Trang chủ Bài viết nổi bật Triết lý vô thường qua bài kệ Thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh

Triết lý vô thường qua bài kệ Thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh

Triết lý Vô thường trong bài thơ này được nêu lên để từ đó đưa con người ta nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mình, sống không sợ hãi, luôn luôn tiến về phía trước, không dao động hay nao núng, để rồi bình thản đối diện, vượt qua bao thăng trầm thịnh suy.

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

Triết lý Vô thường trong bài thơ này được nêu lên để từ đó đưa con người ta nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mình, sống không sợ hãi, luôn luôn tiến về phía trước, không dao động hay nao núng, để rồi bình thản đối diện, vượt qua bao thăng trầm thịnh suy.

Tác giả: Quan Gia Bửu
Hiện đang theo học Tiến sĩ năm 3, trường Đại học Nam Kinh

Dẫn nhập

Thiền sư Vạn Hạnh là một nhân vật lịch sử kỳ đặc của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời Ngài gắn liền với những biến thiên của lịch sử dân tộc, là nhân tố quan trọng trong sự chuyển đổi triều đại vô cùng khéo léo và ôn hòa.

Ngài là một trong những nhà trí thức Phật giáo làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý được thành lập, một triều đại phong kiến đưa đất nước ta bước vào giai đoạn thịnh trị, tự cường và phát triển.

Trên tất cả điều đó, Ngài vẫn là một người con Phật, một Thiền sư có đạo hạnh và nội chứng đặc biệt, đã kế thừa và hoàn thành xuất sắc những ước nguyện, ưu tư đối với dân tộc Việt của các vị Tổ sư đời trước thuộc thiền phái Tỳ ni đa lưu chi.

Một cuộc đời vĩ đại được thành tựu dưới ánh sáng của Phật pháp, để lại cho hậu thế những bài học lớn về sự bản lĩnh, trách nhiệm và trí tuệ siêu việt. Thiền sư Vạn Hạnh có nhiều tác phẩm để lại cho hậu thế, trong đó nổi bật nhất là bài kệ lúc Ngài sắp thị tịch.

Bài kệ là một sự chiêm nghiệm của Ngài về thế cuộc nhân sinh, đồng thời đó cũng là một sự khẳng định, một tuyên ngôn cho tất cả những việc làm trong cả cuộc đời tu tập và hành đạo của Ngài. Qua đó, người viết xin chọn đề tài: “Triết lý Vô thường qua bài kệ Thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh” để nghiên cứu.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Triet ly vo thuong bai ke thi tich thien su Van Hanh 2

Tượng thiền sư Vạn Hạnh tại chùa Tiêu, Bắc Ninh.

1. Phân tích bài kệ Thị tịch

Bài kệ trước lúc thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh là một trong những bài thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam. Được lưu truyền bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt của Đường thi, bài thơ đã đúc kết cả một triết lý hành động mà cả đời Thiền sư theo đuổi. Mở đầu bài thơ với câu:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Ngày nay, khi nhắc đến danh từ “điện ảnh”, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một ngành nghề hấp dẫn với sức ảnh hưởng vô cùng to lớn trong xã hội hiện đại.

Theo Đại từ điển Tiếng Việt giải thích, “điện ảnh (danh từ) 1. Kĩ thuật thu vào phim những hình cử động liên tục và chiếu lại lên màn ảnh. 2. Ngành nghệ thuật dùng kĩ thuật để thu phát kịch bản được dàn dựng, đạo diễn công phu”[1]. Nhưng không thể tiếp cận từ “điện ảnh” trong câu thơ trên với ý nghĩa như vậy.

Ở đây chúng ta cần chú ý đến vấn đề niên đại của tác phẩm và hình thức ngôn ngữ đã được tác giả sử dụng (như đã trình bày ở trên). Cho nên “điện ảnh” trong câu thơ phải được hiểu là bóng chớp hay ánh chớp xuất hiện trên nền trời. Thân ta như ánh chớp có đấy rồi tan biến ngay, nhanh chóng chẳng nghĩ lường được, mong manh tạm bợ. Ví thân Năm uẩn này của con người như “điện ảnh”, câu thơ gợi cho người đọc nghĩ đến bài kệ trong kinh Kim Cang:

“Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán”.

Thân người vô thường biến đổi như vậy đấy, không ai có thể nằm ngoài quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử, có rồi trở về không. “Hữu hoàn vô”, cụm từ này chúng ta cần đặc biệt chú ý. Trong các bản dịch thơ của các tác giả: Ngô Tất Tố, Nguyễn Lang, Lê Mạnh Thát đều dịch thành “có rồi không”, trong khi đó Hòa thượng Mật Thể bỏ luôn cụm từ trên và thay thế bằng “chiều tà” (Thân như bóng chớp chiều tà…).

Dịch từ “hoàn” thành “rồi” có lẽ chưa thỏa đáng lắm, đôi khi sẽ dẫn đến hiểu lầm nếu người đọc không tiếp cận được văn bản gốc. Nếu nói rằng thân này có rồi không, thì thân này mặc dù đổi thay nhanh chóng nhưng vốn là có, và cuối cùng chẳng có gì. Có không trở thành hai phạm trù đối đãi, thể hiện ý hướng tương phản với nhau. Tuy nhiên, “hoàn” có nghĩa là trở về, trở lại, như vậy vốn cái có của thân này xuất phát từ cái không, và rồi trở về với cái không đó.

Có không lúc này chẳng có nhị nguyên, đối lập, vốn dĩ cái này đã hàm tàng cái kia, cho nên một dòng tương sinh tương tức cứ thế chuyển biến. Thế nên, “không” ở đây cũng chẳng mang nghĩa phủ định là không có, không tồn tại một cái gì, mà “không” này là “tên của bản tính nguyên thủy, bản tính đầu tiên, của tất cả mọi thứ trong vũ trụ”[2], hay ta còn gọi đó là Tánh Không.

Tất nhiên trong giới hạn của một bản dịch thơ, các dịch giả đã cố gắng chuyển tải nội dung sao cho thật sát với bản gốc, nhưng để thấu đạt tư tưởng của tác giả, người đọc chỉ nên tham khảo các bản dịch thơ và cần tiếp cận trực tiếp nhiều lần với văn bản gốc, như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng nói: “Một lần nhắc lại một lần mới”.

Câu thơ thứ hai được trình bày:

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Cũng như con người bị chi phối trong vòng Sinh-Lão-Bệnh-Tử, mọi sự vật hiện tượng đều chịu sự tác động của vô thường biến chuyển: Sinh-Trụ-Dị-Diệt (hay còn có thể gọi theo cách khác: Thành-Trụ-Hoại-Không). Cỏ cây xuân đến thì tươi tốt, sang thu bỗng héo vàng, là một quy luật tất yếu không một hữu tình hay vô tình chúng sinh nào có thể thay đổi hay tránh né những định luật này, và những hành động trốn tránh hay phủ nhận chỉ đưa đến bám chấp và khổ đau.

Có thể nhận thấy trong hai câu thơ đầu tiên, tính vô thường của sinh loại đã được nhận chân dưới sự hiện quán sâu sắc của Thiền sư Vạn Hạnh. Không một từ nào trong hai câu thơ trên bộc lộ cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố như thường tình thế gian khi nhận chân được sự thật của các kiếp sống.

Bởi dưới cái nhìn tuệ giác của vị thiền giả, các pháp vốn là như vậy, sinh ra như vậy, tồn tại như vậy, mất đi như vậy, rồi lại tiếp tục sinh ra, sự thật thay đổi là như vậy thì có gì để mà xúc cảm, nếu có thì xúc cảm này cũng chỉ là chạy theo trần cảnh mà thôi, và đó không phải là tinh thần hiện quán mà nhà Thiền hướng tới.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Câu thơ thứ ba cho thấy, giữa những biến chuyển, thay đổi nhanh chóng của cuộc phù sinh, con người phải như thế nào? Trước hết cần nhận chân được cuộc đời vốn mong manh, trôi qua nhanh chóng, kể cả mọi sự mọi vật cũng như vậy. Vận cuộc nhân sinh thịnh rồi suy, hợp rồi tan, chẳng đặng dừng hay khoan dung cho một chúng sinh nào cả. Nhưng biết rõ như vậy không phải chỉ để ủ dột, than van hay buông lung, phó mặc.

Mà ngược lại, cần tránh hai cực đoan trên để “nhậm vận”, tức là tùy thuận theo, tùy theo thế sự mà hành động tích cực. Đây chính là chủ đích nhập thế cao cả của người con Phật, thể hiện tinh thần “hòa quang đồng trần” được Phật giáo đời Lý-Trần đặc biệt chú trọng.

Người con Phật đến với cuộc đời này không phải để phủ nhận, đạp đổ những gì đã có, mà noi gương theo đức Từ phụ “dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sánh vào trong bóng tối”[3], theo thế cuộc xoay vần mà cống hiến cho đời những giá trị tốt đẹp.

Sự cống hiến ấy gắn liền với điều gì? Chính là tinh thần “vô bố úy”, không sợ hãi trước những khó khăn và cám dỗ đang chực chờ phía trước. Thỏng tay vào chợ đời, biết bao nguy nan bủa vây, nhưng khi đã nhận chân được sự thật của cuộc đời và xã hội, con người tự tại trước những thuận nghịch, không một trần cảnh nào trói buộc nổi con người vô bố úy ấy.

Triết lý hành động này của thiền sư Vạn Hạnh đã được Giáo sư Lê Mạnh Thát nhận xét là “yêu cầu con người phải chủ động nắm lấy quy luật phát triển của sự vật và xã hội để không có gì phải choáng váng khi một biến cố nào đó xảy ra, để tích cực hành động, thúc đẩy lịch sử tiến lên theo hướng mình muốn và có lợi cho người”[4].

Đây cũng chính là tư tưởng xuyên suốt cả cuộc đời hành đạo của Ngài. Tham vấn cũng như tự mình gánh vác những chính sự ảnh hưởng đến sự tồn vong suy thịnh của quốc gia, biết bao sự cuộc đổi dời, nhưng với tinh thần không nề hà hay sợ hãi, Ngài đã ung dung tự tại bước qua bao thịnh suy mà không chấp chặt hay dính mắc vào đó.

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Trong câu thơ cuối tác giả đã diễn tả thế sự theo vòng biến chuyển của nhân tình thế thái, vốn dĩ không gì tồn tại mãi mãi, thịnh vượng đó rồi suy tàn, không hẹn trước, không cầu tìm mà được, nhanh chóng trôi qua. Thịnh hay suy rồi cũng như hạt sương móc đầu ngọn cỏ, tan nhanh khi mặt trời lên hay mau chóng rơi xuống khi những cơn gió nhẹ lay. Cho nên có gì mà quan trọng hóa chúng, có gì mà phải sợ hãi?

Qua ba đối tượng hiện quán của Thiền sư Vạn Hạnh là sắc thân, ngoại cảnh và xã hội, đã đúc kết lại cho người đời sau những nhận thức quý giá cũng như bài học lớn về tinh thần trách nhiệm được xây dựng trên nền tảng của sự không đắm chấp, tự tại và vô úy. Chỉ với bốn câu thơ, đã để lại cho người đọc nhiều thế hệ những dư ba, suy ngẫm và mở ra những chân trời mới vượt trên nhận thức thông thường để sống thật đẹp, thật có ích giữa hội chợ phù hoa.

Bốn câu thơ trên cũng đã đúc kết lại cả cuộc đời của một nhân vật lịch sử lỗi lạc, như Giáo sư Lê Mạnh Thát đã tổng kết trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập II như sau: “Cuộc đời Vạn Hạnh đầy ắp những hoạt động tích cực trước sau như một, ước ao thực hiện giấc mơ độc lập thanh bình, thịnh trị cho dân tộc, cho tổ quốc.

Vạn Hạnh đâu phải là một con người chỉ muốn tự trong sạch lấy mình, ‘tự độc thiện kỳ thân’ như nhà Nho thường làm. Sự nghiệp và con người Vạn Hạnh đã được sử sách đánh giá. Công ơn ấy, con cháu hôm nay và mãi mãi về sau vẫn còn ghi nhớ”[5].

2. Sự hiện quán về Vô thường qua bài kệ

Vô thường là một trong những giáo lý đặc trưng của Phật giáo, cũng là một trong ba dấu ấn để minh định chánh pháp, và là pháp hành quan trọng để đạt đến tuệ giác vô thượng. Cho nên trong kinh Pháp Cú số 277, đức Phật đã dạy rằng:

“Tất cả hành vô thường

Với tuệ, quán thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh”.

Qua bài kệ lúc sắp thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh, sự hiện quán và chứng ngộ về pháp vô thường đã được thể hiện sinh động qua các đối tượng, từ đó nêu lên một triết lý hành động nhập thế tích cực thông qua những thi pháp độc đáo.

Các đối tượng hiện quán theo bài kệ lần lượt là sắc thân, ngoại cảnh và xã hội. Cả ba đối tượng này đều chịu sự chi phối của định luật vô thường, biến đổi, không một đối tượng nào có thể nằm ngoài quy luật tất yếu đó. Ở đây, thứ tự của các đối tượng hiện quán làm cho chúng ta nhớ đến lời dạy của đức Phật cho Thiên tử Rohitassa: “Trong cái thân dài độ mấy tấc này với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt”[6].

Do đó, trong sự hiện quán về tính vô thường của các đối tượng, luôn phải bắt đầu từ chính tấm thân Ngũ uẩn, muôn pháp chứng đạt cũng đều từ cái thân độ mấy tấc này. Điều này làm nên giá trị nhân văn của Phật pháp nói chung, và qua bài kệ này của Thiền sư Vạn Hạnh, yếu chỉ đó của Phật pháp đã được một người con Phật thể hiện rõ ràng và nhất quán.

Cũng qua ba đối tượng hiện quán này cho người tiếp nhận tác phẩm thấy được sự liên đới của mọi sự mọi vật. Thân Năm uẩn này không đặt ngoài sự thay đổi của ngoại giới và xã hội, tất cả đều hòa chung vào một giai điệu đổi thay. Trước những đổi thay của ngoại giới và xã hội, nếu con người tự loại mình ra khỏi những biến chuyển không ngừng đó, tránh né hay phó mặc, đó là những ngộ nhận đáng tiếc.

Bởi muôn pháp đều có sự hiện diện trong nhau, viên dung vô ngại, cho nên nếu ai đó tách biệt bản thân ra khỏi xã hội, hay thậm chí là phó mặc trước những thịnh suy của xã hội, thì đồng nghĩa với việc tự đánh chìm mình giữa những chênh vênh của dòng đời. Cho nên, không phủ nhận mà luôn “nhậm vận”, tùy theo duyên cảnh mà hành động.

Vậy phải hành động như thế nào trước sự vô thường biến đổi? Thiền sư đã hiện quán về vô thường trên các đối tượng, nhưng không phải biết vậy rồi để vậy, ngoảnh mặt trước cuộc đời. Triết lý Vô thường trong bài thơ này được nêu lên để từ đó đưa con người ta nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mình, sống không sợ hãi, luôn luôn tiến về phía trước, không dao động hay nao núng, để rồi bình thản đối diện, vượt qua bao thăng trầm thịnh suy.

Có tư duy như vậy, con người ta mới sống cho thật ý nghĩa trong cuộc hoạt tồn mong manh, đong đầy tư lương để đến bên bờ giác ngộ. Bờ giác đó cũng chính là sự “hoàn vô”, trở về bản tính uyên nguyên, tánh giác thường hằng mà vẫn không từ bỏ, quay lưng với sự đời, như Lục tổ Huệ Năng đã dạy:

“Phật pháp ở trong đời

Không lìa đời giác ngộ

Lìa đời tìm chánh giác

Chẳng khác tìm sừng thỏ”[7].

Cho nên, khi ngộ được tính chất vô thường của vạn pháp, nhìn nhận cuộc sống con người và nhu cầu xã hội một cách thực tiễn, một mẫu người lý tưởng đã được Thiền sư chứng thực và xây dựng nên. Con người ấy làm tất cả mọi việc, vì lợi ích cho đời, vì an lạc cho đời nhưng không bám chấp vào một điều gì, dõng mãnh hành động và dứt khoát từ bỏ những chấp chặt buộc ràng, để luôn tự tại an nhiên.

Câu nói của Thiền sư trước lúc thị tịch cũng đã một lần nữa khẳng định điều đó: “Các con muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ, mà cũng không dựa vào chỗ không trụ để trụ”.

Với sự hiện quán trên ba đối tượng rõ ràng, Thiền sư Vạn Hạnh lại một lần nữa khẳng định những triết lý muôn đời đã được đức Phật khám phá và chỉ dạy: Quy luật vô thường chi phối chúng sinh và thế giới, không một đối tượng nào nằm ngoài sự ảnh hưởng đó, khi còn nằm trong vòng lưu chuyển của duyên khởi. Nhận chân được vô thường, là bước đầu tiên để định hình nên triết lý hành động trong cuộc sống. Sự nhận chân này là nhìn nhận đúng như vậy, quán sát mà không đánh giá hay định kiến vào sự biến thiên của các pháp.

Để từ đó, hình thành nên tư duy đúng với sự thật, thấu tỏ chân lý thế gian lẫn xuất thế, đi đến hành động chân-thiện-mỹ. Vô thường, như đã khẳng định ở trên, không chỉ là những lý thuyết nằm trên sách vở hay đầu môi chót lưỡi, mà đó là pháp hành, là triết lý hoạt động của con người lý tưởng để biến tấu lại những thanh âm hỗn tạp của cuộc đời thành một bản nhạc hay lưu truyền mãi mãi trên tinh thần của vô ngã, vô chấp và vị tha.

Vỏn vẹn trong bốn câu thơ hàm súc, nhưng những tư tưởng của tác giả đã không bị giới hạn trong những con chữ, mà vượt thoát khỏi những khung vực đó, bay vút lên để tỏa sáng giữa dòng chảy bất tận của lịch sử văn học nước nhà nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Những hình ảnh sống động, gần gũi cũng được tác giả sử dụng để diễn dịch hóa khái niệm vô thường như “điện ảnh”, “xuân vinh thu hựu khô”, “thảo đầu phô”,… cũng đã góp phần tạo nên dư ba trong lòng người đọc.

Tóm lại, vận dụng thi pháp cổ điển, tính vô thường được thể hiện xuyên suốt qua các đối tượng hiện quán của Thiền sư, từ đó kế thừa những chân lý của Phật pháp đã được chứng ngộ để tạo nên một mẫu người lý tưởng giữa cuộc đời, tham gia vào sự đời đem lại lợi lạc cho nhân sinh.

Kết luận

Qua bài kệ Thị tịch cho chúng ta biết rằng sự chứng đắc của Thiền sư Vạn Hạnh, đã nói lên tất cả từ sự tu tập cho đến việc phụng sự đối với đất nước. Mặc dù phải đối diện với những công việc thế sự nơi triều đình, cùng những cám dỗ của danh lợi nhưng Ngài vẫn luôn giữ được phong thái của một người xuất gia học Phật.

Sự chứng đắc về sự vô thường của cuộc đời đã thể hiện qua bài kệ, điều này cho chúng ta biết rằng dù ở địa vị nào đi nữa, thì mục đích tối thượng là sự tu tập cũng như chánh niệm về sự vô thường của cuộc đời là điều quan trọng của một hành giả xuất gia. Từ đó sẽ giúp cho đời sống tu tập hằng ngày vượt qua mọi sự cám dỗ, con đường tâm linh sẽ luôn thăng tiến và thành tựu viên mãn.

Tác giả: Quan Gia Bửu
Hiện đang theo học Tiến sĩ năm 3, trường Đại học Nam Kinh

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Triet ly vo thuong bai ke thi tich thien su Van Hanh 1

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường