Cách đây hơn 2600 năm, đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời tại xứ Ấn Độ cổ xưa, cội nguồn của nền văn minh sông Hằng và thế giới. Một sự kiện trọng đại thật là hy hữu và hiếm có, đức Thế Tôn thị hiện vào cõi đời này để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Lịch sử của đức Thế Tôn có tính siêu việt giống như đoá hoa vô ưu mấy ngàn năm mới nở một lần.
Đức Phật nhập thế, thị hiện là một vị Đông cung Thái tử con vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Da, Ngài ở trên đỉnh cao quyền lực phong kiến nhưng chẳng đam mê lạc thú trần gian, quyết định ra đi tìm Đạo, thành Đạo, trao truyền chính pháp đến cuối cuộc đời mới an nhiên tự tại ra đi, có báo trước ba tháng.
Trước khi xuất gia, Ngài dạo qua bốn cửa thành thấy cảnh già, bệnh, chết và một đạo sĩ. Từ đó, Ngài trầm tư về lẽ sống chết, về thân phận của kiếp người.
Đạo Phật có tư tưởng xuất thế gian, nhưng chủ trương tốt đạo đẹp đời để cứu khổ chúng sinh. Trải qua hơn hai ngàn sáu trăm năm lịch sử, đạo Phật chưa từng gây ra cuộc Thánh chiến nào, vì đạo Phật là đạo của hòa bình, đạo Phật là đạo của con người, vì con người mà thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Năm 1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức kỷ niệm Đại lễ Tam hợp: ngày Phật đản sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập Niết bàn thành ngày lễ của thế giới. Ngày lễ Phật Đản của cả thế giới được Liên Hiệp Quốc bảo trợ và gọi là Đại lễ Vesak. Đất nước Việt Nam chúng ta được vinh dự tổ chức Đại lễ Vesak 2 lần vào năm 2008 và năm 2014 tại Thủ đô Hà Nội và Ninh Bình. Được biết năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục đăng cai tổ chức sự kiện này.
Vui thay Phật ra đời vì lợi ích nhân loại Vui thay giáo Pháp được giảng dạy rộng khắp Vui thay Tăng già hoà hợp trong thanh tịnh Vui thay bốn chúng đồng tu trong an bình
Đức Phật ra đời với nét son vàng sáng chói, Ngài đã mở ra trang sử mới cho toàn thể nhân loại sống bằng trái tim yêu thương có hiểu biết trong tinh thần vô ngã, vị tha. Phật giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất đã và đang tiếp tục đóng góp rất to lớn cho nhân loại về mặt đạo đức. Đạo Phật đã đáp ứng được các nhu cầu thiết cho nhân loại về các giá trị an lạc, hoà bình, hữu nghị và hợp tác toàn diện với tinh thần ổn định, kế thừa và phát triển trong bình đẳng. Người phật tử chân chính khi đã thọ năm điều đạo đức, sống tốt đạo đẹp đời mang đậm chất từ bi hỷ xả, đã được nuôi dưỡng trong truyền thống tâm linh Phật giáo, nhờ vậy tránh xa mọi điều tội lỗi mà hay làm các việc thiện lành tốt đẹp.
Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật tuyên thuyết lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển về chân lý Tứ Diệu đế, tức bốn sự thật nhiệm mầu là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
Khổ đế là một sự thật của kiếp nhân sinh. Khổ đau là một sự thật của kiếp người, nguyên nhân dẫn đến đau khổ do si mê, tham ái, chấp ta là thật. Con người sinh ra phải chịu cảnh sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não về hai phương diện vật chất và tinh thần. Kế đến là thương yêu xa lìa khổ, oán ghét mà gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ, thân này thịnh suy khổ.
Tập đế là nguyên nhân của các sự khổ. Mọi thống khổ con người đang phải gánh chịu nơi thân này, cuộc đời giả tạm này chính là tham, sân, si vì thấy mình là thật. Tham lam chính là nguyên nhân của đau khổ, làm cho con người thiếu sáng suốt nên tìm cách chiếm đoạt dưới mọi hình thức. Đức Phật nói: Tập đế là sự thật, là nguyên nhân tạo ra tất cả nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời này.
Chân lý thứ ba là Diệt đế? Tức là Niết bàn vô sinh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hoàn toàn giác ngộ nên sống với tâm sáng suốt của chính mình và an nhiên tự tại trong cuộc đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc thầy vĩ đại của nhân loại, người đã truyền bá thông điệp từ bi và trí tuệ đến mọi người bằng con đường chuyển hóa thân tâm, giúp cho tha nhân biết cách làm chủ bản thân mà không ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác. Ngài đến và đi trong an nhiên tự tại, giúp người thoát khỏi bóng tối vô minh để tìm đến ánh sáng chân lý. Hãy tự mình làm chủ bản thân, hãy tự mình thắp lên với ngọn đuốc chính pháp, hãy tự mình chuyển hóa thân tâm, nếu chính mình vấp ngã thì chính mình đứng lên, đó chính là thực tại nhiệm mầu.
Chân lý thứ tư là Đạo đế, là nhân xuất thế gian, là những pháp tu gồm có Tứ Niệm xứ, Tứ Chính cần, Tứ Như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần và Bát Chính đạo. Để được an trú với tâm Phật sáng suốt, chúng ta cần tu chuyển hoá ba nghiệp thân, miệng, ý trong sạch, tu tập giới định tuệ để gột rửa tham sân si, vô minh nghiệp chướng trong lòng. Nhờ có Phật ra đời và đã đóng góp cho cuộc đời giảm bớt đau khổ lầm mê mà sống an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Kính thưa Chư tôn đức, kính thưa quý liệt vị khách quý, kính thưa toàn thể quý phật tử gần xa.
Hòa cùng niềm vui nhân loại, cả thế giới đều hân hoan đón mừng Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa loài người mang đậm chất đạo đức từ bi, vô ngã và vị tha, không thấy ai là kẻ thù, vì đạo Phật là đạo của hòa bình, sống thương yêu nhau bằng trái tim có hiểu biết. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện Đản sinh, xuất gia, thành đạo rồi hoằng pháp lợi sinh và an nhiên tự tại nhập Niết bàn trong nỗi niềm thương tiếc của chư Thiên và loài người.
Tác giả: Thích Đạt Ma Phổ Giác Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2017
Bình luận (0)