Trang chủ Lịch sử - Triết học Tư tưởng Việt Nam với triết học hiện đại

Tư tưởng Việt Nam với triết học hiện đại

Tư tưởng Việt Nam cũng như tư tưởng của bất cứ dân tộc nào khác, lệ thuộc vào điều kiện địa lý kinh tế và lịch sử trong đó nhóm người Việt đã giải quyết sự sinh tồn của nó.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tư tưởng Việt Nam cũng như tư tưởng của bất cứ dân tộc nào khác, lệ thuộc vào điều kiện địa lý kinh tế và lịch sử trong đó nhóm người Việt đã giải quyết sự sinh tồn của nó.

Tác giả Giáo sư Nguyễn Đăng Thục

Trong trào lưu tư tưởng triết học Âu tây hiện đại, đại khái có hai đề mục chính yếu.

Nội quan về con Người, nhận định thân phận con Người lệ thuộc vào những điều kiện sinh tồn, đời sống thực tế và bất mãn với hiện tại để tìm vượt lên.

Phản đối triết học trí thức hệ thống, đòi hỏi tư tưởng khai triển, sống động không bế quan cố định.

Nay thử xem tư tưởng Việt Nam có những yếu tố gì, và đối với hai yếu tố trên đây đã và sẽ giải đáp thế nào?

Nói đến tư tưởng Việt Nam là nói đến tư tưởng của các danh nhân đã có sự nghiệp được dân tộc thờ phụng nhớ ơn. Cái tư tưởng ấy không có hệ thống theo trí thức suy luận nhưng được hệ thống hóa bằng việc làm, bằng đời sống thực hiện ngôn hành nhất trí.

Dĩ nhiên tư tưởng Việt Nam cũng như tư tưởng của bất cứ dân tộc nào khác, lệ thuộc vào điều kiện địa lý kinh tế và lịch sử trong đó nhóm người Việt đã giải quyết sự sinh tồn của nó. Điều kiện ấy vốn từ thuở lập quốc, có tên trong lịch sử đã là cái khu vực gọi là Giao Chỉ nơi ngưng đọng, đứng lại, chỗ gặp gỡ của các trào lưu nhân chủng và văn minh qua lại.

Trước đây ở thời quá khứ hai trào lưu chính là trào lưu từ Ấn Độ sang và từ Trung Hoa xuống, cho nên hiện nay nó mang cái tên địa lý là Ấn độ China (Indochine).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu tuong Viet nam voi Triet hoc hien dai 1

Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh Thích Minh Châu trao bằng Tiến sĩ Danh dự tới Gs Nguyễn Đăng Thục. (Hình do Hội Ái hữu Cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh cung cấp)

Vậy thì ngay tại bản thân của dân tộc Việt Nam đã hiện ra vấn đề giải quyết mâu thuẫn tư tưởng xung đột, mà hai trào lưu nhập thế, nhân sinh của Trung Hoa và trào lưu xuất, thế vũ trụ của Ấn Độ. Nói cách khác thì đấy là tư tưởng xã hội và tư tưởng cá nhân, một đằng là bổn phận, một đằng là tự do.

Ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Thiên chúa, người được giới trí thức Việt Nam xưng là “Nam giao học tổ” mà nông dân Việt Nam thờ là “Sĩ Vương tiên”. Nghĩa chữ “Nam giao học tổ” là tổ trước tiên về học thuật của đất Giao Chỉ ở phương Nam. Ông tổ học thuật ấy chính lại là một chính trị gia mà tư tưởng và hành động đi đôi với nhau.

Cái tư tưởng chính trị ấy tuy lấy ở sách Xuân Thu của Khổng phu tử, nhưng đã được Việt hóa một cách dễ thích ứng với hoàn cảnh Lĩnh Nam thời bấy giờ khả dĩ giữ được hòa bình thịnh vượng trong khi ở phương Bắc thì loạn ly, chiến tranh ba nước: Ngụy, Thục, Ngô.

Ấy là nhờ cái “chính trị giáo hóa” của Sĩ Nhiếp: “Sĩ vương học tập theo văn hóa nước Lỗ, học vấn rộng hợp ‘bác hiệp’, nhún nhường dưới kẻ sĩ ‘khiêm hư hạ sĩ’, lấy kinh Thi, kinh Thư để giáo hóa phong tục trong nước, lấy Lễ, Nhạc để thuần thục lòng người, cai trị nước hơn bốn mươi năm, trong nước không biến loạn”.
(Việt giám thông khảo tổng luận).

Hay là:

“Vua Sĩ Nhiếp đất Giao Chỉ, học vấn đã rộng hơn người lại đạt ở thực hành chính trị. Giữa hoàn cảnh loạn lớn mà giữ được vẹn toàn một quận hơn hai mươi năm, biên giới không xảy ra việc gì, nhân dân không thất nghiệp, kẻ đường xa đến đều được ơn huệ”. (Tam quốc chí- truyện Sĩ Nhiếp).

Cái tư tưởng rộng hợp, “bác hiệp” ấy tỏ bày ra ở thái độ chiêu mộ các bậc học thức danh tiếng đương thời, vốn không giới hạn vào giới Nho sĩ như đối với Mâu Bác chẳng hạn, tác giả sách “Lý hoặc luận” trong đó khuynh hướng khai phóng tư tưởng, lấy tâm linh Phật để điều dung tổng hợp cái học Nho gia với Đạo gia, nhập thế nhân sinh với xuất thế thiên nhiên, ông viết:

“Lão tử tuyệt thánh khí trí, tu thân bảo chân, vạn vật bất can kỳ chí, thiên hạ bất dịch kỳ lạc, thiên tử bất đắc thần, chư hầu bất đắc hữu. Cố khả qui dã. Ư thị duệ chi ư Phật đạo, kiêm nghiên Lão tử ngũ thiên văn, hàm huyền diệu vi tửu tương, ngoạn Ngũ kinh vi cầm hoàng”.

Nghĩa là:

“Lão tử chủ trương từ bỏ những giá trị xã hội như thánh và trí, tu sửa thân mình để giữ lấy chân tính, sự vật bên ngoài không can thiệp vào ý chí mình, người đời không làm cho mình thay đổi cái vui riêng, nhà vua không thể bắt mình làm tôi tớ, chúa không làm bạn được với mình, như thế có thể gọi được là cao quí vậy.

Thế rồi ông đem hết tinh thần chuyên vào Phật học, lại nghiên cứu năm ngàn chữ của sách Lão tử, ôm nuôi trong lòng cái lý siêu hình huyền diệu, cùng học tập sách Nho là Ngũ kinh như vui với đàn sáo vậy”.

Đây là khởi điểm của sự gặp gỡ giữa tinh thần văn hóa Trung Hoa với văn hóa Ấn Độ trên đất Giao Chỉ Việt Nam cổ xưa, tại chính kinh đô Luy Lâu (Bắc Ninh) vốn là kinh đô của Sĩ Nhiếp cũng là trung tâm Phật học đầu tiên. Sự gặp gỡ ấy đã nẩy nở ra cái tinh thần hợp sáng của văn hóa Việt nam sau này, cho nên trong quan điểm tín ngưỡng của nông dân Việt, Sĩ Nhiếp được tôn thờ như “Sĩ vương tiên” ngụ ý vừa “nhập vừa xuất”, vừa là vua vừa là Tiên, hay là “Chúa Tiên”.

Cái tinh thần văn hóa ấy là tinh thần khai phóng thích ứng, thích ứng cho cõi Lĩnh Nam thuộc khu vực Đông Nam Á mà Bắc Việt đã là chỗ giao điểm, ngã ba giao lưu giữa hai truyền thống lớn Ấn độ China vậy,

Cái tinh thần ấy ngấm ngầm được hàm dưỡng trong tiềm thức dân tộc để rồi sau một ngàn năm Bắc thuộc lại bộc lộ ra xán lạn rực rỡ thời khôi phục độc lập của dân tộc với triều Đình triều Lý vậy.

Người ta thường nói tư tưởng chính thống triều Lý là tư tưởng Phật giáo. Nhưng người ta không phân định cái Phật giáo ấy như thế nào, nó đã bị biến hóa với hoàn cảnh thực tế của Việt tộc đang phấn đấu giải phóng khỏi bị thôn tính vào Hán tộc theo vết các ngành Việt tộc khác, và xây dựng một quốc gia độc lập ờ cõi Đông Nam Á, với quốc hiệu Đại Cồ Việt và Đại Việt, một đế quốc “tam phân đỉnh túc” với nhà Tống và Đại lịch.

Cái tư tưởng Phật giáo ấy đã lãnh đạo dân tộc triều Đinh, triều Lý là Phật giáo Thiền tông, trọng về thực nghiệm và hành động, lại rất khai phóng như Thiền sư Vạn Hạnh làm tiêu biểu. Tinh thần của Thiền sư đã được vua Lý Nhân Tông toát yếu khúc triết trong bốn câu thơ bao hàm cả trào lưu tư tưởng của triều đại:

Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm thi
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ,

Nghĩa tạm dịch:

Vạn Hạnh dung hợp ba cõi quá khứ hiện tại vị lai vào làm một.
Lời tiên tri chân thật là thơ sấm cổ xưa.
Quê hương của Ông vốn là quê hương Phật giáo Giao Châu tức Cổ pháp.
Chống gậy nhà Phật để bảo vệ kinh đô đất nước của nhà Vua.

Rõ ràng đây là tư tưởng đem cái siêu nhiên vĩnh cửu không có thời gian không gian để phụng sự cho quốc gia dân tộc lệ thuộc vào điều kiện thời gian không gian, tức là thực hiện Đạo (essence) trong Đời (existence) ở Thiền học Việt Nam vậy.

Tư tưởng ấy lại ở địa vị lãnh đạo quốc gia dân tộc, phát biểu đối với một Thiền sư từng là cố vấn chính trị như một vị quốc sư cho hai triều đại khai quốc đầu tiên của Việt Nam. Sau một đời hành động tích cực phò vua giúp nước, xây dựng nền độc lập dân tộc vững vàng, trước khi viên tịch, có đọc cho đệ tử bài kệ toát yếu ý nghĩa của sinh tồn rằng:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô;
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy.
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Nghĩa là:

Cái thân thể vật chất này chỉ là bóng chớp hiện ra lại biến đi mất.
Nhưng tạo vật như cỏ cây mùa xuân sinh nở, mùa thu lại khô héo, mãi không hết.
Y theo vòng vận chuyển của thời tiết thiên nhiên lúc thịnh lúc suy không có chi phải sợ hãi.
Thịnh suy mệnh vận chẳng qua ví như hạt sương đọng trên ngọn cỏ buổi sớm mai.

Rồi Thiền sư lại bảo thêm rằng:

“Các đệ tử đòi đi nơi nào? Ta không lấy có ở để ở, không nương vào không ở để ở!”

Thế đủ thấy khuynh hướng tư tưởng Thiền học của Vạn Hạnh hành động không chấp vào có và không tương đối, đồng thời tin tưởng vào vận mệnh sinh tồn vĩnh cửu. Ở Ông Đạo và Đời đã hợp nhất vào trong ý thức vũ trụ hoàn toàn không chấp, vô tư vậy.

Cái tư tưởng hiện sinh thực hiện đầy lạc quan không chút sợ hãi lo âu như ở Tây Âu hiện, đại, đã được thiền sư Cứu Chỉ (1059), Ngộ Ấn (1088), Thông Biện (1134) trình bày có hệ thống sáng sủa khai phóng như sau:

Cứu Chỉ viết:

“Khổng Mặc chấp hữu, Trang Lão nhược vô. Thế tục chi điển phi giải thoát pháp, duy hữu Phật giáo bất hử hữu, vô khả liễu sinh tử. Nhiên tu trì giới tinh tiến, cầu thiện tri thức ân chứng thủy đắc”.
(Thiền Uyển truyền đăng tập lục).

Nghĩa là:

“Tư tưởng họ Khổng, họ Mặc thiên hẳn về “có” tức nhân sinh ở đời sống thế gian, tư tưởng họ Trang, họ Lão lại thiên về “không” tức là thiên nhiên ở ngoài đời sống nhân quần xã hội. Kinh sách thế tục chuyên về xã hội và thiên nhiên không phải phương pháp để giải thoát con người, chỉ có giáo lý nhà Phật không thừa nhận cỏ và không mới có thể giải đáp trọn vẹn vấn đề sống chết. Nhưng phải giữ giới luật và cố gắng tiến lên, tìm các bậc hiểu biết chứng nghiệm cho mới được”.

Rồi Thiền sư giải thích thêm:

“Hết thảy các giáo lý đều theo nguồn gốc bản tính xuất ra, hết thảy bản tính của sự vật theo nguồn gốc tâm mình ra. Tâm (ý thức) với pháp (hiện tượng) đồng nhất, không có hai pháp tâm và vật. Các sự phiền não trói buộc đều là không thật có, các tội phúc phải trái thảy là tương đối huyền ảo. Không có chi chẳng là nguyên nhân, chẳng là kết quả.

Ở trong cõi thế gian nghiệp chướng, không nên phân biệt nghiệp này nghiệp kia, nếu còn phân biệt thì không được tự tại, xác thật độc lập. Tuy thấy hết thảy hiện tượng mà như không thấy, tuy biết hết thảy sự vật mà như không biết,nghĩa là tương đối. Biết hết thảy hiện tượng đều lấy nhân duyên làm gốc, thấy hết thảy hiện tượng lấy chân thật làm đầu mối. Như thế thì tuy có tội lỗi nhiễm ố mà thực tế là giải thoát rồi.

Thế gian này như tuồng ảo hóa biến đổi. Thấu hiểu sáng tỏ chúng sinh thì chỉ có một chân lý không có hai; không bỏ cảnh giới nghiệp báo (Đời) để khôn khéo nơi phương tiện. Ở trong thế gian hữu vi thì nhìn với phép hữu vi thế gian mà không phân biệt ra hình tướng vô vi xuất thế. Là vì muốn dứt hẳn cái ngã vọng niệm tính toán suy bì đấy thôi”.

Và Thiền sư kết luận vào một bài thơ kệ:

Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch,
Thần thông biến hóa hiện chư tướng;
Hữu vi vô vi tòng thử xuất;
Hà sa thế giới bất khả lượng;
Tuy nhiên biến mãn hư không giới,
Nhất nhất quan lai một hình trạng;
Thiên cổ, vạn cổ nan thử huống,
Giới giới, xứ xứ thường lãng lãng.
(Thiền Uyển truyền đăng tập lục)

Nghĩa là:

“Hiểu thấu thân và tâm là tương đối
Biến hóa, thần thông các hình tướng biểu hiện
Từ đấy mới hiện ra có quan niệm hữu vi và vô vi.
Thế giới này như cát sông Hằng vô kể,
Tuy rằng phổ biến đầy cả cõi không gian.
Nhưng nhìn lại thì không có chi là trạng thái nhất định riêng biệt.
Cảnh ngộ ấy từ ngàn xưa, muôn xưa rất khó khăn.
Luôn luôn sáng tỏ khắp nơi khắp chốn”.

Và Thiền sư Ngộ Ấn đã đem cái triết lý khai phóng ấy để ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam trong Đông Nam Á bấy giờ là lấy cái “thường lãng lãng” “cái ý thức luôn luôn xán lạn” làm bản thể (essence) để dung hợp, thâu hóa sáng tạo các tác dụng (existence) của tư tưởng sinh tồn dân tộc, như Thiền sư đã giải thích quan điểm Phật giáo thiền tông như sau:

“Vua Pháp tối cao hiện thân ở thân mình là Phật, ở miệng nói các lý thuyết là Pháp, ở nơi tâm thực nghiệm là Thiền.

Tuy phân ra ba việc, mà chung qui về một ví như nước ba giòng sông tùy nơi mang tên khác nhau. Tên tuy có khác mà bản tính của nước thì không khác”.

“Vô thượng pháp vương tại thân vi Phật, tại khẩu vi Pháp, tại tâm vi Thiền. Tuy thị tam ban, kỳ qui tắc nhất. Dụ như tam giang chi thủy, tùy xứ lập danh, danh tuy bất đồng, thủy tính vô dị”,

(Thiền Uyển truyền đăng tập lục)

Đấy thật đã biểu lộ rõ ràng tư tưởng “đồng qui nhi thù đồ” “Unité dans la Diversité” là đặc tính văn hóa Đông Nam Á vậy.

Và kết quả cụ thể mà dân tộc Việt Nam thời Lý đã thực hiện là Chùa Một Cột, với Thiền học Thảo đường, phối hợp văn hóa Chiêm thành với văn hóa Đông Sơn, tín ngưỡng tình yêu sùng bái Phật Bà Quan Âm của nông dân với tín ngưỡng tâm linh thực nghiệm của trí thức lãnh đạo, mà vua Lý Thánh Tông đã lấy làm ý thức hệ cho cái mộng Đại Việt (1054).

Sự phối hợp ấy là sự phối hợp giữa tình yêu sáng tạo với lý trí khách quan vào ý chí sinh tồn của đoàn thể, như lời bia của Lý Thường Kiệt đã chứng minh:

“Kẻ nhân và trí là vui với Núi Sông. Đời thế truyền lại là công danh và đạo lý vậy. Nếu không dựng chùa ở Núi (Ngương sơn) này để biểu dương đạo lý thì danh tiếng không đủ làm quí vậy”.
(Bia chùa Linh Xứng)

Cái tư tưởng thâu hóa, sáng tạo, điều hòa hợp sáng các trào lưu tư tưởng mâu thuẫn vốn là đặc trưng của tinh thần văn hoá khai phóng, biểu dương ở học thuyết Tam giáo đồng nguyên” từ thời Lý sang thời Trần đã tiếp tục phát triển để trở nên khoá trình Quốc học với Trần Thái Tông:

Quí sửu, tam niên, lục nguyệt, lập Quốc học viện”. Năm Quí sửu (1253), thứ ba, tháng sáu dựng Viện Quốc học.
(Đại Việt sử ký toàn thư).

“Đinh vị thập lục niên, thu bát nguyệt thi thông tam giáo chư khoa”

“Năm Đinh Mùi (1247) thứ sáu, mùa thu tháng tám thi thông cả ba giáo Khổng, Lão, Phật”.

Vua Trần Thái Tông đã biểu dương cái tư tưởng phối hợp vừa nhập thế vào đời lẫn xuất thế siêu nhiên, hai khuynh hướng bổ túc cho nhau trong cái ý thức khai phóng “lấy tâm thiên hạ làm tâm mình, lấy ý nguyện của nhân dân làm ý nguyện của mình” “dĩ thiên hạ tâm vi tâm, dĩ thiên hạ dục vi dục”. Và Thái Tông không những đã trình bày cái triết lý phối hợp Tam giáo ở sách Khóa Hư mà còn đem cả một đời sống để thực hiện cái hệ thống tư tưởng vừa nhập thế vừa xuất thế của mình nữa.

“Trẫm nghĩ: Đạo Phật không có chia ra Nam Bắc, ở đâu cũng lấy sự tu hành để tìm. Tính người tuy có kẻ ngu người khôn, ai cũng nhờ vào sự giác ngộ mới hiểu. Cho nên những việc dẫn dạy bọn hôn mê, chỉ rõ đường sống chết, ấy là giáo lý chính của Phật. Đến những việc cầm cân nẩy mực cho đời sau, làm khuôn phép kiểu mẫu cho tương lai, ấy là trọng trách của Thánh Nho đi trước.

Bởi vậy Lục tổ có nói: Tiên Thánh Nho với Đại sư Phật không khác nhau. Coi đấy biết rằng giáo lý của Phật, phải mượn tay Thánh Nho mới truyền bá được cho đời”.

Cái triết lý hợp sáng Tam giáo của Trần Thái Tông đã được Ngài kết thúc vào câu nói khúc triết:

“Vị minh nhân vọng phân tam giáo, liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm”
(Khóa Hư lục).

Nghĩa là: “Người chưa sáng tỏ chân lý mới chia ra ba giáo lý khác nhau, thấu hiểu đến cùng thì đều đạt tới cái tâm duy nhất, tuyệt đối là ý thức vũ trụ” (conscience cosnique).

Cái tư tưởng nhân bản khai phóng ấy đã chi phối suốt thời Trần tới mãi buổi đầu nhà Lê, để rồi bị thời Lê Nguyễn đề cao một mình Nho học lên địa vị chính thống. Từ đấy trong nước hiện ra hai trào lưu tư tưởng, tư tưởng khai phóng và tư tưởng bế quan.

Trào lưu khai phóng dựa vào truyền thống Tam giáo, trào lưu bế quan chịu ảnh hưởng Tống Nho, độc tôn Nho giáo, theo về tục học mà bài bác tư tưởng khác như Phật, Lão, gọi là dị đoan. Tình trạng ấy đi đôi với cuộc Nam Bắc phân tranh trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII, đã được bậc danh sĩ Lê Quý Đôn phân tích như sau:

“Hồi Quốc sơ (tức Lê Thái Tổ) sau thời nhiễu nhương, bọn nhà nho thưa thớt. Những người làm đến chức Thị, Tụng như các ông Thiên Tích, ông Bùi Cầm Hổ đã rực rỡ khí phách anh hào, lại sẵn lề can đảm dám nói. Những người mến thú lâm tuyền như ông Lý Tử Cầu, Nguyễn Thì Trung đều một niềm giữ tiết tháo trong sạch, không chút lòng mơ tưởng giàu sang. Đó là một thời kỳ.

“Trong khoảng đời Hồng Đức (1470-1497) mở rộng đường khoa mục thành long trọng để kén nhân tài. Học trò bèn đua nhau thiên về mặt văn hay, chỉ cốt thêu chạm lời phú câu thơ cho đẹp, hầu mong lấy bảng cao chức trọng cho sang, còn phần khí tiết khẳng khái thì đã cảm thấy tan tác hủ suy.

Nhưng vì đường sủng vinh rộng mở thì cách khoá lệ cũng nghiêm, ai điềm tĩnh thì tự nhiên được cất nhắc; kẻ chạy chọt cầu cạnh thì bị cách phạt. Bởi vậy người làm quan bấy giờ ít thói bon chen, mà thiên hạ còn biết quí danh nghĩa. Đây lại là một thời kỳ nữa”.

“Từ đời Đoan Khánh (1505) trở về sau, lối thanh nghị suy kém quá, thói luồn cúi ngày thịnh dần. Kẻ quyền vị ít có người giữ được lễ liêm khiết nhún nhường, nơi triều đình ít thấy lời dám can ngăn kích thiết; gặp việc khó thì chịu hèn đề khỏi bận bịu; thấy cơ nguy thì bán nước để cầu an, cả đến bậc gọi là danh nho cũng yên lòng nhận lấy cái vinh sủng bất nghĩa, mà vẫn còn thi ca đi lại, khoe hay khoe đẹp với nhau.

Phong thái sĩ phu thật hỏng nát không bao giờ bằng thời này. Sự tệ hại của cuộc biến chuyển này không thể nói xiết được. Tìm trong khoảng trên dưới một trăm năm quốc sử này, lấy những bậc đáng gọi là cao sĩ, thì chỉ được có vài người như bọn ông Lý Tử Cầu, thật đáng ngán cho những bậc phong tiết này ít thấy quá vậy”.
(Lê Quý Đôn — Kiến văn tiểu lục).

Sau khi đã nhận thấy cái khuynh hướng Nho học độc tôn ấy, thiên trọng về đường đời, bỏ mất cái gốc đạo đức tâm linh thực hiện của Thiền học Tam giáo thời Trần, thời Lý, cho nên Lê Quý Đôn vội tỉnh ngộ mà viết rằng:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu tuong Viet nam voi Triet hoc hien dai 2

“Phép dạy đời của Thánh hiền lấy đạo “trung dung” làm gốc. Những điều cương thường, luân lý, lễ, nhạc, hành chính đều tự trời đất lập nên, và do vua thánh chúa hiền làm sáng tỏ. Theo tính tình tự nhiên để sửa sang những đạo lý dạy đời, ấy là mục đích cùng tột xưa nay vậy.

Các bậc Thánh nhân giảng học để làm sáng tỏ đạo trời, để làm ngay thẳng lòng người. Còn như tìm việc lạ lùng, bàn về quỷ quái, không phải là công việc thông thường của các Ngài, nên các Ngài chỉ bàn đến những lẽ phổ thông là không cho người đời thêm mê hoặc.

“Giáo lý của Phật, Lão chuộng sự thanh đạm, thoáng không mọi sự, siêu việt ra ngoài thế tục, tịnh diệt hết mọi trần duyên không để sự vật bên ngoài làm bận thân tâm. Đó cũng là cách độc thiện kỳ thân, của các bậc cao minh, và những lời cao siêu về đạo đức, những lời sâu rộng về hình, thần, đều có ý nghĩa sâu xa, huyền diệu.

Bọn nhà Nho ta nếu cứ giữ định kiến phân ra đạo nọ đạo kia, mà điều gì cũng biện bác chê bai, thì sao nên? Chỉ mới ở trong cõi chín châu này mà thổ nghi cùng dân tính đã mỗi nơi một khác. Huống hồ trên thì trời cao vọi vọi, giữa thì đất rộng bao la, những sự biến hóa ở đây lớn lao, mới lạ, huyền ảo, kỳ quái, còn có giới hạn nào? Lấy tấm thân nhỏ bé của người ta, thì dẫu có tài hoa ăn nói dọc ngang suốt tám cực, hút thở được cửu hoàn, nhưng dù thế nào đi nữa kiến thức cũng vẫn chưa đủ rộng.

Đã thế mà đối với những sự biến hóa dị kỳ của quỷ thần, và của các loài động vật, thực vật chép trong sách xưa, cùng những hình trạng ở các nước xa xôi, những vật tượng ở cõi thiêng liêng, đều nhất thiết không tin; quá lắm lại có kẻ dám bỉ bán cả Tiên với Phật, sao mà ngu tối tự đắc thế nhỉ?”
(Lê Quý Đôn, trong sách dẫn trên).

Nhận xét trên đây cho chúng ta thấy sự khủng hoảng tư tưởng thời Hậu Lê, cùng sự tự cảnh tỉnh của một nhà Nho lão thành muốn trở về cái bệ thống tư tưởng khai phóng Tam giáo thời Lý, Trần vậy.

Đồng thời với Lê Qúy Đôn (1726-1783) ngoài Bắc, có Nguyễn Cư Trinh (1716-1763), trong Nam, đất Thuận Hoá, một danh nho, công thần khai sáng Lục tỉnh, cũng lên tiếng phát biểu trong tác phẩm trứ danh Sãi Vãi, trong đó tác giả đã khéo làm linh động hệ thống triết học khai phóng “Trung Dung” bằng cuộc vấn đáp giữa trí thức hành động của ông Sãi, một nho sĩ trá hình với tín ngưỡng sùng bái của Bà Vãi tín đồ Phật Giáo.

Tư tưởng của Nguyễn Cư Trinh, có nhiều điểm y hệt với Lê Quý Đôn, có thể toát yếu vào hai câu này của chính tác giả sãi vãi:

“Thành ư trung vị đắc hòa bình
Hình tại ngoại bất năng trúng tiết”
(Sãi Vãi).

Nghĩa là:

“Sự thành thật trong lòng chưa đạt tới chỗ quân bình của tinh thần.
Thì sự biểu hành vi bên ngoài không có thể trúng với đạo lý”

Cái tư tưởng này là triết lý “nội thánh ngoại vương chi đạo” nghĩa là cái triết lý hành động sáng suốt trong tinh thần, chủ động đối với thân thể vật ngoại, tức là tri hành hợp nhất, bản thể (essence) và sinh tồn (existence) không rời nhau vậy. Đấy là tư tưởng khai phóng, hệ thống cởi mở triển khai thích hợp cho sự thâu hóa sáng tạo trên con đường Nam tiến của dân tộc.

Cái dòng tư tưởng ấy đã được một nhà giáo điển hình hiền triết miền Nam là Võ Trường Toản, cuối thế kỷ XVIII lấy làm tinh thần quốc học, cho nên mới dạy rằng:

“Sách Đại học một ngàn bảy trăm chữ, tan ra gồm vô hạn sự vật, tóm lại còn hai trăm chữ, tóm nữa chỉ còn một chữ, lại tóm nữa thì một chữ cũng không”. Lời ấy chẳng phải chủ trương cái học “tri ngôn dưỡng khí” là cái học thực hiện không phải trí thức kiến văn, không phải giáo điều “Tử viết” mà là luôn luôn khai phóng tâm hồn, của hệ thống cởi mở, không bế quan.

Bởi thế mới có bậc hiền triết như Phan Thanh Giản, đã vượt lên trên hệ thống giá trị thế tục là nhân tước để nối với hệ thống giá trị siêu nhiên là thiên tước hợp nhất thể (essence) và dụng (existence) vào ý nghĩa sinh tồn. Và họ Phan đã thực hiện cái tư tưởng ấy không phải bằng lý thuyết mà bằng cái chết “tử vì đạo” hết sức thong dong của một người thư sinh góc biển Đại Nam này vậy”.

Cái chết của Phan Thanh Giản (4-8-1867) đánh dấu một giai đoạn lịch sử tư tưởng Việt Nam mở đầu một cuộc tiếp xúc giữa tư tưởng Đông phương và Tây phương, Đạo học và Khoa học. Chúng ta cho tới nay vẫn còn ở trong vấn đề thâu hóa sáng tạo chưa có một giải đáp được chú ý, tuy trong khoảng thời gian ngót một thế kỷ cũng đã có nhiều khuynh hướng mà chưa được kết tinh.

Muốn thâu hóa để sáng tạo theo thiên ý, trước hết một dân tộc phải tự mình ý thức lấy mình, vì muốn thẩm định giá trị của người, tất nhiên phải qua tấm kính của mình. Nếu chính mình chưa tự biết mình thì sự lựa chọn giá trị của người đề thâu hoá sẽ mù quáng, nô lệ, hỗn độn, a dua, không có khả năng sáng tạo như tiền nhân với Thiền học Thảo đường, Trúc lâm Yên Tử hay là Nho học Chu Văn An, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu…

Thực ra trong lịch sử tư tưởng Việt Nam ngoài tư tưởng Tam giáo lấy Thiền học làm căn bản, còn có tư tưởng Nho giáo mà Chu Văn An đã kết tinh vào hệ thống độc đáo Việt Nam là hệ thống “Cùng lý Chính tâm” khác hẳn với hệ thống “Tri tri cách vật” của Tống Nho.

Một đằng thực hiện cái nguyên lý cùng tột tối cao ở tại nhân tâm chân chính, một đằng tìm chân lý ở chỗ hướng ra ngoại vật, một đằng thỏa mãn cho cả tri lẫn hành, cả lý lẫn tình, một đằng thiên về trí thức mà trí thức ấy lại là trí thức từ chương.

Bởi thế cho nên như Lê Quý Đôn trên kia đã nhận xét rất chính xác là càng ngày Nho học càng độc tôn, trở nên thiển cận, bế quan, thiên về hình thức mà sao lãng nội dung đến nỗi không còn khả năng thâu hóa sáng tạo nữa, như lời Phan Tây Hồ, đầu thế kỷ XX đã phải than:

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bất cổ văn chương túy mộng trung.

Nghĩa là “trong khi nhân loại nô lệ dưới cường quyền thống trị, mà giới sĩ phu lãnh đạo cứ mải miết mê say văn thơ sáo cổ.”

Và thống thiết hơn nữa là bài phú “Lương ngọc tất danh sơn” (Ngọc quí ắt núi danh tiếng):

Đời chuộng văn chương,
Người tham khoa mục;
Đại cổ, tiểu cổ, suốt tháng dùi mài
Ngũ ngôn, thất ngôn, quanh năm lăn lốc,

Ngóng hơi thở của quan trường để làm văn sách: Chích có thể phải mà Thuấn có thể sai;
Nhặt dãi thừa của người Tàu để làm từ phú, Biền thì phái tứ, mà Ngẫu thì phái lục;
Tíu tít những phường danh lợi, chợ Tề chực đánh cắp vàng;
Lơ thơ bao kẻ hiền tài, sân Sở luốn buốn dâng ngọc;
Ấy chẳng riêng gì kẻ vị thân gia, tham lợi lộc,
Mà lại đến cả mấy ngàn kẻ quần chùng áo rộng, trong một nước,
Lùa vào mấy ngàn vạn nơi hắc ám địa ngục.
(Phan Chu Trinh)

Đấy là tiếng gọi cảnh tĩnh của họ Phan sau trận Nhật Nga, đem lại vinh quang cho Nhật Bản canh tân.

Sau ngót hai mươi năm ở Pháp trở về, năm 1925 Phan Chu Trinh lại kêu gọi đồng bào mau mau thẩm định lại hệ thống giá trị Đông Tây ngỏ hầu tìm lấy một ý thức hệ mới cho dân tộc. Cụ nói:

“Đem văn minh đây là đem cái chân văn minh ở Âu Tây hòa hợp với chân Nho giáo ở Á Đông, chớ không phải là tự do độc lập ở đầu lưỡi của mấy anh tây học lem nhem, mà cũng không phải là quốc hồn quốc túy ngoài môi của các bác hán học dở mùa đâu”.
(Đạo đức và luân lý Đông Tây. Saigon đêm 19-11-1925).

Rồi Cụ vạch ra cái phương pháp, hay là một hướng đi để phối hợp giá trị Đông Tây như sau:

“Có người hỏi luân lý ta mất thì ta đem luân lý của Âu châu về ta dùng hẳn có được không?

Tôi xin trả lời rằng: không. Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu?

Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng cũng không tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được.

Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức lực bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu Châu vậy”.
(sách đã dẫn)

Vậy “chân Nho giáo ở Á Đông” là gì?

“Cây luân lý cũ của ta” như thế nào?

Đấy là vấn đề cấp thiết chúng ta phải nhận thức tìm hiểu cho tới nơi trước đã, để rồi mới mong thâu hoá sáng tạo.

Hệ thống “Chân Nho giáo ở Á Đông” nhất định theo họ Phan vốn xuất thân nho sĩ thì chắc hẳn là luân lý Khổng Mạnh. Đem Khổng Tử với Mạnh Tử nối liền với nhau mà nói là cái luân lý đạo “Nhân nhất quán” của Khổng Tử chuyển biến một lần đến luân lý Nhân Nghĩa của Mạnh Tử.

Trong hệ thống đạo Nhân của Khổng Tử thì chữ Nhân là Yêu Người tức là tình thương yêu của loài người, bao hàm cả cá nhân lẫn đoàn thể và vạn vật. Cho nên Khổng tử bảo: “Cái đạo của ta lấy tình thương yêu bao hàm tất cả”. Có thể nói đấy là hệ thống luân lý “duy nhân” (Humanitarisme).

Khổng Tử ở vào thời Xuân Thu bên Tàu, là thời văn hóa cùng xã hội nhà Chu bắt đầu suy nhược vì cạnh tranh và xung đột nội bộ, cho nên Khổng Tử lần đầu tiên đứng lên chấn hưng bâng phép “ôn cố tri tân” xét lại những giá trị cũ để tìm xây dựng một hệ thống mới.

Đến thời Chiến quốc thì các trào lưu tư tưởng càng trở nên xung đột và phức tạp trong đó đáng kể nhất là cuộc tranh biện giữa hai trào lưu lớn là học phái Dương Chu bênh vực tự do cá nhân với học phái Mặc Địch, bênh vực quyền lợi đoàn thể hay là chủ nghĩa công lợi. Bởi thế nên Mạnh tử phải chấn hưng đạo Nhân của Khổng Tử bằng một hệ thống dung hợp cả tự do cá nhân lẫn quyền lợi đoàn thể là hệ thống luân lý Nhân Nghĩa trong đó chữ Nhân là đại diện cho đoàn thể xã hội và chữ Nghĩa cho tự do cá nhân.

Sự dung hợp ấy phải có một cơ sở nguyên lý tối cao tức là chữ Thành đại diện cho cả cá nhân lẫn đoàn thể cho nên mới bảo:

“Vạn vật giai bị ư ngã phân thân nhi thành lạc mạc đại yên” Nghĩa là: “Tất cả trong trời đất có đủ ở ta, quay về bản thân đến chỗ thành thật là nguồn lạc thú vô biên”. Chữ Thành gồm chữ A là trí thức lý thuyết với chữ A là cầm cung bắn tên thuộc về hành động, hội ý là tri và hành làm một, hợp nhất. Đây là lấy cái ý thức Thành làm nguồn gốc của tất cả giá trị, tức là hợp nhất giá trị hiện sinh với giá trị siêu nhiên, tức là căn bản luân lý khai phóng như Bergson đã đòi hỏi cho xã hội mở cửa ngày nay vậy.

Còn như “luân lý cũ của ta” thì nhất định theo Nho học Việt Nam là cái hệ thống của Chu văn An lấy “Cùng lý chính tâm” làm cơ sở như nói ở trên. Cái luân lý này cũng thuộc về luân lý tâm linh khai phóng, đi đôi với hệ thống triết học Tam giáo của Thiền học thời Trần.

Cả hai hệ thống luân lý trên của Việt Nam xưa đều là nhân bản tâm linh thực hiện, mà Cụ Phan Chu Trinh đã đòi chúng ta phải phục hưng thì mới mong chắp với cây luân lý ở các nước Âu Tây để sinh nở sáng tạo ra hoa tươi trái tốt cho dân tộc hiện nay vậy.

Tác giả Giáo sư Nguyễn Đăng Thục

Nguyễn Đăng Thục (1909-1999) là nhà giáo dục, nhà nghiên cứu triết học và văn học Việt Nam ở thế kỷ 20.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường