Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Trú xứ “lý tưởng” theo quan điểm Phật giáo

Trú xứ “lý tưởng” theo quan điểm Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Uyển Nhiên
Học viên Ths K.5 – Học viện PGVN tại Tp.HCM

A. DẪN NHẬP

Người đời thường có câu “An cư lạc nghiệp”, nghĩa là con người phải có chỗ ở ổn định trước, sau đó phát triển sự nghiệp sau. Chỗ ở làm hậu phương vững chắc, là nơi nương tựa cho con người giữa những bão tố của cuộc đời. Bản chất của cuộc đời này là tạm bợ, không chỗ nào không chứa đựng sự bất an đáng sợ hãi. Vì vậy, chỗ ở đối với con người là rất quan trọng, nơi đây được coi như một điểm dừng chân hay mái ấm cho con người giữa những dòng xoay cuộc đời. Xưa kia, mẹ của Mạnh Tử ba lần đổi chỗ ở chỉ vì mục đích dạy dỗ Mạnh Tử thành tài. Người xưa còn có các thành ngữ để nói lên sự quan trọng của chỗ ở như: thành gia lập nghiệp, gần mực thì đen gần đèn thì sáng,…

Thời đức Phật còn tại thế, tăng đoàn chủ yếu sống trong rừng, dưới các gốc cây. Sau này, có hai tịnh xá lớn được xây dựng để phục vụ việc an cư của Tăng đoàn là tịnh xá Kỳ viên và tịnh xá Trúc Lâm. Tuy nhiên đời sống của Tăng đoàn thời Phật còn tại thế chủ yếu là du hóa và sống trong rừng, thiền định, tu tập dưới các gốc cây. Nhiều bộ kinh ghi lại đức Thế Tôn đã nhiều lần nói về nơi ở mà một người xuất gia nên sống, hướng đến con đường thanh tịnh giải thoát như: kinh Khu rừng, kinh Trú Xứ, kinh Tôn giả Nagita, kinh Trưởng lão Thượng tôn thụy miên,…Trong xã hội ngày nay, có thể nói việc sống du hóa, sống trong rừng dưới các gốc cây là điều không còn phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn rằng, đức Thế Tôn không bắt buộc Tỷ kheo phải sống trọn đời trong rừng. Khi Devadata đề nghị đức Thế Tôn yêu cầu tỷ kheo chỉ được sống trong rừng và ngài đã từ chối. Để tìm hiểu về trú xứ lý tưởng theo quan điểm Phật giáo, nơi ở phù hợp và tốt nhất đối với người xuất gia, con xin viết bài khảo luận này. Bài khảo luận được chia làm ba chương, chương 1 nói về nơi ở của Tăng đoàn thời đức Phật, chương 2 phân tích pháp là trú xứ lý tưởng nhất cho người xuất gia, và chương cuối cùng, chương 3 bàn về trú xứ của người xuất gia trong xã hội hiện nay. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu sử học, logic học để làm sáng tỏ vấn đề.

B. NỘI DUNG

Chương 1. Trú xứ của Tăng đoàn thời đức Phật

1. Đời sống du hóa, độc cư thiền định dưới gốc cây

Theo truyền thống Ấn Độ, tu sĩ của các tôn giáo sẽ sống trong rừng, và trong những năm đầu, đức Phật cùng Tăng đoàn cũng theo truyền thống này mà chỉ sống trong rừng, thiền định dưới gốc cây, không xây cất nhà cửa ổn định. Sau này, có hai tinh xá lớn được xây dựng do hai vị đại thí chủ hiến cúng là Kỳ Đà và Cấp Cô Độc, từ đó, các vị tỷ kheo mới được ở trong phòng ốc. Tuy nhiên đức Phật luôn tán thán các vị tỷ kheo sống viễn ly trong rừng núi: “Trong năm hạng người này sống ở rừng, này các Tỷ-kheo, hạng sống ở rừng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu”1. Người sống ở rừng núi vì không nhiều lòng mong cầu, vì xa rời các bất thiện pháp, thực hành các pháp thiện là người tối thắng được đức Thế Tôn tán thán. Sống trong rừng là lối sống hòa hợp với thiên nhiên đất trời. Sống cùng thiên nhiên là điều kiện thích hợp đưa con người trở về thuở ban sơ ít chịu sự chi phối của tính tham lam tật đố. Nghiệp lực chiêu cảm khiến chúng sinh thọ sinh ở cõi này luôn nhiều lòng mong cầu và không bao giờ biết đủ. Vì thế một lối sống tối giản cùng thiên nhiên là môi trường tối thắng giúp con người trở về thiện lương. Dù vậy, đức Phật không chỉ định các vị tỷ kheo phải sống độc cư trong rừng: “Này Bà-la- môn, thật khó kham nhẫn những trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn, đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Ta nghĩ rằng rừng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỷ-kheo chưa chứng Thiền định”2. Bản chất con người luôn sợ hãi trước sự im lặng, vì vậy nếu một người chưa chứng quả sẽbị im lặng làm rối loạn tâm trí, là sự trở ngại cho sự tu hành.

Thiền định là sự lắng đọng thân tâm, là sự yên lặng tuyệt đối của vọng niệm, vì vậy nếu chúng ta sợ hãi trước cảnh im lặng bên ngoài sẽ không thể nào đối mặt với sự lặng im đáng sợ từ bên trong. Một người phát nguyện xuất gia tức người này phải tâm bồ-đề dõng mãnh tiến tu không lui sụt. Người đi theo con đường xuất sĩ là người đi ngược lại dòng chảy cuộc đời. Người đời ham muốn giàu sang phú quý ta chọn lối sống tối giản, người đời ưa thích ồn ào huyên náo ta chọn cho mình chốn về vắng lặng an tịnh. Nếu một người không phát nguyện một đời chỉ đi một đường này thẳng tới Niết-bàn chắc chắn họ không có đủ nghị lực giữa những cám dỗ của thực tế đời sống.

Đức Phật lại tán thán hạnh sống trong rừng núi: “Này các Tỷ-kheo, tức là sống trong rừng… sống khất thực… mang y phấn tảo… chỉ mang ba y thuyết pháp… trì luật… biết nhiều về sự thật… đã lâu ngày là vị trưởng lão… có oai nghi nghiêm chỉnh… có được hội chúng quy tụ… có đại hội chúng đoanh vây, con gia đình tốt đẹp … diện mạo đoan chính … ngôn ngữ hòa nhã … thiểu dục… không có bệnh hoạn”3. Như vậy, tỷ kheo sống trong rừng núi là bậc trưởng thượng, đáng được cung kính, đáng được cúng dường. Rừng núi là môi trường thuận tiện tăng trưởng lòng ít muốn biết đủ, các vọng niệm ít có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, không phải vị tỷ kheo nào cũng có thể sống trong rừng núi ngoài những bậc Thánh tăng. Vậy như thế nào là sống độc cư trong rừng núi đúng chính pháp?

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Cuoc Doi Duc Phat 1

2. Như thế nào là sống độc cư trong rừng núi đúng chính pháp

Trong kinh Trú Xứ nói: “Này các Tỷ-kheo, trú xứ không quá xa, không quá gần, thuận tiện cho đi và đến… tìm được không mệt nhọc các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Tại trú xứ ấy, các Trưởng lão Tỷ-kheo đến ở là những bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu… giải tỏa các nghi vấn ấy. Tỷ- kheo… thân cận chia sẻ trú xứ thành tựu năm chi phần…ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí có thể chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”4. Nói một cách tổng quát, nơi nào thuận tiện cho việc ăn ở, không quá hà khắc, nơi có sự tu tập một cách chân chính, nơi ở ấy có thể đưa đến sự giải thoát, vị tỷ kheo nên ở chỗ ấy. Dù tỷ kheo sống trong tụ lạc hay rừng núi nhưng sự tu tập bị quấy nhiễu, chỗ ở ấy, Như Lai đều không hoan hỷ: “Người Sa-di phá phách vị Tỷ-kheo…xuất khỏi Thiền định…Ta không có hoan hỷ với trú xứ của vị ấy,…một Tỷ-kheo đang ngồi ngủ ngục ở trong rừng…sau khi đoạn trừ ngủ nghỉ và mệt nhọc…đạt được nhất tâm…ta hoan hỷ với trú xứ này…Tỷ-kheo sống ở rừng nhận được các vật dụng cần thiết… nhưng chận đứng các lợi dưỡng…không bỏ phế Thiền tịnh…Ta hoan hỷ…khi Ta đang bước đi trên con đường, trước mặt, Ta không thấy ai; sau lưng, Ta không thấy ai; trong khi ấy, Ta cảm thấy an ổn…”5. Đức Phật luôn hoan hỷ với những ai xa rời sự huyên náo, tu hạnh viễn ly tìm cầu giải thoát. Dù sống ở nơi nào, tỷ kheo phải luôn chỉ vì một mục đích duy nhất là đạt được giải thoát. Chúng ta nhận thấy ngay lòng đại từ bi của đức Thế Tôn trong đoạn kinh này. Một vị tỷ kheo phát tâm vô rừng tu tập, do sự mệt mỏi của thân tỷ kheo này đã ngủ gục. Đức Phật dạy rằng sau khi đoạn trừ sự mệt mỏi của thân không còn ngủ gục, vị tỷ kheo này sẽ đạt được thành tựu và đức Thế Tôn hoan hỷ với trú xứ của vị này. Đức Phật không phải người hà khắc, ngài không ép buộc bất cứ ai dù đó là đệ tử của ngài. Đức Thế Tôn luôn đi theo con đường trung đạo, không khổ hạnh ép xác, chính vì điều này mà ngài đạt được quả vị tối tôn tối thượng giữa người và trời. Giải thoát giác ngộ không chỉ là quả vị cần đạt đến, giải thoát giác ngộ còn là kim chỉ nam, cũng là đạo lộ thẳng tắp mà người xuất gia cần phải đi, không quanh co không ngã rẽ bởi bất cứ dục vọng nào.

Chương 2. Pháp là trú xứ lý tưởng cho đời sống người xuất gia

1. Trú xứ lý tưởng trong chính pháp là gì?

Kinh Khu rừng ghi lại: “Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh… những vật dụng này cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia kiếm được một cách khó khăn…. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại, ngay lúc ban ngày hay lúc ban đêm”6. Đây là khu rừng mà người xuất gia dù lúc nửa đêm cũng phải bỏ đi không được ở lại, không có ích cho sự tăng trưởng đạo tâm, lại không có các nhu cầu thiết yếu đối với một tỷ kheo. Cũng trong đoạn kinh này, đức Phật dạy, tỷ kheo sống trong khu rừng nơi các niệm an trú không được an trú,…các vật dụng cần thiết cho người xuất gia có đủ, người này cũng phải suy tính từ bỏ khu rừng không được ở lại. Nơi có nhu cầu thiết yếu đầy đủ nhưng không giúp ích cho con đường tu tập tỷ kheo cũng phải bỏ đi, không được ở lại. Ngay tại khu rừng, các niệm chưa được an trú được an trú, các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt, các vật dụng tìm kiếm khó khăn, tỷ kheo phải suy tính ở lại khu rừng không được bỏ đi. Nơi ở giúp tăng trưởng hạnh lành, điều kiện sống không được đầy đủ, tỷ kheo cũng không được bỏ đi, vì mục đích của tỷ kheo là phát triển đạo tâm, không thể vì vật chất nhu cầu mà từ bỏ nơi có thể giúp mình thành tựu đạo nghiệp. Có một khu rừng là chỗ ở tối thắng, tỷ kheo phải ở trọn đời không được rời bỏ, dù bị xua đuổi: “Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú… vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt. Và những vật dụng cần thiết… kiếm được một cách không khó khăn7”. Không chỉ đối với khu rừng, bất cứ nơi nào là chỗ mà tỷ kheo ở dù là ngôi làng, thị trấn, đô thị, quốc gia hay người mà tỷ kheo ở cùng, tỷ kheo cũng phải dựa vào các đặc tính như trên lựa chọn nơi ở. Như vậy là đúng chính pháp, là chỗ ở của tỷ kheo đúng pháp đúng luật.

Mục đích người xuất gia sống nơi rừng núi, vắng lặng không huyên náo ồn ào không phải vì cầu danh lợi dưỡng, càng không vì sống một mình để phóng túng tự do buông thả. Người xuất gia ưa thích nơi riêng rẽ, ở trên núi cao hay trong rừng sâu chỉ vì hai mục đích: “Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sinh đời sau”8. Nơi ở độc cư không có tiếng người, có thể tùy thuận tĩnh tọa đem lại lợi lạc an vui cho bản thân ngay trong hiện tại. Đây cũng là thân giáo để chúng sinh noi theo cùng được hạnh phúc hiện tại. Như vậy, việc chọn nơi ở của tỷ kheo cũng là phương tiện thi hành Bồ-tát đạo, tự lợi lợi tha viên mãn. Trong kinh Tạp A-hàm ghi lại đức Phật nêu lên ví dụ con mèo nuốt con chuột vào trong bụng, con chuột sẽ dần dần ăn hết nội tạng mèo, cũng như vị tỷ kheo sống trong tụ lạc không khéo tu tập: “Tỳ-kheo, có người ngu si nương nơi làng xóm mà sống, sáng sớm đắp y, ôm bát, vào thôn khất thực mà không khéo hộ thân, không giữ các căn, tâm không cột niệm… thân tâm bị thiêu đốt không thích nơi rừng vắng, không thích dưới bóng cây; bị tâm ác bất thiện ăn vào pháp bên trong mà xả giới, thoái thất. Tỳ-kheo, cần phải học như vậy: Khéo hộ thân mình, giữ gìn các căn môn, buộc tâm chính niệm mà vào thôn khất thực”9. Người sống trong làng xóm đông đúc thấy vui vẻ như con mèo kia nuốt được con chuột tưởng là mình sức mạnh, tự hào vì bản thân tài giỏi. Người này không biết sự nguy hiểm của tụ lạc như con mèo kia đang bị con chuột ăn hết nội tạng. Tỷ kheo bị các pháp bất thiện thấm vào trong tâm, từ bỏ các giới điều, quên hết thảy các thiện pháp. Một ngày kia tỷ kheo này sẽ từ bỏ đời sống thanh tịnh như con mèo kia bị chết vì chuột ăn hết nội tạng. Đời sống huyên náo dẫn đến buông thả phóng túng là điều vô cùng nguy hiểm cho người xuất gia.

2. Tự làm nơi nương tựa cho chính bản thân theo chính pháp

Kinh Du hành, kinh Chuyển luân vương tu hành đều đề cập lời đức Thế Tôn dạy: “A-nan, hãy tự mình thắp sáng; thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác”10. Bản thân mỗi người luôn là ốc đảo lý tưởng, đáng tin tưởng và vững chắc hơn tất cả các ngoại pháp khác. Đức Phật luôn dạy chúng đệ tử quán sát bản thân, chiến đấu với bản thân và cũng nương tựa bản thân để tìm cầu giải thoát. Pháp luôn hằng hữu trên thế gian chưa từng biến mất, thế nhưng để có được thân người lại là điều vô cùng khó khăn. Ví như một con rùa mù sống trên biển, muốn gặp được bọng cây nghìn năm mới nổi lên một lần là điều vô cùng hy hữu. Như thế nào là nương tựa vào chính mình, đó là: “Quán nội thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời…quán ngoại thân, thọ, ý, pháp cũng như vậy”11. Tu tập không phải quán sát cảnh bên ngoài, lại càng không phải rong ruổi bốn phương để tìm cầu chân lý. Tu tập là thực hành Tứ niệm xứ, hay quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp là con đường chính trí, thẳng tới Niết-bàn. Kinh Đại Niệm Xứ ghi lại: “Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chính lý, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ”12. Tứ Niệm Xứ là con đường giải thoát chỉ có trong Phật giáo. Đây là con đường mà đức Thế Tôn đã đi qua chứng đắc vô thủ trước Niết-bàn, và giờ đây ngài tuyên thuyết lại cho chúng sinh. Đức Phật luôn mong mỏi chúng sinh đi theo con đường ngài chỉ dạy để được như ngài. Ngài không cho mình là vị tối tôn, ngài tuyên bố rằng ngài là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Sự bình đẳng trong giáo pháp Như Lai trở thành bình đẳng tuyệt đối từ xưa đến nay chưa từng có trong bất cứ tôn giáo nào.

Quay trở lại bản tâm để quán sát là sự trở về chơn chính, quán sát chính mình cũng là quán sát cả vũ trụ đang tồn tại bên trong mỗi người. Thế giới bên ngoài là hình ảnh phản chiếu từ trong tâm thức của mỗi chúng sinh. Chính pháp là chân lý của sự sống, là bản thể sinh động đang hiện hữu cùng khắp. Như ánh sáng của mặt trời tỏa chiếu khắp không gian, chúng ta chỉ cần mở cửa ra thì ánh sáng tức thời hiện hữu, chẳng phải nhọc công đi tìm kiếm ở đâu xa. Thực tại của sự sống không cho phép ta dùng ngôn ngữ và khái niệm chủ quan để tiếp xúc, mà chỉ cần buông xuống mọi ý niệm thì khi ấy bạn sẽ tự cảm nhận được hương vị của thực tại, vị ngọt của chính pháp.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tru Xu Ly Tuong Theo Quan Diem Phat Giao 1

Chương 3. Trú xứ lý tưởng cho đời sống xuất gia ngày nay

1. Đời sống rừng núi phải chăng đã không còn phù hợp với người xuất gia trong xã hội hiện nay

Tỷ kheo không vì vật thực mà cầu xuất gia, không vì danh lợi, không vì sự cung kính của thế gian mà cầu xuất gia. Tỷ kheo xuất gia chỉ vì mục đích: “Hiền giả, khi hỏi “có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích giới thanh tịnh?… có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tri kiến thanh tịnh?”, Hiền giả trả lời “Không phải vậy”. Hiền giả, với mục đích vô thủ trước Bát-niết-bàn, nên sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn”13. Đời sống xuất gia chỉ vì một mục đích cao tột vô thủ trước Niết-bàn, nghĩa là không nắm giữ Niết-bàn. Ngay cả Niết-bàn là cảnh giới cao nhất cũng không nắm giữ, đây mới là điểm khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác. Các phái ngoại đạo có sự tu và sự chứng đến các tầng giới thiền cao nhất nhưng họ không thể đi cao hơn nữa bởi họ nắm giữ lấy quả vị mình đã chứng, không có sự xả ly, vì vậy sự tu chứng của họ vẫn còn luân hồi trong tam giới.

Xã hội hiện nay không cho phép chúng ta, những người tu sĩ sinh hoạt giống như đời sống Tăng đoàn khi Phật còn tại thế. Phật giáo muốn tồn tại và phát triển cần phải linh hoạt thay đổi để thích nghi hòa hợp cùng với con người. Vì vậy, đời sống Tăng đoàn hiện nay về mặt hình thức khác với Tăng đoàn thời đức Phật rất nhiều. Nếu như hiện nay Tăng sĩ nhất quyết sống trong rừng núi, sống đời sống nay đây mai đó, chắc chắn rằng Phật giáo đã không thể phát triển như ngày nay, hơn nữa còn bị đào thải khỏi xã hội. Phật giáo phải phù hợp với nhân sinh, Phật giáo là để phục vụ nhân sinh. Phật giáo hiện nay phải là Phật giáo nhập thế, bước vào đời để xoa xịu nỗi khổ niềm đau cho nhân loại, cứu giúp nhân loại trước tình cảnh vật chất đi lên, đạo đức suy đồi.

2. Sống giữa cuộc đời như hoa sen vươn khỏi mặt bùn nở hoa khoe

Giữa đời sống đạo đời dung hợp, các vị thiền sư đã thể hiện được đạo tâm kiên cố, không bị cuộc đời chi phối. Dù là trong thời loạn lạc chiến tranh hay thái bình thịnh thế, các vị chân tu đắc đạo trong Phật giáo của chúng ta vẫn chưa từng vắng bóng. Các ngài luôn thị hiện giữa cuộc đời là những người hết sức bình thường nhưng sống một đời không tầm thường. Không Lộ thiền sư cảm tác bài thơ Ngôn hoài khi sống tự tại thong dong trong cuộc đời:

“Trạch đắc long xà địa khả cư
Dạ tình chung nhật diệc vô dư
Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”14.

(Tạm dịch:
Chọn được mảnh đất rồng có thể cư trú
Từ sáng suốt đến chiều đều vui vẻ
Có khi trèo lên đỉnh núi một mình
Kêu dài một tiếng lạnh cả đất trời.)

Giữa thế sự bộn bề, chúng ta tìm một nơi non vắng để tự mình cảm thấy vui vẻ. Cách sống và tâm thế của thiền sư thật đáng kính: chan hoà với thiên nhiên, gắn bó với sông núi, sống một cách mạnh mẽ. Các vị thiền sư luôn chọn lối về là nơi núi sâu non vắng, chỉ những nơi hùng vĩ rộng lớn dường như mới thỏa được tấm lòng muốn dung cả đất trời của các ngài. Tuy tụng kinh niệm Phật nhưng các vị thiền sư không lánh đời, tâm tính thoát tục nhưng vẫn nhập thế tích cực. Và với hành động “trực thướng cô phong đỉnh…”của thiền sư là một việc thể hiên sự phóng khoáng, tâm thế không bị bó buộc bởi hoàn cảnh. Một con người luôn mở rộng lòng với đất trời, tâm lượng rộng lớn trải khắp đến chúng sinh vô cùng.

Trần Nhân Tông với bài phú Cư trần lạc đạo nói rằng:

“Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm…”15

Đây là tinh thần sống lý tưởng cho giới xuất gia ngày nay. Tu sĩ Phật giáo ngày nay không thể lui về núi rừng ở ẩn tìm cầu sự an bình cho bản thân. Tu sĩ Phật giáo ngày nay ngoài việc tu tập được coi là bản chất của tăng sĩ như còn sống là còn thở, thì, chúng ta còn phải sống theo lý tưởng Bồ-tát đạo. Chúng ta, những người mang chí hướng xuất trần thượng sĩ có trách nhiệm là đem đạo vào giữa cuộc đời. Chúng ta phải tự tìm kiếm được nơi trú ẩn bình an nhất trong tâm mình. Nương tựa vào chính pháp của Như Lai là nơi nương tựa kiên cố và tuyệt đối bình an. Trú xứ an ổn nhất của con người ở ngay trong tâm người đó. Tâm được huấn luyện theo chính pháp sẽ trở thành nơi nương tựa vững chãi duy nhất mà chúng ta cần tin theo và quy trở về. Tuệ Trung thượng sĩ có câu:

“Ngày ngày khi đối cảnh
Cảnh cảnh từ tâm sinh
Tâm cảnh xưa nay không
Chốn chốn Ba-la-mật”16.

Hết thảy vạn pháp đều do vọng tưởng trong tâm mà tạo ra, biết vậy chúng ta không được để cho ảo cảnh bên ngoài chi phối. Chúng ta quay trở về bên trong quán sát tâm tưởng, kiểm soát vọng tâm, vậy thì trần cảnh cũng chỉ là các pháp giả hợp bên ngoài không can dự đến chúng ta. Dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu, tâm an tức thế giới bình. Vì vậy đừng chạy rong ruổi bên ngoài tìm một nơi trú ẩn cho tâm thức. Chúng ta hãy dừng lại cái tâm tìm kiếm, buông bỏ mọi thứ nắm giữ, ngoảnh đầu lại sẽ là ngôi nhà bình an. Tu sĩ Phật giáo tùy duyên mà đến, cũng tùy duyên mà đi, không lựa chọn chỗ ở. Vì chỗ ở của người xuất gia ở bên trong tự tâm của mỗi người, ở trong ngôi nhà chính pháp không phải ở bên ngoài.

C. KẾT LUẬN

Người đời thường coi trọng nơi ăn chốn ở, coi trọng việc tìm một nơi ở thích hợp để ổn định cuộc sống lâu dài. Một người có thể chuyển chỗ ở nhiều lần, cho đến khi họ cảm thấy thỏa mãn, phù hợp với những mong muốn của bản thân. Họ cho rằng điều kiện ngoại cảnh là yếu tố quyết định cuộc sống của mình. Do vậy con người thường phải chịu rất nhiều những khó khăn bất như ý trong cuộc sống. Phật giáo nhìn rõ được nguyên nhân của khổ đau không phải xuất phát từ ngoại cảnh. Ngoại cảnh chỉ là hình ảnh được phản chiếu từ bên trong tâm thức của con người. Con người nếu chỉ chạy ra bên ngoài tìm kiếm những nhu cầu thỏa mãn mong muốn của bản thân, chắc chắn không bao giờ có thể tìm kiếm được. Trong xã hội ngày nay, vấn đề chăm sóc tâm linh, hướng con người trở về lại bản chất thật của chính mình trở nên thực sự cần thiết và cấp bách.

Người tu sĩ trong xã hội hiện đại, vì thế, càng có trách nhiệm lớn trong việc hướng dẫn tâm thức con người trở về đường chơn nẻo chính. Chúng ta đóng vai trò như những vị thầy tâm linh, xoa dịu tâm hồn chúng sinh, chỉ dẫn hay thậm chí là cầm tay dẫn dắt chúng sinh vượt qua đau khổ cuộc đời. Nhưng trước khi thực hiện hạnh nguyện độ tha, hành giả phải xây dựng nội tâm kiên cố bằng những viên gạch của chính pháp. Những viên gạch chính pháp này kiên cố hơn kim cương, không có bất kỳ điều gì có thể lay động. Và, chỉ những viên gạch chính pháp này mới đủ vững chắc xây được ngôi nhà bất diệt cho chúng sinh nương tựa. Trú xứ lý tưởng tối tôn tối thượng trong Phật giáo chính là giáo pháp của Như Lai. Ngôi nhà chính pháp là ngôi nhà thanh lương mát dịu, kiên cố hằng hữu không gì có thể hoại diệt.

Tác giả: Thích Nữ Uyển Nhiên
Học viên Ths K.5 – Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích:
1. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi 2, kinh Rừng, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997, 664-665.
2. Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ 1, kinh Sợ hãi và khiếp đảm, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997, 42-42.
3. Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi 1, phẩm Thiền định, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997, tr. 81.
4. Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng Chi 4, kinh Trú Xứ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997, 253-254.
5. Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi bộ 3, kinh tôn giả Nagita, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997, 103,104.
6. Thích Minh Châu, Trung Bộ 1, kinh Khu rừng, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997, 240.
7. Thích Minh Châu, Trung Bộ 1, kinh Khu rừng, Sđd, 241.
8. Thích Minh Châu, Trung A-hàm 1, kinh Sa kê đế tam tộc tánh tử, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997, tr.290.
9. Thích Minh Châu dịch, Tạp a hàm 4, kinh số 1259, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997,449.
10. Thích Minh Châu dịch, Trường A-hàm 1, kinh Du hành 1, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997, 120.
11. Thích Minh Châu dịch, Trường A-hàm 1, kinh Du hành 1, Sđd, 1997,
12. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, số 22, Đại Niệm Xứ, Hà Nội, nxb Tôn Giáo, 2016, tr .445.
13. Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ 1, kinh Trạm xe, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997, 339-340.
14. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, 154.
15. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, 339.
16. thivien.net/Tuệ-Trung-thượng-sĩ/Trì-giới-kiêm-nhẫn-nhục/poem- UVeKVCaO6_GsgCNIG1Y6Xg. (Truy cập ngày 3/5/2022).

THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi 2, kinh Rừng, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
2. Thích Minh Châu dịch, Trường A-hàm 1, Kinh du hành 1, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
3. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, số 22, kinh Đại Niệm Xứ, Hà Nội, nxb Tôn Giáo, 2016.
4. Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ 1, kinh Trạm xe, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
5. Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ 1, kinh Sợ hãi và khiếp đảm, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
6. Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi 1, phẩm Thiền định, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
7. Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng Chi 4, kinh Trú Xứ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
8. Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi bộ 3, kinh tôn giả Nagita, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
9. Thích Minh Châu, Trung Bộ 1, Kinh Khu rừng, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
10. Thích Minh Châu, Trung A-hàm 1, Kinh Sa-kê-đế tam tộc tánh tử, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
11. Thích Minh Châu dịch, Tạp a hàm 4, kinh số 1259, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, Hồ Chí Minh, 1997.
12. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2010. 13.www.thivien.net/Tuệ-Trung-thượng-sĩ/Trì-giới-kiêm-nhẫn-nhục/poem-
UVeKVCaO6_GsgCNIG1Y6Xg.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường