Trang chủ Lịch sử - Triết học Tư tưởng cốt lõi của Phật giáo được truyền bá tại xứ Giao Châu qua 2 thế kỷ đầu Công nguyên

Tư tưởng cốt lõi của Phật giáo được truyền bá tại xứ Giao Châu qua 2 thế kỷ đầu Công nguyên

Phật giáo được truyền vào Giao Châu thời kỳ đầu Công nguyên. Bằng nhiều con đường khác nhau, Phật giáo đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong đời sống tâm linh của cư dân bản địa. Vào thế kỷ I - II, Luy Lâu là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất thời bấy giờ với nhiều chùa tháp, Kinh Phật, Tăng sĩ và những tên tuổi như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, vv…

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phật giáo được truyền vào Giao Châu thời kỳ đầu Công nguyên. Bằng nhiều con đường khác nhau, Phật giáo đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong đời sống tâm linh của cư dân bản địa. Vào thế kỷ I – II, Luy Lâu là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất thời bấy giờ với nhiều chùa tháp, Kinh Phật, Tăng sĩ và những tên tuổi như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, vv…

Thích Đồng Niệm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

ĐẶT VẤN ĐỀ
Sự hình thành và phát triển trung tâm Phật giáo ở Giao Châu là tiền đề cơ bản nhận định cho chiều dài hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam (PGVN) mà qua đó tạo cơ sở đánh giá nhiều mặt sinh hoạt PGVN, như: Tính chất học lý Thiền-Mật buổi bình minh PGVN; quan niệm tín ngưỡng Phật giáo Giao Chỉ thời mới vào; vai trò nhà truyền giáo Phật giáo trong sinh hoạt xã hội Giao Châu; những đóng góp của chư tăng và cư sĩ Phật giáo Giao Chỉ trong công cuộc vận động độc lập dân tộc; nguồn sức mạnh làm nên con người Việt Nam trước sự đồng hóa của nhà Hán.
Qua đó phác họa toàn cảnh chân dung nội dung tư tưởng cốt lõi của Phật giáo được truyền bá tại xứ Giao Châu qua 2 thế kỷ đầu Công nguyên. Chúng ta thử tìm hiểu sự thành hình, phát triển và tư tưởng cốt lỗi của trung tâm Phật giáo Luy Lâu làm tiền đề cho sự phát triển PGVN.
Từ khóa: Phât giáo Việt Nam, Luy Lâu, Giao Chỉ, Trung tâm Phật giáo, Thiền – Mật,

1. Sự hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Giao Châu)

Sự kiện Mâu Tử học Phật tại Giao Chỉ vào những năm 168-189 dưới thời Linh Đế nhà Hậu Hán và trở nên lãnh tụ Phật giáo Giao Châu cũng như thông tin ẩn chứa từ Lý hoặc luận, từ Lục độ tập kinh; từ Cựu tạp thí dụ kinh, vv… đã cho chúng ta một cái nhìn về sự có mặt của một trung tâm Phật giáo, nơi đã tạo nên những nhà Phật học danh tiếng, thông bác, lỗi lạc như Mâu Tử, Khương Tăng Hội (k. 200-280).

Từ Luy Lâu, hai dòng văn học Phật giáo Sanskrit – Hán được dùng rộng rãi trong giới nghiên cứu, và có người đã trở nên thông bác đến trình độ có khả năng biên soạn tác phẩm Phật học bằng chính tiếng Sanskrit. Nê hoàn Phạn bối của Khương Tăng Hội là một điển hình. Hiện tượng thông hiểu văn học Sanskrit – Hán trong giới Phật học Phật giáo Giao Châu nó không là một hiện tượng đơn lẻ, mà là một sự kiện mang tính phổ quát; nó đã trở thành truyền thống và sống khá lâu cho đến thế kỷ thứ 8, PGVN lại ghi nhận một bông hoa văn học Sanskrit – Hán tiêu biểu nữa đó là Đại thừa quang (cũng gọi là Đại Thừa Đăng).

Vấn đề được đặt ra là những bậc Thầy của Phật giáo Luy Lâu là ai? Thầy của Mâu Tử, Khương Tăng Hội là những ai? Có điều chắc chắn rằng trong số “Ba vị Thầy” (Tam sư) của Tăng Hội thì những bậc Thầy này, sử kiện không cho một thông tin nào để cho thấy rằng họ là Tăng sĩ bản xứ Giao Châu cả. Nếu như vậy thì những bậc Thầy trong buổi bình minh của Giao Châu đều là Tăng sĩ nước ngoài, họ phải là người Ấn Độ. Chính những nhà truyền giáo Ấn Độ trên đường dừng chân giáo hóa ở Giao Châu, đã định hình nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Từ khi Luy Lâu có mặt Phật giáo thì bộ mặt sinh hoạt xã hội Giao Châu dần dần đổi khác. Từ một đất nước bị đô hộ thì nay bên cạnh sự nghiệp giữ nước chống ngoại xâm, dân nước Giao Châu lại có mặt một vị Phật chống ngoại xâm đó là vị Đấu chiến Thắng Phật. Tinh thần này vươn cao như một cương lĩnh cho tư duy, cho thực tiễn hành động, điều mà được thấy điển hình ở bức hoành treo cao nơi điện thờ nữ tùy tướng của nhà Trưng ( 40-43) là Nàng Xuân (Xuân Nương) ở Thái Bình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Tu tuong cot loi Phat giao duoc truyen ba tai xu Giao Chau 1

Tam quan chùa Tổ Tứ Pháp (Bắc Ninh) – Ảnh: Minh Khang

2. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, thời điểm thành hình vào thế kỷ thứ I trước Công nguyên

Vào thời điểm thế kỷ thứ I trước và sau công nguyên, đất Giao Chỉ đã đón nhận Phật giáo. Chính sự dừng chân của những nhà sư Phật giáo Ấn Độ trên bước đường truyền giáo ở đất Giao Chỉ (Chiao Chih) đã tạo nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu.
Trải qua năm tháng, khi niềm tin Phật đã lớn mạnh trong tầng lớp đại chúng và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo lan rộng trong giới thượng lưu trí thức thì bấy giờ trung tâm Phật giáo được thành hình. Có ít nhất là ba trung tâm Phật giáo được thành lập trong đời Hậu Hán (25-220) đó là trung tâm Phật giáo Luy Lâu thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam; Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và Bành Thành thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn phải kể đến trung tâm Phật giáo Kauthara trên vùng đất Chiêm Thành (Champa) nữa.

Phật giáo Giáo Châu trong thế kỷ đầu Tây lịch

Sự thành lập tăng đoàn, dịch kinh, sáng tác và làm chùa hẳn được thực hiện vào thế kỷ thứ 2. Trong thế kỷ đầu của Tập lịch sinh hoạt Phật ở Giao Châu chắc chắn còn thô sơ lắm.

Đạo Phật đầu tiên do các thương gia Ấn Độ đem đến. Những người này không phải là những nhà truyền giáo; họ chỉ sống đời sống tín ngưỡng của họ trong lúc lưu lại Giao Châu, vì vậy mà người Giao Châu biết đến đạo Phật. Sinh hoạt của Phật tử Ấn Độ thời ấy thế nào? Họ đọc ba điều quy y, giữ tam quy, tin tưởng ở Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Họ giữ ngũ giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Họ tin ở thuyết nhân quả; vì vậy họ lo bố thí cúng dường, nhất là cúng dường ẩm thực, y phục và chỗ cư ngụ cho tăng sĩ, bởi vì tăng sĩ là “Ruộng phước đức tốt nhất” để gieo hạt giống công đức, họ còn thờ phụng Xá Lợi Phật, đốt hương trầm, đọc thuộc vài đoạn kinh nhân quả, kể chuyện tiền thân của đức Phật.

Tín ngưỡng của người Giao Châu hồi ấy ra sao? Ông trời ở trên cao, có thể nhìn thấu mọi việc dưới đất, biết trừng phạt kẻ ác, biết giúp đỡ kẻ làm lành. Tuy nhiên Ông trời không phải là đấng tạo hóa nên mọi vật, nhất là không phải vị thần của nhất thần giáo. Ông trời có những thuộc hạ gần và xa. Gần thì có ông Sấm, mụ Sét. Xa thì có Sơn Tinh, Thủy Tinh, thần núi Tản Viên, thần cây Đa, ông Táo, ông Địa vân vân… Linh hồn con người không hẳn là bất diệt, nhưng có thể tồn tại thời gian khá lâu quanh quẩn bên xác chết, có thể ở chung quanh người thân thích còn sống một thời gian để che chở bảo hộ.

Ma Xó là linh hồn người chết còn ở quanh quẩn trong nhà, coi sóc bảo hộ gia đình. Nhà mồ là nơi an trí linh cữu người chết trong rừng, trong một thời gian nào đó, có cơm canh bày cúng người chết.

Thầy Mo là người trung gian, biết liên lạc Ma Xó và thế giới người chết. Những ngôi mộ đào được ở Lạch Trường chôn từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch đều có ba phần: Phần giữa để linh cửu, phần bên để bàn thờ, đèn đồng, và phần bên kia để thực phẩm, vật dụng… Những trống đồng dùng để đánh lên trong những buổi lễ cầu mưa và những tang lễ, trên trống đồng có hình những ông Thầy Mo đội lông chim, giả làm hình chim. Không những chim là nguồn gốc của dân Giao Châu, mà rồng cũng vậy.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Tu tuong cot loi Phat giao duoc truyen ba tai xu Giao Chau 2

Tượng Man Nương được thờ tại chùa Tổ Tứ Pháp (Bắc Ninh) – Ảnh: Minh Khang

Người Giao Châu đi đánh cá, lặn xuống nước, bị thụồng luồng làm hai, bèn vẽ mình cho thuồng luồng sợ. Sau đó, họ tin mình là dòng dõi của rồng. Ý niệm về nguồn gốc tiên rồng là do đó. Khi triệu Vũ Đế làm vua ở Lĩnh Nam, vào thế kỷ thứ hai trước Tây lịch, triều đình có dùng trâu, ngựa và dê để cúng tế trời đất, và dân chúng đã biết mua dụng cụ canh nông bằng sắt của người Hán (thư Triệu Vũ Vương gửi Hán Văn Đế năm 181 trước Tây lịch), biết nhìn những hiện tượng thiên văn như sao chổi, nhật thực để đoán thời vận. Tuy vậy, văn minh Giao Châu còn rất khác với văn minh Hán. “Dân Việt là dân cạo tóc, vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai {nước Hán} mà trị được. Từ thời Tam Đại tự trị, đất Hồ, đất Việt không theo lịch sử của Trung Quốc…” (thư của Hoài Nam Vương dâng vua Hán, can không nên đem quân can thiệp vào cuộc gây hấn giữa Mân Việt và Nam Việt vào năm 135 trước Tây lịch). Người Giao Châu chắc đã dùng lịch Ấn Độ trong thời đó.

Khi đạo Phật vào Việt Nam, thuyết Nhân Quả Nghiệp Báo phù hợp với quan niệm ông Trời trừng phạt kể ác, ban thưởng người lành. Thuyết luân hồi cũng phù hợp với quan niệm linh hồn tồn tại sau khi xác thân tiêu hoại, và cũng phù hợp với nhận xét về sự tuần hoàn của loài thảo mộc vốn rất thịnh mậu tại một xứ nóng bức và ẩm thấp.

Mâu Tử vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau về luân hồi: “Thân thể của người ta cũng như cành rễ của cây, linh hồn như hạt giống. Cành rễ của cây sẽ bị hư hoại nhưng hạt giống sẽ sống sẽ tạo nên cành rễ mới…” Những quan niệm công đức, tam bảo, cúng dường, luân hồi, nghiệp báo… không có quan niệm nào chống đối với tín ngưỡng tại Giao Châu hồi ấy. Thêm vào đó, người Giao Chỉ chưa ai trở thành những tín đồ trung kiên của Khổng Lão và trang bị bởi những ý thức hệ vững chãi, nên Phật giáo không gặp nhiều trở ngại như khi đi vào đất Hán. Đạo Phật thấm vào văn minh Giao Châu tự nhiên dễ dàng như nước thấm vào lòng đất. Những lý luận Mâu Tử dùng trong sách Lý Hoặc Luân không phải để hướng về những người thuộc văn hóa Giao Châu, mà hướng về những nhân sĩ Hán tới Giao Châu tị nạn, và một số ít người Giao Châu đã đi sâu vào lối suy tư Khổng Lão.

Thế kỷ đầu Tây lịch, trong lúc bắt đầu thu thập một ít kinh nghiệm canh tác và tập tục Trung Quốc (Tích Quang và Nhâm Diên chỉ bày cho dân cách canh tác và phép cưới hỏi) người Giao Chỉ cũng học được của những người khách Ấn những kinh nghiệm về trị liệu y học, những điều về thiên văn, về nhật lịch, vân vân… Kho tàng cổ tích Việt Nam đã thâm nhập nhiều yếu tố từ những truyện cổ tích và tiền thân của Phật giáo Ấn Độ… Truyện Tấm Cám là một truyện nhân quả nghiệp báo trong đó Bụt đóng vai ông Trời, thấy được những chuyện bất công trên đời. Ta nên nhớ đây là tiếng Bụt trực tiếp lấy từ chữ Buddha mà không phải chữ Phật lấy từ phát âm Trung Quốc “Fo”. Những người khách trú Ấn Độ đã truyền đạo Phật bằng cách sống tín ngưỡng mình trên đất Giao Chỉ và kể truyện tiền nhân Phật trong những ngày giờ rỗi rảnh.

Những tăng sĩ Ấn Độ đi theo thương thuyền có thể đã cư trú tại những ngôi am nhỏ làm ra cho họ, được những thương gia Ấn Độ cùng những người Giao Chỉ thân cận họ cúng dường y áo, thực phẩm.

Trong thế kỷ đầu này, có thể đã có những ngôi chùa lập ra cho một hay hai vị tăng sĩ ngoại quốc lưu trú, với một vài người Giao Châu mộ Phật ở chung.

Người Giao Chỉ chắc chắn đã học tụng bài tam quy bằng tiếng Phạn, mà bất cứ người Phật tử Ấn nào cũng thuộc. Họ cũng đã học cúng dường vị tăng sĩ, thờ Phật, lạy Phật, làm phúc thiện, bố thí. Bố thí ở đây có nghĩa là cho người đói ăn cơm. Kinh Tứ Thập Nhị Chương lưu hành tại Giao Châu trong thế kỷ thứ hai, nói đến công đức đem cơm cho người khác ăn: “Cho một trăm người ác ăn cơm có công đức, nhưng công đức ấy không nhiều bằng cho một người hiền ăn cơm…” Họ cũng học cách đọc kinh tam quy cầu nguyện cho người mới chết. Đạo Phật vào thế kỷ này chắc hẳn chỉ là ngưỡng Phật giáo bình dân, chưa có kinh điển phiên dịch, chưa có chế độ tự viện và tăng sĩ đàng hoàng. Ta có thể phác họa sơ lược tín ngưỡng Phật giáo Giao Chỉ trong thế kỷ đầu như sau:

– Quan niệm về Phật: Bụt (hay Bụt Đà) như một đấng có phép thần thông, nghe biết hết mọi chuyện trên đời như ông Trời, nhưng không ở trên cao nhìn xuống như ông Trời, mà rất thân cận vơi con người. Bụt có thể hiện ra dưới nhiều hình thức để cứu giúp người, giúp đời, nhất là những người có lòng tốt bị nhiều điều oan ức. Bụt rất thương người, cứu giúp người hiền, nhưng khác với ông Trời là không hành phạt kẻ ác. Bụt không bị nước trôi, lửa cháy, vì Bụt có phép thần thông và biến hiện.

– Quan niệm về Pháp: Không biết lúc ban đầu danh từ nào đã dùng để dịch tiếng Dharma; có lẽ tiếng “Phép Bụt” đã được sử dụng. Phép Bụt ở đây có thể là những phép biến hiện thần thông của Phật để cứu đời giúp người. Phép Bụt cũng là những điều người ta làm cho nếu người ta tin Bụt, như đọc ba câu tam quy, ban đầu thì bằng Phạn ngữ, giống như đọc thần chú, để tỏ lòng quy kính Bụt mà cũng để Bụt che chở (Buddham Saranam gacchami, Dharmam Saranam gacchami, Sangham Saranam gacchami). Ba câu tam quy này về sau hẳn cũng được đọc bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Hán Việt. Ngoài việc đọc tam quy, còn có việc cúng dường tăng sĩ, bố thí người nghèo, cho kẻ đói ăn. Phép của Bụt cũng là tin ở nghiệp báo, luân hồi và linh hồn bất diệt.

– Quan niệm về Tăng: Danh từ Tang Môn được dùng trước danh từ Sa Môn để chỉ các vị tăng sĩ ngoại quốc, như ta thấy trong các bản dịch kinh điển chữ Hán sớm nhất. Tang Môn không phải là một đoàn thể xuất gia từ sáu người trở lên (định nghĩa Sangha) mà là con người của những tu sĩ khoác áo vàng, đầu cạo trọc, từ bỏ đời sống gia đình, của cải, thờ Bụt, đọc kinh chữ Phạn; và sống trên sự cúng dường của người tin theo Bụt. Ngoài những Tang Môn ngoại quốc, có thể có vài người Giao Chỉ cũng được nhận học làm Tang Môn. Có lẽ Chử Đồng Tử là một người trong số này. Sách Lĩnh Nam Chích Quái, chẳng hạn, chép: “Đồng Tử và Tiên Dung lập nên phố xá làm nghề buôn bán. Công việc buôn bán thịnh đạt, và địa phương trở nên chợ búa to lớn. Nhiều nhà buôn nước ngoài thường ghé qua lại với Đồng Tử, xem Đồng Tử như chủ. Một hôm, Đồng Tử theo một người khách buôn ngoại quốc ra khỏi xứ, đi bằng thuyền. Họ ghé lại một hòn núi tên Quỳnh Viên (Đạo Giáo Nguyên Lưu nói là Quỳnh Vi), nơi đó, họ lấy nước ngọt để dùng cho thuyền. Ở dưới núi Quỳnh Viên, có một túp lều, nơi đây Đồng Tử gặp một nhà sư Ấn Độ. Nhà sư giảng cho Đồng Tử, và Đồng Tử ở lại để học đạo, giao vàng cho người đồng hành đi buôn bán giùm mình và hẹn khi về thì ghé lại đón cùng về. Vị tăng cho Đồng Tử một cây gậy và một cái nón lá, bảo rằng những vật này có thể làm phép lạ. Lúc về nước, Đồng Tử dạy Phật pháp cho Tiên Dung. Họ thâm hiểu đạo lý, liền bỏ chuyện buôn bán, đi tìm thầy học đạo. Một hôm đang đi thì trời tối, họ cắm cây gậy và chiếc nón lá làm nơi trú ẩn. Các nhà buôn ngoại quốc nói nơi đây hẳn là các nhà buôn Ấn Độ tới bằng thuyền và sự việc Đồng Tử bỏ hết sản nghiệp để nhận một chiếc gậy và một cái nón có thể giải thích như sự xuất gia làm Tang Môn của Đồng Tử. Cây gậy và bình bát là hai vật tùy thân của người tăng sĩ. Chiếc nón đã thay bình bát, và hình ảnh chiếc nón là hình ảnh của kẻ xuất gia không nhà đi du hành đây đó.

– Quan niệm về nghiệp báo luân hồi: Làm lành gặp lành, ở ác gặp ác; quan niệm này dĩ nhiên được chấp nhận dễ dàng trong tín ngưỡng dân gian Giao Chỉ. Tín ngưỡng về hồn ma tồn tại sau khi chết cũng là căn bản rộng rãi để chấp nhận luân hồi. Con Tấm trong truyện Tấm Cám dù bị hại bao nhiêu phen cũng vẫn luân hồi trở lại, hoặc trong hình thức trái thị, hoặc trong hình thức chim hoàng anh… Bà mẹ ghẻ vì ác độc nên phải ăn mắm xác chết của con mình. Trong truyện thần thoại Con muỗi, người vợ xinh đẹp nhưng dâm tà của anh lái buôn si tình đã phải luân hồi làm con muỗi, suốt đời tìm hút lại ba giọt máu để trở lại thân người. Tín ngưỡng nghiệp báo luân hồi khiến người ta lo ăn ở nhân từ, thương người và tu đạo phúc đức.

– Từ bi: Từ bi là đặc điểm của đạo Bụt. Bụt rất thương người. Tang Môn cũng dạy bố thí, cứu người ốm đau tai nạn, cho người đói ăn cơm, đừng trả thù kẻ khác.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Tu tuong cot loi Phat giao duoc truyen ba tai xu Giao Chau 3

Chùa Dâu (Bắc Ninh) – Ảnh: Minh Khang

– Công đức: Muốn được sung sướng kiếp này và kiếp sau, phải có công đức (punya). Dâng thức ăn cho các Tang Môn, trọng nể và nghe lời họ tức là gieo hạt giống công đức vào ruộng tốt (Tang Môn là phúc điền). Đem cơm cho người đói ăn, công đức cũng rất lớn. Sạ Dung cuối thế kỷ thứ hai cũng còn xem chuyện cho người đói ăn là điều quan trọng nhất trong đạo Phật. Sau khi làm cách mạng, ông giữ lấy lúa gạo, và cho nấu cơm cùng thức ăn bày ra cúng dường có tới hàng mười dặm, để người đói ai muốn thì ăn. Có hàng vạn người tới ăn một lúc (Hậu Hán Thư).

– Tiết dục: Giáo lý vô ngã tuy là giáo lý căn bản trong Phật giáo nhưng có lẽ đã không được giảng dạy trong bước đầu này bởi tính cách khó hiểu khó nhận của nó. Đạo lý Ly Dục cũng chỉ giới hạn trong giới Tang Môn. Chắc hẳn trong khi dạy về đạo lý Từ Bi và công đức, Tang Môn cũng đã dạy tiết dục, bỏ bớt những hưởng thụ vật chất cho riêng mình để bố thí cho kẻ khốn khó đói khổ.

3. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu – Sự phát triển

Trong số những trung tâm Phật giáo được thành hình vào thời Hậu Hán (25-220) thì trung tâm Phật giáo Luy Lâu là lớn mạnh hơn cả. Do công hạnh truyền giáo từ những bậc Thầy trước, đồng thời và sau Mâu Tử, Khương Tăng Hội, đã tạo nên sự lớn mạnh cho trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Chính sự có mặt của Mâu Tử trong nghiên cứu học tập tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu, cùng với nội dung 37 điều của Lý hoặc luận đã cho chúng ta ngày nay thông tin cần thiết về sự lớn mạnh của trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Rằng chính nơi đây, Phật giáo Luy Lâu đã cung cấp thành quả Phật học chẳng những cho Phật giáo Giao Châu mà còn cho cả Phật giáo Viễn Đông nữa. Chính nơi đây, nhiều kinh điển được biên soạn chẳng những cho nhu cầu học Phật thông thường mà còn định hướng đấu tranh cho độc lập dân tộc theo kiểu “trợ hóa” – như Chu Phù đã nhận định. Điển hình như ta thấy, kinh Bát nhã 8000 tụng (Astasahasrika – Bát-nhã bát thiên tụng) được chuyển ngữ tại Luy Lâu sớm nhất so với Phật giáo Viễn Đông. Chính nơi đây, Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, An ban thủ ý kinh và nhiều kinh điển khác cũng được biên soạn.

Theo thể tài Hỏi-Đáp như kinh Na-Tiên Tỳ Kheo (Di Lan Đà vấn đạo kinh), Mâu Tử đã làm ra sách Lý hoặc luận tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu, điều này cho thấy Phật giáo Luy Lâu đã đi những bước tiên phong trong giai đoạn sáng tác so với Phật giáo Lạc Dương, Bành Thành và Viễn Đông. Cũng chính tại đất này, những nhà truyền giáo có tầm cỡ quốc tế được đào tạo mà thầy trò Khương Tăng Hội là một nhóm điển hình.

Như vậy, quá trình phát triển của trung tâm Phật giáo Luy Lâu trải dài qua nhiều thế kỷ, từ buổi bình minh của Phật giáo Asoka về Viễn Đông cho đến Phật giáo Thăng Long thành hình (1010), thì Phật giáo Luy Lâu là một quá trình phát triển trải dài hơn 10 thế kỷ. Có thể nói Luy Lâu (tỉnh Bắc Ninh) là cái nôi của Phật giáo, là trung tâm sinh hoạt Phật giáo Giao Châu qua nhiều thế kỷ. Những chốn Tổ nổi tiếng, nhiều Tổ đạo thuộc loại “tăng phòng tam thiên ốc, sái tảo thất thập phu”, nơi mà một thời vành đai “bố hóa” tỏa rộng khắp cả vùng đồng bằng miền Bắc. Rồi những bậc danh đức, cao tăng thuộc hàng “hạnh cao triều dã”, “danh chấn thanh phong”, những người mà thuộc hàng Thái sư, Tăng thống, Quốc sư, Thượng sĩ vv…phần lớn cũng đều xuất thân từ đất Luy Lâu thuộc tỉnh Bắc Ninh này.

4. Nét đặc thù của trung tâm Phật giáo Luy Lâu

Phật giáo chính là sản phẩm “từ bên ngoài vào” so với vùng đất mới Giao Châu mà nó đặt chân đến. Tuy nhiên, buổi đầu Phật giáo Giao Châu, sinh hoạt Phật học luôn đi những bước song hành cùng vận nước, để rồi qua đó Phật giáo đã trở nên Phật giáo Việt Nam, Phật đã trở thành Phật Việt Nam. Đó cũng chính là nét đặc thù của Phật giáo điều mà nó được thể hiện rõ nét trên đất Giao Châu.

Trong bối cảnh Giao Châu bị trị như một chư hầu của đế quốc phương Bắc, trong bối cảnh mà dân nước Giao Châu bị xem như là đám dân man rợ qua cách nhìn của quan lại tham tàn nhà Hán, người dân Giao Châu, sự sống, sống trong cảnh ngộ lầm than, mạng người bị xem như cỏ rác, thì tinh thần thông điệp “Từ Bi” cứu độ của Phật giáo đã được giới thiệu như thế nào trên đất Giao Châu? Nhìn lại, tôn chỉ Phật giáo là giác ngộ chúng sinh thành Phật, lý tưởng Bố tát là con đường bước lên quả Phật; lý tưởng Bố tát trong kinh Phật luôn được đề cao và ca ngợi. Ở đây trong bối cảnh Giao Châu, “Bồ tát là người luôn xông vào nơi hiểm nạn để cứu chúng sinh lầm than”, đó là cương lĩnh đạo Bố tát có nguồn từ Lục độ tập kinh. Chính từ cương lĩnh nầy, những vấn đề Phật học Phật giáo Giao Châu phần lớn đều được giới thiệu qua cách nhìn Dân-Nước đồng lao cộng khổ, “Đạo pháp trong lòng dân tộc”.

Đặc thù hơn cả là An ban thủ ý kinh, một thể loại thiền trong văn học Phật giáo nguyên thủy thì nay trên đất Giao Châu, kinh này lại được giới thiệu qua cách nhìn của Phật giáo đại thừa: “An ban là Đại thừa của chư Phật để cứu độ chúng sinh trôi nổi”(1) Bên cạnh đó, một số kinh điển Phật giáo đã đi vào văn hóa Việt Nam. Qua kinh Bách tử đồng sản duyên, nó được hư cấu để trở nên nguồn cảm hứng làm tiền đề cho việc biên soạn nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua truyện “Trăm Trứng”.

5. Tín ngưỡng Phật giáo Giao Châu

Tín ngưỡng chủ đạo Phật giáo Giao Châu thời mới vào là tín ngưỡng Tứ Pháp. Tứ Pháp là bốn ngôi chùa: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp). Hiện tượng tín ngưỡng Phật Tứ Pháp, đây là một sự kết hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo với tín ngưỡng Vật Linh của người Việt cổ. Trong nhóm Tín ngưỡng Tứ Pháp nổi bật nhất là tôn thờ Phật Pháp Vân (tín ngưỡng Nàng Man-Man Nương). Đây là Tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc từ sử truyện Man Nương-Khâu-Đà-La. Kết hợp với tín ngưỡng Đạo Mẫu của người Việt xưa, Nàng Mán (Man Nương) đã trở thành Phật Mẫu. Phật Mẫu- Nàng Mán có nhiều tên gọi: Phật Pháp Vân, Phật Thạch Quang, Phật Việt Nam.

Tín ngưỡng Phật Pháp Vân đã đi vào lòng người dân Việt qua nhiều thế kỷ; định hình từ thế kỷ thứ 3 mà cho đến nhà Nguyễn (1802-1945), nó vẫn còn ngự trị trong trái tim dân Việt. Từ Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1840-1847), đến Tự Đức (1847-1884), các triều nhà Nguyễn vẫn còn tôn sùng tín ngưỡng Phật Tứ Pháp: Pháp Vân (Mây), Pháp Vũ (mưa), Pháp Lôi (Sấm), Pháp Điện (Chớp) qua việc cầu mưa, cầu tạnh, thảy đều ứng nghiệm như Đại Việt sử ký toàn thư, Châu bản triều Nguyễn đã ghi.

Phật Pháp Vân đã chiến trọn tâm hồn dân Việt qua bao đời, từ giới bình dân cho đến giới trí thức, từ dân giã cho đến cung đình, từ vua quan đến quí tộc. Nhà nhà, người người đều qua cửa ngõ Phật Pháp Vân mà về với Phật để Phật Pháp Vân chính là Phật Việt Nam như lời ca truyền miệng: “Giao Chỉ có Luy Lâu. Luy Lâu có chùa Dâu. Dù ai đi đâu về đâu, đến ngày Mùng Tám (tháng tư) hội Dâu nhớ về”. Và “Dù ai buốn bán trăm nghề, đến ngày mùng Tám thì về hội Dâu”.

Bên cạnh đó, việc tôn thờ tín ngưỡng Avalokitesvara Bồ tát Quán Thế Âm cũng chiếm địa vị trọng yếu trong sinh hoạt tu học của tăng, tín đồ đương thời, điều đó được biết qua những sự kiện khảo cổ học còn lại ngày nay.

Mặt khác, tính thần bí trong Thiền học Khâu Đà La + Nàng Mán là do dung hợp giữa Phật giáo quyền năng với tín ngưỡng Vật Linh bản xứ, đây là nhằm đáp ứng một nhu cầu xã hội trong bối cảnh Giao Châu tự trị.

Từ những sự kiện trên đây cho chúng ta một nhận định rằng: Khâu Đà La Ksudra là người “lật đá khơi ngòi giếng” nền thiền học Tâm Tông cho Phật giáo Giao Chỉ; là người đóng góp bước đầu cho Thiền học Phật giáo Viễn Đông khi ông mở bày, chỉ cho thấy (khai, thị) điều tâm yếu Phật Pháp cho đệ tử tại gia (Ưu bà Tắc) Tu Định. Để tiếp theo sau đó, Khương Tăng Hội là người phát triển lớn mạnh thiền học Giao Châu (25-220). Điều mà trong lời sấm ngài An Thế Cao đã từng tiên đoán: “tôn ngô đạo giả cư sĩ Trần Tuệ, truyền thiền kinh giả tỳ kheo Tăng Hội” ấy vậy.

6. Tư tưởng Thiền Mật dung hợp

Thiền học Anabanna- An ban vốn là thiền quán niệm hơi thở, là thiền sổ tức quán. Nó có nguồn từ Thiền Nguyên thủy thì nay với Khương Tăng Hội Anabanna được giới thiệu qua cách nhìn là Thiền Đại thừa của chư Phật để cứu độ chúng sinh đang trôi nổi.

Điểm thứ 2 là trong khi cảm hóa chúa Ngô ở Nam Kinh-Giang Đông, ngài Tăng Hội đã biểu hiện những nét Phật giáo thần bí điển hình là việc cầu xá lợi. Việc này dù nó được giải thích như là mượn sức thần để rộng tỏ uy thiêng trên mảnh đất mới khai hóa như đất Ngô và nhất là với mẫu người bạo ngược như Tôn Quyền, thì qua đó cũng cho thấy tính chất thần bí của loại thiền học này. Như vậy, Thiền học Khương Tăng Hội vừa mang tính chất đại thừa cũng vừa có nét thần bí. Hay nói cách khác, thiền học Khương Tăng Hội là Thiền- Mật dung hợp. Nó đóng vai trò chủ đạo trong sinh hoạt Phật giáo chẳng những trong buổi đầu thời mới vào mà còn tạo ảnh hưởng nhất định làm mô hình mẫu học lý cho nhiều thế hệ người xuất gia về sau nữa. Sắc thái Thiền-Mật dung hợp trải qua nhiều thế hệ được biểu hiện ở Pháp Thuận, Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh (họ Từ) và hầu như nó đóng một phần lớn chi phối sinh hoạt tu học của người xuất gia qua suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Tư tưởng cốt lõi của Phật giáo được truyền bá tại xứ Giao Châu phải nói đến sự xuất hiện Lý hoặc luận của Mâu Tử là một điển hình. Tu tập thiền quán được ngưỡng mộ; chùa-tháp được dựng lên, Tăng đoàn lớn mạnh; sinh hoạt Luật học định hình, nền giáo học phát triển lớn mạnh có nhiều nét phong phú. Tín ngưỡng Phật, Bồ tát, luân hồi, nhân quả, vv…được phổ biến sâu rộng trong dân chúng bản xứ. Bên cạnh đó là những biểu hiện Phật học phong phú khác.

Trong bối cảnh một vùng-miền luôn chịu những đợt chinh chiến, can qua, máu lửa liên tục xảy ra trên một đất nước chư hầu của Trung Quốc như Giao Châu thì Phật giáo Giao Châu cũng theo đó mà trải qua những thịnh suy không thể nào tránh khỏi. Điển hình là thời kỳ Phật giáo sau nhà Trưng: “Dấu vết phong hóa còn sót lại của một thời hoàng kim đã đi qua”. Thật vậy, sau khi nhà Trưng mất ngôi (43), Mã Viện đã càn quét những lãnh tụ kháng chiến Giao Chỉ, một trong những hậu quả này là hơn 300 “cừ soái” của Giao Chỉ bị bắt và đưa đi đày sang Linh Lăng (Trung Quốc). Trong một bối cảnh xã hội Giao Chỉ như thế, hệ quả tất yếu là xã hội lại xảy ra một hiện trạng mới, đó là việc một số không nhỏ những lãnh tụ Giao Chỉ, những binh sĩ, những tùy tướng dưới cờ của Nhà Trưng, những người làm lại cuộc đời đã “tìm nương thân cửa Phật”, một Công chúa Bát Nàn đi tu, một Tùy tướng Thiều Hoa “ẩn dương nương Phật”; một Nàng Xuân (Xuân Nương) khoác áo sư nữ. Tất cả biến động xã hội này đã tạo nên một Phật giáo Giao Chỉ với bộ mặt mới mà bên cạnh đó bản thân nó lại phải “cưu mang” một bộ phận “lạm phát tăng đoàn” nữa.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Tu tuong cot loi Phat giao duoc truyen ba tai xu Giao Chau 4

Tượng Pháp Vân được thờ tại chùa Dâu (Bắc Ninh) – Ảnh: St

Bộ mặt mới của Phật giáo sau nhà Trưng (40-43) này kéo dài cho đến thời Mâu Tử. “Chân dung toàn cảnh” về một thế kỷ “lạm phát Tăng đoàn” Phật giáo sau nhà Trưng này, Mâu Tử đã phác họa lại mà nét gam màu nổi bật từ đó. Chúng ta có thể hình dung được qua lời tự than “Sa môn ngày nay” của Mâu Tử: “Nay Sa môn đam mê rượu ngon, nuôi vợ con, mua rẻ bán đắt, chuyên nghề dối trá”. (Kim Sa môn đam hiếu tửu tương, hoặc súc thê tử, thủ tiện mại quí, chuyên hành trá đãi – Lý hoặc Luận, 16).

Một khi đỉnh cao giáo học phát triển quá đà, vượt ngoài sự giám sát của Tăng đoàn thì tiếp sau đó hiện trạng lại rơi vào giai đoạn đi xuống và suy đồi. Trong một bối cảnh mà thời hoàng kim rực rỡ đã đi qua, Mâu Tử đã tìm về Giao Chỉ (Chiao Chih) vào những năm 168 dương dịch, và ông học được những dấu vết phong hóa Phật giáo Asoka còn sót lại ấy; cũng chính trong bối cảnh của một nền giáo học Phật giáo Giao Chỉ như thế, Khương Tăng Hội ra đời. Ngài được xem như là ngọn đèn thiền sau cùng của nền giáo học Phật giáo Giao Châu, điều đó đã có lần Ngài tự khẳng định: “Tôi sinh ra như dấu tích cuối cùng…”.

Từ hiện trạng “trốn việc quan đi ở chùa” sau Phật giáo thời nhà Trưng (40-43) đến việc Mâu Tử nói về “Sa-môn ngày nay” (189dl), đến việc Tăng Hội nói về “Ba bậc thầy” (247dl, đến việc Thông Biện (?-1134) dẫn lời Đàm Thiên nói về Tăng đoàn Phật giáo Giao Châu: “Độ được hơn 500 vị Tăng” v.v… đã cho thấy mô hình sinh hoạt Luật học cũng như quá trình phát triển Tăng đoàn Phật giáo Giao Châu qua nhiều thế kỷ có thể suy biết về năm tháng Phật giáo Việt Nam thời mới vào như thế nào? Phật giáo vào nước ta có từ bao giờ? Không phải đến hôm nay chúng ta mới đặt vấn đề này. Mà vấn đề này gần 1000 năm trước đã có người đưa ra chất vấn. Vào năm 1069, Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã nêu lên và quốc sư Thông Biện(2) trả lời. Những nhận định trên đây cũng chỉ mong góp một phần nhỏ trong việc tìm hiểu sự thật lịch sử, còn việc làm sáng tỏ trọn vẹn thì đang trông vào những nhà chuyên môn.

Nhìn chung, Phật giáo quyền năng trong thời mới vào đã trở nên là Phật giáo “thâu hóa sáng tạo” trong suốt 1000 năm từ thời giáo học đến thiền phái, đến giáo hội; từ du nhập đến hội nhập, đến hóa thân làm một với màu sắc bản địa. Rằng, Phật giáo Ấn Độ đã trở nên là Phật giáo Việt Nam, để rồi Phật giáo Việt Nam đi những bước song hành trong đấu tranh cho độc lập dân tộc.

KẾT LUẬN

Theo chân những Tăng sĩ và thương nhân Ấn Độ và Trung Hoa, Phật giáo được truyền vào Giao Châu thời kỳ đầu Công nguyên. Bằng nhiều con đường khác nhau, Phật giáo đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong đời sống tâm linh của cư dân bản địa. Vào thế kỷ I – II, Luy Lâu là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất thời bấy giờ với nhiều chùa tháp, Kinh Phật, Tăng sĩ và những tên tuổi như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, vv…Phật giáo Giao Châu vẫn phát triển mạnh mẽ, giáo lý mang đậm ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ.

Từ khi Phật giáo Trung Hoa truyền sang Giao Châu, điều đó đã khép lại giai đoạn Phật giáo Việt – Ấn, mở ra một giai đoạn mới – giai đoạn Phật giáo Việt – Trung. Trải qua những thế kỷ đầu tiên, Phật giáo ở Giao Châu với những bước thăng trầm đã khẳng định được sức sống bền vững trong đời sống tâm linh người Việt. Trong bối cảnh bị phương Bắc đô hộ, Phật giáo Giao Châu đã gây dựng được ảnh hưởng mạnh mẽ và có những chuẩn bị cần thiết cho sự phát triển sau này, khi đất nước giành được quyền độc lập, tự chủ.

Thích Đồng Niệm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

***

CHÚ THÍCH:
(1) Lê Mạnh Thát, tựa kinh An ban thủ ý. Tp HCM 2000
(2) Đàm Thiên dẫn lời Quyền Đức Dư, TUTA 20b7-21a7

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đào Duy Anh (1964), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Nguyễn Hùng Hậu (2003), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Viện Triết học (2002), Lịch sử tư tưởng Việt Nam – Văn tuyển: tư tưởng Việt Nam từ đầu công nguyên đến cuối thời Lý, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Nguyễn Lang (1974), Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nxb. La Bối.
6. Ngô Đăng Lợi (1990), Phật giáo, Văn hóa và dân Tộc, NXB. Hà Nội
7. Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, NXB Văn hóa thông tin.
8. Lê Mạnh Thát(2003), Lịch sử Phật giáo Việt Nam ( Từ Khởi Nguyên Đến Thời Lý Nam Đế ), tập 1, NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh.
9. Mật Thể (1996), Việt Nam Phật giáo Sử,Nxb. Thuận Hoá.
10. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, do các Phật Học Viện và các chùa xuất bản, Sài gòn mùa đông năm Giáp dần.
11. Nguyễn Khắc Thuần (1998), Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nxb Giáo Dục, tái bản lần thứ tư.
12. Tầm Vu (1982), “Một cuộc đấu tranh giữa thần bí và duy lý trong Phật giáo Giao Châu thế kỷ V”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Số 3.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường