Tác giả: Thích Thông Trí Học viên Cao học Khoá II tại Học viện PGVN tại Huế

DẪN NHẬP

Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng đất nước trong việc xây dựng và bảo vệ dân tộc, đã để lại nhiều dấu ấn tâm linh sâu sắc trong lòng người Việt, đặc biệt là thời nhà Trần (1225 – 1400). Đây thời kỳ ra đời dòng thiền mang sắc thái thuần Việt, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo nên dòng chảy hòa nhập vào văn hóa dân tộc chính thống của đời Trần. Sự dung hòa của ba tư tưởng thiền học Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, đường lối trị quốc - an dân của nước Đại Việt. Tư tưởng này được thể hiện qua tác phẩm Khoá Hư Lục vốn được nhiều học giả nghiên cứu, tác giả chỉ khái quát và phân tích những về tư tưởng và nhân sinh quan của tác phẩm qua bài viết “Tư tưởng nhân sinh quan trong Khoá Hư Lục”.

NỘI DUNG

1. Khái quát về Trần Thái Tông

1.1. Đôi nét về tác giả

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: “Họ Trần, tên là Cảnh, trước tên huý là Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được nhường ngôi, ở ngôi 33 năm (1218 – 1258), nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi (1218 – 1277), băng ở cung Vạn Thọ, tang ở Chiêu Lăng. Vua hoan nhân đại độ, có Lương đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập dựng kỷ cương, chế độ nhà Trần thật to lớn vậy. Song, quy hoạch việc nước đều do Trần Thủ Độ làm”. [1]

Căn cứ bài tựa Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liêm biên soạn, sau khi lên ngôi năm 1236, mười năm đầu Trần Thái Tông không có phản ứng gì. Việc ép lấy chị dâu đang mang thai là ý đồ của Trần Thủ Độ, nhằm đáp ứng quyền lợi của triều Trần lúc bấy giờ.

Ông là vị vua giàu lòng khoan dung. Qua việc tha tội cho Trần Liễu và được vị vua Trần làm thơ ca ngợi, so sánh với Đường Thái Tông ở Trung Hoa:

“Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông…Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng”.[2] (Triều đại nhà Đường Trung Hoa và triều đại nhà Trần Việt Nam là hai vị vua mở nước đồng hiệu Thái Tông…Tên hiêu hai bên giống nhau nhưng đức không giống nhau).

Việc nhà vua bỏ hoàng cung lên núi Yên Tử, sau đó nghe lời khuyên của Quốc sư Phù Vân, trở về lãnh đạo đất nước hợp với tâm nguyên dân tộc Quốc gia xã tắc, hợp với ý nguyện làm Phật của mình. Sau khi thái bình thì làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai; khi nhàn rỗi thì hội kiến các bậc kỳ đức để tham thiền học đạo và nghiên cứu các kinh điển đại giáo; làm vua thì xem thường vinh hoa phú quý, có thể bỏ ngai vàng không chút luyến tiếc. Trần Thái Tông xứng đáng là “gương mặt văn hoá đẹp và lạ đến khác thường trong dân tộc Việt Nam”.[3]

1.2. Tác phẩm

Theo Thánh đăng ngữ lục, vua Trần Thái Tông có các tác phẩm như sau:

Văn tập (1 quyển) Chỉ nam ca (1 quyển) Thiền tông Khóa hư (10 quyển)

Trong đó, Văn tập và Chỉ nam đã thất lạc, chỉ còn Khóa hư. Theo Thánh đăng Ngữ lục cho rằng: còn có các tác phẩm khác nữa nhưng hiện nay chỉ còn bài tựa mà thôi.

Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Trần Nhân Tông là tác giả của những tác phẩm: Thiền tông chỉ nam ca; Kim Cương Tam Muội kinh chú giải; Lục thời sám hối khoa nghi; Bình đẳng lễ sám văn; Khoá hư lục; Thái Tông thi tập.

Trần Thái Tông không những là thiền gia mà còn là nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn, nhà lãnh đạo tiêu biểu của thời Trần nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng.

Đối với sự nghiệp xây dựng và phát triền đất nước, ông là vị vua anh minh đã thực thi ba chính sách lớn.

- Thứ nhất, tập trung đào tạo con người kiểu mẫu: Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai. Vua đã mở khoa thi Tam giáo để tuyển chọn nhân tài cho đất nước (năm 1227, 1232, 1236, 1239, 1247 với 1256).

- Thứ hai, triển khai xây dựng và phát triển kinh tế phú cường, giúp đời sống người dân được ấm no.

- Thứ ba, phát triển an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia lãnh thổ. Sau ba trận kháng chiến chống quân Nguyên – Mông (1258, 1285 và 1288).

Mặc dù, ông là người có công đặt nền móng cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, được dung hoà từ ba dòng Thiền Tỳ Ni, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Tuy nhiên, sau khi đọc tụng Kinh Kim Cương, ông đã tỏ ngộ ý Thiền “Ưng vô sở trụ nhi vô kỳ tâm”, liền sáng tác Thiền tông chỉ nam để trình bày sở đắc của mình. Ông cho rằng: Người tu thiền muốn tiến sâu phải hành trì giới luật mà đức Thế tôn đã đi qua.

2. Đôi nét về Khóa Hư Lục

2.1. Hoàn cảnh ra đời

Trải qua khoảng 800 năm, tác phẩm Khóa Hư Lục được các học giả lưu tâm, nghiên cứu và dịch thuật; có thời kỳ được nâng lên thành Kinh điển để tụng đọc và giảng dạy trong các chùa. Theo các Thi tịch cũ thế kỷ 19, tác phẩm này được gọi là Khóa Hư hư kinh. Sau khi vua băng hà, các tác phẩm của vua đã được kết tập và khắc in. Trong quá trình sưu tập, với nhiều nguyên nhân như: thiên tai, chiến tranh… nên không tránh khỏi sự thất thoát của tác phẩm.

2.2. Ý nghĩa nhan đề

Theo Đào Duy Anh, Khoá hư lục nghĩa là tu luyện theo đạo hư không. Trong sách Thư mục Việt Nam của ông đã dịch là: “Exercice du vide”[4]. Ở phần cuối chú giải, ông còn giải thích: “Khóa Hư Lục là luyện tập sự hư vô, tức là tu luyện về đạo hư vô, đạo Phật”.[5]

Theo Thiều Chửu: “Cứ theo nghĩa đen, Khoá là bài học, Hư là rỗng không”.[6]

Theo Nguyễn Lang: “Chữ Khoá (trong Khoá hư) có nghĩa là sự hành trì học tập. Chữ Hư có nghĩa là với thái dộ không cố chấp vào hình thức giáo điều”.[7] Theo cấu trúc ngữ pháp Khang Hy từ điển: “chữ “Khoá: 課” có nghĩa là bàn luận, “Hư:虗” là trống rỗng, “Lục:錄:” là sao chép”.[8] Đây là quyển sách bàn luận về chủ đề Phật giáo. Mục đích là đưa con người trở lại bản tâm thanh tịnh có sẵn trong mỗi người. Với ý nghĩa chơn không diệu hữu về phương pháp tu dưỡng, chứng ngộ, tác phẩm được đặt tên là Khoá hư lục .

3. Tư tưởng nhân sinh quan trong Khoá Hư Lục

3.1. Khái niệm về nhân sinh

Nhân sinh là gì? Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, nhân là người, sinh là sự sống; nhân sinh chính là sự sống của con người. Theo tiếng Hán, nhân (人) là người, sinh (生) là sống; nhân sinh chính là cuộc sống của con người.

Nhân sinh quan là toàn bộ những quan niệm chung nhất về xã hội và con người. Những quan niệm về con người và cuộc sống của con người đề cập đến những vấn đề: Con người là gì? Bản tính, bản chất con người như thế nào? Mục đích, ý nghĩa, giá trị của cuộc sống con người ra sao? Mối quan hệ giữa con người và thế giới? Con người có thể làm gì để vượt qua những đau khổ, giải phóng mình, đạt tới tự do? Con người sẽ phải như thế nào để có một cuộc sống tốt đẹp nhất?

Nhân sinh quan Phật giáo là toàn bộ những quan điểm chung nhất của Phật giáo đề cập đến những vấn đề con người và cuộc sống con người như: con người do đâu mà ta có mặt trong cõi đời này? Thực trạng về cuộc sống của con người như thế nào? Thân phận con người ra sao? Con người có thể làm gì để diệt trừ đau khổ, đạt được tự do, hạnh phúc trong hiện tại và giải thoát trong tương?

3.2. Tư tưởng nhân sinh trong Khóa Hư Lục

Quan niệm về con người của Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục cũng được phản ánh rất rõ qua khía cạnh của một thiền sư đời Trần nói riêng và Phật giáo nói chung. Trên thực tế, con người là chủ thể của nhận thức từ lâu đã được quan tâm, là đối tượng khảo sát ngày càng được thu hút đối với các nghiên cứu gia trên thế giới.

Trong Khóa Hư Lục, tác giả đã đi tìm lại chính con người của mình. Đó là bản lai diện mục (Phật tính) và đồng thời nói lên tình yêu con người với lòng từ bi hỷ xả của đạo Phật. Cuộc sống là quá trình đi tìm kiếm hạnh phúc của con người. Một hành trình hữu hạn, mong manh chứa đầy triết lý vô thường. Trong lịch sử tiến hoá, con người luôn muốn chuyển cái hữu hạn thành cái vô hạn, không chịu sự an bài của số phận mà luôn tìm cách thể nhập, tu tập, chứng ngộ, giải thoát khổ đau ngay trong đời này. Chính Trần Thái Tông đã được Quốc sư Viên Chứng dạy rằng: “Sơn bản vô Phật…vô khổ ngoại cầu dã (Trong núi vốn không có Phật…không cần phải nhọc công đi tìm ở bên ngoài)”.[9]

Sau khi trở về chăm lo triều chính, ông càng có cơ duyên để hiểu rõ hơn về thân phận và tình yêu con người. Trước cám dỗ dục lạc của trần gian, Trần Nhân Tông đã nhìn nhận về bản thân để chuyển hoá thân tâm: “Nhĩ khả tử tế khan lai,…, thể mạo vọng sinh, hình hài giả xuất (Các ngươi hay xem lại cho tường…dáng vóc lầm sinh, hình dung giả lộ)”.[10] Cái nhìn của Trần Thái Tông là cái nhìn của duyên sinh, tất cả đều do sự kết hợp mà thành. Con người cũng do sự hội đủ của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà thành. Trong Kinh Phật Tự Thuyết (Udàna; Tiểu Bộ kinh) Phật dạy rằng:

“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh, nên cái kia sinh. Do cái này diệt, nên cái kia diệt”.

Do tâm lý con người muốn nắm tất cả nên bị hệ luỵ khổ đau khôn lường. Chính tấm thân này cũng bị vô thường chi phối, huống gì là công danh, phú quý cũng như áng mây trôi: “Công danh cái thế, …, nan miễn vô thường nhi tự (Công danh rợp đời, …, khó khỏi hai chữ vô thường)”.[11]

Trần Thái Tông đã nhìn nhận được thân phận con người trước dòng chảy vô thường, đều bình đẳng không ai tránh khỏi sinh, trụ, dị, diệt. Ông đã bóc trần, phơi bày sự thật đằng sau thế giới yêu kiều, mỹ lệ. Với những vị ngọt của trần thế, tất cả đều bị huỷ diệt. Do vậy, con người phải tự mình chuyển hoá, thức tĩnh, tự mình vượt qua cái thân phận hữu hạn của kiếp người. Đó là chuyển hóa nghiệp nhân và nghiệp quả từ bất thiện sang thiện. Sau đó, bản thân phải thân chứng bằng tư duy, qua hành động và lời nói cụ thể lợi mình và lợi người, siêu vượt thời gian, không gian.

Đối với một con người, Trần Thái Tông đã căn cứ vào lời Phật dạy: “Phải vượt qua bốn ngọn núi của cuộc đời đó là sinh, già, bệnh, chết”.[12]  Đấy là bốn ngọn núi đầy cheo leo, hiểm trở mà tự bản thân phải đi qua tuỳ theo nghiệp nhân, nghiệp quả của mỗi người.

Trong Thiền tông chỉ nam tự, ông đã đề cao công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, dạy con người sống phải biết hiếu kính cha mẹ: “Niệm phụ mẫu chi ư tử giả, phủ ma cúc dục, mị sở bất chi,phấn cốt tối than, do vị túc dĩ báo kỳ vạn nhất dã (Trẫm nghĩ cha mẹ vỗ về con nuôi nấng không thiếu điều gì, con dù thịt nát xương tan cũng không đủ đền ơn trong muôn một)”.[13] Điều này trong kinh điển, đức Phật đã dạy: “Tâm hiếu là tâm phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Vì Thiền sư sống cùng với thiên nhiên nên vần thơ của ông luôn luôn gắn liền với sông núi, hoa lá, trời mây, v.v. tất cả vạn vật ấy cùng chung nhịp đập trái tim, hoà quyện với tâm hồn như nước với sữa vậy.“Thiên giang hữu thuỷ thiên giang nguyệt, vạn lý vô vân vạn lý thiên ( Ngàn song có nước ngàn sông trăng chiếu, muôn dặm trời mây muôn dặm trời xanh)”.[14]

Tóm lại, từ hình ảnh con người trong Khoá hư lục, Trần Thái Tông đã trở thành hình tượng nghệ thuật qua quan niệm nghệ thuật chính mình. Quan niệm ấy gắn liền với thế giới quan, nhân sinh quan và quan niệm triết học - chính trị thời Trần bằng tất cả thẩm mỹ của nó. “Con người trong văn học cổ điển ưu thế thuộc về tấm lòng, con người của chí khí. Việc tỏ lòng, tỏ chí khí là nét đặc trưng của họ”.[15] Đây được xem là một quan điểm về hình ảnh con người, tạo ra những hướng đổi mới về giá trị thực tại mà một người lãnh đạo quốc gia cần phải nhìn nhận. Khi ấy, giá trị nhân văn, tấm lòng nhân ái trong công việc lãnh đạo đất nước càng được nâng cao.

KẾT LUẬN

Khóa Hư Lục là tác phẩm có vị trí quan trọng trong dòng chảy văn hóa thời Lý - Trần nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Ông là người đầu tiên viết bằng bút pháp hiện thực. Ngay tiêu đề Khóa Hư Lục cũng đủ minh chứng về ý nghĩa cũng như về mặt tư tưởng nhân sinh, triết lý Thiền học, triết học nhân văn. Bằng ngòi bút tài hoa, Trần Thái Tông đã thể hiện được vần thơ đậm nét tinh hoa mang âm hưởng nhà thiền. Con người cần phải có thái độ tu tập để chuyển hoá thân tâm, để có cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Vì vậy, ông luôn lấy hình ảnh con người làm đối tượng dẫn dắt trên con đường đi tìm hạnh phúc, chân thiện mỹ của cuộc đời. Bằng tất cả tấm lòng vị tha, tình yêu vô hạn giúp chính mình cũng như tha nhân đạt được quả vị giải thoát, giác ngộ tự tâm, theo tinh thần Phật giáo Thiền tông.

Nhìn từ góc độ quốc gia dân tộc, đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, tư tưởng nhân sinh quan Phật tại tâm, tinh thần vô ngã vị tha được vận dụng vào đời sống trên nhiều lĩnh vực. Trên tinh thần vô ngã, vô trụ của Thiền tông, Trần Thái Tông đã biến những mong muốn của con người trong thiên hạ trở thành những tấm lòng cao đẹp của sự giác ngô, của chân tâm thường trụ, của bản tính thường nhiên và an trú trong thế giới hạnh phúc của Niêt bàn thực tại.

Tác giả: Thích Thông Trí Học viên Cao học Khoá II tại Học viện PGVN tại Huế

***

[1] Ngô Sĩ Liêm, Đại Việt sử ký toàn thư, Viên sử học dịch (1998), tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.6. [2] 唐 越 開 基 两 太 宗,被 稱 貞 觀 我 元 豐。建 成 朱死 安 生 在,朝號 雖 同 徳 不 同; Nguyễn đăng Thục (1996), Thiền học Trần Thái Tông, Nxb, Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tái bản, tr.27. [3] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb, Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh, tr. 100. [4] Trần Thái Tông, Khoá hư lục, Đào Duy Anh dịch và giới thiệu, Nxb. Khoá học xã hội, Hà Nội, 1974, tr. [5] Trần Thái Tông, Khoá hư lục, Đào Duy Anh dịch và giới thiệu, Nxb. Khoá học xã hội, Hà Nội, 1974, tr. [6] Trần Thái Tông, Trần Thái Tông Hoàng đế ngự Khoá hư kinh, Thiều Chửu dịch và diễn nghĩa, Nxb. Hưng Long, Sài Gòn, 1961, tái bản, tr. 12. [7] Nguyễn Lang (1974), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, tr. 244. [8] Nguyễn Lang (1974), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn. [9]Viện văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.24 – 29. [10]Viện văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.52 – 55. [11] Viện văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.52 – 55. [12] Kinh Tạp A Hàm, bài 1147. [13]Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 24 – 29. [14] Nhiều tác giả (1995), Thiền học đời Trần, Viên nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.16. [15] Trần Đình Sửu (1993), Thi pháp học, Trường Đại học Sư phạm, TP. Hồ Chí Minh, tr. 26.

Tài liệu tham khảo 1. Khang Hy từ điển, Đông Hoa Thư cục, Trung Hoa Dân Quốc ngũ thập thất niên lục nguyệt tái bản. 2. Kinh Tạp A Hàm, bài 1147. 3. Ngô Sĩ Liêm (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Viên sử học dịch, tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 4. Nguyễn đăng Thục (1996), Thiền học Trần Thái Tông, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr.27. 5. Nguyễn Lang (1974), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, NXB Lá Bối, Sài Gòn. 6. Nhiều tác giả (1995), Thiền học đời Trần, Viên nghiên cứu Phật học Việt Nam. 7. Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh Niên, Thành phố Hồ Chí Minh. 8. Đào Duy Anh (dịch) (1974), Khoá hư lục, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 9. Thiền Chửu (dịch) (1961), Trần Thái Tông Hoàng đế ngự Khoá hư kinh, NXB Hưng Long, Sài Gòn. 10. Trần Đình Sửu (1993), Thi pháp học, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. 11. Viện văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.