Tác giả: Thích Giác Đức Học viên Cao học Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Phật pháp được duy trì và phát triển trong mọi điều kiện hiện hữu của thế cuộc, sự hưng thịnh hoặc suy yếu của Phật pháp luôn là vấn đề mà bất cứ người đệ tử Phật nào cũng đều quan tâm. Hiển nhiên tất cả đều mong muốn Phật pháp được trường lưu thế nhưng trên thực tế lại không như ý muốn. Không thể chỉ ước muốn suông mà cần phải biến ước muốn đó thành hiện thực, bằng những biện pháp cụ thể và thiết thực. Đó là đưa Phật pháp vào cuộc sống, thể hiện tính giác ngộ, giải thoát và từ bi của đức Phật qua sự tu tập và hành trì của người con Phật.
Nếu được như vậy Phật pháp sẽ hưng thịnh phát triển, doo vậy muốn Phật pháp được lưu truyền thì người đệ tử Phật phải tinh chuyên tu trì, không bám víu vào tất cả những vấn đề gì. Cho nên, đức Phật luôn luôn nhắc nhở hàng đệ tử đừng trụ và quá cố chấp vào một vấn đề nào cả, cụ thể nhất vẫn là chỗ ở. Đức Thế Tôn đã không cho chư tăng ở một chỗ, không quá ba đêm, vì Ngài lo lắng rằng chư Tỳ kheo khi ở quá lâu sẽ sinh dính mắc, và lầm tưởng chỗ đó là của mình để sinh tâm chấp chước, sân tham luyến.
1. Trú xứ lý tưởng trong Phật giáo
Theo kinh Khu Rừng trong Kinh Trung Bộ được đức Phật giải thích như sau: “Chư Tỳ kheo, ở đây, Tỳ kheo sống tại một khu rừng nào. Tỳ kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn… Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo ấy phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại, ngay lúc ban ngày hay lúc ban đêm. Chư Tỳ kheo, ở đây, Tỳ kheo sống tại một khu rừng nào. Tỳ kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú,…” [1].
Như vậy, qua nội dung của đoạn kinh vừa dẫn, cho chúng ta thấy rằng, trước tiên, đức Phật căn cứ vào hai điều kiện cơ bản, thứ nhất trú xứ là nhu cầu sống cần thiết cho con người và thứ hai là phát triển trí tuệ để đoạn tuyệt với phiền não.
Đức Phật xem trú xứ là một trong hai điều kiện cơ bản để Tỳ kheo đoạn trừ phiền não.
Khi một hành giả ứng dụng giáo pháp của Đức Phật vào việc tu tập, chẳng hạn, việc chuyên tâm nghiêm trì giới luật hay thực hành thiền định,... thì bấy giờ vị ấy được xem là đang sống và đi lại trong trú xứ Phật pháp.”
Trú xứ của người xuất gia có nghĩa là nơi chốn mà người xuất gia thường xuyên lui tới để được học hỏi và thăng tiến về mặt giới đức, tâm linh và trí tuệ hay phạm vi sinh hoạt thích đáng và hữu ích cho người xuất gia, ngụ ý sự chuyên tâm tu học của đức Phật. “Người xuất gia quyết tâm đi theo con đường của Phật, sống và trú xứ theo giáo pháp và giới luật do đức Phật giảng dạy, không vượt ra ngoài phạm vi giáo pháp và giới luật của Phật, do đó được gọi là người đi lại trong trú xứ Phật pháp. Nói cách khác, người xuất gia chỉ nên chuyên tâm đi lại và hành hoạt trong phạm vi giáo pháp Giới, Định, Tuệ của đức Phật.”
Trong kinh, đức Phật có đề cập đến trú xứ pháp trong Tứ niệm xứ như sau: “Này Ananda, Tỷ kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: Tâm ta không hướng ngoại. Rồi vị ấy rõ biết: Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước... Rồi vị ấy rõ biết: Ta trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm, ta được an lạc. Này Ananda, Tỷ kheo tâm không hướng ngoại... Rồi vị ấy rõ biết: Ta trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm, ta được an lạc.. ...Này Ananda, đây là những gốc cây. Ðây là những nhà trống. Hãy (đến đó làm trú xứ) tu tập, này Ananda. Chớ có phóng dật. Chớ có hối hận về sau. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông” [2]. Vì vậy, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, mỗi người chúng ta đếu có nơi chốn nào đó để ở, hữu hình hoặc vô hình, mà chúng ta thường hay lui tới hoặc đi lại gọi là trú xứ. Theo lời dạy của đức Phật thì trú xứ có nghĩa là chỗ đi lại hay phạm vi hoạt động của con người được thể hiện cụ thể qua các hoạt động của thân, miệng, ý theo đúng tinh thần giáo pháp và giới luật của Phật.
Điều đó hàm ý rằng vị ấy phải tập uốn nắn và dẫn dắt các hành vi thuộc thân thể (thân hành), các hành vi thuộc lời nói (khẩu hành), các hành vi thuộc tâm thức (ý hành) của mình sao cho thật chơn chính, đúng đắn, không sai phạm, không có tỳ vết lỗi lầm.
Trong bài kinh Mã Ấp có nội dung nhấn mạnh đến các pháp tác thành Sa môn thuộc đức Phật đã cho lời khuyên như sau: “Thân hành của vị ấy phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết che giấu. Khẩu hành của vị ấy phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết che giấu. Khẩu hành của vị ấy phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết che giấu” [3], Nói một cách cụ thể hơn thì người xuất gia phải tập kiểm soát và uốn nắn thân, khẩu, ý của mình như thế nào để thân không rơi vào hành vi sai trái như sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục; miệng không rơi vào các hành vi sai trái như nói láo, nói hai lưỡi, nói độc ác, nói phù phiếm; ý không rơi vào các hành vi sai trái như tham dục, sân hận, tà kiến. Chúng ta có thể hành trì lời Phật dạy để tự mình có một trú xứ lý tưởng trong chính pháp an ổn tuyệt đối mà người con Phật có thể ung dung bước đi trên đó một cách thanh thản và bình an.
Ngoài ra, các thiền sư còn không bám chắc vào một trú xứ cụ thể như Không Lộ thiền sư qua bài thơ Ngôn Hoài:
“Trạch đắc long xà địa khả cư, Dã tình chung nhật lạc vô dư. Hữu thì trực thướng cô phong đính, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”
Dịch nghĩa:
“Chọn được kiểu đất long xà rất hợp, có thể ở được, Tình quê suốt ngày vui không chán. Có lúc lên thẳng đỉnh núi bơ vơ, Kêu dài một tiếng, lạnh cả bầu trời.”
Bài thơ với ý nghĩa dù mảnh đất đó là mảnh đất thiêng đi chăng nữa thì vẫn quyết từ bỏ, vẫn thích dung hòa với thiên nhiên, thể hiện tấm lòng vui với đạo của tác giả. Đó là tình cảm thanh thản thoát tục khi tìm được nơi ở thích hợp giữa núi rừng thanh tĩnh, giữa vạn vật thiên nhiên, hợp với tình cảm tự nhiên nhi nhiên, (dã tình) hòa đồng với thiên nhiên và vũ trụ của người tu hành, thể hiện tư tưởng vạn vật nhất thể của Thiền học.
2. Ứng dụng tu tập trú xứ lý tưởng đối với cuộc sống hiện nay
Qua chiêm nghiệm về trú xứ lý tưởng trong Phật giáo thì với cuộc sống hiện nay, con người cũng chọn cho mình trú xứ để ở. Nhưng dù có như thế nào thì chuyện chọn trú xứ cũng không ngoài mục tiêu đích thực của người học Phật pháp:
“Trú xứ lý tưởng chân chính trong giáo đoàn Phật giáo là phải lấy động cơ và quyết tâm tìm cầu giải thoát làm nguyên tắc, mà điều này cũng chính do bản thân Đức Phật đã vì động cơ thuần khiết ấy mà xuất gia nên về sau Phật cũng dùng động cơ ấy để khích lệ những người chân chính xuất gia” [4]. “Tinh thần cầu học, lý tưởng cao thượng, mục đích rõ ràng là cơ sở để một người học Phật có thể bước vào đạo môt cách chân chính, mong muốn thành tựu Sa môn hạnh, có được nền chính kiến căn bản để biết ở đâu là tốt cho việc tìm được trú xứ thích hợp của mình, đây là bước căn bản đầu tiên của một vị học trò đi theo con đường cao thượng của Phật.” “Tỳ khưu với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa môn, nên chọn trú xứ tu tập nào mà có thể thành đạt được lý tưởng đó, dù điều kiện vật chất khó khăn; trường hợp vật chất khá tiện nghi thì ở trọn đời để tu tập. Ngược lại, tu học ở nơi nào mà không thực hiện được lý tưởng giải thoát, thì dù có đầy đủ tiện nghi cũng bỏ đi, nói gì đến việc thiếu tiện nghi” [5].“Đây là những yếu tố cần thiết và ban đầu của một người học Phật được bậc Đạo sư chỉ dạy vì lòng thưởng tưởng, cũng là yếu tố căn bản đưa đến kết quả tốt cho hành giả tu tập để có kết quả đó là: Chỗ ở thích hợp, tứ vật dụng dễ kiếm, có người thầy tốt hướng dẫn và có ý chí, nghị lực và tâm tu học mạnh mẽ. Căn cứ trên thực tế của bốn phương diện này là những gì cần thiết cho một hành giả có thể thành tựu, nếu thiếu điều kiện tứ sự, thì hành giả tu tập khó mà duy trì tinh thần bền bỉ để có được kết quả, thiếu yếu tố này chỉ dành cho những bậc đại căn cơ, nếu thiếu yếu tố này mà thành tựu được thì đức Phật đã không dạy con đường trung đạo: ”“Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành: Một là say đắm dục lạc đối với các dục vọng hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích. Hai là hành hạ tự thân, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Từ bỏ hai cực đoan này là con đường trung đạo, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn” [6]. “Khổ hạnh, thiếu thốn thuộc một cực đoan, mang lại đau khổ cho mình, cho người không đem lại lợi ích cho mình, cho người, khó đến với thánh quả và một cực đoan nữa là quá đầy đủ trong cuộc sống, bị tham đắm, tâm ô nhiễm, khó từ bỏ, đánh mất mục tiêu của một người học Phật, xa rời hạnh thánh, không đến được kết quả, chỉ có trung đạo là sống trong biết đủ, xa lìa dục lạc, nhất tấm hướng thiện, khát ngưỡng chân chính, học tập đến nơi, đến chốn, tu tập quyết định, kết quả chắc chắn, đó là chính kiến, đưa đến thành tựu mục đích người học.”
“Ở đây, này các Tỷ khưu, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sinh, không cho sinh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sinh được trừ diệt, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sinh, nay cho sinh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sinh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.... Này các Tỷ khưu, đây gọi là trung đạo lộ” [7]. Đây là cả một lộ trình tiếp theo sau khi thành tựu được bốn pháp cơ bản, chưa phải đi đến đây mà dừng lại được, cho nên hành giả cần phải tiếp tục thành tựu được mục đích cuối cùng thông qua việc tu tập.
Hành giả tu tập cần phải thông qua một lộ trình đầy đủ trên ba phương diện: “Văn, Tư, Tu” hay nói cách khác là: “Giới - Định - Tuệ” chứ không phải cầu nguyện, không phải do lòng tin mà được, mà phải sự nỗ lực nghiên cứu, nỗ lực thực hiện lời đức Phật dạy mới có thể hiểu được lời Ngài dạy: “Người hiểu được lời thuyết giảng về Pháp là Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người đem thực hành các pháp và tùy pháp được hiểu từ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời” [8]. Với khoảng thời gian tu học để đủ về lượng và chất, thì hành giả sẽ tiếp tục tiến hành tu tập hay thực hành những gì đã học là cần thiết và đưa đến thực chứng, quá trình tu tập được diễn tả:
“Lộ trình tu chứng của Phật giáo gồm giới định tuệ giải thoát và giải thoát tri kiến. “Nó là một loại năng lực tâm thức thanh tịnh sáng suốt, được khai mở và phát triển nhờ công phu tu tập giới đức và thiền định, có khả năng chứng nghiệm đầy đủ và sâu sắc mọi hình thái khổ đau của hiện hữu, hướng đến cắt đứt hoàn toàn mọi tham ái, chấp thủ và vô minh, thực chứng tâm giải thoát bất động (akuppa Cetovimuttị)” [9]. Phá sạch được vô minh, cắt đứt tái sinh, thực chứng được Niết bàn qua sự hoàn thiện Giới – Định - Tuệ một cách hợp lý, theo lời dạy của đức Phật. Khi đạt được đích đến cuối cùng của người học Phật, thành tựu quả vị giác ngộ, giải thoát hoàn toàn: “Phật dạy các Tỳ khưu về giới, định, tuệ. Định đạt được bởi sự tu tập giới thì được quả báo lớn; tuệ đạt được bởi sự tu tập định thì được quả báo lớn; tu trí tâm tịnh, được giải thoát hoàn toàn, dứt hết ba thứ lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát liền phát sinh trí về sự giải thoát, biết rằng sự sinh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa” [10], thành tựu như vậy, là mục tiêu cuối cùng của người tu tập có trú xứ lý tưởng.
3. Vấn đề nan giải trong việc tìm một trú xứ lý tưởng ngày nay
Ngày nay, với cuộc sống hiện đại hóa thì trú xứ lý tưởng là vấn đề nan giải để tìm, cho nên với sự dịch chuyển và va đập của những hệ giá trị xã hội bao gồm không gian, điều kiện, quan niệm, lý tưởng sống…“trong thời đại ngày nay đã tác động rất lớn đến những quan hệ truyền thống, đôi khi làm biến dạng cơ bản những hệ giá trị nhân bản mà nhân loại đã nhọc công tạo dựng. Vì vậy trú xứ lý tưởng trong thời đại hôm nay ít nhiều cũng chịu sự tác động và ảnh hưởng đó. Trú xứ là nơi ở chuẩn mực của xuất thế gian, cụ thể là người xuất gia. Quả thật, nếu như đòi hỏi phải đầy đủ kiện toàn những điệu kiện tiêu chuẩn căn bản từ kinh điển thì rất ít trú xứ nào thời nay hội đủ. Mặc dù bốn chuẩn mực cơ bản của một trú xứ lý tưởng là rất cần thiết cho hành giả tu tập cũng như người tại gia, nhưng để đạt được điều ấy thì chúng ta cần phải trải qua quá trình tu tập bằng sự kham nhẫn khi chỗ nào có đầy đủ bốn yếu tố của một trú xứ lý tưởng. Hiện thực với cuộc sống đầy sung túc, chúng ta mãi mê chạy theo những phù hoa, chạy tới những nơi mà chúng ta cảm nhận đó là vui, là tốt nhưng ta nào đâu biết những chỗ ấy, sẽ giúp ta đi đến con đường trụy lạc, dẫn lối vào vô minh.”
Đức Phật là dòng dõi vương gia, hiển nhiên thái tử được thừa hưởng đời sống vương giả như: ““Phụ hoàng cũng kiến tạo cho ta ba toà cung điện. Một để cho ta ở mùa lạnh, một mùa nóng và một mùa mưa. Trong bốn tháng mưa ta lưu tại một biệt điện có đầy đủ tiện nghi, giữa những cung tần mỹ nữ cho đến hàng nô tỳ của phụ hoàng cũng được ăn sung mặc sướng, không phải như các nhà khác, gia đinh chỉ được ăn cơm xấu và thức ăn cũ” [11]. Tóm lại suốt bốn mươi chín năm hoằng pháp độ sinh, đức Phật đã chuyển dịch giữa khuynh hướng thiên về nội tâm và khuynh hướng ngoại giới. Các thời kỳ thuyết pháp thành công rực rỡ khiến Ngài du hành từ vùng dân cư đông đúc này đến vùng khác, cũng có lúc Ngài du hành một mình. “ Giáo pháp của Ngài phù hợp với những người thích độc cư chứ không phải với những người ham quần chúng” [12] Tựu trung, trú xứ lý tưởng là dù ở môi trường được bao phủ bởi lợi danh và vật chất một cách sung mãn, thì chúng ta cũng phải biết lấy pháp làm trọng yếu để tiến tu đạo nghiệp, mà không bị ràng buộc.”
Kết luận
Đối với cuộc sống hiện nay, hành giả được sống trong môi trường xã hội hiện đại, khá đầy đủ tiện nghi về vật chất, có đầy đủ điều kiện để tu học, nhưng nó cũng kéo theo những hệ lụy chằng chịt trùng trùng của nhiều biến cố. “Cho nên, để lựa chọn một trú xứ lý tưởng theo quan điểm Phật giáo thì không phải là chuyện dễ. Có những trú xứ làm cho hành giả tấn tu và con đường tiến đạo với đầy sắc hoa và cũng có những trú xứ khiến hành giả dẫn tới những khổ đau, bất trắc. Vì vậy, dù chúng ta có tìm đúng một trú xứ thích hợp thì hành giả cũng phải biết buông bỏ, xa lìa tâm tham ái dục và những phiền não liên quan. Để duy trì được một chỗ ở lý tưởng thì hành giả phải có một sự thẩm sát, sâu sắc về chúng. Nói rõ hơn, khi chúng ta duy trì được nơi ở thích hợp, thì cuộc sống sẽ an vui, và tinh tấn tu tập, đem lợi ích cho tự thân cũng như mọi người xung quanh. Như một lẽ tất nhiên, sự duy trì và phát triển vững mạnh về trú xứ lý tưởng, sẽ đóng góp cho nhân loại nói chung và Phật giáo nói riêng những giá trị không thể kể bằng lời.”
Tác giả: Thích Giác Đức Học viên Cao học Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***CHÚ THÍCH 1. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Trung Bộ I, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, tr.143. 2. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Trung Bộ I, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, tr.94. 3. Thích Tuệ Sỹ dịch (2008), Kinh Trung A Hàm II, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.276. 4. Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ I, Nxb.Tôn giáo, Hà Nôi, tr.125. 5. Thích Nguyên Hùng, 2014, Tổng quan bốn bộ A Hàm, Nxb.Hồng Đức, Hà Nội, tr.180. 6. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương Ưng II, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.375. 7. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ I, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, tr.545,546. 8. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ II, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, tr.585. 9. Thích Tâm Minh, Thích Tâm Chơn (2014), Pháp hành, Nxb.Hồng Đức, Hà Nội, tr.81. 10. Hán dịch: Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm, Việt dịch: Tuệ Sỹ (2007), Trường A Hàm, Tập 1, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.68. 11. Thích Minh Châu dịch (1997), Tăng Nhất A Hàm II, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, tr.145. 12. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ II, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, tr.649.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ I, Nxb.Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp. HCM, 1991. 2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 3. Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng II, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 1996. 4. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ I, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, 1996. 5. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ II, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, 1996. 6. Thích Minh Châu dịch, Tăng Nhất A Hàm II, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, 1996. 7. Thích Tâm Minh, Thích Tâm Chơn, Pháp hành, Nxb.Hồng Đức, Hà Nội, 2014. 8. Hán dịch: Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm, Việt dịch: Tuệ Sỹ, Trường A Hàm, Tập 1, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2007. 9. Thích Nguyên Hùng, Tổng quan bốn bộ A Hàm, Nxb.Hồng Đức, Hà Nội, 2014. 10. Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng Kinh Pàli, Nxb.Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2009. 11. Hòa thượng Thích Phước Sơn, Một số vấn đề Giới Luật, Nxb.Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2010. 12. Hòa thượng Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh. 13. Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong Trường bộ kinh, Nxb.Tủ sách Tuệ Chủng, Tp. Hồ Chí Minh, 2013.
Bình luận (0)