Đặt vấn đề

Phật giáo phát triển qua các thời kỳ, theo dòng lịch sử tư tưởng mỗi thời kỳ nói lên những đặc thù thịnh suy của Phật giáo, qua so sánh đối chiếu sự đồng dị về tư tưởng, quan điểm của các bộ phái, chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn cội nguồn, bản chất thực sự của Phật giáo, vô số những điểm tranh luận đến từ Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ, Phật giáo Đại thừa mang tầm vóc ngay từ khi xuất hiện. Môi trường sống của tăng đoàn thay đổi, chuyển từ đời sống xuất thế viễn ly sang đời sống nhập thế, đã hình thành tư tưởng Đại thừa giúp chúng ta phá những tư tưởng cố chấp vào truyền thống Nguyên thủy. Từ đó hình thành nên trào lưu tư tưởng Đại thừa phát triển đến nay. Có thể nói, dựa vào tinh thần Giới luật mà Phật giáo Đại thừa đã phá các vấn đề chẳng liên hệ đến việc giác ngộ, giải thoát. Tư tưởng Đại thừa đề cao phá chấp, phá tướng cả về hình thức lẫn nội dung. Đây là cuộc cách mạng, bước đột phá mạnh mẽ trong lịch sử tư tưởng Phật giáo.

Chính tư tưởng Vô trụ trong kinh Kim Cang, thuộc hệ tư tưởng Bát nhã đã chứng minh cho tư tưởng đặc thù vi diệu này, sự chuyển biến mạnh mẽ của Phật giáo Đại thừa. Vô trụ là tư tưởng chủ yếu nhất, mô tả xuyên suốt trong tạng kinh Kim Cang, với sức công phá các tư tưởng không muốn thay đổi, chấp nê vào truyền thống Nguyên thủy, từ đó thể hiện ra được nghĩa lý thâm diệu của tư tưởng Đại thừa nhưng không vượt ngoài tính chất truyền thống Phật giáo trong giáo lý Kim Cang. Chính vì thế, người viết tìm hiểu ý nghĩa tư tưởng vô trụ trong kinh Kim Cang làm rõ các điểm tư tưởng chính yếu.

Tag: kinh Kim Cang, phật giáo Đại thừa, vô trụ, thượng tọa bộ, đại chúng bộ, tư tưởng, bát nhã, giới luật, phá chấp…

1. Tổng quan kinh Kim Cang

1.1. Nguyên nhân ra đời Phật giáo Đại thừa

Nhắc đến quá trình phát triển của Phật giáo là nói đến sự tương tác giữa Phật giáo với tư tưởng, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán… Sự tiếp biến Phật giáo về mặt thời gian, không gian, có thể xem là yếu tố chủ yếu góp phần thách thức Phật giáo trước con người và thời đại. Với sự phát triển đa phương diện, Phật giáo vẫn tồn tại, đứng vững trước nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử.

Theo sử liệu Kathavatthu cho rằng, sau Phật diệt độ 218 năm, dưới thời vua Asoka xuất hiện sự bất đồng về giới luật, cụ thể là “Thập phi pháp sự”[1]. Tại hội nghị, kết quả của đại hội chỉ dựa trên sự phán quyết của 8 vị Trưởng lão, thể chế “luật bất thành văn” này chính là điểm manh nha cho sự rạn nứt Tăng đoàn nảy sinh trong lòng chư Tăng thuộc Đại chúng bộ.

Theo nguồn sử liệu Dị bộ tông luận của Bắc truyền cho thấy nguyên nhân phân phái chính do sự bất đồng về tư tưởng, đó là “Ngũ sự Đại Thiên”[2]. Thời gian xảy ra sau 100 năm đức Phật diệt độ, Đại Thiên phản bác tư tưởng thần Thánh hóa của Phật giáo đương thời nhất là của Hữu Bộ. Cuộc tranh luận đưa đến sự phân phái Tăng đoàn, về sau nội bộ hai phái này lại có những bất đồng, tiếp tục phân chia thành nhiều trường phái nhỏ. Kết quả cho sự phân phái của hệ Thượng Tọa bộ sau 7 hay 8 lần phân chia đã hình thành được 11 bộ. Còn Đại Chúng bộ sau 4 hoặc 5 lần hình thành được 9 bộ phái. Về mặt tích cực, sự phân phái mang tính tự do tư tưởng làm cho giáo nghĩa Tam tạng kinh điển được phát huy, như tạng Luật và Luận của Thuyết nhất thiết hữu bộ (bảo lưu tại Đại tạng kinh chữ Hán) và Phật giáo Đại thừa đã ra đời, bộ kinh Bát nhã Ba la mật đa được xem là một trong hai bộ kinh thịnh hành nhất trong Phật giáo Đại thừa. Từ những biên niên sử, cho thấy sự phân phái Phật giáo không có sự nhất quán mặt nguyên nhân, nội dung bàn. Tuy nhiên, người viết không đi sâu vào những khía cạnh này mà chỉ đề cập đến nghiên cứu bản văn gốc của kinh về một bình diện liên quan đến đề tài khảo luận.

Kinh Kim Cang Bát nhã Ba la mật tiêu biểu rất cần thiết, tóm lược nét tinh yếu cho toàn bộ tạng Bát nhã, thể hiện đủ tất cả tinh thần chân không diệu hữu. Kinh Kim Cang mà hiểu được là nắm chắc tư tưởng của Bát nhã, một trong những đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo Đại thừa.

1.2. Lịch sử hình thành bản kinh Kim Cang

Từ triều đại vua Asoka đến triều đại vua Kanishka là giai đoạn lịch sử hưng thịnh nhất thời Ấn độ cổ đại “nhiều cao tăng xuất hiện, công cuộc biên soạn kinh điển Đại thừa được xúc tiến”[3]. Theo nhiều nhà nghiên cứu Phật học, từ hai miền Trung Nam nước Ấn bộ kinh Kim Cang xuất phát từ đây, vì chịu ảnh hưởng từ Địa Trung Hải và nền văn minh Hy Lạp mà phái Đại thừa phát khởi. Theo ông E. Conze cho rằng kinh này phát triển ở miền Tây Bắc vào thế kỷ 1 sau Công nguyên. Sự hưng thịnh của bộ Bát nhã Ba la mật đa qua vài nghìn năm, được phân làm 4 giai đoạn ở thời kỳ bắt đầu từ 100 năm sau Công Nguyên đến 1200 năm sau Công Nguyên, nhưng có một vài học giả không đồng tình cho là bộ kinh có mặt sớm hơn, lúc hình thành là lúc bộ kinh được viết trên lá Bối bằng tiếng Sanskrit. Vì thế, bản văn chữ viết của bộ Bát nhã được xuất hiện trước 200 năm tức là trước Tây lịch, chính điều đó chúng ta có thể xác định bản văn kinh Kim Cang hình thành cũng lúc ấy.

1.3. Xuất xứ bản kinh

Bản chữ Hán Kinh có trong Đại chánh tân tu Đại tạng kinh bộ 7 và bộ 8 được phiên bản như bộ Kim Cang Bát nhã Ba la mật kinh đời Diêu Tần ngài La Thập dịch[4]; “Kim Cang Bát nhã Ba la mật kinh đời Nguyên Ngụy, ngài Bồ đề Lưu Chi dịch”[5]; Kim Cang Bát nhã Ba la mật kinh đời Trần, ngài Chân Đế dịch[6]; Kim Cang Bát nhã Ba la mật kinh đời Tùy, ngài Cấp Đa dịch[7]; bản “Phật thuyết năng đoạn Kim Cang Bát nhã Ba la mật kinh đời Đường, ngài Nghĩa Tịnh” dịch[8] và phiên bản Đệ cửu hội năng đoạn Kim Cang đời Đường, ngài Huyền Tráng dịch[9]. Trong các phiên bản thì bản Pháp sư Cưu ma La Thập được nhà nghiên cứu Phật học dùng chú giải, tác động lớn đén sự tu tập bởi nhiều thế hệ sau này, bản kinh được ngài La Thập lĩnh ngộ ý kinh mà dịch rất thâm diệu trong sáng đem đến cho hàng hậu học.

Trong bộ Đại Bát nhã Ba la mật gồm 600 quyển thì bộ kinh Kim Cang Bát nhã Ba la mật-đa nằm ở quyển 577 và trong 16 hội nằm ở hội thứ 9. Nơi thành Xá-vệ phía Nam trung Ấn, đức Phật thuyết giảng cho hàng đệ tử, lúc bấy giờ kinh Kim Cang Bát nhã Ba la mật là bản kinh thâm diệu ra đời đem lợi lạc cho chúng ta.

1.4. Tựa đề bản Kinh

Mang tên gọi Kim Cang Bát nhã Ba la mật đa kinh đủ để dung chứa nội hàm điều quan trọng tinh túy nhất của Kinh. Ở đây, Kim Cang (Kim Cương) chỉ cho loại Kim cương bảo, Bồ tát dùng để trang nghiêm, loại bảo vật quý hiếm có thể bắt đầu hiểu ra tất cả mà không bị các loại khác gây tổn hại nó. Bát nhã chỉ cho trí tuệ, được đức Phật dùng để chỉ cho sự biết rõ những điều là đúng sự thật, thực chứng chánh giác, tức mô tả tướng chân thật, đạo lý hợp lẽ phải. Như trong Đại Trí Độ luận nhận định: “Bát nhã là thật tướng, sự cạn sâu của trí tuệ, không thể lấy đó làm tên gọi”[10]. Có thể hiểu, Kim Cang Bát nhã chính là sự quán sâu xa của người có trí tuệ biết rõ bản chất hết thảy pháp vốn là không và trong sạch, thật tướng hết thảy pháp xưa nay chẳng sinh chẳng diệt cũng như Niết bàn và trí tuệ cũng chẳng tăng giảm, chẳng mất chẳng hoại. Ba la mật nghĩa là đến bờ bên kia, tức vượt qua. Ý nghĩa chân thật của Ba la mật còn chỉ cho Bát nhã, việc đã rốt ráo, do đó người tu tập cần thấu hiểu thật tướng của các pháp, hoàn thành mọi công đức tự lợi, lợi tha thì mới thật sự gọi là Ba la mật vậy. Kinh được hiểu theo nghĩa gốc là sợi dây chỉ, được các đệ tử của đức Phật biên kết lại thành lời dạy của Ngài và lưu truyền mãi đến ngày nay, như sợi chỉ xâu các đóa hoa chẳng làm rơi rớt được.

Qua tựa đề bản kinh đã hiển lộ, Bát nhã là cốt lõi tinh túy của Đại thừa, Bát nhã là mục đích chính của Bồ tát hạnh, được Bát nhã nhiếp trì thì mọi hạnh lành mới có khả năng đạt đến quả vị Phật rốt ráo, đến bờ bên kia. Theo đây, người phát tâm bồ đề có khả năng dùng diệu huệ như Kim Cang, để liễu ngộ thật tướng các pháp, thực hiện các hạnh lành y theo tu hành Bồ tát đạo thì sẽ đạt cứu cánh của bờ bên kia vô thượng Bồ đề.

2. Giá trị nội dung của Kinh Kim Cang

2.1. Nội dung chính yếu của kinh Kim Cang

Trong thời pháp kinh Kim Cang được đức Phật giảng cho 1250 vị đệ tử và một số chư Bồ tát, với đại diện cho hàng thính chúng là tôn giả Tu Bồ Đề. Nội dung chính yếu của Kinh, tóm tắt thành hai điểm[11]:

Một là, Kim Cang “Bát nhã là Vô thượng biến chánh giác”, nghĩa “pháp pháp bình đẳng không có cao thấp”, “chẳng thật chẳng hư vọng” đều xuất phát từ vô trụ Bát nhã để hiển lộ Vô thượng biến chánh giác. Bát nhã là chẳng có nơi để trụ, tuy chẳng có chỗ bám mà phát khởi tâm này, chẳng chấp thủ các tướng thì sinh thật tướng, tức gọi là Phật. Rõ ràng, sự thấu triệt vô trụ của Bát nhã, cũng tức là sự chứng đắc của bồ đề lìa tướng. Đây là vấn đề người viết đặt trọng tâm để nghiên cứu, làm sáng tỏ thậm thâm diệu nghĩa chơn thật của tư tưởng vô trụ.

Hai là, nói về hai loại Đạo (Bát nhã đạo và Phương tiện đạo), tức nói về quá trình từ lúc Bồ tát mới vừa phát tâm cho đến thành Phật, được chia thành hai giai đoạn. Bát nhã chính là bồ đề, hai đạo này chính là năm loại Bồ đề. Trong đó, Bát nhã đạo gồm: “1. Phát tâm bồ đề; 2. Phục tâm bồ đề; 3. Minh tâm bồ đề” và Phương tiện đạo gồm: “4. Xuất đáo bồ đề, 5. Cứu cánh bồ đề”.

2.2. Khảo sát kinh bằng bản dịch chữ Hán

Bộ kinh Kim Cang là dịch phẩm đầu tiên được Tam tạng Cưu Ma La Thập dịch tiếng Phạn sang Hoa. Ngoài ra, còn có năm bản dịch khác, tiếp theo vào đời nhà Nguyên do Bồ Đề Lưu Chi dịch, bản thứ ba đời nhà Trần do Ngài Chơn Đế dịch, tiếp đó đời Tùy do Đạt Ma Cấp Đa dịch, bản thứ năm đời Đường do ngài Huyền Trang dịch, bản thứ sáu cũng vào đời Đường do ngài Nghĩa Tịnh dịch. Bản dịch đầu tiên của Ngài La Thập thông thường phổ biến.

2.3. Điều thiết yếu của bản kinh với Thiền tông

Sự phồn thịnh phát triển của Thiền tông vào thời Đường, Tống có liên quan đến bộ kinh này. Theo truyền thuyết, Ngài Huệ Năng khi bái kiến Ngũ tổ Hoằng Mai, tình cờ nghe “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”[12] bừng ngộ, cuối cùng Ngài được truyền y bát. Cho nên, cần biết điều thiết yếu của kinh này đối với Thiền và sau đặt trọng tâm cửa Thiền tông.

3. Ý nghĩa tư tưởng vô trụ trong bản kinh Kim Cang

Đã được biết, kinh Kim Cang trình bày về trí tuệ siêu việt và con đường thể nhập trí tuệ ấy, loại trí tuệ như thanh gươm báu có thể chặt đứt hết tất cả tham ái, chấp thủ và vô minh, chặt đứt hết thảy đau khổ. Kim Cang xem là bộ kinh tóm lược các nét chính yếu của Bát nhã. Ý nghĩa vô trụ chứa đựng thậm thâm vi diệu nghĩa, giúp hành giả thực hành tu tập thể nhập Bát nhã.

3.1. Hiểu về thật nghĩa của vô trụ

Chúng ta biết rằng, đức Phật vì Tu Bồ Đề dạy về pháp phát tâm để thành tựu cứu cánh bồ đề, thấu triệt đạo lý lìa tướng chẳng trụ. Vô trụ là chẳng có nơi trụ, tuy chẳng có nơi bám mà phát khởi tâm; vô trụ là không chấp thủ các tướng, liền sinh thật tướng, tức gọi là Phật vậy. Khi hành giả thấu triệt được vô trụ của Bát nhã, cũng tức là chứng đắc của Bồ đề lìa tướng. Điều này chính đức Lục tổ đã liễu ngộ thâm ý vi diệu từ tư tưởng vô trụ qua câu: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” để chứng đắc pháp của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.

Trụ ở đây là chấp trước không xả bỏ. Vì thế, hết thảy các pháp nên chẳng nơi bám vào, không trụ vào bất cứ pháp nào, cũng không trụ vào không pháp. Vì “tất cả các pháp đều không”, bởi thế bản chất sự vật giả dối tạm thời, cái hưng thịnh thay đổi, cũng như dòng nước, đổi thay liên tục, chẳng tướng nào bền chắc, không thể nắm giữ. Đây là thật nghĩa “Ưng vô sở trụ” trong kinh Kim Cang. Quan điểm này nhất quán với giáo lý Nikaya, theo đó chẳng bám víu tương ứng với chẳng có sự khởi tâm hết thảy các tướng. Tức là, chẳng bám vào chẳng có tánh hay chẳng có ngã tính hết thảy mọi pháp. Cũng là nội dung chánh niệm, thức tỉnh, từ bỏ tham ái và sầu não. Đức Phật có dạy: “Này Ānanda, Ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều”[13].

3.2. Ý nghĩa vô trụ trong bài kinh Kim Cang qua lời đức Phật dạy

Ngay trong phần mở đầu Kinh, ngài Tu Bồ Đề cầu thỉnh Như Lai chỉ dạy: “Kính bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, làm thế nào được an trụ và làm sao hàng phục tâm này?”[14]. Tiếp đây, đức Phật giảng pháp vô trụ cho hàng Bồ tát để sinh tâm và hàng phục tâm. Xuyên suốt các vấn đề trong Kinh được đức Phật chỉ dạy cho Ngài Tu Bồ Đề nhằm mục đích hiển lộ tư tưởng vô trụ Bát nhã đệ nhất nghĩa.

Đức Phật dạy: “Nên không có chỗ trụ mà sinh tâm”, bản gốc chữ Hán “應無所住而生其心”[15]

Toàn bộ bản kinh, những điều đức Phật dạy Tu Bồ Đề nói về ý nghĩa thống nhất: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, hiểu là “nên không có chỗ trụ mà sinh tâm này”. Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Thế nên này Tu Bồ Đề! Các Bồ tát ma ha tát, nên như thế mà sinh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sinh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sinh tâm, nên không có chỗ trụ mà sinh tâm này”[16]. Điều này cho thấy, Bồ tát tu tập thực hành pháp Đại thừa, đều phải phát khởi tâm trong sạch thanh tịnh, lìa bỏ tâm chấp trước bất thiện, không nên vì tướng trang nghiêm của tịnh độ mà mê hoặc bởi tướng ấy. Cần biết rằng hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, các pháp như huyễn hóa tạm bợ, không có tự tánh chân thật, nếu chấp trước vào đó là căn nguyên của tam độc, từ đây sinh khởi tham lam, sân giận và ngu si, đưa đến khổ đau và gây nhiều tội lỗi. Vì thế, chẳng nên trụ vào hết thảy các pháp, mà khởi sinh tâm trong sạch, tức chỗ chẳng có nơi bám mà khởi tâm, xa lìa các tướng như thế mà tâm được trong sạch đồng với “tâm tịnh tức quốc độ tịnh”[17].

Bồ tát chẳng để sáu căn vướng mắc sáu trần mà chân tâm bày tỏ, Ngài Bá Trượng có dạy: “Biết tâm cùng cảnh vốn không đến nhau thì ngay nơi đó là giải thoát”[18] nghĩa là vậy. Bồ tát cần trụ tâm trong sạch nơi tâm không có sự chấp nhất. Đây là chìa khóa toát ra cánh cửa tâm Phật, khiến mọi người sống thế gian chẳng vướng bụi trần, nhìn nhìn hình, âm thanh hay dỡ, hơi tỏa ra, biết qua món ăn, thân tiếp nhận chạm các vật nhưng tâm chẳng hề say, an nhiên thảnh thơi. Cách sống an nhiên này chính là “đối cảnh vô tâm” ở bài Cư trần lạc đạo: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/Cơ tắc sang hề khốn tắc miên/Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”[19]. Sống trong cảnh trần chẳng vướng bụi trần, thong dong, sống nhẹ nhàng và chẳng bám trước mọi hoàn cảnh, nương tựa chân tâm trong sạch, chính là phương châm “vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”.

Trong Kinh có đoạn, Phật dạy rằng: “Này Tu Bồ đề! Bồ tát đối với pháp nên dùng tâm vô trụ mà hành bố thí, có nghĩa là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí”[20]. Nghĩa là, Bồ tát khi thực hành bố thí, thì lấy tinh thần vô sở trụ đối với pháp mà thực hành bố thí. Điều này mang ý nghĩa chẳng nên trụ ở cảnh giới của sắc mà thực hành bố thí, chẳng nên trụ ở cảnh giới của âm thanh cho đến cảnh giới của pháp mà tập bố thí. Mọi người khi thể hiện pháp bố thí, vì còn trụ ở pháp hình tướng nên vẫn dính mắc sáu ngoại cảnh, bị sáu cảnh bên ngoài làm lay chuyển mà chẳng thể an nhiên giải thoát. Vì thế, Bồ tát tu hành nên chẳng trụ ở nơi tướng ấy, tức cảnh tướng sáu trần mà thực hành bố thí. Chẳng trụ ở bất kỳ tướng nào để bố thí, thì cách bố thí ấy có khả năng hàng phục các phiền não, thành tựu phước đức to lớn chẳng thể lường. Vượt lên trên nghĩa lý thâm diệu, đức Phật giảng dạy Bồ tát thực hành vô tướng bố thí, tức chỉ cho bố thí phù hợp với tánh không, bố thí trong tinh thần người cho và người nhận cả hai đều không có tự tánh. Đây mới thật là vi diệu nghĩa.

Quan điểm tư tưởng “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang thống nhất không có sự mâu thuẫn với giáo lý Phật giáo Nguyên thủy. Chính đây là con đường để an trú tự tâm, tăng trưởng và nhiếp phục, kiềm chế tâm trong bộ Nikaya. Trong Trung bộ kinh, đức Phật dạy: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”[21]và có thể nói gọn: “Này chư Tỳ kheo, nếu chấp thủ năm uẩn, chấp thủ tự ngã của các pháp, thì kẻ phàm phu sẽ dao động, khổ đau. Nếu không chấp thủ năm uẩn, không chấp thủ tự ngã của các pháp, thì tâm sẽ an trú, thoát ly khỏi phiền não, khổ đau”[22].

Phật dạy: “Không trụ tướng Phật mà sinh tâm”

Kinh đã chỉ phương thức lìa bỏ bám chặt “thấy thân tướng của Phật là thấy được Phật” đối với vị thực hành: “Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể dùng thân tướng mà thấy Như Lai chăng?Bạch Thế Tôn, chẳng thể được. Chẳng thể dùng thân tướng mà thấy Như Lai. Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng thân tướng thật chẳng phải là thân tướng. Phật bảo Tu Bồ Đề: Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng, thật chẳng phải tướng, tức là thấy Như Lai”.[23]

Đức Phật khuyên mọi người thực tập sống “vô sở trụ” để sinh khởi tâm, tất cả sự vật có hình tướng chuyển dạng khó giữ lại cái ban đầu, nên có câu “hữu tướng tất hữu hoại”, có hình tướng đương nhiên có sự tan biến vì chúng do duyên hợp thành, có tạo ắt có mất, do đó tướng chân thật của mọi tướng là chẳng phải tướng, từ đây hẳn chúng ta gặp đức Phật, nghĩa là thấy chân tâm luôn an trụ. Mọi người ngộ ra tướng thật sự của hết thảy pháp là chẳng phải tướng, lúc này người tu tập cần kiểm soát tâm mình, giữ tâm lại chẳng cho theo các hiện tượng bên ngoài (chớ cho các căn vướng các trần), hướng tâm vào nơi chẳng dính mắc, trong sáng, an nhiên khi đối mặt sinh diệt, phiền não cần kiểm soát nhiếp hóa an trú. Bởi thế, kiểm soát nhiếp tâm ắt sẽ chánh niệm. Qua truyện kể, Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc vì muốn thấy pháp tướng đức Phật trước mà hóa thân thành Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng kỳ thực chính ngài Tu Bồ Đề là vị thấy đức Phật trước, do Ngài đã thể nhập tánh không hết thảy các pháp mà thấy rõ pháp thân của đức Phật. Bởi thế, đức Phật dạy rõ: “Nếu từ sắc thấy Ta/Từ âm thanh tìm Ta/Người ấy hành đạo tà/Không thể thấy Như Lai”[24].

Qua những lời dạy, kinh Kim Cang cho chúng ta cái nhìn về trung đạo ý nghĩa chân thật khởi tâm xa lìa chấp thường còn (cho thân sắc là Như Lai) và xa lìa khỏi chấp đoạn diệt (cho rằng thân sắc khác hẳn với Như Lai). Được hiểu là, Kim Cang thể hiện rõ thật tướng thì xa lìa khỏi hết thảy các ngã tướng, lìa khỏi hết thảy chấp thủ ngã tướng của các pháp. Quan điểm này đồng nhất với giáo lý Nguyên thủy, trong kinh Tương ưng, Phật dạy: “Cho rằng khổ do mình tạo ra, là rời vào thường kiến. Cho rằng khổ do người khác làm ra, là rơi vào đoạn kiến. Từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết Trung đạo: Như trên”[25].

Phật dạy: “Không trụ tướng pháp mà sinh tâm”

Bản kinh Kim Cang, đức Phật chỉ dạy phương thức gỡ bỏ sự nắm giữ sự vật của hành giả: “Tại sao vậy? Vì nếu các chúng sinh ấy, tâm còn chấp tướng, là còn có chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả…vì nếu còn chấp tướng phi pháp, tức còn chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Do vậy không nên chấp pháp, cũng không nên chấp phi pháp… Như Lai thường nói: Này các Tỳ kheo! Nên hiểu rằng, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp”[26]. Mang ý nghĩa là bốn tướng “ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả” hợp thành một tướng ngã, nếu lìa dứt khỏi sự nắm giữ chặt về tướng ngã sẽ chứng đắc “ngã không”; chẳng có tướng pháp, tức xa lìa sự dính mắc vào tự tánh của các pháp sẽ chứng được “pháp không”; chẳng có tướng phi pháp, tức xa lìa sự vướng mắc không tướng của ngã không và pháp không mà chứng được “không không”. Với chấp ngã, chấp pháp và chấp không không ba tướng này đều vắng lặng tịch tĩnh, khi đó từ trong Bát nhã vô tướng sinh khởi, tâm niệm sẽ trong sạch nhẹ nhàng. Do vậy, “không tin hết thảy pháp là tin Bát nhã, chẳng sinh hết thảy pháp ắt sinh Bát nhã” là vậy. Chân lý được đức Phật giảng dụ con thuyền đưa con người vượt ra biển đau khổ, đến nơi vứt nó lại phía sau, ai còn mang theo thuyền là người mê. Vì thế, chân lý Như Lai là phương tiện giúp con người khai thông trí tuệ chớ không phải là cứu cánh: “Người nói pháp, không có pháp gì để nói, đó mới gọi là nói pháp”[27]. Bằng phương châm: “không có pháp để thuyết mới gọi là thuyết pháp”, đức Phật chỉ ra cho mọi người nhận diện thấy pháp tính chân thật.

Quan điểm này thống nhất với giáo lý Phật giáo Nguyên thủy, đức Phật dạy: “Này chư Tỳ kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỳ kheo, các ông cần hiểu ví dụ cái bè... Chính pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”[28]. Điều đó đã minh chứng rằng kinh Kim Cang (Đại thừa) và Nikaya (Nguyên thủy), cả hai tạng giáo lý đều chỉ cho người tu tập trở về với chính mình để đoạn diệt sự ham muốn, nắm giữ trong tâm hồn mình. Mọi hình ảnh như chính chiếc bè hay toàn bộ giáo lý được buông thả, bỏ lại sau lưng người thực tập mà cập bến an toàn.

Phật dạy: “Không trụ tướng pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà sinh tâm”

Trong bản kinh, Như lai chỉ phương thức phá tan cái nắm giữ tướng của chúng sinh như nắm giữ mọi thứ và Ngài phá vỡ luôn chấp vào “có pháp vô thượng chánh đẳng giác để chứng đắc” của người thực tập hành đạo: “Này Tu Bồ đề! Thật không có pháp để phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác”[29]. Được hiểu là, chúng ta bởi mê mờ vô minh, vọng tưởng che lấp tâm trí mà chấp có “pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác” để đạt đạo. Bởi rằng, “pháp Vô thượng chánh đẳng giác” bấy lâu nay vốn đã vậy, chẳng phải đợi có chứng hay chẳng có chứng, còn và mất hay sao.

Do đó, đức Phật nói Ngài Tu Bồ Đề: “Này Tu Bồ Đề! Thật không có pháp nào để Phật thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác”[30]. Sự phá vỡ các kiểu nắm giữ này khiến mọi người hiểu ra ai muốn cầm nắm cái tôi và các pháp chẳng thể bước lên “Vô thượng chánh đẳng giác”. Cánh cửa đạo mênh mang nhưng còn chút dính mắc cái tôi cũng chẳng thể thâm nhập, trí tuệ Bát nhã có khả năng phá tan rã gột sạch mọi sự nắm giữ cái tôi với các pháp bấy giờ Phật tánh hiển lộ vậy.

Phật dạy: “Bát nhã chánh quán về tính không”

Nội dung kết thúc bản kinh Kim Cang đã tóm gọn về con đường thể nhập trí Bát nhã, đưa ra sáu thí dụ, để nói về các pháp gọi là giả danh, nghĩa là Bát nhã chánh quán về tính không, làm cho người tu tập hiểu rõ ý nghĩa Không đã được Như Lai giảng thuyết, lìa hình tướng, bất trụ, giả tạm, không chấp trước được thể hiện qua bài kệ: “Tất cả pháp hữu vi/Như mộng, huyễn, bọt, bóng/Như sương, như ánh chớp/Nên như vậy quán sát”[31].

Bài kệ nói rõ về tất cả pháp hữu vi như bọt bóng dễ vỡ, mỏng manh, ảo mộng… gọi là giả có, tạm bợ cũng gọi là không, người tu hành trì tu tập nên quán sát như vậy. Đó chỉ cho ý nghĩa vô thường, hư vọng, không thật của hết thảy pháp. Với sáu ẩn dụ này, chỉ cho hết thảy pháp do duyên sinh, bởi vậy bản chất các pháp là duyên khởi không tự tánh. Trong Trung Quán luận nêu ra: “Pháp do các duyên sinh, ta nói đó là không, cũng chính là giả danh, cũng là nghĩa trung đạo”[32] và Ngài khẳng định quan điểm với kệ bát bất: “Không sinh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không một cũng không khác, không đến cũng không đi”[33]. Vì vậy, cần nhìn các pháp hữu vi là không thật có huyễn hoặc, biến đổi vô thường, mỏng manh dễ tan biến thì lòng tham, sân giận và chấp thủ sẽ dần tan cho đến khi tiêu mất hết. Lúc các lậu hoặc được tiêu trừ, trí tuệ giải thoát phát khởi sẽ tỏa chiếu và thấy rõ thật tướng của tất cả các pháp. Đấy là trí tuệ Bát nhã và các pháp kia là cảnh chân như, cảnh giới mà trong kinh Kim Cang muốn giới thiệu. Tư tưởng này nhất quán trong Nikaya, kinh Pháp Cú số 170 cũng nói lên pháp thiền quán được bày tỏ: “Hãy nhìn như bọt nước/Hãy nhìn như cảnh huyển/Quán nhìn đời như vậy/Thần chết không bắt gặp”[34].

Chúng ta có thể nói, tâm vô sở trụ này được hiểu là tâm trú chánh niệm, tỉnh giác được đề cập trong tạng kinh Nikaya và A Hàm. Giáo lý vô trụ đã nói lên điều thâm ý diệu nghĩa chân thật của tư tưởng Đại thừa, nhưng không vượt ra ngoài ý nghĩa nhất quán với giáo lý Nguyên thủy.

KẾT LUẬN

Tư tưởng vô trụ mang yếu chỉ Kim Cang, bài kinh tinh túy của Phật giáo Đại thừa, Đức Phật đưa ra nhiều điểm trọng tâm, hết thảy bài kinh toát ra điểm quan trọng kiểm soát tâm, an trú tâm. Vì vậy, người tu tập chẳng cần bắm chặt nơi nào cả dù là quả Chánh đẳng giác. Khi đó, người tu tập nhìn mọi thứ trên đời đều tạm bợ, biến chuyển liên tục, chẳng có cái ngã thường còn và chẳng bị lạc vào đường chấp vào cái gì thuộc về cái tôi này mà phải siêng năng phấn đấu tu dưỡng. Đây là ý nghĩa chân thật về pháp tu chánh niệm, tỉnh giác được Thế Tôn chỉ dạy trong tạng Nikaya và A Hàm. Tư tưởng vô trụ là quan trọng cho người tu hành, có thể chuyển hóa trắc trở bi lụy ở đời sống, giúp họ tự thay đổi hướng sống có niềm tin bản thân. Đúng như lời chư Phật dạy: “Pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu”.

Thích Nữ Nhuận Anh - Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Ghi chú: Bài phân tích, các lập luận, tư duy thể hiện góc nhìn, cách hiểu, cách hành văn riêng của tác giả.

------------------------

CHÚ THÍCH

[1] Thích Hạnh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Tôn Giáo, 2014, tr. 103-104. [2] Thích Trí Quang (dịch), Dị Bộ Tông luận, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr. 61. [3] Thích Quảng Độ, Phật Quang đại từ điển, NXB. HVHGDLSĐB, 1999, tr. 734. [4] Đại chánh tân tu Đại tạng kinh 8, số 235, tr. 748. [5] Sđd 8, số 236a, tr. 752. [6] Sđd 8, số 237, tr. 762. [7] Sđd 8, sô 238, tr. 766. [8] Đại chánh tân tu Đại tạng kinh 8, số 239, tr. 771. [9] Đại chánh tân tu Đại tạng kinh 7, số 220, tr. 979. [10] Thích Thiện Siêu, Luận Đại Trí Độ 1, NXB. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1997, tr. 44. [11] Ấn Thuận, Giảng giải Kinh Bát Nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Nội dung chính của kinh”, NXB.Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 22-25. [12] Đoàn Trung Còn, Kim Cang Bát nhã Ba la mật kinh, Nguyễn Minh Tiến dịch, “Dịch âm”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, tr. 21. [13] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, “Kinh Tiểu Không”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 433. [14] Ấn Thuận, Giảng giải Kinh Bát Nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Thứ lớp của Bát nhã”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 38. [15] Ấn Thuận, Giảng giải Kinh Bát Nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Thánh hiền đều chứng pháp vô vi”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 100. [16] Ấn Thuận, Giảng giải Kinh Bát Nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Thánh hiền đều chứng pháp vô vi”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 100-101. [17] Thích Đỗng Minh, Tịnh độ tông khái luận, Thích Quảng Hạnh (dịch), “4. Hiện thực và phân loại Tịnh độ”, NXB. Văn hóa văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 267. [18] http://thuongchieu.net/index.php/phapthoai/suphu/4723-tshoaihai. Đăng nhập: 30/10/2020. [19] Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, NXB. Hồng Đức, 2008, tr. 118. [20] Ấn Thuận, Giảng giải Kinh Bát Nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Hảng phục tâm”, 2010, tr. 57. [21] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, “Kinh Đoạn Giảm”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 67. [22] Thích Chơn Thiện, Tư tưởng kinh Kim Cương và Bát nhã, NXB. Phương Đông, 1975, tr.198. [23] Đoàn Trung Còn, Chư kinh tập yếu, Nguyễn Minh Tiến dịch, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr. 199. [24] Ấn Thuận, Giảng giải kinh Bát nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Trình tự của phương tiện đạo”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 194. [25] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng bộ, Thiên nhân duyên 2, 1982, tr.23-24. [26] Ấn Thuận, Giảng giải Kinh Bát nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Ba tướng đều tịch tĩnh”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 74. [27] Ấn Thuận, Giảng giải Kinh Bát nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Trình tự của phương tiện đạo”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 182. [28] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 179. [29] Ấn Thuận, Giảng giải Kinh Bát nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Trình tự của phương tiện đạo”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 159. [30] Ấn Thuận, Giảng giải Kinh Bát nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Trình tự của phương tiện đạo”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 163. [31] Ấn Thuận, Lược giảng luận Trung Quán, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Duyên khởi, Không,Trung đạo, vọng có tức không, không chấp trước”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 170. [32] Ấn Thuận, Lược giảng luận Trung Quán, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Tất cả pháp điều không, thuyết minh về không”, NXB. Phương Đông,TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 118. [33] Ấn Thuận, Lược giảng luận Trung Quán, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), “Các bài tụng tuyển chọn từ Trung Quán luận, quan điểm lập trường của luận này”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr.5. [34] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, “Pháp Cú 170”, NXB. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. .65.

THAM KHẢO

KINH:

1. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, “Kinh Đoạn giảm”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, “Kinh Ví dụ con rắn, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 3. Thích Minh Châu, Dàn ý kinh Trung bộ & Tóm tắt kinh Trường bộ, NXB. Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2011. 4. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ 2, “Kinh Tiểu không”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 5. Thích Minh Châu dịch, kinh Tương ưng bộ, Thiên nhân duyên 2, 1982. 6. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ 1, Pháp Cú 170, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999. 7. Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh toàn tập 7, NXB. Thời đại, 2012. 8. Đoàn Trung Còn, Kim Cang Bát nhã Ba la mật kinh, Nguyễn Minh Tiến (dịch), “Dịch âm”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010. 9. Đoàn Trung Còn, Chư kinh tập yếu, Nguyễn Minh Tiến dịch, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2010.

LUẬT:

Thích Phước Sơn dịch, Luật Ma-ha-tăng-kỳ 4, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2011.

LUẬN:

1. Ấn Thuận, Lược giảng luận Trung Quán, Hạnh Bình và Quán Như (dịch), NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010. 2. Thích Thiện Siêu, Luận Đại trí độ1,2, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1997. 3. Thích Thiện Siêu, Luận Đại trí độ 3, NXB. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1999. 4. Thích Thiện Siêu, Luận Đại trí độ 4, NXB. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001. 5. Thích Thiện Siêu dịch, Trung Luận, Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2001. 6. Thích Thiện Siêu, Luận thành duy thức, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996. 7. Thích Trí Quang (dịch), Dị Bộ Tông luận, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 1995. 8. Thích Chân Quang, Luận giải kinh Kim Cang, NXB. Tôn giáo, TP. Hồ Chí Minh.

SÁCH:

1. Ấn Thuận, Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn độ, Thích Quảng Đại dịch, NBX. Dân trí, 2020. 2. Ấn Thuận, Giảng giải kinh Bát nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch) “Thứ lớp của Bát nhã”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010. 3. Ấn Thuận, Giảng giải kinh Bát nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch) “Hàng phục tâm”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010. 4. Ấn Thuận, Giảng giải kinh Bát nhã, Hạnh Bình và Quán Như (dịch) “Thánh hiền đều chứng pháp vô vi, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010. 5. Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông 3, Tôn giáo, Hà Nội, 2012. 6. Thích Hạnh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Tôn Giáo, 2014. 7. Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông 3, “Kinh Kim Cang”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 8. Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang giảng giải, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2013. 9. Thích Đỗng Minh, , Tịnh Độ tông khái luận, Thích Quảng Hạnh (dịch), “Hiện thực và phân loại Tịnh độ”, NXB. Văn hóa văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2013. 10. Thích Trí Quảng, Cư trần lạc đạo, “Khai thị 2008”, NXB. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2011. 11. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, NXB. Hồng Đức, 2008. 12. Thích Chơn Thiện, Tư tưởng kinh Kim Cương, Tôn giáo, 1999. 13. Thích Chơn Thiện, Tư tưởng kinh Kim Cương và Bát nhã, NXB. Phương Đông, 1975. 14. Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Trung Bộ, “Tủ sách Tuệ Chủng”, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 2013. 15. Đế Quán, Thiên thai tứ giáo nghi, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2015. 16. Hạnh Cơ, Lược giải những pháp số căn bản, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2009. 17. Đoàn Trung Còn, Triết lý nhà Phật, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2014.

TỪ ĐIỂN:

Thích Quảng Độ, Phật Quang đại từ điển, NXB. HVHGDLSĐB, 1999.