tức là nếu chúng ta biết cân bằng, quân bình giữa lợi tức kiếm được và sự chi tiêu, khi lợi tức kiếm được vượt quá sự chi tiêu, hay sự chi tiêu thấp hơn của cải kiếm được thì sẽ có số dư về tiền của, không rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và nghèo đói. Vì thế quản lý kinh tế một cách thích đáng sẽ làm cuộc sống dư dả, tiến triển hơn, có nhiều của cải để làm những thiện sự ý nghĩa hơn và gặt hái được những giá trị tinh thần cao cả hơn.
Đức Phật cũng khuyên các đệ tử cư sĩ của Ngài cách thức làm phát sinh của cải và sử dụng lợi tức một cách khôn ngoan, đúng đắn. Cụ thể Ngài khuyên chúng ta:
“Mới học nghề nghiệp khéo,
Tìm cách gom tài vật,
Được tài vật kia rồi,
Phải nên phân làm bốn,
Một phần nuôi tự thân,
Hai phần cho doanh nghiệp,
Phần còn lại để dành,
Nghĩ đến người thiếu thốn”[14]
Theo đó chúng ta có thể thấy, sự chi tiêu có thể chia làm bốn phần: một phần cho sự chi tiêu hàng ngày của bản thân; một phần cho đầu tư kinh doanh để phát sinh của cải; một phần để dành phòng ngừa tình huống bất trắc; và phần còn lại dùng để cúng dường, bố thí và các việc thiện nguyện. Điều đó chứng tỏ rằng đạo Phật tán thán việc làm phát sinh của cải phù hợp với luật pháp, đạo đức và phương thức sử dụng tài sản được tạo ra để làm các việc lợi ích cho bản thân và mạng lại sự hạnh phúc, lợi lạc cho người khác. Ngoài ra đức Phật còn tán thán tinh thần không câu nệ, tham chấp và nộ lệ vào tài sản qua các việc làm cúng dường, bố thí, sống tỉnh thức bằng tình thương yêu, trí tuệ, sống vô ngã, vị tha giúp tha nhân giảm thiểu khổ đau, bất hạnh, từ đó mà thành tựu được phước báo, thăng tiến trên con đường tâm linh[15].
2.5. Trau dồi “Tài sản bên trong”
Khác với những tôn giáo khác và lý thuyết học hiện đại về kinh tế cho rằng kinh tế học đơn thuần là một môn khoa học tích cực của một loại hiện tượng xã hội. Phật giáo chủ trương kinh tế học còn là sự tương quan mật thiết với đạo đức học và nghiệp lực. Đây chính là điểm trọng yếu tạo nên sự đặc trưng và khách quan của kinh tế học Phật giáo. Vì thế ngoài việc chủ trương sự tiến bộ vật chất để đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của con người theo hướng tích cực, Ngài còn chủ trương sự thăng tiến tâm linh, hoàn thiện đạo đức, giác ngộ giải thoát. Vì đức Phật thấy rằng mặc dù của cải vật chất cũng là yếu tố quan trọng trong cuộc sống nhưng nó không phải là cái toàn bích, cứu cánh trong cuộc đời, chỉ có đời sống phạm hạnh lý tưởng, cao cả mới giúp chúng ta thoát khỏi nhưng thái độ đau khổ, bất an và tuyệt vọng do chính những chân lý cuộc đời mang lại, đó là: Khổ, Vô thường, Vô ngã.
Do đó, đức Phật giảng dạy cho hàng phật tử những tài sản vật chất là những vật hư huyễn, duyên sinh, tụ tán nên đừng tham chấp mà hãy trau dồi đời sống phạm hạnh, giải thoát “Này Ugga, tiền tài, vàng, bạc, của báu được xem là tài sản vật chất. Nhưng tài sản ấy bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch. Lại nữa, này Ugga có bảy thứ tài sản không thể bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài chúng được gọi chung là tài sản tinh thần”.[16]
Vì vậy, với lý do của cải vật chất không đảm bảo được hạnh phúc chân thực cho con người, đức Phật khuyên chúng ta nỗ lực tìm kiếm tài sản bên trong, chính là bảy tài sản của các bậc Thánh (Thất Thánh tài: Ariyadhana) vượt thắng hẳn các giá trị vật chất. Có được bảy thứ tài sản quý báu này: tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ, chúng ta sẽ có được một đời sống cao thượng, giải thoát của các bậc Thánh như lời nhận định của ông Clair Brown: “Phật giáo dạy tài sản chân thật của chúng ta là tình yêu thương, từ bi và trí tuệ đó là tài sản vô tận”.[17]0
III. Những đóng góp của kinh tế Phật giáo cho trật tự xã hội thông qua những tiêu chí trên
3.1. Hóa giải xung đột, thiết lập hòa bình
Đạo Phật luôn chủ trương hòa bình, bất bạo động vì thế trong suốt con đường hoằng pháp đức Phật không chấp thuận và cổ xúy cho bất cứ sự xung đột chiến tranh nào dù là chính nghĩa hay phi nghĩa thì hậu quả mang lại là sự đau khổ, chết chóc và thù hận, kẻ thắng trận thì kiêu căng, hung hãn, kẻ bại trận thì thù hằn, oán trách. Như đức Phật đã dạy:
“Hận thù diệt hận thù
Không đời nào diệt được,
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu”[18]
Từ thực tế cho thấy, bất kỳ một cuộc chiến tranh xung đột nào đều bắt nguồn từ sự bất bình đẳng, không phân chia đồng đều về quyền lợi, danh vọng hay sự mâu thuẫn về tư tưởng, ý niệm. Hay nói đúng hơn là bắt nguồn từ ba độc: Tham, sân và si. Từ đó chúng ta mới thấy sự chênh lệch giàu nghèo cũng sẽ dẫn tới những xung đột mâu thuẫn gay gắt. Người giàu thì tham lam, tư hữu; kẻ nghèo thì nghèo đói, sân hận và bất mãn. Vì thế đức Phật chủ trương một nền kinh tế ổn định là cân bằng được cán cân giữa giàu và nghèo, tư sản và vô sản, tất cả đều tập trung vào cải thiện lợi tức quốc gia thì xã hội đó mới thật sự hưng vượng.
Do đó, để chấm dứt chiến tranh, thì phải diệt trừ tham, sân, si trong chính bản tâm của mỗi người bằng cách thực hành Bát chính đạo, nhờ thực hành con đường Trung đạo này mà con người có cái thấy chân chính, từ cái thấy đúng đắn mới có được cái suy nghĩ và hành vi chân chính, từ đó mới hóa giải được hết những đau khổ, bất an trong cuộc đời này, như đức Phật dạy: “Này chư Hiền, tham là ác pháp, sân là ác pháp, và si cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân khiến tịnh nhãn sinh, khiến chân trí sinh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn. Đó là con đường thánh tám ngành, tức là: Chính tri kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính nghiệp, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định”.[19]
3.2. Xây dựng xã hội đại đồng
Vị trí và giá trị con người luôn được đức Phật quan tâm và đề cao[20] vì thế việc hướng tới kiến thiết một xã hội dân chủ đại đồng là điều đức Phật chủ trương, một xã hội mà con người có quyền bình đẳng, tự do, công bằng và hạnh phúc. Vì thế mà đức Phật được xem là nhà cải cách xã hội, Ngài không chấp nhận bạo lực, khủng bố, độc đoán, độc tài, cố chấp, tàn bạo… xảy ra trong mội xã hội mà ở đó quyền dân chủ như nhau, con người đều được quyền sống, tự do, an vui và hạnh phúc. Ngài nhận thấy rằng chỉ có bình an và hạnh phúc của mỗi người mới thiết lập một xã hội tốt đẹp, thuần lương. Cho nên, trong các phương pháp tu tập tâm linh hay các bài giảng liên quan đến các hình thái xã hội như chính tri, văn hóa, kinh tế… đều mang chủ trương về sự hòa bình, bình đẳng và bất bạo động hướng tới giải quyết các vấn đề đau khổ, bất hạnh của con người. Vì con người là nhân tố nòng cốt tạo nên sự phồn vinh của đất nước, sự thịnh vượng của quốc gia.
Theo đức Phật, thì con người không thể nào hạnh phúc khi họ không có đời sống đạo đức tốt đẹp và sự tăng trưởng tâm linh, và muốn đạt được đời sống đó thì yếu tố vật chất cũng đóng vai trò quan trọng, không phải cứu cánh nhưng tài sản là tiêu chí cần phải có trong hành hoạt của con người để đạt được cuộc sống tốt đẹp. Đức Phật dạy: “Vì không cho tiền của những người nghèo, nghèo đói tăng thịnh; vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cấp tăng thịnh; vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm tăng thịnh; vì đao kiếm tăng thịnh nên sát sinh tăng thịnh; vì sát sinh tăng thịnh nên nên nói láo tăng thịnh; vì nói láo tăng thịnh nên nói xấu tăng thịnh, thiếu sự hiếu kính với cha mẹ, thiếu sự hiếu kính đối với các vị cầm đầu trong gia đình. Vì những pháp này tăng thịnh nên tuổi thọ các loài hữu tình này giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu”[21].
Vì thế kinh tế học Phật giáo ngoài chủ trương giải quyết các vấn nạn nghèo khổ, giảm sút, hao hụt về kinh tế… còn khuyến khích con người gia tăng tài sản theo con đường chính thiện và phương cách sử dụng, tiêu dùng hợp lý, ý nghĩa để mang lại sự ấm no, bình an và hạnh phúc cho người khác góp phần cải thiện được chất lượng cuộc sống người dân, làm giảm bớt tệ nạn, mâu thuẫn xã hội, nâng cao dân trí và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội hướng tới xây dựng xã hội đại đồng với sự tương quan tương duyên của con người với nhau, giữa con người với tự nhiên, mọi người đều có quyền bình đẳng, dân chủ và hạnh phúc.
Theo đó, có thể thấy đạo Phật tuy không có một lý thuyết kinh tế học hoàn chỉnh nhưng học thuyết kinh tế của Phật giáo là một học thuyết hoàn hảo với sự tương quan liên đới giữa kinh tế và đạo đức; kinh tế và nghiệp lực. Nêu lên được sự cộng sinh cộng trụ của các cá thể trong xã hội, mối quan hệ mật thiết của đạo đức với các hình thái xã hội. Điều này chứng tỏ đức Phật không chỉ quan tâm đến các giá trị tâm linh xuất thế mà Ngài luôn hướng đến giải quyết các vấn nạn nỗi khổ niềm đau của nhân loại, kiến thiết cõi “Niết bàn tịnh độ” ngay tại thế gian này. Đây là tinh thần nhập thế của Phật giáo. Qua nhưng minh chứng trên chúng ta cũng khẳng định rằng đức Phật là một nhà kinh tế học vĩ đại.
Kết luận
Giá trị của kinh tế học Phật giáo không chỉ đơn thuần là hóa giải đau khổ, bất an của con người thông qua lĩnh vực kinh tế mà còn đi sâu giải quyết căn cội, gốc rễ của vấn đề khổ đau, sinh tử của con người ngay trong bản tâm của chính mình bằng cái nhìn “Trung đạo”, nhân quả và nghiệp báo. Dưới nhãn quan của Phật giáo, thì con người là nhân tố trọng yếu của đất nước và xã hội, trong bất cứ lĩnh vực hay hình thái xã hội nào đi nữa, khi các vấn đề bức bách của con người được tháo gỡ thì mọi thứ sẽ được giải quyết và thành tựu. Không thể có một quốc gia hưng thịnh trong khi dân chúng đang lầm than, nghèo đói và ngược lại. Kinh tế cũng không ngoại lệ, con người là yếu tố chủ chốt quyết định sự phát triển kinh tế theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Do đó, kinh tế học Phật giáo chủ trương cân bằng lợi ích giữa người nghèo và giàu để giúp cho nền kinh tế phát triển hiệu quả và đồng bộ hơn. Vì rằng mục đích của kinh tế học Phật giáo đặt ra là đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt và đảm bảo đời sống an vui hạnh phúc cho mọi người.
Việc áp dụng giáo lý đạo Phật vào kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thiết lập một xã hội đại đồng, không còn bất công, xung đột; xóa bỏ được lòng tham lam, vị kỷ của mỗi cá nhân hướng tới xây dựng một thế giới văn minh, công bằng và thịnh vượng. Như lời đức Phật đã khẳng định: “Là vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”.[22]
Tác giả: Thích Nhuận Kiện Học viên cao học khóa 4 tại HVPGVN TP.HCM
***Tài liệu tham khảo 1. Thích Minh Châu dịch, kinh Trường Bộ 2, kinh Khởi thế nhân bổn, VNCPHVN, 1991. 2. HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, ‘Kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm’, Viện NCPHVN ấn hành, 1992. 3. Thích Minh Châu dịch, kinh Trường Bộ 1, kinh Kutadanta, VNCPHVN, 1991. 4. Thích Minh Châu dịch, kinh Trung Bộ 2, kinh Tùy Phiền Não, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2012. 5. Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Thừa tự pháp, Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 6. Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng Chi Bộ 2, chương V pháp, VNCPHVN, 1996. 7. Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng Chi Bộ tập 1, VII: phẩm Nghiệp công đức, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2015. 8. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, kinh Chuyển luân thánh vương Sư tử hống, số 26, Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017. 9. ĐTKVN, kinh Trường Bộ 2, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2017. 10. ĐTKVN, kinh Tăng Chi Bộ II, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2017. 11. Thích Tịnh Hạnh, kinh Trung A Hàm 1, kinh Chuyển Luân Vương, Hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000. 12. Thích Tuệ Sỹ (dịch), kinh Trung A Hàm tập 1, kinh Chuyển Luân Vương, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2008. 13. Thích Đức Thắng dịch, kinh Tạp A Hàm, NXB Phương Đông, 2002. 14. Clair Brown, Thích Thiện Chánh dịch, Kinh tế học Phật giáo, NXB Tri thức, 2020. 15. Rajni Bala, Ph.D & Alisha Gill,(2016), “scholary research journal for interdisciplinary studies”. 16. Bhar, S (2018), Consuming with Mindfullness: Import of Buddhist Philosophy for an Ethic toward Consumerism. 17. Ngộ Bổn (2017), Đạo đức trong kinh pháp cú, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
Chú thích: [1] Rajni Bala, Ph.D & Alisha Gill,(2016), “scholary research journal for interdisciplinary studies”, P.1781 [2] Thích Tịnh Hạnh, Kinh Trung A Hàm 1, tr. 516 [3] Sđd, tr. 517 [4] Tuệ Sỹ, Trung A Hàm tập 1, tr. 505 [5] Sđd, tr. 501 [6] Sđd, tr. 500 [7] Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ 1, tr.242 [8] Bhar, S (2018), Consuming with Mindfullness: Import of Buddhist Philosophy for an Ethic toward Consumerism, tr. 1563-1578 [9] Thích Minh Châu, kinh Tăng Chi Bộ 2, 646 [10] Clair Brown, Thích Thiện Chánh dịch, Kinh tế học Phật giáo, tr.183 [11] Kinh Bát đại nhân giác. [12] ĐTKVN, kinh Trường Bộ 2, 532-533 [13] Thích Minh Châu, kinh Trường Bộ 2, tr.402 [14] Thích Đức Thắng dịch, kinh Tạp A hàm, tr. 5081 [15] Thích Minh Châu, kinh Tăng Chi Bộ tập 1, tr. 411 [16] ĐTKVN, kinh Tăng Chi Bộ II, tr.178 [17] Clair Brown, Sđd, tr. 71 [18] Thích Minh Châu, kinh Trung Bộ 2, tr. 486 [19] Thích Minh Châu, Kinh Trung bộ, tập 1, tr. 34. [20] Ngộ Bổn (2017), Đạo đức trong kinh pháp cú, tr. 34 [21] Thích Minh Châu, Kinh Trường bộ, tr. 535 [22] Thích Minh Châu, kinh Trung Bộ tập 1, tr. 53
Bình luận (0)