Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tư tưởng “lục hòa” trong truyện cổ Lào

Tư tưởng “lục hòa” trong truyện cổ Lào

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tại sao cả vật chất và ý thức đều là thế lưu bố tưởng, nghĩa là tập quán, tập khí, thói quen của xã hội. Đây là một vấn đề rất sâu kín khó hiểu ngay với các nhà khoa học có nghiên cứu Phật giáo.

Trong các triết lí Phật giáo được truyền thừa từ đời này qua đời khác cho tận tới ngày nay thì tư tưởng Lục hòa, giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của giới tu hành và có giá trị thực tiễn trong cuộc đời của mọi người hay của một người nói riêng.

Nhìn nhận tư tưởng Lục hòa từ góc độ xã hội học, ta dễ dàng thấy rằng các nguyên tắc hay các pháp này, ngoài việc là kết quả rút ra từ lời dạy bảo của Đức Phật Thích Ca cho hai nhóm tỳ khưu cùng sống ở tịnh xá Ghosita xứ Kosambi, thì còn là đạo lý dân gian được truyền tụng qua các thế hệ và đi qua những cuộc đời khác nhau của các dân tộc khác nhau.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2016 Tu tuong luc hoa trong truyen co Lao 1

Trí tuệ được tạo ra dù ở cấp độ nào cũng giúp ta thực hiện nguyên tắc Lục hòa và điều này thể hiện khá rõ trong nhiều câu chuyện dân gian của nhiều nước trong đó có truyện cổ Lào.

Lào là đất nước của hòa bình, là “một dân tộc vốn yêu chuộng trật tự và yên ổn” như nhận xét của Paul de Boulanger trong cuốn Lịch sử nước Lào thuộc Pháp. Có thể nói người Lào tiếp nhận Phật giáo trên cơ sở tinh thần hòa hiếu, hòa bình, hòa hợp và đi tới bản địa hóa tư tưởng Phật giáo thành tư tưởng chung của cộng đồng mình. Quá trình tiếp nhận và bản địa hóa Phật giáo này diễn ra từ đó cho đến nay, trong đó, bước ngoặt quyết định là sự ra đời của nhà nước Lạn Xạng gắn với tên tuổi của người anh hùng dân tộc Phà Ngừm: “vị hoàng đế vĩ đại đó là người sáng lập thật sự nước Lạn Xạng thống nhất. Đó là một nhân vật kì lạ và phi thường…” như nhận định của P.de Boulanger, người đã đưa ra Lời huấn thị trong lễ Chiến thắng được tổ chức bảy ngày bảy đêm ở Viêng chăn, mà Lời huấn thị này vừa như một hiến pháp vừa như một văn bản văn học và cũng toát lên rất rõ tinh thần của Lục hòa. Phà Ngừm nhấn mạnh: “Trong nước có kẻ giàu và người nghèo, phải làm sao cho mỗi người chịu nhận số phận của mình, để cho chúng ta không bao giờ phải trừng trị ai bằng án tử hình. Có người rồi mới có của cải, không có người thì không có của cải. Ta cấm không cho giết người cũng vì lẽ đó” . Tư tưởng này của Phạ Ngừm cũng là khát vọng của người dân, của cộng đồng, bởi lẽ một vị quân vương lỗi lạc xuất chúng bao giờ cũng có khả năng khái quát những tâm tư tình cảm của dân tộc mình. Vì thế, Lời huấn thị của Phạ Ngừm trở thành xuất phát điểm độc đáo khẳng định hướng phát triển và tâm thế dân tộc, được ghi lại trong bộ cổ sử Lịch sử nước Lạn Xạng Hum Khao.

Lời huấn thị này cũng thể hiện đạo lí quen thuộc mà ta thường gặp trong quan niệm dân gian Việt Nam, đó là “anh em như chân với tay”, “giọt máu đào hơn ao nước lã”…thường được kết tinh trong các câu chuyện hay truyền thuyết về cội nguồn dân tộc. Đối với người Lào, đó là Truyền thuyết quả bầu, nơi Pu Lang-xơn “lấy thanh sắt nhọn nung đỏ, đâm thủng quả bầu, tức thì người trong quả bầu theo lỗ thủng tuôn ra không ngớt”, “những người ra đầu tiên là người Lào Thưng, làm anh cả. Những người ra tiếp sau là người Lào Lùm, làm anh thứ, và những người ra sau rốt là người Lào Xủng làm em út” . Câu chuyện quả bầu sinh ra ba tộc người Lào là sự nhất thể hóa theo tinh thần tất cả là một, tất cả thành một mà từ đó Thân hòa, Khẩu hòa, Ý hòa sẽ chính là quả bầu và cũng chính là người mẹ theo văn hóa nông nghiệp và là người cha theo văn hóa du mục; và sẽ được đa dạng hóa thành người của các bản các mường, nhưng tất cả đều sẽ qui tụ về cùng một sự thống nhất trong Giới hòa, Kiến hòa và cùng hưởng Lợi hòa. Hòa ở đây sẽ được kết hợp với đồng trở thành đồng bầu, cùng một cội, cùng một tổ ấm…, theo kiểu đồng bào trong truyền thuyết Bọc trăm trứng của Việt Nam. Vì thế “Pu Lang-xơn dạy bảo mọi người biết yêu thương nhau, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt, vì tất cả đều từ ruột một quả bầu sinh ra cũng như từ một bụng mẹ sinh ra”. Hòa gắn liền với hiếu, mà hiếu là biết ôn cố tri tân, là biết kính trên nhường dưới, là phải trái phân minh, tức là thực hiện trọn vẹn lục hòa, bởi vì “Pu Lang-xơn cũng dạy cho con cháu biết có bố mẹ, biết yêu thương bố mẹ và kính trọng những người già cả, biết yêu thương cả bà con làng xóm, nòi giống của mình, và biết giữ gìn của cải bố mẹ để lại”.

Một đặc điểm tạo nên phẩm chất của Lục hòa chính là tính thiện trong con người. Tình thiện đã giúp những người hầu của vua Pa-lư- tha-xên mở đường cứu sinh cho cô em út trong truyện Phu Thao Phu Nang để cho đứa con trai do nàng đẻ ra sẽ thực hiện công lí, diệt ác trừ tà, nhưng không quên nghĩa tình chông vợ, để hóa thân thành Núi chàng núi thiếp, vĩnh viễn bên nhau. Cũng như vậy, tấm lòng thơm thảo của Xi (truyện Xikhốt Taboong) trong hoàn cảnh bản mường bị giặc ngoại xâm, dân chúng bị lao dịch khổ sở đã được thần phú cho sức mạnh đặc biệt qua vật truyền trung gian là chiếc đũa cả được Xi đẽo ra từ cành cây mạy-nhang mà với nó, Xi vừa có xôi cho cả làng ăn, vừa có vũ khí để đánh đuổi giặc ngoại xâm, để lập ra mường Xikhốt Taboong (=Mường cái gậy).
Tính thiện còn thể hiện qua quan niệm của người Lào về phẩm chất thần linh của dân tộc mình: “người Lào vốn là con cháu của Trời, tức là dòng dõi của Thẻn, là vì Pha nha Thẻn Luống Phà Khươn (tức là Trời) xưa kia đã cử con trai cả của mình là Thẻn Bulôm xuống cai trị mường trần”. Khi công việc dựng nước xây mường đã hoàn thành, Thẻn Bulôm đưa bảy hoàng tử và bảy nàng dâu đến trước chiếc vại vàng đựng nước phép, Thẻn cầm tay họ nhúng xuống nước và nói với họ: “Ta ước mong sao, đối với mọi người, các con sẽ là những vị vua hiền đức. Giữa các con với nhau, ta mong sao không bao giờ xảy ra chuyện bất hòa, lúc nào các con cũng phải yêu thương quý mến nhau. Đừng bao giờ quên rằng tất cả đều là con của ta. Các con phải thương yêu nhau vì đều là anh em. Kẻ nào cư xử tử tế đúng đắn thì xứ sở của mình sẽ mở mang, thịnh vượng. Kẻ nào đối xử không tốt thì xứ sở của mình sẽ suy sụp. Kẻ nào gây chiến tranh với người khác sẽ bị nguyền rủa đời đời, cây cối chúng trồng sẽ chết khô tức khắc, đi trên sông chúng sẽ bị hà bá lôi cổ xuống âm phủ, đi trên đất sẽ bị hổ xé xác. Các con phải làm cho mọi người cũng phải yêu quý nhau như anh em một nhà, cho người giàu biết giúp đỡ người nghèo. Mỗi khi có việc cần phải quyết định, các con phải hỏi ý kiến người khác. Các con không được giết vợ, nếu vợ các con trót lỗi lầm: đó là ý muốn của Thẻn Luống. Phụ nữ là những người sinh ra trước hết; kẻ giết phụ nữ tức là gây ra tai họa cho đất nước, tức là làm cho triều đại nhà vua thu ngắn lại. Con nào vâng lời ta, tuân theo lời khuyên bảo của ta thì dòng dõi sẽ sung sướng, con nào quên lời ta thì không sống nổi ở cõi trần”. Lời khuyên nhủ này của Then Bulôm được ghi lại trong Truyền thuyết về Khún Bulôm và Khún Lo đã toát lên đầy đủ tinh thần Lục hòa trong tâm thức người Lào, trở thành đạo nghĩa yêu thương, đoàn kết, thủy chung, được chuyển tải qua lời khuyên lời dạy của những người đứng đầu bản mường, mà hiểu rộng hơn thì đó chính là sự tổng kết minh triết dân gian được đặt vào cửa miệng của những người lập mường lập quốc, một mặt để gia tăng tính chất thiêng liêng về cội nguồn dân tộc như truyền thống chung của tư duy nhân loại; mặt khác cũng để chỉ ra phẩm chất thần linh, tức là tính thiện, trong mỗi con người mà bản thân mỗi con người phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy tính chất thần linh đó. Tính chất Lục hòa, do đó, đã hóa thân thành máu thịt, thành nguyên tắc sống của người Lào, và đây cũng là điều kiện tiên quyết để dân tộc Lào tiếp nhận và bản địa hóa Phật giáo thành quốc giáo của đất nước mình.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 11.2016 Tu tuong luc hoa trong truyen co Lao 2

Các mô típ như trai gái yêu nhau không lấy được nhau khi chết hóa thành sông suối núi non (truyện Suối Ta-ngâu, truyện Phu-hay), như dũng sĩ diệt đại bàng (truyện Vợ chồng Phôn-xa-nga), hay mô típ vợ cả vợ lẽ (truyện Nàng Tạu-kham), như người mồ côi ( (truyện Khăm-pha Nàng Ngà, truyện Chàng mồ côi, truyện Bun Thông – Ca La Chậu, truyện Con bò đỏ), như chọn vợ chọn chồng (truyện Chàng Nụ Tồng và nàng Gột Nao), như chị dâu em chồng (truyện Pao Sênh Sá), như tham vàng bỏ ngãi (truyện Nàng Tèng On, truyện Xu-li-vông) đều là những mô típ văn học quen thuộc của nhiều nền văn học, nhưng ở trong các truyện cổ Lào, ngoài kiểu kết thúc có hậu, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo vốn ít nhiều chịu ảnh hưởng của quan niệm Phật giáo, thì điểm khác biệt cơ bản chính là cách giải quyết mâu thuẫn hay xung đột trên cơ sở tư tưởng Lục hòa, trước hết bằng sự thức tỉnh của người đã gây ra chuyện (tức là sự tỉnh giác của Thân Khẩu Ý), tiếp đó bằng sự ủng hộ của những người dân đủ các thang bậc khác nhau, kể cả sự trợ giúp của quỷ thần, khi nhận ra chân lí hay lẽ phải (tức là Giới hòa, Kiến hòa) để cuối cùng tất cả đều chung hưởng hạnh phúc (tức Lợi hòa), kể cả trường hợp hóa sông hóa suối, hóa thành vườn cây, rừng quả,v.v…Sang thế kỉ XVI, khi đạo Phật đã đứng vững trên đất Lào và đã được bản địa hóa thì các tác phẩm văn học Lào sáng tác theo tinh thần của Phật giáo như truyện Nàng Tan Tay, truyện Xattakhăm, truyện Champaxiton… cũng đã mang lại cho văn học Lào những nét đặc sắc mới, mà trong đó, tính chất Lục hòa không mất đi mà càng được khẳng định.

Số truyện cổ (gồm 7 truyện thần thoại, truyền thuyếtvà 12 truyệncổtích) đượcđưaratrong cuốn Hợp tuyển văn học Lào không nhiều, nhưng đều đã toát lên được tính chất dân tộc Lào đặc sắc và không lẫn được với các dân tộc khác. Nói cách khác tính chất Lục hòa, được khái quát trong đạo lý Phật giáo, đã có sẵn trong tâm thức người Lào, như là một mảnh đất thuận lợi để người Lào tiếp nhận và bản địa hóa Phật giáo. Việc nghiên cứu vấn đề này cho phép mở rộng để lí giải vấn đề vì sao Phật giáo, tôn giáo của hòa bình, lại được tiếp nhận dễ dàng và đã đóng vai trò quan trong trong thời kì lập quốc củaViệt Nam.

TÓM TẮT: Phật giáo là quốc giáo của đất nước Lào anh em, thứ tôn giáo đã tạo ra sự ổn định và phát triển bền vững của các cộng đồng cư dân thuộc các tộc người khác nhau trên mảnh đất này. Xét về mặt lịch sử, Phật giáo không phải là sản phẩm tính thần của dân tộc Lào và Phật giáo cũng thâm nhập vào Lào không phải sớm như ở các quốc gia khác. Thế nhưng, tư tưởng Phật giáo lại cắm rễ đâm chồi và phát triển mạnh để trở thành quốc giáo trên đất nước Triệu Voi. Tất cả đó là những quan niệm nhân sinh nhân ái nhân quần nhân văn của dân tộc Lào qua mảng truyện cổ được tập hợp trong cuốn Hợp tuyển văn học Lào xuất bản năm 1981.

PGS.TS Lê Nguyên Cẩn – Khoa Ngữ Văn – ĐHSP Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2016

—————–

CHÚ THÍCH:
1: Đoàn Trung Còn: Từ điển Phật giáo, quyển II, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, trang 242.
2: Dẫn theo Trương Văn Chung –Trần Kỳ Đồng: Triết lí Lục hòa Phật giáo nhìn từ viến cảnh đạo đức học diễn ngôn trong sự phát triển bền vững của sông Mê Kông in trong Phật giáo vùng Mê Kông: di sản và văn hóa – tập 2. NXB ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, trang 415.
3. http://thuvienhoasen.org/a.10660/luc-hoa-cong-tru, Thích Nhật Hiếu: Lục hòa cộng trụ.
4. Dẫn lại từ Hợp tuyển văn học Lào – Tuyết Phượng- Đinh Kim Cương – Võ Quang Nhơn biên soạn và dịch, Nguyễn Năm giới thiệu. NXB Văn học, Hà Nội-1981, trang 5. Cuốn sách của Paul de Boulanger được dẫn ở đây là cuốn Histoire du Laos français.
5. Hợp tuyển văn học Lào – Tuyết Phượng- Đinh Kim Cương
– Võ Quang Nhơn biên soạn và dịch, Nguyễn Năm giới thiệu. NXB Văn học, Hà Nội-1981, trang 233.
6. Hợp tuyển văn học Lào. Sách đã dẫn trang 48-49. Các trích dẫn trong bài viết từ các truyện khác đều lấy lại từ cuốn Hợp tuyển này.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường