Tác giả: Thông Đạt Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2017
Chuyện của người lính truyền tin của quân đội Sài Gòn đã dũng cảm, dám nhận sự rủi ro để cứu hàng nghìn người thoát khỏi sự đàn áp trong phong trào đấu tranh ở đô thị Huế (từ 1963 đến 1966). Câu chuyện hết sức đặc biệt và màu nhiệm.
Báo ân đồng bào phật tử
Xuất thân từ gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo Quảng Trị, chưa đầy 20 tuổi chàng trai trẻ Võ Đình Tọa đã phải xa nhà đi quân dịch. Với tư chất thông minh, lanh lợi, chàng trai trẻ quê xứ Quảng sau đó tiếp tục được cử đi học lớp đào tạo lính truyền tin. Tháng 3 năm 1963, anh tốt nghiệp lớp truyền tin tại Vũng Tàu, sỡ hữu 5 tấm bằng dịch thuật ngôn ngữ, mật hiệu trong quân đội loại đặc biệt, được cử về công tác tại tiểu đoàn 2, đại đội 3, sư đoàn 1 bộ binh đóng tại Tứ Hạ (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Sau một vài lần được tiếp xúc với cấp trên, chàng lính trẻ lúc đó được trọng dụng và giao cho nhiệm vụ chuyên dịch những bức mật thư vô cùng quan trọng trong quân đội Sài Gòn. Từ đó mọi mật thư từ đầu não chính quyền họ Ngô chuyển về quân đội Huế đều qua tay chàng lính trẻ dịch. Cũng chính từ đấy anh nhận ra một điều trùng lặp được nhắc lại nhiều lần trong các bức mật thư, đều nhằm mục đích khống chế, đàn áp Phật giáo.
Ngày 13/6/1966 người lính dịch mật thư Võ Đình Tọa rợn tóc gáy khi cầm trên tay bức mật lệnh tối khẩn số hiệu 153. Theo lời ông, bức mật lệnh có nội dung đàn áp thẳng tay Phật giáo hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị: “Mật lệnh chỉ thị 21h30 ngày 13/6 tiêu diệt toàn bộ bàn thờ Phật tại Huế, 1h30 rạng sáng sẽ tiến ra dẹp bàn thờ Phật tại Quảng Trị”.
Ông kể lại, lúc dịch xong mật lệnh, đồng hồ điểm 14h00. Tôi không trình báo lên chỉ huy ngay mà đóng cửa phòng ngồi một mình tĩnh tâm. Sau hồi lâu đắn đo, tôi quyết định sẽ hy sinh bản thân để cứu hàng ngàn người, ông nói tiếp “Mở xong công điện tôi thấy lạnh cả người, nó lợi dụng bàn thờ Phật để triệt tiêu Phật giáo. Nếu không vượt qua được chuyện này, Phật giáo tan nát hết, không thể nào gượng dậy được nữa.”
Trong tình thế nguy cấp, người lính Võ Đình Tọa năm xưa đã vô cùng dũng cảm quyết định tiết lộ “Mật lệnh số hiệu 153” cho Phật giáo, và kịp thời cứu được hàng nghìn phật tử, sinh viên, học sinh, quân nhân phật tử ở hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị thoát khỏi sự đàn áp của chế độ Thiệu Kỳ.
Mật lệnh tối khẩn Số 153 là một sự kiện lịch sử. Phá được cái âm mưu tội ác ấy là cả một chuyện vô cùng dũng cảm, khó khăn và màu nhiệm. Nếu kế hoạch này không được người lính truyền tin Võ Đình Tọa tiết lộ cho Phật giáo kịp thời thì có lẽ hàng nghìn phật tử, sinh viên, học sinh, quân nhân phật tử đã bị đàn áp dã man, và hàng nghìn người đã chết và bị thương.
Hành vi tiết lộ mật thư ngang với trọng tội tiết lộ bí mật quốc gia, anh lính trẻ Võ Đình Tọa khi đó có thể phải gánh chịu án tử hình nếu chính quyền Ngụy phát giác. Trong khoảnh khắc đấu trí cân nhắc, quyết định số phận cho hàng nghìn người, anh đã lấy hết can đảm, đi theo con đường mà anh cho là đúng, cho dù phải chống lại lệnh cấp trên, hoặc chấp nhận hy sinh bản thân mình.
Nhân duyên cửa Phật
Sau sự kiện năm 1966, trải qua nhiều biến cố cuộc đời, ông Võ Đình Tọa một lòng tin sâu vào chư Phật, Bồ tát, ông khuyến khích con trai là Võ Đình Hóa đến chùa từ lúc tuổi còn nhỏ, theo nguyện vọng của mình - Võ Đình Hóa đã xuất gia tu hành và trở thành Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp.
Đến năm 1988 nhân duyên đầy đủ ông Võ Đình Tọa phát nguyện xuất gia tại Tu viện Vạn Hạnh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, được thầy Bổn sư cho pháp danh là Thích Minh Thông. Sau một thời gian tu học tại tu viện Vạn Hạnh, Tỳ kheo Thích Minh Thông quyết định về quê nhà cất am và dựng đạo tràng, phổ biến chính pháp cho nhân dân trong làng.
Ông kể lại, những ngày mới về khó khăn vô cùng, nhân dân ở đây không mấy ai hiểu được Phật pháp, cộng thêm chính quyền cũng chưa thực sự ủng hộ nên ban đầu ông cất một cái am nhỏ, vừa đủ để thờ Phật và có chỗ tụng kinh, làm lễ hàng ngày.
An Thụy Ứng nằm khép mình bên dòng sông Vĩnh Định và bến đò Thi Ông, hàng ngày tiếng kinh kệ vang lên khắp cả một vùng đất. Ngày tháng trôi qua, am Thụy Ứng giờ đây được quý mạnh thường quân, chung tịnh tài, xây dựng khang trang hơn, tạo điều kiện hoằng dương chính pháp tới vùng quê nghèo xứ Quảng.
Báo ân Tổ quốc
Lớn lên trên dải đất miền Trung, là “đòn gánh” của hai đầu đất nước, chịu nhiều khổ đau vì thiên tai, chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh xảy ra, Tỳ kheo Thích Minh Thông lại càng nhận thức rõ về nỗi khổ, để rồi quyết tâm một lòng tin vào Phật pháp, tu học, đem đạo vào đời làm lợi ích cho tha nhân. Suốt gần 10 năm qua, Tỳ kheo Thích Minh Thông cùng các phật tử lặng lẽ làm các nghi lễ Phật giáo tại nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, đến nay đã xấp xỉ 100 lần, và thỉnh 6.000 hương linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ về thờ tại am Thụy Ứng. Đó là những hành động thiết thực nhằm nhắc nhở người sống nhớ đến ân tổ quốc, ân những anh hùng liệt sĩ, ân đồng bào đã tử nạn trong những cuộc chiến tranh.
Từ một người lính truyền tin dũng cảm dám hy sinh bản thân để cứu hàng nghìn người đến một tu sĩ Phật giáo sống giản dị, đưa đạo vào đời một cách thiết thực, là một tấm gương đặc biệt trong cuộc sống, mà chúng ta cần tôn vinh như một lời tri ân trước những việc làm cao đẹp.
Tác giả: Thông Đạt Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2017
Bình luận (0)