Trang chủ Chuyên đề Tư tưởng thiền học của Thiền sư Chân Nguyên

Tư tưởng thiền học của Thiền sư Chân Nguyên

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Giới Chân
Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023

Đặt vấn đề: Theo các tài liệu đã công bố thì Tổ Như Trừng Lân Giác là Đệ nhất Tổ – khai sơn xây dựng chùa Liên Phái, Hà Nội. Tuy nhiên, theo thông tin trên tấm bia Trùng hưng Liên Phái dựng năm 1872 thì ghi Đệ nhất Tổ là Chân Nguyên Hòa thượng?
Mối liên hệ giữa Chân Nguyên và Như Trừng Lân Giác cùng chùa Liên Phái cụ thể và chi tiết như thế nào, hy vọng cùng với thời gian, các nhà nghiên cứu và tài liệu khảo cứu sẽ làm rõ.
Nhân dịp Tổ chức Hội thảo về Tổ Như trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái, Tạp chí NCPH đăng bài viết giới thiệu về tư tưởng Thiền học của sư Chân Nguyên.
Thiền sư Chân Nguyên có vai trò quan trọng trong việc khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Những tác phẩm của ông mang đậm tính triết lý nhà Phật, không những có giá trị về mặt tu học mà còn có giá trị về mặt nghệ thuật. Thể hiện rõ tinh thần Phật giáo Việt Nam (PGVN) là tùy duyên hóa độ và tinh thần dung hòa các truyền thống Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc.
Từ khóa: Chân Nguyên, Trúc Lâm Yên Tử, Thiền sư, đệ nhất tổ, chùa Liên Phái, truyền thống Phật giáo…

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN VỀ THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN

1.1.Thân thế

“Chân Nguyên (1647 – 1726 có pháp danh là Tuệ Đăng, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 36; và là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm đời Trần ở Đàng Ngoài về sau được truyền thừa y bát Trúc Lâm”. Có thể thấy đây là điều đặc biệt ở Chân Nguyên vì thừa hưởng tinh hoa từ hai dòng thiền.

“Sư là người họ Nguyễn tên Nghiêm, tên chữ là Đình Lân, sinh ngày 11 tháng 9 năm Đinh Hợi (1647) ở tại làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Lớn lên, sư theo học với cậu là một Giám sinh (học sinh trường Quốc Tử Giám). Sư rất thông minh, hạ bút là thành văn”. Năm 16 tuổi, nhân đọc được quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói:

“Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống ta là một chú học trò”. Chính câu nói này của Tổ đã tác động mạnh mẽ vào nội tâm của Nguyễn Nghiêm khiến ông quyết dứt bỏ tất cả phát tâm xuất gia vào năm 19 tuổi.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 3.2023 Tu Tuong Thien Hoc Cua Thien Su Chan Nguyen 1

Chùa Hoa Yên, Yên Tử, Quảng Ninh – Ảnh: St

1.2.Đạo nghiệp

Ban đầu, ngài lên “chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử (Quảng Ninh), xin xuất gia với Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú), và được đặt pháp danh là Tuệ Đăng. Nhưng vì Thiền sư Tuệ Nguyệt viên tịch sớm nên Sư cùng bạn đồng tu là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu đà, rồi đi du phương để tham vấn Phật pháp ở khắp nơi. Sau đó sư đến chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương (Bắc Ninh) xin tham học với Thiền sư Minh Lương (thuộc phái Lâm Tế, đời thứ 35), ở chùa Vĩnh Phúc”. Thiền sư Minh Lương lại là đệ tử của Thiền sư Chuyết Chuyết, sau đó sư được đặt pháp danh là Chân Nguyên. Chữ Chân này là chữ thứ hai trong bài kệ truyền Pháp của ngài Minh Hành.

“Minh Chân Như Tính Hải
Kim Tường Phổ Chiếu Thông
Chí Đạo Thành Chính Quả
Giác Ngộ Chứng Chân Không

Nghĩa là

Thấy chân như biển rộng
Ánh vàng chiếu vô cùng
Đạt đạo thành chính quả
Giác ngộ chứng chân không.”

Đây cùng là bài kệ để đặt pháp danh cho các thế hệ kế tiếp của phái Lâm Tế ở Đàng Ngoài.

Sách Kế Đăng Lục nói rằng một hôm Chân Nguyên đi tham vấn thiền sư Minh Lương về một điều thâm diệu trong Pháp Phật, thì chỉ thấy Minh Lương nhìn thẳng vào hai mắt ông một hồi lâu mà không nói gì, nhờ đó mà Chân Nguyên bỗng bừng tỉnh mà giác ngộ. Minh Lương để lại bài phó pháp cho Chân Nguyên như sau:

“Mỹ ngọc tàng ngoan thạch
Liên hoa xuất ứ nê
Tu tri sinh tử xứ
Ngộ thị tức bồ đề.

Dịch:

Ngọc xinh ẩn trong đá
Hoa sen nẩy từ bùn
Nên biết tìm giác ngộ
Nơi sinh tử trầm luân”

“Sau khi được tâm ấn, sư thọ giới Tỳ-kheo. Một năm sau, sư lập đàn thỉnh ba đức Phật (Thích-ca, A-di-đà, Di-lặc) chứng đàn, thọ giới Bồ-tát và đốt hai ngón tay nguyện hành hạnh Bồ-tát. Về sau, Sư được truyền thừa y bát của Thiền phái Trúc Lâm, làm Trụ trì chùa Long Động (tức chùa Lân, nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử) và chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh), là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm.

Năm 1684, sư dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên Hoa mà Thiền sư Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc (còn gọi là chùa Bút Tháp) ở Bắc Ninh.

Năm 1692, lúc 46 tuổi, sư được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức của Sư, ban cho sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dàng áo ca-sa cùng những pháp khí để thờ tự.

Năm 1722, lúc 76 tuổi, sư được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu là Chánh Giác Hòa Thượng.”

Đến năm 1726, sư triệu tập đệ tử dặn dò và nói kệ truyền pháp như sau:

“Hiển hách phân minh thập nhị thì,
Thử chi tự tánh nhậm thi vi.
Lục căn vận dụng chân thường kiến,
Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.

Dịch:

Bày hiện rõ ràng được suốt ngày,
Đây là tự tánh mặc phô bày.
Chân thường ứng dụng sáu căn thấy,
Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay.”

Nói kệ xong, sư bảo chúng: “Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật”. Đến tháng 10 năm ấy, sư lâm bệnh, đến sáng ngày 28 viên tịch, thọ 80 tuổi (tính theo tuổi ta). Môn đồ làm lễ hỏa táng thu di cốt (tín đồ gọi là xá lợi) chia thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Lân (Long Động).

1.3. Tác phẩm

Chân Nguyên thiền sư là một cây bút lớn trong về văn học Phật giáo thế kỷ thứ 17. Các tác phẩm của Ngài bằng Quốc Âm gồm:

1- An Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh ( được tái bản 3 lần vào 1745, 1805, 1932).
2- Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh in 1850. 3- Ngộ Đạo Nhân Duyên.
4- Đạt Na Thái Tử Hành, in năm 1838.
5- Hồng Môn Hành, năm “Minh Mạng vạn vạn niên”.
6- Thiền Tịch Phú in năm 1932. Các tác phẩm bằng Hán Văn như:
7- Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới in 1748. 8- Tịnh độ yếu nghĩa in ba lần 1747, 1851, 1860. 9- Nghênh sư duyệt định khoa in lại năm 1887.

Ngoài ra, còn có một số kinh sách khác như: Long thư tịnh độ văn tự, Trùng san Long thư tịnh độ luận hậu bạt tự.

CHƯƠNG II. TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC CỦA THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN

2.1 Dung hòa giữa nền tư tưởng Ấn Độ và Trung Hoa

Tư tưởng về thiền của Thiền sư Chân Nguyên mang sắc thái đặc biệt mới lạ. Dung hòa giữa hai nền tâm linh của Ấn Độ và Trung Hoa, tổng hợp trở thành tư tưởng Thiền có nhiều tính chất của dân tộc. Chúng ta có thể thấy rằng, Thiền sư Chân Nguyên là một vị Sư hết sức đặc biệt, được thừa hưởng cả hai dòng thiền là Tào Động và Trúc Lâm Yên Tử. Trong đó, Tào Động có nguồn gốc từ Trung Hoa, còn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lại có từ thời Vua Trần Nhân Tông với sự giao thoa giữa ba dòng thiền gồm Tỳ Ni Đa Lưu Chi (từ Ấn Độ truyền sang Việt Nam vào thế kỷ VI), thiền phái Vô Ngôn Thông (từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam vào thế kỷ thứ IX), thiền phái Thảo Đường (từ Trung Quốc truyền vào nước ta từ thế kỷ XI).

Tư tưởng của ông ít nhiều chịu ảnh hưởng của Trung Hoa và Ấn Độ. Nhưng vẫn giữ được những nét riêng trong truyền thống văn hóa của người Việt. Thiền sư Chân Nguyên cũng ảnh hưởng tư tưởng giác ngộ với Thiền sư Minh Lương qua cái “Nhìn”, đó là nơi vượt ngoài vấn đề của ngôn thuyết, hý luận, đặt để hay định nghĩa. Ngôn ngữ đôi khi chỉ là sự lặng thinh, hoặc là giương mắt, hoặc nhíu lông mày, hoặc là hét lớn một tiếng vang dội, như trong Thiền Tông Bản Hạnh của Chân Nguyên thiền sư có ghi:

“Hoặc là nghiễm tọa vô vi
Hoặc là thuần mục, giương mi, giao thuần,
Hoặc hiện sư tử tấn thân
Quát hét một tiếng xa gần vang uy
Ai khôn xem đấy sá nghì
Hội ngộ tự tính, tức thì chứng nên”.

Tư tưởng này của Thiền sư Chân Nguyên cũng giống như tư tưởng Thiền mà các tổ sư Trung Hoa sử dụng khi khai thị cho hàng đệ tử. Điểm hội ngộ chung giữa Phật và các tổ đó là “Dĩ tâm truyền tâm” lấy tâm truyền tâm bất lập văn tự. Ngôn ngữ do con người chế định ra, cho nên còn có sự giới hạn, còn có mặt hạn chế, nó chỉ là hình thức bên ngoài không thể chạm vào tới Chân Lý tối thượng.

Vì vậy, Thiền sư Chân Nguyên không cố chấp theo một lối truyền đạo. Bài kệ của Ngài có đoạn như sau:

“Hữu thuyết giai thành báng
Vô ngôn diệc bất dung
Vị quân thông nhất tuyến
Nhật xuất lãnh đông hồng

Dịch:

Có thuyết thành nhạo báng
Không lời cũng chẳng xong
Vì anh vạch một lối
Trời lên núi động hồng”

Từ đó, Chân Nguyên gợi mở một con đường tìm kiếm tự tính, đó là con đường tùy duyên thuyết Pháp, trao truyền tâm ấn, cho phù hợp với căn cơ từng người. Với tinh thần “Pháp môn bất nhị”, Chân Nguyên đã lựa chọn phương pháp tu tập vượt lên trên cả đốn tu và tiệm tu nhằm hướng đến mục đích là giác ngộ và giải thoát. Phương tiện tuy khác, nhưng nơi tới vẫn là một; thời gian tuy dài ngắn khác nhau, nhưng cũng gặp nhau tại một điểm là giải thoát. Pháp vốn dĩ không có đốn-tiệm, mà chỉ có tùy bệnh mà cho thuốc. Thuốc thì không có hay dở, trị được bệnh thì đó là diệu dược.

2.2 Tư tưởng thiền phái Trúc Lâm tính chất trong sáng tròn đầy “Trạm viên”

Tiếp nối truyền thống Thiền Tông nói chung, và tư tưởng của các Tổ Trúc Lâm nói riêng.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 3.2023 Tu Tuong Thien Hoc Cua Thien Su Chan Nguyen 2

Tháp Tịch Quang ở chùa Lân (Long Động Tự), Uông Bí, Quảng Ninh, thờ thiền sư Chân Nguyên – Ảnh: St

Tư Tưởng “Bản Thể Luận” của Thiền sư Chân Nguyên có liên quan đến pháp hiệu của Ngài “Chân Nguyên là nguồn gốc chân thực”, được thể hiện rõ trong tác phẩm Thiền Tông Bản Hạnh như sau:

“Thuở xưa trời đất chưa sinh
Cha mẹ chưa có thực mình chân không
Chẳng có tướng mạo hình dung
Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư.”

Theo Chân Nguyên, bản nguyên của vạn vật từ khởi thủy đều xuất phát từ Chân Không mà ra. Chân Không này vượt ra ngoài giới hạn của nhận thức thông thường, không có hình dạng sắc tướng, không thể dùng văn tự mà nắm bắt được. Nó trong sáng, lẳng lặng mà bao hàm tất cả vạn vật, như ánh trăng chiếu tỏa, rộng khắp, không gì không viên đồng, thấu suốt. Chân Không này còn được gọi với cái tên đó là “tự tính”, “chân như”, “chân nguyên”…Lại nói “Tự Tính” thì bình đẳng, hằng khắp, chúng sinh ai ai cũng có, đó là cái mần Phật tính viên mãn tròn đầy; khi mà thiền giả chứng đắc được tính ấy thì thốt nhiên liễu ngộ. Bản tính của “chân như” là tự nhiên, như nhiên, được xem như là nguồn gốc sâu kín của vạn vật. Từ cái chân không lặng lẽ “trạm nhiên” viên mãn đó, hạt giống thiện căn được vun trồng và nảy nở trong lòng mỗi chúng sinh tu hành. Ông cho rằng:

“Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sinh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tính trạm viên
Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng.”

Tiếp nối tư tưởng thiền phái Trúc Lâm thời Trần đề cao “Phật tại tâm”, Thiền sư Chân Nguyên cho rằng có thể tìm thấy Như Lai ngay trong chính cuộc sống này, bởi Phật không ở trên núi cao, hay trong rừng sâu, hay ở một cõi tịnh lạc nào đó xa xôi. Mà Phật là ta, ta là Phật, Phật trong đi, đứng, nằm, ngồi. Phật ở trong cuộc sống thường nhật với sự chính niệm tỉnh giác, nhìn đúng sự thật của thế gian, không mê muội nhân quả, đó là Chân Phật. Như trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông có ghi lại cuộc vấn đáp giữa Ngài và Quốc sư Trúc Lâm (Quốc sư Phù Vân) về Phật, Quốc sư nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết là Chân Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.”

Theo Chân Nguyên Thiền sư chủ trương rằng chìa khóa của sự đạt đạo là nuôi sáng ý thức của mình về sự hiện hữu của tự tính “Trạm viên”, nguồn gốc chân thật của mình. Đây chính là sự chính niệm tỉnh giác, ý thức được mọi hành động, suy nghĩ của mình thì mỗi việc làm mỗi suy nghĩ tạo tác của ta dần đi trên lộ trình của sự tỉnh thức, giác ngộ. Mỗi khi các căn của ta như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với ngoại trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà ta được chính niệm dẫn lối thì không gì là không nhiệm màu, không gì là không an lạc. Bởi ta đang sống chân chính với Phật tính của ta, không bị dục vọng hay thất niệm lôi kéo, tâm tính lao xao được chính niệm tỉnh thức gạn lọc. Đó là sự “vận dụng của căn” trên căn bản ý thức về tính giác. Bản tính chân nguyên của tự tính là viên đồng, tròn lắng, thuần khiết chiếu sáng khắp cùng. Chỉ do tâm vọng động, đối đãi nổi lên làm lu mờ đi bản tâm chân nguyên. Khi đạt đến giác ngộ thì cũng là lúc thực hiện sự trở về bản tâm nguyên sơ, chân thật của mình. Thiền sư Chân Nguyên khuyên các hành giả rằng:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 3.2023 Tu Tuong Thien Hoc Cua Thien Su Chan Nguyen 3

Tháp Tịch Quang ở chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh, thờ thiền sư Chân Nguyên – Ảnh: Minh Anh

“Khuyên người học cao trí khôn
Giác tri tự tính chớ còn tìm đâu
Phật Tổ phó chúc trước sau
Pháp ấn như thị làu làu chân không
Cùng thuyền bát nhã tâm tông
Ngộ vô sở đắc thật dòng chân tăng”

Về “Nhận Thức Luận”, trong truyền thống thiền của hệ phái Trúc Lâm đều coi trọng cả hai phương pháp là đốn ngộ lẫn tiệm ngộ. Chân Nguyên cũng đã dành nhiều đoạn trong các tác phẩm của mình bàn về vấn đề này. Chúng ta biết rằng, Chuyết Chuyết thiền sư là đời thứ 35 của tông Lâm tế ở Trung Hoa (tính từ Lâm Tế Nghĩa Huyền là tổ thứ nhất), thì Minh Lương thuộc đời 36 còn Chân Nguyên là đời thứ 37 dòng Lâm Tế chánh tông (tông của Dương Kỳ Phương Hội). Chân Nguyên đắc pháp với Minh Lương, tuy nhiên thay vì đề cao phương pháp “Đốn ngộ” với các thủ thuật như hét, la, đánh… được xem là nét đặc trưng của tông phái này, thì Ngài lại có xu hướng nghiên tầm về thiền phái Trúc Lâm của dân tộc, với sự dung hòa giữa đốn giáo và tiệm giáo, khai thị cho mỗi người tùy theo căn cơ và trình độ của họ. Trong bài Ngộ Đạo Nhân Duyên, Chân Nguyên nói rằng: “Đạo Phật vốn không ngôn thuyết, ngôn thuyết là vì hữu tình… người ngu còn có thể nhiều kinh nhiều thuyết, người trí thì chưa dứt tiếng hét, tiếng cười đã chóng ngộ tự tánh”.

Việc khai ngộ cho người là tùy cơ mà hóa độ, như khi Phật độ chúng sanh Ngài cũng dùng ngôn từ mà dẫn dắt. Tuy nhiên, giáo pháp đã từ nhân duyên mà có thì cũng chỉ là phương tiện để truyền tải; nhưng nó không bao giờ có thể truyền tải cho đúng được hoàn toàn cái ý tứ của người nói. Như người uống nước nóng lạnh tự biết, dù cho có ai miêu tả cho người khác nghe về nước có vị ngọt thế nào, thanh mát ra sao, màu sắc trong trẻo…thì họ cũng không nhận thức được thực tướng của nước. Chỉ khi nào ta sống trong giáo pháp, chìm đắm trong giáo pháp và thực hành giáo pháp, ta mới nhận thấy sự lợi ích từ pháp hành đem lại cho đời sống của ta. Cho nên, nếu không đốn ngộ tức thì được như Bậc Thượng căn thì ta có thể dùng “Giáo Pháp ngôn từ” (tiệm tu) làm kim chỉ nam từ từ đi vào đạo bằng con đường: Giới- Định-Tuệ, dần dần như giọt nước lâu ngày tràn ly, hoát nhiên Ngộ đạo, mở bày chân tánh, như đất tâm đã sạch thì mặt trời trí huệ tự sáng soi, như căn phòng tối cả ngàn năm bỗng thắp lên ngọn đèn thì lập tức sáng rõ không còn có nhanh- chậm, mê- ngộ, vượt khỏi cách chấp kiến Nhị Biên, tuy hai mà một tuy một mà hai. Đó là điểm đặc sắc của Chân Nguyên thiền sư trong việc giáo hóa đồ chúng.

Trong Thiền đốn ngộ Chân Nguyên thường sử dụng thủ thuật “tứ mục tương cố” (bốn mắt nhìn nhau) để giúp người học trò khai ngộ. Nói một cách khác, là qua quá trình tu tập người Thầy hiểu được tâm người đệ tử đã đầy đủ chỉ chờ cơ hội khai ngộ. Dùng tâm ấn tâm để truyền trao ý chỉ của Thiền tông. Còn việc sử dụng ngôn ngữ thuyết giả chỉ là việc bình thường ngoài da, không thể chạm vào cốt tủy của Chân Lý được. Trong thời đại của Ngài, Thiền sư Chân Nguyên đã đào tạo ra các bậc đệ tử danh tiếng trong đó nổi bậc có Như Hiện và Như Trừng. Thiền sư Như Hiện là người nối tiếp y bát của Thiền phái Trúc Lâm từ Chân Nguyên, còn Thiền sư Như Trừng lập ra Thiền phái mới lấy tên là Liên Tông. Cả hai phái sau này nhập làm một và cả hai phái nêu nối gót theo bước chân của Thiền sư Chân Nguyên tích cực khôi phục lại các tác phẩm thời Trần để truyền bá hậu thế.

III. Kết luận

Trong dòng chảy của Thiền học PGVN, một trong những người có công trong việc phục hưng lại Thiền phái Trúc Lâm ở thế kỷ thứ XVII là Thiền sư Chân Nguyên. Ông là một cây đuốc sáng rực rỡ, một nhà tư tưởng lớn của Phật giáo Thời Lê-Nguyễn. Với cách giáo hóa uyển chuyển tùy thuận vào căn cơ trình độ của mỗi chúng sanh mà giáo hóa, do đó thiền học của Ngài đã nhanh chóng lan tỏa khắp xứ Đàng Ngoài. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hưng Phật giáo Trúc Lâm ở Đàng Ngoài. Kết hợp giữa văn hóa dân tộc Việt và tinh thần nhân văn sâu sắc của triết lý Phật giáo được thể hiện qua tư tưởng muốn cứu độ tất cả chúng sinh mê lầm đến bến bờ giác ngộ. Quan niệm cơ bản trong triết lý Thiền tông, coi chúng sinh đều mang trong tâm mình mần móng của Phật tính của sự giác ngộ, không kể là cao sang, quyền quý, hay ti tiện, nghèo hèn tất cả đều bình đẳng không sai biệt. Ai đã bước trên con đường tu hành, đi trên con đường chính niệm tỉnh giác đều có khả năng thành Phật như nhau, có khác chăng chỉ là khác trong căn cơ tu tập, thời gian nhanh chậm mà thôi. Bởi Thiền cốt để cho hành giả “hồi quang phản chiếu”, quay đầu mà nhận ra cái tâm chân như sáng soi thường chiếu của mình.

Chân Nguyên thiền sư là con người độc đáo với nét tư tưởng thiền dung hòa giữa dòng Thiền Lâm Tế và dòng Thiền Trúc Lâm, giáo pháp của Ông là những tinh hoa được chắt lọc giữa các phái và thừa hưởng từ Thiền Ấn Độ và Trung Hoa. Với vai trò là Tăng thống, sự giáo hóa của Ngài càng trở nên sâu rộng. Ngài cảm hóa được mọi giai tầng trong xã hội. Chính họ đã trở thành lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ cho tâm nguyện phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm của Ngài. Ngay với tăng, ni, phật tử, Thiền sư Chân Nguyên cũng linh hoạt mở bày các phương tiện thích ứng với căn cơ trình độ của mỗi người, nhằm giúp họ hướng thiện, hướng thượng, và tiến lên trên lộ trình giác ngộ và giải thoát. Để thực hiện việc giáo hóa này, Ngài đã trước tác nhiều thể loại sách cho hàng hậu học theo đó ứng dụng tu tập, với chủ trương là khai ngộ bản tâm, thấu suốt chân tính, chứng nghiệm Tịnh độ hiện tiền. Từ đây, nhiều hành giả tu tập có kết quả và sau này chính họ trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy công cuộc phục hưng Phật giáo Trúc Lâm đời Trần.

Thích Nữ Giới Chân
Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lê Mạnh Thát (1980), Chân Nguyên Thiền Sư Toàn Tập, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
2. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb Tổng Hợp, Tp. HCM.
4. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Nguyễn Hiến Lê (2017), Lão Tử Đạo Đức Kinh, Nxb Văn Hóa Nghệ Thuật, Tp. HCM.
6. Thích Thanh Từ (1998), Thiền Tông Bản Hạnh giảng giải, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
7. Thích Thanh Từ (2008), Khóa Hư Lục giảng giải, Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh.
8. Thích Phước Đạt (2017), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, giáo trình Học viên Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh.
9. https://tapchinghiencuuphathoc.com/thien-su-chan-nguyen-bac-thay-hoang-phap-loi-lac.html.
10. https://loigiaihay.com/tieu-su-quan-diem-su-nghiep-sang-tac-cung-phong-cach-nghe-thuat-cua-ngo-thi-nham-a55855. html#ixzz6dgpeJiml.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường