Trang chủ Đời sống Ý nghĩa “tuyển Phật trường” trong đại giới đàn

Ý nghĩa “tuyển Phật trường” trong đại giới đàn

"Tuyển Phật trường” với hàm ý rằng, giới đàn mà các giới tử thụ giới, là nơi dùng để tuyển chọn một con người đủ những phẩm chất đạo đức, đúng theo quy định luật nghi để trở thành một vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di, Sa di ni, trong đó Tỳ kheo, Tỳ kheo ni được xem là ứng cử viên quan trọng chính thức được gia nhập Tăng già của đức Phật, là hạt nhân của Tăng già; đồng thời giới đàn được cho là nơi tuyển chọn người để làm Phật.

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

“Tuyển Phật trường” với hàm ý rằng, giới đàn mà các giới tử thụ giới, là nơi dùng để tuyển chọn một con người đủ những phẩm chất đạo đức, đúng theo quy định luật nghi để trở thành một vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di, Sa di ni, trong đó Tỳ kheo, Tỳ kheo ni được xem là ứng cử viên quan trọng chính thức được gia nhập Tăng già của đức Phật, là hạt nhân của Tăng già; đồng thời giới đàn được cho là nơi tuyển chọn người để làm Phật.

Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Quận Tân Bình, TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024

Tóm tắt: Tuyển Phật trường là một cụm từ thường được sử dụng trong các Đại giới đàn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức. Giới đàn là nơi truyền giới cho các tăng, ni đủ điều kiện để lãnh thọ giới pháp; nơi tuyển chọn những bậc xuất gia đủ tiêu chuẩn để “tu hành” thành Phật trong tương lai. Vì vậy, giới luật luôn luôn được các luật sư Phật giáo đề cao, xiển dương, xem giới luật là nền tảng quan trọng trong cuộc đời đạo của người tu.

Để giác ngộ chân lý, chứng quả Bồ đề, giới luật phải là “thiết bị đầu cuối” để mã hoá đối tượng trở thành Phật quả. Bài viết tập trung khái niệm cụm từ “tuyển Phật trường” – một lý tưởng cao siêu đối với giới tử hiện nay ở góc độ làm rõ khái niệm “tuyển Phật trường” để xây dựng mục tiêu lý tưởng cao đẹp của người xuất gia.

Từ khoá: Tuyển Phật trường, Đại giới đàn, lý tưởng cao siêu, giới tử

Giới luật là nền tảng căn bản của tăng, ni Phật giáo nói riêng, tín đồ Phật giáo nói chung; giới luật là một trong ba yếu tố quan trọng để dẫn đến chứng quả vô thượng Bồ đề.

Từ thời đức Phật còn tại thế, Ngài đã đề cao vai trò, tầm quan trọng của giới luật, như là mạng sống của Tăng già, là chiếc thuyền đưa người vượt qua sông mê.

Trong Luật Ma Ha Tăng Kỳ viết: “Thiện nam tử nào muốn xây dựng Phật pháp, cần phải quyết tâm thọ trì luật này. Vị nào muốn cho Phật pháp cửu trụ tại thế gian, cần phải quyết tâm thọ trì luật này”(1).

Giới luật từ xưa cho đến ngày nay đóng vai trò hết sức to lớn và có ý nghĩa rất sâu sắc trong chốn thiền môn. Phật giáo hiện nay phát triển mạnh mẽ từ phương Đông sang phương Tây; mặc dù Phật giáo phân chia thành nhiều hệ phái Phật giáo khác nhau như hệ phái Nam truyền, Phật giáo Bắc truyền, nhưng giới luật vẫn là nền tảng quan trọng của các hệ phái để duy trì mạng sống của tăng già.

Dù rằng, giới luật của mỗi hệ phái có điểm khác biệt trong thực hành điều giới là do tư tưởng, quan điểm, nhận thức của các hệ phái, điều kiện lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau, nhưng những điều giới, luật nghi căn bản quan trọng vẫn mang tính tương đồng. Do vậy, giới luật được xem là nơi phát sinh các thiện căn, là bến bờ của sự trở về sau bao năm tháng lang thang đau khổ trong luân hồi.

Trong bài Bàn về thụ giới, Trần Thái Tông viết: “Kinh nói rằng: Giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra. Giới như thầy thuốc giỏi chữa được các bệnh. Giới như hạt minh châu, phá vỡ mọi tối tăm. Giới như thuyền bè, vượt qua bể khổ. Giới như chuỗi ngọc làm pháp thân trang nghiêm”(2).

Chính vì tầm quan trọng đó, các đại giới đàn ở Việt Nam phần lớn đều nêu cao tinh thần của giới luật, xem việc truyền thụ giới pháp là môi trường tốt nhất để tuyển chọn những con người có đủ tiêu chuẩn làm Phật trong tương lai, thường được gọi với danh xưng “tuyển Phật trường”. Tuy nhiên, để thấu hiểu được hết ý nghĩa của nó, chúng ta cần nghiên cứu vấn đề ở nhiều góc độ.

1. Khái niệm cụm từ tuyển Phật trường

Tuyển Phật trường” như là một câu thần chú nhiệm mầu, nhắc nhở những người thụ giới về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong cuộc sống tu hành.

Trong các đại giới đàn truyền thụ giới pháp cho tu sĩ, phật tử ở Việt Nam, chúng ta thường gặp rất nhiều biểu ngữ được treo khắp nơi trong khu vực truyền giới. Trong đó, có một biểu ngữ được xem là rất quan trọng đối với giới tử cũng như ban tổ chức giới đàn đó là: “tuyển Phật trường”.

Theo Hán Việt Thiều Chửu, “tuyển” có nghĩa là: “1. Chọn: Tới trong số nhiều mà kén chọn lấy một số tốt đẹp gọi là tuyển, như tinh tuyển, là chọn kỹ. 2. Lọc chọn các bài văn của cổ nhân đóng thành từng quyển cũng gọi là tuyển”. (3)

Còn danh từ “Phật” theo Từ điển Phật học Huệ Quang định nghĩa rằng: “Bậc đã giác ngộ chân lý, đã đầy đủ tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn, thấy biết tính tướng của tất cả pháp một cách như thật, thành tựu Đẳng Chính Giác; là quả vị cao nhất của Phật giáo”(4).

Trong Đại từ điển tiếng Việt, “trường” có nghĩa là: “1. Bãi, khoảng đất rộng làm nơi tụ tập đông người: trường bắn, trường bay…, nghĩa thứ 2: Nơi, phạm vi diễn ra các hoạt động chính trị xã hội sôi nổi: có uy tín trên trường quốc tế, trường hợp, trường ngữ nghĩa”. (5).

Như vậy, cụm từ “tuyển Phật trường” với hàm ý rằng, giới đàn mà các giới tử thụ giới, là nơi dùng để tuyển chọn một con người đủ những phẩm chất đạo đức, đúng theo quy định luật nghi để trở thành một vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di, Sa di ni, trong đó Tỳ kheo, Tỳ kheo ni được xem là ứng cử viên quan trọng chính thức được gia nhập Tăng già của đức Phật, là hạt nhân của Tăng già; đồng thời giới đàn được cho là nơi tuyển chọn người để làm Phật.

Song, chúng ta hiểu rằng đây là những vị “Phật của tương lai” chưa phải là “Phật của hiện tại”. Muốn làm Phật trước tiên phải đầy đủ giới đức, phẩm chất đạo đức, hoàn thiện chính bản thân mình, phải luôn trau dồi giới luật.

Trần Thái Tông đã viết: “Vậy nên phải giữ phép này, vượt mau qua đường sinh tử; thờ Phật làm thầy, trước hết tuân theo giới luật”(6). Như vậy, đủ biết rằng dù ở thời đại nào, quốc gia nào thì các Tổ sư, các bậc trưởng lão cũng khuyên giới tu sĩ xem trọng giới luật, từ đó làm bàn đập để đi xa hơn, bước lên những nấc thang cao hơn.

Trong một xã hội hay quốc gia, việc “thượng tôn pháp luật” là điều quan trọng, cần thiết của một công dân

Nếu chúng ta phá bỏ pháp luật và pháp luật không được xem trọng thì xã hội đó, quốc gia đó trước sau cũng sẽ hỗn loạn, trộm cướp hoành hành, giết người cướp của tràn lan, trật tự xã hội, thể chế chính trị tất nhiên sẽ bị đảo lộn.

Muốn trở thành một lãnh đạo đất nước, trước tiên, phải là một công dân tốt, không bị vi phạm pháp luật, không vi phạm những điều lệ quy định của tổ chức thì cơ hội sẽ từ từ tiến bước trên con đường công danh, sự nghiệp.

Do đó, pháp luật của Nhà nước hay giới luật của Phật giáo đều có những vai trò, chức năng, quyền hạn riêng biệt, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nó có sự ràng buộc, xây dựng, giáo dục, đào tạo một con người mới với những phẩm chất đạo đức cao đẹp, nhằm phục vụ lợi ích cho con người và xã hội.

tapchinghiencuuphathoc.vn y nghia tuyen phat truong trong dai gioi dan2

Ảnh: St

Pháp luật của Nhà nước nhằm giáo dục, xây dựng con người có phẩm chất tốt phục vụ lợi ích nhân dân trong xã hội; còn giới luật của Phật giáo không những giáo dục, đào tạo người tu sĩ mẫu mực, đạo đức, khuôn mẫu, mà còn giáo dục, đào tạo một vị tu sĩ tiến bước đến quả vị Bồ đề, thành tựu Phật quả.

Chúng ta thấy rằng để trở thành một vị Phật đúng nghĩa, đòi hỏi một con người trải qua một quá trình lâu dài phấn đấu, rèn luyện, tu tập, tu dưỡng đạo đức, thì mới có thể thành tựu.

Do vậy, “tuyển Phật trường” theo chúng tôi chưa phải là “thiết bị đầu cuối” để mã hoá đối tượng thành Phật, mà đại giới đàn chỉ mới là bước đệm để giới tử đi tiếp theo những chặng đường đầy gian nan, vượt qua bao khó khăn, trở lực, thách thức của cuộc sống, để thấu rõ nghĩa “sắc không”, thể nhập chân tâm của mình. Mặt khác, để thành Phật lại là một “câu chuyện khác” khá phức tạp đối với con người.

Do vậy, “tuyển Phật trường” có thể nói là một lý tưởng quá cao siêu đối với những giới tử hiện nay.

2. Tuyển Phật trường – một lý tưởng cao siêu đối với giới tử hiện nay

Đại giới đàn là lý tưởng hướng đến của các giới tử và họ xem như là “hơi thở”, là “nhịp đập con tim” của mình. Bất kỳ một tu sĩ nào cũng ao ước được bước chân vào đại giới đàn để chính thức trở thành một thành viên của Tăng già.

Để trở thành một vị Tăng, một vị Ni chính thức, họ phải bước qua nhiều cuộc khảo hạch về giáo lý và những quy định của giới luật một cách nghiêm ngặt, như là kiểm chứng hình tướng của vị giới tử có đầy đủ sáu căn, không được khiếm khuyết, dị tật, dị hình.

Đồng thời theo bộ luật Tứ phần, Ngũ phần, giới tử không mắc 13 chướng nạn, nhằm mục đích để tuyển chọn một vị Tỳ kheo có thân tướng trang nghiêm và có phẩm hạnh ưu việt, trở thành thành viên của Tăng già, là sứ giả của Như Lai, thực thi những sứ mệnh hoằng pháp trong tương lai. Do vậy, đại giới đàn có ý nghĩa và sứ mệnh rất to lớn, là một trong những vấn đề trọng đại của Phật giáo.

Nếu giới tử hiểu rằng khi bước vào đại giới đàn là đã được chọn lựa, xem xét, đủ tư cách “làm Phật”, thì dường như chưa phù hợp, chưa đúng lắm, nhất là trong bối cảnh thời đại ngày nay.

Cũng như hằng năm các trường tổ chức “tuyển sinh đại học”, các thí sinh thi vào các trường đại học, như chưa chắc tất cả thí sinh, đều thi đậu và sẽ tốt nghiệp đại học trong tương lai.

Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, sự tác động, ảnh hưởng của gia đình, xã hội, nhất là bản thân đối tượng trong những năm ngồi ghế đại học.

Do đó, việc giới tử được chấp nhận thụ giới, được chứng nhận là thành viên của Tăng già, chỉ là “thiết bị đầu vào” (input device), chưa phải là “thiết bị đầu cuối” (terminal equipment) để mã hoá đối tượng trở thành một vị Phật đúng nghĩa. Nếu tiếp cận cụm từ “tuyển Phật trường”, dưới nhiều góc độ khác nhau, chúng ta sẽ thấy có nhiều vấn đề cần xem xét.

Thứ nhất, về mặt bản thể, Phật tính hay bản thể của con người vốn hằng hữu trong tâm, không phải do sự tìm cầu bên ngoài mà có được.

Tâm trong sáng không bị phiền não tham, sân, si cản đường, thì đó là Phật, không phải do chọn lựa mà con người có thể thành Phật hay không thành Phật. Trong bài Phật tâm ca, Tuệ Trung Thượng sĩ viết: “Phật Phật Phật không thể tìm thấy, tâm tâm tâm không thể nói được”.

Khi “tâm sinh thì Phật sinh, khi Phật diệt thì tâm diệt”(7). Vậy thì, chúng ta đi tìm Phật ở đâu? Phật có phải là từ hình tướng trang nghiêm, đoan chính mới gọi là Phật? Hay một con người thân hình không bình thường, dị tật, thì không phải là Phật?

Nếu hiểu theo khái niệm “Phật” là “thấy biết tính tướng của tất cả pháp một cách như thật, thành tựu Đẳng Chính Giác” thì tất cả mọi người đều có thể thành Phật, không phân biệt xuất gia hay tại gia; tướng tốt hay không tốt.

Trong Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông viết: “Miễn cốc một lòng, thì rồi mọi hoặc”(8).

Phật chính là lòng mình, tâm mình chẳng phải đâu bên ngoài: “Bụt ở trong nhà, chẳng phải đâu xa; nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt, đến cốc hay chỉn Bụt là ta”. (9) Lục Tổ Huệ Năng cũng đã từng nói: “Phật tính vốn không có Nam, Bắc”.

Do đó, Phật tính chính là tâm của mọi chúng sinh, khi con người không còn “nhị kiến” thì tâm trong sáng, thấu triệt được bản thể của tất cả các pháp đúng như thật, thì chúng ta đã là Phật. Nếu đứng ở góc độ bản thể, thì làm Phật không cần phải chọn, xuất gia hay tại gia đều có thể tu và giác ngộ thành Phật.

Trong lịch sử Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam cũng đã minh chứng cho vấn đề này. Chẳng hạn như cư sĩ Duy Ma Cật, cư sĩ Cấp Cô Độc, cư sĩ Bàng Long Uẩn, cư sĩ Ứng Thuận vương, cư sĩ Tuệ Trung Thượng sĩ có đủ khả năng giác ngộ và chứng Thánh quả.

Như vậy, hình tướng tu sĩ hay cư sĩ, mọi tầng lớp con người trong xã hội, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp thấp hay giai cấp cao đều có thể thành Phật.

Do đó, một con người thành Phật không phải do được chọn lựa từ trong một môi trường nào đó, mang tính hình thức, mà nó phát xuất từ tâm con người, từ nhận thức của tuệ giác.

Về mặt nhận thức, đại giới đàn là một môi trường tốt để truyền giới cho các giới tử, đúng theo quy định luật nghi và lời dạy của đức Phật, với mục đích đào tạo thế hệ kế thừa của Tăng già.

Do vậy, nếu giới tử cho rằng mình được chọn lựa trong đại giới đàn là được chọn làm “Phật” như biểu ngữ đã treo “tuyển Phật trường”, mà vui mừng, thì liệu có đắc ý quá sớm hay không?

Chúng ta nên biết thọ giới là một niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời người tu sĩ, nhưng đó chưa phải là điều nói lên tất cả, nó chỉ là bước đầu tiên của quá trình tu dưỡng thân tâm, tu tập nội tâm để nuôi dưỡng huệ mạng tròn sáng.

Do đó, vấn đề ở đây là chúng ta cần nhận thức rõ giới chỉ là một trong ba yếu tố quan trọng của Giới – Định – Tuệ, giúp chúng ta hướng đến để đạt được thành tựu trí tuệ, từ đó mới có khả năng chứng đắc vô thượng Bồ đề.

Trong bài Bàn về ngồi thiền, Trần Thái Tông viết: “Người học đạo chỉ cốt thấy được bản tính. Tuy chịu tất cả mọi tịnh giới mà không ngồi thiền thì định lực không sinh. Định lực không sinh thì ý nghĩ sai lầm không diệt được”(10).

Do đó, chúng ta cần nhận thức rằng con đường phía trước không phải là con đường trải thảm nhung, mà còn rất nhiều chông gai, gian khổ, thử thách đối với chúng ta. Nó không chỉ giữ giới luật là đạt được những thành quả như mong đợi, mà còn phải thực hành thiền định, để khai mở tuệ giác thấy được “bản tính”, đó mới là cốt lõi của người học đạo.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngày xưa nếu không nhập định dưới cội Bồ đề suốt 49 ngày để mở nhãn quang, tuệ giác, chứng quả Chính đẳng giác, thì ngày nay chắc có lẽ đạo Phật không thể gọi là đạo giác ngộ.

Vì lẽ đó, hình tướng trang nghiêm, nghiêm trì giới luật chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình hướng đến thiền định và tuệ giác. Ngay cả khi chúng ta đã đạt được trạng thái vô tâm, tâm dứt sạch phiền não, lo lắng; nó vẫn còn cách một lớp rào, chưa đến tột cùng của quả vị Bồ đề.

Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm nói: “Mạc vị vô tâm vân thị đạo, vô tâm du cách nhất trùng quan” (chớ bảo vô tâm đó là đạo, vô tâm còn cách một lớp rào”, chưa phải là điểm đến cuối cùng).

Mặt khác, nếu đứng về mặt logic, tất cả thí sinh trong kỳ thi “tuyển sinh đại học” là những thí sinh có đủ trình độ, kiến thức phổ thông để dự thi vào trường đại học; thì người chấm thi phải là những giảng viên Đại học hoặc Thạc sĩ, Tiến sĩ của Hội đồng chấm thi, khi đó mới đủ tiêu chuẩn để chấm thi tuyển sinh đại học.

Cũng vậy, về mặt lý thuyết những vị trong Hội đồng thập sư truyền giới là những vị đã có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, đã vượt lên trên các giới tử một bậc hoặc hai bậc thì mới có khả năng truyền giới cho giới tử. Nếu hiểu theo giới đàn là nơi “tuyển Phật trường”, là tuyển chọn người làm Phật, thì vấn đề được đặt ra cần phải xem xét ở một góc độ khác.

Do đó, trong điều kiện thực tiễn của xã hội hiện nay, chúng ta cần phải xem xét ở góc độ một con người cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, để đưa ra những “biểu ngữ” một cách cụ thể cho phù hợp với hoàn cảnh của nó. Do vậy, chúng ta nên hiểu vấn đề theo nghĩa “tục đế” để thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nó sẽ phù hợp cho trình độ và nhận thức của giới tử trong thời đại ngày nay.

tapchinghiencuuphathoc.vn y nghia tuyen phat truong trong dai gioi dan3

Ảnh: St

Về mặt tâm lý, nếu giới tử hiểu đơn thuần là mình được tuyển chọn làm Phật trong một đại giới đàn được tổ chức long trọng, trang nghiêm.

Điều đó, về mặt tâm lý sẽ tạo cho giới tử một áp lực lớn, một gánh nặng trong quá trình hành đạo của giới tử. Nhất là những giới tử mới tu, với những trình độ, nhận thức, quan điểm, tư tưởng còn bảo thủ, cố chấp về giới luật, giữ giới như giữ “của báu” không có một chút cởi mở.

Cho nên không có tâm hoan hỷ khi nhìn thấy lỗi lầm của người khác, bạn đồng môn, những người cấp dưới; đồng thời với quan niệm “đề cao giới luật” một cách máy móc, giáo điều, nặng về hình thức, giới tử sẽ cảm thấy tâm trạng nặng nề, lo lắng, ưu tư đối với bản thân khi cảm thấy rằng mình chưa làm được gì cho Phật giáo, ưu tư khi thấy đồng đạo còn nhiều lơ là trong tu tập, trong học tập.

Từ đó, tâm sân, si, phiền não chất chứa trong lòng, lâu ngày sinh bệnh tâm lý khó trị.

Song song đó, họ cứ nghĩ, sau khi thọ giới là mình đã chính thức ở trong Tăng già, là đối tượng đã được tuyển chọn làm “Phật” như mong đợi, một niềm hy vọng toả sáng trên khuôn mặt “ngây thơ” hồn nhiên, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống tu hành của giới tử.

Mặt khác, trong thực tế ngày nay, trước áp lực ngày càng tăng của xã hội, sự giao lưu văn hoá xã hội với văn hoá Phật giáo ngày càng khắt khít, hoà hợp, không thể tách rời, luôn luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau, đặc biệt là mối quan hệ giữa người tu sĩ với các công tác của đoàn thể, xã hội.

Trong đó sự tác động, ảnh hưởng không nhỏ của quyền lực và chức vụ hiện nay đối với tu sĩ, các mối quan hệ xã giao với các cấp trong xã hội. Đồng thời chịu sự quy định, chi phối của xã hội, đã khiến cho chúng ta khó giữ được nền tảng của giới luật một cách trọn vẹn.

Áp lực của cuộc sống hằng ngày luôn luôn đè nặng lên vai của người tu sĩ với những nhiệm vụ, trách nhiệm, thách thức hết sức phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải biết cân bằng giữa cuộc sống xã hội và lý tưởng của Phật giáo một cách sáng suốt.

Nếu chúng ta nghiêng về đời sống xã hội, lo phụng sự xã hội, tham gia vào quyền lực, chức vụ, thì quá trình tu tập nội tâm ít nhiều cũng sẽ bị tác động mạnh; còn như chúng ta chỉ lo chuyên tu, chuyên rèn luyện nội tâm, cách biệt với xã hội, thì công tác phụng sự xã hội, giúp ích cho đời sẽ không đạt được kết quả tốt như mong đợi, không thể truyền bá Phật giáo sâu rộng trong xã hội.

Có thể nói, đối với việc xã hội và lý tưởng Phật giáo được vẹn toàn, đòi hỏi phải là một con người có đầy đủ trình độ, nhận thức và trí tuệ giác ngộ hết sức cao siêu, mới có khả năng gánh vác những trọng trách nặng nề giữa đời và đạo một cách lưỡng toàn; không phải ai cũng có thể làm tròn cùng lúc hai nhiệm vụ khó khăn và phức tạp trong cuộc sống trần tục.

Trong thời đại ngày nay, phần lớn trong chúng ta, những người đi trước, cũng không thể đáp ứng được song song hai nhiệm vụ quan trọng, vừa giác ngộ được nội tâm, vừa làm việc Giáo hội, phụng sự xã hội một cách hoàn hảo nhất.

Do vậy, nhận thức của giới tử về quan niệm “tuyển Phật trường” là tuyển chọn người làm Phật, nên có những nhận thức mới, cách tiếp cận mới, để phù hợp với lối sống, trình độ nhận thức trong cuộc sống đương đại.

Chúng ta nên nhận thức rằng thọ giới và việc thành một vị Phật của tương lai là hai vấn đề khác biệt.

Thọ giới là để chứng nhận chính thức mình là thành viên của Tăng già, là một “công dân” của Giáo hội Phật giáo và được cấp một “căn cước công dân”chính thức của Giáo hội, là bước khởi đầu.

Còn việc để thành một vị Phật lại là một “câu chuyện khác” với nhiều tình tiết, diễn biến phức tạp trong tiến trình hoàn thiện phẩm chất đạo đức của một con người về giới đức, trí tuệ giác ngộ và hoàn thiện các công hạnh phụng sự xã hội một cách hoàn hảo nhất, với những ý chí và không ngừng cống hiến sức lực và trí tuệ phục vụ con người trong cuộc sống.

Cho nên thọ giới chỉ là mang tính “lượng”, chưa phải là “chất” của vấn đề. Thọ giới có thể tuyển chọn, ai cũng có thể tham gia, tuyển chọn làm Sa di, Sa di ni, Thức xoa, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, miễn sao đủ những tiêu chuẩn, điều kiện của luật nghi, quy định của Giáo hội thì đều chấp nhận vào hàng ngũ Tăng già.

Song, để thành một vị Phật thì không thể gọi là “tuyển chọn” theo nghĩa thông thường nhưng chúng ta suy nghĩ, mà nó rất khó nhưn Bàng Long Uẩn đã nói “nan nan nan, thập tạ du ma thọ thượng thang!” có nghĩa là việc tu hành, giác ngộ chân lý, giác ngộ lý thiền rất là khó khăn, gian nan như là đổ mười tạ dầu mè trên cây vuốt, thì làm sao chúng ta trèo lên được thân cây?

Ngay cả hàng Bồ tát ở giai đoạn thập địa, muốn bước lên địa vị Phật quả còn rất khó, bởi vì còn một phần sở tri vi tế ngu ngăn cản con mắt tuệ giác, không giống như cái thấy của Như Lai, huống chi bản thân chúng ta, mới chỉ bước đầu được thụ giới pháp, đang trên đường đi vào “cửa không” của thiền môn.

Tóm lại, giới trường là nơi các giới tử được thọ giới, thường được gọi với tên “tuyển Phật trường”, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam của các tỉnh, thành phố tổ chức. Từ thời khắc quan trọng đó, các giới tử chính thức trở thành một trong những thành viên của Tăng già, được Giáo hội chứng nhận là Tăng, Ni và được sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các giới tử với tư cách là một thành viên của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ được hưởng đầy đủ các quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm, cũng như chấp hành mọi đường lối chủ trương của Giáo hội quy định trong hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Song song đó, các giới tử sẽ là những trụ cột tương lai, kế thừa tông môn, pháp phái, truyền đăng tục diệm, nối tiếp ngọn đèn chính pháp lưu truyền cho hậu thế. Chính nhờ vào giới luật, các hành giả sẽ bước lên con thuyền để ra biển cả, vượt đại dương đến bến bờ giác ngộ Tuy nhiên, đây chỉ là điểm đầu chưa phải giai đoạn cuối của một tiến trình hoàn thiện Phật quả.

Cần nhận thức rõ khái niệm “tuyển Phật trường” một cách chính xác, phù hợp với lối sống, trình độ, nhận thức của tu sĩ hiện nay. Hãy đặt con người trong tính hiện thực của nó, con người cụ thể, không phải là một con người mang tính trừu tượng, siêu nhiên, phi thực tiễn.

Do đó, việc đề cao một đối tượng sống trong một xã hội hiện thực, với một lý tưởng quá cao siêu đối với một đối tượng chưa đạt những vấn đề cơ bản của nội tâm và một trình độ nhận thức về chân lý của đức Phật còn hạn hẹp, chưa phải là bậc “long tượng” trong Phật pháp, là một thực trạng cần xem xét hết sức kỹ lưỡng trong môi trường thực tiễn tu hành hiện nay.

Đừng đi quá xa vấn đề, mà đôi khi chính chúng ta cũng chưa đạt được những thành quả như mong đợi trong một kiếp người. Đừng tạo nên một áp lực lớn về tâm lý của giới tử, mà hãy để giới tử có một lối sống với đời sống tu luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, tu tập thiền định, một cách bình thường; vì chỉ có “sống bình thường” mới đạt chân lý nhiệm mầu của “đạo”, như nhà thiền thường nói “bình thường tâm thị đạo”.

Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Quận Tân Bình, TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024

tapchinghiencuuphathoc.vn y nghia tuyen phat truong trong dai gioi dan1

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường