Thích Minh Nghiêm Học viên Cao học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

Tóm tắt: Trải qua bao nhiêu thăng trầm của dòng chảy lịch sử, Huế vẫn được mệnh danh là mảnh đất Thiền kinh xứ Phật. Huế và Phật giáo đã gắn kết với nhau một cách mật thiết, nói đến Huế là phải nói đến Phật giáo. Thật vậy, trong gia tài văn hóa Việt Nam, các lĩnh vực mỹ thuật, nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc... dù ít hay nhiều cũng đều mang những dấu ấn của Phật giáo. Vì vậy việc tìm hiểu bức tranh “Long vân khế hội tại chùa Diệu Đế - Huế”, nhằm tìm hiểu những họa tiết trang trí, chất liệu được vẽ để hiểu được giá trị của bức tranh và ý nghĩa thực sự của nó, đưa ra những quan điểm triết lý dưới góc nhìn của Phật giáo. Từ khóa: Tranh Long vân khế hội, chùa Diệu Đế, Huế.

MỞ  ĐẦU

Có một thời Huế được mệnh danh là kinh đô của Phật giáo, đất Thiền kinh xứ Phật. Huế và Phật giáo đã gắn kết với nhau một cách mật thiết, nói đến Huế là phải nói đến Phật giáo. Có thể nhận định rằng, tuy Phật giáo đã có mặt trên vùng đất Thuận Hoá từ rất lâu, nhưng phải đến khi các chúa Nguyễn vào khai hoang xứ Đàng Trong và các vua Nguyễn chọn nơi đây làm thủ phủ của mình thì Phật giáo mới có những bước tiến vượt bậc. Huế với những ngôi cổ tự nổi tiếng, ngôi chùa cố đô Huế nức tiếng xa gần, không chỉ là nơi hoằng pháp của các vị tổ Trung Hoa mà còn là nơi sản sinh ra nhiều bậc danh sư lỗi lạc có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo cả nước và cả thế giới. Với tinh thần nhập thế, đạo Phật đã lan tỏa và hòa nhập vào đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân xứ Huế.

Trong gia tài văn hóa Việt Nam, các lĩnh vực mỹ thuật, nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc... dù ít hay nhiều cũng đều mang những dấu ấn của Phật giáo. Như vậy đủ để chứng tỏ một điều rằng, Phật giáo có tầm ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống và đạo Phật cũng chính là nơi lưu giữ những giá trị tinh hoa của văn hoá dân tộc.

I. TỔNG QUAN CHÙA DIỆU ĐẾ VÀ TRANH LONG VÂN KHẾ HỘI

1.1. Vài nét về chùa Diệu Đế

Cổng chùa chùa Diệu Đế. Ảnh: Nhật An

Chùa Diệu Đế là một trong ba ngôi quốc tự còn lại đến nay ở Thừa Thiên Huế. Dưới thời nhà Nguyễn, chùa Diệu Đế thuộc ấp Xuân Lộc, nằm ở phía đông của Kinh thành. Hiện nay, chùa toạ lạc tại địa chỉ 110 - 112 đường Bạch Đằng, phường Phú Cát, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích khoảng hơn 10.000 m2. Trước khi được xây dựng thành chùa, đây vốn là nơi hoàng tử Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này) được sinh ra. Sau khi lên ngôi vua, ông lấy hiệu là Thiệu Trị và lập nơi đây thành một ngôi chùa để tạo phúc cho muôn dân. Điều này cũng giống như phụ hoàng của ông vua Minh Mạng lấy đất tiềm đề của mình để xây dựng nên chùa Giác Hoàng.

Chùa được khởi công xây dựng vào tháng 3 năm Thiệu Trị thứ 4 Giáp Thìn (1844), trên nền phủ đệ cũ của nhà vua, nơi vua được sinh ra năm Đinh Mùi (1807).

Chùa ban đầu được xây dựng rất quy mô. Chính điện là Đại Giác, tả hữu là Thiền Đường, phía trước điện là gác Ðạo Nguyên, sau gác Ðạo Nguyên có hai lầu chuông trống, chính giữa là lầu Hộ Pháp, sân trong có La Thành, sân trước có hai nhà Lục giác, nhà bên tả đặt Hồng Chung, nhà bên hữu dựng bia. Hệ thống La Thành ngoài chùa xây dựng kiên cố, bề thế, trước có Phượng Môn ba cửa, hai bên có cổng nhỏ.

Qua nhiều năm tu sửa, trùng tu ngôi chùa, vào năm 1953 - 1955, thời Ngài Diệu Hoằng, chùa được xây dựng và vẫn giữ được kiến trúc cũ. Đây cũng chính là thời gian mà bức tranh nổi tiếng Long vân khế hội hay còn gọi là Cửu Long ẩn vân được vẽ.

Trải qua bao nhiêu năm tháng chùa đã xuống cấp và xin được phép trùng tu ngôi phạm vũ đặt đá năm Mậu Tuất (2018) và đến nay cũng đã dần dần được hoàn thiện, quan trọng hơn nữa là bức tranh Long vân khế hội vẫn được bảo tồn.

1.2. Đôi nét về tranh Long vân khế hội

Bức tranh Long vân khế hội là bức tranh vẽ năm con rồng uốn lượn, ẩn hiện trong các tầng mây trên tầng điện Đại Giác chùa Diệu Đế - Huế và bốn con rồng quấn quanh bốn cột trụ lớn.

Tranh Long Vân Khế Hội tại chùa Diệu Đế. Ảnh: Nhật An

Bức tranh này có chiều dài khoảng 10m và chiều rộng khoảng 11m. Có nhiều người cho rằng bức tranh này do nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh vẽ dưới thời vua Khải Định. Tuy nhiên, theo cố Hòa thượng Thích Toàn Đức (là đệ tử của ngài Diệu Hoằng), lúc Hòa thượng xuất gia hành điệu tại chùa thì bức tranh Long vân khế hội được vẽ vào đợt trùng tu năm Quý Tỵ (1953) nhưng Hòa thượng không nhớ rõ là do nghệ nhân nào vẽ bức tranh đó. Do đó, bức tranh này vẫn còn là ẩn số về danh tính tác giả? Có thông tin phỏng đoán có lẽ do nghệ nhân họa sĩ cung đình Phan Văn Tánh là tác giả của “cửu Long ẩn vân” tại lăng Khải Định nên có thuyết truyền như vậy, vì hai bức tranh này có các đặc điểm, bố cục khá tương đồng và cũng vào niên đại của vua Khải Định?

Về chất liệu để được vẽ lên tường như vậy có lẽ nghệ nhân đã dùng loại sơn gốc nước để vẽ tường vì nó có độ kết dính cao đối với xi măng tầng chính điện, không những vậy có độ bền khá cao và chịu được thời tiết khắc nghiệt,ẩm mốc và nắng hạn… nhờ đó mới lưu giữ đến ngày hôm nay.

Hình tượng rồng được sử dụng nhiều đường cong uốn lượn vừa phải để trình bày thân rồng và lông rồng có đầu nhọn. Đầu to và tròn, mắt to, mũi mở, miệng lớn, răng cửa nhọn, thân dài, cơ bắp linh hoạt, có vảy nhiều màu, đuôi rồng, có tua lượn sóng mềm mại, và móng rất sắc. Biểu thị sự uy nghiêm và tráng lệ của bậc quyền uy.

Nhìn chung, trong bố cục trang trí, các hình thức trang trí xen kẽ, đối xứng, cân đối, tương phản luôn luôn có sự phối hợp để tạo ra những mảng trang trí đẹp mắt và ứng dụng linh hoạt trong đời sống. Trang trí mây là sắp xếp các hình mảng đậm nhạt, họa tiết, màu sắc sao cho phù hợp với đặc điểm của mỗi con rồng mỗi họa tiết, làm nổi rõ trọng tâm và nội tâm của nó.

Vào năm Mậu Tý (2008), bức tranh Long vân khế hội đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chính điện xưa và lớn nhất Việt Nam”.

II. Ý NGHĨA BỨC TRANH VÀ TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO

2.1. Tìm hiểu ý nghĩa bức tranh

Bức tranh Long vân khế hội (cũng được gọi là cửu long ẩn vân) có nghĩa là chín con rồng bay lượn, uốn lượn trong đám mây lúc ẩn lúc hiện.

Long (rồng) là con vật được trang trí rất nhiều trong nghệ thuật kiến trúc chùa như: mái chùa, nóc chùa, lườn nóc nhà, hai bên lan can lên bậc tam cấp, trong những bức tranh thêu, trên những tấm panô chạm khắc hoặc sơn vẽ, họa tiết đồ thờ,… nói chung là khắp mọi nơi. Sự biến thể của con rồng rất đa dạng và phong phú trong cách biến hóa trang trí hồi văn biến hóa, dây và lá biến hóa, đám mây biến hóa, cây trúc biến hóa, thậm chí cây thân mộc và cây thân thảo cũng biến hóa, thành những hình như con rồng. Mỗi sự biến hóa và cách trang trí ở mỗi nơi sẽ có công năng và diệu dụng, ý nghĩa khác nhau để làm nổi bật được sự quyền uy chức năng của nó. Bức tranh Long vân khế hội được trang trí trên tầng chính điện chùa Diệu Đế biểu thị cho bậc Đế Vương, chí khí người quân tử ngất trời, năm con rồng trên tầng điện Đại Giác thoắt ẩn, thoắt hiện trong những đám mây ung dung tự tại không bị bó buộc bởi không gian lẫn thời gian, không những vậy nó còn nói lên sự vững chãi, hài hòa giữa thiên nhiên và đất trời khi có bốn con rồng quấn quanh bốn cột lớn tượng trưng cho số 4 là sự hình thành của 2 cặp như tượng trưng cho sự lâu bền, viên mãn. Có vạn điều may mắn và hạnh phúc liên quan đến số 4 như một năm có 4 mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông; đất có 4 phương: Đông - Tây - Nam - Bắc. Ngoài ra, số 4 tạo ra hình vuông, tượng trưng cho sự vững chắc, ổn định và bình yên. Không những vậy còn biểu trưng cho mọi điều tốt đẹp, con số này cũng được sử dụng khá nhiều trong tự nhiên để hòa quyện thành một tuyệt tác nghệ thuật từ hình thức cho đến nội dung.

Tranh Long Vân Khế Hội tại chùa Diệu Đế. Ảnh: Nhật An

Trong bức tranh có chín con rồng vì số chín theo cách đọc Hán tự, số chín được phiên âm là “cửu”, tương tự cách đọc của từ “cửu” trong “vĩnh cửu, trường cửu”, tượng trưng cho sự bền vững, trường tồn. Theo quan niệm dân gian, số chẵn thuộc âm, số lẻ thuộc dương. Trong đó, số 9 là số lớn nhất trong dãy số dương, nên còn được gọi là số cực dương, ngầm mang ý nghĩa sinh sôi, hưng thịnh. Người xưa tin rằng số 9 tượng trưng cho sự cân bằng trong cuộc sống. Theo Phật giáo, người ta gọi 9 là “con số nhà Phật”, ý nghĩa số 9 chính là những quả ngọt đạt được sau những khó khăn, thăng trầm. Ở Hy Lạp, ý nghĩa số 9 là kết tinh của những hỉ nộ ái ố. Số 9 tại Ai Cập có ý nghĩa tượng tượng trưng cho các yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Trong văn hoá Trung Hoa, số 9 là con số mang lại sức mạnh, sự đoàn kết, cùng nhau vượt qua những khó khăn. Còn đối với văn học Việt Nam, ý nghĩa số 9 là sự hoàn hảo, đủ đầy đến mức khó có thể đạt được và còn đại diện cho sự vĩnh cửu trường tồn. Qua tất cả các quan niệm và ý nghĩa trên đã cho chúng ta thấy được bức tranh này thể hiện ý niệm mãnh liệt như thế nào cho quốc gia xã hội luôn được hòa bình, thịnh trị.

Rồng là hình tượng có địa vị quan trọng trong văn hóa lịch sử cũng như các lĩnh vực khác được quy định rõ ràng không được sai phạm. Số lượng móng rồng thể hiện cho mức độ cao quý của bản thân loài rồng, số lượng móng rồng được chia thành như sau: rồng năm móng là chỉ vua, hoàng đế, rồng bốn móng là chỉ những người trong hoàng tộc, rồng ba móng là chỉ quan viên các cấp. Cũng vậy trong hình tượng nghệ thuật cũng tuân theo nguyên tắc này. Rồng trong các tác phẩm điêu khắc hay tranh tường phần lớn là rồng bốn móng hoặc ba móng chứ năm móng khá ít gặp, chỉ có sự đồng ý và chỉ đạo của vua mới có thể sử dụng rồng năm móng. Đương nhiên là bức tranh Long vân khế hội tại chùa Diệu Đế là do sự chỉ đạo và bảo trợ của hoàng thái hậu Từ Cung nhưng trong bức tranh chín con rồng được thể hiện đó có tám con rồng là có bộ năm móng và một chi tiết khá khác lạ và độc đáo, chính là một con rồng được vẽ bởi bộ bốn móng đây cũng là một chi tiết khá thú vị.

Chi tiết rồng 4 móng có lẽ là sự giao thoa giữa nghệ thuật cung đình và nghệ thuật nhân gian từ đó hỗn dung vào nhà chùa. Có hai giả thiết được đặt ra bởi chi tiết rồng 4 móng thứ nhất đây là nơi sinh ra của hoàng tử Miên Tông (là vua Thiệu Trị sau này) khi đó là hoàng tử nên chi tiết vẽ rồng 4 móng được lấy ý tưởng từ đây. Thứ hai tác phẩm này được vẽ khi đó vua Bảo Đại đã thoái vị nên chi tiết đó được vẽ như vậy chăng?

Không biết ngụ ý muốn nói lên điều gì nhưng điều đó là một điểm nhấn, chấm phá nghệ thuật tranh ảnh mà nó đã thể hiện rõ tư tưởng, triết lý, nội dung mà tác giả muốn gửi gắm vào bức tranh đó.

2.2. Góc nhìn Phật giáo về bức tranh

Trong kinh điển Phật giáo, rồng là một trong tám bộ thường theo để ủng hộ Phật pháp (tám bộ gồm: Thiên, Long, Dạ xoa, Kiền thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già), hình ảnh loài rồng đều tượng trưng cho loài vật linh thiêng và huyền thoại có sức mạnh phi thường. Phật giáo tiếp nhận và tiếp biến để phù hợp với ý nghĩa của Phật giáo, rồng biểu thị cho sự trường tồn vĩnh cửu của pháp Phật tại thế gian cũng như xuất thế gian và ước muốn cho sự hòa bình, nguyện cầu quốc thái dân an, âm siêu dương thái, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc đó là ý nghĩa tối thượng mà đạo Phật sử dụng hình ảnh con rồng.

Rồng có liên quan rất nhiều trong các sự kiện và kinh sách của Phật giáo đơn cử là khi đức Phật Giáng sinh thì có 9 con Rồng phun nước tắm cho Phật, gọi là cửu Long phún thủy (chín con rồng phun nước để tắm cho Phật). Sự kiện trong kinh Phổ Diệu. Bây giờ ở miền Trung ít thấy thờ tượng này nhưng trong mỗi dịp rước Phật tại chùa Diệu Đế thì vẫn thấy, còn miền Nam thì nhiều hầu như các chùa miền Nam khi họ chạm khắc tượng thì bao giờ cũng có tượng Đản sinh, xung quanh có 9 con rồng đứng hầu, là lấy tích sử đức Phật ra đời có 9 con rồng phun nước tắm cho Phật, có lẽ rằng ngụ ý của bức tranh Long vân khế hội bắt nguồn từ sự kiện đó.

Mây là một hiện tượng ngưng tụ nước đầy đủ duyên thì mưa nó cứ luân chuyển theo một tuần hoàn nhất định đó là sinh và diệt theo định luật nhất định. Nhưng nó vẫn tồn tại chứ không hẳn là mất đi. Trong bức tranh Long vân khế hội những đám mây lúc ẩn, lúc hiện, lúc dày, lúc mỏng… theo tư tưởng, triết lý của nhà Phật gọi đó là sự luân hồi. Chung quy mọi sự vật hiện tượng trong thế gian này đều chịu sự chi phối của sự vô thường: thành, trụ, hoại, không; sinh, trú, dị, diệt. Bởi vậy qua bức tranh nhắc nhở chúng ta cần phải sống một cuộc sống chính niệm (tập trung) và định tĩnh (yên bình) hơn để có thể có được cái nhìn sâu sắc về những gì đang diễn ra. Chúng ta sẽ có cơ hội chạm vào bản chất thực sự của thực tại, bản chất của sự bất tử. Phật giáo gọi đó là Niết bàn. Niết bàn là bản chất của không sinh cũng không chết.

Qua góc nhìn Phật giáo bức tranh Long vân khế hội là một tuyệt tác nghệ thuật trọn vẹn từ hình thức cho đến nội dung, từ triết lý cho đến tư tưởng. Từ các nhà vua, hoàng thân,… và Phật giáo hướng đến Phật giáo nhập thế, bình dân và mang tính đại chúng đến tất cả mọi người không phân biệt đẳng cấp hay tôn giáo, đẳng phái. Để đồng hành cùng dân tộc, phát huy những giá trị ưu việt nhất, thể hiện qua các phương diện tu tập, phổ hóa vào nếp sống thường nhật cho mọi giới trong xã hội được lợi lạc.

KẾT LUẬN

Trong lịch sử mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình trang trí, điêu khắc… chúng ta thường bắt gặp bốn loài vật thiêng liêng mà người Việt gọi đó là tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng. Trong đó Long (rồng) là con vật thường gặp nhiều nhất trong bốn loài và là đề tài nổi bật cho tất cả các công trình kiến trúc nào mà người Việt xây dựng. Không những khẳng định được uy quyền, đẳng cấp và sự độc lập trong mỹ thuật mà còn mang bản sắc riêng biệt trong trang trí, điêu khắc hay hội họa.

Hình ảnh con rồng đã được sử dụng trong suốt lịch sử của triều đại phong kiến và được coi là một ví dụ về phong cách trang trí chính. Có thể cho rằng, từ một con vật không có thật trong đời sống, nhưng hình ảnh con rồng lại khơi dậy niềm tin về cội nguồn dân tộc và thể hiện sức mạnh, quyền uy. Rồng là biểu tượng cho sự thịnh vượng và sức mạnh của đất nước, nhanh chóng trở thành biểu tượng cho quyền lực của nhà nước phong kiến, và chỉ được sử dụng ở những nơi trang trọng nhất của hoàng cung, hoặc sự nghiệp trọng đại của đất nước. Có triều đình phong kiến cho tạc tượng rồng trên nhà cửa hoặc đồ dùng sinh hoạt. Nhưng sức sống của con rồng khi vượt qua thủ đô và đến với vùng nông thôn lại càng thêm sức sống mãnh liệt. Nó được đặt lên những ngôi đình, làng,… ẩn mình trên những chiếc bình gốm, những cây cột đình to tướng, cuộn tròn trong lòng đĩa hoặc trở thành người gác cổng chùa.

Thích Minh Nghiêm Học viên Cao học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Thị Hường (2015), Sự phục hưng của Phật giáo ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn trong Phật giáo thời Nguyễn, Nxb Tôn giáo. 2. Nguyễn Hữu Thông (2014), Mỹ thuật thời chúa Nguyễn, Nxb Thuận Hóa. 3. Ngọc Văn (2018), https://tienphong.vn/hue-vi-sao-khong-ha-giai-buc- tranh-rong-lon-nhat-viet-nam-post1082072.tpo truy cập ngày: 28/4/2022.