Trang chủ Bài viết nổi bật Từng nấc thang an lạc

Từng nấc thang an lạc

Con hân hoan tiến về phía Phật, những nấc thang đầu tiên, con suy nghĩ về những phiền não luôn ngự trị trong lòng bấy lâu nay. Trong xã hội đầy đua tranh này, con cũng như bao người dù muốn hay không cũng phải chạy theo vật chất. Người ta so sánh với nhau về thu nhập, nhà cửa, xe cộ, người ta thỏa mãn mình rồi nhưng lại không muốn thua thiệt với người khác.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Con hân hoan tiến về phía Phật, những nấc thang đầu tiên, con suy nghĩ về những phiền não luôn ngự trị trong lòng bấy lâu nay. Trong xã hội đầy đua tranh này, con cũng như bao người dù muốn hay không cũng phải chạy theo vật chất. Người ta so sánh với nhau về thu nhập, nhà cửa, xe cộ, người ta thỏa mãn mình rồi nhưng lại không muốn thua thiệt với người khác.

Tác giả: Kim Loan

Đỉnh núi sương mù bảng lảng bay
Nụ cười đức Phật nhẹ như mây
Cây lá lao xao lời kinh kệ
Chốn nào an lạc tựa chốn đây?

Mây vờn trên đỉnh núi. Thấp thoáng trong sương bóng dáng mái rồng. Con chắp tay hướng về phía uy nghiêm, từng bước leo lên những nấc thang an lạc. Con cứ đi, đi mãi, nhớ dáng Phật thong dong đi khất thực năm xưa. Mỗi một bước chân là thêm một bước đến gần, thêm một bước để thấu rõ hơn những lời dạy của Phật, tránh xa những mê lầm, chấp ngộ. Đường lên đỉnh núi bao nhiêu nấc thang, là bấy nhiêu trăn trở trong con. Gần hay xa, cao hay thấp, khó hay dễ, tất cả là do chính mình. Chẳng phải Phật đã từng bảo: “Kẻ thù lớn nhất là chính mình” đó sao?

Con hữu duyên đến được nơi này. Nơi con ở cách đây bao núi bao sông con cũng không biết nữa. Ấy vậy mà con đang được hiện hữu dưới chân núi này, cúi xuống có thể nhặt được những cánh hoa rơi từ mái hiên chùa, ngẩng lên có thể thấy nụ cười hiền của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được tạc bằng vàng thiền tọa trên đỉnh núi. Chỉ thế thôi mà lòng con rưng rưng xúc động, dù xa cách bao nhiêu nhưng ở đâu có Phật thì ở đó là mái nhà ấm áp thân thương. Thế nên ngay từ những bước chân đầu tiên đặt lên từng nấc thang, lòng con đã tràn đầy niềm an lạc.

Tapchinghiencuuphathoc.vn An Lac Tung Phut Giay

Bớt đi những phiền não về vật chất, lòng con đã nhẹ nhàng hơn.

Con hân hoan tiến về phía Phật, những nấc thang đầu tiên, con suy nghĩ về những phiền não luôn ngự trị trong lòng bấy lâu nay. Trong xã hội đầy đua tranh này, con cũng như bao người dù muốn hay không cũng phải chạy theo vật chất. Người ta so sánh với nhau về thu nhập, nhà cửa, xe cộ, người ta thỏa mãn mình rồi nhưng lại không muốn thua thiệt với người khác. Rồi thì công danh, sự nghiệp, con cái… người ta hơn thua nhau từ những bằng cấp, thành tích… Khi đặt chân lên những nấc thang này, xung quanh là cây lá, bên trên là mây bay, có gì đâu chỉ có gió vi vu, ấy vậy mà nơi đây bình yên quá đỗi. Trong 14 điều răn, Phật đã dạy: “Bi ai lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ”. Vậy thì hạnh phúc có phải là phải có rất nhiều của cải, phải hơn người này người kia mà lao đầu vào kiếm tiền hay đấu đá nhau không? Chắc có lẽ là không, từng nấc thang nói với con hạnh phúc là khi mình biết đủ. Hạnh phúc là khi mình biết cảm nhận từng phút giây trong hiện tại, như khi con bước đi trên từng nấc thang này, con biết con đã gần thêm với Phật một bước.

Bớt đi những phiền não về vật chất, lòng con đã nhẹ nhàng hơn. Con cứ thế bước lên những nấc thang cao hơn, rũ hết những thứ trong lòng mà bấy lâu con không dám buông bỏ. Con tự hỏi con người có thật sự biết yêu thương không? Yêu thương đúng nghĩa có phải là bắt buộc người ta phải yêu thương lại mình không? Hay chúng ta có thể yêu người khác không với một tâm hồn đầy thương tổn? Vậy yêu thương có phải là hy sinh không? Nhưng hy sinh phải được nhìn nhận từ góc độ nào? Có phải chúng ta luôn nhớ sự hy sinh của chúng ta mà quên đi hoặc không thấy được sự hy sinh của người khác? Vậy nếu như ta cứ chấp niệm trong tình cảm, cân đo đong đếm trong tình cảm, thì rõ ràng chúng ta sẽ không bao giờ thấy hạnh phúc. Cũng như khi bước đi trên các nấc thang này mà trong đầu cứ nghĩ còn bao nhiêu bậc nữa thì đến, thắc mắc khi đến nơi chúng ta sẽ được những gì? Thì chỉ làm cho bước chân thêm nặng nề hơn. Chi bằng chúng ta đừng quá trông mong, đừng quá đòi hỏi người khác. Con nghĩ hãy cứ yêu thương chân thành, đối đãi với bản thân cũng như với cuộc đời đừng quá khắt khe. Chấp niệm vào một điều gì đó sẽ khiến ta không thể nhìn xa trông rộng. Con nhớ lời dạy của Phật khi dùng ngón tay để chỉ trăng, kẻ chấp niệm chỉ nhìn vào ngón tay mà không thấy trăng đâu, người giác ngộ sẽ biết nương theo hướng tay người mà nhìn thấy vầng trăng sáng.

Con đã đi lên được nửa đoạn đường, nhìn đôi chân chính mình đang sải bước khoan thai lên từng bậc thang, con cảm thấy vô cùng may mắn. Có biết bao nhiêu người ngoài kia không thể bước đi. Có biết bao nhiêu người không lành lặn được như con, khuyết đi một phần cơ thể. Mắt không thấy được những ánh sáng lung linh nhiệm màu, tai không thể nghe được những âm thanh cuộc sống. Hay là họ cũng không nói được, khi buồn cũng không thể nói hết những uất ức. Con lại may mắn khi có thể đứng đây và ngước nhìn trời xanh, có thể nghe thấy tiếng chim hót trong vòm lá. Chân con bước lên những viên sỏi nhỏ, nghe tiếng lao xao như là nhịp đập của cuộc sống, nhịp đập của trái tim. Tay có thể dang rộng đón làn gió mát lành, hứng những chiếc lá vàng bị gió thổi rơi. Bước lên từng nấc thang và hít hà hương rừng, hương núi cùng với hương khói nhang trầm, con cảm thấy những lo toan và đua tranh không còn ý nghĩa. Phật đã dạy: “tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe và trí tuệ”, bản thân chúng ta là một thực thể hạnh phúc, vậy thì còn tìm gì ở mãi nơi đâu?

Con bước tiếp với lòng biết ơn tạo hóa vì đã cho con kiếp sống con người. Biết ơn cha mẹ đã tạo ra hình hài và nuôi lớn con trong tình thương bao la. Con cũng cảm ơn những người thân trong gia đình con, cảm ơn người chung chăn gối và các con của con, những người đã cho con ý nghĩ và mục đích cuộc sống. Con nghĩ đến biết bao nhiêu số phận ngoài kia, bị khiếm khuyết cơ thể, khiếm khuyết gia đình hay gặp những hoàn cảnh bất hạnh. Con bỗng muốn chia sẻ những gì mình có được, có thể nó rất nhỏ đối với người dễ kiếm được nhưng lại rất lớn và cần thiết đối với những người không may mắn. Một con chim én không làm nên mùa xuân, nhưng nhiều con chim én, nhiều bàn tay gớp sức, sẽ làm cho mùa đông thêm ấm áp. Và mùa xuân sẽ lại về trên những đóa môi cười. Con càng thấm nhuần thêm lời dạy của Phật: “An ủi lớn nhất đời người là bố thí”.

Kỳ lạ làm sao, con đã bỏ lại những nấc thang từ lúc nào, mải nghĩ suy con đã đứng trên đỉnh núi và Phật đã gần ngay trước mắt. Không cần chạm vào con cũng cảm thấy Phật tràn ngập trong tâm. Có phải từ khi con bỏ đi những dục vọng, sân si, có phải từ khi con biết yêu thương cuộc sống này thì Phật đã ở trong con, với một lòng bao dung như biển trời, như mặt đất. Con nhìn lại những nấc thang đã đưa con đến niềm an lạc, con nhìn bao la núi đồi như có bóng Phật bao trùm lên hoa lá cỏ cây, lòng cảm thấy an yên hơn bao giờ hết. Có những thứ hạnh phúc không phải bằng níu giữ, mà là buông bỏ và cho đi không toan tính. Như Phật đã dạy: “Món nợ lớn nhất đời người là tình cảm”, chỉ có tình cảm mới tạo nên lòng trắc ẩn và khiến con người xích lại gần nhau hơn.

Những nấc thang lại đưa con trở về, nhưng lần này đồng hành với con không còn nỗi muộn phiền hay sân si đố kỵ, đồng hành với con là những lời dạy và lòng tôn kính đối với đức Phật, niềm kính yêu cha mẹ, sự yêu thương gắn kết với người thân và một niềm an lạc vô biên đang bình yên chảy trong huyết quản.

Tác giả: Kim Loan
Viết từ xứ sở Chùa Vàng

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường