Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tư tưởng giải thoát của đạo Phật và ý nghĩa giáo dục đạo đức đối với con người Việt Nam hiện nay

Tư tưởng giải thoát của đạo Phật và ý nghĩa giáo dục đạo đức đối với con người Việt Nam hiện nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ths Hà Vũ Long
Giảng viên, Khoa LLCT & KHXHNV, Học viện ANND

Tóm tắt: Ngày nay, sự tồn tại và những ảnh hưởng của Phật giáo đã được công nhận ở tất cả các châu lục và quốc gia trên thế giới. Tư tưởng giải thoát của Phật giáo hàng ngàn năm qua vẫn luôn được quan tâm và là một nội dung quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Ở Việt Nam hiện nay, nghiên cứu về giải thoát gắn với đời sống con người trên nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh đạo đức. Đất nước đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, do đó, đạo đức con người Việt Nam hiện nay chịu nhiều tác động tiêu cực. Nghiên cứu tư tưởng giải thoát của đạo Phật không những khẳng định những giá trị tích cực của giáo lý Phật giáo nói chung mà còn nhận thấy ý nghĩa trong quá trình hoàn thiện, điều chỉnh, gìn giữ những giá trị đạo đức tốt đẹp, tránh những tác động tiêu cực của đời sống xã hội đến đạo đức con người Việt Nam.
Từ khóa: Tư tưởng giải thoát; Phật giáo; Đạo đức con người Việt Nam

Abstract: Today, the existence and influences of Buddhism are recognized in all continents and countries of the world. The idea of liberation of Buddhism for thousands of years has always been of interest and is an important content in Buddhist teachings. In Vietnam today, the study of liberation is associated with human life in many aspects, including ethical aspects. The country is in the transition to socialism, therefore, Vietnamese people’s morality is currently under many negative impacts. Studying the Buddhist ideology of liberation not only affirms the positive values of Buddhist teachings in general, but also realizes the meaning in the process of perfecting, adjusting and preserving good moral values. avoid the negative impacts of social life on human morality in Vietnam.
Keywords: Liberation thought; Buddhism; Ethics of Vietnamese people

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đạo Phật (còn gọi là Phật giáo) ra đời ở Ấn Độ vào khoảng giữa thiên niên kỷ I – TCN. Sự ra đời của Đạo Phật có nguồn gốc từ chế độ đẳng cấp phân chia cư dân trong xã hội Ấn Độ thành các giai tầng khác nhau; từ sự kế thừa và tiếp nối các học thuyết tư tưởng triết học đương thời; và đặc biệt là từ vai trò quan trọng của Thái tử Cồ Đàm Tất Đạt Đa (Gaitama Siddhattha), con vua Tịnh Phạn, thuộc bộ tộc Thích Ca. Tất cả những sự kết hợp trên đã hình thành đạo Phật và mang trong đó những tư tưởng nhân văn, nhân đạo về vũ trụ, thế giới, con người. Hệ thống giáo lý của Phật giáo có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ đến khắp thế giới và trường tồn trong nhiều thế kỷ qua. Sự ảnh hưởng của hệ thống giáo lý Phật giáo chứa đựng tính giáo dục đạo đức cao đối với sự hình thành nhân cách con người, đặc biệt là tư tưởng giải thoát.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Qua các thời kỳ khác nhau trong lịch sử, hiện nay Phật giáo đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó dân tộc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa của dân tộc, hình thành tư tưởng, đạo đức, tâm lý, lối sống của nhân dân ta. Ngày nay tín đồ, tăng ni Phật giáo cả nước được tập hợp trong Giáo hội Phật giáo Việt ngày càng có những đóng góp quan trọng trong quá trình đổi mới của đất nước. Giáo lý Phật giáo mang nhiều ảnh hưởng tích cực đến giáo dục đạo đức con người Việt Nam. Trong đó, tư tưởng giải thoát được coi là một nội dung quan trọng trong quá trình rèn giũa nhân cách, hành vi, lối sống của mỗi con người trong bối cảnh đất nước đang từng bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong bài viết này, tác giả đề cập đến quan điểm của đạo Phật về giải thoát và ý nghĩa trong giáo dục đạo đức con người Việt Nam hiện nay.

2. QUAN ĐIỂM CỦA ĐẠO PHẬT VỀ GIẢI THOÁT

Tư tưởng giải thoát nằm trong hệ thống giáo lý của đạo Phật đề cao giá trị đạo đức và hướng con người đến cuộc sống hạnh phúc. Từ khi ra đời và truyền bá đến nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, giáo lý của đạo Phật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.

Xuất phát từ sự khổ đau của con người được nhìn nhận ở hai yếu tố là nội tâm và ngoại cảnh. Nội tâm thì do tham, sân, si, đây được coi là nguyên nhân căn bản gây ra nỗi khổ. Ngoại cảnh thì do môi trường tự nhiên và xã hội tác động đến mỗi bản thể trong cuộc sống trần thế. Do đó, dù cuộc sống bên ngoài có đầy đủ đến mấy nhưng bản thân ta vẫn luôn cảm thấy không hài lòng bởi đời sống nội tâm luôn bị chi phối, giằng xé thì sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc. Cho nên muốn hạnh phúc thực sự tồn tại và loại bỏ những khổ đau, con người phải thích ứng với ngoại cảnh bên ngoài, đồng thời hướng đến cải tạo nội tâm. Đức Phật đã dạy cần cải tạo tâm của chính mình để đạt được hạnh phúc tối thượng, vì rằng: Không có sự hạnh phúc nào lớn bằng sự yên tĩnh của tâm hồn.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tu Tuong Giai Thoat Ve Dao Phat 1

Phật giáo bao giờ cũng đề cao đạo đức nhân văn, khuyên con người luôn yêu thương giúp đỡ nhau. Trong quan điểm về giải thoát, Phật giáo luôn hướng con người làm điều thiện, tránh điều ác. Bởi vậy, Phật giáo là hạt nhân của vấn đề giải thoát và nó có những điều phù hợp với đạo đức xã hội. Tuy nhiên, xã hội vốn luôn tồn tại những khó khăn, bất công, định kiến đối với các tầng lớp người nên niềm tin Phật giáo đã gieo vào mỗi cá nhân con người lòng khát khao sự bình đẳng, tin ở sự giải thoát, nhưng sự giải thoát này ngoài việc thực hiện ở cõi trần còn thực hiện sau khi chết.

Giải thoát vừa là nội dung, vừa là chủ đích của giáo thuyết Phật giáo. Phật Thích Ca đã từng nói rằng: Trước kia và ngày nay ta chỉ nêu ra và lý giải về nỗi khổ đau và giải thoát nỗi khổ đau…Cũng như nước đại dương kia chỉ có vị mặn, học thuyết của ta chỉ có một vị là cứu vớt (giải thoát). Như đã trình bày, Phật giáo cho rằng con người là nguyên nhần của con người theo quan niệm “tự kỷ nhân quả”. Con người quá khứ là nguyên nhân của con người hiện tại, con người hiện tại là nguyên nhân của con người tương lai chứ không phải do lực lượng nào khác tạo ra. Phật giáo còn cho rằng mỗi chúng sinh đều có Phật tính, đều đi trên con đường giải thoát như lời dạy của Phật Thích Ca. Do đó, Phật giáo chủ trương tất cả mọi chúng sinh, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, đều có thể giải thoát, trở thành Phật.

Bản thân Phật Thích Ca cũng nhận mình không phải là thần thánh, mà chỉ là người đã giác ngộ, giải thoát. Sau khi tuyên bố: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành, Phật Thích Ca kêu gọi: Hỡi các đệ tử hãy quay lại với chính mình, các ngươi là Phật cả đấy. Sách Phật ví Phật tính như ngọn đèn, thân sắc như bóng đèn, còn vô minh, tham dục như bụi che. Nếu không tu luyện thân tâm, bụi vô minh,tham dục sẽ che lấp Phật tính. Ngược lại, nếu thường xuyên tu dưỡng thân tâm, đoạn trừ vô minh, tham dục thì ngọn đèn sẽ càng sáng, càng trong, tức là Phật tính mới phát ra được.

Xuất phát từ tư tưởng cứu khổ, giúp con người hình thành Phật tính và thoát khỏi những phiền não tham, sân, si, Phật giáo cho rằng sự giải thoát là công việc của chúng sinh. Để làm được công việc này, mỗi chúng sinh phải thực hiện quá trình tu tập hết sức chuyên tâm và cầu tiến. Nếu ai tu dưỡng rèn luyện rèn luyện tốt thì nhanh chóng giác ngộ, giải thoát.

Phật Thích Ca dạy các đệ tử: Hãy tự mình là ngọn đèn soi sáng cho mình, hãy tự tạo cho mình một chỗ nương tựa và đừng nương tựa vào ai khác ngoài bản thân mình. Hãy cầm vững ngọn đèn chân lý. Hãy nương tựa vững chắc vào ngọn đèn chân lý, cũng đừng tựa vào những gì ngoài chân lý. Phải coi sự giải thoát là cứu cánh cuối cùng của cuộc đời. Tin vào khả năng của chúng sinh và giáo lý của mình, Phật Thích Ca khuyên tín đồ lấy nỗ lực của bản thân đề giải thoát là chính, không được ý vào lý thuyết của ông. Ông nói: Hỡi các đệ tử! Hãy coi giáo lý của ta như cái bè qua sông, đừng coi nó như món sở hữu của riêng mình. Phải sử dụng giáo lý của ta như cái bè. Nếu có người nào đó có cái bè mà không qua sông thì cái bè của ta chỉ là một vật vô dụng. Đừng lẫn ngón tay (để chỉ mặt trăng) với mặt trăng.

Bên cạnh đó, giải thoát của Phật giáo được chiêm nghiệm từ hệ thống giáo luật trong quá trình điều chỉnh hành vi của các tín đồ. Trong luật tạng có viết: “Giới là để chế ngự, chế ngự là để khỏi hối hận, không được kinh an, kinh an là để được lạc, lạc là để được định, định để được chính kiến, chính kiến để được vô dục, vô dục để được ly tham, ly tham để được giải thoát, giải thoát để có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến để đi đến vô thủ trước Niết bàn”. Như vậy, giới luật của Phật giáo cũng đồng nghĩa với luân lý đạo đức, cách cư xử, nếp sống hướng thiện, vì giới giúp mỗi tín đồ đề phòng điều ác, hướng đến điều thiện. Giới được đặt trên nền tảng tư lợi và lợi tha, tự thanh tịnh bản thân cũng là để thanh tịnh quần thể sống, thanh tịnh quốc độ. Nếu một cá nhân nào trì giới đúng nghĩa thì cũng có nghĩa là góp phần thánh hóa nếp sống đạo của mọi người. Do vậy, con người muốn có cuộc sống an lành, hạnh phúc thì phải thực hiện mười điều thiện (thập thiện) gồm: Ba điều thiện về thân: không sát sinh, không trộm cắp; không tà dâm; Bốn điều thiện về khẩu: không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói điều ác, không nói thêu dệt; Ba điều thiện về ý: không tham lam; không giận dữ, không tà kiến. Để thực hiện những điều thiện này, bản thân mỗi tín đồ luôn cần dành thời gian để tự nhìn nhận lại bản thân, cần sống có trách nhiệm, cần được tôi luyện, cần cẩn thận trong những hành động cụ thể của chính mình. Người nào thực hiện được mười điều thiện sẽ nhận thấy quá trình “giải thoát” đầy màu nhiệm của chính mình. Đồng thời, sự giải thoát đó sẽ giúp cảm hóa những người xung quanh, hóa giải những tranh chấp, đố kị, tạo niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Có thể nói, thập thiện của đạo Phật góp phần “giải thoát” con người và là một nền tảng đạo đức chi phối tới mọi hành vi trong cuộc sống.

Vấn đề giải thoát còn được Phật Thích Ca nhấn mạnh về bốn cõi thánh, còn gọi là coi siêu phàm không nằm trong phạm vi luân hồi. Đó là bốn cõi giành cho những ai tu hành tốt đạt đến. Bốn cõi thánh gồm:

1. Thanh văn (Sravaka): là những ai chứng ngộ được Tứ diệu đế. Thanh văn lại được chia làm bốn bậc:

– Tu – A Hàm
– Tư – A Hàm (còn một lần vào dục giới)
– A – na Hàm (không trở lại dục giới nữa),
– A – na Hàm (không trở lại dục giới nữa)
– A – la – hán (không còn luân hồi sinh tử, chứng ngộ được Niết bàn)

2. Duyên giác (Pacceca Buddha): là những ai chứng ngộ được thập nhị nhân duyên.

3. Bồ – tát (Bodhisattva): là những ai đã giác ngộ nhưng không nhập Niết bàn mà ở lại cứu độ chúng sinh. Bồ – tát là gọi tắt của Bồ đề Tát đóa (Bodhisattra). Bồ đề là giác ngộ và Tát đóa là chúng sinh.

4. Bích chi Phật (Nidana Budda): là bậc hoàn toàn giác ngộ

Sự giải thoát được đạo Phật nhắc đến nhiều lần khi đưa ra khái niệm Niết bàn. Có nhiều ý kiến khác nhau giải thích về Niết bàn. Niết bàn, theo tiếng Sanscrit là Nirvana, tiếng Pali là Nibhana. Học giả Đoàn Trung Còn giải thích: Niết bàn là “cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái”, và theo lối triết tự thì: “Niết (Nir): ra khỏi, Bàn hay Bànna (Vana): rừng, tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não” (Đoàn Trung Còn. Phật học từ điển, t.1. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr335). Pháp sư Huyền Trang triết tự Niết bàn – Nirvana như sau: 1, Nir: ra khỏi, ly khai; vana: con đường vòng vèo, quanh quẩn, đổi thay. Nirvana là ly khai con đường quanh quẩn, chuyển dịch (bứt vòng sinh tử luân hồi); 2, Nir: không; vana: hôi tanh, dơ bẩn, Nirvana là không hôi tanh, dơ bẩn (thanh tịnh, trong sạch); 3, Nir: xa lìa, đào thải; vana: rừng rậm, Nirvana là xa lìa rừng rậm (đào thải những phiền tạp của đời sống). Mặc dù các cách hiểu này không đồng nhất song đều có chung một nghĩa căn bản: Niết bàn là sự đoạn trừ dục vọng, dứt nghiệp báo luân hồi, thanh tịnh tuyệt đối. Đó là sự ngưng đọng vĩnh cửu của không – thời gian trong cõi tâm linh sâu thẳm của con người. Như vậy, Niết bàn trong Phật giáo không phải là một cõi cực lạc có vị trí không – thời gian như thiên đường của Thiên Chúa giáo, mà là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, không vọng động, diệt ái dục, xoá bỏ vô minh, chấm dứt mọi khổ đau, phiền não. Nhìn chung, Niết bàn là trạng thái tâm hồn đã đoạt trừ được những ràng buộc trần thế, những khổ đau, phiền não vô minh, tham dục gây ra, một tâm hồn hoàn toàn giải thoát.

Phật giáo cho rằng, bản thân con người còn vô minh, còn tham lam dục vọng thì còn luân hồi sinh tử. Chỉ khi diệt trừ vô minh, tham dục thì mới hết luân hồi sinh tử, cảnh giới đạt tới Niết bàn. Nói cách khác, nếu vô minh tạo ra nghiệp, là nguồn gốc sinh ra mọi khổ đau, gắn liền với tham lam và dốt nát thì Niết bàn chính là nơi chấm dứt đau khổ, gắn liền với diệt dục, hiểu biết và giác ngộ. Niết bàn là giải thoát, tịnh diệt và không còn sinh tử.

Các sách Phật thường đề cập đến khái niệm: Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn. Hữu dư Niết bàn là Niết bàn tương đối, Niết bàn tại thế: nghĩa là, Niết bàn đạt được khi thể xác vẫn còn tồn tại nhưng tâm đã thoát khỏi vòng luân hồi bất tận. Người đó tuy còn sống nhưng mọi phiền não đã được diệt, ba nọc độc tham – sân – si đã tiêu trừ. Bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đạt tới Hữu dư Niết bàn khi ông 35 tuổi, lúc nhìn thấy sao mai mọc, sau 49 ngày ngồi dưới gốc cây bồ đề để chiêm nghiệm về chân lý. 45 năm còn lại của cuộc đời, mặc dầu tâm đã xoá được vô minh, phiền não song ông vẫn không thoát khỏi sinh – lão – bệnh – tử.

Vô dư Niết bàn là Niết bàn tuyệt đối, Niết bàn xuất thế hay còn gọi là Đại Niết bàn. Kinh Bản sinh giải thích: “Thế nào là Vô dư Niết bàn?…Đó là trạng thái đã chứng được La Hán, hết sạch các phiền não, phạm hạnh đã được thành lập, việc cần làm đã làm đủ, đã vứt bỏ mọi gánh nặng, đã chứng tự nghĩa, đã khéo giải thoát, đã được biết khắp. Tất cả các điều cảm thụ bây giờ đều không còn do nhân dẫn đến, không còn mong cầu, hy vọng cũng hết, rốt ráo tịch lặng, vĩnh viễn trong mát, ẩn lặng không hiện, chỉ y vào cái thanh tĩnh không lý luận, không thể bảo rằng có, cũng chẳng thể nói rằng không mà cũng không cho rằng chẳng có chẳng không” (Thích Trí Nghiêm (dịch). Kinh Bản sinh. Http://www.quangduc.com). Vô dư Niết bàn chỉ đạt được khi đã chấm dứt sự tồn tại của thân xác.

Xét về mặt bản chất, Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn đều chỉ về trạng thái tâm linh thanh tịnh tuyệt đối, tự do tự tại của con người. Điểm khác biệt là ở chỗ, Niết bàn đó đạt được khi thân thể còn sống hay đã chết mà thôi. Sách Phật thường ví Niết bàn như ngọn lửa. Ở trong một phòng kia không có lửa nhưng ai đó lấy hai cục đá đập vào nhau với miếng bùi nhùi bông thì lửa xuất hiện. Ngọn lửa đo chính là Niết bàn. Về lý thuyết thì là như vậy. Nhưng do đặc điểm riêng của Phật giáo là tùy duyên phương tiện, chấp nhận chung sống, thậm chí tiếp thu một số yếu tố của các tôn giáo tín ngưỡng khác nên quan niệm về Niết bàn của một số hệ phái Phật giáo có sai khác với quan niệm truyền thống. Một số hệ phái Phật giáo cho rằng Niết bàn là chốn bồng lai tiên cảnh, ở đó con người sống vĩnh cửu, sung sướng an nhàn và thanh tinh tương tự như quan niệm của đạo Lão thần tiên.

Tóm lại, với vị trí trung tâm trong hệ tư tưởng Phật giáo, giải thoát ngoài những giá trị đặc thù bảo vệ niềm tin thiêng liêng trong đạo, con đề cập đến những giá trị chuẩn mực đạo đức. Vì vậy mà: “Trong hệ thống những giá trị chuẩn mực Phật giáo ngoài những điều khuyên răn, cấm đoán tạo nên nội dung riêng của đạo đức Phật giáo còn có những điều khuyên răn, cấm đoán không hề có nội dung Phật giáo mà là biểu hiện các mối quan hệ trần thế” (Thích Thiện Siêu, Ngũ uẩn vô ngã, Nxb Tôn giáo, 2000, tr.46). Nếu gạt bỏ cái vỏ thiêng liêng thần bí của tư tưởng giải thoát ta sẽ thấy có ý nghĩa nhất định trong giáo dục đạo đức con người Việt Nam hiện nay.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Duc phat day ve vo nga 2

3. Ý NGHĨA TƯ TƯỞNG GIẢI THOÁT CỦA ĐẠO PHẬT TRONG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC ĐỐI VỚI CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Nghiên cứu, tìm hiểu về quan điểm giải thoát của đạo Phật cho thấy giải thoát không những tồn tại những giá trị đặc thù bảo vệ niềm tin thiêng liêng mà còn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại như: sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái hướng tới điều thiện, tránh xa điều ác. Từ những tư tưởng về giải thoát của Phật giáo đã hướng đến nhân sinh quan của con người trong thực tiễn cuộc sống và phần nào đó hướng con người thực hành tôn giáo một cách tự giác. Vì vậy, về giác độ nào đó, Phật giáo đề cập trực tiếp đến những vấn đề cuộc sống thế tục và những giá trị có tính nhân văn mà nhiều thế hệ loài người đã chắt lọc và giữ gìn. Tuy nhiên, phải thấy rằng sự giải thoát của Phật giáo chứa đựng những giá trị tích cực. Giá trị lớn nhất của Phật giáo là những giá trị thuộc về đạo đức và văn hóa. Cho nên giải thoát của Phật giáo góp phần định hướng con người theo cái thiện, chống lại cái ác, bồi dưỡng lòng nhân ái vị tha. Bản thân Phật giáo không đủ khả năng để giải quyết các yêu cầu của con người trong cuộc sống, song nhiều khi góp phần tạo ra sự bình ổn và cân bằng tâm lý cho con người Việt Nam hiện nay. Tư tưởng giải thoát của Phật giáo chứa đựng chuẩn mực sống cho mỗi con người và hướng đến việc chuẩn hóa trong giáo dục đạo đức con người, đồng thời chứa đựng nhiều giá trị tích cực giúp đời sống văn hóa ở mỗi quốc gia được củng cố và phát triển.

Thứ nhất, tư tưởng giải thoát của Phật giáo giúp hoàn thiện một số giá trị trong giáo dục đạo đức con người Việt Nam

Xuất phát từ vấn đề “Diệt khổ”, giải thoát giúp con người thoát khỏi tham, sân, si và vô minh. Bản thân Đức Phật là người tiên phong hướng mình đến giải thoát trong thực tế. Chiêm nghiệm tư tưởng giải thoát chính là quá trình tìm ra nguyên nhân của nỗi khổ, khả năng và cách thức diệt khổ và sau cùng là tìm ra được chân lý trên con đường giải thoát. Nét nổi bật trong Phật giáo là tạo cho con người niềm tin, động viên con người hãy tận dụng thời gian trong một đời người nỗ lực tu tâm, tu thiện tích đức ngay trong bản thân mỗi người nhằm tiến đến giải thoát. Đối với nước ta có rất nhiều quan điểm đánh giá khác nhau về hệthống giá trị đạo đức. Tựu trung lại có thể phân chia một cách tương đối hai hệ thống giá trị đạo đức của người Việt Nam, đó là:

– Hệ thống giá trị truyền thống: Đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam là hệ thống giá trị yêu nước, cần cù, thương người, vì nghĩa, anh hùng, sáng tạo và lạc quan. Trong đó, chủ nghĩa yêu nước là giá trị đạo đức tinhthần đứng đầu trong bảng giá trị truyền thống Việt Nam.

– Hệ thống giá trị hiện đại: Hoà bình, tự do, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc, môi trường trong sạch, năng động sáng tạo, tự lập, chấp nhận cạnh tranh thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, có tình yêu với gia đình, trách nhiệm với tổ quốc, có tinh thần hữu nghị hợp tác.

Như vậy, dù trong thời đại nào thì cái chân, cái thiện, lòng yêu dân, yêu nước là cốt lõi trong thước đo giá trị đạo đức của người Việt Nam. Ngày nay, dân tộc ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, từ đó các giá trị dân tộc truyền thống phải được điều chỉnh, biến đổi cho phù hợp với tinh thần thời đại, thừa nhận giá trị đạo đức toàn nhân loại, tiếp thu những giá trị mới trong đạo đức của nhân loại, đồng thời không để mất đi những giá trị có sức sống mãnh liệt, trường tồn, cái tạo nên bản sắc văn hoá của dân tộc.

Trong quá trình biến đổi đó, các giá trị truyền thống được gạn lọc, được kết hợp với các giá trị hiện đại tạo nên một hệ giá trị mới mang tinh thần của thời đại, theo nguyên tắc hoà nhập mà không bị hoà tan. Giáo lý Phật giáo nói chung và tư tưởng giải thoát nói riêng trong suốt quá trình du nhập, phát triển ở Việt Nam luôn bổ sung và giúp hoàn thiện hơn nữa lòng yêu nước, yêu dân tộc, cái thiện của con người Việt Nam. Phật giáo không phải là một tôn giáo duy nhất quan tâm đến số phận con người thoát khỏi sự đau khổ. Đó là con đường tu học trau dồi trí tuệ, phá vỡ vô minh, dứt bỏ mọi nhân quả để khỏi bị luân hồi khổ báo, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Tư tưởng giải thoát giúp con người tin vào khả năng của chính mình, chỉ cho con người con đường và phương pháp đi đến hạnh phúc, an vui, tự tại. Đức Phật dạy con người thực hành ba điều chính: loại bỏ những điều ác, thực hiện các hạnh lành, giữ ý thanh tịnh bằng cách đoạn tuyệt với mọi thứ ô nhiễm. Kinh Pháp cú còn ghi lại lời Phật dạy: “Không làm mọi điều ác/ Thành tựu các hạnh lành/ Tâm giữ ý trong sạch/ Chính lời chư Phật dạy” (Thích Minh Châu (1995): Những lời Đức Phật dạy về hòa bình và giá trị con người, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành, tr149.).

Thứ hai, tư tưởng giải thoát của Phật giáo điều chỉnh hành vi đạo đức con người Việt Nam

Cuộc sống xã hội muôn màu muôn vẻ đang biến đổi nhanh chóng từng ngày. Loài người đang tiến vào kỷ nguyên của thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Chính sự phát triển ấy đã mang lại cho con người một cuộc sống ngày càng cao với những tiện nghi vật chất vô cùng phong phú. Tuy nhiên, đời sống vật chất của con người ngày càng tăng lên thì lại tỉ lệ nghịch với đời sống tình cảm, đời sống tâm linh của con người, dẫn đến hàng loạt những vấn đề nảy sinh như môi trường, bệnh tật, ma tuý, tham nhũng, đạo đức xuống cấp trầm trọng. Con người nghiễm nhiên tự đặt mình vào tâm trạng bất an, khủng hoảng, lo toan cho địa vị, công danh và sự giàu có cho bản thân để tiến kịp với mọi người trong xã hội.

Xã hội ngày càng tiến bộ, sự đòi hỏi của công nghiệp hoá – hiện đại hoá trên mọi lĩnh vực càng khiến con người trở nên nhanh nhạy với công nghệ, song ngược lại khó tránh khỏi sự cứng nhắc, máy móc trong ứng xử xã hội và dần xa lạ với chính mình. Đất nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới hơn ba mươi năm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế thị trường đã làm cho bộ mặt xã hội Việt Nam có nhiều khởi sắc với rất nhiều thành tựu đáng khích lệ. Bên cạnh đó cũng phát sinh ngày càng nhiều tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội nước ta. Với thực tiễn hiện nay, đạo đức con người Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Nếu xét ở khía cạnh nào đó thì giải thoát của Phật giáo vẫn hướng con người quên lãng khổ đau trần tục, đưa họ về thế giới của Niết bàn, trong khi đó để khắc phục những khổ đau, tiêu cực của hiên tại đòi hỏi cần phải có những nghị lực cụ thể, những phương tiện hiện thực để chấm dứt khổ đau ngay trong hiện tại. Vì vậy, khi Phật giáo hoạt động điều chỉnh hành vi để đạt được mục đích giải thoát, Phật giáo góp phần làm cho con người lãng quên hiện thực, đặt tất cả tinh thần, tư tưởng vào thế giới Niết bàn mà họ tin đó là giá trị đích thực. Với lẽ đó, có thể nhận thấy, đối với đạo đức con người Việt Nam hiện nay đã được Phật giáo điều chỉnh với tư tưởng giải thoát giúp con người sống tốt hơn, tu tâm dưỡng tính, hiếu thuận với cha mẹ, ông bà, yêu nước, kính trên, nhường dưới, đề cao luân lý, làm điều lành tránh điều ác. Hiện nay ở Việt Nam, các chủ trương của đạo Phật như “trở về với dân tộc”, “hiện đại hóa”, “quần chúng hóa”, “hòa hợp đạo với đời” của các phong trào cải cách phương thức trong bối cảnh thế giới ngày nay chính là phản ánh chức năng điều chỉnh và xu hướng vận động của Phật giáo.

Thứ ba, tư tưởng giải thoát góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo đức truyền thống Việt Nam

Nhờ tiếp biến các giá trị tốt đẹp về đạo đức, lối sống truyền thống của dân tộc Việt Nam mà hệ giá trị đạo đức của Phật giáo trở nên phong phú sinh động. Đồng thời, Phật giáo tiếp thu các giá trị đạo đức của dân tộc là nhằm củng cố niềm tin cho các tín đồ. Nhưng cũng nhờ vậy mà các giá trị tốt đẹp trong đạo đức, lối sống truyền thống của dân tộc được giữ gìn.

Đạo đức truyền thống Việt Nam đề cao chuẩn mực giữa các thành viên trong gia đình và giữa các cá nhân trong cộng đồng, với dân tộc. Có thể nói, đối với người Việt Nam, một cá nhân được đánh giá thiện hay ác, tốt hay xấu phụ thuộc vào việc ứng xử của người đó với tổ tiên, với gia đình, với cộng đồng. Giáo lý Phật giáo nói chung và tư tưởng giải thoát nói riêng dạy con người phải sống có trách nhiệm với nhau. Cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái, chăm lo con cái đến nơi, đến chốn, khuyến khích con cái làm những việc thiện, những việc tốt, ngăn cản con cái làm những việc ác, việc xấu. Ngược lại, con cái phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ già, chăm sóc tận tình khi cha mẹ ốm đau, làm theo những điều cha mẹ mong muốn, lo tang ma chu đáo khi cha mẹ qua đời, cúng giỗ khi cha mẹ đã chết. Đạo Phật yêu cầu vợ chồng phải sống có tình nghĩa với nhau, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống gia đình. Anh em bạn bè phải quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, thương yêu nhau, chỉ cho nhau những điều phải làm, những điều trái để tránh, giúp nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha của Phật giáo là một thành tựu của nền văn minh nhân loại, mãi mãi vẫn là những giá trị đạo đức bồi đắp cho “lực lượng bản chất” của con người. Có ý kiến đã nhận xét về đạo đức Phật giáo như sau: Cái sống đời trong đạo đức Phật giáo là từ bi và cứu khổ cứu nạn. Nó vượt thời gian và không gian vì nó nhằm bảo vệ, phát huy, duy trì nhân bản làm điều lành, hướng về điều lành, hoặc ít nhất là đừng làm ác, đừng hướng về cái ác.

Tư tưởng giải thoát với tinh thần hướng thiện của Phật giáo thể hiện rõ trong những quy định về “Ngũ giới”, “Thập thiện” để tín đồ thực hiện, trong đó có những quy định có giá trị chuẩn mực đạo đức của con người là: không được trộm cắp, không được thông dâm với người khác ngoài vợ hay chồng, không được nói lời sai trái, không tham lam,… Lối sống lục hòa, lục độ mà cốt lõi là sống hòa hợp, vị tha dựa trên sự tự giác, hiểu biết, trí tuệ của Phật giáo cũng là lối sống mà xã hội ta đang hướng tới.

Như vậy, tư tưởng giải thoát của Phật giáo đóng góp vào nền đạo đức, lối sống xã hội nhiều chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, trong đó nổi bật là tinh thần hướng thiện. Từ rất sớm, nhân dân ta đã tiếp thu những giá trị tốt đẹp của Phật giáo để biểu thị tinh thần, lối sống nhân đạo của con người Việt Nam. Nhiều chuẩn mực, giá trị đạo đức Phật giáo đã đi vào tâm thức của mỗi người, hòa nhập với tình cảm, tâm hồn, khí phách dân tộc, bồi đắp cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” của con người Việt Nam. Khái quát tư tưởng giải thoát của đạo Phật có thể thấy những giá trị vẫn còn phù hợp ở những mức độ khác nhau với công cuộc xây dựng xã hội mới. Chính điều này đã bổ sung cho hệ giá trị đạo đức và lối sống của dân tộc ta trong quá trình đổi mới đất nước.

Giải thoát giúp con người tìm được giá trị của chính mình, của sự hòa hợp với môi trường sống và thực tiễn biến động phong phú. Do vậy, con người muốn có cuộc sống tốt đẹp phải hòa đồng với thiên nhiên, môi trường xung quanh, không được giết hại các loài động vật kể cả từ con kiến trở đi, phải sống có tình, có nghĩa với nhau. Trong giáo lý Phật giáo đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, song trung tâm của nó là vấn đề tu luyện đạo đức để hướng đến giải thoát. Muốn giải thoát con người không chỉ cần có niềm tin tôn giáo mà cần có sự phấn đấu nỗ lực của bản thân bằng cách thực hiện một đời sống đạo đức nhân bản. Nhìn một cách tổng thể, tư tưởng giải thoát của đạo Phật góp phần giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức con người Việt Nam.

4. KẾT LUẬN

Ngày nay, khi nền kinh tế thị trường ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc đổi mới nhận thức về vai trò của Phật giáo đã và đang tiếp tục được thể hiện về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, giáo lý của Phật giáo và tư tưởng giải thoát có những đóng góp về mặt văn hóa, đạo đức cho dân tộc, cho xã hội và cho con người. Vai trò giải thoát của Phật giáo hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giáo dục đạo đức con người Việt Nam. Những yếu tố tích cực của tư tưởng giải thoát ngày càng làm phong phú hơn đời sống tinh thần của con người, hướng con người hoàn thiện hơn nữa đạo đức cá nhân trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ths Hà Vũ Long
Giảng viên, Khoa LLCT & KHXHNV, Học viện ANND

***

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu (1995): Những lời Đức Phật dạy về hòa bình và giá trị con người, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành.
2. Võ Đình Cường (1986), Mấy suy nghĩ về tính nhân bản của Phật giáo, Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học.
3. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội.
4. Nguyễn Khắc Đức (2008), Vai trò của Phật giáo ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 7/2008.
5. Giáo trình đạo đức học (2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Đặng Thị Lan (2006), Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia.
7. Vũ Ngọc Phan (2002), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học.
8. Thích Viên Giác (2004), Kinh Di giáo lược giải, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
9. Hoàng Thị Thơ (2002) Đạo đức Phật giáo với xây dựng nhân cách con người Việt Nam,Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/2002.
10. Warada Thera: Đức Phật và Phật pháp (1991), bản dịch của Phạm Kim Khánh, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường