Trang chủ Lịch sử - Triết học Tư tưởng thiền phái Tào Động Trung Hoa và ở Việt Nam

Tư tưởng thiền phái Tào Động Trung Hoa và ở Việt Nam

Tư tưởng biện chứng của Thiền phái Tào Động Trung Quốc và Việt Nam tập trung bàn luận về các phạm trù Sắc - Không, Hữu - Không theo nguyên lý Ngũ vị quân thần và tư tưởng Bát Nhã, thể hiện những tư tưởng chủ đạo về mối quan hệ biện chứng giữa Lý và Sự...

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tư tưởng biện chứng của Thiền phái Tào Động Trung Quốc và Việt Nam tập trung bàn luận về các phạm trù Sắc – Không, Hữu – Không theo nguyên lý Ngũ vị quân thần và tư tưởng Bát Nhã, thể hiện những tư tưởng chủ đạo về mối quan hệ biện chứng giữa Lý và Sự…

ĐĐ. NCS. Thích Thanh Huy
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

Dẫn nhập

Phái Tào Động được thành lập vào khoảng cuối đời Đường. Thiền sư Động Sơn Lương Giới tu học và đắc đạo nơi thiền sư Vân Nham Đàm Thịnh. Thiền sư đến hoằng pháp tại Đông Sơn Phổ Lôi Thiền Tự ở Giang Tây, phát huy tông phái lớn mạnh, sáng lập giáo lý Đông Sơn Ngũ Vị để thu nhận người học. Sau thiền sư Động Sơn Lương Giới, có nhiều đệ tử xuất sắc, đặc biệt là thiền sư Cao Sơn Bản Tịch, người đã kế tục và phát triển, hoàn thiện giáo lý Đông Sơn Ngũ Vị, làm nền tảng vững chắc cho việc thành lập. Tống Cao Đống. Như vậy, thiền sư Động Sơn Lương Giới và Tào Sơn Bản Tích là hai vị khai tổ quan trọng nhất của phái Tào Động.

Thiền phái Tào Động truyền vào Đại Việt (Đàng ngoài) vào giữa thế kỷ 17, thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt sang Trung Quốc tham học với Tổ thứ 30 tông Tào Động là thiền sư Nhất Cú Trí Giáo tại Nhân Vương Hộ Quốc Thiền Tự, núi Phụng Hoàng, Hồ Châu. Sau 6 năm tu hành tham Thiền ở Trung Quốc, sư đã kiến tính (liễu ngộ) và được ấn khả, truyền pháp mạch của Tào Động Chính Tông và đem về truyền bá tại Việt Nam. Thiền sư từng giáo hóa khắp Miền Bắc khiến giáo pháp được phát triển rực rỡ một thời. sư được các môn đệ tôn xưng là Sơ tổ Thiền phái Tào Động tại Việt Nam. Sau khi sư viên tịch, pháp mạch được truyền lại cho đệ tử là thiền sư Chân Dung Tông Diễn.

Ở Đàng Trong: Sau nhiều lần được các chúa Nguyễn mời sang Đại Việt hoằng pháp, mãi đến năm 1694 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, thiền sư Thạch Liêm Đại Sán mới đến Đại Việt. Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán là một thiền sư thuộc thiền phái Thọ Xương, tông Tào Động, đệ tử của thiền sư Giác Lãng Đạo Thịnh nổi tiếng trong giới Thiền tông và Phật giáo Trung Quốc. Sau khi đến Đại Việt, Ngài đã ra sức truyền bá tinh thần nghiêm giới luật trong giới tăng sĩ Việt Nam, các chúa Nguyễn, hoàng tộc và quý tộc cũng kính trọng và theo Ngài quy y, xuất gia, học đạo.

Tông Tào Động chỉ truyền vào Việt Nam vào giữa thế kỷ 17, đã được chư Tổ hoằng truyền mạnh mẽ, sáng lập môn quy, xây dựng đạo tràng, tiếp tăng độ chúng và được kế thừa phát triển đến ngày nay.

Nội dung

1. Tư tưởng tông Tào Động Trung Hoa

Ngũ vị Đông Sơn hay còn gọi là Ngũ quân thần là năm vị giác ngộ do thiền sư Đông Sơn Lương Giới và đệ tử Tào Sơn Bản Tịch đề xướng.

Thiền sư Động Sơn Lương Giới là tổ khai sáng của tông Tào Động, lấy chân lý lập làm Chính vị, lấy sự vật lập làm Thiên vị, rồi dựa vào lý Thiên và Chính xoay trở lẫn nhau mà lập thành thuyết Ngũ vị (Chính trung thiên, Thiên trung chính, Chính trung lai, Thiên trung chí và Kiêm trung đáo).

Chính ở đây biểu thị cho Thể, Tánh, Lý. Thiên chỉ cho dụng, sắc, sự. Ngũ vị được nêu rõ như sau:

1). Chính trung Thiên: có nghĩa là cái Dụng nằm trong Lý. Trong cấp nhận thức này, thế giới hữu vi nắm phần trên nhưng được nhận diện là xuất phát từ Chân như, tính Không. Người tu mới nhận được dụng đủ nơi thể.

2). Thiên trung Chính: có nghĩa là Lý nằm trong Dụng. Trong vị này, sự bất phân nổi bật, thế giới hiện hữu ít được để ý đến. Người tu hành nhận được Lý đủ nơi Sự, nhận được Thể sẵn trong Dụng, liễu đạt được lý các pháp đều không, chỉ một Chân như bình đẳng.

3). Chính trung lai: nghĩa là từ trung tâm giữa Thiên và Chính đến. Các pháp hữu vi như Lý tuỳ duyên, như tính duyên khởi. Nơi đây cảm giác về thân, tâm đều được bỏ qua một bên, cả hai đều biến mất. Người tu nơi đây như Lý tu Sự, như tính khởi hành, tương đương với Bồ Tát từ sơ địa đến thất địa (Thập địa) tu hành còn dụng công.

4). Thiên trung chí: bước vào giữa Thiên và Chính. Nơi đây người tu cảm nhận được sự độc nhất vô nhị của mỗi Pháp. Ngay cả tính Không cũng đã biến mất trong pháp này. Sử dụng toàn hợp nơi thể người tu trọn ngày tu mà lìa niệm tu, trọn đêm dụng mà chẳng thấy dụng công. Tương đương với hàng Bồ Tát từ bát địa đến thập địa.

5). Kiêm trung đáo: Đã đến đích, đến trung tâm của hai thái cực Thiên và Chính. Thể Dụng đồng đến, Sự và Lý cùng hành. Tức là vị quân thần hiệp (vua tôi hiệp).

Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch lý giải Ngũ vị như sau: “Chính vị tức xưa nay Không giới, xưa nay không vật. Thiên vị là sắc giới có muôn hình tượng. Chính trung thiên: bỏ Lý theo Sự. Thiên trung chính: bỏ Sự về Lý. Kiêm trung đáo: thần ứng hợp các duyên, không rơi vào các cõi, chẳng phải nhiễm, tịnh, chính, thiên. Cho nên nói ‘Đại đạo hư huyền, chân tông vô trước.’ Các bậc tiên đức suy một vị này tối diệu tối huyền, phải biện minh cho thấu triệt. Quân là Chính vị, Thân là Thiên vị, Thần hướng Quân là Thiên trung Chính, Quân thị Thần là Chính trung Thiên, Quân Thần đạo hiệp là Kiêm trung đáo”[1].

Thiền sư Tào Sơn Bản tịch lại nương theo bản ý của ngài Động Sơn mà phát minh thêm, mượn ví dụ vua tôi để nói rõ yếu chỉ của Ngũ vị, gọi là Quân thần ngũ vị.

1). Quân vị (địa vị vua): Chỉ cho cõi hư không xưa nay vốn chẳng có 1 vật gì, là Chính vị, tức Chính trung lai trong Ngũ vị.

2). Thần vị (địa vị bầy tôi): Chỉ cho cõi sắc, muôn tượng có hình, là Thiên vị, tức là Thiên trung chí trong Ngũ vị.

3). Thần hướng quân (bầy tôi hướng lên vua): Bỏ sự về lí, tức là Thiên trung chính hướng lên, trở về trạng thái vắng lặng.

4). Quân thị thần (vua nhìn xuống bầy tôi): Bỏ lí theo sự, tức là Chính trung thiên hướng xuống, theo duyên sinh khởi muôn pháp.

5). Quân thần đạo hợp (đạo vua tôi hợp nhau): Ngầm ứng các duyên mà không rời vào hữu vi, tức là Kiêm trung đáo, chỉ cho địa vị đạo Đại giác cùng tột, chẳng phải Chính, chẳng phải Thiên, động tĩnh hợp nhất, sự lý không hai”[2].

Tư tưởng Ngũ vị quân thần là tông chỉ tu tập của tông Tào Động, hành giả nương vào đó quán chiếu tập sẽ đi đúng theo Trung đạo, không chấp mắc hai bên: có – không, tốt – xấu, thiện – ác… trở về với bản thể chân như thanh tịnh. Đây là tư tưởng đặc trưng của Tào Động tông Trung Hoa. Bên cạnh tư tưởng Ngũ vị quân thần, các thế hệ chư tổ đời sau dựa vào kinh nghiệm tu tập của mình mà sáng tạo ra nhưng phương pháp, luận lý mới, trong đó nổi bật là pháp Thiền Mặc chiếu của thiền sư Hoằng Trí Chánh Giác.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tu Tuong Thien Phai Tao Dong Trung Hoa Va Viet Nam 1

2. Tử tưởng Tào Động ở Việt Nam

– Thiền Tịnh Song Tu

Thiền tông và Tịnh độ là hai tông phái lớn của Phật giáo được truyền bá và phát triển rất sâu rộng. Hai tông phái về tư tưởng hành trì ta thấy có nhiều khác biệt nên trong quá trình truyền bá ta thấy có nhiều mâu thuẩn. Tuy nhiên, vào thời nhà Nguyễn Thiền và Tịnh có sự kết hợp với nhau hài hòa tạo nên bản sắc tu học cho thời này là Thiền Tịnh song tu: “Trong các con đường tắt để tu hành, không con đường nào bằng niệm Phật. Niệm Phật cốt ở chỗ dứt bỏ được duyên lự, chỉ nhớ tới sáu chữ, tâm không tán loạn, niệm phải tinh thành, sáng niệm, chiều niệm, niệm cho đến đến chỗ bất niệm, niệm cho đến chỗ vô niệm. Khi đã cùng vạn vật nhất thể thì nguồn suối Di Ðà không còn là của riêng của ai nữa mà sẽ được tự tâm ý bất loạn của tự mình chảy ra. Khi nhất niệm đã bất sinh thì chân thể toàn nhiên hiển hiện vậy”.[3]

Qua lời dạy trên ta thấy, khi chúng ta hành trì đến nhất tâm bất loạn thì Phật A di đà cũng là tự tính của mỗi người, Tịnh độ cũng tại đây và bây giờ, mọi khoảng cách giới hạn không còn nữa.  Mục đích thực tiễn của Thiền Tịnh song tu là giải phóng con người ra khỏi sự ràng buộc của hình danh sắc tướng. Sống giữa thế gian mà đã siêu xuất thế gian, nên đối với họ Ta bà cũng là Tịnh độ. Niết bàn ngay ở nơi đây, trong lúc này, chứ không phải là cái gì xa xôi phải chờ xả bỏ thân tứ đại mới biết được. Đây là điểm then chốt của Thiền Tịnh song tu.

– Nho Phật nhất trí

Việt Nam đến thế kỷ XVII tồn tại ba tôn giáo chính: Phật giáo và Nho giáo. Nho giáo truyền vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, có vị trí quan trọng đối với các triều đại phong kiến. Nhưng Phật giáo vẫn lã tín ngưỡng mạnh nhất. Vì thế, việc Chúa Tiên Nguyễn Hoàng sử dụng Phật giáo để cố kết lòng người là điều dễ hiểu.

Khi Hòa Thượng Thạch Liêm đến hóa đạo ở Đàng trong thì ông chủ trương tư tưởng Nho Phật nhất trí. Ngay trước giời đàn thiết lập tại chùa Thiền Lâm năm 1695, Thạch Liêm viết hai câu đối sau đây:

“Thích thị trì luật, nho giả lý trung, tổng yéu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại.

Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng quy kiến tính minh tâm, đoan do giới thận bất đổ, khủng cụ bất văn”[4].

Các Phật tử và các Nho gia đã không hề thấy có sự khác biệt và trái chống giữa Nho và Phật. Phật và Nho đều có thể sử dụng để ổn định xã hội, cai trị nhân dân, tu tâm dưỡng tánh. Quan điểm “Phật Thánh phân công hợp tác” hay “Nho Phật nhất trí” là quan điểm chung cho cả Phật tử lẫn Nho gia. Tư tưởng Nho Phật nhất trí giúp cho nền văn hóa tinh thần của người dân được thống nhất tạo nên sự đoàn kết hòa hợp Tôn giáo giúp cho Vương triều được vững mạnh hơn.

– Lâm Tào Tổng Hợp

Tào Động và Lâm Tế là hai thiền phái Phật giáo phát xuất từ Trung Hoa mà sự du nhập của nó vào Việt Nam nói chung cho thấy đó là hai thiền phái quan trọng, có sức ảnh hưởng rộng và để lại những dấu ấn trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Thực tế lịch sử Phật giáo ở Đại Việt buổi đầu cũng có sự truyền nhập, phát triển đan xen của nhiều tông phái, trong đó có Tào Động và Lâm Tế. Các tư tưởng như Ngũ vị quân thần và Tứ liệu giản của hai tông phái này vẫn được sử dụng đan xen trong cách hành trì trong thiên môn. Chính vì vậy, trong các tổ đường của Thiền phái Lâm Tế và Tào Đồng không khó chúng ta bắt gặp linh vị các Tổ được thờ chung với nhau.

Kết luận

Tóm lại, tư tưởng biện chứng của Thiền phái Tào Động Trung Quốc và Việt Nam tập trung bàn luận về các phạm trù Sắc – Không, Hữu – Không theo nguyên lý Ngũ vị quân thần và tư tưởng Bát Nhã, thể hiện những tư tưởng chủ đạo về mối quan hệ biện chứng giữa Lý và Sự, giữa Chính và Thiên là nguyên lý vận động của con người vừa biện chứng vừa logic với nhau. Tư tưởng biện chứng vừa mang tính nhân văn sâu sắc, vừa thể hiện tính biện chứng của Phật giáo nói chung, đặc biệt về chủ đề Vô ngã. Vì là một thiền phái với tư tưởng nhập thế nên có sự dung hợp Nho, Phật, Lão với tín ngưỡng bản địa, pháp môn Tịnh – Thiền – Mật của Phật giáo. Tuy còn những hạn chế nhất định trong tư tưởng và phương pháp tu luyện, nhưng đối với Tào Động, thiền định để trở về chân tâm, Phật tính phải theo nguyên tắc và chu trình tự tính của nó mới giữ được Tâm và chống lại đối cảnh để đạt được sự giác ngộ chân tâm bản tính. Đây là những đóng góp quan trọng của Thiền phái Tào Động đối với Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ XVII đến sau này.

ĐĐ. NCS Thích Thanh Huy
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hiền Đức (1993), Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
2. Như Sơn (2015), Thiền uyển kế đăng lục, Thích Thiện Phước dịch, Hồng Đức, Hà Nội.
3. Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế. Nxb. Văn Hóa Sài Gòn tái bản; Tp Hồ Chí Minh, 2006.
4. Thích Mật Thể (1960), Việt Nam Phật giáo sử lược. Nxb. Minh Đức tái bản, Đà Nãng.
5. Thích Nhất Hạnh, Việt Nam Phật Giáo sử luận tập I, Lá Bối, Sài Gòn, 1974; tập II, Lá Bối, Paris, France, 1978.
6. Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
7. Thích Thanh Từ (2002) , Thiền sư Trung Hoa, Tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
8. Thích Thanh Từ (2000), Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
9. Thích Đai Sán (1963), Hải ngoải kỷ sự, Viện Đại học Huế, UB Phiên dịch Sử liệu Việt Nam

Chú thích
[1] Nguyễn Hiền Đức (1993), Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr.172.
[2] Thích Thanh Từ (2002) , Thiền sư Trung Hoa, Tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.172.
[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Hà Nội: NXB Văn Học, 2000, tr. 615.
[4] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Hà Nội: NXB Văn Học, 2000, tr. 616.
Dịch nghĩa: Phật gia trì giới, nho giả lý trung, cốt ở thành ý tu thân, tự nhiên ngoài có nghĩa phương, trong có chính trực;”Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đều về minh tâm kiến tính, cũng vì răn nơi chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe)

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường