Thiền gia Hoàng đế Trần Thánh Tông với cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đã viết nên những trang sử vàng son cho dân tộc và Thiền học Việt Nam. Di sản của ông đã được vua Trần Nhân Tông kế thừa và phát triển lên đỉnh cao bằng dấu mốc hình thành tông phái thiền học nội sinh từ trong lòng dân tộc Đại Việt - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tư tưởng của thiền gia Hoàng đế Trần Thánh Tông trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước là di sản vô giá của dân tộc ta trong hiện tại và mai sau.

Tác giả: BTV Lưu Hồng Hoa

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Tóm tắt

Trong các vì sao sáng chói của triều đại nhà Trần, ta không thể không nhắc tới vì tinh tú Thiền gia Hoàng đế Trần Thánh Tông, một bậc minh quân viết tiếp trang sử thịnh trị của triều đại nhà Trần, vị vua tham gia cả 3 cuộc kháng chiến chống đế chế cường mãnh Nguyên-Mông giành thắng lợi, không ngừng phát triển nguồn mạch Thiền tông Việt Nam, hoàn thành vẻ vang phận sự tiếp nối, tạo tiền đề và đào tạo ra Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm sau này. Tư tưởng của ông về trưng cầu dân ý và cố kết lòng dân có ý nghĩa và giá trị xuyên suốt cả về mặt không gian và thời gian, cần được nghiên cứu vận dụng xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Trần Thánh Tông, thiền gia, tư tưởng Trúc Lâm, xây dựng khối đại đoàn kết

1. Dẫn nhập

Thời đại nhà Trần (1225-1400) được sử sách đánh giá là một mốc son chói lọi và hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là thời đại độc lập dân tộc thống nhất, phục hưng dân tộc và phát triển đất nước. Vương triều Trần có những vị vua anh minh như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,… có các tướng lĩnh tài năng như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật,… đã quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc đánh thắng giặc Nguyên - Mông, đã chứng tỏ sức mạnh của một vương triều biết trọng dụng nhân tài, thu phục lòng dân, đưa đất nước phát triển một cách toàn diện tạo ra vị thế bình đẳng với Trung Hoa, các nước lân bang khác nể trọng.

Trần Thánh Tông là một bậc minh quân, có công rất lớn trong công cuộc xây dựng Đại Việt trở nên hưng thịnh. Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký Toàn thư khen ngợi Trần Thánh Tông: “Vua trung hiếu nhân thứ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp nhà Trần được bền vững vậy!”[1]

2. Tiểu sử hành trạng Thiền gia Hoàng đế Trần Thánh Tông

Tượng vua Trần Thánh Tông. Ảnh: Thuvienhoasen.org

Hoàng đế Trần Thánh Tông (1240 - 1290) là con của vua Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của triều Trần, nổi tiếng là người yêu nước thương dân. Mẹ là Thuận Thiên công chúa họ Lý, một triều đại tôn sùng đạo Phật, lấy “nhân trị” làm quốc sách. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Tên húy là hoảng, con trưởng dòng đích của Thái Tông, Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng Thái Hậu Lý thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy thượng đế trao cho gươm báu, hậu mang thai. Năm Canh Tý, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 9 (1240) tháng 9, ngày 25, giờ ngọ sinh, sau đó lập Hoàng thái tử. Thái Tông băng, liền lên ngôi báu, ở ngôi 21 năm, nhường ngôi 13 năm, thọ 51 tuổi, băng ở cung Nhân Thọ, táng ở Dụ Lăng.”[2]

Với nếp sống đạo Thiền tùy tục, Hoàng đế Trần Thánh Tông đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng đời sống hạnh phúc ở thực tại, hoàn thiện nền hành chính, giáo dục, kinh tế, bảo trợ Phật giáo, trọng dụng nhân tài và duy trì sự hòa hợp, kỷ cương trong triều đình, xây dựng nguồn nhân lực lấy trí tuệ, đức hạnh làm gốc để tuyển người vào bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, còn thực hiện việc thân dân, gần dân bằng hạnh từ bi: “Mùa Xuân, tháng giêng, vua từng nói với tôn thất rằng: Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý, tuy bên ngoài thì cả thiên hạ phụng một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta cùng với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui, các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thêm phúc muôn năm cho tông miếu xã tắc vậy”.[3]

Ông là người tham gia đầy đủ cả 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Lần thứ nhất năm 1258 với vai trò là Thái tử đã sát cánh cùng vua cha Trần Thái Tông cầm quân ngăn giặc tại mặt trận Bình Lệ Nguyên. Ông đã thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng rất kiên quyết, nhằm bảo vệ danh dự và nền độc lập của Tổ quốc, đồng thời chú trọng luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thực, vũ khí chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai.

 Với vai trò là Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng con trai là Trần Nhân Tông lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285 và thứ ba năm 1287-1288, chính ông là người có sáng kiến triệu tập hội nghị Bình Than (1282) để bàn kế chống giặc rồi triệu họp các bô lão ở Hội nghị Diên Hồng (1284) để trưng cầu dân ý là hòa hay đánh, thể hiện tính minh bạch, sự dân chủ, đoàn kết sắc dân và củng cố mối quan hệ nhân dân – chính quyền, thể hiện ý chí thống nhất của một dân tộc, phát động tinh thần yêu nước tới toàn dân, đồng lòng nhất trí giữa nhà nước và nhân dân trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ được vua Trần Thánh Tông khéo léo sử dụng. Hội nghị Diên Hồng lúc đó được xem như Hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Ông cùng với quân sỹ thực hiện cuộc rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng và mở cuộc tiến công diệt giặc ở phủ Trường Yên. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, Trần Thánh Tông cùng với con trai đã lãnh đạo toàn dân làm nên chiến thắng Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Vai trò Thượng hoàng vô cùng quan trọng trong bối cảnh đó, vừa có con mắt tinh tường hơn người chọn được hiền tài bậc nhất cử Trần Quốc Tuấn làm tiết chế quốc công thống lĩnh toàn quân vừa củng cố sức mạnh đoàn kết trong hoàng tộc Trần.

Trong bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, sử quan Đại Nam có nhận xét: “Lúc bấy giờ nhà Nguyên mới nổi lên, khí thế rất ngang ngược; nhà Trần cũng may gặp lúc mới nổi lên, được các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và tướng văn tướng võ phần nhiều người tài, mới có thể đánh bại được giặc, giữ được nước, chứ nếu gặp người khác thì chưa biết thế nào”.[4] So sánh tương quan về lực lượng, khi tổng số quân đội nhà Nguyên Mông đặt chân đến Đại Việt ước tính có thể lên đến hơn 80 vạn người, đúng như câu khẩu ngữ “đông như quân nguyên mông”, một đế quốc đánh chiếm cả đại lục Á Âu mà không chiếm được một dải đất Đại Việt, mới thấy được sự vĩ đại của chiến công 3 lần đánh đuổi Mông Nguyên của triều đại nhà Trần. Người thống nhất quan điểm với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn về lấy dân làm gốc chính là Trần Thánh Tông, trưng cầu kêu gọi đoàn kết toàn dân cũng là sáng kiến của ông, chính nhờ những quan điểm ấy mà cuộc chiến nhanh chóng kết thúc, bảo vệ thành công biên cương lãnh thổ, bảo vệ nền văn hóa dân tộc, bẻ gãy ý đồ xâm lược của kẻ thù, dẹp yên bờ cõi.

Hoàng đế Trần Thánh Tông cho tìm người thông hiểu kinh sách làm tư nghiệp Quốc tử giam,  chăm lo giáo dục kỹ càng cho con là Trần Nhân Tông, để chuẩn bị cho việc tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo quốc gia sau này. Trần Thánh Tông đã mời các bậc trưởng lão tinh thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh và Phật giáo để dạy dỗ cho sơ tổ như: Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố…đó là lý do sơ tổ sau này tinh thông cả tam giáo. Ông tôn xưng Tuệ Trung Thượng sĩ – Thiền sư bậc nhất thời Trần là sư huynh và ký thác con mình cho Thượng sĩ làm thầy trực tiếp chỉ bảo. Ngoài ra, Hoàng đế Trần Thánh Tông đã trực tiếp soạn sách Di Hậu Lục gồm 2 quyển để dạy cho Thái tử cách xử thế sau này.

Nhờ tầm nhìn xa trông rộng của vua Trần Thánh Tông, đào tạo bồi dưỡng con mình thành tinh hoa đã tạo lên kỳ tích của nhà Trần, dựa trên nền tảng ông chuẩn bị tạo đà cho Trần Nhân Tông giữ vai trò là người khơi mở Thiền phái Trúc Lâm ngay vào thế hệ tiếp nối, làm cho thời Trần trở thành thời vàng son, là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, nhất chí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ, từ nam đến nữ gây dựng hào khí Đông A chói lọi. Lần đầu tiên tất cả con dân Đại Việt đồng lòng vì nghĩa lớn, với tinh thần quyết tử để chống giặc ngoại xâm đứng trước kẻ địch cường mãnh nhất thế giới lúc bấy giờ, nhưng Đại Việt vẫn thể hiện được tinh thần tự lập tự cường, lòng yêu nước vô hạn, đầu có thể rơi, máu có thể chảy nhưng quyết chí không thể làm người mất nước.

3. Tư tưởng Phật học của Thiền gia Hoàng đế Trần Thánh Tông qua các tác phẩm văn học Phật giáo

Tác phẩm của Trần Thánh Tông tương truyền có Di hậu lục (Chép để lại cho đời sau), Cơ cầu lục (Chép việc nối dõi nghiệp nhà), Thiền tông liễu ngộ ca (Bài ca giác ngộ Thiền tông), Phóng ngưu (Thả trâu), Chỉ giá minh (Bài minh về sự cung kính) nhưng đều đã thất lạc. Hiện chỉ còn 16 mục tác phẩm, trong đó có 15 bài thơ và một đoạn văn bàn luận về tình nghĩa anh em trong hoàng tộc.

Qua các áng thơ của Thiền gia Trần Thánh Tông, Người đã hé lộ cho hậu thế chúng ta biết thêm nhiều điều về con người thời Trần, họ đã sống, đã nghĩ suy, trăn trở, đã tu tập và hành động như thế nào để đạt tới giác ngộ. Đó là những điều thực tế đã diễn ra:

(Chân tâm chi dụng,

Tinh tinh tịch tịch.

Vô khứ vô lai,

Vô tổn vô ích.

Nhập đại nhập tiểu,

Nhậm thuận nhậm nghịch.

Động như vân hạc,

Tĩnh như tường bích.

Kỳ khinh như mao,

Kỳ trọng như thạch.

Sái sái nhi tịnh,

Khoả khoả nhi xích.

Bất khả đạc lượng,

Toàn vô tung tích.

Kim nhật vị quân,

Phân minh phẫu phách.)

                    Chân tâm chi dụng.

Thiền gia Thánh Tông nhắc nhở mọi người nên coi việc tu học, tu tâm là chuyện quan trọng cả đời. “Tinh tinh tịch tịch” ý nói tâm an định sáng suốt, nói về diệu dụng của chân tâm, ai thấu hiểu được tâm mình, phát huy diệu dụng của tâm mình, phát huy toàn bộ năng lực của mình, không có tâm vị kỉ, mình đạt được phần nào cũng chia sẻ cho toàn bộ người khác được, chứ không giữ riêng cho mình, khi có tâm rộng lớn thì ắt mọi việc sẽ thành:

Dụng của chân tâm, Thông tuệ, lặng lẽ. Không đi không đến, Không bớt không thêm. Vào nhỏ hay vào to, Mặc kệ thuận hay nghịch. Động thì như mây, như hạc, Tĩnh thì như tường, như vách.

Nhẹ tựa mảy lòng,

Nặng như đá.

Làu làu trong sạch,

Trần trụi không có vật gì.

Không thể đo lường,

Hoàn toàn không có tung tích.

Nay ta vì ngươi,

Tỏ bày rành mạch [5]

Không đi không đến, không bớt không thêm”, mỗi tối chúng ta tụng Kinh Bát Nhã , nào là bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm:

“Xá Lợi Tử nghe đây

Thể mọi pháp đều không

Không sinh cũng không diệt

Không thêm cũng không bớt”

Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh.

Bản chất của mọi vật đều không đến không đi, trống rỗng, không có tự tánh riêng biệt, không có tự tánh độc lập, tự nó không thể hiện hữu. Chúng không sinh ra cũng không mất đi, chúng luôn ở trong quá trình tiếp tục biểu hiện ở một trạng thái khác. Ta được làm bằng các hợp thể: ông bà, cha mẹ, tổ tiên, đất, nước, gió, không khí,… và đầy đủ mọi nhân duyên. Nếu chỉ là đất hay chỉ là nước thì thân ta không thể hiện hữu. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là con người tứ đại, bao gồm: địa, thủy, hoả, phong (đất, nước, lửa, gió). Ví dụ như ta quán chiếu nhìn sâu vào chính ta, ta thấy được tổ tiên của mình ở trong đó, thấy được bàn tay ta giống tay ai? Bàn chân ta giống chân ai? Tính cách mạnh mẽ kiên cường của ta được tiếp thu và ảnh hưởng từ ai?

“Vào nhỏ hay vào to, Mặc kệ thuận hay nghịch”. Ý niệm về việc “to, nhỏ” là khi ta kẹt vào việc so sánh kích thước. Tiếp đến là kẹt vào việc “thuận, nghịch”, dù cho gặp cảnh thuận được vui vẻ hoặc gặp cảnh nghịch khổ đau, ta vẫn an nhiên không đổi dời. Một trong những biểu hiện quan trọng của các vị thiền sư đạt đạo của Việt Nam là ở trong vị trí nào tùy nghi cư xử theo vị trí ấy cho phù hợp. Ở trong hoàn cảnh nào tùy duyên mà cư xử cho phù hợp với hoàn cảnh ấy mà không lìa khỏi tâm từ bi ích lợi cho phật pháp, cho chúng sinh, tự tại, vô ngã, không bị ngoại cảnh chi phối hay ràng buộc. Cái quan trọng nhất là phải chấp nhận và dung nhập vạn vật, biết chọn lựa những thứ phù hợp với đặc tính tự thân để hoàn thiện chính mình. Cuối cùng là đặt mình trong nhiều hoàn cảnh, để quan sát thân tâm mình. “Động thì như mây, như hạc,” ý nói khi thân ta hoạt động đi đứng nằm ngồi hay “Tĩnh thì như tường, như vách” ngồi hay khi nằm ở trạng thái tĩnh, hoặc “Nhẹ như sợi lông, nặng như tảng đá”, nói trọng lượng nặng hay nhẹ, nói trạng thái động hay tĩnh cũng được, khi nào những ý niệm hơn thua, được mất, phải trái…không còn nữa thì chân tâm hiển lộ ra.

“Sự sáng suốt vốn là ở nơi mình,

Cũng dụi mắt làm thành quái dị.

Nhưng thấy quái dị mà không coi là quái dị,

Thì điều quái dị kia tự nó mất đi”.[6]

                                      Họa Tuệ Trung Thượng sĩ.

Chân tâm là bí ẩn sâu kín nhất trong mỗi con người, nó không phải là con người vật lý, có hình tướng, nhưng không ngoài con người vật lý. Nó không hình - không tướng, không màu - không mùi, không lớn - không nhỏ, không ngắn - không dài, không trong - không ngoài. Nó bao trùm khắp nơi, không thể nắm bắt, chỉ có thể sáng suốt tịnh tâm mà lĩnh hội.

Cái Dụng thể hiện ra là hình mẫu những con người trí tuệ, con người tự tại, con người vô ngã vị tha, con người vũ trụ, con người vô úy, vô ngôn, quên mình… Đó là những con người có trí tuệ, bản lĩnh, tự tin ở năng lực, sức mạnh của chính bản thân mình, không ỷ lại hay nương tựa vào bất kỳ ngoại lực nào khác. Họ sẵn sàng đem trí tuệ và đức độ làm lợi ích cho cộng đồng, có công lớn trong việc an bang định quốc, bảo vệ và xây dựng đất nước, thiết lập cuộc sống thanh bình thịnh trị, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Không ai hết đó là con người như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…

Khi Vua Thánh Tông bệnh, Thượng sĩ Tuệ Trung gửi thư đến thăm, vua viết vào cuối trang đáp lại:

“Khí nóng nồng nực làm cho mồi hôi toát đầm mình, Nhưng chưa hề ướt được cái khố của người mẹ sinh ta”.[7]

                                                                 Đáp Tuệ Trung Thượng sĩ.

Thân này bệnh đau nhức toàn thân, nhưng không liên quan gì tới thể chân tâm. Thân vật lý và chân tâm là hai thứ hoàn toàn khác nhau. “Khí nóng nồng nực” là một cảm thọ, khi ta quan sát rõ ràng cảm thọ này, ta sẽ biết cơn nóng này đang ở thân thể, cơn nóng này do bệnh của thân thể gây nên cơn sốt hay từ thời tiết gây nóng bức, chứ không phải ở tâm ta, nhiều người đồng nhất rằng ta đang nóng, đúng ra là thân ta đang nóng. “Cái khố của người mẹ sinh ta”, hình ảnh này được dùng phổ biến trong ngôn ngữ Thiền học, là một biểu tượng để chỉ cái mà Thiền tông gọi là “bản lai diện mục” tức là cái tâm nguyên thủy, cái bản thể bất biến trường tồn của mọi hiện tượng trong vũ trụ mà mọi tác động bên ngoài như bệnh tật, nóng bức không bao giờ ảnh hưởng đến được. Khi hiểu biết được những điều đó, không bị ngoại cảnh chi phối tác động, tự tin vào nơi mình.

Trong Độc Đại Tuệ Ngữ lục hữu cảm có viết:

“Mồ hôi ướt đẫm bởi tham thiền

 Một mai nhìn thấu dung nhan mẹ”[8]

Cốt tủy của Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng chính là khai mở cho mọi người ngộ ra được “Dung nhan mẹ”này. Đây là mấu chốt của việc giải quyết vấn đề bản thể luận, cũng là cảnh giới cao nhất của giải thoát luận theo triết học Phật giáo. Chân tâm còn là hình tượng“nương sinh diện” (khuôn mặt mẹ) của Trần Thái Tông và của Tuệ Trung Thượng sĩ là “chân diện mục” (khuôn mặt thật), là “đồng tử” (trẻ thơ); là “vô vị chân nhân” (con người thật không địa vị), là “đông hoàng diện” (bộ mặt chúa xuân) của Trần Nhân Tông; là “bản lai nhân” (người thuở xưa) của Trần Minh Tông; là “diệu thể” (thể vi diệu) của Đạo Huệ; là “tự tại nhân” (con người tự do tự tại) của Hiện Quang; là “nhàn tăng” (sư nhàn), là “nhất chủng tâm” (một loại tâm) của Huyền Quang.

“Từ thuở còn để trái đào đã gia nhập dòng Thiền,

Dùi rùa đập ngói không cầu gì khác.

Đã nhận ra được bộ mặt thật vốn có,

Thì đến nơi nào mà lòng không thung dung?”[9]

                                                              Tự thuật kỳ 1.

Đức Thế Tôn ngồi thiền trong núi Tuyết 6 năm trời, nhìn thấy sao mai và giác ngộ, tức thấy được“dung nhan mẹ”. Nhị tổ đứng trong tuyết và chặt cánh tay để được giác ngộ. Lục Tổ nghe một câu trong kinh Kim Cang rồi chứng ngộ. Linh Nguyên ngộ khi thấy hoa đào nở. Hương Nghiêm lúc nghe tiếng sỏi chạm vào bụi tre. Lâm Tế khi bị Hoàng Bá đánh. Động Sơn khi thấy hình mình in dưới nước. “Dung nhan mẹ” hay “Bản lai diện mục” vốn không tên, như một người lúc mới sinh không có tên, về sau được đặt tên và gọi tên. Thân là nhà và phải có một chủ nhà, chủ nhà chính là “bản lai diện mục”. Biết được nóng lạnh hay cảm thấy thiếu thốn, ham muốn, tất cả đều là những vọng tưởng. Chúng không thuộc về chủ nhân thật sự của ngôi nhà. Những vọng tưởng chuyển hóa theo từng hơi thở, bạn cần tập trung vào hơi thở. Vọng tưởng tạp niệm như những đám mây, khi mây tan thì trời quang, trời quang đó là “bản lai diện mục”, hay chính là “Báu sẵn trong nhà thôi tìm kiếm”.

Ta đã làm gì để quyét sạch vọng tưởng? Ta đã làm gì để nhận ra “dung nhan mẹ”, ta đã làm gì để an nhiên tự tại? Không mất thời gian kiếm tìm, lăng xăng rối rắm? Nếu muốn tìm cho ra khuôn mặt thực của mình mà hướng ngoại tìm cầu, chạy đông chạy tây là hoài công vô ích.

“Tung hoành mà không để rơi cơ hữu vô,

Vạn pháp rối bời đều không biết.

Ăn cơm, đi ngủ đều tuỳ ý,

Ngoài ra, không có việc gì khác đáng làm”.[10]

                                                      Tự thuật kỳ 3.

Đối với phạm trù hữu vô, vua Trần Thánh Tông yêu cầu mọi người đừng có kẹt vào cái có và cái không, yêu cầu của cuộc sống chỉ cần sống theo người thật, ăn ngủ bình thường và hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ của con người đối với cuộc sống của bản thân và của đất nước. Chúng ta bắt gặp tư tưởng này ở Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo khi: “ Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền”.

Trong lòng ta không thiếu cũng không thừa

Phật là không, người cũng là không

Cảnh thu xa ở ngoài trời xa

Mây khóa non xanh mặc cái trò đô - lô [11]

                                                    Tự thuật kỳ 5

Trần Thánh Tông chịu ảnh hưởng tư tưởng và phong cách của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, quan niệm về Phật và chúng sinh không khác, bản thân Phật nằm trong chúng sinh và chúng sinh là Phật. Trần Thánh Tông quan niệm là “Vạn pháp giai không, Phật thánh và chúng sinh đều không có sự phân biệt”, trong tư tưởng này thì Trần Thái Tông nói:“Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng”, Tuệ Trung thì cho rằng: “Khi mê thì không biết ta là Phật”, còn Trần Nhân Tông phát biểu: “Bụt ở trong nhà”. Đến lúc bệnh nặng, vua Thánh Tông đã viết bài kệ:

“Sinh như trước sam,

Tử như thoát khố.

Tự cổ cập kim,

Cánh vô dị lộ.

Bát tự đả khai phân phó liễu,

Cánh vô dư sự khả trình quân.”

(“Sống như mặc áo vào,

Chết như trút bỏ quần ra.

Từ xưa tới nay,

Không có con đường nào khác.

Khi thông tám chữ dặn dò xong rồi,

Không còn việc gì phải trình với ông nữa.”)[12]

                                                Sinh tử.

Khi mở mắt chào đời thân trần trụi không áo quần, sau đó mới được cha mẹ mặc áo quần che chắn thân thể, khi nóng quá cởi áo ra cho mát. Thánh Tông thấy sinh tử giống như mặc áo và cởi áo, đó chỉ là nhu cầu, không có gì quan trọng. Áo như thân thể mình, không ảnh hưởng tới tâm mình, sinh tử chỉ là biểu hiện, chết của thân vật lý, người thấu hiểu được điều này thì vượt qua được sống chết. Nói xa hơn, trong bao nhiêu năm ta sống, sẽ mặc thêm nhiều “chiếc áo”, chiếc áo tấm bằng Đại học, chiếc áo quyền lực, chiếc áo chức vụ… Vì biết đó là chiếc áo, nên ta tự biết rèn tâm mình trong việc được - mất, hơn - thưa. Thánh Tông lại nói tiếp: “Từ xưa đến nay không đường nào khác” muôn muôn người, triệu triệu người ai cũng không vượt qua được quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Có ai lột da sống đời đời không? Nếu tất cả cùng đi chung một đường thì không có gì phải sợ hãi? Quy luật sinh trụ dị diệt của tự nhiên và quy luật sinh lão bệnh tử của đời người, chỉ sự vô thường chóng vánh. Có 8 ý niệm nuôi dưỡng sự sợ hãi: sinh- diệt, đến- đi, khác nhau- giống nhau, có-không, 8 ý niệm đó làm ta không có sự hạnh phúc ở hiện tại.

Theo lý Duyên sinh của Phật giáo, mọi vật trên đời này, kể cả thân người không ngoài nhân duyên mà có, nhân duyên hợp lại thì thành, nhân duyên tan rã thì mất. Xét đến cùng, thơ Thiền đã chỉ rõ sự vô thường, bất ổn của con người tứ đại nhằm mục đích hướng người đọc quay về nhận lại con người Phật tính sẵn trong mỗi con người theo lời dạy của Đức Thế Tôn: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” (Tất cả chúng sinh đều có tính Phật), là chân tâm thường hằng bất diệt của mọi chúng sinh. Một quan điểm như thế sẽ tạo ra nhiều nhân tố tích cực khiến con người sẵn sàng xả thân để phụng sự cho đất nước trong hiện tại. Còn một khi đã nhận ra được con người thật ấy rồi ta sẽ làm chủ được mình, làm chủ được hoàn cảnh, làm chủ được thiên nhiên.

Việc ngộ đạo không chỉ đơn giản qua nghiên cứu sách vở, kinh điển, “nghĩa lý của ngũ huyền” dùi mài kinh sử, văn ôn võ luyện, thảnh thơi đọc sách trong thời bình. Mà cuộc đời hơn 40 năm của Trần Thánh Tông là sự trải nghiệm sâu sắc từ chính trong cuộc sống, “tung hoành trên con đường bốn ngả”, cống hiến đời mình cho dân cho nước “Lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của dân làm tấm lòng của mình”, leo lên yên ngựa xông pha ngoài trận trong thời loạn. Thiền ngay trong cuộc sống và được vận dụng trong cuộc sống, hết mình và quên mình vì sự nghiệp của dân của nước, đó là tinh thần nhập thế tích cực, cũng chính là mức độ chứng ngộ Thiền triệt để nhất, là tôn chỉ của Thiền gia đời Trần. Cũng giống như Tuệ Trung Thượng sĩ “đi cũng thiền, ngồi cũng thiền” ăn chay ăn mặn đều hài hòa theo tự nhiên, thực hiện nếp sống tùy duyên tùy tục.

四十餘年一片成,

牢關跳出萬重扃。

動如空谷風敲響,

靜若寒潭月漏明。

句裡五玄親透得,

路頭十字任縱橫。

有人問我何消息,

雲在青天水在瓶。

Dịch nghĩa:

Tứ thập dư niên nhất phiến thành,

Lao quan khiêu xuất vạn trùng quynh.

Động như không cốc phong xao hưởng,

Tĩnh nhược hàn đàm nguyệt lậu minh.

Cú lý ngũ huyền thân thấu đắc,

Lộ đầu thập tự nhậm tung hoành.

Hữu nhân vấn ngã hà tiêu tức,

Vân tại thanh thiên thuỷ tại bình.

Dịch thơ:

Bốn mươi năm lẻ tu vẹn được một tấm lòng,

Đã nhảy ra khỏi hàng vạn tầng cửa tù ngục.

Động thì như tiếng gió vang trong hang trống,

Tĩnh thì tựa ánh trăng lọt xuống đầm lạnh.

Tự mình đã thấu được nghĩa lý của ngũ huyền,

Mặc sức tung hoành trên con đường bốn ngả.

Có nguời hỏi ta sinh diệt là thế nào?

Như mây trên trời xanh và nước ở trong bình[13]

                                     Độc Phật sự đại minh lục hữu cảm.

Tập trung tâm mình vào một đối tượng để nhìn đúng như thật về đối tượng đó, nói rộng ra là nhìn đúng như thật về thực tướng của vạn pháp, nói theo ngôn ngữ triết học là thấu rõ bản chất của mọi sự vật hiện tượng, kể cả những hiện tượng tâm lý vi tế nhất. Thiền của Phật giáo đưa đến thành tựu định lực trí tuệ giác ngộ, vượt thoát đc khổ đau trong sinh tử luân hồi. Cần rèn luyện tâm của mình, để tâm được chuyên nhất, vững chắc kiên cố như một núi đá “nhất phiến thành”, rắn chắc như kim cương, không có bất kì thứ gì lay chuyển.

Tâm đạt tới trạng thái “Động thì như tiếng gió vang trong hang trống, Tĩnh thì tựa ánh trăng lọt xuống đầm lạnh”, tâm trong sáng, trống không như cốc nước vơi thì dễ dàng tiếp nhận mọi sự, dễ cảm nhận thấu rõ mọi vật như thật. Bản chất thực của chúng ta là không có sinh, không có diệt “Như mây trên trời, như nước trong bình”, nước bốc hơi thì thành đám mây, đám mây ngưng tụ trở thành cơn mưa, mưa xuống đất mẹ, xuống sông, xuống biển và tiếp tục quy trình của mình. Đám mây không mất đi, nó biến hóa thành ra mưa, đám mây có thể có trong ly trà, trên thảo nguyên, trên cánh đồng, trên nụ cười của em bé thơ, trong bàn tay mẹ… Khi tập hợp đầy đủ nhân duyên thì được biểu hiện ra, khi thiếu một vài điều kiện thì chưa biểu hiện, hiểu được quy luật này sẽ không bị trói buộc trong ý niệm sống, chết, sinh tử, không sợ hãi trước cái chết.

Đám mây trên bầu trời có thể to hay nhỏ, dày hay mỏng với những hình dáng khác nhau; nước trong bình có thể tròn hay dài, rộng hay hẹp tùy theo hình dáng của vật chứa nước.

Chúng ta có thể là một đám mây thong dong trên bầu trời, cũng có thể là nước trên biển lớn hay nước trong bình tùy thuộc vào tâm mình rộng lớn hay nhỏ hẹp? Bản chất chân thật chính là: không sinh- không diệt, không tới- không lui, không giống- không khác, không có cũng không không.

Hiểu được những điều vậy thì ta sẽ tiếp xúc được với chân tâm, chân như, chân lý thực tại. Hiểu được quy luật tự nhiên và tùy duyên để hành động phù hợp chính là bí quyết của cuộc sống hạnh phúc an vui ngay ở hiện tại. Hiểu được bản chất của việc sống chết, để phát huy toàn bộ sức mạnh của mình vào việc phát triển đất nước. Trong mọi điều mà Trần Thánh Tông đã thực hiện  là mong tất cả mọi con dân Đại Việt đều có trí tuệ, đạo đức và năng lực như đức Phật thích ca, như đức Phật Di lặc theo cách diễn đạt của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo phú: “Tích nhân nghì tu đạo đức ai hay này chẳng Thích Ca, Cầm giới hạnh đoạn ghen tham chỉn ấy thực là di lặc”.

Trong một quốc gia, Ai ai cũng phát huy được hết những khả năng của mình thì quốc gia đó hùng mạnh, hùng cường, không hề lao lúng, hoảng sợ trước bất kì ý đồ xâm lược của ngoại bang nào.

4. Vận dụng tư tưởng Thiền gia Hoàng đế Trần Thánh Tông vào việc xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước

Lối sống thiền mà Trần Thánh Tông hướng nguyện đều có thể áp dụng đối với bất cứ người nào trong xã hội Đại Việt. Nó có ý nghĩa hết sức to lớn khi Phật giáo kêu gọi mọi người tùy theo khả năng và hoàn cảnh mà góp phần kiến tạo một thế giới hạnh phúc. Sức mạnh của dân tộc Đại Việt chính là tâm của các vị lãnh đạo và tâm của toàn bộ dân tộc Việt Nam. Những quyết sách sáng suốt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của vương triều nhà Trần đã đưa Đại Việt trở thành một quốc gia văn minh, thịnh vượng, nổi tiếng trong khu vực. Những quyết sách đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

THƯỞNG – PHẠT

Thời nhà Trần, nhà cửa của dân chúng chủ yếu được xây dựng bằng các vật liệu dễ bắt lửa. Nên khi hỏa hoạn xảy ra thường có thiệt hại lớn về người và của. Chính vì vậy, vua Trần Thánh Tông rất quan tâm đến việc phòng cháy chữa cháy. Ngài thường xuyên cho người đi gõ mõ, thông báo cho dân chúng cẩn thận việc củi lửa để đề phòng hỏa hoạn. Đêm khô hanh năm 1278, Ngài không kịp thay đổi xiêm y chỉnh tề mà tới đám cháy chỉ đạo dập lửa, sau khi dập tắt hỏa hoạn,  ai cũng muốn nhận công nhiều về mình. Người này tranh với người kia, so bì ganh tị. Đoàn Khung có tham mưu cho Vua rằng: người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa, người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa. Vua Thánh Tông đã ban thưởng phân minh, ai có công lớn được ban thưởng lớn, ai kém hơn chút thì nhận ít hơn.

Trần Thánh Tông còn thông hiểu công lao cũng như xương máu của quân và dân, nên sau mỗi trận đánh, thượng hoàng cùng vua Trần Nhân Tông tại vị thường cho hội họp luận bàn công trạng, để ban thưởng cho quân cũng như dân. Nhưng ông cũng nói rõ quan điểm để chống tư tưởng thích ban khen nhiều, thưởng thật hậu, mà sách Đại Việt sử ký toàn thư đã đề cập. Về sau này, khi làm Thái thượng hoàng, nhân việc đánh tan giặc Nguyên - Mông lần thứ ba, Trần Thánh Tông trực tiếp tham gia định công thăng thưởng các tướng sĩ. Việc thưởng tước đã xong nhưng vẫn có người chưa bằng lòng nên Thượng hoàng dụ rằng: “Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói rõ trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại và các khanh lại lập công nữa thì trẫm biết lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ?”. Từ đó mọi người đều vui vẻ phục tùng. Triều đình định công lao tướng sĩ, ai có công lớn được chép vào sách “Trung hưng thực lực” và được vẽ tượng lưu lại làm gương, đặc biệt là còn định lệ phong ấm tới 5 đời để cố kết lòng trung thành với đế triều. Quân dân mắc tội đầu hàng giặc thì phải tội đồ, làm gia nô cho các tế thần sai khiến. Chính cách làm “đắc nhân tâm” ấy đã gắn kết lòng dân trong nước để vua tôi, cha con, anh em, toàn dân triệu người như một kết thành khối đoàn kết vĩ đại vùng lên chiến thắng quân xâm lược. Trần Thánh Tông quả là người nhân từ như cổ nhân đã nói: “Duy nhân giả, năng hiếu nhân, năng ố nhân” (Duy có người nhân mới biết yêu, ghét người một cách chính đáng).

Ngày nay, có ý kiến cho rằng kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri rằng : Dân gian có câu “con chị nó đi, con dì nó lớn”, không lo không có cán bộ làm việc. Cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà sai cả về đạo lý thì không thể không xử. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đồng ý cho rằng, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ đúng Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ ở các cơ quan phải có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng, phải là những cán bộ mẫu mực. Đồng thời có cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, làm tốt thì khen thưởng cả vật chất và tinh thần, để khích lệ làm tốt hơn. Cơ quan, cá nhân làm không tốt thì có hình thức xử lý đúng mức.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong chỉ đạo có sự  phối hợp, phân công, kiểm tra, đôn đốc tốt hơn nữa, bảo đảm làm đúng chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo, không bỏ sót, không được “cua cậy càng, cá cậy vây”, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tất cả vì sự nghiệp chung.

TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI

Trần Thánh Tông được coi là người mở đầu cho xu thế trọng dùng nho sĩ, khoa cử gắn với đào tạo nhân tài cai trị đất nước : Theo chế độ cũ, không phải nội nhân (hoạn quan) thì không được làm Hành khiển, chưa bao giờ dùng nho sĩ văn học. Ông đã chọn dùng nho sinh hay chữ sung vào quán, các, sảnh, viện. Đặng Kế làm Hàn lâm Viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh Trung thư lệnh, đều là nho sĩ văn học.

Thân Nhân Trung đã khéo vận dụng tri thức tiền nhân, đề cao nguyên khí quốc gia gắn với việc kén chọn và sử dụng nhân tài của các bậc đế vương và đưa ra chân lý bất hủ rằng :“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Trong bất kì thời đại nào, hiền tài cũng đều là lực lượng then chốt, nắm giữ và thực hiện các trọng trách mà đất nước giao phó. Lúc đất nước có chiến tranh, họ xung phong xông pha trận mạc, giết giặc lập công, giữ yên bờ cõi. Lúc đất nước hoà bình, họ đem sức mình dựng xây đất nước, phát triển văn hoá, giáo dục, kinh tế đất nước cốt đem lại cuộc sống thái bình, phồn thịnh cho muôn dân.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng. Người cho rằng, vì “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”[14]. Quan điểm này bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của dân, là sự nối tiếp và phát triển tư tưởng cầu hiền tài của ông cha trong điều kiện mới.

Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”[15]. Người cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”[16]. Bởi vậy, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước và Người chính là tấm gương sáng cho việc tìm nhân tài và trọng dụng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”[17]. Người chủ trương phải “tìm người tài đức”, bởi, một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết nước nhà.

Tiếp nối truyền thống ấy, thông qua các văn kiện tại Đại hội XIII, Đảng chú trọng chủ trương đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Nếu như trước đây các văn kiện của Đảng chỉ đề cập “chủ trương phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”[18], thì Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia[19].

Bên cạnh đó, báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội XIII cũng thẳng thắn thừa nhận một số khuyết điểm, hạn chế trong cơ chế và chính sách cán bộ còn nặng về hành chính hoá, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài.

PHÁT HUY TOÀN DIỆN

Thời Trần là thời vàng son, thời vàng son được xây dựng như thế, mọi phương diện đều được phát triển, xuất phát từ những người lãnh đạo như Vua Trần Thánh Tông có tâm rộng lớn, ông ngộ ra chân lý và chia sẻ cho hết thảy mọi người những điều đó, không ôm khư khư những điều đó cho mình, ông muốn tất cả mọi người đều được như ông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là phải quan tâm xây dựng nhân cách con người toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Người nhấn mạnh trước hết phải xây dựng yếu tố “đức”, làm cho con người có tâm trong sáng, đức và tâm phải được thể hiện trong các mối quan hệ xã hội hàng ngày, giữa con người với con người. Trí lực cũng là yếu tố rất quan trọng, bởi yếu tố này chi phối nhận thức và hành động, tạo ra sức mạnh cho con người và xã hội. Con người biết tiếp thu, vận dụng đúng đắn, hiệu quả các thành tựu của nhân loại về văn hóa, khoa học - kỹ thuật; biết sáng tạo và phát triển các tri thức mới nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Người khẳng định: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”

Vận dụng quan điểm trên, chúng ta có thể thấy rằng, muốn có xã hội 4.0 thì phải có con người 4.0. Nhiều quốc gia đang xây dựng những “thành phố thông minh”. Muốn có thành phố thông minh thì phải có con người thông minh. Muốn thế thì phải giao sự nghiệp này cho những người hiền tài và đủ trí tuệ. Đại hội XIII của Đảng đã coi phát huy nhân tố con người là một trong những định hướng phát triển và cụ thể hóa thành nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược trong những năm tới. Bởi chỉ trên cơ sở xây dựng được con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình và Tổ quốc, chúng ta mới từng bước phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Để thực hiện được giải pháp này, Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: Một là, đổi mới chế độ tuyển dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Ba là, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, kết hợp chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng. Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên đưa lao động kỹ thuật có tay nghề đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, an toàn và tiếp tục phát huy nguồn lực này sau khi về nước trên cơ sở bảo đảm cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Năm là, xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, tận dụng, phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu của nhân dân về nhà ở, giáo dục, y tế, việc làm,... Nâng cao chất lượng các chính sách về dinh dưỡng, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam. Thực hiện tốt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030”

ĐOÀN KẾT NHÂN DÂN

Triều Trần thường xuyên coi trọng yếu tố hòa thuận trong nội bộ triều đình để tạo dựng sức mạnh đoàn kết chống ngoại xâm, mặc dù giữa Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và quan đại thần Trần Quang Khải vốn có nhiều bất hòa trong nội bộ gia đình, nhưng dựa trên sự khéo léo của vua Trần Thánh Tông, họ đã biết đặt lợi ích của đất nước lên trên mà gác lại mâu thuẫn cá nhân để đoàn kết cùng nhau ra sức chống giặc xâm lược Mông Nguyên. Yếu tố then chốt của ba lần đánh bại quân xâm lược Mông Nguyên chính là sự hòa thuận, tinh thần đoàn kết trong nội bộ.

Hiện nay, trong tình hình mới, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bài học kinh nghiệm về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân vẫn đã và đang còn nguyên giá trị lịch sử sâu sắc. Xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Xây dựng đoàn kết nội bộ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tổ chức, giữ được văn hóa đoàn kết đòi hỏi mỗi cá nhân phải luôn tìm cách cân bằng được cả hai cảm xúc suy nghĩ tiêu cực và tích cực của mình. Muốn xây dựng đoàn kết nội bộ thật sự phải kiên quyết đấu tranh loại trừ những người cơ hội, kích động, xúi dục làm chuyện sai trái gây mất đoàn kết nội bộ. Trong tư tưởng mỗi cá nhân phải nhấn mạnh được mục đích chung và lợi ích chung của tất cả để cùng hướng mọi người về một mối, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “Xin ai nên nhớ chữ đồng. Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những quan điểm, chủ trương toàn diện về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện Đại hội đã thực sự đưa quan điểm của Đảng về vấn đề đặc biệt quan trọng này lên một tầm phát triển mới, ngày càng hoàn thiện hơn. Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII xác định: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Viện Trần Nhân Tông tại Việt Nam ngày nay có sứ mệnh sẽ là nơi từ góc độ học thuật tôn lên dòng lành mạnh, chân tu và trí tuệ của Phật giáo, góp phần phát triển tinh hoa tốt đẹp của Phật giáo mang bản sắc Việt Nam, của tư tưởng Trần Nhân Tông và văn hóa đời Trần, trong đó có cả Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Thượng sĩ Tuệ Trung…cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, PGS Nguyễn Kim Sơn Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông khẳng định:“Chúng tôi muốn đem ánh sáng của trí tuệ, lòng từ bi và nhân ái, tình yêu thương rộng lớn của Trần Nhân Tông rạng tỏa cho hậu thế qua con đường giáo dục” góp phần vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam mới trong thời đại toàn cầu hóa. Mấy ai biết rằng, cách xa nửa vòng trái đất, tên tuổi của vị vua anh minh Trần Nhân Tông đã được đặt tên cho một viện nghiên cứu tại thành phố Boston, Hoa Kỳ. Viện được thành lập do một nhóm nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Harvard, một trong những cái nôi của trí tuệ nước Mỹ: Tran Nhan Tong Academy – Havard University. Một nhân vật lịch sử Việt Nam hùng cường, đại diện cho tính minh triết và lòng nhân ái trong một môi trường quốc tế tập trung các nhân sĩ trí thức danh giá của Hoa Kỳ và thế giới. Như vậy tư tưởng nhân ái và đoàn kết của các vị vua thời Trần đã vượt ra ngoài phạm vi quốc gia vươn tầm ra thế giới.

5. Thay lời kết

Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Thiền gia Hoàng đế Trần Thánh Tông đã viết nên những trang sử vàng son cho dân tộc và Thiền học Việt Nam. Di sản của ông đã được vua Trần Nhân Tông kế thừa và phát triển lên đỉnh cao bằng dấu mốc hình thành tông phái thiền học nội sinh từ trong lòng dân tộc Đại Việt - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tư tưởng của thiền gia Hoàng đế Trần Thánh Tông trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước là di sản vô giá của dân tộc ta trong hiện tại và mai sau.

Trong khúc nhạc hào khí từ những chiến công oanh liệt và khát vọng thái bình thịnh trị của các vị vua thời đại hào khí Đông A, nhắc nhở chúng ta biết nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong bảo vệ và xây dựng đất nước thanh bình, đẹp tươi, bền vững.

Chú thích: [1] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Viện Sử học dịch, Nxb Khoa học xã hội, tr.30. [2] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Viện Sử học dịch, Nxb Khoa học xã hội, tr.30. [3] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 5, Viện Sử học dịch, Nxb Khoa học xã hội, tr.180. [4] Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, tr.232. [5] Thơ văn Lý Trần (1988), tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr. 415 [6] Thơ văn Lý Trần (1988), tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr.402 [7] Thơ văn Lý Trần (1988), tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr.417 [8] Thơ văn Lý Trần (1988), tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr.405 [9] Thơ văn Lý Trần (1988), tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr.407 [10] Thơ văn Lý Trần (1988), tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr.407 [11] Thơ văn Lý Trần (1988), tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr.408 [12] Thơ văn Lý Trần (1988), tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr.416 [13] Thơ văn Lý Trần (1988), tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr.410 [14] Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H.2011, tr.281 [15] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.5, tr.313 [16] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr.43 [17] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr.114 [18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.130 [19] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.  Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.140 Tài liệu tham khảo: 1. Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia. 2. Nguyễn Huệ Chi chủ biên (1988), Thơ văn Lý Trần, tập II, Nxb Khoa học xã hội 3. Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Viện Sử học dịch, Nxb Khoa học xã hội 4. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Nxb Giáo dục 5. Thích Nhất Hạnh (2018), Không sinh không diệt đừng sợ hãi, Nxb. Hội nhà văn. 6. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội 7. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2022), Thiền học Việt Nam, Nxb Phụ nữ. 8. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ XI 9. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII 10. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII 11. Viện sử học (2004), Nhà Trần và con người thời Trần, Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam Tác giả: BTV Lưu Hồng Hoa Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.