Tổ Liên Hoa Sinh là biểu tượng quan trọng và phổ biến nhất trong lịch sử phát triển của vương quốc Bhutan, sự hiện diện của ngài như vị thánh tăng bảo hộ cho đất nước. Từ sự kiện lễ hội trọng đại của nhà nước đến lời cầu nguyện đầu tiên của một em bé mới chập chững biết đi, từ các tượng đài khổng lồ đến những bài ca, lời hát, điệu múa, hình ảnh tổ Liên Hoa Sinh thấm đẫm vào văn hóa tinh thần và tôn giáo vương quốc Bhutan.
Jamyang Khenste Rinpochhe đã nói rằng đóng góp lớn nhất của nền văn minh Ấn Độ cho thế giới là Phật giáo. Tiến sỹ Hira Paul Gangneg(1) đã viết: Bậc thầy đã chuyển hóa toàn bộ cư dân rặng Himalaya hùng vĩ thành cộng đồng Phật giáo từ bi là đức Liên Hoa Sinh (Sankrit: Padmasambhava). Theo sử liệu, ngài đã tới các vùng đất Bhutan ngày nay ba lần, hoằng dương Phật giáo tại đây. Ngài đã để lại cho Bhutan một di sản to lớn về chính trị, tinh thần, văn hóa xã hội, trí tuệ và pháp lý:
a. Về chính trị: Sự kiện vua Sindha(2) thỉnh mời đức Liên Hoa Sinh viếng thăm Bhutan có giá trị lịch sử vô cùng to lớn.
b. Về đời sống tinh thần: Đức Liên Hoa Sinh đã viếng thăm các vùng đất vương quốc Bhutan ba lần. Ngài tới Bhutan trước khi tới Tây Tạng. Chuyến thăm đầu tiên ngài đến từ Nepal theo lời thỉnh mời của Vua Sindha xứ Bumthang, chuyến thăm thứ hai Ngài từ Tây Tạng đến Bumthang, được tháp tùng bởi người đệ tử trứ danh Denma Tsemang, chuyến thăm thứ ba - chuyến thăm cuối cùng - cũng từ Tây Tạng, Ngài đến cùng với đệ tử Khikha Rathod tới vùng Khenpajong và khi Ngài tới Singye Dzong ở Kurtoed cùng với Khandro Yeshi Tshogyal. Đáng tiếc, đến nay chưa có nguồn tư liệu chính xác những năm Ngài tới các vùng đất thuộc Bhutan.
Ngoài ra, Ngài còn để lại những di sản quý báu về các lĩnh vực ứng dụng trong xã hội Bhutan như:
c. Về xã hội và y tế: Việc tiêu thụ thuốc lá, gây thiệt hại và độc hại(3) cho sức khoẻ, đi ngược với triết lý và giới luật Phật giáo, do đó cũng gây hại cho cộng đồng xã hội.
d. Thư pháp
e. Các giá trị tinh thần và đạo đức công cộng: Các triết lý và giá trị tinh thần được ngài Liên Hoa Sinh trải rộng khắp các vùng miền vương quốc Bhutan: “Các con đừng bị những dục lạc chi phối mà sa đà vào những việc xấu ác và tội lỗi, hãy nghiêm ngặt trì giữ những kỷ luật tâm linh! Các con đừng khởi lòng tham, hãy biết ban tặng thức ăn và của cải! Các con không được gây hấn hay tranh đấu mà phải biết mang lại bình an cho mọi người và hết thảy chúng sinh!”
f. Quan điểm về nhà cầm quyền: Người Bhutan đều tin tưởng rằng Đức Liên Hoa Sinh đã nhắc tới sự xuất hiện của Zhabdrung Ngawang Namgyal và sự trị vì của nhà lập quốc vương quốc này.
Hòa giải mâu thuẫn
Đức Liên Hoa Sinh đã làm trung gian hòa giải giữa vua Sindha và Naoche. Ngài đã thiết lập nên tình bạn giữa hai vị vua đối địch. Họ gặp nhau tại vùng Nabikorphu Lhakhang dưới sự chứng minh của ngài, hai vị vua đánh dấu tình bằng hữu giữa họ bằng việc dựng lên trụ đá Do-ring(4) tại nơi gặp gỡ nổi tiếng.
Luật thế tục và tâm linh
Guru Rinpoche kiến lập nên học thuyết về luật thế tục và tâm linh, ngài luận giảng như sau:
Giới luật trong tâm linh giống như một nút dây lụa buộc chặt, còn Luật thế tục giống như sợi dây kim loại rắn và nặng. Giới luật tâm inh dễ dàng và nhẹ nhàng ban đầu nhưng dần dần thắt chặt hơn, trong khi pháp luật thế tục ngày một nặng hơn với mức độ tội ác.
Phân loại pháp luật
Tổ Liên Hoa Sinh đã dạy hai nhà vua rằng cần soạn thảo và ban hành các luật phổ quát, quy chế và văn bản hướng dẫn thi hành luật; và một luật có thể được phân loại thành thế tục và tâm linh.
Về vấn đề Pháp luật, Ngài dạy rằng "Người có quyền thế phải biết giới hạn quyền lực của họ".
Ngài luận giảng chi tiết hơn:
“Người đứng đầu triều đình, bộ máy quan lại và cả hệ thống thiết chế tự viện cần được bảo vệ bằng luật.
Hãy khởi phát từ bi tâm tới những người tàn tật và yếu thế;
Kẻ không nơi nương tựa phải được trợ giúp thông qua sự hiệp nhất, Những hành động xấu ác phải thường xuyên bị chặn đứng;
Và khi đó, cướp bóc và các tệ nạn trong làng sẽ biến mất.
Nếu con tránh được 10 hành động bất thiện, thì 10 hành động thiện lành sẽ tự trải rộng khắp.”
Guru Rinpoche đã dạy rất rõ ràng rằng:
“Chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ phải trả;
Những người vay nợ phải trả các món nợ với lòng biết ơn tối đa;
Và những kẻ không có phương tiện để trả được phép trả một nửa sổ nợ.”
Tương tự như vậy, trong Pema Kathang, ngài đã khuyên nhà vua, quan lại và mọi người dân:
“Không đắm mình vào những hành vi mất đi sự tôn nghiêm, mang lại tội lỗi;
Không ăn cắp, cướp bóc, đánh người và giết người;
Không bao giờ sử dụng rượu, tiêu thụ các loại thịt và những thực phẩm pha tạp khác.”
Dòng truyền thừa Cổ Mật và hệ thống giáo pháp tại Bhutan
Ở Bhutan, vào giữa thế kỷ VI, Tổ Liên Hoa Sinh đã chuyển hóa toàn bộ Bhutan thành vương quốc Phật giáo.
Các giáo lý của Tổ Liên Hoa Sinh để lại Bhutan bao gồm: Tám Khai thị và các Kho Tàng Mật điển.
Hệ thống giáo pháp này được phân loại thành Chín Thừa và cũng như các truyền thống tu tập khác của Phật Giáo Tạng truyền, các pháp tu của Chín Thừa
bao gồm:
1. Nhân Thừa là các giáo huấn thuộc về giới luật, quy y và phát tâm Bồ Đề của truyền thống Nguyên Thủy và Đại Thừa, trong đó đó gồm: Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa.
2. Quả Thừa được chia ra làm hai, gồm có ba Ngoại Mật Điển, và ba Nội Mật Điển. Ngoại Mật Điển gồm các Mật điển Hành Động (Kriyayoga), Mật điển Thiện Hạnh Upayoga và Mật điển Yoga. Nội Mật Điển gồm có Đại Du Già (Mahayoga), Đại Thành tựu (Anuyoga) và Đại Toàn Thiện (Dzongchen).
Các Ngoại Mật điển bao gồm các nội dung về nghi thức thực hành, kết hợp giữa nghi thức với các phương pháp thiền quán và các giáo pháp thuần thiền quán. Thứ lớp Mật điển thứ ba (Nội Mật điển) lại được chia thành ba lớp, (a) giáo pháp ở giai đoạn phát triển, (b) Anu- yoga- giáo pháp giai đoạn thành tựu, và (c) Ati-yoga- giáo pháp giai đoạn Đại Toàn Thiện. Giáo pháp ở giai đoạn Phát triển có thể được chia thành hai phần:
- Các Mật điển bên ngoài. - Nội quánPhương Thức Truyền Pháp
Những pháp tu trên đây đã được truyền giảng dựa vào ba dòng truyền dạy khác nhau:
1. Dòng Tâm truyền.
2. Truyền trao qua các Biểu Tượng.
3. Khẩu truyền: Truyền giáo pháp trực tiếp từ bậc thầy tới người đệ tử.
Tổ Liên Hoa Sinh và Tàng Bảo Kinh (Terma)
Ngoài ra, trong dòng Nyingma (Cổ Mật) còn có thêm cả trăm ngàn các Tàng Bảo Kinh trong truyền thống Terma, là truyền thống của những tài liệu Mật điển quý giá, phần lớn thuộc về Nội Mật Điển mà đức Liên Hoa Sanh đã cất dấu các kinh văn này tại nhiều thánh địa trên vùng Himalaya, các giáo pháp này chỉ được tiết lộ cho những đệ tử thích hợp trong một thời gian thích hợp và như thế ngài khởi đầu truyền thống kho tàng Mật điển nơi đây. Đó cũng là lý do ngài trở thành bậc thầy khởi nguồn giáo pháp của truyền thống Cổ mật. Những vị đảm nhiệm trọng trách cao quý này được gọi là những Khai mật tạng (Terton).
Longchenpa và Giáo Lý Đại Viên Mãn (Dzogchen)
Longchen Rabjam (1308- 1363) đã kết hợp các giáo lý Tâm Yếu và truyền bá các giáo lý này theo hệ giảng của Longchen Nyingtik (Tâm Yếu Của Đại Quảng Trí).
Ngài Longchen Rabjam hay Longchenpa được kính trọng như là một trong những vị Thầy vĩ đại nhất của truyền thống Cổ Mật. Ngài đã trước tác hơn 250 pho luận giải về rất nhiều các đề tài khác nhau. Ngài nổi tiếng nhất về các trước tác liên hệ đến pháp thiền Dzogchen hay thiền Đại Toàn Thiện. Khi còn tại thế, Lonchenpa đã chọn một cuộc đời bình dị của một hành giả, hành trì nơi các sơn động cao trên núi. Ngài tránh việc xây cất chùa chiền, sống rất ẩn dật và thường khuyên đệ tử nên noi theo hạnh nguyện này. Ở Bhutan, ngài Longchenpa đã tới các vùng Bumthang, Tharpaling để ẩn tu bởi vì nơi đây theo ngài là thánh địa linh thiêng và nơi an tĩnh giúp ngài có nhiều thời gian để hành thiền.
Pema Lingpa (1450-1521) là một bậc thầy trứ danh của truyền thống Phật giáo Bhutan. Ngài sinh ra tại vùng Bumthang, miền Trung Bhutan và giành toàn bộ cuộc đời khai mở những giáo pháp của tổ Liên Hoa Sinh, giảng pháp, hành thiền trên những vùng núi cao.
Ngoải ra trong truyền thống Cổ Mật tại Bhutan, còn phải kể tới các bậc Khai Mật Tạng với công hạnh lớn lao như: Nyangrel Nima Yoser (1124- 1192), Guru Choewang (1212- 1246), Terton Sherab Menbar (1267-1326), Dorji Lingpa (1346-1405), Ratna Lingpa (1403- 1478) v.v…Tới thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, có nhiều Mật điển Dudjon Terser được khám phá bởi Dudjon Rinpoche (1904- 1987), các Mật điển được khám phá bởi Namkhai Nyingpo Rinpoche (1966-) và nhiều các bậc thày khác tại vương quốc Bhutan.
Đức Liên Hoa Sinh là ánh sáng dẫn đường trong việc truyền bá Phật giáo ở vương quốc. Ngài đã để lại dấu tư tưởng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, chủ quyền quốc gia, lịch sử cổ xưa và ban tặng thư pháp quốc gia, giáo dục. Nhiều thánh địa hành hương liên quan đến Đức Liên Hoa Sinh, trong đó, nổi tiếng nhất là Paro Taktsang, nơi có bức tượng thiêng liêng của ngài là Guru Dorje Drolo. Các di sản xã hội, văn hoá, kiến trúc và học thuật mà ngài để lại đã tạo nền cho quá khứ, hiện tại và tương lai của Bhutan. Những giáo pháp tôn quý, đặc biệt các Mật pháp vẫn được thế hệ các đệ tử khám phá, trì giữ, tu tập nghiêm mật ở khắp nơi trên vương quốc Bhutan.
Chuyên đề do cư sĩ La Sơn Phúc Cường, cư sĩ Anh Vũ và Tiến sĩ Cao Xuân Sáng thực hiện. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021 --------------------CHÚ THÍCH: (1) Đức Liên Hoa Sinh - Padmasambhava và những đóng góp của Ngài cho vùng Himalayan bởi tiến sĩ Hira Paul Gangnegi, Khoa Nghiên cứu Phật học, Đại học Delhi, Delhi-11007. (3) Theo lịch sử, Sir Walter Raleigh được cho là đã đưa thuốc lá đầu tiên sang châu Âu, đề cập đến nó như là thuốc lá vào đầu năm 1578. Stuart King James đã lên án việc sử dụng thuốc lá như là "một cái gì đó rất xấu xí trong đôi mắt, thù địch cho mũi, có hại với não, nguy hiểm đối với phổi, và khói đen hôi của nó gần giống như khói Stigian khủng khiếp của hố không đáy. " (4) bka’-‘gyursutra, rapa, p. 57 (trang cuối).
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Tsa Yig Chenmo (English Translation), Sikkim and Bhutan: 21 years on the Northeast Frontier, 1887-1908, Translated by John White, p.02. 2. Seiji Kumagai, Bhutanese Buddhism and its culture, Vajra Book- Dragon Pub., 2014, p.68. 3. Karma Phuntsho, The History of Bhutan, Random House India Pub., 2013, p.115. 4. Akinori Yasuda, A study of Rgyud bu chung Discovered by Pema Lingpa, Kyoto University, 2003. 5. www.trycle.org, Alexande Gardner, Treasury of lives: Bhutan’s Nyingma treasure reveals, 2013. 6. www.gyalwadokhampa.org, The secret guru Padmasambhava, Talk at Mountain Echoes, 2016. 7. Karma Ura, Longchen’s Forests of Poetry and Rivers of Composition in Bhutan, Centre for Bhutan Studies, 2005. 8. www.Bhutanstudies.org, Sonam Tobgye, Guru Padmasambhava and Jurisprudence in Bhutan: Golden Yoke and Silken Knot Justice, 2019. 9. www.bhutanstudies.org, Life and legacy of Guru Padmasambhava, 2019.
Bình luận (0)