Trang chủ Lịch sử - Triết học Tư tưởng “tịnh độ tại tâm” qua bài kệ kinh Hoa Nghiêm

Tư tưởng “tịnh độ tại tâm” qua bài kệ kinh Hoa Nghiêm

Khi hành giả chưa đạt được định tâm, lúc tỉnh lúc mê, tỉnh thì có tịnh độ, mê thì lại rơi vào uế độ. Cho nên cần phải cố gắng thiết lập môi trường tịnh độ cùng với những con người hướng tâm đến cõi tịnh mà cùng giúp nhau tu tập và thực hành pháp.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195
Khi hành giả chưa đạt được định tâm, lúc tỉnh lúc mê, tỉnh thì có tịnh độ, mê thì lại rơi vào uế độ. Cho nên cần phải cố gắng thiết lập môi trường tịnh độ cùng với những con người hướng tâm đến cõi tịnh mà cùng giúp nhau tu tập và thực hành pháp.
Tác giả: Thích Hữu Phú
Học viên Thạc sĩ Khóa IV Học viện PGVN tại Hà Nội

A. DẪN NHẬP

Xưa nay, trong cuộc sống đời thường, vẫn hay nghe mọi người nhắc đến “tâm” hay “tính” khi nói chuyện với nhau, cứ hễ có chuyện gì cảm thấy không thể giải trình và biện luận một cách thông suốt, chính lúc đó từ “tâm” hay “tính” lại có dịp lên ngôi. Thí dụ, người nọ trách người kia rằng sao lúc trước đi chùa siêng năng và tinh tấn lắm, giờ đây lại lười nhác như vậy, thay vì trả lời lòng vòng, người này liền nói một câu: “tu tại tâm bà ơi!”. Câu chuyện ngay đó liền bị cắt ngang, không bàn đến nữa. Hay có người nói rằng, cậu thanh niên kia không biết vì lẽ gì mà suốt ngày cứ la cà chơi bời, không chí thú làm ăn,… thay vì trả lời bằng cách giải thích loằng ngoằng, đối phương liền nói: “tính của nó vậy, biết làm sao được”. Câu chuyện thế là được dừng lại ngay đó. Nói như vậy để chúng ta hiểu một điều rằng, tất cả mọi người đều e dè mỗi khi nghe nhắc đến chữ “Tâm”. Từng nghe câu nói như thế này, trên đời có hai thứ không thể nhìn thẳng vào, thứ nhất là mặt trời và thứ hai là tâm người, cho nên điều đó cũng không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, đây chỉ là đứng trên bình diện thế tục mà nói, vì con người không nghiên cứu, không tu tập, không quán chiếu, nên không thể nhìn rõ, hay chí ít là không dám nhìn rõ và phân tích một cách sâu sắc về “Tâm”. Không tường tận, không thấu suốt, nên khi nhắc đến thì mặc dù cũng rất mơ hồ, nhưng rồi liền cho qua, mà không đàm luận gì thêm. Riêng lĩnh vực về “Tâm”, thì cách đây gần 26 thế kỷ, đức Phật Gotama đã tìm, đã hiểu, đã tu tập, đã thông đạt, đã thấu suốt một cách rõ ràng và tường tận sự sinh khởi, an trụ, biến đổi và hoại dệt của nó. Và suốt cuộc đời hành đạo của mình, Ngài đã sống trọn vẹn với cái tâm linh thông mà mầu nhiệm đó. Rõ biết về nó, cũng như rõ biết cả những mối tương quan của tâm và thế giới khách quan. Nhẹ nhàng đối diện, tự tại an trú, ung dung vượt qua,… và thế là bao chân lý hiển bày trước mắt của Ngài. Sự mầu nhiệm của tâm và thế giới bên ngoài được Ngài giải thích rõ ràng trong kinh điển, rằng hết thảy vạn hữu trong pháp giới, nếu quán chiếu sâu vào tính của nó, thì biết được tất cả là từ tâm mà sinh khởi, từ tâm mà an trụ, cũng từ tâm mà biến chuyển và hoại diệt. Nếu như tất cả pháp trong thế gian đều từ tâm mà sinh khởi, vậy thì tịnh độ cũng là một pháp, thì pháp ấy cũng phải từ tâm mà sinh. Quả của tịnh độ ắt phải được hiện hữu từ nhân của sự thanh tịnh, vậy thì tâm tịnh là chính nhân để tạo nên một quốc độ tịnh. Tư tưởng “Nhất thiết duy tâm tạo” trong bài kệ của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta dễ dàng bắt gặp được tư tưởng “tịnh độ tại tâm”. Làm rõ mối tương quan và tương duyên này, chúng ta sẽ có được trí tuệ sáng suốt khi nhìn nhận về tâm và cảnh, để cùng thay đổi tư duy, thay đổi nhân thức và trực tiếp là thay đổi hành động, tạo nên một quốc độ an tịnh ngay nơi này và ở đây bằng chất liệu của tâm thanh tịnh. Bài viết này xin trình bày về: “Tư tưởng tịnh độ tại tâm qua bài kệ kinh Hoa Nghiêm”.
“Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp với tính
Nhất thiết duy tâm tạo”.

B. NỘI DUNG

I. Yếu chỉ kinh Hoa Nghiêm

Yếu chỉ của Hoa Nghiêm là chỉ ra cái bản thể duy nhất tồn tại và chi phối cả thế giới. Thế Tôn muốn khai thị cho tất cả chúng sinh cái bản thể thanh tịnh có sẵn trong mỗi người, cũng chính là Phật tính của hết thảy chúng sinh, chính từ tâm thanh tịnh, sáng suốt mà lưu xuất ra. Nhận chân được điều đó, để chúng sinh có được niềm tin vào bản thân và tinh tiến tu tập, để hằng ngày chuyển hóa thân tâm, vượt thoát ưu bi khổ não, đối diện cảnh trần tâm không lưu luyến, vượt thoát ái dục và chấp thủ, nhất tâm chính niệm, tạo nên cảnh giới tịnh độ hiện tiền từ tâm thanh tịnh. Nên nói, nhất thiết duy tâm tạo là chỗ này vậy.
Từ nơi bản thể chân như hay tâm thanh tịnh ấy phát sinh ra vạn vật với tất cả những hình tướng sai khác trong hiện tượng giới, tùy vào hướng của tâm. Kinh Hoa Nghiêm chỉ rõ rằng vạn vật trên thế gian hết thảy là chân không mà diệu hữu. Từ những vật nhỏ như hạt bụi, sợi lông cho đến trời, trăng, mây, nước, cỏ, cây, hoa, lá,…đều phải nương tựa lẫn nhau làm nhân, làm duyên cho nhau để sinh khởi, an trú, biến đổi và hoại diệt trong mối tương quan mật thiết của lý pháp giới trùng trùng duyên khởi. Tức khi cái này có mặt thì cái kia có mặt, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Nó tác động qua lại lẫn nhau: mắt nhìn thấy bông hoa, tức căn duyên trần, nếu nhìn bằng Phật nhãn, biết như chúng đang là, nghĩa là chúng ta đang làm chủ cảnh trần, tức không bị cảnh trần chi phối, tịnh độ có mặt; nếu bị duyên theo cảnh ấy mà sinh khởi tâm luyến ái, chấp thủ tức phân biệt sinh, khổ não sinh, uế độ có mặt. Đó chính là chuỗi nhân duyên tương tục, khiến chúng sinh xoay vòng trong luân hồi sinh và tử.
Chính từ trong kinh Hoa Nghiêm, chỉ cho hành giả con đường nhập pháp giới, tức là đem trí tuệ để soi sáng, giúp hành giả lựa chon được con đường thực tập, cảnh giới hướng đến. Chỉ một tâm ấy, đem trí tuệ soi chiếu vào đó, tức là cảnh giới Phật, cảnh tịnh độ hiện hữu, ngược lại nếu không dùng trí tuệ quán chiếu, soi sáng tức đang bị vô minh che lấp, liền phải sống ở cảnh giới địa ngục, địa ngục ngay trong tâm thức xuất phát từ suy nghĩ, lời nói và hành động.
Chúng sinh thường hay bị ràng buộc bởi sự đối đãi, thương ghét, ưa thích, tốt xấu, dài ngắn, phân biệt thấy các tướng cảnh vật cho là thật có, mà thật ra chúng vốn dĩ là do duyên hợp mà thành. Đây là cái hiểu biết sai lệch, gọi là tà kiến, chính là một loại của vô minh. Còn đối đãi, phân biệt tức còn khổ đau, còn sống trong Ta Bà tức còn sinh tử. Nhân đã là khổ đau sinh tử thì quả sẽ hiển hiện cảnh giới uế độ, uế độ từ trong tâm của mọi người. Muốn có tịnh độ hiện tiền, cần phải sáng suốt, như thật tuệ tri các pháp, thấy được lý duyên sinh vô ngã, ái diệt, tử diệt tức đạt được tâm tịnh, tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Nhân đã là tịnh độ thì quả sẽ là cảnh tịnh, không sai lệch.
Tapchinghiencuuphathoc.vn Kinh Hoa Nghiêm

II. Tịnh độ tùy tâm hiện

Hoa Nghiêm kệ kinh:
“Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tính
Nhất thiết duy tâm tạo”.
Dịch nghĩa:
“Nếu ai muốn thấu rõ
Ba đời mười phương Phật
Nên quán tính pháp giới
Hết thảy do tâm tạo”.
Dùng tuệ quán, chiếu soi tính của pháp giới, tức vạn hữu trên thế gian, thảy đều là từ tâm biến hiện. Con người ai cũng có tính diệu minh, tức là chân thật tính, như lai tạng tính, chân tâm,.. muôn hình vạn trạng từ nơi chân tâm mà hiển bày. Như nước biển, tính của nó như như bất động, vắng lặng an trụ, tùy theo duyên của gió mà sóng khởi lên, hết gió thì sóng lặng, mặt biển đứng yên trở lại.
Kinh Hoa Nghiêm dạy, tất cả pháp đều do tâm tạo, nếu ta tu pháp Phật, hành theo con đường giác ngộ thì sẽ có được sự giác ngộ ngay trong hiện tại. Tu theo hạnh Bồ Tát thì sẽ có an lạc hạnh phúc ngay trong cõi của Bồ Tát ở hiện tại,…. cũng vậy, nếu tu nhân mê tín, chấp ngã, buông lung, sân si, tham lam, ích kỷ,…thì các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, sẽ hiện ra nơi tâm thức của chúng ta ngay bây giờ. Cho nên Cổ đức nói: “Thập pháp giới cụ túc ư nhất niệm tâm”. Nghĩa là, mười pháp giới, tức mười cõi đó không xa rời một niệm của tâm.
Trong kinh Pháp Cú, Phẩm Sông Yếu, kệ ngôn 1 và 2, Phật dạy:
1.“Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ, tâm tạo;
Nếu với tâm ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
2. “Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ, tâm tạo;
Nếu với tâm thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình”.
 Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật cũng dạy:
“Tâm như công họa sư,
Tạo chủng chủng ngũ ấm,
Nhất thiết thế gian trung,
Vô pháp nhi bất tạo”.
Do đó, nên biết rằng, tâm của chúng ta dẫn đầu tất cả mọi công trình tâm linh, tùy theo chỗ dụng, khéo tu khéo chuyển hóa mà ta nhận được kết quả từ những nhân đã gieo ấy. Những nhân thiện, tốt đẹp, tươi mát và hướng thượng thì sẽ cho ra quả hướng thượng và cảnh tịnh; nhân tham lam, đố kỵ, xấu ác, thì sẽ gặt phải quả uế trược bất tịnh. Hết thảy do tâm ấy sáng tạo ra, vì vậy tịnh độ cũng là một sáng tạo của tâm thức, tâm thức của mười phương ba đời chư Phật cũng như tâm thức của chúng ta, từ tâm ta mà ra, do lòng ước muốn mà có.
Tịnh độ cũng do tâm, mà địa ngục cũng do tâm. Địa ngục chính là nơi tăm tối và nóng bức nhất của lòng người. Chúng ta hẳn ai cũng đã ít nhiều từng trải qua cái địa ngục ấy, đã từng bị lửa sân giận, lửa phiền não, lửa tuyệt vọng và vô minh đốt cháy thân tâm. Và nếu nhìn sâu, sẽ thấy rõ rằng địa ngục khổ đau ấy xuất phát điểm là từ trong lòng mỗi người, chứ không phải từ bên ngoài vào.
Tịnh độ lại chính là sự an yên và giác tỉnh của tâm hồn của chúng ta khi mỗi ngày sống trong sự chính niệm và trực tâm, và chúng ta cũng đã từng sống trong cảnh tịnh độ đó. Chúng ta có thừa khả năng xây dựng và bồi đắp cảnh giới tịnh độ, xây dựng bằng ý thức của những tư duy, lời nói và hành động đẹp, thiện lành hằng ngày với tất cả mọi người và môi trường xung quanh. Cho nên, chính ở Ta Bà đây, mà là cõi tịnh, nó tự hiển bày ra, chẳng cần mong cầu chư Phật đón về phương tây mới thấy tịnh độ.
Trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, Trúc Lâm Đại Sĩ có nói: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”. Như vậy thì ta biết rằng, khi đức Phật nói đến cõi nước phương Tây, chỉ là một cách nói phương tiện để dẫn dắt chúng sinh, thực chất thì không thể nào sinh về nước đó bằng ước mong, trong khi tâm của ta đầy dẫy những chất liệu của uế độ được. Khi tại thế, đức Phật và chư đệ tử A La Hán của Ngài cũng ở ngay cõi Ta Bà đầy uế trược, mà tịnh độ luôn có mặt. Thế thì tại sao Phật lại giới thiệu về một cảnh giới tịnh độ nơi khác, có mâu thuẫn trong lời nói chăng. Nên biết, trong kinh A Di Đà Phật đang dùng phương tiện để dẫn dắt mọi người nương câu niệm Phật để đạt được định tâm, cầu mong về cõi tịnh để bớt tham đắm cảnh sắc Ta Bà. Khi đã được nhiếp tâm và buông xả tham tâm, tâm được an lạc, hạnh phúc và có tịnh độ trong tâm rồi, họ sẽ không còn vọng tưởng ở một nơi nào khác, họ tin vào bản thân mình hơn là tha lực. Do đó, nói cho cùng, cũng chỉ vì Ngài muốn dạy cho chúng ta cách giữ cho tâm được an, được tịnh.
Tâm an thì thế giới an, tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Và không những đức Thích Ca Mâu Ni, mà tất cả mười phương ba đời chư Phật, khi giác ngộ đều là tự tâm thanh tịnh và tự có cảnh giới tịnh độ hiện tiền. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói: “ba đời mười phương Phật,… do tâm kia mà thành” là ý nghĩa này vậy.

III. Thiết lập tịnh độ hiện tiền từ Tâm thanh tịnh

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có nói: “Mỗi bước chân đưa ta vào tịnh độ”, vậy thì bước chân đó là bước chân gì, tại sao chỉ cần bước chân thôi mà lại đưa ta vào tịnh độ, và có rất nhiều người cũng bước nhưng lại không vào được tịnh độ? Bước chân này chính là bước chân của sự chính niệm tỉnh giác, bước trong sự ý thức mầu nhiệm về thực tại, ý thức đó không lôi kéo chúng ta về quá khứ với những hối tiếc, cũng không dẫn dắt ta về tương lai với những lo toan, và chính bước chân của chính niệm đã đưa tâm ta về hiện tại, hạnh phúc chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại, thì tịnh độ cũng chỉ có mặt khi tâm ta hạnh phúc và an lạc. Nên thấy rằng nếu chúng ta biết cách bước đi thôi, cũng đã bước đi được trong cõi tịnh độ rồi.
Hết thảy hiện pháp thường nhật đều do sự thực tập một cách có ý thức nơi tâm, khi tịnh độ có mặt nơi tâm, thì tịnh độ sẽ ở cùng khắp, nơi nào có tâm tịnh hướng đến nơi đó có tịnh độ hiện tiền.
Chúng ta của ngày nay sinh ra trong thời đại vật chật quá nhiều, những thứ tiện nghi ấy thật ra cũng là để giúp chúng ta thuận tiện hơn trong sinh hoạt của đời sống hằng ngày, tuy nhiên nếu không đủ tỉnh táo và nội lực không vững vàng, hành giả có thể bị sắc trần lôi kéo.
Chính vì vậy, Phật mở ra con đường giúp tâm ta an định, đó chính là bày ra phương tiện, vẽ một cảnh giới tịnh độ ở ngoài cảnh giới này, đó chính là cảnh giới cực lạc ở phương tây, cõi ấy đầy đủ tất cả những mong ước của con người, về vật chất và tinh thần, điều đặt biệt là những thứ ấy đầy khắp cả cõi nước, ai cũng có thể sở hữu, không của riêng ai, do vậy mà không sinh tâm sở hữu, diệt trừ tham đắp và chấp thủ, còn có thầy lành bạn tốt, được nương vào nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Ðà để mà thực tập và học hỏi. Thế thì ngay bây giờ, mỗi người chúng ta đều có thể nương vào pháp đó, học hỏi và thực tập để có hạnh phúc, an lạc, vững chãi và thảnh thơi, để đức A Di Đà và cõi tịnh độ có thể có mặt trong đời sống hàng ngày. Ý thức rằng, cõi tịnh độ chính là một khung cảnh, một môi trường tốt đẹp, an lành, trong sạch và là một khung cảnh thanh tịnh an nhiên mà hết thảy mọi người đều khởi tâm mong cầu và hướng đến.
Một khung cảnh, một môi trường như vậy, ắt hẳn phải được tạo ra bởi những người có tâm niệm về cõi tịnh độ, để mình tự nuôi dưỡng mình và để mình có thể nuôi dưỡng những người khác… Như chúng ta hiện nay, tuy không nói là hoàn hảo, nhưng chí ít cũng đã là những người có diễm phúc, đã thấy, đã sống trong đó. Nó là một cõi có an ninh, có tiện nghi, thanh tịnh, được che chở, được yêu thương, có thầy, có bạn, có điều kiện đi trên con đường thành tựu đạo nghiệp và chuyển hóa đau khổ. Đó là một khung cảnh sinh hoạt trong thế gian nhưng đang hướng đến khung cảnh xuất thế gian mà trong đó tất cả những người tham dự đều có bổn phận đóng góp tâm thanh tịnh và an lạc của mình vào đó để thiết lập một thế giới tịnh độ tại đây, để cùng nhau lưu trú trong đó.
Cái khung cảnh nói trên giờ đây nó không còn là sản phẩm của những người tạo ra nó. Nó là sản phẩm của những người hiện đang sống với nó. Cho nên có câu nói như thế này: “Không có con đường đưa đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”. Hạnh phúc là kết quả, là mục đích mà bạn hướng đến, nhưng thật sự không có một con đường nào đưa bạn đến hạnh phúc cả, hạnh phúc phải được tạo ra từ con đường mà bạn đang đi của hôm nay và bây giờ. Nó phải là những chất liệu của hiểu, của thương, của an lạc, của trí tuệ hiện tại trong mỗi ngày mà bạn đi trên con đường đó. Dĩ nhiên khi cái nhân đã là những chất liệu như thế thì kết quả hay cái đích mà bạn đạt đến chính là hạnh phúc. Bằng ngược lại, bạn chỉ mong cho mình đạt đến hạnh phúc, nhưng trong mỗi phút mỗi giây, mỗi lộ trình bạn đi qua đầy những tâm niệm nôn nóng, thất niệm, xấu ác, tham đắm, ích kỷ, thì hạnh phúc ngay trên con đường ấy đã không có mặt rồi, chất liệu đã không hạnh phúc thì cái đích đến của bạn cũng sẽ không hạnh phúc. Cũng vậy, khi bạn đặt cõi tịnh độ là mục tiêu hướng đến, nó không phải là sự quyết định, mà chính những hành động, lời nói và tâm niệm của bạn trong hiện tại của mỗi đoạn đường bạn đang đi đó mới quyết định bạn có mặt nơi tịnh độ hay không mà thôi. Ðây là môi trường sống của một cộng đồng. Sự thành tựu của môi trường là sự thành tựu của cộng đồng. Và vì vậy, những người đang sống trong đó phải thanh tịnh, phải biết sử dụng ái ngữ, phải biết thương yêu nhau và đùm bọc cho nhau, để giữ tịnh độ cho môi trường.
Khi hành giả chưa đạt được định tâm, lúc tỉnh lúc mê, tỉnh thì có tịnh độ, mê thì lại rơi vào uế độ. Cho nên cần phải cố gắng thiết lập môi trường tịnh độ cùng với những con người hướng tâm đến cõi tịnh mà cùng giúp nhau tu tập và thực hành pháp. Trong kinh A Di Ðà, nói rằng trong cõi tịnh độ không có mặt ba con đường ác (địa ngục, ngã quỉ, súc sinh). Nhưng nếu chúng ta không huân tập thương xuyên sẽ không giữ được chính niệm, mà khi thất niệm, không còn trong tịnh độ, thì ba cõi ác nói trên liền hiện tiền. Đó là từ tịnh độ quay trở lại trong uế độ.
Môi trường tịnh độ hay uế độ là do nhận thức của những người sống trong đó tạo nên. Môi trường uế độ là một môi trường ô nhiễm của sự bận rộn, của tiền bạc, của công ăn việc làm hàng ngày, của ganh tỵ, của sự lo lắng sợ hãi…Môi trường tịnh độ là môi trường thanh tịnh, tức là vắng những ô nhiễm kể trên. Vì vậy, trong sự tu tập chúng ta có bổn phận tham gia, gìn giữ và phát triển những chất liệu an tịnh từ trong tâm hồn, cũng như nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp và cùng nhau lan tỏa chất liệu ấy với tất cả mọi người, hầu tạo nên một cảnh tịnh độ tại nhân gian.

C. KẾT LUẬN

Nên biết rằng, tùy theo tâm tịnh mà có quốc độ tịnh, đây là một chân lý hiển nhiên. Chúng ta không thể mong cầu một nhân gian đẹp đẽ và thanh tịnh, an lạc trong khi tâm mình vẫn cứ đang bận rộn về quá khứ và ảo tưởng ở tương lai được. Cho nên, một nhân gian an tịnh sẽ có mặt bởi sự lựa chọn của tâm trong mỗi con người đang sống trong đây. Chúng ta hãy cùng nhau vẽ nên một cuộc sống, một môi trường tịnh độ tại nhân gian bằng chất liệu của tâm chính niệm, an lạc và thanh tịnh, tịnh cảnh sẽ theo chúng ta ngay trong giờ phút hiện tại. Không khó những cũng thật không phải là điều dễ dàng, nếu chúng ta biết khéo dụng tâm thực tập, buông bỏ chấp niệm và tà kiến thì sẽ dễ dàng hơn, ngược lại nếu như còn tham đắm và vô minh thì khó mà dụng tâm. Quan trọng nhất cũng là ở mỗi người, nên nói rằng nếu học mà không biết khéo dụng tâm thì cũng không thể đạt được kết quả tốt đẹp, khéo dụng tâm thì sẽ có được an lạc và hạnh phúc ngay trong hiện tại, cũng là quả tốt ở tương lai.
Tác giả: Thích Hữu Phú
Học viên Thạc sĩ Khóa IV Học viện PGVN tại Hà Nội
***
Tài liệu tham khảo
1. HT. Thích Trí Tịnh, (2019), Kinh A Di Đà, Nxb. Hồng Đức.
2. HT. Thích Quảng Tùng, (2022), Trở Về Nguồn Sáng, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật.
3. TT. Thích Trí Hải, (2018), Giáo Trình Kinh Hoa Nghiêm, Nxb. Tôn Giáo.
4. HT. Thích Chơn Thiện, (2000), Tư Tưởng Kinh A Di Đà, Nxb. Tôn Giáo.
5. HT.Thích Nhất Hạnh, (2020),Trái Tim Của Trúc Lâm Đại Sỹ, Nxb. Hồng Đức.
6. HT. Thích Thái Hòa, (2013), Đi Vào Bản Nguyện Tịnh Độ, Nxb. Vă hóa-Văn nghệ.
7. HT. Thích Thái Hòa, (2020), Niệm Phật Trong Thiền Quán, Nxb. Hồng Đức.
8. HT. Thích Thái Hòa, (2014), Nguồn Sáng Vô Tận, Nxb. Hồng Đức.
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường