Tối ngày 07/07/Mậu Tuất (17/08/2018), Ban TTTT T.Ư GHPGVN đã tổ chức đêm giao lưu văn hóa nghệ thuật chủ đề “Tự hào Tổ quốc & Mẹ Việt Nam” tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).
Chương trình có sự tham dự của bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận T.Ư; ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; HT.Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; cùng các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương và Tp.Hà Nội; Chư tôn đức Giáo phẩm GHPGVN; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước cùng các nhà tài trợ và đông đảo người dân, phật tử.
HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban TTTT T.Ư GHPGVN, Trưởng BTC phát biểu Khai mạc chương trình. Cứ mỗi độ thu về, tiếng chuông chùa vang vọng ngân xa, khói hương trầm báo hiệu một mùa Vu Lan trong tâm thức mỗi người con Việt.
Vu Lan thắng hội hoa hồng thắm
Bâng khuâng nguồn cội nhớ thâm ân
Mùa Vu Lan hiếu hạnh nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ thâm ân chư Phật, công ơn giáo dưỡng của Thầy Tổ và nhất là công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng trên tất cả, Vu Lan là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, đến các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhớ tới ân đức hi sinh cao cả của các bậc tiền bối hữu công, Anh hùng Liệt sĩ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Chúng ta không thể nào quên công ơn của các Anh hùng Liệt sĩ, sự hi sinh cao cả của các Anh đã giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau thấu hiểu: Chữ Hiếu cá nhân đôi khi đành phải lặng lẽ bỏ lại phía sau để nhường chỗ cho chữ Hiếu với Tổ quốc, với dân tộc và chúng sinh vạn loại. Vì vậy, chương trình Vu Lan năm 2018 với chủ đề “Tự hào Tổ quốc & Mẹ Việt Nam” là nén tâm hương thành kính tri ân của thế hệ con cháu hôm nay và mai sau dâng lên hương linh những người đã khuất, các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc và lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam.
Tháng Bảy lại về trời đổ mưa ngâu
Các con đi đâu sao không về với mẹ
Tháng Bảy ơi sao cứ mãi mưa dầm
Để lòng mẹ cứ âm thầm đau xót
Mẹ ơi vì nước vì non
Mất con nhưng Tổ quốc còn hôm nay!
HT.Thích Gia Quang đã trân trọng trao tặng quà và hoa cho đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nghĩa cử cao đẹp này thể hiện lòng tri ân, biết ơn trước những hy sinh, mất mát của các Mẹ.
Khói lửa chiến tranh tan đi, còn lại hình bóng người mẹ hiền cô đơn trong hoàng hôn cuộc đời. Nhưng, Mẹ Việt Nam sẽ không bao giờ cô độc, vì lớp lớp những thế hệ sau sẽ thay mặt cho những người con anh hùng đã khuất của Mẹ, để yêu thương Mẹ nhiều hơn mỗi chiều nghiêng bóng. Xin được chia sớt nỗi buồn, xin được sẻ đôi bát cơm, xin được hôn lên đôi mắt mỏi mòn của Mẹ". Cảm ơn người, Mẹ của con!
Ban Tổ chức Chương trình đã trích đoạn vở cải lương “Vua Phật” nhằm tưởng niệm 710 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Trích đoạn Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông dạy vua Trần Anh Tông trong lịch sử đã gợi nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của ngài - người anh hùng dân tộc đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam – Thiền phái duy nhất trong lịch sử Việt Nam có sơ tổ là một thiền sư người Việt.
Đồng thời, phóng sự về lòng tự hào dân tộc (trích dẫn lời của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và GS.Trần Văn Giàu trong tuyển tập “Lịch sử quân sự Việt Nam”) đã thể hiện niềm tự hào về khí phách của cha ông, hun đúc ý chí độc lập tự cường trong mỗi người dân Việt.
Như một lẽ tự nhiên, hình ảnh người mẹ nói chung và Mẹ Việt Nam nói riêng luôn gắn liền với quê hương, đất nước. Mẹ luôn hiện hữu trong hình ảnh đẹp nhất, thiêng liêng nhất song cũng rất đỗi thân thương. “Tổ quốc” cũng vậy, thoáng nghe chúng ta sẽ thấy to lớn và xa vời nhưng nếu chạm tay lên ngực, chúng ta sẽ cảm nhận được ở ngay đây, ngay trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Có lẽ nhờ mối nhân duyên sâu đậm ấy mà trong văn thơ hay nhạc họa, mẹ và Tổ quốc là hai hình ảnh không thể tách rời.
Với giai điệu du dương, khán giả đến dự chương trình Vu Lan “Tự hào Tổ quốc & Mẹ Việt Nam” đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Từ những giây phút nghẹn ngào đắm mình trong chùm ca khúc về tình mẫu tử như: “Mẹ yêu ơi”, “Con nợ mẹ”, “Bông hồng cài áo”; đến các tác phẩm âm nhạc Phật giáo như “Hoa từ bi”, “Hạt bụi vô thường”, “Việt Nam Phật giáo sáng ngời hào quang”,... đong đầy tình cảm. Đây chính là món quà tinh thần khiến mùa Vu Lan thêm phần ý nghĩa.
Một trong những nét mới tại chương trình Vu Lan năm nay là màn trình diễn Bộ sưu tập áo dài “Linh Sen” do Hoa hậu Ngọc Hân thiết kế dành tặng riêng cho chương trình.
“Loài hoa tiết hạnh dị thường
Đêm đêm giữ ngọc, giữ hương cho đời
Trinh nguyên lay động đất trời
Thơm câu Kinh Phật, ngát lời ca dao”.
Đặc biệt, trong chương trình Vu Lan “Tự hào Tổ quốc & Mẹ Việt Nam” năm 2018, khán giả đã được giao lưu, gặp gỡ với Thiên Ngôn – chàng trai bị bại não bẩm sinh nhưng đã viết tặng cho đời những bản nhạc đẹp với cảm xúc thiết tha ngợi ca tình yêu và tình mẫu tử. Nhờ tấm lòng bao dung của người mẹ vĩ đại, âm thầm chăm sóc đứa con bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến, thay vì tuyệt vọng, đầu hàng cuộc sống thì chàng trai đó đã lựa chọn cho mình một thái độ sống tích cực và mạnh mẽ.
Bài hát “Giờ con mới biết” – ca khúc do Thiên Ngôn sáng tác, dưới tiếng hát ngọt ngào, êm dịu của ca sĩ Bảo Trâm đã khiến cả khán phòng rưng rưng cảm động.
“Chẳng muốn lớn lên, chẳng muốn nhìn mẹ
Già yếu mỗi ngày, xin lỗi mẹ hiền
Vì trước kia con đã khiến mẹ buồn
Chỉ mong lần nữa được mẹ thứ tha
Mẹ vẫn bên con che chở lo âu
Ròng rã tháng ngày nuôi con nên người
Giờ con mới biết được rằng
Với con quan trọng là luôn có mẹ kề bên...”
Và xúc động hơn, trong không khí tri ân nghẹn ngào của lễ Vu Lan, Thiên Ngôn đã gửi tới đông đảo khách mời bức thư tựa đề “Đã bao giờ cha mẹ được ngủ ngon chưa?” bày tỏ lòng thành kính đối với đấng sinh thành đã gây xúc động mạnh tới khán giả. Những giọt nước mắt cố gắng kìm nén đã bật ra nghẹn ngào...
“Cha của con khiêm nhường, cha chỉ khóc khi những nỗi đau trong lòng đã chồng lên nhau nhiều quá, khiến chúng hóa thành giọt nước, rồi lăn chảy… Cha vẫn cõng con đi, dẫu khi cha đã gần tới tuổi lục tuần, nhưng bao nhiêu năm nay, cha vẫn trải tấm lưng mình để con cảm thấy mình được an toàn…
Mẹ!
Là người phụ nữ thì được quyền yếu đuối, nhưng là người mẹ thì không và là mẹ của con thì càng không thể yếu đuối. Sự tảo tần của mẹ, có lẽ con chỉ có thể dùng tới kiếp sau của mình mà báo đáp. Mẹ khiến cho con hiểu rằng, con không thể làm biến mất những gian truân trước mắt, chỉ có cách là không để mình nản chí. Mẹ cho con hiểu rằng, là một người tốt, sống ý nghĩa quan trọng hơn nhiều việc là một người giàu có…”
Phải chăng, đây cũng là tiếng lòng chung của mỗi người con muốn gửi tới cha và mẹ của mình, nhưng chẳng thể nói thành lời…
Ban Tổ chức Chương trình đã trao tặng 20 sổ tiết kiệm, cùng hàng chục suất quà tới các gia đình thân nhân liệt sĩ, các bác thương bệnh binh và em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Cuối chương trình, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng HT.Thích Gia Quang đã trao tặng Bảng vàng lưu danh tới các quý đạo hữu, quý cơ quan doanh nghiệp, các mạnh thường quân đã hoan hỷ phát tâm ủng hộ và trợ duyên để chương trình được thành công viên mãn.
Chương trình Vu Lan “Tự hào Tổ quốc & Mẹ Việt Nam” năm 2018 đã thành tựu viên mãn. Khép lại đêm văn hóa nghệ thuật đầy ấn tượng và cảm xúc với những lắng đọng, dư âm về niềm tự hào đối với quê hương, đất nước; góp phần thắp sáng lên tinh thần dân tộc, lòng biết ơn với những người Mẹ Việt Nam và niềm tự hào chung được là con dân đất Việt.
Được dàn dựng phong phú và công phu, chương trình “Tự hào Tổ quốc & Mẹ Việt Nam” là bản hòa âm tươi đẹp, thấm đẫm chất liệu ngọt ngào, sâu lắng khiến khán thính giả đắm chìm trong tình thương bao la rộng lớn của công cha nghĩa mẹ, về lòng tri ân báo ân tới những người có công với đất nước, với Tổ quốc thân yêu.
Chương trình với triết lý nhân bản sâu sắc đã khơi gợi và phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thêm một lần nữa khẳng định ý nghĩa cao đẹp của “Chân Thiện Mỹ” trong triết lý Phật giáo và truyền thống dân tộc qua Tứ trọng Ân: Ân Tam Bảo; Ân Sư trưởng; Ân quốc gia, xã hội; Ân cha mẹ và Ân chúng sinh vạn loại.
“Hương các loài hoa thơm, không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay”.
Tác giả: Kim Tâm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2018
Bình luận (0)