Trang chủ Chuyên đề Từ hành trạng Thiền sư Như Trừng Lân Giác đến giác ngộ của hàng vua chúa và đạo lý Đấng quân vương

Từ hành trạng Thiền sư Như Trừng Lân Giác đến giác ngộ của hàng vua chúa và đạo lý Đấng quân vương

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Hòa thượng TS Thích Bảo Nghiêm
Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban hoằng Pháp T.Ư – GHPGVN

Tóm tắt:

Đệ nhất Tổ Như Trừng là dòng dõi quý tộc, cải gia vi tự, lại có tâm với đạo, trí tuệ hơn người nên được Tổ Chân Nguyên trao truyền tâm ấn. Hiện nay, trên Tam Bảo và trong nhà Tổ chùa Liên Phái còn có một số câu đối ghi lại sự tích tổ Như Trừng giác ngộ và xây chùa thờ Phật. Cổ động sinh bảo tọa, kim liên tiêu thắng tích/ Vân đàm dẫn đạo nguyên, linh phái chấn thanh quang; nghĩa là: Động cổ mọc ra tòa báu, sen vàng nêu cao thắng tích/ Đầm mây dẫn ra đạo nguồn, phái thiêng rực rỡ thanh quang. Hay ở nhà thờ Tổ: Liên Phái dẫn chân nguyên giác địa khoát khai chiêm Bắc Đẩu/ Mai phong đằng thụy khí diệu cơ tự trực chỉ châm nam; nghĩa là: Chùa Liên Phái dẫn khơi nguồn chân giác, đất giác ngộ mở ra xem sao Bắc Đẩu/ Núi Mai Phong hừng hực khí lành, cơ diệu trí chỉ hướng kim chỉ nam. Nay nhân Hội thảo “Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”, tham luận này đề cập từ hành trạng Tổ sư đến sự giác ngộ của hàng vua chúa và từ đó, suy nghĩ đến đạo lý giác ngộ và trị quốc của đấng quân vương.

Từ khóa: Thiền sư Như Trừng – Lân Giác, Giác ngộ của hàng vua chúa, Đạo lý đấng quân vương,  Kiến tạo xã hội thanh bình, thịnh trị.

1. Từ hành trạng Thiền sư Như Trừng Lân Giác

Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1696 – 1733), đời pháp thứ 37, tông Lâm Tế; tên húy là Trịnh Thập, con của Phổ Quang Vương (Tấn Quang Vương), sinh ngày 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ mười bảy (1696).

Tuy được vua Lê Hy Tông gả công chúa thứ tư, sống trong lầu son gác tía, nhưng tâm hằng gửi gắm trong cửa Thiền. Ngài được cấp một khu đất rộng 6 mẫu Bắc bộ, ở địa phận làng Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên. Một hôm, sai quân gia đào gò đất, làm ao thả cá vàng, chợt thấy một ngó sen lớn, bèn cho là điềm đi xuất gia nên liền cải gia vi tự, đặt tên là Liên Tông tự, viện tên Ly Trần.

Sau đó, Ngài dâng sớ về triều xin xả tục xuất gia và được chấp thuận, quyết chí lên chùa Long Động trên núi Yên Tử, đỉnh lễ Thiền sư Chân Nguyên Chánh Giác xuất gia. Từ đây, ngày đêm nỗ lực nghiên cứu Tam tạng, không bao lâu được đăng đàn thụ cụ túc giới, được truyền tâm pháp, rồi trở về trụ trì chùa Liên Tông. Tại đây, Ngài hoằng hóa rất hưng thịnh, đồ chúng tham học rất đông.

Năm 37 tuổi, một hôm Sư bảo đại chúng rằng: “Giờ qui tịch ta sắp đến. Ta được pháp nơi Hòa thượng Chân Nguyên, sẽ trao lại cho các ngươi, hãy nghe kệ sau:

本從無本
從無爲來
還從無爲去
我本無來去
死生何曾纍

Bản tòng vô bản
Tòng vô vi lai
Hoàn tòng vô vi khứ
Ngã bản vô lai khứ
Tử sinh hà tằng lụy.

Vốn từ không gốc
Từ không mà đến
Lại từ không đi
Ta vốn không đến đi
Tử sinh làm sao lụy.

Nói xong, Ngài an nhiên thị tịch, nhằm niên hiệu Long Đức thứ hai (1733), đệ tử trà tỳ nhục thân, nhập Bảo Tháp Cứu Sinh xây ở chính nơi tìm thấy ngó sen.

Theo bia khắc năm Tự Đức thứ 10 (1857) hiện còn ở chùa, cho ta biết chùa được xây dựng vào năm Bảo Thái thứ 7 (tức 1726); đến năm 1840, vì kiêng huý vua Thiệu Trị nên chùa được đổi tên thành Liên Phái như hiện nay.

To Nhu Trung Lan Giac Son Mon Lien Phai

2. Đến sự giác ngộ của hàng vua chúa

Từ câu chuyện vị phò mã triều Lê biến nhà thành chùa, cho thấy, thời nhà Lê là thời kỳ Nho giáo độc tôn, sức ảnh hưởng của Phật giáo bị giảm dần, thế nhưng, sức lôi cuốn của Phật giáo vẫn khiến nhiều người bỏ đời sống vương giả để mặc áo vải thô, ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Ở đây, điểm qua vài trường hợp hàng vua chúa ngộ đạo tương tự.

Thứ nhất, dưới triều đại nhà Trần, Phật giáo trở thành Quốc giáo, hệ tư tưởng Phật giáo đã hòa nhập hoàn toàn với nền văn hóa dân tộc Việt, phù hợp với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, khát khao độc lập dân tộc và yêu chuộng hòa bình. Lý thuyết của thiền phái Trúc Lâm do đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi xướng mang tư tưởng hòa nhập Đạo với Đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam. Đạo và Đời cả hai dung hợp, linh động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh xã hội, làm cho Phật giáo trở thành một tư tưởng triết lý hùng mạnh sống động, có công năng uy lực trong xây dựng và phát triển đạo pháp, cũng như bảo vệ và mở mang đất nước dưới triều đại nhà Trần. Trong con người và sự nghiệp của Ngài, Đạo và Đời luôn hòa quyện vì hạnh phúc muôn dân. Ngài đã khéo kết hợp lấy tâm, đức, trí của Đạo xây Đời cường thịnh.

Ngài còn là vị Vua Phật nguyện từ bỏ danh lợi, phú quý vinh hoa để chọn cho mình con đường đi độc đạo: xuất gia tu hành mà vẫn luôn gắn bó, lo cho thế gian, cho cuộc đời thường nhật của những người dân đất Việt. Ngài khát vọng xây dựng một đạo Phật lý tưởng gắn chặt với thực tế đời sống của nhân dân, với vận mệnh của dân tộc, của non sông đất nước. Đóng góp của Ngài vô cùng to lớn qua đức hạnh truyền bá, hướng dẫn nhân dân xây dựng nền tảng đạo đức, lối sống chuẩn mực đậm bản sắc, tinh thần dân tộc Việt Nam, qua việc hướng dẫn nhân dân bài trừ các tập tục dị đoan, mê tín. Ngài thổi vào khung trời Phật giáo Việt Nam, vốn có truyền thống lịch sử lâu đời một luồng gió mới – luồng gió mát của tinh thần nhập thế, không chỉ trong khoảnh khắc lịch sử thời đó, mà còn kéo dài tới tận ngày nay, tới mãi mai sau.

Thứ hai, chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự 寧福寺) nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; tên cũ của chùa trước đây gồm có: Thiếu Lâm Tự, Hoàng Cung Tự. Trong chùa có tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4.

Theo sách Địa chí Hà Bắc (1982), chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278); thiền sư Huyền Quang (đỗ Trạng nguyên năm 1297) đã trụ trì ở đây. Đến thế kỷ 17, chùa đã trở nên nổi tiếng với sư trụ trì là Hòa thượng Viên Văn – Chuyết Chuyết (1590-1644), người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, sang Việt Nam năm 1633 và trụ trì ở chùa. Năm 1644, Hòa thượng viên tịch và được vua Lê phong là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”. Tiếp đó, người kế nghiệp trụ trì chùa Bút Tháp là thiền sư Minh Hành – Tại Tại, học trò xuất sắc của Hòa thượng Chuyết Chuyết. Vào thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Diệu Viên) đã rời bỏ cung thất, về đây tu hành. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ), xin phép Chúa Trịnh Tráng, rồi bỏ tiền của, ruộng lộc ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1647, chùa mới được làm xong, kiến trúc theo kiểu “Nội Công Ngoại Quốc”. Về cơ bản, quy mô và cấu trúc của chùa Bút Tháp hiện nay chính là ngôi chùa được xây dựng trong thời kỳ đó.

Thứ ba, trong Di sản Hán Nôm văn bia chùa Huế, bia chùa Diệu Hỷ – tọa lạc tại số 26 đường Tô Hiến Thành, phường Gia Hội, TP. Huế – một ngôi chùa khá đặc biệt do chính chủ nhân vốn là một Thân vương hoàng tộc lập ngay trong phủ đệ của mình. Đó là Hoằng Hóa Quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện, hoàng tử 66 của vua Minh Mạng, lập bên cạnh phủ đệ để thờ Phật Dược Sư[1] (nguyên là một thảo am), chùa không rõ thời gian xây dựng nhưng khoảng giữa thế kỷ XIX.

Văn bia nêu rõ, “Tiên vương Hoằng Hóa Ước Đình vốn có tài văn chương như Tào Thực[2], mến điều thiện tựa Đông Bình[3], hâm mộ Thiền môn, tôn sùng Phật pháp, cho nên mới chọn chỗ đất tốt cao ráo trong vườn, xây một tịnh am, gọi là “Diệu Hỷ”, dựa vào câu “thế giới Diệu Hỷ” trong Kinh Hoa Nghiêm để lấy nghĩa mà đặt làm tên vậy! Đúc tạo tượng Phật Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang thành kính đặt thờ phụng bên trong, khói hương, dầu, lư, đèn, nhang cho việc tu tập lễ bái cũng nhiều năm lắm rồi.”[4]

Như vậy, chùa Diệu Hỷ được thành lập trong trường hợp khá đặc biệt là tọa lạc ngay trong khuôn viên phủ Hoằng Hóa do chính chủ nhân là ông Hoàng Miên Triện lập. Đây là một vấn đề làm sáng tỏ thêm tinh thần Phật pháp xứ Huế đã thấm nhuần ngay cả chốn hoàng gia, điển hình là Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện, một Thân vương hoàng tộc mến mộ Đạo Phật và cho lập bàn thờ Phật ngay trong chính gian giữa phủ đệ của mình, đồng thời xây một thảo am thờ Phật Dược Sư trong khuôn viên phủ đã minh chứng điều đó.

3. Suy tư đến Đạo lý giác ngộ và trị quốc của đấng quân vương

3.1 Nhận thức về bình đẳng trong Phật giáo

Đức Phật thành đạo là một sự kiện quan trọng nhất, bởi từ sự giác ngộ vĩ đại đó, con người ngày nay đã thừa hưởng được một di sản là giá trị “bình đẳng”, bình đẳng trên cả phương diện xã hội lẫn giải thoát tâm linh. Trong Phật giáo, tính bình đẳng được lột tả rõ nét ngay từ buổi sơ kì, khái niệm “bình đẳng” dưới tuệ nhãn của Đức Phật đã mang đến một hàm nghĩa mới, tiến bộ và nhân văn. Phật giáo không đề cao giai cấp, ngược lại xiển dương các yếu tố liên quan đến con người mà yếu tố bình đẳng đã được nhấn mạnh hơn hết, với tinh thần không có sự sai khác giữa những con người có dòng máu cùng đỏ và nước mắt mặn.

Ở nhiều phương diện, tinh thần bình đẳng luôn là mục tiêu hướng tới của nhân loại, và cũng vì tinh thần đó, các khía cạnh xung đột, đấu tranh xã hội xảy ra như một hệ quả tất yếu cho những nguyên nhân bất bình đẳng. Ngay từ thời cổ đại, các cuộc đấu tranh giữa các giai tầng xã hội đã diễn ra và tiếp nối đến một chiều dài lịch sử và tương ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau. Bất cứ ở đâu, sự đấu tranh cũng xuất hiện ở nơi bất bình đẳng. Nói vậy để khẳng định bình đẳng là thước đo cho sự tiến bộ của một xã hội. Nhưng sự tiến bộ trong tư tưởng Phật giáo không dừng lại ở sự công nhận những giá trị xã hội của một con người, mà Đức Phật còn đưa ra luận điểm mọi con người đều có quyền sống hạnh phúc, mọi con người đều có cơ hội giải thoát khổ đau nếu như chịu thực hành phạm hạnh. Đây là một cuộc cách mạng tâm linh, bởi trước đó, tư tưởng Bà-la-môn chủ trương giai cấp thường hằng, nghĩa là giai cấp thuần tịnh thì mãi thuần tịnh, giai cấp tiện dân thì mãi tiện dân, vì thế họ đóng lại cánh cửa chứng ngộ tâm linh với giai cấp hạ đẳng.

Đặc biệt, bình đẳng trong Phật giáo mang giá trị nhân văn hiện thực: bình đẳng về cơ hội cho mọi người. Phật giáo hướng đến bình đẳng dựa trên bình đằng về giá trị của nghiệp đã tạo, nghĩa là nghiệp nhân gì thì nghiệp quả sẽ tương ưng như thế ấy. Tóm lại, bình đẳng không chỉ là một học thuyết triết học xã hội đơn thuần về mặt luận lí; mà nó còn là sự khao khát của những con người tiến bộ trong xã hội. Từ xưa con người đấu tranh hay hòa hợp với nhau đều phụ thuộc yếu tố bình đẳng. Nếu xã hội thượng tôn bình đẳng theo giá trị thì xã hội sẽ ổn định, nếu tính bình đẳng không được tôn trọng thì xã hội sẽ bất ổn. Vì vậy, trong suốt thời gian dài trụ thế giáo hóa, kinh điển ghi lại lời Phật dạy đã lưu giữ rất nhiều bài kinh nói về bình đẳng quyền lợi giai cấp, nhân phẩm và bình đẳng trong cả việc tu hành. Từ đó, có thể nhận định, học thuyết bình đẳng đóng vai trò quyết định chủ đạo trong việc hình thành và ổn định một hình thái xã hội hay một hình thái tôn giáo.

3.2 Lãnh đạo đúng chính pháp – một khái niệm về Vua và vương quyền

Đức Phật có một khái niệm hoàn toàn khác và thực tế hơn về vua và vương quyền. Trong kinh Khởi thế nhân bổn, Ngài thừa nhận học thuyết khế ước xã hội của chế độ quân chủ. Người dân thấy rõ sự cần thiết đối với một số hình thức của chính phủ, do đó họ bầu chọn trong dân chúng một người mà họ nghĩ sẽ là người tốt nhất có thể nắm giữ vai trò trị nước an dân. Theo truyền thuyết của Ấn Độ giáo, vị vua đầu tiên của Ấn Độ là Mahāsammata, một vị vua đã được lên ngôi theo hình thức “được bầu chọn bởi số đông”. Vì vậy, theo triết lý Phật giáo, các vị vua có nguồn gốc hợp pháp của họ từ sự đồng thuận của số đông, chẳng hạn như sự đồng ý của những người mà họ cai trị. Theo đó, một vị vua chỉ giữ được quyền cai trị của mình chỉ khi những người dân mà họ cai trị có được lợi lạc từ sự cai trị của họ.

Những ý tưởng như vậy là đi trước thời đại quá xa và có rất ít bằng chứng cho thấy rằng chúng đã từng được áp dụng. Tuy nhiên, những lời dạy của Đức Phật về một bộ máy chính quyền tốt đã ít nhiều ảnh hưởng trong việc tạo ra những vị vua nhân từ hơn. Ví dụ hay nhất về điều này là vua A Dục, một vị vua hoàn toàn chân thực khi nói rằng, tất cả người dân là con cái của tôi. Tôi muốn cho họ những gì mà tôi muốn dành cho con cái của riêng tôi, đem đến lợi ích và hạnh phúc cho họ trong đời này và đời sau.

Hai vị vua xuất hiện thường xuyên nhất trong kinh điển đó là vua Ba Tư Nặc của nước Kiều-tất-la và vua Tần Bà Sa La của nước Ma-kiệt-đà. Khoảng hai năm sau khi thành đạo, Đức Phật gặp vị vua đầu tiên là vua Ba Tư Nặc ở thành Xá-vệ, kinh đô của vương quốc Kiều-tất-la. Cảm phục sâu sắc trước những lời giảng của Đức Phật, nhà vua và hoàng hậu Mạt Lợi nhanh chóng trở thành hai vị đệ tử tại gia thuần tín nhất của Đức Phật. Nhiều bài giảng trong Tam tạng ghi lại những cuộc trò chuyện giữa Đức Phật và vua Ba Tư Nặc. Hầu như tất cả những bài kinh trong chương một của Tương ưng bộ kinh là lưu giữ những cuộc trò chuyện đó. Việc vận dụng một cách chân thực những lời Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày của vua Ba Tư Nặc được minh họa tốt hơn hết là thông qua việc kính trọng Đức Phật, và khoan dung đối với các tôn giáo khác. Theo sử sách, vua Ba Tư Nặc có hai người con trai, trong đó, người con trai Brahmadatta đã xuất gia theo Phật.

Vua Tần Bà Sa La lên ngôi lúc mới mười lăm tuổi và trị vì đất nước trong 52 năm. Vua đã gặp thái tử Tất Đạt Đa một thời gian ngắn lúc thái tử còn là một du tăng khổ hạnh, và gặp một lần khác là khoảng chừng một năm sau khi Đức Phật thành đạo, rồi nhiều lần sau đó nữa. Vua Tần Bà Sa La đã cúng dường Đức Phật khu vườn mà vua yêu quý nhất, đó là rừng Trúc, và khu vườn ấy về sau trở thành một khu tinh xá để Đức Phật và chư Tăng tu tập, gọi là Trúc Lâm tinh xá. Truyền thống Phật giáo cho rằng, vua Tần Bà Sa La là một Phật tử thuần thành. Nhưng giống như nhiều vị vua khác của Ấn Độ, vua Tần Bà Sa La cũng hỗ trợ tất cả các tôn giáo và những tôn giáo ấy đều tuyên bố nhà vua là một trong những tín đồ của họ.

Như vậy, theo tinh thần của Phật giáo, một vị vua tốt là một vị vua xem dân như con, thương yêu và quan tâm đến dân chúng, lo cho sự bình an và hạnh phúc của dân chúng, dùng đức để cảm hóa mọi người, chiêu mộ hiền tài đến phò vua, giúp nước.

3.3 Kết hợp Đức trị và Pháp trị trong lãnh đạo đất nước

Đức trị là học thuyết cai trị con người theo đạo đức. Việc cai trị cũng chính là việc giáo dục đạo đức, làm cho con người nhận ra sự suy đồi của mình, từ đó sửa chữa bản thân để trở nên có đạo đức, nhờ vậy xã hội sẽ trở nên ổn định, trật tự và tốt đẹp hơn. Pháp trị là học thuyết cai trị con người dựa trên luật pháp buộc mọi người phải tuân theo. Những người chủ trương pháp trị đa số cho rằng, bản chất con người là tư lợi, nên giáo dục đạo đức là không cải thiện gì nhiều, cách duy nhất cai trị hiệu quả là dùng pháp luật, hình phạt nghiêm khắc, thưởng phạt công bằng, như vậy nhà cầm quyền chẳng cần tài đức mà nước cũng được yên.

Cho nên, cần kết hợp đức trị và pháp trị. Muốn cho xứ sở được thanh bình, thịnh trị, trước hết những người cầm quyền phải công minh, chính trực. Với trí tuệ và lòng từ vô hạn, Đức Phật hiểu rất rõ vấn đề này nên mỗi khi nói chuyện với các vị quốc vương về chính sự, Đức Phật thường khuyên họ phải trau dồi đạo đức của mình. Trong Jātaka số 385, Bồ-tát đưa ra lời khuyên nhằm giúp cho việc cai trị đất nước của nhà vua được hưng thịnh: “Bằng cách từ bỏ mọi ác đạo, và hành động chân chính: bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình, thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục, ăn năn, bi mẫn, là mười giới đức”.[5]

Không thể chỉ sử dụng đạo đức để trị nước mà Ngài còn khuyên các vị vua biết kết hợp giữa pháp trị và đức trị. Vì nếu chỉ nghiêng về đức trị, những thành phần xấu sẽ lợi dụng lòng nhân từ của vua để làm loạn, còn nếu quá đặt nặng pháp trị mà thiếu đức, pháp đó dù có thể đem đến sự ổn định cho một đất nước nhưng lại mang tính hà khắc và tàn bạo.

Chúng sinh đa bệnh nên đức Phật vận dụng nhiều phương tiện để chuyển hóa; có trường hợp Ngài khuyên dùng đức trị và có trường hợp Ngài khuyên dùng pháp trị. Tuy nhiên trong kinh sách, chúng ta thấy “đức trị” có phần được nhấn mạnh hơn: “Này các Tỷ-kheo, Như Lai, lúc xưa làm người là vị lãnh đạo Đại chúng về các thiện pháp, là vị tiên phong Đại chúng về thiện hành thuộc thân, khẩu, ý, phân phát bố thí, thủ hộ giới luật, tham dự các lễ Bố-tát, hiếu kính cha mẹ, lễ kính Sa-môn, cung kính bậc trưởng thượng trong gia đình và về các thiện pháp đặc biệt khác”.[6] Nếu lãnh đạo là người có tài năng và đạo đức, đưa ra những đường lối, chủ trương tích cực, đúng hướng thì mọi người nhờ đó sẽ có cuộc sống an vui hạnh phúc, đất nước ngày càng thịnh vượng, thái bình.

4. Kết luận

Có thể thấy, trải bao thời gian tồn tại và phát triển trên đất nước Việt nam này, Đạo Phật đã sản sinh ra những trí thức có tinh thần phụng sự, dấn thân, nhập thế, coi sinh tử là lẽ thường. Dẫu giữ trọng trách quốc gia, nhưng không bao giờ ngừng thao thức để tìm kiếm chân lý trên căn bản tư tưởng Phật giáo, nhằm nhận ra những giới hạn của bản thân. Người cầm cân nảy mực quốc gia mà nhận biết được những khuyết điểm và giới hạn của mình thì dân tộc đó nhất định sẽ lớn mạnh. Đạo Phật đã bổ sung nhiều những hành vi ứng xử vào phong thái sống của các bậc quân vương, vương tử. Vì vậy, ý nghĩa giá trị giải thoát không những bình đẳng trong mọi thời, mọi xứ và phổ quát đến mọi giai tầng xã hội; mà còn mang lại giá trị chân thực cho những ai phát tâm tu tập, lợi đạo lợi đời, nêu cao thanh danh giữa những phiền toái cuộc đời. Cuộc đời đức đệ nhất Tổ Như Trừng là một minh chứng đó.

Hòa thượng TS Thích Bảo Nghiêm
Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban hoằng Pháp T.Ư – GHPGVN

***

Tài liệu tham  khảo
1/ Nguyễn Đình Bưu, Nguyễn Xuân Cần (1982), Địa chí Hà Bắc, Hà Bắc: Thư viện Hà Bắc.
2/ Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2), Nhà xuất bản Văn Học.
3/ ĐTKVN (2002), Kinh Tiểu bộ, tập 6, chương VI, phẩm Sáu bài kệ 385, chuyện Lộc vương hoan hỷ, VNCPHVN ấn hành.
4/ ĐTKVN (1991), Kinh Trường bộ, tập 2, 30. Kinh Tướng, VNCPHVN ấn hành.
5/ Nguyễn Văn Cương, Vài nét về chùa Diệu Hỷ và Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện: Một ông Hoàng mến mộ Phật pháp, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/12642
6/ Lê Nguyễn Lưu, Di Sản Hán Nôm Xứ Huế, http://www.ivce.org/magazinedetail.php?magazinedetailid=MD00000255
7/ Hồ Tấn Nguyên Minh, Xuân vãn – Hành trình giác ngộ của một bậc quân vương, https://giaoducthoidai.vn/xuan-van-hanh-trinh-giac-ngo-cua-mot-bac-quan-vuong-post533419.html
8/ Minh Tuệ, Đặc sắc kiến trúc cổ chùa Liên Phái và những chuyện đặc biệt, https://phatgiao.org.vn/dac-sac-kien-truc-co-chua-lien-phai-va-nhung-chuyen-dac-biet-d32951.html#

[1] Phật Dược Sư (藥師佛), còn gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật (藥師琉璃光佛), là vị Phật đại diện cho sự trọn vẹn của Phật quả ngự cõi phía Đông (là cõi Tịnh Lưu ly). Tranh tượng của vị Phật này hay được vẽ với tay trái cầm thuốc chữa bệnh và tay phải giữ Ấn thí nguyện.
[2] Tào Thực (曹植, 192 – 232), tự Tử Kiến (子建), con trai Tào Tháo, giỏi thơ phú và là nhà thơ lớn đời Ngụy, khi mất, ông được ban thụy là Tư (思), vì vậy đời sau gọi ông là Trần Tư Vương (陳思王).
[3] Đông Bình: Tức Đông Bình Vương, con thứ tám của vua Quang Vũ đời Đông Hán. Vốn nổi tiếng là người hiếu thiện. Vua cha thường ngày hỏi ông trị gia thế nào là hạnh phúc nhất. Ông đáp: “Thiện tối lạc”.
[4] “昔先王弘化郡王約亭大尊伯以陳思之文章,兼東平之樂善,雅慕玄風,仰崇佛化闢梁苑中地建一凈菴為曰妙喜按華嚴經有妙喜世界蓋其所取義也.鑄造藥師琉璃光如來寶像虔奉于其中,香油鼎燭焚修瞻拜者歷有年所既.” Nguyễn Văn Cương, Vài nét về chùa Diệu Hỷ và Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện: Một ông Hoàng mến mộ Phật pháp, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/12642
[5] ĐTKVN (2002), Kinh Tiểu bộ, tập 6, chương VI, phẩm Sáu bài kệ 385, chuyện Lộc vương hoan hỷ, VNCPHVN ấn hành, tr.680.
[6] ĐTKVN (1991), Kinh Trường bộ, tập 2, 30. Kinh Tướng, VNCPHVN ấn hành, tr.513.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường