Từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam đến nay, mái chùa luôn là điểm tựa tâm linh cho các phật tử quay về. Dù bao năm tháng đi qua, chiến tranh tàn phá, bom đạn đã chôn vùi những công trình kiến trúc của các bậc tiền nhân. Thế nhưng di sản còn lại tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (TĐ.QAKC) ở Vĩnh Cửu – Đồng Nai hiện nay, đã minh chứng cho việc chư vị Tổ sư khai sơn và các thế hệ được truyền thừa tại đây.
Quá trình khai sơn Tổ đình Quốc Ân Kim Cang
Tổ đình Quốc Ân Kim Cang mới được phục dựng lại hơn 10 năm nay (từ 2008-2019). Hiện nay những di tích còn trên nền cũ, chùa xưa, tính theo niên đại thì TĐ.QAKC đã được xây dựng hơn 300 năm. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu về Tổ sư khai sơn ngôi chùa này, người viết tiếp nhận được hai hướng quan điểm trái chiều nhau:
Thứ nhất: Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch không có vào miền Nam hoằng pháp. Tổ khai sơn TĐ.QAKC là Tổ Minh Vật - Nhất Tri.
Thứ hai: Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch vào miền Nam hoằng pháp và khai sơn TĐ.QAKC tại Vĩnh Cửu - Đồng Nai vào khoảng năm 1695-1698.
Về quan điểm thứ nhất: Trong quá trình điền dã, tham vấn và sưu tập tài liệu có ý kiến cho rằng: Ngày 27 tháng 5 năm Chính Hòa thứ 15 (1694) Tổ sư Nguyên Thiều và Tổ Giác Phong (khai sơn Tổ đình Thiên Thọ Báo Quốc) cùng đứng tên trong một “Tờ trình”xin miễn thuế ruộng chùa cho tam bảo và được chúa Nguyễn Phúc Chu châu phê.
Tờ trình này là một loại văn bản hành chính được sử dụng phổ biến thời chúa Nguyễn, dùng cho cấp dưới trình lên phủ chúa để đề đạt một vấn đề gì đó, thường gọi là “Thân” tức “Tờ trình” còn từ cấp trên ban xuống thì gọi là “Thị” . “Tờ trình” của hai Ngài là một văn bản chép tay, chữ viết khá nắn nót, nghiêm chuẩn trên một mặt của tờ giấy dó, có kích thước khoảng 35cm x 29cm. Bố cục của tờ “Thân” [Tờ trình] này có thể chia làm hai phần: Phần đầu ghi danh tính, chỗ ở của những người đứng tên trong “đơn trình” cùng những nội dung cần trình tấu, đề đạt; Phần cuối là nội dung “châu phê” của phủ chúa cùng những thông tin về thời gian (ngày, tháng, năm, niên hiệu) mà tờ “Thân” được phủ chúa chính thức châu phê[1],
Từ chứng cứ này mà một số nhà nghiên cứu cho rằng Tổ Nguyên Thiều không vào Nam hoằng pháp. Chùa Kim Cang là do Tổ Minh Vật - Nhất Tri khai sơn và sau khi Tổ Nguyên Thiều viên tịch, các đệ tử của Ngài xây tháp vọng tại đây để tưởng niệm.
Đây quả thật là một cứ liệu vô cùng quan trọng của Tổ Nguyên Thiều còn lưu lại, vào năm 1694 và rất có giá trị cho việc nghiên cứu. Tuy nhiên cứ liệu này cũng chưa đủ thuyết phục hoàn toàn và minh chứng cho việc Tổ Nguyên Thiều không vào miền Nam, bởi bốn lí do:
Thứ nhất: Tờ trình này được viết vào tháng 5 năm 1694, vậy có thể suy luận rằng sau khi Tổ Nguyên Thiều viết xong tờ trình này thì Ngài mới vào Nam.
Thứ hai: Tất cả các tài liệu nghiên cứu viết về quá trình hoằng pháp của Tổ Nguyên Thiều tại miền Nam, bắt đầu từ năm 1695. Điều này rất phù hợp với niên đại Tổ xây chùa Kim Cang (1695-1698).
Thứ ba: Dựa vào tài liệu của Thích Đại Sán (2016), Hải ngoại kỷ sự, sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII, tái bản theo bản in 1963, Ủy Ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội viết. Khi ngài Thích Đại Sán qua Việt Nam, năm 1695 Ngài có vào thăm chùa Hà Trung (Phổ Thành) thì có Giám tự rước vào điện để cúng chay. Giám tự nguyên cũng là một thụ giới tử[2] (chứ không phải là Tổ Nguyên Thiều). Nếu thời gian này Tổ Nguyên Thiều đang ở đây thì tại sao không ra đón tiếp. Ngài Đại Sán vừa là thầy, vừa là khách quý của nhà Vua, lẽ nào ngài Nguyên Thiều dám bất kính như vậy. Điều đáng lưu ý thêm trong ba bài thơ vịnh chùa Hà Trung ngài Thích Đại Sán có viết hai câu cuối trong bài thơ thứ 2 rằng:
“Tìm đâu bạn cũ[3] chùa xưa nhỉ, Trăng sáng bên cầu hội họp nhau”[4]
Thứ tư: Có rất nhiều sách sử viết và trên bia ký Chúa Nguyễn ban tặng cho Tổ Nguyên Thiều xác nhận đến năm 1728 Tổ Nguyên Thiều mới viên tịch. Vậy trong khoảng từ năm 1695- 1728, suốt 33 năm, Tổ Nguyên Thiều ở đâu, làm gì? Lí do nào thiền phái Lâm Tế phát triển mạnh tại miền Nam và các sách sử ngoài Huế đều không ghi chép gì về Tổ Nguyên Thiều trong suốt 33 năm? Lại thêm không có tài liệu nào viết về nghi thức an táng Tổ sư Nguyên Thiều sau khi viên tịch cả. Phải chăng khi đó Tổ đã vào miền Nam hoằng pháp. Hơn thế nữa là, trong khoảng thời gian này dòng thiền Lâm Tế của Tổ Nguyên Thiều phát triển mạnh ở khắp Nam Kỳ lục tỉnh.
Về quan điểm thứ hai: Trong quá trình tìm tư liệu qua các sách sử, các bài báo, các bài tham luận, các cuộc phỏng vấn sâu của các tác giả dưới đây:
-Thiện Niệm (1956), “Sự tích Long Thiền tự”, Tổ đình Sơn môn Nam Việt Giáo hội Lục Hòa Tăng, Biên Hòa xuất bản.
- Lương Văn Lựu (1972), “Biên Hòa sử lược toàn biên” quyển thứ I, Trấn Biên cổ kính, tác giả tự xuất bản, in tại Thiên Tứ ấn quán, Biên Hòa.
- Trần Hồng Liên (1991), “Đôi điều suy nghĩ về ngôi tháp của Tổ sư Nguyên Thiều ở Đồng Nai”. Giác Ngộ số 358.
- Nguyễn Hiền Đức (1995), “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong”, Nxb Tp.HCM.
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai (1998), “Những tư liệu lịch sử Biên Hòa - Đồng Nai 300 hình thành và phát triển”, Thư viện tỉnh Đồng Nai
- Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh (2002), Nxb Tp.Hcm.
- Nguyễn Hiền Đức (2002), “Ảnh hưởng của Tổ sư Nguyên Thiều đối với Phật giáo Đồng Nai - Gia Định”, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp.Hcm.
- Thích Giác Quang (2008), Tiểu sử về bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch & quá trình vận động trùng tu xây dựng ngôi chùa cổ: “Tổ Đình Quốc Ân Kim Cang”. Tủ sách Non Bồng.
- Võ Trọng Lễ (2017), “Lâm Tế gia phổ và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc trong tiến trình phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam” luận tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, khoa Sử học.
- Thích Thiện Nhơn (2018), “Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam”, Nxb Hồng Đức.
- Ba bài tham luận của các tác giả: Thích Thanh Đạt (2018) “Thiền sư Nguyên Thiều với Phật giáo Đàng Trong”; Trần Hồng Liên (2018) “Những đóng góp của Tổ sư Nguyên Thiều trong việc truyền thừa và hoằng pháp ở Đàng Trong”; Hoàng Văn Lễ (2018), “Nguyên Thiều vị đại sư vì nghĩa”, viết trong (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I, Phật giáo và Danh Tăng Bình Định - Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định), chủ biên Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nxb Khoa Học Xã Hội.
- Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Trụ trì chùa Huê Nghiêm quận 2, Tp.HCM.(phỏng vấn sâu)
- Thích Đồng Bổn, Trụ trì chùa Phật Học Xá Lợi. (phỏng vấn sâu).
- Trần Hồng Liên, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học VN tại Tp.Hồ Chí Minh. (phỏng vấn sâu)
- Thích Chơn Minh, Trưởng Khoa Lịch sử Phật giáo thế giới, giảng viên HVPGVN tại Tp.HCM. (phỏng vấn sâu).
- Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban kiêm Trưởng PB biên soạn giáo trình, giáo án Nghi lễ Bắc tông Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, Trụ trì chùa Định Thành. (phỏng vấn sâu)
- Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN Tp.HCM - trụ trì chùa Huệ Nghiêm. (phỏng vấn sâu)
- Thích Đồng Thành, Hiệu trưởng trường Trung đẳng Phật học Nguyên Thiều, trụ trì chùa Thiên An, xã An Nhơn tỉnh Bình Định. (phỏng vấn sâu)
- Thích Giác Quang, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai. (phỏng vấn sâu)
Đại đa số các học giả trình bày như trên đều xác quyết và ghi nhận: Khoảng năm 1695 Tổ Nguyên Thiều vào Nam, lập chùa Kim Cang, ngụ tại ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tổ đã ở tại đây một thời gian dài và hóa độ được nhiều pháp tử, pháp tôn, làm xán lạn dòng thiền Lâm Tế khắp Nam kỳ lục tỉnh. Cuối đời Ngài viên tịch tại chùa Kim Cang (Đồng Nai) và được các đệ tử xây tháp tôn thờ tại đây.
Sơ lược về tiểu sử và hành trạng Tổ sư khai sơn
Dựa vào các cứ liệu sau:
1. Hải ngoại kỷ sự, sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII của Thích Đại Sán.
2. Các tác phẩm nghiên cứu của các tác giả (trình bày như trên): Cho thấy sức sống của dòng thiền “Đạo Bổn Nguyên …” ở miền Nam phát triển mạnh, có rất nhiều đệ tử của Tổ hoằng pháp lớn mạnh tại miền Nam.
3. Những vấn đề được lưu truyền (truyền miệng qua tình cảm nội bộ) của tông môn pháp phái về hành trạng của Tổ, qua việc phỏng vấn sâu các bậc tôn đức xuất thân từ pháp phái này.
Sau đây là phần trình bày về tiểu sử và hành trạng của Tổ sư Khai sơn TĐ.QAKC.
Tổ sư Nguyên Thiều (1648- 1728), họ Tạ, pháp danh Nguyên Thiều còn có pháp danh khác là Siêu Bạch, thuộc tông Lâm Tế đời thứ 33, người huyện Trình Hương Triều Châu tỉnh Quảng Đông. Năm 1667 khi Ngài 19 tuổi, đến xuất gia với Hòa thượng Bổn Quả - Khoáng Viên (có nơi gọi là Bổn Kiểu hay Bổn Khao). Năm Đinh Tỵ (1677) ngài Nguyên Thiều theo thuyền buôn đến miền Trung, phủ Quy Ninh - Việt Nam (nay là thành phố Quy Nhơn - Bình Định). Ngài dựng chùa Thập Tháp Di Đà để làm cơ sở truyền bá Phật pháp.
Năm 1683 Chính Hòa thứ 4, Tổ Nguyên Thiều xây dựng xong chùa Thập Tháp Di Đà [5]. Cũng trong năm này không lâu sau, Ngài ra Phú Xuân lập chùa Quốc Ân [6]. Trên đường ra Phú Xuân, Tổ lập thêm một ngôi chùa Hà Trung (Phổ Thành) ở cửa biển Tư Dung.
Trước tiên Tổ sư đến cửa biển Tư Dung thuộc huyện Phú Lộc dựng lập ngôi chùa Hà Trung. Rồi sau đó Tổ sư tiếp tục đi đến Phú Xuân khai sáng chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng [7]
Sau Sư lại phụng mệnh chúa Anh Tông Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) trở về Trung Quốc tìm mời các danh tăng và cung thỉnh pháp khí [8]. Chuyến đi này không thỉnh được Hòa thượng Thích Đại Sán (Thạch Liêm) về Việt Nam cùng với Ngài Nguyên Thiều. Tuy nhiên ngài Nguyên Thiều lại thỉnh được một số pháp khí và một số cao tăng như:
- Thiền sư Giác Phong (khai sơn chùa Hàm Long, tức chùa Báo Quốc ở Phú Xuân) - Thiền sư Từ lâm (khai sơn chùa Từ Lâm ở Phú Xuân) - Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung (khai sơn chùa Ấn Tông, nay là chùa Từ Đàm ở Phú Xuân) -Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo (khai sơn chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam) -Thiền sư Hưng Liên - Quả Hoằng (trụ trì chùa Tam Thai ở núi Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam)[9] Các vị cao tăng này khi đến Việt Nam, được Chúa Nguyễn thỉnh tham gia vào nghi thức truyền giới, tại chùa Thiên Mụ. Năm 1692, Ngài Nguyên Thiều được Chúa Nguyễn bổ nhiệm trụ trì chùa Hà Trung hay còn gọi chùa Phổ Thành (nay thuộc Vinh Hà, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế)[10]
Ngày 27 tháng 5 năm Chính Hòa thứ 15 (1694) Tổ sư Nguyên Thiều và Tổ Giác Phong cùng đứng tên trong một “Tờ trình” dâng lên chúa Nguyễn Phúc Chu, xin miễn thuế ruộng cho tam bảo và được Chúa châu phê[11].
Năm 1695 Tổ Nguyên Thiều nhận “mật chỉ” của Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Chu 1691-1725) vào miền Nam với hai nhiệm vụ. Thứ nhất là ổn định lòng dân, dạy cho những người Minh hương biết ơn cứu mạng của Chúa Nguyễn, không nên chống đối với Chúa. Thứ hai là hoằng dương chính pháp, đem thiền phái Lâm Tế xiển dương tại miền Nam. Thông tin này ghi nhận từ các bậc tôn đức trong môn phong pháp phái của Tổ Nguyên Thiều qua các buổi tham vấn với HT. Thích Trí Quảng và HT.Thích Lệ Trang kể lại:
Trong lúc đó, chỗ này Hòa thượng Trí Quang nói với thầy (HT.Thích Trí Quảng) á, sau cái Giới đàn này thì Hòa thượng Nguyên Thiều mới nhận “mật chiếu” của Chúa Nguyễn, là Ngài vô trong miền Nam này. Và khi vô đó Ngài mới xây dựng chùa Kim Cang ở Đồng Nai. Tổ sư Nguyên Thiều ở trong miền Nam chưa có ai nghiên cứu há.[12]
Ôn Trí Quang nói với tôi (HT. Thích Lệ Trang) và HT. Thích Trí Quảng là, ngài Nguyên Thiều lãnh “mật chỉ” của Chúa Nguyễn đi vào trong Nam để phủ dụ, với một cái thiện chí là tỏ được cái lòng biết ơn của mình đối với Chúa Nguyễn… đây là những lời nói của các bậc trưởng lão nói lại, chứ không được ghi trong sách sử[13].
Qua lần tham vấn với GS.TS. Lê Mạnh Thát, giáo sư cho tôi (Thích Thiện Huy) biết một thông tin khá quan trọng là: “Tổ Nguyên Thiều theo “chỉ thị mật” của Chúa Nguyễn, là Ngài vào phương Nam để giáo hóa người Hoa tại đất miền Nam”. Theo chúng tôi, Tổ Nguyên Thiều có vào miền Nam hoằng pháp[14].
Năm 1695-1698 Tổ Nguyên Thiều vào miền Nam lập chùa Kim Cang và xây tháp Phổ Đồng (nay là tháp tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn) tại ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tổ Nguyên Thiều đã ở đây hoằng pháp trong một thời gian lâu dài. Ngài hóa độ được nhiều pháp tử- pháp tôn nổi danh, làm xán lạn Phật giáo khắp Nam Kỳ lục tỉnh như: Minh Vật - Nhất Tri[15], Thành Đẳng - Minh Yêu[16]; Minh Giác - Kỳ Phương[17], Minh Hải - Pháp Bảo[18]…
Thiền sư Nguyên Thiều viên tịch tại chùa Kim Cang (Đồng Nai) ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (tức 20 tháng 11 năm 1728) thọ 81 tuổi[19]. Trước khi viên tịch Ngài có để lại bài kệ dạy bảo hàng đệ tử như sau:
“Tịch tịch kính vô ảnh Minh minh châu bất dung Ðường đường vật phi vật Liêu liêu không vật không” Nghĩa: Lẳng lặng gương không ảnh Sáng sáng châu không hình Rõ ràng vật không vật Vắng lặng không vật không
Ðại ý bài kệ như sau: Ngài dạy chúng, pháp thân thanh tịnh trùm khắp như gương sáng lặng lẽ chiếu soi, không vướng mắc bất cứ hình bóng nào, như ngọc báu rạng ngời trong suốt, không chút bụi nhơ tỳ vết [20].
Các môn đồ của Ngài lập tháp ở chùa Kim Cang (nay là Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai) để tôn thờ nhục thân của Ngài trong khuôn viên chùa, cách chính điện khoảng 700 mét.
Tháng Tư năm Kỷ Dậu (1729), nhân ngày lễ Phật đản, Chúa Nguyễn Phúc Chú “Trú” hay “Thụ”(1725-1738) ban thụy hiệu cho Tổ Nguyên Thiều là “Hạnh Đoan Thiền sư” và làm bài minh cho khắc vào bia dựng tại “tháp vọng” ở Huế, tán thán công đức[21].
Tháng 8 âm lịch năm Kỷ Dậu (1909) các đệ tử của Tổ Nguyên Thiều tại miền Nam trùng tu lại tháp Tổ tại Đồng Nai và có khắc tên 06 ngôi chùa của 06 vị Hòa thượng đứng ra thực hiện, cũng như chứng minh cho việc trùng tu này.
Đến năm 1946 khi giặc Pháp mở rộng địa bàn chiếm đóng tại khu vực này, TĐ.QAKC bị thiêu hủy hoàn toàn. May mắn thay cũng còn lại nền chùa và ngôi Bảo tháp của Tổ Nguyên Thiều nằm trong khuôn viên chùa, cùng một số di sản và pháp khí (được đưa về chùa Kim Long “chùa Ông” gần đó để lưu giữ). Tổ Nguyên Thiều - Siêu Bạch được truyền thừa cả hai dòng kệ truyền Pháp.
- Dòng thứ nhất của Thiền sư Tổ Định - Tuyết Phong với bài kệ truyền phái gồm 20 chữ:
祖道戒定宗 方廣証圓通 行超明實濟 了達悟真空 “ Tổ Đạo Giới Định Tông Phương Quảng Chính Viên Thông Hành Siêu Minh Thiệt Tế Liễu Đạt Ngộ Chân Không”.
Theo lịch sử truyền thừa của phái Thiền Lâm Tế Trung Hoa thì đời thứ 22 là ngài Tổ Định - Tuyết Phong, tính đến chữ Siêu thì ngài Siêu Bạch thuộc đời thứ 33. Nếu tính ngài Tổ Định - Tuyết Phong là Sơ Tổ theo dòng truyền thừa của bài kệ “Tổ Đạo Giới Định Tông…”, thì ngài Siêu Bạch là đời thứ 12.[22]
- Dòng thứ hai của Thiền sư Đạo Mân Mộc Trần (Thông Thiên Hoằng Giác - Lâm Tế đời 31) với bài kệ truyền thừa gồm
28 chữ:
道本元成佛祖先 明如紅日麗中天 心原廣潤慈風普 照世真燈萬古傳 “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên Tâm Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền”.
Bài kệ trên đây mới đúng là dòng pháp được lưu truyền sâu rộng nhất khắp Trung Nam Việt Nam. Hầu hết chư tăng ni miền Nam xuất gia đầu Phật với các vị bổn sư, đại đa số là thuộc dòng kệ trên[23]. Các chùa thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 34, theo dòng kệ của Tổ sư tại Đồng Nai thuộc chữ “Thành”, như :
- Tổ đình Long Thiền có Tổ sư Ứng Sơn - Thành Nhạc - Chùa Bửu Phong có Tổ sư ? - Thành Chí - Chùa Đại Giác có Tổ sư Minh Yên - Thành Đẳng (đời kế kiếp có Tổ Phật Ý ở Đại Giác Cổ tự, đến tại Sài Gòn kiến tạo nền Phật pháp: Dựng Chùa Giác Lâm, Chùa Giác Viên…)
Hiện nay, long vị của Tổ sư thờ tại chính giữa Tổ đường Thập Tháp, trong đó ghi rằng: “Từ Lâm Tế chính tông tam thập tam thế, Quốc Ân đường thượng, thượng Thọ, hạ Tôn, húy Nguyên Thiều đại lão Hòa thượng liên tọa”.
Tại chùa Giác Lâm (quận Tân Bình - TP.HCM), hàng môn hạ của Tổ sư cũng có lập Long vị để vọng thờ. Long vị ghi: “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng, Lâm Tế chính tông tam thập tam thế, thượng Hoán hạ Bích, húy Siêu Bạch lão Tổ Hòa thượng giác linh”.
Điều này cho thấy, Ngài đã truyền pháp cho đệ tử ở Đại Việt theo hai dòng kệ, và các đệ tử, pháp tôn của Ngài chia nhau đi hoằng hóa khắp xứ Đàng Trong. Cụ thể, đệ tử của ngài Nguyên Thiều - Siêu Bạch theo bài kệ “Tổ Đạo Giới Định Tông…” là các Thiền sư: Minh Vật - Nhất Tri, Minh Giác - Kỳ Phương, Minh Hải - Pháp Bảo, v.v.; còn theo bài kệ “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên…” là các Thiền sư: Thành Đẳng - Minh Lượng, Thành Nhạc - Ẩn Sơn, Thành Đạo - Kỳ Phương, v.v. Chùa Thập Tháp Di Đà truyền thừa theo dòng kệ “Tổ Đạo Giới Định Tông”, nhưng đến đời thứ 39 của phái Thiền Lâm Tế, thì ngài Ngộ Thiệu - Minh Lý (1836-1889), trụ trì chùa Thập Tháp có đặt thêm 4 câu, gồm 20 chữ vào sau bài kệ này, là:
如日光常照 普周利益同 信香生福慧 將繼振慈風 “Như Nhựt Quang Thường Chiếu Phổ Châu Lợi Ích Đồng Tín Hương Sinh Phước Huệ Tương Kế Chấn Từ Phong” [24].
Di sản tồn tại
Trải qua hơn 300 năm từ khi thành lập đến lúc bị thiêu hủy trong kháng chiến, mọi kiến trúc của TĐ.QAKC đều bị chôn
vùi dưới lòng đất. Thế nhưng như một sự hiển linh của Tổ Nguyên Thiều, Ngài đã chỉ dẫn cho hàng hậu học biết được nơi an nhiên xả báo thân của Ngài, đó là ngôi tháp nằm trong khuôn viên Tổ đình Quốc Ân Kim Cang. Và gần đó còn có một tháp Phổ đồng[25], do ngài đã xây cất. Hiện nay tại TĐ.QAKC còn lại 4 di sản:
1 - Bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch. 2 - Tháp Phổ đồng (tưởng niệm Công chúa Ngọc Vạn). 3 - Một cái Hồng chung (cỡ trung). 4 - Mười bài giáo lý “Tổ sư huấn hối yếu tắc”.
Còn nữa... tiếp theo kỳ sau Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiếu - Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2020
-----------------
CHÚ THÍCH: [1] Tờ Trình phủ chúa xin miễn thuế tam bảo tự điền của Tổ sư Nguyên Thiều và Tổ Giác Phong năm Chính Hòa thứ 15, Tạp chí Liễu Quán số 8, TTVH.PG. Liễu Quán – Huế, trang 41 [2] Thích Đại Sán (2016), tái bản theo bản in 1963, Hải ngoại kỷ sự, sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII, Ủy Ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr 133. [3] Phải chăn chỉ cho ngài Nguyên Thiều [4] Thích Đại Sán (2016), tái bản theo bản in 1963, Hải ngoại kỷ sự, sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII, Ủy Ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr 134. [5] Thích Viên Kiên biên soạn (2004), chùa Thập Tháp Di Đà và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Tổ đình Thập Tháp Bình Định, Giáp Thân 2004, tr 40. [6] “Lịch đại Tổ sư trú trì chùa Quôc Ân”, Tổ sư Nguyên Thiều và thiền phái Lâm Tế tại Đàng Trong, Tạp chí liễu quán số 8, tháng 05 năm 2016, tr 67. [7] Thích Viên Kiên biên soạn (2004), chùa Thập Tháp Di Đà và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Tổ đình Thập Tháp Bình Định, Giáp Thân 2004, tr 103. [8] Thích Thanh Từ (1995) Thiền Sư Việt Nam, Nxb Thành hội Phật gió Tp.HCM, tr 432. [9] Thích Thanh Đạt (2018) “Thiền sư Nguyên Thiều với Phật giáo đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I, Phật giáo và Danh Tăng Bình Định - Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, chủ biên, Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr 133. [10] Võ Trọng Lễ (2017), Lâm Tế gia phổ và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc trong tiến trình phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam, luận tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, khoa sử học, tr 54. [11] “Tờ trình gửi phủ chúa xin miễn thuế Tam bảo tự điền của Tổ Nguyên Thiều và Tổ Giác Phong năm Chính hòa thứ 15”Tạp chí liễu quán số 8, tháng 05 năm 2016, tr 141. [12] Phụ lục phỏng vấn số 1 (Hòa thượng Thích Trí Quảng, viện trưởng HVPGVN tại Tp.HCM). [13]Phụ lục phỏng vấn số 2 (HT. Thích Lệ Trang, trưởng Ban Nghi lễ PG tại Tp.HCM). [14] Trích phụ lục phỏng vấn số 15, ĐĐ. Thích Thiện Huy [15] Kế thừ trụ trì chùa Quốc Ân Kim Cang (Đồng Nai), thuộc tông Lâm Tế đời thứ 34. [16] Khai sơn Vạn Đức (Hội An), Bảo Phong (Khánh Hòa), Đại Giác (Biên Hòa), thiền phái Lâm tế Gia phổ. [17] Kế thừa trụ trì Tổ đình Thập Tháp (Bình Định) thuộc tông Lâm Tế đời thứ 34. [18]Khai sơn chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam, thuộc tông Lâm Tế đời thứ 34. [19] Thích Thanh Đạt (2018) “Thiền sư Nguyên Thiều với Phật giáo Đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I, Phật giáo và Danh Tăng Bình Định - Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, Nxb Khoa học xã hội, tr 132. [20]Tài liệu đánh máy (2011), Sơ lược Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, ấp bình Thảo, xã Tân Bình, Huyện Vĩnh Cửu, Văn phòng chùa Thanh Long Phường Trung Dũng, Tp.Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, lưu hành nội bộ, tr7. [21] Thích Thanh Đạt (2018) “Thiền sư Nguyên Thiều với Phật giáo Đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I, Phật giáo và Danh Tăng Bình Định - Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, Nxb Khoa học xã hội, tr 132-133. [22] Vu Gia & Thích Đồng Bổn (2018), “Sơ Tổ Phật giáo xứ Đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I, Phật giáo và Danh Tăng Bình Định - Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, Nxb Khoa học xã hội, tr 147. [23] Tài liệu đánh máy (2011), Sơ lược Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, ấp bình Thảo, xã Tân Bình, Huyện Vĩnh Cửu, Văn phòng chùa Thanh Long Phường Trung Dũng, Tp.Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, lưu hành nội bộ,tr10. [24] Tài liệu đánh máy (2011), Sơ lược Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, ấp bình Thảo, xã Tân Bình, Huyện Vĩnh Cửu, Văn phòng chùa Thanh Long Phường Trung Dũng, Tp.Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, lưu hành nội bộ, tr 8. [25] Hòa thượng Thích Lệ Trang, “Nói đến tổ Nguyên Thiều có hai điểm cần lưu ý rằng, Tổ ở đâu thì Ngài cũng đều xây Chùa và xây tháp Phổ Đồng”
TÀI LIỆU THAM KHẢO: I. Tài liệu tiếng Việt 1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai (1998), Những tư liệu lịch sử Biên Hòa - Đồng Nai 300 hình thành và phát triển, Thư viện tỉnh Đồng Nai. 2. Thích Thanh Đạt (2018) “Thiền sư Nguyên Thiều với Phật giáo đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I,Phật giáo và Danh Tăng Bình Định - Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, chủ biên Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường Nxb Khoa Học Xã Hội, tr 128-136. 3. Thích Đồng Bổn -ThS. Vu Gia (2018), “Sơ Tổ Phật giáo xứ Đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I,Phật giáo và Danh Tăng Bình Định - Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, chủ biên Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nxb Khoa Học Xã Hội, 145-156. 4. Lê Trí Dũng chủ biên (2015), “Di tích Long Thiền tự”, Sở văn hóa, thể thao & Du lịch Đồng Nai, Ban quản lý Di tích và danh thắng. 5. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb Tp.HCM. 6. Nguyễn Hiền Đức (2002), “Ảnh hưởng của Tổ sư Nguyên Thiều đối với Phật giáo Đồng Nai - Gia Định”, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp.Hcm. 7. Trương Văn Giới - Lê Khắc Kiều Lục (bảng in 2011), Từ điển Việt Hán hiện đại (现代越汉词典), Nxb Khoa học xã hội. 8. Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tp.Hcm. 9. Thích Viên Kiên (2004), Chùa Thập Tháp Di Đà và Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch, sách ấn tống lần thứ hai có bổ sung và sửa chữa. 10. Kỷ yếu lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập GHPGVN (01-02/11/2011-(6-7/10/Tân Mão)”, Văn phòng: chùa Thanh Long, phường Trung Dũng, Tp Biên Hòa. 11. Phan Khoang (1967), Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777 (cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), nhà sách Khai Trí, 62 đại lộ Lê Lợi Sài Gòn. 12. Trần Hồng Liên (1991), “Đôi điều suy nghĩ về ngôi tháp của Tổ sư Nguyên Thiều ở Đồng Nai”. Giác Ngộ số 358. 13. Trần Hồng Liên (2018) “Những đóng góp của Tổ sư Nguyên Thiều trong việc truyền thừa và hoằng pháp ở Đàng Trong”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I,Phật giáo và Danh Tăng Bình Định - Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, chủ biên Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr 157-168. 14. Võ Trọng Lễ (2017), “Lâm Tế gia phổ và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc trong tiến trình phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam”, khóa luận tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, tr 49-59. 15. Lương Văn Lựu (1972), Biên Hòa sử lược toàn biên quyển thứ I, Trấn Biên cổ kính, tác giả tự xuất bản, in tại Thiên Tứ ấn quán, Biên Hòa. 16. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận tập 2, Nxb Văn Học Hà Nội. 17. Hoàng văn Lễ (2018) “Nguyên Thiều vị đại sư vì nghĩa”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định tập I,Phật giáo và Danh Tăng Bình Định - Danh Lam Cổ Tự và di sản Hán Nôm Bình Định, chủ biên Thích Nguyên Phước, Thích Đồng Tịnh, Thích Đồng Thành, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nxb Khoa Học Xã Hội, 138-144. 18. Tài liệu đánh máy (2000), Tiểu sử cố Hòa thượng thượng Minh hạ Lượng viện chủ Kim Long cổ tự, lưu hành nội bộ, PL.2544 - Canh Thìn. 19. Thích Thiện Nhơn (2018), Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam,Nxb Hồng Đức. 20. Quốc sử quán triều Nguyễn, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu (2012), Đại Nam thực lục Tiền biên đệ lục kỷ phụ biên, Nxb Văn Hóa Nghệ Thuật. 21. Thích Giác Quang (2008), Tiểu sử về bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch & quá trình vận động trùng tu xây dựng ngôi chùa cổ:“Tổ Đình Quốc Ân Kim Cang”, Tủ sách Non Bồng. 22. Thích Đại Sán (2016), tái bản theo bản in 1963, Hải ngoại kỷ sự, sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII, Ủy Ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội. 23. Nguyễn Quảng Tuân (1990), Thiền sư Nguyên Thiều, “Tập văn Thành Đạo ngày 16-07-1990”, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN xuất bản và phát hành. 24. Tu Trai Nguyễn Tạo dịch (1973), Văn hóa tùng thư số 53, Đại Nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt, tập thượng Biên Hòa - Gia Định, Nhà Văn hóa Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa tái bản. 25. Kim Cương Tử chủ biên (1992), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học, từ điển Phật học Hán Việt (漢越佛學辭典), chủ nhiệm kiêm thư kí Thích Thanh Ninh, Nxb Khoa học xã hội. II. Tài liệu mạng internet 50. Pháp tuệ (2008), “Bảo tháp tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch&Tổ đình Quốc Ân Kim Cang ở Đồng Nai”, Giác Ngộ › vn › lichsu › 2008/11/14, truy cập ngày 07/09/2019.
Bình luận (0)