Trang chủ Chuyên đề Triết lý chính trị và xã hội Phật giáo

Triết lý chính trị và xã hội Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Tâm Ý

I. Dẫn nhập

Khi Bồ tát Siddhārtha chưa xuất gia và trở thành một vị Phật, ngài vốn là một thái tử, người duy nhất thừa kế ngai vàng từ cha mình là vua Dudhodana. Chính vì lẽ đó, những tư tưởng, cách thức, phương pháp… để cai trị một đất nước Ngài đã được truyền dạy một cách nghiêm mật để chuẩn bị cho một tương lai kế vị ngai vàng. Từ đó, có thể khẳng định những hiểu biết của Ngài về cai trị của một đất nước theo một quy chuẩn nhất định đương thời cũng như những đúc kết kinh nghiệm từ trước, Ngài đã hoàn toàn nắm rõ và có thể vận hành một cách nhuần nhuyễn với một tư duy nhạy bén và tài năng thiên bẩm. Để sau này khi chứng ngộ dưới cội cây Bodhi, Ngài có thể quán xét biết đâu là chân lý, đúng và sai về những cách thức, chủ trương để có thể vận hành một đất nước được thịnh trị lâu dài.

Mặc dù sau khi thành đạo, đức Phật hoàn toàn không can dự vào chính trị, cũng như khuyên ngăn các đệ tử của Ngài nên tránh xa chốn quan trường, thậm chí là thế sự. Tuy nhiên, trong suốt những năm hoằng hóa của mình, đức Phật đã tùy duyên mà đem những chính kiến về thế gian để tùy mọi hoàn cảnh mà bảo ban cho nhân loại những nhìn nhận đúng về bản chất của các vấn đề trong cuộc sống, trong đó có các vấn đề chính trị và xã hội. Từ đó, mang lại những quan điểm, tư tưởng trong vận hành một đất nước, các giải pháp, cách hành xử… để mang lại một cuộc sống ấm no cho nhân dân và một đất nước hòa bình và phát triển.

Từ những phương thức vận hành đất nước đó và những bài học giáo dục con người biết cách sống và đối xử giữa con người với nhau và môi trường xung quanh trong, ngoài cộng đồng tạo nên một môi trường sống lý tưởng, thiết lập một xã hội lành mạnh và ổn định.

Với một sự xuất hiện phi thường, một đại sự nhân duyên ra đời nhằm đem lại lợi ích cho số đông chư thiên và loài người. Một tinh thần dấn thân để đem lại ánh sáng cho nhân loại, từ những điều nhỏ nhất như: hiếu thảo với mẹ cha; đạo nghĩ vợ chồng; tình anh em; đạo lý thầy trò… cho đến những đạo lý làm thế nào để  trở thành một đấng quân vương đúng nghĩa để quản lý đất nước. Chính vì những lý do thực tiễn đó “triết lý chính trị và xã hội Phật giáo” sẽ làm sáng tỏ những vấn đề đã được đề cập ở trên và hy vọng sẽ trở thành tài liệu hữu ích cho những ai đang muốn tìm hiểu.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Triet ly chinh tri va xa hoi Phat giao co to quoc 1

Thượng cờ Tổ quốc tại chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: St

II. Nội dung

1. Khái niệm chính trị, xã hội và hai trường phái chính trị chính

1.1 Khái niệm chính trị

Theo Viện Từ Điển học Và Bách Khoa Thư Việt Nam, chính trị là “Toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước”[1]. Từ khái niệm này chúng ta có thể hiểu rằng chính trị là một một tổ chức có thể giành lấy chính quyền, giữ gìn, bảo vệ và sử dụng được quyền lực có trách nhiệm định hướng các vấn đề trong nhà nước.

Theo Đại từ điển tiếng Việt:“Chính trị có hai nghĩa: 1. Những vấn đề điều hành bộ máy nhà nước hoặc những hoạt động của giai cấp, chính đảng nhằm giành hoặc duy trì quyền điều hành nhà nước: chế độ chính trị, tình hình chính trị, hoạt động chính trị. 2. Những hiểu biết về mục đích, đường lối và nhiệm vụ đấu tranh của các chính đảng cũng như đông đảo quần chúng: công tác chính trị, giáo dục ý thức chính trị”[2]. Ở khái niệm này chính trị chính là bộ máy điều hành nhà nước và vạch ra đường lối, nhiệm vụ cho đất nước,“Chính trị là một hiện tượng xã hội ra đời gắn liền với sự ra đời của giai cấp và Nhà nước. Từ khi xuất hiện, chính trị đã có ảnh hưởng to lớn tới quá trình tồn tại và phát triển của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại”[3]. Sự ra đời chính trị như một hệ quả tất yếu trong quá trình hình thành và phát triển của nhà nước hay nhân loại.

Chính trị có thể hiểu là một bộ phận đứng đầu đất nước, chỉ đạo và ban hành những chính sách cho một đất nước đi đúng hướng đã hoạch định.“Chính trị không chỉ là một tiểu hệ thống thuộc kiến trúc thượng tầng xã hội, có tác động ảnh hưởng tới các yếu tố quan hệ sản xuất hợp thành cơ sở hạ tầng xã hội, mà quan trọng còn là hoạt động thực tiễn của các giai cấp, các đảng phái và các chủ thể khác nhau trong đời sống xã hội”[4] .

Từ đây, có thể hiểu được rằng chính trị ra đời như một quy luật hiển nhiên trong tiến trình vận động phát triển, là một cơ quan hay tổ chức dẫn dắt một tập thể quốc gia đi theo một mô hình nào đó mà có thể đem lại những giá trị hạnh phúc cho một quốc gia đó. Có tác động sâu sắc và trực tiếp đến mọi chủ thể trong xã hội từ văn hóa, giáo dục, kinh tế,… cho đến nhận thức, quan điểm, lối sống.

1.2 Nguồn gốc và bản chất chính trị

Kinh tế là nguồn gốc của sự ra đời chính trị. Sự ra đời của chính trị gắn liền với sự hình thành phân chia giai cấp trong một cộng đồng, bắt nguồn từ việc dư thừa thức ăn mà sau này là của cải tư liệu sản xuất, những điều này chính là đầu mối cho hoạt động kinh tế ngày nay. Để bảo vệ của cải, con người bắt đầu chọn ra những cá nhân đặc biệt để giữ gìn của cải và phân chia các của cải đó và từ đây hình thành ra những giai cấp ban đầu rồi dần dần mặc nhiên những cá nhân được chọn này có địa vị và quyền hành so với các đối tượng khác.

Về quyền lợi “Chủ nghĩa Mác- Lênin khẳng định chính trị chính là lợi ích, là quan hệ giữa các giai cấp trong việc phân chia lợi ích”[5]. Lợi ích ở đây chính là của cải, những giá trị cao nhất trong một cộng đồng,“bất kì vấn đề chính trị nào cũng đều có liên quan đến quyền lợi của các giai cấp và nhà nước”.[6]

“Chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng,bao gồm hệ tư tưởng chính trị, nhà nước, các đảng phái xuất hiện khi xã hội phân chia thành các giai cấp dựa trên cơ sở hạ tầng kinh tế”[7]. Từ đây có thể khẳng định yếu tố quyết định của chính trị hay các giai cấp chính là kinh tế.

Bản chất chính trị là giai cấp. Trong một hệ thống vận hành bộ máy nhà nước, để bộ máy đó được vận hành trôi chảy thì cần phải có các quy chế và hệ thống vận hành, có các giai cấp, có bộ, ban, ngành và đoàn thể… các mối quan hệ đó gắn bó mật thiết và có sự tương quan gần gũi, hỗ tương cho nhau. Tuy nhiên, “trong các quan hệ đó, các giai cấp xác định đâu là giai cấp thống trị, đâu là giai cấp, tầng lớp bị thống trị, đâu là giai cấp, tầng lớp tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị”[8].

Khi đã hình thành giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị thì sự hiển bày của quyền lực chính trị được bộc lộ, nhằm trấn áp các thế lực có khả năng chống phá và làm lung lay các lợi ích mà giai tầng mình có được. Và mặc nhiên, quyền lực chỉ có được khi đã có các giai cấp hình thành và khẳng định. Cho nên có thể thấy rõ bản chất của chính trị chính là giai cấp.

1.3 Hai trường phái chính trị chính

Hai trường phái này dựa trên những quan điểm, tư tưởng, học thuyết chính trị mà phân định gồm: nhân trị và pháp trị.

1.3.1 Nhân trị

Ở đây chúng ta cần hiểu đúng về khái niệm “Nhân trị”. Nhân trị có phải là dùng lòng từ, đạo đức mà cảm hóa con người, dùng tình thương và sự nhân ái để khiến con người về với lối sống thuần lương và đạo đức mà không phải dùng hình phạt hà khắc, tàn bạo? Phải, nhưng ai là người dùng đạo đức và tình thương để cảm hóa lòng dân? Đúng vậy, là vua, là người lãnh đạo đứng đầu. Ở đây chúng ta cần hiểu đúng rằng “nhân trị” chính là đức độ và lương tâm của nhà lãnh đạo, có thương dân, chăm lo cho dân và thương dân như con hay không! Nhân trị chính là cách, là phương pháp điều hành đất nước, mà một vị vua lo cho dân như thế nào, chứ không chỉ là những lý thuyết suông, đi đầu trên xóm dưới dạy đạo đức, hay khuyên người sống lương thiện.

Vậy có thể hiểu nhân trị chú trọng đến phong cách đạo đức nhà vua, tâm lượng và lòng từ của nhà lãnh đạo, từ đó các chính sách, phương pháp dùng để chăm lo cho dân khi ban hành mang màu sắc đạo đức và nhân văn. Mọi việc làm của nhà lãnh đạo đều hướng đến một mục đích là lợi ích cho dân, không tư lợi, hà khắc và chủ quan, phiến diện… Có thể thấy, đây là một mẫu mô hình nhà nước lý tưởng.

Về mặt tư tưởng thiết lập một nhà nước như vậy thì từ xưa đến nay đã có ghi nhận rất nhiều những nhà chính trị thông thái từ phương Đông cũng như phương Tây. Trong đó có thể nói đến hai nhân vật tiêu biểu như phương Đông có Khổng Tử; phương Tây có Platon.

Khổng Tử (551-479 TCN) nhà tư tưởng cổ đại Trung Quốc, người sáng lập ra Nho giáo. Hình mẫu người làm chính trị là bậc quân tử, quan điểm chính trị của ông chính là lấy đức trị dân. Đức ở đây nói đủ là đạo đức: đạo chính là tu thân- tề gia- trị quốc- bình thiên hạ; đức ở đây là nhân- trí- dũng. Trong đó, nhân là cái gốc để lý luận nên một nền nhân trị để bình thiên hạ.

Ông quan niệm rằng:“Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần, cư kì sở nhi chúng tinh củng chi. Dịch:Làm chính trị (trị dân) mà dùng đức (để cảm hoá dân) thì như sao bắc đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về cả (tức: thiên hạ theo về)”[9]. Quan điểm rất rõ, nhân trị ở đây chính là ở nhân đức của vua, lòng thương dân và cách chăm lo cho dân là cách nói lên nhân trị. Ông lại nói “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách. Dịch. Dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dắt dẫn dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính”[10]. Các chính sách hà khắc, hình phạt nặng nề chỉ làm cho dân than oán, chống đối, căm phẫn mà thôi.

Với chủ trương ‘quân quân-thần thần-phụ phụ-tử tử’ nghĩa là vua phải ra vua, phải làm đúng một vị vua đúng mực, đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của của mình, tôi ra tôi, cha ra cha và con phải ra con. Mặc dù, các nguyên tắc ông đặt ra còn nhiều bảo thủ, nhưng tựu chung tính nhân văn trong quan điểm chính trị của ông là rất lớn và có sức ảnh hưởng rất sâu rộng trong tư tưởng chính trị về sau.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Triet ly chinh tri va xa hoi Phat giao co to quoc 2

Ảnh: St

Platon (427-347 TCN) chính trị dưới quan điểm của ông là ‘nghệ thuật cung đình’ liên kết trực tiếp của người anh hùng và sự thông minh. Sự liên kết đó được thực hiện bằng sự thống nhất tư tưởng và tinh thần hữu ái. Chính trị là nghệ thuật cai trị. Cai trị bằng sức mạnh là độc tài, cai trị bằng nghệ thuật mới là đích thực[11]. Ở đây ta nhận ra quan điểm của ông chính là ‘nghệ thuật’ đây là một từ khó để diễn tả bởi nội hàm của nó không hề đơn giản, là kết tinh của sự khôn khéo, ứng biến, khôn ngoan và nhạy bén.

Tư tưởng chính trị của Platon là quan niệm về một quốc gia lí tưởng “người ta sẽ sản xuất lúa, rượu, áo quần, giày dép, nhà cửa. Họ sẽ làm việc lưng trần trong mùa hạ và mang áo ấm trong mùa đông. Họ tự nuôi sống bằng lúa mì, xay bộ, bánh nướng, họ ngồi ăn trên chiếu hoặc trên lá, ngả lưng vào giường hoặc vào thân cây. Họ ăn uống với gia đình, uống rượu do họ làm lấy, mang những vòng hoa trên đầu, hát những điệu ca tụng thần linh, sống trong hoà nhã êm ái không để cho nhân khẩu vượt quá phương tiện sinh nhai vì họ biết lo xa, sợ đói nghèo và chiến tranh…”[12]. Một quốc gia ấm êm hạnh phúc, lao động và hưởng thụ những thành quả lao động đạt được, sống vui đùa với các niềm tin và một xã hội hòa bình không chiến tranh đói kém.

Ở quan điểm của ông, cũng thấy rất rõ những tác hại khôn lường bởi những người cầm quyền thiếu đạo đức, thậm chí ông đã thấy được tận gốc rễ sâu xa bởi các tệ nạn ấy từ đâu mà có, dẫn đến những tệ đoan trong xã hội, gây ra những bất ổn và tàn bạo cho nhân dân:“Những biến chất diễn ra vì các nhà cầm quyền có thiên hướng quan tâm nhiều hơn bản thân và đến lợi ích vị kỷ của mình, chứ không phải đến lợi ích của công dân. Nhân tố làm biến chất cũng là tự do thái quá, tự do này tất yếu kéo theo thói mị dân là cái làm huỷ hoại đạo đức”[13].

Ông cũng xem pháp luật là một điều quan trọng“luật pháp là bất di bất dịch và chiếm vai trò hàng đầu”[14]. Nhưng luật pháp mà ông muốn nói chính là những chính sách có lợi cho dân, bảo vệ những lợi ích của dân; luật pháp chỉ ngăn trừ những kẻ xấu, trục lợi, mưu đồ bất chính… đặc biệt luật pháp dùng cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành cho một số người bị trị.

Từ những tư tưởng chính trị trên, mong muốn thiết lập một quốc gia lý tưởng, Platon đã có một cuộc đời cống hiến và nỗ lực để đóng góp cho thế giới những tư tưởng sâu sắc và nhân văn, hàng ngàn năm sau vẫn còn những giá trị nhất định.

1.3.2 Pháp trị

Pháp trị phải hiểu đúng ở đây là những pháp luật được ban hành một cách chủ quan và độc đoán của vua hay nhà lãnh đạo, dựa trên những quyền lợi cá nhân hay giai cấp cầm quyền mà đưa ra những chính sách hà khắc, hình phạt thô bạo nhằm trấn áp nhân dân. Khiến nhân dân sợ mà phục tùng và không dám phản khán. Người được cho hình thành và xây dựng tư tưởng này là Hàn Phi.

Hàn Phi ( 280-230 TCN) sinh ra trong giai đoạn vua Tần Thủy Hoàng đang thống nhất Trung Hoa. Bởi có quan điểm pháp trị được hình thành nơi ông, quan điểm rất rõ ràng về pháp trị ‘pháp bất a quý, hình bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tứ phú’ nghĩa là thưởng phạt phân minh và phải thượng tôn pháp luật kể cả vua “Kẻ làm vua chúa là kẻ phải giữ pháp luật, căn cứ vào kết quả mà xét để lập công lao”[15]. Ông cho rằng bản chất con người là yếu hèn và dễ làm ác, vì vậy cần phải có pháp luật và các hình phạt nghiêm khắc mới có thể giáo hóa và sai khiến được.“Pháp luật là mệnh lệnh ban bố rõ ràng ở nơi cửa công, hình phạt chắc chắn đối với lòng dân, thưởng cho những kẻ cẩn thận giữ pháp luật, nhưng phạt những kẻ làm trái lệnh”[16]. Nhìn chung pháp luật không có gì sai ở một vị trí là người lãnh đạo trong một đất nước, cái sai là ở chỗ nó chủ quan, hà khắc và mục đích chính là bảo vệ giai cấp thống trị và chèn ép nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật đúng hay sai còn nằm ở nơi những người thực thi pháp luật, họ có công tâm hay là chỉ mượn pháp luật để trục lợi và gây khó khăn dân chúng. “Bậc thánh nhân hiểu rõ cái thực tế của việc phải và trái, xét rõ thực chất của việc trị và loạn, cho nên trị nước thì nêu rõ pháp luật đúng đắn, bày ra hình phạt nghiêm khắc để chữa cái loạn của dân chúng, trừ bỏ cái họa trong thiên hạ. Khiến cho kẻ mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già cả được thỏa lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành, biên giới không bị xâm lấn, vua và tôi thân yêu nhau, cha con giữ gìn cho nhau”[17].

Cái sai lầm lớn nhất của pháp trị là tính chủ quan, hà khắc và lợi ích giai cấp cầm quyền, nên sẽ không có một chút tự do dân chủ, phục tùng và mệnh lệnh. Theo Hàn Phi ‘pháp’ không thì chưa đủ mà phải cần ‘thuật’ và ‘thế’: Tức là trước phải đề ra pháp luật dựa theo đó mà thưởng hay phạt, để phân ra kẻ theo người phản mà trừng trị; Còn thuật ở đây chính là thủ đoạn khi thực hiện pháp luật nhằm trấn áp lòng dân, là cách dùng người và trị người, dùng từ mĩ miều thì đây là nghệ thuật nhưng là nghệ thuật gian xảo, mưu toan và thâm độc; Còn thế chính là mượn nơi quyền lực để thực thi pháp luật, đưa pháp luật thành hiện thực nơi nhân dân, phải nắm giữ quyền thế trong tay, không giao quyền cho bầy tôi vô dụng.

Ngày nay việc sử dụng pháp trị không còn công khai như một học thuyết chính trị rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống vẫn cho chúng ta thấy những bất cập, bất công nơi pháp luật hiện hành và người thực thi pháp luật. Có thể nói, nhân trị hay pháp trị vẫn là nơi lòng người, nơi người nắm quyền hành thực hiện nó. Đúng hay sai, thưởng hay phạt ở một phương diện nào đó vẫn là nơi ý của người thực hiện chứ chưa hẳn là pháp luật, bởi lẽ đổi trắng thay đen, biến hư thành thực vốn là căn nguyên vốn có nơi mỗi con người.

Từ đây, chúng ta có thể thấy phần nào nơi triết lý của nhà Phật, không tham gia trực tiếp giải quyết các vấn đề như chính trị, vì nhận chân ra được các vấn đề hiện hữu xuất phát từ con người, từ nội tâm tham lam và ích kỷ nơi mỗi con người. Nên phương pháp Ngài đưa ra là đoạn trừ các ham muốn, lòng đố kỵ hẹp hòi và lòng tham vô đáy thay vì cứ mải miết chạy theo các vấn đề ngoài lề như một bề nổi của tảng băng. Khi tâm đủ lớn, tình thương đủ rộng, thì không trị mà trị, dân tự an và tuân thủ pháp luật.

1.4 Khái niệm xã hội

“Xã hội là một nhóm những cá nhân liên quan đến tương tác xã hội một cách thường xuyên, hoặc một nhóm xã hội lớn có chung lãnh thổ không gian hoặc xã hội, thường chịu cùng thẩm quyền chính trị và các kỳ vọng văn hóa chi phối”[18]. Như vậy, nói một cách dễ hiểu, trong phạm vi một quốc gia xã hội chính là tất cả những hoạt động của con người trong một đất nước từ văn hóa, đạo đức, lối sống, gia đình, môi trường, kinh tế…

Giữa chính trị và xã hội có mối tương quan mật thiết. Vì chính trị là tư tưởng, sách lược, là định hướng để cho một quốc gia đi theo, có ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề xảy ra trong một đất nước. Chính vì lẽ đó, xã hội như là chiếc gương phản chiếu cho một nền chính trị nào đó, các hình thái xã hội là một phần sản phẩm của một nền tư tưởng chính trị tác động.

2. Chính trị qua triết lý Phật giáo

Phải khẳng định rằng đức Phật không chủ trương dùng chính trị trong giáo đoàn của Ngài và dùng chính trị để truyền đạo. Một minh chứng rõ nhất chính là Ngài đã từ bỏ con đường chính trị để đi tu và khi đạt được giác ngộ Ngài cũng không mượn quyền lực chính trị vốn vẫn còn có sẵn dành cho Ngài để truyền đạo. Mục đích Ngài hướng đến là tu dưỡng đạo đức nơi mỗi con người, vì hạnh phúc cũng từ đây mà đau khổ cũng từ đó mà phát khởi. “Thông thường các nhà chính trị đấu tranh giành quyền lợi cho chính giai cấp hay tổ chức đảng của mình. Họ có thể tuyệt tiêu đối phương vì quyền lợi của họ. Còn đối với Phật giáo thì làm bất cứ việc gì cũng phải vì lợi ích của quần chúng vì lợi ích và an lạc cho số đông. Quan điểm chính trị cũng dựa trên tinh thần này”[19].

Chính vì lẽ đó, những lời dạy của ngài liên quan đến chính trị thực tế là những điều đạo đức dành cho đấng minh quân để có thể tự điều phục chính mình và từ đó mang tình thương yêu để điều hành đất nước.

2.1 Điều kiện để trở thành nhà lãnh đạo tốt

Trong giáo lý Phật giáo, mục đích tối hậu không gì khác hơn là mang lại hạnh phúc, bình an cho con người. Chính vì lẽ đó, ở mọi phương diện của cuộc sống và thái độ (căn cơ) khác nhau, thời gian và địa điểm (thời và xứ) khác nhau mà đức Phật tùy duyên thuyết pháp, không loại bỏ bất kỳ một cơ hội nào nếu có thể mang lại những lợi ích cho họ. Mặc dù khẳng định, hạnh phúc thật sự đến từ nội tâm trong sạch và lắng yên khi loại bỏ các cấu uế tham, sân, si. Tuy nhiên, những hoàn cảnh bên ngoài cũng tác động không nhỏ đến những cảm xúc cả thân và tâm khi con người vấp phải, nhất là khi sống dưới một chế độ độc tài hay những hôn quân tàn bạo.

Chính vì lẽ đó, trong rải rác rất nhiều trường hợp Phật đã tùy nghi mà có đưa ra những lời dạy về lối sống và những cách để cho các vị vua, những người đứng đầu huân tập những phẩm chất để có thể trở thành một vị lãnh đạo đúng nghĩa và đạo đức, mang lại hạnh phúc cho muôn dân.

Trong kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, đức Phật đã nói lên tầm quan trọng, vai trò của người lãnh đạo trong một tổ chức hay một quốc gia như sau:“Khi đàn bò lội sông/Đầu đàn đi sai lạc/Cả đàn đều đi sai/Vì hướng dẫn sai lạc/Cũng vậy, trong loài người/Vị được xem tối thắng/Nếu sở hành phi pháp/Còn nói gì người khác/Cả nước bị đau khổ/Nếu vua sống phi pháp”[20].

Quả thật, với bản chất đặc thù của giai cấp lãnh đạo là người dẫn đường, đầu tàu lèo lái một tổ chức, quốc gia, thì việc định hướng sai, chủ trương không đúng, kế hoạch sai lầm… thì hậu quả thật khôn lường! và ngược lại, nếu một vị lãnh đạo tốt, có những chiến lược đúng đắn thì đương nhiên họ sẽ được ca tụng với những thành công và nhân dân thì được sống trong ấm no, hạnh phúc:“Khi đàn bò lội sông /Đầu đàn đi đúng hướng/Cả đàn đều đúng hướng/Vì hướng dẫn đúng đường/Cũng vậy trong loài người/Vị được xem tối thắng/Nếu sở hành đúng pháp/Còn nói gì người khác/Cả nước được an vui/Nếu vua sống đúng pháp”[21].

Vai trò của người lãnh đạo còn ở chỗ họ phải là những người vì dân và lấy mục đích làm lợi cho nhân dân thì họ mới không bị những hệ lụy từ chính vị trí họ đang đứng làm hại và tha hóa. Trong đoạn kinh trên Phật có nói đến ‘nếu vua sống phi pháp; nếu vua sống đúng pháp’ quả thật một vị lãnh đạo phải nhận thức cho được vai trò và trách nhiệm của mình nếu không chắc chắn sẽ bị địa vị và quyền lực của mình mà làm hư hại cho cả tập thể. Người địa vị càng cao, càng có quyền lực thì tác hại họ gây ra cũng to lớn như những địa vị của họ.

Vai trò của họ cũng như con bò dẫn đầu, một con đi đúng đường, những con kia thảy đều theo, những phẩm chất, lối sống của họ cũng là một bài học, tấm gương cho người khác học tập và làm theo. Bởi vì “Các vua phi pháp có mặt, khi ấy các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và ở các làng là phi pháp…”[22] nếu người lãnh đạo bị tha hóa biến chất thì chắc chắn những thành phần xung quanh, những kẻ cơ hội, nịnh hót sẽ tăng lên và từ đó làm nguy hại cho tất cả mọi người.

Chính vì lẽ đó, một nhà lãnh đạo, một người đứng đầu cần phải rèn luyện đạo đức và trở thành một con người mẫu mực về nhân phẩm. Muốn được như thế, người lãnh đạo cần phải biết nhận thức đúng đắn về đạo đức, để từ đó học tập, rèn luyện và thực hành để trở thành một cây đại thụ đạo đức trong lối sống và hành xử, mà trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống cũng đã dạy:  “Này thái tử thân yêu, con y cứ vào pháp, kính trọng pháp, cung kính pháp, đảnh lễ pháp, cúng dường pháp, tôn trọng pháp, tự con trở thành pháp tràng, pháp kỳ, xem pháp là thầy, tự trở thành người bảo vệ  hợp pháp cho thứ dân, cho quân đội, cho sát đế lỵ, cho quần thần, cho bà la môn, cho gia chủ, cho thị dân, cho sa môn, bà la môn, cho các loài thú và loài chim! Chớ có làm gì phi pháp trong quốc độ của con”[23]. Vì nếu như không tu dưỡng đạo đức thì sẽ bị các dục cuốn quay và nhấn chìm trong trụy lạc, từ đó đánh mất phẩm giá chính mình và làm nguy hại cho mọi người:“Đàn bà hay đàn ông/Rượu chè, tiêu hoang phí/Được địa vị quyền thế/Là cửa vào bại vong”[24].

Trong Tiểu Bộ kinh, chuyện Lộc Vương Hoan Hỉ, có nói đến mười đức hạnh của một vị vua:“Bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình/Thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục/Ăn năn, bi mẫn, là mười giới đức”[25]. Trong mười đức tính này, tất cả đều phải rèn luyện và huân tập hằng ngày để trở thành thói quen và một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm chia ra ba đức tính đức hạnh, nhẫn nhục và ăn năn là ba đức tính gốc gễ, là nhân tu tập; bảy đức tính còn lại bố thí, nhân từ, công bình, thân ái, nhu mì, ôn hòa và bi mẫn là cành lá, kết quả, là biểu hiện của ba đức tính trên.

Một vị lãnh đạo chỉ khi nào có được đức hạnh tức có đạo đức qua quá trình rèn luyện sống trong khuôn phép và kỷ luật, được mài dũa và làm chủ các dục vọng của bản thân; chỉ khi nào biết ăn năn tức là biết nhìn nhận ra lỗi của mình, biết nhìn lại và soi rọi lại chính bản thân mỗi khi suy nghĩ, nói năng hay hành động; chỉ khi nào có thể nhẫn nhục tức có sự chịu đựng tốt với những cảm xúc do chính vọng tâm sanh ra và đủ nhẫn nại với những biến cố xảy ra trong cuộc sống. Chỉ khi có được những đức tính đó mới có thể rộng lòng mà bố thí cho mọi người, nhân từ, thân ái, nhu mì, ôn hòa, bi mẫn và công bình với mọi người được.

Chỉ khi một người lãnh đạo có những đức tính trên thì mới có thể đem lại nhiều lợi ích cho mọi người được, bởi vì trách nhiệm thiêng liêng nhất của một người lãnh đạo phải là có được tinh thần xem tất cả mọi người như người thân mình vậy mà trong kinh Đại Lâu Thán có dạy: “chuyển luân vương yêu thương dân chúng trong nước, như cha thương con”[26], hay trong kinh Tiểu Bộ, phẩm Meghiya “Việc gì con có thể làm được? Ðời sống của con là một vật hy sinh cho các bà con”[27].

Cũng chỉ từ các đức tính này, một vị lãnh đạo mới có thể đủ lòng yêu thương và trí tuệ, những khôn khéo với các phương tiện khôn ngoan và những phương tiện khéo léo, để có thể điều hành một tổ chức, một đất nước và đem lại những an vui cho mọi người:“Người nên cho thì cấp cho kịp thời, người nên thu thì phải suy nghĩ kỹ. Sai khiến biết đúng thời, không đoạt danh lợi, phải nghiêm ngặt đối với kẻ tham nhũng để nhân dân được yên ổn”[28].

Khi một bậc lãnh đạo có tâm và có tầm thì sẽ mang lại vô vàn những điều lợi ích cho mọi người. Đức Phật với vai trò là nhà lãnh đạo tinh thần, vị đạo sư dẫn đường để cho mọi người nhận chân ra những điều đúng, đem giáo pháp tự lợi và lợi tha dạy cho con người và trong những lời dạy cho bậc quân vương cũng không ngoài mục đích đó.

2.2 Yếu tố để một quốc gia cường thịnh

Để có thể kiến thiết một quốc gia cường thịnh là một điều không dễ. Bởi lẽ, nó lệ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó điều tiên quyết đầu tiên mà chúng ta vừa trình bày là một vị lãnh đạo đức hạnh và tài năng, nếu không“Một kẻ ngu si đứng trưởng đoàn, vì kiêu căng muốn tỏ khôn ngoan, Sẽ không khác khỉ này gây họa, mãi mãi đưa đường đến bại vong”[29]. Đủ các phương tiện khôn ngoan, khéo léo để có thể lèo lái con thuyền với nhiều giông bão bất ngờ, các con sóng không nói trước và những tảng đá ngầm bất chợt. Phải đủ tỉnh táo để nhận chân ra các vấn đề để giải quyết tùy theo các đối tượng, các khó khăn và phải biết lắng nghe để thấu hiểu và thông cảm.

Làm an ổn con người không chỉ dựa trên tiền của mà bên cạnh đó phải dùng đến trí tuệ, đặc biệt hướng con người đến đạo đức, tu tập tránh xa các thói hư tật xấu và siêng năng với các điều thiện “này con thân yêu, nếu trong quốc độ của con có người không có tiền của, hãy đem tiền của cho người ấy… có những người sa môn, bà la môn từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực hành nhẫn nhục từ ái… con hãy nghe họ và ngăn chặn họ khỏi sự bất thiện và khuyến khích họ làm điều thiện”[30]. Được như vậy là phần nào để một quốc gia yên ổn và cũng là điều đầu tiên để đất nước cường thịnh.

Vì sao như vậy? Vì tất cả vạn pháp đều theo một quy luật Duyên Khởi ‘cái này sanh tức cái kia sanh’ và ngược lại. Chính vì lẽ đó, nếu một quốc gia mà vị lãnh đạo không thấu hiểu điều này, chỉ chú trọng ở một vài phương diện nào đó thì đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn đôi khi bởi những điều rất nhỏ, như trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống có dạy: “vì không cho tiền của người nghèo nên nghèo đói tăng thịnh, vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh, vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm tăng thịnh, vì đao kiếm tăng thịnh nên sát sanh tăng thịnh. Vì sát sanh tăng thịnh nên nói láo tăng thịnh…”[31].

Khi thấu hiểu như vậy nên một nhà lãnh đạo mới có những sách hợp lý hợp tình để cho mọi thành phần trong xã hội được sống yên ổn và phát triển theo một chiều hướng tốt được, đặc biệt là những chính sách về kinh tế để xóa đói, giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho dân chúng: “Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương Mahāvijita cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương Mahāvijita cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, Tôn vương Mahāvijita cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng”[32]. Chỉ có như vậy thì dân chúng mới vui vẻ và sống một cuộc sống tuân thủ pháp luật “và những người này chuyên tâm về nghề của mình không còn nhiễu hại quốc độ nhà vua; ngân quỹ nhà vua được dồi dào, quốc độ được an cư lạc nghiệp không có tai ương ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng”[33].

Một quốc gia cường thịnh điều đầu tiên phải là một quốc gia hòa bình không chiến tranh, yên ổn và không có những xung đột. Đây cũng chính là một điều quán trọng bậc nhất mà đức Phật dạy các đệ tử khi sống với nhau trong Tăng đoàn “hòa hợp, hòa kính, không có đấu tranh, hòa hợp như sữa với nước, sống nhìn nhau với cặp mắt từ ái”[34].

Trong kinh Tăng Chi, chương 8 Pháp, phẩm Vajji, Phật đã dạy 7 điều kiện để một quốc gia lớn mạnh và không bị suy giảm: “Thế nào là bảy pháp không làm cho suy giảm? Này các Licchavi, khi nào dân Vajji thường hay tụ hợp và tụ hợp đông đảo với nhau… tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết… không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajji như đã ban hành thuở xưa… tôn sung, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajji và nghe theo những lời dạy của những vị này… không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ  và thiếu nữ Vajji phải sống với mình… tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ cúng dường các tự miếu của Vajji ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước đúng với quy pháp… bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajji khi các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, thời này các Licchavi, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm”[35]. Trong lời kinh trên chúng ta có thể thấy được những đức tính cơ bản như dân chúng hòa hợp, đoàn kết, sống đạo đức, có tinh thần hướng thượng và niềm tin tâm linh.

Thăng hoa trong tâm linh là đỉnh cao của đạo đức. Bởi vì, khi người tu tập có kết quả trong tâm linh thì lòng từ bi rộng mở nên có thể thương yêu và tha thứ cho mọi người; có trí tuệ thì mới đủ sức thấy rõ những bản thể cuộc sống, từ đó đói diện với mọi hoàn cảnh với tâm thái an yên và hoan hỷ. Người có kết quả trong tâm linh sẽ là một người vô cùng đạo đức và thánh thiện, đặc biệt những điều thánh thiện đó là lưu xuất tự nhiên từ trong nội tâm chứ không phải chỉ là hình thức hay cưỡng ép bởi những khuôn mẫu, phép tắc mà cuộc đời quy định.

Ngoài ra, để có một quốc gia hưng thịnh, từ việc một con người có nội tâm đạo đức và hướng thiện, tiến lên nỗ lực thực hành để trở thành một lối sống hiền thiện và an vui. Những điều mà một quốc gia căn bản cần phải thực hiện chính là năm điều căn bản đạo đức của một người đệ tử Phật, năm điều này tưởng rằng chỉ là năm điều đạo đức của một người Phật tử; tuy nhiên ở đây nếu khéo suy xét chúng ta có thể hiểu nó có tác dụng như thế nào đến một quốc gia thịnh trị. Nội hàm của năm điều đạo đức chính là thiết lập một gia đình yên ấm, an vui như sống với tâm từ, ngay thẳng trung thực, chung thủy, nói lời chân chánh và tỉnh táo không say sưa.

Gia đình là cái nôi của xã hội và đương nhiên nếu mọi gia đình đều an vui thì xã hội này tất nhiên là sẽ hòa bình và thịnh trị, như một vị Chuyển Luân Vương để nhiếp phục dân chúng đã dạy những điều đạo đức đúng đắn tạo nên một lối sống cho nhân dân: “Chớ có sát sanh! Chớ có lấy của không cho! Chớ có sống tà hạnh trong các dục! Chớ có nói láo! Chớ có uống rượu! Và hãy thọ hưởng theo những gì đã có để thọ hưởng!”[36].

Ở đây, chúng ta bắt gặp một quan điểm rất đặc biệt là ‘thọ hưởng theo những gì đã có để thọ hưởng’, một quan điểm tuyệt vời để sống và kiến tạo một cuộc sống an yên. Bởi lẽ, một điều hiển nhiên tất cả mọi người gốc nghiệp khác nhau thì không thể nào giống nhau về mọi mặt, nên khi chúng ta nhận chân ra được điều này, chúng ta mới có thể vui với cái chúng ta có, mà không hơn thua hay so đo để rồi buồn tủi và đau khổ. Thậm chí vì muốn như người khác mà làm các công việc như trộm cướp, mưu mô để chiếm đoạt… Cho nên, có thể nói đây là một trong những nhìn nhận tuyệt vời để có thể kiến tạo cho bản thân mình và cho cả xã hội được an bình và hạnh phúc.

Từ đây, chúng ta có quyền nhận định rằng, để có một quốc gia thịnh trị chính là lối sống và đạo đức của nhà lãnh đạo và nhân dân. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này chắc chắn sẽ dẫn đến những hỗn loạn và các vấn đề tệ nạn trong xã hội, dẫn đến những đau khổ và bất ổn trong đất nước.

3. Triết lý Phật giáo và các vấn đề xã hội

Vấn đề xã hội thì vô vàn và thiên biến vạn hóa, chúng không theo một quy tắc hay trật tự và cố định nào mà tùy vào thời gian, hoàn cảnh, chế độ, nhận thức, văn hóa, niềm tin… mà có những vấn đề khác nhau. Ở đây, người viết đưa ra 3 vấn đề căn bản đồng thời nhức nhối trong bối cảnh hiện nay gồm: chiến tranh xung đột; bình đẳng giới và bình đẳng giai cấp.

3.1 Thông điệp hòa bình-không chiến tranh xung đột

Với thông điệp ra đời của đức Phật cũng là lời dạy của Ngài dành cho các đệ tử: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”[37]. Với chủ trương ‘vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài ngươi’ ở đây hoàn toàn không có một biên giới quốc gia hay một vùng lãnh thổ nào cả! Điều này muốn nói lên rằng ở một nghĩa gần nhất, giáo lý của đức Phật là dành cho tất cả mọi người trên hành tinh này, không phân biệt là ai, là dân tộc hay một quốc gia nào đó.

Với một chủ trương như vậy, đức Phật hoàn toàn không muốn có bất kỳ một xung đột nào xảy ra giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì ở bất kỳ một nguyên nhân nào thì chiến tranh vẫn là nguyên nhân của vô số các khổ kéo theo như nghèo đói, mất mùa, ốm đau, chết chóc… . Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều những cuộc chiến tranh và không có một cuộc chiến tranh nào không đau thương và đổ máu cả.

Thông điệp hòa bình của đức Phật, bắt đầu từ việc thiết lập sự an lạc, hạnh phúc từ những cá thể, đoàn thể và sau cùng là một quốc gia, toàn cầu. Chúng ta biết có rất nhiều vị Tỳ kheo đã chứng A-la-hán dưới sự dẫn dắt của đức Phật; các vị đệ tử xuất gia và tại gia khi được nghe pháp và thực hành cũng có những trải nghiệm và lối sống an lạc ngay trong cuộc đời này. Sau đó là những vị vua, quan, những nhà trưởng giả… có uy quyền và địa vị đều được thấm nhuần và có tư duy, quan điểm, nhận thức từ đó có lối sống lành mạnh đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình, những người xung quanh và xã hội.

Chiến tranh bắt nguồn từ những lợi ích cho cá nhân và quốc gia của mình. Những lợi ích đó bắt nguồn từ lòng tham và để thỏa mãn cho tính kiêu căng và ngạo mạn, đồng thời để bù đắp cho sự tiêu thụ quá nhiều các thú vui dục lạc, để rồi gây ra những khổ đau cho người và sau cùng chính bản thân cũng phải trả cho cái giá mà mình đã gây:“Vì nghĩ đến tư lợi/Nên mới cướp hại người/Khi người khác cướp hại/Bị hại, lại hại người/Người ngu nghĩ như vậy/Khi ác chưa chín muồi/Khi ác đã chín muồi/Người ngu chịu khổ đau/Sát người, bị người sát/Thắng người, bị người thắng/Mắng người, người mắng lại/Não người, người não lại/Do nghiệp được diễn tiến/Bị hại, lại hại người”[38].

Phật giáo không tham gia chống chiến tranh, nhưng lại là tôn giáo trị tận gốc của chiến tranh và xung đột, bằng cách nhổ sạch lòng tham và đoạn tận sự sân hận và vô minh nằm sâu trong tiềm thức của con người. Với tất cả sự nhận thức rõ ràng:“Mọi người sợ hình phạt/Mọi người sợ tử vong/Lấy mình làm ví dụ/Không giết, không bảo giết/Mọi người sợ hình phạt/Mọi người thích sống còn/Lấy mình làm ví dụ/Không giết, không bảo giết”[39].

Tục ngữ Việt Nam có câu ‘suy bụng ta ra bụng người’, quả thật, chúng ta sợ hình phạt, cũng tham sống sợ chết thì người khác cũng vậy. Chúng ta muốn hòa bình, giàu sang, sung sướng… thì người khác cũng vậy! Tại sao chúng ta lại vì những ham muốn của mình mà đi gây hấn, cướp bóc và chiến tranh với nước khác?

Chiến tranh thì gây ra những thù hận, mà hận thù thì biết bao giờ mới có thể hóa giải bởi những mất mát đau thương mà chúng ta đã gây ra cho nhau:“Với hận diệt hận thù/Ðời này không có được/Không hận diệt hận thù/Là định luật ngàn thu”[40]. Và dẫu có chiến thắng hay thất bại đều không đưa đến một kết quả lâu dài hạnh phúc được:“Thắng trận sanh thù oán/Bại trận nếm khổ đau/Ai bỏ thắng, bỏ bại/Tịch tịnh, hưởng an lạc”[41].

Chính vì lẽ đó, với nhãn quan của một bậc giác ngộ, đức Phật luôn dạy các đệ tử của Ngài cũng như nhân loại những phương pháp để đoạn tận mọi ý niệm chiến tranh trong tâm mình, bằng cách thiết lập một lối sống thiểu dục, thanh tịnh, từ bi và hòa hợp. Từ đó, kiến tạo nên một thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Triet ly chinh tri va xa hoi Phat giao 1

3.2 Bình đẳng giai cấp

Cho đến ngày nay, tại Ấn Độ việc phân biệt giai cấp vẫn còn nặng nề dù ở hình thức rõ ràng hay ẩn tàng trong nhận thức, lối sống. Thật không dễ để có thể xóa bỏ những điều này bởi những rào cản về quyền lợi và những đặc ân mà giai cấp cầm quyền có được từ những quy định trong việc đối xử này.

Từ khi giác ngộ dưới cội Bodhi đức Phật đã bắt đầu có thiết lập một tư tưởng không giai cấp trong chính giáo đoàn Ngài, bằng việc thu nhận đủ các thành phần trong xã hội như Upali xuất thân từ thợ cạo, Sunita một người gánh phân hạ tiện hay tướng cướp  Angulimala…  vào Tăng đoàn, một việc trước đây chưa từng có bởi đó là đặc quyền của các Bà-la-môn.

Trong hầu hết các bài kinh, đức Phật luôn thống nhất một quan điểm về giai cấp chỉ là ước lệ, tốt đẹp hay xấu xa; trân quý hay hạ tiện tùy thuộc vào hành động của chính người đó, hoàn toàn không phụ thuộc vào giai cấp mà họ sinh ra: “Bần tiện không vì sanh/Phạm chí không vì sanh/Do hành, thành bần tiện/Do hành, thành Phạm chí”[42].

Có hai ý trong chữ ‘hành’ này: Phương diện thứ nhất là nói về những tư duy hay hành động về những việc làm xấu ác hay lương thiện mà đánh giá là ở một giai cấp nào cao quý hay bận tiện; Phương diện thứ hai là những công việc hiện tại mà họ đang làm để tạm ghi nhận là họ ở giai cấp nào, điều này được nói trong kinh Trung Bộ, kinh số 98 khi Phật đã trả lời Vasettha:“Hành động làm nông phu/Hành động làm công thợ/Hành động làm lái buôn/Hành động làm nô bộc/Hành động làm ăn trộm/Hành động làm nhà binh/Hành động làm tế quan/Hành động làm vua chúa/Kẻ trí thấy hành động/Như thật là như vậy”[43].

Trong một bài kinh khác, khi đức vua Avantiputta hỏi tôn giả Mahakaccana về vấn đề các Bà-la-môn cho rằng giai cấp Bà-la-môn là cao nhất, màu da sang sủa, thanh tịnh, là con trai của Phạm Thiên; các giai cấp khác là thấp kém, da đen tối, không thanh tịnh. Tôn giả đã trả lời rằng “Thưa Đại vương, đây chỉ là một âm thanh ở đời”[44] chỉ là lời nói bình thường trong thiên hạ hoàn toàn không có một giá trị chân lý nào cả, bằng cách đưa ra những ví dụ rõ ràng như: dù là người nào trong bốn giai cấp được giàu có sung túc thì người của các giai cấp khác sẽ phục dịch và làm vui lòng người đó chứ không nhứt thiết là người ở giai cấp thấp cung phụng người gia cấp cao; dù là ai trong giai cấp nào khi làm các việc xấu ác, đều phải bị rơi vào đọa xứ, địa ngục; dù là ai ở giai cấp nào khi làm các thiện hạnh sẽ sanh về thiên giới; dù là ai trong giai cấp nào khi phạm pháp sẽ bị vua bắt phạt; dù là ai trong giai cấp nào khi xuất gia sẽ được nhà vua cung kính, đảnh lễ. Từ các ví dụ sống động và trực tiếp như trên vua Madhura Avantiputta đã nhận ra rằng “nếu sự tình như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng.  Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt nào”[45].

Việc phân chia giai cấp ban đầu chính là những mưu đồ của các tập đoàn cai trị, chúng tạo ra tôn giáo, giáo điều nhằm mục đích mị dân để cai trị. Dần dần những điều đó trở thành những quy ước trong xã hội và ăn sâu vào ý thức hệ của con người, biến nó thành cái gông không vô hình trói buộc ý thức con người vươn lên trong cuộc sống.

Ngày nay khi thế giới phát triển, văn minh dần tỏa rạng khắp năm châu bốn biển thì đâu đó sự phân biệt giai cấp vẫn là vấn đề nhứt nhối và tội lỗi. Tuy nhiên, nhìn chung ở một chừng mực nào đó, chúng ta đã thấy được sự tự do, ngày càng lang rộng khắp trên thế giới, các giai cấp ngày càng bị xóa mờ bởi sự trỗi dậy của ý chí con người khi đón nhận ánh sáng văn minh và công bằng bởi rất nhiều các tổ chức đứng ra bảo vệ các quyền lợi cho những tần lớp thấp.

Với lòng từ bi, với tinh thần không có giai cấp khi dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn, đức Phật đã lan tỏa được tình thương yêu, ánh sáng chân lý đến với mọi thành phần trong xã hội, tạo điều kiện duy nhất cho các thân phận có giai cấp thấp trong xã hội lúc bấy giờ có cơ hội học tập và thoát ra khỏi tử tưởng ràng buộc của các Bà-la-môn. Tinh thần đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn là bài học đáng giá và hành trình lâu dài cho công cuộc bình đẳng cho xã hội tương lai.

3.3 Bình đẳng giới

Cho đến hôm nay, khi thế giới đã tiến lên những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, con người chỉ cách nhau một màn hình để có thể giao tiếp với thế giới, nhưng đâu đó, ẩn tàng sự phân biệt về giới tính vẫn là một chủ đề nhứt nhối của xã hội.

Có thể nói, cách đây hơn 25 thế kỷ đức Phật đã làm một cuộc đại cách mạng về bình đẳng giới khi lần đầu tiên trong lịch sử cho nữ giới xuất gia và công nhận kết quả tu tập không khác gì nam giới. Trong Trưởng Lão Ni Kệ, chúng ta tìm thấy 73 trường hợp chứng quả A-la-hán của các Tỳ Kheo Ni và đương nhiên còn vô số không được đề cập. trong số đó có thể nhắc đến như: Maha Pajapati Gotama, Khema, Uppalavana, Kisagotami, Sona, Bhadda Kundalakesa, Patacara…Trong kinh Tương Ưng, khi vua Pasenadi hay tin hoàng hậu hạ sinh một cô con gái liền sanh tâm không hoan hỷ, Phật đã nói kệ:“Này Nhân chủ, ở đời/Có một số thiếu nữ/Có thể tốt đẹp hơn/So sánh với con trai/Có trí tuệ, giới đức/Khiến nhạc mẫu thán phục/Rồi sinh được con trai/Là anh hùng, quốc chủ/Người con trai như vậy/Của người vợ hiền đức/Thật xứng là Đạo sư/Giáo giới cho toàn quốc”[46].

Điều này cho thấy, đức Phật thấy rất rõ phẩm chất bên trong của một người phụ nữ hoàn toàn không phụ thuộc vào giới tính mà thay vào đó là những tố chất, tư duy và lối sống của người đó. Ambapali vốn là một dâm nữ, nhưng với niềm tin vào đức Phật và tâm thành dâng cúng một bữa cơm cho Phật và chư Tăng mà nàng đã từ chối các công tử xứ Licchavi bằng một tâm thái dung mãnh vô cùng “dầu quý công tử có cho tôi cả thành Vesali cùng với các đất phụ thuộc, tôi cũng không nhường bữa cơm quan trọng này”[47]. Và sau bữa cơm đó, nàng đã hiến cúng vườn xoài cho đức Phật làm nơi thuyết giảng. Liệu một người nam giới có đủ lòng thành, tịnh tín và tâm hiến cúng lớn như thế không! Đặc biệt hơn, sau này nàng xuất gia và đắc quả A-la-hán.

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, nữ giới trở thành những tấm gương tiêu biểu trong mọi phương diện xã hội là không thiếu, như trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nếu như người đứng lên chống giặc đầu tiên sau công nguyên chính là người nữ, đó là Hai Bà Trưng năm 40. Chúng ta đã bị những lề lối cũ mục của các tư tưởng phong kiến, các giáo điều bởi những niềm tin sai lầm, mù quáng để rồi từ đó biến phụ nữ thành một vật phẩm thay vì họ là những con người vô cùng ưu tú.

Người nữ hoàn toàn như nam ở phương diện trí tuệ và tu tập “Này A-nan, Tỳ-kheo-ni Nan-đà đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới) và từ đó nhập Niết-bàn, không trở lại đời này nữa”[48], mà ngày nay dường như các công việc của nam người nữ đã có thể làm tất cả, ngay cả việc đứng đầu lãnh đạo một đất nước.

Một thế giới công bằng là một thế giới có tôn trọng quyền phụ nữ, phụ nữ được bảo vệ, tán dương và trọng dụng. Ở một nghĩa cao hơn “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” thì không có lý gì một con người (chỉ là giới tính nữ) lại không thể trở thành một con người lý tưởng trong cuộc đời. Nên có thể nói, trong giáo lý của Phật luôn đề cao vai trò của người nữ, tôn trọng và đồng cảm với những biên kiến sai lầm để cho thân phận của người phụ nữ bị xem thường và chà đạp. Ngày nay, một xã hội văn minh và tiến bộ, thì không lý gì lại không tôn trọng quyền phụ nữ, yêu thương và tạo điều kiện tốt nhất để cho phụ nữ phát triển.

III. Kết luận

Dưới nhãn quan Phật giáo, các vấn đề xảy ra trong cuộc đời này không gì khác hơn là do nội sinh nơi tâm con người phát khởi. Chính vì vậy, các phương pháp đức Phật đưa ra chính là đoạn trừ các tham ái và chấp ngã nơi tự thân mỗi con người. Đồng thời cung cấp những nhận thức về cuộc đời, nhằm giúp cho con người có cái nhìn thấu đáo và sáng suốt để không bị các tà thuyết, quan điểm sai lầm làm lu mờ tâm trí và kích động lòng ham muốn, ích kỷ, hưởng thụ nơi con người, khiến con người trở thành cỗ máy bị điều khiển bởi vô minh và dục vọng.

Khi vua Trần Thái Tông đi tìm Phù Vân đại sư để tu tập, thiền sư Phù Vân đã nói:“Phàm làm đấng quân nhân thì phải lấy ý muôn thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình” nhờ vào câu nói này mà nhà Trần có một vị vua anh minh, một cư sĩ đắc pháp và một Thiền sư lỗi lạc với những trước tác để đời, một người tạo nền móng vững vàng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời sau này, chính trị dưới nhãn quan Phật giáo là vậy.

Phật là bậc y vương, pháp của Ngài chính là thuốc, tùy bệnh cho thuốc là điều hiển nhiên của một thầy thuốc giỏi. Giáo pháp của Phật tùy hoàn cảnh căn cơ mà dạy người tìm ra chân lý, lẽ phải không bó buộc trong một khuôn khổ cứng nhắc nào. Đồng thời, tùy thuộc vào nhận thức con người mà có sự thấu và ứng dụng khác nhau, như cơn mưa lớn xối xuống khu rừng tùy vào giống loài cỏ, cây khác nhau mà thụ hưởng nước mưa khác nhau như trong kinh Pháp Hoa đã dạy.

Những lời dạy của đức Phật chỉ có một mục đích là đem lại an lạc cho mọi người, không phân biệt giai cấp, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt là ai, nước nào, màu da, chủng tộc… sự an lạc luôn là thứ người ta cần nhất sau khi nhận ra những thú vui tầm thường nơi trần thế. Chính vì lẽ đó, tất cả các vấn đề trong xã hội, các vấn đề trong tâm thức của mỗi con người Phật luôn có những giải pháp hữu hiệu, điều quan trọng vẫn là con người có chịu chấp nhận và thực hiện hay không mà thôi. Phật giáo luôn hướng đến giải thoát, nhưng phải giải thoát trên chính những vấn đề đau khổ nơi cuộc đời, và đó cũng là tông chỉ của Phật giáo.

Tác giả: Thích Tâm Ý

***

CHÚ THÍCH

[1]http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail.aspx?TuKhoa=&ChuyenNganh=0&DiaLy=0&ItemID=31103. Truy cập ngày 18/8/2021.
[2] Nguyễn Như Ý, Đại Tự Điển tiếng Việt, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 1998, tr. 369.
[3]Bùi Trọng Tài-Lê Văn Cảnh, Tập bài giảng Chính trị học đại cương, Trường đại học Khoa học Thái Nguyên, 2011, lưu hành nội bộ, tr. 5.
[4] Bùi Trọng Tài-Lê Văn Cảnh, sđd, tr. 4.
[5] Bùi Trọng Tài-Lê Văn Cảnh, sđd, tr. 7- 8.
[6]http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail.aspx?TuKhoa=&ChuyenNganh=0&DiaLy=0&ItemID=31103. Truy cập ngày 18/8/2021.
[7]http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail.aspx?TuKhoa=&ChuyenNganh=0&DiaLy=0&ItemID=31103. Truy cập ngày 18/8/2021.
[8] Bùi Trọng Tài-Lê Văn Cảnh, sđd, tr. 8.
[9] Đoàn Trung Còn dịch và chú, Khổng Tử, Luận ngữ , Nxb.Trí Đức, Sài Gòn,1950, tr.33
[10] Đoàn Trung Còn dịch và chú, sđd, tr.35
[11] Bùi Trọng Tài-Lê Văn Cảnh, sđd, tr.5.
[12] Trí Hải & Bửu Đích dịch, Câu Chuyện Triết học, Tu thư Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1971, tr. 34.
[13] Đỗ Minh Hợp và nhiều tác giả, Đại cương Lịch sử Triết học phương Tây. Nxb.Tổng Hợp, 2006. tr. 148
[14] Trí Hải & Bửu Đích dịch, sđd, tr. 149.
[15] Phan Ngọc (dịch), Hàn Phi Tử, Nxb.Văn học, Hà Nội, 2001, tr.394.
[16] Phan Ngọc (dịch), Hàn Phi Tử, sđd, tr. 478-479.
[17] Phan Ngọc (dịch), Hàn Phi Tử, sđd, tr. 130.
[18] https://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A3_h%E1%BB%99i. Truy cập ngày 18/8/2021.
[19]Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tp.HCM, 1999, tr. 240.
[20] ĐTKVN, kinh Tăng chi bộ I, chương IV, phẩm Nghiệp công đức, VNCPHVN ấn hành, 2002, tr.697.
[21] ĐTKVN, kinh Tăng chi bộ I, sđd, tr.697.
[22] Thích Thanh Từ dịch, “kinh Tăng Nhất A-Hàm III”, Phẩm Thiên Tử Mã Huyết, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr. 179.
[23] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ”, kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, VNCPHVN, Tp. HCM, 2013, tr. 529.
[24] Thích Minh Châu, “kinh Tiểu Bộ 1”, kinh Bại Vong, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002, tr. 236.
[25] Thích Minh Châu, “kinh Tiểu Bộ IV”, Chương VI, Phẩm sáu bài kệ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr. 540.
[26] Thích Tịnh Hạnh, “kinh Trường A-Hàm 2”, kinh Đại Lâu Thán, quyển II, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr. 376.
[27] Thích Minh Châu, “kinh Tiểu Bộ I”, Phẩm Meghiya, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr. 155.
[28] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 35, kinh Đại Tát-Già Ni-Kiền Tử Sở Thuyết, q.3, Phẩm 5: Vương Luận (Phần 1), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr. 664.
[29] Thích Minh Châu dịch, “kinh Tiểu Bộ 7”, Chuyện Hầu Vương, VNCPH Việt Nam, Tp. HCM, 2002, tr. 74.
[30] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ”, kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, Sđd, tr. 529.
[31] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ”, sđd, tr. 537.
[32] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ”, kinh Cứu Lâu Đàn Đà, Sđd, tr. 130.
[33] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ”, sđd, tr. 130.
[34] Thích Minh Châu dịch, “kinh Tăng Chi Bộ 1”, Phẩm Hội Chúng, VNCPH Việt Nam, Tp. HCM, 1996, tr. 134.
[35] Thích Minh Châu dịch, “kinh Tăng Chi Bộ 2”, chương 8 Pháp, phẩm Vajji, Nxb. Tôn giáo, 2018,tr.186-187.
[36] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ”, Sđd tr. 530.
[37] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ 1”, kinh Đại Bổn, VNCPHVN, 1991, tr.502.
[38] https://www.daitangkinhvietnam.org/node/539 truy cập ngày 20/8/2021.
[39] https://loiphatday.org/kinh-phap-cu-10-pham-hinh-phat/ truy cập ngày 20/8/2021.
[40] https://loiphatday.org/kinh-phap-cu-01-pham-song-yeu/ truy cập ngày 20/8/2021.
[41] https://www.daitangkinhvietnam.org/node/539 truy cập ngày 20/8/2021.
[42] https://sites.google.com/site/tieubokinhtheravada/tieu-bo—khuddhaka-nikaya-hoa-thuong-thich-minh-chau-dich-viet-kinh-tap-sutta-nipata-chuong-1 truy cập ngày 21/8/2021.
[43] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trung Bộ”, kinh Vasettha, sđd, tr. 249.
[44] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trung Bộ”, kinh Madhura, sđd, tr.113.
[45] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trung Bộ”, sđd, tr. 117.
[46] https://thuvienhoasen.org/a611/03-chuong-iii-tuong-ung-kosala truy cập ngày 20/8/2021.
[47] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ”, kinh Đại Bát Niết Bàn, Sđd, tr. 296.
[48] Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ”, Sđd, tr. 292.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đỗ Minh Hợp và nhiều tác giả, Đại cương Lịch sử Triết học phương Tây. Nxb.Tổng Hợp, 2006.
Nguyễn Như Ý, Đại Tự Điển tiếng Việt, Văn Hóa Thông Tin, 1998.
Bùi Trọng Tài-Lê Văn Cảnh, Tập bài giảng Chính trị học đại cương, Trường đại học Khoa học Thái Nguyên, 2011, lưu hành nội bộ.
Đoàn Trung Còn dịch và chú, Khổng Tử, Luận ngữ, Nxb.Trí Đức, Sài Gòn,1950.
Trí Hải & Bửu Đích dịch, Câu Chuyện Triết học, Tu thư Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1971.
http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail.aspx?TuKhoa=&ChuyenNganh=0&DiaLy=0&ItemID=31103. Truy cập ngày 18/8/2021.
https://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A3_h%E1%BB%99i. Truy cập ngày 18/8/2021.
Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tp.HCM, 1999.
ĐTKVN, kinh Tăng chi bộ I, chương IV, phẩm Nghiệp công đức, VNCPHVN ấn hành, 2002.
Thích Thanh Từ dịch, “kinh Tăng Nhất A-Hàm III”, Phẩm Thiên Tử Mã Huyết, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ”, kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, VNCPHVN, Tp. HCM, 2013.
Thích Minh Châu, “kinh Tiểu Bộ 1”, kinh Bại Vong, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002.
Thích Minh Châu, “kinh Tiểu Bộ IV”, Chương VI, Phẩm sáu bài kệ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015.
Thích Tịnh Hạnh, “kinh Trường A-Hàm 2”, kinh Đại Lâu Thán, quyển II, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000.
Thích Minh Châu, “kinh Tiểu Bộ I”, Phẩm Meghiya, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015.
Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 35, kinh Đại Tát-Già Ni-Kiền Tử Sở Thuyết, q.3, Phẩm 5: Vương Luận (Phần 1), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000.
Thích Minh Châu dịch, “kinh Tiểu Bộ 7”, Chuyện Hầu Vương, VNCPH Việt Nam, Tp. HCM, 2002.
Thích Minh Châu dịch, “kinh Tăng Chi Bộ 1”, Phẩm Hội Chúng, VNCPH Việt Nam, Tp. HCM, 1996.
Thích Minh Châu dịch, “kinh Tăng Chi Bộ 2”, chương 8 Pháp, phẩm Vajji, Nxb. Tôn giáo,2018.
Thích Minh Châu dịch, “kinh Trường Bộ 1”, kinh Đại Bổn, VNCPHVN, 1991.
https://www.daitangkinhvietnam.org/node/539 truy cập ngày 20/8/2021.
https://loiphatday.org/kinh-phap-cu-10-pham-hinh-phat/ truy cập ngày 20/8/2021.
https://sites.google.com/site/tieubokinhtheravada/tieu-bo—khuddhaka-nikaya-hoa-thuong-thich-minh-chau-dich-viet-kinh-tap-sutta-nipata-chuong-1 truy cập ngày 21/8/2021.
https://thuvienhoasen.org/a611/03-chuong-iii-tuong-ung-kosala truy cập ngày 20/8/2021.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường