Tục đi tu báo hiếu của người Khmer ở Trà Vinh là một truyền thống có từ lâu đời, thể hiện nhiều giá trị văn hóa, giáo dục trong cộng đồng dân tộc Khmer. Thời gian tu tập kéo dài ít nhất 3 tháng, tùy theo nhân duyên và ý nguyện của từng người.
Thực hiện: Trịnh Nguyễn Nguồn: Báo Dân Trí
Việc đi tu báo hiếu là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Khmer. Với người dân Khmer, con trai 12 tuổi được gia đình đưa vào chùa học giáo lý, học chữ... để báo hiếu cha mẹ.
Trong ngày đầu tiên, người con trai được các sư làm lễ thế phát (cạo đầu), thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một tấm khăn vải trắng khoác lên vai từ trái sang phải. Tấm vải trắng mới này được gọi là Pênexo, một khi khoác tấm vải trắng này tức là anh ta đã từ bỏ thế tục.
Lễ thế phát được tổ chức cùng thời điểm, tập hợp nhiều người để giảm tốn kém và không phải tổ chức nhiều lần.
Sau khi Sư Cả thống nhất ngày nhập tu thì gia đình phải chuẩn bị áo cà sa, bình bát và một số vật dụng khác cho con mình.
Trong ngày làm lễ thọ giới, gia đình và người thân đến dự lễ đông đủ để chúc mừng các con xuất gia, tạo thêm phước đức cho dòng họ.
Đi tu được coi như một nghĩa cử xã hội của nam giới Khmer. Người trải qua thời kỳ tu khi hoàn tục đều được xã hội kính trọng vì người Khmer thường quan niệm rằng đó là người đã hoàn thành trách nhiệm và học được cách làm người, biết chữ nghĩa.
Nguồn gốc của việc tu báo hiếu của người Khmer bắt đầu từ câu chuyện một gia đình người dân Khmer có cha mất sớm, mẹ kiếm sống bằng nghề đi săn bắt thú rừng. Thấy mẹ sát sinh hại vật tội lỗi, Socpenh Kokma (đứa con duy nhất) trốn mẹ đi tu để hóa giải tội lỗi của mẹ. Khi mẹ Socpenh chết, bà bị quỷ dữ trừng phạt, nhưng không quỷ dữ nào hành hạ được bà vì chính đức độ tu hành của con bà đã hóa giải những tội lỗi cho mẹ.
Ngoài ra, người Khmer cũng thường thăm viếng và dâng lễ tại các chùa và đền thờ để cầu xin sự bình an và may mắn cho gia đình. Đồng thời, họ cũng tham gia các hoạt động giúp đỡ những người xung quanh.
Buổi tiễn đưa các tăng lên chùa được tổ chức rất trang trọng, người tu ngồi trên lưng ngựa, có lọng che cũng như để tưởng nhớ việc Phật Thích Ca rời kinh thành xưa kia.
Để chuẩn bị cho việc tu tập, người thân trong gia đình các tăng đã chuẩn bị thức ăn để cúng và dâng lên chùa. Các tăng mới sẽ được mặc áo cà sa.
Việc đi tu báo hiếu cho ông bà cha mẹ là một nét đẹp trong cộng đồng phật tử Khmer. Đối với người Khmer, đi tu không phải để trở thành Phật mà là để thành người có đạo đức, trí tuệ, đặc biệt là lòng nhân ái với mọi người.
Việc đi tu báo hiếu của người Khmer không chỉ mang giá trị tín ngưỡng mà còn là cách thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng đối với người thân và cộng đồng. Đây là một phần quan trọng của văn hóa của họ và đóng vai trò trong việc giữ gìn và phát triển các giá trị tinh thần của xã hội.
Thực hiện: Eason Chang
Bình luận (0)