Trang chủ Chuyên đề “Trùng tang”, giải “trùng tang” trong đời sống văn hoá – tôn giáo của người Việt

“Trùng tang”, giải “trùng tang” trong đời sống văn hoá – tôn giáo của người Việt

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

ThS.Trương Thuý Trinh
Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Tóm tắt:

Phật giáo trải qua hơn hai nghìn năm du nhập và phát triển trong xã hội Việt Nam, một số nghi lễ “đã hóa thân” vào trong Phật giáo, trong đó nghi lễ hóa giải “trùng tang” từng bước trở thành một phần đời sống văn hoá – tôn giáo của người Việt.

Từ các nguồn tài liệu và khảo sát thực tế, bài viết bước đầu tìm hiểu vấn đề trùng tang và giải trùng tang ở một số khía cạnh, gồm: Quan niệm dân gian về trùng tang; Tư duy hướng vọng về Phật của người Việt trong hoá giải trùng tang; Các pháp thí hoá giải trùng tang trong Phật giáo nhân gian… Trên cơ sở đó, đưa ra các nhận định đánh giá về vai trò, đóng góp của sư tổ Như Trừng Lân Giác đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là việc đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho các pháp thí hoá giải “trùng tang” hồi thế kỷ XVIII.

Trước một hiện tượng tâm lý tín ngưỡng, chúng tôi đánh giá cao tính nhân văn, tinh thần nhập thế của nghi lễ này (giải trùng tang) bởi nó mang lại sự an yên tinh thần giúp cho một bộ phận người dân có được một cuộc sống an lạc, yên vui.

Từ khoá: Trùng tang, Pháp thí, Giải Trung tang, Như Trừng Lân Giác, Thế kỷ XVIII

1. Quan niệm dân gian về “trùng tang”

“Trùng tang” là khái niệm quen thuộc cách suy nghĩ phổ biến với nhiều người, tuy nhiên chưa từng có một định nghĩa chính thức nào về nó. Từ xa xưa, trong dân gian gọi ba năm đầu tang sự là thời kỳ hung tang, với quan niệm thời gian này, người chết thường chưa được yên do trùng quỷ quấy nhiễu có thể gây tổn hại cho người nhà, con cháu. Sau tang sự, hễ trong gia đình xảy ra việc chẳng lành, anh em mâu thuẫn, làm ăn thất bát, ốm đau, tai nạn, đặc biệt là trùng tang… đều bị mọi người cho rằng vì nguyên do âm phần.

Về biểu hiện, trong thời kỳ hung tang (3 năm đầu tang sự) hoặc sau một thời gian ngắn, trong gia đình, dòng tộc liên tiếp có người chết thì bị coi là “trùng tang”. Đa số người dân đều tin rằng “trùng tang” là do trường hợp người chết “phạm” phải ngày, giờ “xấu”, linh hồn không siêu thoát được, mà đi lang thang bị quỷ sứ bắt về tra tấn, bắt khai ra tên tuổi người nhà để đến bắt đi. Ngoài ra, trùng tang xuất hiện ở những người trực hệ, đặc biệt là những người “hợp” với người chết có nguy cơ bị “bắt” lớn hơn.

Ngay từ thời tiền – sơ sử, người Việt cổ đã có những nghi lễ sơ khai thể hiện sự “quan tâm” và “chăm sóc” của người sống dành cho người chết, như: rắc thổ hoàng, chôn theo đồ tuỳ táng, đốt lửa…[1] Trải qua các thời kỳ lịch sử, từ Bắc thuộc cho đến các triều đại phong kiến Lý, Trần Lê, Nguyễn, các nghi lễ trong tang ma, thờ cúng của người Việt từng bước tiếp thu thêm các nghi lễ tam giáo (Nho, Phật, Đạo). Trong đó, nghi lễ tang ma, thờ cúng người chết luôn là mối quan tâm hàng đầu trong đời sống của người Việt và được duy trì và phát triển đến ngày nay.

Ngoài ra, người Việt quan niệm chết không phải là hết, “sống gửi thác về”. Giữa người sống và người chết vẫn luôn có một mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Dân gian tin rằng việc tang ma, thờ cúng có thể đem lại những điều tốt hoặc xấu cho gia đình, dòng họ. Chính vì vậy, tang ma, thờ cúng luôn được coi là việc hệ trọng. Khi gia đình có người qua đời, người nhà sẽ nhờ thầy xem ngày, giờ (tuỳ thuộc theo tuổi người đã khuất) để tiến hành một số các nghi thức, như: khâm liệm, nhập quan, phát tang, đưa táng, hạ huyệt… Việc xem ngày, giờ được tiến hành tương tự trong nghi lễ cải táng (3 năm sau khi mất) nhằm để tránh phạm phải giờ “xấu” dẫn đến những việc sui sẻo nhất là vấn đề trùng tang. Dân gian có câu: “Bốc mả kiêng ngày trùng tang, Trồng khoai lang kiêng ngày gió bấc”…

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tho Mai Gia Le 1

Theo sách Thọ Mai Gia Lễ, cách tính ngày giờ tránh trùng tang dựa trên tuổi người đã mất và tuần tự các cung trong lịch âm. Cụ thể, các cung tuổi, tháng, ngày, giờ sẽ được sắp xếp thành ba nhóm cung:

Nhập Mộ: gồm các cung Thìn, Tuất, Sửu và Mùi

Thiên Di: gồm các cung Tý, Ngọ, Mão và Dậu

Trùng Tang: gồm các cung Dần, Thân, Tỵ và Hợi

Ngoài ra còn có cách tính ngày trùng là: ngày dần, tháng dần, năm dần, hay ngày thân, tháng thân, năm thân… đều bị coi là ngày “trùng”.

Cách tính ngày trùng còn áp dụng cho tất cả các tuổi, nếu mất vào ngày “trùng” cũng bị coi là “kỵ”.

Tùy vào từng trường hợp, người ta sẽ tính toán để chọn ra ngày giờ phù hợp nhất cho việc khâm liệm, nhập quan, phát tang, đưa táng, hạ huyệt… để tránh phạm phải giờ “xấu” dẫn đến những việc sui sẻo, đồng thời đảm bảo việc tang lễ được tổ chức đúng truyền thống, tránh xảy ra các rủi ro.

Tóm lại, trong quan niệm dân gian, trùng tang là một việc đại kỵ, nhất là khi gia đình vừa xảy ra tang sự. Trùng tang thực sự trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng lớn nhất đối với mỗi gia đình, bởi nó có thể xảy ra ngay sau khi tang sự hoặc trong thời gian hung tang (tức 3 năm đầu trước khi cải táng).

2. Tư tưởng niềm tin hướng Phật của người Việt trong hoá giải “trùng tang”

Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, đa số người dân Việt Nam có cảm tình đặc biệt với Phật giáo và triết lý của đạo Phật. Các triết lý nhân quả, nghiệp báo, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo từ lâu đã trở thành triết lý sống trong xã hội. Tư tưởng này còn được thể hiện trong kho tàng văn học dân gian với các câu chuyện cổ tích Tấm cám, Sọ Dừa, Thạch Sanh, Cây Nêu ngày Tết…

Tư tưởng này đã trở thành một phần trong cách sống của người dân, trong đó có việc thực hiện các nghi lễ, lâu dần từ sự kính ngưỡng có khi nghi lễ đó đi vào chùa và trở thành nghi lễ trong chùa, trong đó có nghi lễ, cách thức hoá giải “trùng tang” mà một số chùa đã, đang duy trì và thực hiện.

Người Việt với tư duy ưa ma thuật, thờ cúng đa thần, từ xa xưa các quan niệm về một thế giới ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục, diêm vương… đoạ đầy linh hồn người chết, đe doạ sự an lành của người sống có ảnh hưởng sâu sắc trong tâm thức số đông người dân. Tuy nhiên, người Việt cũng có tư duy hướng Phật hết sức mạnh mẽ. Trong tâm thức dân gian, đức Phật giống như một vị thần toàn năng có thể đuổi trừ ma quỷ, chinh phục cái xấu, cái ác… chuyện cố tích Cây Nêu ngày Tết là một ví dụ tiêu biểu.

Trong câu chuyện này, đức Phật nhiều lần giúp đỡ con người chống lại sự quấy nhiễu và các yêu sách của Quỷ. Đặc biệt, bằng trí tuệ, đức Phật đã dùng cây tre và bóng áo cà sa để đuổi lũ Quỷ ra biển Đông. Mỗi năm, Quỷ được phép về thăm tổ tiên trên đất liền trong 3 ngày Tết. Việc dựng cây Nêu ngày Tết là để đánh dấu khu vực sinh sống của con người khiến Quỷ không thể bén mảng.[2]

Người Việt tiếp thu tư tưởng từ bi, phổ độ chúng sinh, các vị Phật, Bồ tát có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, cứu khổ, cứu nạn cho nên trong các câu chuyện cổ tích, mỗi khi con người gặp khó khan, các vị Phật, Bồ tát đều hiện lên giúp đỡ. Đáng chú ý, trong các việc đại kỵ như tang ma hay trùng tang, thì nghi lễ mang kiểu tư duy này đã hóa thân vào Phật giáo, và cùng với niềm tin mạnh liệt của người dân đã trở thành chỗ dựa tinh thần hết sức to lớn cho số đông.

Người Việt vận dụng cái hay của cả 3 tôn giáo và các tín ngưỡng dân gian thành tam giáo: Nho, Phật, Đạo trong nghi thức tang ma, tuy nhiên lễ nghi của Phật giáo đã được bản địa hóa chiếm vai trò chủ yếu.[3] Ngoài tụng kinh, niệm Phật còn có các nghi lễ cầu siêu, cúng chay, cúng vong (mông sơn thí thực), phóng sinh, bố thí, cúng tuần, cúng 35/49 ngày, cúng 100 ngày, cúng xả tang… Các nghi lễ sẽ được tiến hành từ khi có tang sự cho đến khi cải táng. Đặc biệt, để tránh vấn đề trùng tang, ngoài việc xem ngày, giờ, các gia đình thường lựa chọn giải pháp gửi vong lên chùa để làm các nghi lễ cầu siêu, trấn trùng, giải oan, cắt kết… với mong muốn cắt đứt oan nghiệp giúp linh hồn siêu thoát (sẽ trình bày chi tiết ở phần sau).[4]

3. Pháp và pháp thí hoá giải “trùng tang” trong Phật giáo

3.1. Quan niệm về luân hồi, chuyển kiếp trong Phật giáo

Phật giáo không có khái niệm về trùng tang, tuy nhiên các quan niệm về sinh diệt, luân hồi, chuyển kiếp được dùng để lý giải về sự tồn tại linh hồn sau cái chết như sau: Mỗi con người là một linh hồn cá thể  do linh hồn vũ trụ tách ra, khi con người chết đi là lúc linh hồn cá thể nhập về với linh hồn vũ trụ. Quá trình nhập vào – tách ra tạo nên các vòng luân hồi. Sự biến hóa của vũ trụ, sự lưu chuyển của sinh mạng là do nghiệp của chúng sinh tạo thành.[5] Các nghi lễ cầu siêu là để linh hồn nhanh chóng siêu thoát để nhập về với vũ trụ.

Ngoài ra, một dòng phái Phật giáo trong truyền thống Đại thừa cho rằng, linh hồn người chết sau khi chết và trước khi siêu độ phải trải qua một giai đoạn gọi là thân trung ấm chưa thuộc về thế giới nào, tức là giai đoạn thất thất (7 tuần sau khi mất). “Thần thức người chết trong bảy tuần thất chưa được đầu thai, luôn luôn trông đợi thân quyến cốt nhục tu đức tạo phước, để cứu vớt họ. Qua thời gian này, tất cả hương linh phải tùy theo nghiệp, tiếp nhận quả báo”.[6] Do đó, thời gian thất thất rất thích hợp cho việc tổ chức lễ cầu siêu để người sống hỗ trợ người chết sớm được vãng sinh tịnh độ.

Trong đó, nghi lễ tụng kinh, niệm Phật để khai thị, hồi hướng về mặt nhận thức, cúng dường, phát tâm, làm việc thiện để tạo dựng công đức nâng đỡ người chết sớm được siêu độ.[7]

3.2. Vì sao phải dùng “pháp”?

Kinh Hoa Nghiêm có viết: “Bồ tát biết chỗ sở tác của chúng sinh, biết nhân duyên, biết tâm hành, và ưa thích của chúng sinh mà nói pháp. Với kẻ tham dục nhiều, nên nói pháp bất tịnh; với kẻ giận dữ nhiều, nên nói pháp đại từ; với kẻ ngu si nhiều, nên nói pháp siêng năng, quan sát các pháp; với kẻ ba món độc đều nhiều, nên dạy khiến thành tựu pháp môn trí huệ; với kẻ ưa vui sinh tử, nói pháp ba món khổ; với kẻ đắm chấp các thứ “có”, nói pháp “không tịch”; với kẻ lười nhác, nói pháp đại tinh tấn; với kẻ ôm lòng ngạo mạn, nói pháp bình đẳng; với kẻ nhiều dua dọc, nói pháp Bồ tát tâm; với kẻ tâm tính chất trực mà ưa vắng lặng, nên rộng vì nói các pháp khiến họ thành tựu Đạo quả”[8]

Đại ý đoạn kinh trên được hiểu là: Đạo Phật luôn hướng con người tới sự giác ngộ và giải thoát, mỗi người sẽ có một tính cách và năng lực nhận thức khác nhau, do đó tuỳ thuộc vào từng cá nhân sẽ có một pháp thích hợp để giúp cho tất cả chúng sinh đều có thể giác ngộ, giải thoát và thành tựu.

Tương tự, con người khi thác đi, linh hồn bơ vơ chưa biết đi đâu về đâu, người khôn ngoan tìm đường theo Phật pháp thì được siêu thoát, người ngu dại nghe ma quỷ xui khiến lầm đường lạc lối thì khó lòng mà siêu độ. Vì thế mới cần đến sự hỗ trợ của gia đình và các bậc chân tu mở rộng các pháp, tụng kinh niệm Phật để khai thị, hồi hướng, cúng dường, bố thí để tạo dựng công đức tiếp dẫn cho hương linh siêu thoát…  Do đó, trong Kinh Pháp Cú có câu “Pháp thí hơn mọi thí.” Đầu thế kỷ XVIII, sư tổ Như Trừng Lân Giác dành nhiều suy tư về vấn đề “trùng tang”, đồng thời bước đầu đặt cơ sở triết lý và thực hành cho các pháp thí hoá giải “trùng tang”.

3.3. Các pháp thí hoá giải “trùng tang”

Dựa vào tâm lý lo sợ vấn đề “trùng tang” phổ biến trong dân gian, có thể suy đoán các nghi lễ hoá giải “trùng tang” đã tồn tại từ rất lâu. Trước một hiện tượng tâm lý tín ngưỡng, đồng thời nắm bắt tâm nguyện người dân trông cậy vào Phật pháp trong vấn đề hoá giải “trùng tang”, khoảng đầu thế kỷ XVIII, sư tổ Như Trừng Lân Giác (1696 – 1733) khai sơn chùa Liên Phái đã viết ra bộ kinh “Thập nguyện cứu sinh” cùng chế ra bộ ván khắc bùa giải[9] giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang. Đây chính là một trong những pháp thí phổ độ chúng sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó mang lại sự an yên về mặt tinh thần, giúp người dân hoá giải những vấn đề tâm lý tín ngưỡng trong cuộc sống.

Trong quá trình hoằng pháp nhằm lan toả tư tưởng Bồ tát thập nguyện cứu sinh của mình, sư tổ Như Trừng cho phục dựng lại chùa Hàm Long tại Bắc Ninh (1728). Sau khi ngài mất (1733), các đệ tử cho xây mộ tháp của ngài (Tháp Tổ Cứu sinh) ở cả chùa Liên Phái và chùa Hàm Long.

Nhờ vào công đức tu tập của ngài, tư tưởng thập nguyện cứu sinh đã nhanh chóng lan toả trong dân chúng. Trên cơ sở đó, chùa Liên Phái (Hà Nội) và chùa Hàm Long (Bắc Ninh) trở thành những ngôi chùa nổi tiếng trong việc thực hiện các pháp thí hoá giải “trùng tang”. Tương truyền, dân chúng thường tìm đến chùa Liên Phái để cắt trùng tang và, trong khi nghi lễ trục vong thường được tiến hành tại chùa Hàm Long.

Về cơ bản, có hai pháp thí là trấn trùng (gửi vong lên chùa) và nhốt vong (trục vong). Hình thức nghi lễ cụ thể như sau:

1. Phương pháp thực hành trấn trùng (gửi vong lên chùa):

Tại các chùa Liên Phái và chùa Hàm Long, một buổi nghi thức gửi vong sẽ do một nhà sư đứng làm chủ sự cùng ban đạo tràng thực hiện các khoa cúng theo trình tự: Tiếp linh, Thỉnh Phật, Triệu linh, Tắm vong, Quy y vong, Tụng kinh A Di Đà, Tuyên sớ Biểu âm, Cúng Chúc thực, Thí thực.

Đồ lễ gồm: hương, hoa quả, bánh trái, vàng mã cúng cho vong; quần áo mã cho tiểu đồng; mã tiến sứ giả, cháo, bỏng cúng chúng sinh và các mâm cỗ cúng tiếp linh, cúng chúc thực.

Đàn lễ rước vong lên chùa gồm có bài vị (bài vị Phật A Di Đà, Đại thánh địa tạng vương Bồ Tát, Địa phủ Diên La thiên tử thập điện minh vương, Thành hoàng chúa giả truy hồn đẳng thần, Huyền đàn tiếp triệu chân linh lai vị thần – bài vị của vong, văn sớ, cành phan, lá phan; bàn rước vong, nước tắm vong.

Khoa tiếp linh tại ban thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát để gọi vong linh về nên chủ sự sẽ thỉnh các vị sứ giả (Thiên phủ Tứ thiên sứ giả, Phi thiên Tập tiệp sứ giả, Địa phủ Diễn ma sứ giả, Thủ phủ Không hành sứ giả và Thổ địa Linh quan sứ giả) đi tìm vong linh, cử bài kham thán chung để nói lên nỗi tiếc thương của gia đình đối với người quá cố, gửi ước nguyện cho Phật chỉ đường dẫn lối cho vong linh.

Khoa thỉnh Phật tại ban Tam bảo được thực hiện sau khi thực hiện nghi thức tiếp linh. Trong khoa này, các phật tử sẽ tụng kinh Pháp hoa và Báo ân để mời sự hiện diện và chứng minh của đức Phật trong nghi lễ, giúp cho các vong hồn được giải thoát khỏi cơn đau khổ và được sáng trí, sáng lòng. Sau khi hoàn tất khoa thỉnh Phật, vong sẽ được đưa vào trong chùa và tiếp tục thực hiện các nghi lễ khác.

Khoa cúng triệu linh và tắm vong tại ban thờ vong để mời vong linh về ăn, cúng kính tắm rửa cho các vong hồn. Thân quyến cần chuẩn bị một mâm lễ chay để mời vong linh về ăn, tránh việc sát sinh là để tạo phước, hồi hướng cho vong linh sớm được siêu thoát.

Khoa quy y vong được thực hiện tại ban Tam Bảo. Vong linh sẽ được làm lễ quy y âm với ba ý nghĩa: quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Mục đích của lễ quy y là vong linh sẽ không phải vào địa ngục, không bị đói khát, không phải đọa vào cõi súc sinh. Sau lễ quy y, nhà chùa sẽ trao cho gia đình một tờ điệp ghi tên, ngày sinh, ngày mất của vong. Tiếp theo là các nghi lễ tụng kinh A Di Đà, tuyên sớ Biểu âm, cúng chúc thực, thí thực… [10]

2- Phương pháp thực hành nhốt vong hay trục vong:

Trước hết, tên gọi nhốt vong hay trục vong dễ gây ra sự hiểu lầm khiến nhiều người nghĩ rằng với nghi thức này vong sẽ bị nhốt, bị giam cầm, chịu những hình thức trừng phạt khổ cực. Về thực chất, nhốt vong là nghi lễ do nhà sư (trong vai trò chủ sự) dùng công đức tu tập của mình và sức mạnh của Phật pháp để cảm hoá vong linh. Trong đó, một số nghi thức, pháp khí làm phép giữ vong trong môi trường từ bi, trí tuệ của Phật pháp để đạt được sự an yên, đồng thời có chức năng khai thị, hồi hướng, tiếp dẫn cho linh hồn trở lên mạnh mẽ sớm đạt đến trạng thái siêu độ, nhất là để tránh xa sự quấy nhiễu của các lực lượng ma quỷ.

Về nghi lễ: Ngoài các khóa lễ cơ bản như gửi vong lên chùa, nghi lễ nhốt vong sẽ có thêm hai khoa lễ là: Khai phương – Phá ngục và Giải oan – Cắt kết. Cụ thể như sau:

Lễ Khai phương – Phá ngục: Chủ sự thỉnh ngài Địa Tạng và ngài Mục Kiền Liên hộ trì cho lễ phá ngục. Sau mỗi phương, sẽ đọc một bài cáo. Lễ phá ngục có mục đích giải thoát cho các vong hồn, thỉnh xá để yêu cầu quản ngục xóa tên vong hồn ra khỏi danh sách tại địa ngục.

Lễ Giải oan – Cắt kết: Mục đích giúp các vong linh được xóa tội, cắt đứt các oan nghiệp để được vào vòng luân hồi. Kết thúc, nhà chùa sẽ cho mỗi người thân trong gia đình tang chủ một lá bùa bằng giấy xoắn lại thành hình người đeo trong ba năm, cho đến khi việc cải táng hoàn tất.[11]

Như vậy, trấn trùng và nhốt vong là hai pháp thí cơ bản giúp các gia đình tang chủ hoá giải trùng tang. Tuỳ trường hợp, tang chủ sẽ chọn 1 trong hai nghi lễ này để làm vào lễ cúng 49 ngày. Vì lúc này vong linh đang ở trạng thái thân trung ấm, chưa biết chuyển sinh vào cõi nào nên gửi vong lên chùa làm lễ để cầu siêu, hồi hướng cho vong. Theo tác giả Nguyễn Lang, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, ngay từ thời Lý, các nghi lễ tương tự mang màu sắc của Mật tông đã khá phổ biến. Tiêu biểu, các thiền sư Minh Không, Từ Đạo Hạnh, Giác Hải… dùng công đức tu tập kết hợp với sự màu nhiệm của phép thuật (Mật tông) chữa bệnh cho vua Lý Nhân Tông và thực hành một số nghi lễ. Do đó, các gia đình tang chủ nên chọn các ngôi chùa có lịch sử lâu đời (tụ nhiều linh khí), người đứng chủ lễ cũng phải là người có bề dày công đức mới mong phát huy được hết sức mạnh của Phật pháp vào việc hoá giải trùng tang. Điều này cũng tránh được những thực hành bị xem là mê tín, không phù hợp với giáo lý và tư tưởng của Phật giáo.

4. Thay cho lời kết

Phật giáo với hơn hai nghìn năm du nhập và phát triển trong xã hội Việt Nam, một số nghi lễ Phật giáo từ lâu đã trở thành một phần truyền thống văn hoá – tôn giáo của người Việt. Dù ít được biết đến, là một hình thức thực hành mang màu sắc Mật giáo huyền bí, song các nghi lễ trong hoá giải trùng tang cho đến nay có một vị trí nhất định trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận người dân Việt Nam.

Trước đây, có thể các nghi lễ này đã từng tồn tại trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ XVIII các kinh sách, chước tác, pháp khí do sư tổ Như Trừng tạo ra đã đặt cơ sở quan trọng cho pháp thí hoá giải trùng tang, trong đó trấn trùng, nhốt vong từng bước trở thành những nghi lễ được thực hành bài bản, phù hợp với các giáo lý và nghi lễ Phật giáo.

Hiện nay, bên cạnh một số ý kiến tranh luận, giới nghiên cứu trong và ngoài giới tu hành đều đánh giá cao vai trò, công lao của sư tổ Như Trừng Lân Giác đối với lịch sử phát triển Phật giáo nói chung cũng như tư tưởng và pháp thí cứu sinh của ngài. Trong đó, triết lý cứu nhân độ thế và tinh thần nhập thế được kết tinh qua các pháp thí hoá giải trùng tang. Trải qua quá trình lịch sử, công đức của sư tổ Như Trừng Lân Giác cùng hai ngôi chùa Liên Phái và Hàm Long gắn với các hành trạng của ngài đã lan toả rộng khắp các khu vực Hà Nội, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận…

Đáng chú ý, người Việt vốn có truyền thống thờ cúng đa thần và tư duy ưa ma thuật. Cho đến nay, vấn đề trùng tang vẫn là một hiện tượng khó lý giải mang lại những hiệu ứng tâm lý tiêu cực trong đời sống xã hội. Nhìn từ góc độ này, pháp thí hoá giải trùng tang thể hiện tính nhân văn sâu sắc bởi nó đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận người dân, trên cơ sở sức mạnh Phật Pháp mang lại sự an yên tinh thần nhằm giúp cho người dân có một cuộc sống an lạc, yên vui./.

ThS.Trương Thuý Trinh
Viện Nghiên cứu Tôn giáo

***

Chú thích:
[1] Xem Chu Văn Tuấn, Trương Thúy Trinh (2019), “Tập quán mai táng của tín đồ một số tôn giáo ở Việt Nam hiện nay”, Kỷ yếu hội thảo Tập quán mai táng của người Việt Nam xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức tháng 8/2019 tại Hà Nội.
[2] Xem Nguyễn Đổng Chi (1957), Truyện cổ tích Việt Nam, Tập II, Nxb. Giáo dục.
[3] Theo tác giả Gustave Dumuotier trong “Nghi thức tang lễ của người An Nam” Nho giáo giữ vai trò thiết chế, trong khi Phật giáo cung cấp các nghi lễ thực hành trong tang ma và thờ cúng tổ tiên.
[4] Lê Thị Phượng (2022), “Tục gửi vong lên chùa trong đời sống văn hóa của người Việt”, Kỷ yếu Hội thảo: Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 2022. tr. 301
[5] Thích Thánh Nghiêm (2011), Phật giáo chính tín, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 15
[6] Thích Nhật Từ soạn dịch(2017), Kinh Địa Tạng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 78-79
[7] Thích Thánh Nghiêm (2011), Sđd., tr. 55-58
[8] Dương Tú Hạc (2012), Kinh Lời vàng, HT. Thích Trí Nghiêm dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.157
[9] Bộ ván khắc bùa giải hiện nay đang được bảo lưu tại chùa Liên Phái (Hà Nội).
[10] Xem thêm Lê Thị Phượng (2022), tlđd., tr. 298-299
[11] Xem thêm Lê Thị Phượng (2022), tlđd., tr. 301

TÀI LIỆU THAM KHẢO
—————-
1. Toan Ánh (1991), Phong tục Việt Nam thờ cúng tổ tiên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Phan Kế Bính (2006), Việt Nam phong tục, Nxb. Văn học, Hà Nội.
3. Chu Ngọc Chi (1952), Thọ mai gia lễ, Nxb. Hưng Long, Hà Nội.
4. Dương Tú Hạc (2012), Kinh Lời vàng, HT. Thích Trí Nghiêm dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
5. Thích Thiện Hạnh (2022): “Ý nghĩa bùa chú trong đời sống tâm linh của người Việt”, Kỷ yếu Hội thảo: Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam do Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, 2022.
6. Nguyễn Quang Khải (2011), Chùa Hàm Long, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
7. Vu Gia (2022), “Nghĩ về cách hóa giải “trùng tang” của tổ Như Trừng Lân Giác”, Kỷ yếu Hội thảo: Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 2022.
8. Gustave Dumuotier (2020), Nghi thức tang lễ của người An Nam, Vũ Lưu Xuân (dịch), Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
9. Thích Thánh Nghiêm (2011), Phật giáo chính tín, Thích Thanh Ninh, Huyền Chân (biên dịch), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
10. Võ Phương Lan (2012), Thờ cúng tổ tiên người Việt, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
11. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.
12. Phạm Gia Quang, Nguyễn Tá Nhí (2009), Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà thành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
13. Hàn Tấn Quang (2022), “Từ bùa trùng tang, nghĩ về Mật giáo ở Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo: Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 2022.
14. Lê Thị Phượng (2022), “Tục gửi vong lên chùa trong đời sống văn hóa của người Việt”, Kỷ yếu Hội thảo: Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 2022.
15. Chu Văn Tuấn, Trương Thúy Trinh (2019), “Tập quán mai táng của tín đồ một số tôn giáo ở Việt Nam hiện nay”, Kỷ yếu hội thảo Tập quán mai táng của người Việt Nam xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức tháng 8/2019 tại Hà Nội.
16. Thích Nhật Từ soạn dịch(2017), Kinh Địa Tạng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
17. Khánh Vân (Nguyễn Thụy Hòa)(1967), Thực hành Phật giáo, Nha tuyên giáo Phật giáo.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường