Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, một học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã truyền cảm hứng và nguồn năng lượng tích cực về nhân cách, đạo đức cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bằng trí tuệ, sự thông thái ẩn sâu bên trong một con người dung dị, mẫn cán và thuần khiết, một người lãnh đạo có tầm, có tâm và giàu tình cảm, ông đã dành hết đời mình cho sự nghiệp cách mạng, đến những ngày tháng cuối cùng…
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm
Ngày 19.7.2024, một buổi chiều khi đọc những dòng tin về Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi nghe một cảm giác vừa bàng hoàng, hụt hẫng và thương xót.
Dẫu biết sinh lão bệnh tử là điều không ai có thể tránh khỏi, dù cách đây vài năm trước, tôi cũng được biết sức khỏe Tổng Bí thư không được tốt qua thông tin báo chí, vì tuổi đã cao, nhưng khi đón nhận thông tin đăng tải trên truyền thông chính thức, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng, có lẽ, đó không chỉ là cảm xúc của riêng tôi mà rất nhiều người khác trên đất nước Việt Nam.
Những bức ảnh đen trắng, những dãy cờ tang bắt đầu xuất hiện và phủ dày trên mạng xã hội, tôi cảm nhận được đó là tình thương sâu sắc của đồng bào chứ không phải chỉ làm theo một kiểu trào lưu, bởi ẩn hiện trong những tấm hình đại diện, những bức ảnh, những dòng chữ trích từ câu nói của Tổng Bí thư, tôi nhận ra những xúc cảm, sự đồng điệu sâu lắng, chân thành từ tấm lòng, tình thương của hàng triệu con người đang trầm mặc trước sự ra đi của ông, một nhà cách mạng dung dị, gần gũi nhưng cũng công minh, lỗi lạc.
Lặng lẽ! Tôi đọc những bài viết về ông trên mạng xã hội, những trang mạng đại diện các ban ngành đoàn thể, các nhãn hàng nổi tiếng, các chương trình game show đồng loạt và liên tục đưa tin về sự ra đi của Tổng Bí thư, trong niềm tiếc thương vô hạn.
Tôi đã bắt gặp những hình ảnh của ông và những đóa hoa sen, những biểu tượng cũng được thay màu đen trắng từ những bạn bè, người thân và những người nổi tiếng, thậm chí có những bạn trẻ ít khi quan tâm nhiều về chính trị, thế nhưng sâu thẳm trong lòng họ. Ông hiện diện như một vị lãnh tụ đầy tình thương và trách nhiệm cho dân tộc, ngày tiễn biệt không còn gặp lại này là ngày người ta đã bộc lộ ra hết niềm tiếc thương vốn ẩn sâu trong lòng họ.
Chúng tôi là những người của thế hệ sau thời chiến, những người thừa hưởng nền độc lập dân tộc, nền văn minh, phát triển từ sự hy sinh của thế hệ Cha Ông, từ những dấu chân gang thép và lòng kiên định trước những trận chiến đấu sinh tử đầy máu và nước mắt.
Không ít vị lãnh đạo đã từng đi qua những giai đoạn lịch sử đấu tranh khó khăn, gian khổ. Bởi thế nên mỗi lẫn nhận tin buồn về sự ra đi của những vị lãnh tụ, những nhà cách mạng lão thành, chúng tôi cảm nhận đó là sự mất mát lớn lao khi những người con ưu tú, người cộng sản kiên trung đã kết thúc một cuộc đời đầy tâm huyết.
Tôi cũng như nhiều người khác, cảm nhận một niềm tiếc thương sâu sắc tận đáy lòng mình, bởi một nhà lãnh đạo có nhân cách lớn, một vị lãnh tụ với đời sống mẫu mực, một tượng đài liêm khiết đã rời bỏ thế gian, về với cõi vĩnh hằng.
Trong những năm tháng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ vai trò lãnh đạo, với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, nhiều vụ đại án tham nhũng đã bị phanh phui, nhiều vị quan chức cấp cao phải vào vòng lao lý. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dường như không có vùng cấm, không có điểm loại trừ cho những cá nhân sai phạm, bất kể là ai, đều phải sống và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kiên quyết bài trừ tiêu cực.
Bức tranh chống tham nhũng trong thời kỳ lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện lên mạnh mẽ, quyết liệt không khác nào một trận chiến cam go. Bác với một nội tâm vừa sâu sắc vừa thanh tân, một khí chất vừa thâm trầm vừa kiên nghị, nhắc nhở “Người lãnh đạo luôn phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, phụng sự nhân dân, tích cực tham gia xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” qua việc thường xuyên chỉnh đốn và xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Sự nghiệp Cách mạng của Tổng Bí thư đã để lại những câu chuyện cảm động, những hình ảnh mộc mạc, dung dị làm người ta thấy cay khóe mắt khi nhìn thấy căn phòng làm việc đơn sơ với một vài mảng tường bị tróc sơn, bộ bàn ghế giản đơn, cánh cửa lá sách xưa cũ, không cầu kỳ, không tiện nghi sang trọng.
Là hình ảnh ông ngồi gói bánh chưng dưới nền gạch cũ trong ngôi nhà giản dị cùng người vợ, khó ai có thể tin rằng đó là ngôi nhà của Tổng Bí thư, người lãnh đạo đứng đầu đất nước.
Sự giản dị, gần gũi của ông làm người ta thương kính bởi ngay cả khi đã là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đó là khi ông gặp mặt bạn bè lớp cũ, ông đã nói: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn...Chức tước như phù vân!”.
Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba, trí tuệ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một người học trò lễ nghĩa, luôn ghi nhớ công ơn người dạy dỗ cho mình, điều đó thể hiện trong những lần Bác về thăm trường, qua những tấm bưu thiếp viết tay chúc mừng ngày Nhà giáo.
Với một nhân cách lớn, ông ra đi không chỉ để lại niềm tiếc thương cho đồng bào dân tộc Việt Nam mà nhiều người dân trên thế giới cũng ghi lại những niềm thương tiếc, để từ đó thấy rằng người đức hạnh, hương ngược gió bay xa.
Người lãnh đạo với mái tóc bạc phơ, gương mặt hiền hòa đã cống hiến một đời cho sự nghiệp cách mạng, dù sức yếu tuổi cao, ông vẫn ngồi bên bàn làm việc trong phòng bệnh, phụng sự cho đến những năm tháng cuối đời, đó sẽ là những hình ảnh khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ về tấm gương liêm khiết trung kiên, sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí những người dân trên dãy đất hình chữ S.
Khi tôi ngồi đây và viết những dòng chữ này, ngoài Trời vẫn còn mưa, những cơn mưa tháng Bảy dầm dề, nặng hạt, không ai nói với ai nhưng hàng quán nhiều nơi đóng cửa, hoạt động giải trí ngừng, những người bán buôn đến dân trí thức đều lặng lẽ, có những khóe mắt đỏ cay bởi một ánh sao đã rơi và về đất Mẹ.
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm
Bình luận (0)