Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tu tập liệu có cần thiết?

Tu tập liệu có cần thiết?

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Con người chắc chắn không thể thay đổi nghiệp quá khứ, nhưng có thể cải đổi tương lai. Nên khi vẫn còn đang may mắn sống giữa một xã hội lành thiện, bao quanh bởi các duyên tốt của chính pháp, mỗi ngày, mỗi một phút giây đều hướng Phật

Tác giả: Thích nữ Thuần Chiếu
Cao học ngành Religious Studies – Đại học Missouri State University, Springfield, Missouri

Vào năm 1971, 24 sinh viên trường đại học Standford (1 trong 8 trường Ivy League top đầu nước Mỹ) tham gia vào một thí nghiệm do nhà nghiên cứu Phillip G.Zimbardo tiến hành để kiểm tra sức mạnh tiềm thức của con người[1]. Các sinh viên được chia thành hai nhóm đóng hai vai: quản ngục và tù nhân.

Ban đầu thí nghiệm dự kiến thực hiện trong 2 tuần, nhưng khi các sinh viên gặp phải các vấn đề tâm lí bất ổn, thí nghiệm buộc phải dừng lại sau 6 ngày. Nguyên nhân là những sinh viên tham gia thí nghiệm đều là những sin viên xuất sắc và hiền lành, nhưng khi được mặc những bộ đồ “đúng vai” và sống trong những không gian được ấn định, các “sinh viên cai ngục” dần dần trở nên hung hãn, tàn bạo, trong khi các “sinh viên tù nhân” thì bỗng chốc trầm cảm, suy sụp tinh thần. “Chúng tôi muốn thấy những tác động tâm lý được thiết lập một nhà tù mô phỏng, để thấy những tác động đến hành vi của tất cả mọi đối tượng trong phạm vi của nó”– Zimbardo nói. Nghiên cứu này cho rằng con người có thể vô thức tiếp nhận các vai trò và ý niệm rằng động lực cho cái ác là những điều bình thường.

Cũng vậy, nếu nhìn nhận về nạn diệt chủng của Đức quốc xã, tại sao việc thảm sát 6 triệu người Do Thái lại dễ dàng và lại xảy ra tại nước Đức? Lẽ nào là vì dân tộc Đức là tộc người tàn ác nhất thế giới?

Trong cuốn tự truyện Mein Kampf, Adoft Hitler đã tự hào với tài hùng biện của mình là một thành công, rằng: “One thing all the champions with ink-stained fingers and fools of today should take to heart is that the great upheavals in this world have never been guided by a pen… Since the beginning of time, the force that started the great religious and political landslides of history has been the magic power of the spoken word alone. The great masses of a people yield only to the force of speech. …Only the possessor of passion can give the words that will open the gates to a people’s heart like a hammer…” [2] Tạm dịch là: Một điều mà mọi nhà vô địch với ngón tay vấy mực và những kẻ ngu ngốc ngày nay nên nhớ là những biến động lớn trên thế giới này chưa bao giờ đi ra từ một cây bút… những trận lở đất chính trị của lịch sử chính từ là từ sức mạnh kỳ diệu của lời nói mà thôi. Đại chúng chỉ khuất phục trước sức mạnh của lời nói. …Chỉ người sở hữu niềm đam mê mới có thể dùng lời nói để mở ra cánh cổng vào trái tim con người như một cái búa….

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tu Tap Lieu Co Can Thiet 1

Trong hơn 5.000 bài phát biểu có sức thuyết phục, bậc thầy hùng biện nhất mọi thời đại này đã hào hùng tuyên bố với những thính giả của mình rằng đế chế Đức sẽ ngự trị trong một ngàn năm và khiến họ phục tùng chế độ phát xít như những kẻ ám muội. Khi mặc vào bộ quân phục và được cho là anh hùng dân tộc, kết hợp nghe những bài hùng biện thôi thúc đầy mê hoặc, các quân dân Đức, cùng tâm lý đám đông, mặc nhiên trở thành con rối, tuân lệnh của Hitler thảm sát hàng vạn người Do Thái mà không hề mảy may thương xót.

Trên đây là hai ví dụ điển hình của một dạng tâm lý con người mang tên “power of situation”– sức mạnh của hoàn cảnh, được đề cập trong cuốn Bạn không thông minh lắm đâu (You are not so smart)[3] của David McRaney, nói về sức mạnh của tiềm thức con người. Con người thông thường nghĩ rằng mình dùng suy nghĩ ý thức để quyết định và xử lý các công việc hàng ngày, nhưng thật chất tiềm thức- phần não vô thức lại chi phối hầu hết mọi hoạt động tư duy cả đêm lẫn ngày. Qua hai ví dụ trên, khi được đặt vào những hoàn cảnh đặc biệt để hành động độc ác, trái hẳn với bản tính hiền lành thông thường, con người hẳn không còn dám chắc chắn vào “bản chất tốt lành” của mình nữa.

Về cơ bản, con người là giống loài sống theo bầy đàn. Tâm lý đám đông được di truyền từ kết cấu xã hội bộ lạc, ăn lông ở lỗ từ tiền sử, nên vẫn ảnh hưởng và chi phối con người trong các bộ phận xã hội, tùy theo đặc trưng văn hóa từng vùng, quốc gia. Hiện tại đa số chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh và có ý thức. Chúng ta không hại ai, đánh ai, chửi bởi ai nên mình là một người công dân tốt, thậm chí là một phật tử tốt. Có chắc chắn? Câu trả lời hoàn chỉnh nên đến từ hai vế:

Tôi là một người tốt, nếu được đặt trong trường hợp có điều kiện và môi trường thuận lợi để phát triển và thể hiện những phẩm chất tích cực của bản thân. Tuy nhiên, môi trường và tình huống có thể ảnh hưởng đáng kể đến hành vi và hành động của con người. Đôi khi, một người có thể đối mặt với những tình huống khó khăn, áp lực, hoặc cám dỗ mà có thể khiến họ lạc lối hoặc thay đổi hành vi. Do đó, đánh giá một người là tốt hay không không thể chỉ dựa trên lời nói mà cần xem xét bối cảnh và tình huống cụ thể mà họ đang đối mặt.

Bình yên trong hoàn cảnh thuận lợi không đồng thời với đạo đức trong cấp bách và khó khăn. Khi gặp sư tử, một người tự động sẽ nhảy lên cây để tránh nạn. Câu hỏi đặt ra là: Bạn có dám cứu mẹ mình ở bên dưới và để cho sư tử ăn thịt mình không? Hành động bản năng sinh tồn hay lương tâm, ý thức? Sức mạnh của hoàn cảnh dường như phá hủy mọi lề thói của tư duy và đạo đức. Lúc này, thứ chi phối hành động của con người chỉ là tiềm thức, là bản năng.

Trong Thắng Pháp Tập Yếu luận, hình ảnh một người ngủ dưới gốc xoài bị thức giấc do một quả xoài rụng dùng để ví cho sự xúc chạm 6 trần lên 6 căn tác động vào phần tâm hữu phần Bhavanga qua các giai đoạn sát-na tích tắc của dòng tâm[4]. Ngay khi tiếp cảnh, một loạt các tâm: tâm tiếp tiếp thọ, suy đạc, xác định… sinh lên liên tục, tốc hành tâm Javana rung 7 lần rồi quay lại dòng hữu phần Bhavanga ban đầu liên tục chảy dù con người đang ngủ. Dòng Bhavanga này chính là tàng thức, mang các dấu ấn của hạt giống nghiệp mà Duy thức gọi là Alaya, để quyết định cho kiếp tái sinh tiếp theo, và rõ rệt nhất vẫn là thông qua ý nghiệp. Trong Nghiệp và quả của Nghiệp[5], Hòa thượng Hộ Pháp nêu ra phân loại nghiệp, cho thấy nghiệp thường-hành và nghiệp cận tử quyết định cho tâm tử tái sinh mạnh nhất. Nhưng trong trường hợp hoàng hậu Malika, vào lúc lâm chung nhớ lại tâm tham dục phát sinh ngày trước khi con chó cái liếm vào âm hộ, bà sinh tâm hối hận rồi lập tức bị sinh vào địa ngục 7 ngày. Đây chính là một ví dụ cho tính chất bất định của nghiệp nhân-quả[6], khi một duyên quá khứ từ tàng thức khởi lên bất chợt vào lúc cận tử thì quả và cõi tái sinh hoàn toàn không thể đoán định.

Chúng ta không thể đơn giản dựa vào những hành nghiệp hàng ngày để cho rằng giữ gìn cấm giới thô thiển (5 giới, 10 giới) đủ đảm bảo an toàn cho một kiếp tái sinh vị lai.

Kinh Tương Ưng, đức Phật dùng một ít đất trên đầu móng tay để nói với các Tỷ-kheo: chúng sinh được tái sinh làm người ít như trên đầu móng tay ta, còn những chúng sinh phải tái sinh về ác thú, đọa xứ thì nhiều như đất trên địa cầu [7].

Hành giả, một khi chưa chứng thánh đạo tuệ, không thể nào biết được nghiệp của mình trong quá khứ và cách hiện hành, trổ quả của các quả nghiệp này thời vị lai. Tâm chứa đựng những hạt giống chủng tử cả thiện và bất thiện từ nhiều kiếp, âm thầm ngủ ngầm (anusaya) và chỉ đợi đủ điều kiện (duyên) để phát khởi. Hiểu được sức mạnh của hoàn cảnh với khả năng thúc giục tâm ác của con người, điều duy nhất mà một phật tử có thể làm là liên tục trau dồi phước thiện và hồi hướng cho thiện pháp mình đã làm được sẽ là nhân để tiếp tục gặp duyên tốt, quả tốt, liên tục hướng về nẻo giải thoát. Đó chính là pháp như lý tác ý Phật dạy các Tỳ kheo để ngăn ngừa cho cả hai loại lậu hoặc chưa sinh và đã sinh, hầu tạo ra chuỗi nhân-duyên-quả tốt liên tục:

“Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sinh không sinh khởi, hay dục lậu đã sinh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sinh không sinh khởi, hay hữu lậu đã sinh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sinh không sinh khởi, hay vô minh lậu đã sinh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sinh được sinh khởi, và các lậu hoặc đã sinh được tăng trưởng”[8]

Ví như thân cây bị gió ngả đổ nghiêng một bên, khi bị chặt sẽ đổ xuống theo hướng nghiêng trước đó, phước thiện liên tục vun bồi tạo thành thường nghiệp và “đà” cho nghiệp thiện lấn át và vượt trội hơn các nhân ác trong tàng thức. Như bài kinh Tương quan Phước tội trong tập kinh Na Tiên Tỳ kheo có ghi:

“…Một viên đá dù bé như hạt tiêu nó vẫn bị chìm xuống nước. Tương tự vậy, có người làm việc ác, dù chỉ một lần, như giết sinh mạng loài hữu tình; thì ác nghiệp ấy có sức nặng đưa chúng sinh đầu thai vào các cảnh giới đau khổ như địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, a-tu-la. Vài trăm viên đá lớn mà không chìm là nhờ có ghe lớn chở. Cũng giống thế, một người làm việc ác trọn đời nhưng nhờ tưởng nghĩ đến ân đức của Phật, tâm người ấy trú vững chắc và hoan hỉ ở trong ân đức ấy; nhờ vậy, chính nhờ thiện tâm nâng đỡ – như chiếc ghe lớn – người ấy được sinh thiên cũng là điều hiển nhiên thôi”[9].

Tôn giáo nói chung luôn khuyên người làm lành lánh dữ, tuy vậy đặc trưng tối thượng của Phật giáo khiến nó không được xem là một tôn giáo[10] bởi trung tâm giáo lý và cốt lõi tư tưởng hướng vào giải thoát tự tâm và ý căn, thứ chính yếu đưa con người luân hồi các cõi và là chủ nhân của mọi sai quấy giữa cuộc đời. Câu kệ Pháp Cú bao hàm con đường Giới – Định – Tuệ của Phật giáo:

Không làm các điều ác

Thành tựu mọi việc lành

Giữ tâm ý sạch trong

Đó chính lời Phật dạy (Kinh Pháp Cú. 183)

Tại đây, “giữ tâm ý sạch trong” chính là cốt lõi thâu tóm toàn bộ mấu chốt tam tạng kinh điển và Pháp hành Phật giáo khiến đức Phật trở thành vĩ nhân vô tiền khoáng hậu. Giữ tâm ý sạch trong tương đương với Tuệ trong đạo lộ giải thoát. Vậy giữ tâm ý sạch trong thế nào mới là Tuệ? Đó là giữ tâm quân bằng, không thiên lệch về thiện hay ác, vui hay buồn, phân biệt xấu tốt, dài ngắn, trên dưới… chính là quân bằng với tất cả các nghiệp, chính là khoảnh khắc của sát-na định, từng bước tiến vào Niết-bàn giải thoát[11]. Sát-na định trong thoáng chốc chính là tâm chính niệm trên thân, thọ, tâm và hiện tượng bên ngoài khi con người đối cảnh, được quan sát và thẩm tra miệt mài, liên tục với sự quán sát sinh diệt của danh (nama)- tức tâm ý (thọ, hành) và sắc (rupa)- tức thành, trụ, hoại của mọi hiện tượng hữu vi. Sát-na định chính là tâm định giải thoát, phân biệt Phật giáo với các tôn giáo tiền-Phật (Jainism, Hinduism…) đương khi tu sĩ các đạo này cũng đạt được những mức định trong sắc và vô sắc giới và vẫn bị kẹt trong vòng ái-thủ để tiếp tục luân hồi sau các sinh giới tốt đẹp. Nắm nguyên lý của sát-na định sinh khởi không vướng bận bởi nơi chốn, môi trường mà hành giả đang sở hữu, tại vị, mọi hoạt động trong cuộc sống thường nhật vẫn xảy ra đa dạng và muôn màu, duy chỉ có tâm nhận thức và ý thức chính niệm được thắp sáng, như mặt trời chính niệm mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói, để khiến hành giả làm Phật, dẫu trong mỗi khoảnh khắc mà thôi.

“Tam điểm như tinh tợ

Hoành câu tợ nguyệt tà

Phi mao tùng thử đắc

Tố Phật giả do tha”.

Chỉ một chữ Tâm này mà khiến nhân gian cười ra nước mắt, thành quách vốn hoàng tráng bỗng chốc hóa bi ai. Thành Phật cũng tại nó mà hóa quỉ, lên tiên, vượt băng, nuốt lửa cũng tại một tâm một ý này. Người phật tử, chính thế luôn cảnh giác nhận chân những tạp niệm mảy may như tiếng vọng ghê rợn rùng mình từ nẻo tiềm thức vọng về, kiềm thúc thân tâm, hướng lòng về tịnh thanh uyên nguyên nơi câu Phật hiệu, nơi hình tượng Phật – bậc giác ngộ cao thượng giữa chư thiên và loài người, để ngày càng trưởng dưỡng và hướng thượng hơn. Con người chắc chắn không thể thay đổi nghiệp quá khứ, nhưng có thể cải đổi tương lai. Nên khi vẫn còn đang may mắn sống giữa một xã hội lành thiện, bao quanh bởi các duyên tốt của chính pháp, mỗi ngày, mỗi một phút giây đều hướng Phật, người phật tử chân chính luôn tâm niệm tận dụng các cơ hội tốt đẹp này để tiếp tục hướng thiện, ươm mần chủng tử tâm tốt. Như thế, một tương lai cho thiện thú, thiên giới và Niết bàn sẽ không còn là điều viển vông và bất khả đắc nữa.

Tác giả: Thích nữ Thuần Chiếu
Cao học ngành Religious Studies – Đại học Missouri State University, Springfield, Missouri

***
Tài liệu tham khảo
1. Mahathera Narada. A Comprehensive Manual of Abhidhamma. (trans) Bhikkhu Bodhi
2. Adolf Hitler. Mein Kampf, bản dịch của Ford.
3. David McRaney. You are not so smart. Penguin Group Inc (2012)
4. H.T Thích Minh Châu. Thắng Pháp Tập Yếu Luận. NXB Tôn giáo(1997)
5. Hòa thượng Giới Nghiêm. Mi Tiên Vấn đáp. Nxb Phương Đông (2003)
6. Kinh Trung Bộ, Kinh Tất cả các lậu hoặc.
7. Paauk Tawya Sayadaw. Knowing and seeing. Singapore (2019)
8. McGrath, Alister E., Science and Religion: An New Introduction. Wiley-Blacwell (2020)
9. Thích Chơn Thiện. Phật Học Khái Luận. Nxb Hồng Đức (2018)
10. Thich Chơn Thiện. Tìm Hiểu Trung Bộ Kinh tập 1.2.3, Nxb Tôn Giáo
11. Tương ưng kinh. Tập 2: Thiên Nhân Duyên
12. Tỳ khưu Hộ Pháp. Nghiệp và quả của Nghiệp. NXB Tôn giáo (2017)
13. Hart, William., Nghệ thuật sống (The Art of living). United Buddhist Publisher (2018)

Chú thích:
[1] https://www.britannica.com/event/Stanford-Prison-Experiment
[2] Adolf Hitler, Mein Kampf,  bản dịch của Ford, tr 74.
[3] David McRaney, You are not so smart, Penguin Group Inc (2012),  chap 1, Priming.
[4] H.T Thích Minh Châu, Thắng Pháp Tập Yếu Luận, NXB Tôn giáo(1997) , trang 22
[5] Tỳ khưu Hộ Pháp, Nghiệp và quả của Nghiệp, NXB Tôn giáo, 2017
[6] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Nxb Hồng Đức, 2018, chương 2: Pháp bảo, tiết IV: Nhân quả
[7] Tương ưng kinh, Tập 2: Thiên Nhân Duyên, Tương ưng Thí dụ, II. Ðầu Ngón Tay (S.ii,263)
[8] Kinh Trung Bộ, Kinh Tất cả các lậu hoặc
[9] Hòa thượng Giới Nghiêm, Mi Tiên Vấn đáp, Nxb Phương Đông 2003, 128
[10] McGrath, Alister E., Science and Religion: An New Introduction, Wiley-Blacwell (2020), tr 6
[11] William Hart, Nghệ thuật sống (The Art of living), United Buddhist Publisher (2018), tr 160.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường