Trang chủ Lịch sử - Triết học Tôn giả Ānanda – Vị thị giả mẫu mực

Tôn giả Ānanda – Vị thị giả mẫu mực

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Trong vai trò thị giả thân cận với đức Phật, Ānanda luôn làm tốt vai trò của chiếc cầu nối cao quý và quan trọng này, mang đến cho tứ chúng hơi ấm của lòng bi mẫn, hương vị giải thoát, ánh sáng của trí tuệ cũng như bóng mát ân đức từ Thế Tôn

Thích Quảng Như
Học viên Thạc sĩ khoá V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

Dẫn nhập: Đức Phật đã nhập Niết bàn đến nay đã hơn 25 thế kỷ, Pháp do Ngài thuyết giảng vẫn còn in đậm trong tâm trí của tất cả những người con Phật nói riêng và toàn nhân loại trên thế giới nói chung.

Được như vậy chính là nhờ công lưu truyền của các bậc thánh tăng trải qua các kỳ kiết tập kinh điển. Tiêu biểu trong trọng trách gìn giữ gia tài pháp bảo này không thể không nhắc đến Tôn giả Ananda. Nhờ có trí nhớ hơn người, Ananda đã ghi nhớ hết thảy các pháp và luật của Như Lai mà không bỏ sót một chữ, một câu, một mệnh đề hay một kệ ngôn nào. Ngài còn được biết đến là vị thị giả mẫu mực của đức Phật, người có công thành lập ni chúng.

Từ khóa: Tôn giả Ananda, đức Phật, giới luật, kinh điển, kết tập, giáo pháp…

Trong 20 năm đầu, Thế Tôn không có thị giả riêng, “khi thì Nàgasamàla, khi thì Nàgita, khi thì Upavàna, Sunakkhatta, Sa-di Cunda, Sàgata, Meghiya. Thế Tôn không có lựa chọn ai làm thị giả đặc biệt” [1]. Về sau Thế Tôn khi đã năm mươi lăm tuổi, gợi ý muốn có một thị giả thường trực. “Này các Tỳ kheo, nay Ta đã già, và khi Ta bảo chúng ta hãy đi đường này, vài người trong tăng chúng lại đi đường khác, có người làm rơi bình bát và y của ta xuống đường. Vậy hãy chọn một tỳ kheo luôn luôn hầu cận ta”[2]. Lúc đó, các vị đại đệ tử đều xin hầu cận Bổn sư, nhưng ngài im lặng khước từ, rồi chư vị quay sang Ānanda đang khiêm tốn nép mình phía sau và yêu cầu đại đức phát nguyện. Là một tỳ kheo có giới hạnh toàn hảo, Ānanda được đại chúng xem như là đầy đủ nhân duyên cho trọng trách này, nhưng đại đức lại không mở lời phát nguyện. Khi được được hỏi vì sao, Ānanda nói rằng Ngài tin tưởng Thế Tôn biết rõ và sẽ cho biết ai là người thích hợp nhất. Vì vậy, do lòng kính ngưỡng và trọn tin nơi đức Phật, Ānanda đã không bày tỏ ước vọng của mình mặc dù trong thâm tâm luôn mong muốn phục vụ Thế Tôn.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Ton Gia Ananda Vi Thi Gia Mau Muc 1

Khi ấy, đức Phật tuyên bố Ānanda chính là vị thị giả thích hợp nhất. Ānanda xin được phục vụ Thế Tôn chỉ khi ngài chấp nhận tám điều kiện: (1) Đức Thế Tôn đừng ưu tiên tặng y phục cho Ānanda, (2) Đức Thế Tôn đừng khất thực cho Ānanda ăn. (3) Đức Thế Tôn đừng dành tịnh xá tốt cho Ānanda ở. (4) Khi có thí chủ mời, đức Thế Tôn không ưu tiên cử Ānanda tham dự những buổi trai tăng hay cúng dường. (5) Nếu có ai muốn thỉnh Phật thọ trai thì kẻ ấy chỉ cần nói với Ānanda thưa lại và Phật sẽ chấp thuận. (6) Khi có người thiện tâm từ phương xa đến, muốn yết kiến đấng Như Lai, Ānanda có đặc ân đưa họ vào hầu Phật. (7) Nếu Ānanda gặp phải thắc mắc trong pháp Bảo, ông được phép hỏi Phật bất cứ lúc nào. (8) Nếu đức Thế Tôn thuyết pháp trong lúc Ānanda vắng mặt, Ānanda xin ngài lập lại bài pháp ấy cho Ānanda nghe.[3].

Trong tám điều yêu cầu này, bốn điều đầu tiên sẽ tránh cho mọi người không hiểu biết phê phán rằng Ānanda phát tâm hầu cận đức Phật chỉ vì danh lợi cho bản thân. Bốn điều còn lại sẽ đánh tan sự nhận xét của người thế gian rằng Ānanda suốt chỉ ngày lo hầu hạ đức Phật còn đâu tâm trí nghĩ đến việc học đạo, tu hành cũng như phát triển hạnh giải thoát. Cố nhiên, đức Phật đã chấp thuận tám điều yêu cầu chính đáng ấy, bởi nó hoàn toàn phù hợp với phạm hạnh của một vị Sa Môn. “Như vậy, sau khi được đức Phật ban cho tám đặc ân này, đại đức Ānanda trở thành thị giả thường trực cho ngài. Do đã nhận ra ước nguyện và để đạt được ước nguyện này vị ấy đã phải thực hành các pháp Ba-la-mật trên một trăm ngàn đại kiếp”[4].

Trong suốt hơn hai mươi lăm năm hầu hạ Thế Tôn, Ānanda luôn chu đáo, tế nhị, biết mình cần phải làm gì với mọi cử chỉ của đức Bổn sư. “Ban ngày, Ānanda ở một bên đức Phật, nhắc nhở những điều cần làm; ban đêm cầm đèn và gậy. Ānanda đi xung quanh phòng đức Phật sẵn sàng đáp ứng nếu Thế Tôn có gọi”[5]. Như hình với bóng, tôn giả Ānanda đi theo chân đức Phật khắp mọi nơi, không nề hà nắng mưa, đường xa dặm thẳm. Tôn giả phục vụ đức Phật, chăm sóc mọi nhu cầu cho Bổn sư với tâm quý trọng và tôn kính đúng mực. Đơn giản, tế nhị như lấy nước nóng và nước lạnh cho đức Phật, làm sẵn ba cỡ của cây chà răng để dùng thích hợp với thời điểm, xoa bóp tay chân của đức Phật, cọ lưng khi ngài tắm, quét dọn hương phòng của ngài… Hơn nữa, Ānanda luôn luôn ở bên cạnh đức Phật, luôn chăm lo các nhu cầu của ngài và lên lịch trình phù hợp để đức Phật thực hiện [6].

“Trải hai mươi lăm năm,
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với thân nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình.
Trải hai mươi lăm năm
Ta hầu hạ Thế Tôn, Với khẩu nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình.
Trải hai mươi lăm năm,
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với ý nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình” [7].

Ānanda với sự tận tụy, bền bỉ và lòng tôn kính sâu sắc, Ngài đã hoàn thành công việc với hết thảy sự tận tâm, không tự cho mình có bất cứ quyền hành nào, bỏ qua những điều vu khống của người, luôn sẵn sàng hi sinh thân mình vì vị Thầy cao cả, chưa bao giờ tỏ ra điều gì bất kính với đức Thế Tôn, luôn noi theo phẩm hạnh của đức Phật và giữ vững trong tâm những gì đức Bổn sư đã dạy. Tôn giả Ānanda với thân tướng trang nghiêm của mình, chẳng bao giờ để cho người thăm viếng nào khiến đức Thế Tôn phiền muộn, cũng không khi nào làm cho họ cảm thấy khó chịu, ngược lại Tôn giả khiến họ cảm thấy hoan hỷ và hài lòng. “Này các Tỳ kheo, nếu có chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni…, chúng nam cư sĩ… chúng nữ cư sĩ đến yết kiến Ānanda, chúng ấy sẽ được hoan hỷ, vì được yết kiến Ānanda, và nếu Ānanda thuyết pháp, chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì bài thuyết pháp và nếu Ānanda làm thinh thời này các Tỳ kheo, chúng nữ cư sĩ ấy sẽ thất vọng”[8].

Quan trọng hơn hết Ānanda luôn hoàn thành trọng trách một người thị giả đắc lực của đức Phật trong việc truyền đạt những lời giáo huấn của Bổn sư đến với tứ chúng một cách nhanh chóng, trật tự trong tinh thần tương kính thuận hoà. Ānanda còn là chiếc cầu nối giữa chúng tăng và đức Phật chứ không là hàng rào cản.

Trong vai trò thị giả thân cận với đức Phật, Ānanda luôn làm tốt vai trò của chiếc cầu nối cao quý và quan trọng này, mang đến cho tứ chúng hơi ấm của lòng bi mẫn, hương vị giải thoát, ánh sáng của trí tuệ cũng như bóng mát ân đức từ Thế Tôn, điển hình như khi sa môn Girimànanda bị bệnh, đau khổ Ānanda đã thỉnh đức Phật đến thăm. “Bạch Thế Tôn, Tôn giả Girimànanda bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Lành thay, nếu Thế Tôn đi đến Tôn giả Girimànanda, vì lòng từ mẫn”[9]. Thực ra, danh từ thị giả đôi khi không đủ ý nghĩ để lột tả hết trọng trách vĩ đại của Ānanda. Nhưng nếu gọi đây là người phụ tá có thể thiếu đi khía cạnh thân cận, thâm tình trong việc chăm sóc từ những thứ vi tế đến những thứ quan trọng đối với Thế Tôn. Còn nếu gọi đây là người hầu cận có thể sẽ bỏ quên khía cạnh tổ chức, điều động tăng già và vai trò hộ pháp trợ tăng của Ngài.

Bàn về phẩm hạnh, Ānanda là người biết hạ mình, dâng trọn cuộc đời cho pháp bảo rồi mọi danh dự và quyền lợi cũng không làm cho Ngài trở thành kiêu căng, ngã mạn. Suốt những năm thị giả của mình, Ānanda chẳng hề dấy khởi một chút tham dục nào, vẫn tri túc và vừa lòng với ba y một bình bát. Tôn giả vẫn thường tự nhủ rằng tất cả những phẩm hạnh mà mình gặt hái được là nhờ ơn đức Thế Tôn. Vì thế, qua những lần cùng đàm đạo và nghe Ānanda thuyết pháp, Vua Pasenadi thường ca ngợi Ānanda đã không đề cao pháp học của mình, cũng không xuyên tạc giáo lý của kẻ khác. Ông nói rằng Ānanda chỉ biết ngay thẳng diễn tả những điều chân thật. Hoàng thân, nếu được thấm nhuần giáo pháp của Ānanda sẽ đi vào chân lý cao thượng. Vua Pasenadi còn nói: “Do Tôn giả Ānanda mà chúng tôi, thưa Tôn giả, được hoan hỷ và thỏa mãn với những lời khéo nói của Tôn giả Ānanda”[10]. Vì cảm thấy được hoan hỷ và thỏa mãn, nên vua Pasenadi muốn cúng dường một tấm vải ngoại hóa. Để được sự hoan hỷ thọ nhận của Ānanda, ông đã ví như sau cơn mưa lớn trên sườn núi, cả Tôn giả và ông đã thấy lúc ấy sông Aciravati chảy mạnh, tràn qua hai bên bờ như thế nào. Cũng vậy, Tôn giả Ānanda có thể làm cho mình ba y, từ nơi tấm vải ngoại hóa này. Còn ba y cũ, Tôn giả Ānanda có thể đem phân phát cho các đồng Phạm hạnh. Qua đó, Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã viết rằng: “Một vị Tỳ kheo, vừa là thị giả của Thế Tôn, thời danh vẫn sống một đời phạm hạnh giản dị, tri túc. Tôn giả thực hành khất thực với ba y vừa đủ, tránh dùng vải ngoại vải sang. Đây mới thực là nét sống giá trị của nột tu sĩ Phật giáo đáng được học hỏi, suy ngẫm!”[11].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Ton Gia Ananda Vi Thi Gia Mau Muc 2

Theo Tương Ưng Bộ Kinh, Ānanda đã hoan hỷ đón nhận lời khiển trách của Tôn giả Mahà Kassapa khi nghe các Tỳ khoe ni chê trách Tôn giả không bằng Ānanda. Lại một lần bị Tôn giả Mahà Kassapa khiển trách khi ba mươi Tỳ kheo đệ tử của Tôn giả Ānanda, phần lớn còn trẻ tuổi, từ bỏ sự tu học và hoàn tục. “Vậy thời vì sao, này Hiền giả Ānanda, Hiền giả lại cùng du hành với những tân Tỳ kheo này, những người không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác? Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ dẫm đạp ngũ cốc! Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ phá hoại lương gia! Hội chúng của Hiền giả, này Hiền giả Ānanda, đang sụp đổ. Ðồ chúng niên thiếu của Hiền giả, này Hiền giả, đang tan rã! Ðứa trẻ này không biết lượng sức mình!”[12]. Một lần khác Ānanda bị Udayi khiển trách khi ngài tự mãn về đức Phật: “Này Hiền giả Ànanda, ở đây Hiền giả nghĩ có được gì, nếu bậc Đạo sư của Hiền giả có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?”[13]. Thế nhưng, Tôn giả Ānanda không phật lòng mà luôn hoan hỷ đón nhận lời khiển trách từ các thầy Tỳ kheo.

Phẩm hạnh của Ānanda còn thể hiện qua việc không tiếc thân mạng, hi sinh xả thân cứu đức Phật, trong lần Tôn giả Ānanda với lòng ái kính bậc Đạo Sư nồng nhiệt đã đứng ngay trước bậc Đạo sư, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đức Như Lai trước con voi hung bạo và man rợ. Chiều hôm ấy, trong lúc ngồi đông đủ tại pháp đường, tăng chúng bắt đầu thảo luận với nhau rằng: “Tôn giả Ānanda đã thành tựu một việc hy hữu khi sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu đức Như Lai. Vừa trông thấy Nàlàgiri, mặc dù đã bị bậc đạo sư bảo ba lần không được ở lại đó, Tôn giả vẫn không chịu đi ra. Này các Hiền giả, quả thật Trưởng lão ấy đã làm một việc hy hữu”[14]. Nhân đây, đức Phật mới bảo đại chúng rằng, không phải chỉ bây giờ, mà ngày xưa nữa, ngay khi còn ở hình hài súc sinh, Ānanda cũng đã hy sinh tính mạng vì Như Lai.

Đúc kết cho vai trò thị giả của Ānanda, Thế Tôn khi ở tại Jetavana, đã từng xác chứng Ānanda là vị Tỳ kheo đệ nhất về năm phương diện:

Ða văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì và sự hầu hạ chu đáo.“Này các Tỳ kheo, những vị A-la-hán, Chính Đẳng Giác trong thời quá khứ, những bậc Thế Tôn này đều có những thị giả tối thắng như Ānanda của Ta. Này Tỳ kheo, những vị A-la-hán, Chính Đẳng Giác thời vị lai, những bậc Thế Tôn này cũng sẽ có những vị thị giả tối thắng như Ānanda của Ta vậy”[15].

Kết luận

Cuộc đời và công hạnh của Tôn giả đã để lại rất nhiều bài học đáng quý cho hậu thế. Tôn giả học từ Thế Tôn muôn nghìn bài pháp và những oai nghi phạm hạnh. Cũng vậy, chúng ta là những người hậu thế hôm nay học được từ ngài hạnh hầu Thầy, cần mẫn; trung tính; chu đáo và tế nhị. Chúng ta học được từ ngài hạnh học hỏi và lắng nghe; đức khiêm cung và từ hòa bi mẫn không phân biệt. Chúng ta học được từ ngài hạnh đem lại lợi ích an lạc và sự hoan hỷ cho tha nhân. Chúng ta cũng học được từ ngài hạnh bảo vệ chính pháp, khiến pháp bảo được lưu truyền lâu dài ở đời…chúng ta còn học được nhiều và nhiều điều khác nữa từ ngài, một Ānanda cần mẫn, trung tính, đã dành trọn cuộc đời của mình cho chính pháp. Ānanda là một vị Tỳ kheo đã mang đến niềm an lạc, hoan hỷ vô tận cho dòng họ khi vừa được sinh ra; mang đến hoan hỷ cho tất cả những người đến yết kiến Như Lai khi còn làm thị giả; mang đến hoan hỷ cho tăng chúng và các Tỳ kheo ni trong quá trình sinh hoạt, tu tập và thuyết giảng của mình. Cũng vậy, Tôn giả cũng khiến những người đang viết, nghiên cứu và suy ngẫm về cuộc đời và những công hạnh của ngài những niềm hoan hỷ vô biên và niềm xúc động bao la vô bờ bến. Tin chắc rằng, niềm hoan hỷ ấy cũng sẽ lan truyền đến người đọc, những người tìm hiểu về cuộc đời của ngài một cách mãnh liệt, hoan hỷ như đúng với cái tên của thánh tăng Ānanda tức Khánh Hỷ.

Thích Quảng Như
Học viên Thạc sĩ khoá V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

***

TRÍCH DẪN:
[1] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 471. [2] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 112. [3] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 471.
[4] Tỳ khưu Minh Huệ dịch (2019), Đại Phật Sử (Maha Buddhavamsa), tập 6 A, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr. 290. [5] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 472.
[6] Tỳ khưu Minh Huệ dịch (2019), Đại Phật Sử (Maha Buddhavamsa), tập 6 A, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr. 290. [7] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 476.
[8] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Trường Bộ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 331-332.
[9] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 670.
[10] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 139-144.. [11] Thích Chơn Thiện (2018), Tìm Hiểu Trung Bộ Kinh, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 314.
[12] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tương Ưng Bộ, tập I, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 561-564. [13] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 259.
[14] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập IV, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 13-18. [15] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Trường Bộ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 331-332.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Trường Bộ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
2. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tương Ưng Bộ, tập I, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
3. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
4. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
5. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập IV, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
6. Tỳ khưu Minh Huệ dịch (2019), Đại Phật Sử (Maha Buddhavamsa), tập 6 A, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
7. Thích Chơn Thiện (2018), Tìm Hiểu Trung Bộ Kinh, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường