Tác giả: Pháp Vương Tử
Trí vô sư hay vô sư trí, tức trí không có thầy. Đây là một thuật ngữ Phật học để chỉ trí tuệ của đức Phật Thích ca Mâu ni. Trí vô sư còn có tên gọi khác là Phật tính, tính giác, Như Lai chủng trí - tức hạt giống Phật. Đức Phật Thích ca đã phát hiện ra "trí" này ngay khi Ngài thành đạo dưới cội Bồ đề vào đêm Rằm tháng 4 năm 588 trước Tây lịch khi đang nỗ lực thiền định để đạt đến sự Giác ngộ rốt ráo.
Các Kinh Đại thừa miêu tả: Khi đức Phật hoát nhiên đại ngộ, Ngài đã thốt lên rằng: "tất cả chúng sinh đều có Phật tính" (chữ Hán biểu thị: Nhất thiết chúng sinh giai hữu phật tính). Rồi cũng từ sự phát hiện vĩ đại Trí vô sư, đức Phật liền xác quyết niềm tin nơi con người, Ngài nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành".
Với trí tuệ siêu việt của một con người đã Thành Đạo, đức Phật đã rời gốc cây Bồ đề để bắt đầu cuộc hành trình 45 năm truyền bá đạo Giác Ngộ với một tâm nguyện cao cả: Tất cả chúng sinh đều được giác ngộ trí tuệ sáng suốt như Ngài. Nhưng cũng chớ nhầm lẫn ý này. Phật nói, Ngài cũng là chúng sinh như mọi người - đó là lẽ thật, nhưng Ngài là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành, là "Phật tương lai" thôi.
Vì kể từ khi Phật Thích ca thành đạo đến nay, trải qua hơn 25 thế kỷ đã có bao nhiêu chúng sinh, thành Phật?
Đó là lẽ thật, nhưng vì sao vậy? Vì chúng sinh thiếu nhiều yếu tố để thành Phật, nhất là hai yếu tố căn bản là Từ bi và Trí tuệ. Nhưng với con mắt đã chứng đạo Bồ đề, thấu hết chân tướng vũ trụ, nhân sinh, hiển lộ toàn triệt trí vô sư, Phật tính nên đức Phật đã thấy con người sẽ là những vị Phật trong tương lai. Vì thế Ngài mới đem yếu tố "Phật sẽ thành" gieo vào lòng chúng ta, gieo vào thân sinh chúng ta, tỉnh thức chúng ta hướng thượng tâm linh lập trí tu theo Ngài.
Đức Phật có hiện thân làm con người thì chúng ta mới biết mà noi theo. Thế nên chữ Đạo trong đạo Phật, đơn giản chỉ là CON ĐƯỜNG. Con đường ấy đức Phật đã trải qua "vô lượng kiếp", từng kế tiếp bảy đời là hiền đức vậy mà còn phải trải qua bao gian nan, thử thách với 5 năm tìm đạo, 6 năm tu khổ hạnh đến nỗi suýt bỏ mạng rồi mới bừng ngộ, khám phá được sự toàn năng trọn vẹn ở chính Ngài và Ngài cũng thấy được sự bình đẳng về Trí vô sư giữa ngài và các chúng sinh (ngay cả khi thành Phật rồi, trí vô sư của Ngài cũng không tăng thêm). Vì thế lời Phật xác quyết ấy là Kim ngôn.
Ai cũng sẽ trở thành Phật - thì quả vị Phật không còn xa lạ, bí hiểm đối với con người nữa rồi. Đức Phật dạy rằng: Chỉ cần tập trung tư tưởng, phát huy thiền định đúng Chính Pháp sẽ chứng được Tam minh - Lục thông, có được năng lực siêu tự nhiên như Ngài Kinh Pháp Hoa, phẩm Thường bất khinh Bồ Tát, khi gặp ai cũng khen ngợi, lễ lạy, kể cả bị đánh chửi, bị ném đá, Ngài cũng không sờn lòng trồng căn lành là niềm tin "bất thoát chuyển" cho mình và người khác rằng: Quí vị rồi sẽ thành Phật. Vị Bồ tát ấy có tên là Thường bất Khinh, là quyết không khinh chê ai, không bực bội với cái sai của người khác, chỉ một mực tin lời Phật dạy: Ai cũng sẽ thành Phật. Chính hành vi thánh thiện này đã "đánh thức" chủng tử (hạt giống Phật) đang tiềm ẩn trong mỗi con người, làm thức dậy Trí vô sư - Phật tính, là tính sáng suốt hằng có nơi mỗi con người.
Trí vô sư - Phật tính cũng được nhắc tới hầu hết trong các bộ Kinh Đại thừa như: Hoa nghiêm, Bảo tích, Bi hoa, Di đà, Pháp Hoa... trí vô sư cũng không phải cái gì khác, đó là TÂM. Nhưng cái tâm ấy như "Vừng nhật tròn đầy, rộng lớn sáng bao la" ấy lại luôn bị "lớp lớp mây mù" che khuất, không lộ ra được. Lớp lớp mây mù che khuất ấy là tam độc Tham - Sân – Si.
Cho nên tu Phật là xua tan lớp lớp mây mù, cứ bớt đi một phần vô minh (thiếu sáng suốt) là một phần trí tuệ sinh ra, rọi sáng. Người ta thường nói: Đạo Phật là đạo cứu khổ, ban vui, nhưng kỳ thực chả có ai "cứu" mà cũng không có ai "ban" cho cả. Muốn thành Phật, hay chí ít mong có được đời sống an lạc, hạnh phúc ngay tại nơi đời này thì gắng học Phật, tu Phật, biết ứng dụng những lời Phật dạy ngay trong đời sống hàng ngày. Đức Phật chỉ nhận mình là đạo sư, người thầy chỉ đường thôi: "Các người hãy làm việc của các người, Như Lai chỉ dạy con đường" Nghĩa là: Mỗi người phải chịu trách nhiệm đối với hành vi thiện ác của mình, đức Phật không can thiệp vào Nghiệp của con người và không "cứu rỗi" ai cả, Ngài chỉ chân thật nói về Luật nhân quả - một định luật mang tính tất yếu. Các nhà tôn giáo học ngày nay đã đánh giá Giáo lý nhân quả của Phật giáo là "cuộc cách mạng tâm linh".
Và tính nhân bản "Phật sẽ thành" của đức Phật đã công khai bác bỏ thẩm quyền thượng đế phạm thiên, phủ nhận sự hiện hữu của một Đấng tạo hóa toàn quyền sinh sát, một Atman bất tử, hay trí tuệ của con người, có được là "nhờ"... Thượng đế!
Đương nhiên "Phật sẽ thành" là một tiềm năng giác ngộ, khơi dậy trí vô sư, cái khả năng, "Thành Phật" tiềm ẩn nơi mỗi con người. Cho nên đánh thức Trí vô sư luôn là cứu cánh đầu tiên mà cũng là mục đích tối hậu của giáo lý Phật đà.
Tác giả: Pháp Vương Tử
Bình luận (0)