Thích Đức Thịnh Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022
Lời mở đầu Tư tưởng tam giáo tịnh hành xuất hiện ở nước ta từ rất sớm và vẫn còn những ảnh hưởng sâu sắc trong hiện tại và lâu dài trong tương lai. Qua mỗi thời kỳ khác nhau, tư tưởng Nho - Phật - Lão tịnh hành vừa kế thừa những thành quả của giai đoạn trước vừa phát triển những điểm riêng của mỗi thời kỳ. Trong quá trình phát triển, người dân Việt Nam nói chung, những nhà tư tưởng nói riêng đã tìm cách dung nhiếp những giá trị tốt đẹp của cả ba tôn giáo nhằm xây dựng nên một tư tưởng hài hoà, bổ trợ cho nhau nhưng vẫn mang đặc sắc riêng của từng tôn giáo. Điều đó phần nào đã được chứng minh qua quan niệm về “đạo hiếu” trong tác phẩm Đạt Na thái tử hạnh của Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng.
1. Khái quát về Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng và tác phẩm Đạt Na thái tử hạnh
1.1. Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng
Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng là vị cao tăng lỗi lạc dưới thời Lê Trung Hưng. Ngài họ Nguyễn, tên Nghiêm, người làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ngài vốn xuất thân là một Nho sĩ nhưng sau khi đọc quyển Tam tổ thực lục, Ngài nảy sinh lòng mến mộ đối với Phật giáo, đặc biệt là Thiền sư Huyền Quang, một vị Trạng Nguyên đã từ bỏ hết mọi công danh hư vọng để xuất gia tìm cầu chân lý giải thoát.
Từ đó, Ngài Chân Nguyên quyết chí xuất gia, tu học theo giáo lý thậm thâm vi diệu mà đức Phật đã chỉ dạy. Qua quá trình tu tập và hoằng dương chính pháp, Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng đã có công rất lớn trong việc trùng hưng giáo lý của thiền phái Trúc Lâm. Bên cạnh đó, Ngài còn sáng tác nhiều tác phẩm mang đậm triết lý Phật giáo và cả tư tưởng tam giáo tịnh hành, điển hình như: Nghênh sư duyệt định khoa, Long thư Tịnh độ văn tự, Tịnh độ yếu nghĩa, Thiền tịch phú, Thiền tông bản hạnh, Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Đạt Na thái tử hạnh, Hồng mông hạnh…
1.2. Tác phẩm Đạt Na thái tử hạnh
Trong các trước tác của Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng, Đạt Na thái tử hạnh là tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, bao gồm 934 câu thơ lục bát. Nội dung tác phẩm kể về câu chuyện thái tử Đạt Na từ bỏ ngôi vị Thái tử để xuất gia tu học, tìm cầu con đường giải thoát khổ đau cho chính mình và chúng sinh. Vượt qua biết bao nhiêu khổ đau và chướng ngại trên hành trình cầu đạo Bồ đề vô thượng, cuối cùng, Đạt Na thái tử đã thể nhập được chân lý giải thoát và đem pháp mầu vi diệu đó cứu giúp cho chúng sinh, đặc biệt là hai đấng sinh thành và thân quyến của Ngài. Với câu chuyện của thái tử Đạt Na, Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng đã truyền tải giáo lý thiết thực của Phật giáo, trong đó đặc biệt là tinh thần hiếu đạo của người con Phật. Thông qua đó, chúng ta cũng có thể nhận thấy được những nét tương đồng và dị biệt của đạo hiếu qua cách nhìn của Nho giáo và Phật giáo.
2. Những nét tương đồng về đạo Hiếu giữa Nho và Phật
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam rất coi trọng về hiếu đạo. Theo đó, hiếu được hiểu là lòng kính yêu, vâng lời cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên, ông bà. Sở dĩ Nho giáo và Phật giáo có thể du nhập, tồn tại và phát triển ở nước ta là vì cả hai tôn giáo này đều có những quan điểm giáo lý phù hợp với tư tưởng, phong tục tập quán của dân tộc Việt, trong đó có tinh thần hiếu đạo. Theo đó, Nho giáo cho rằng hiếu là gốc rễ của đạo đức, là nền tảng của giáo dục. Trong Hiếu kinh có viết: “Người có hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ bệnh tật phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm.” Như vậy, một người con có hiếu theo quan niệm của Nho giáo là phải biết phụng dưỡng, kính thờ cha mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần từ lúc cha mẹ tại thế đến lúc qua đời.
Đối với Phật giáo, chữ hiếu cũng chính là một phẩm hạnh cao quý của người con Phật. Trong kinh Phạm Võng, đức Thế Tôn đã dạy cho hàng đệ tử của mình rằng cha mẹ chính là những vị Phật đang hiện hữu trong thế gian này và Ngài cũng khẳng định “Hiếu” chính là giới hạnh của người phật tử. Ngoài ra, trong kinh Thiện Sinh, đức Phật cũng đã chỉ dạy người làm con phải hiếu kính cha mẹ với năm điều: “Cung phụng hiếu dưỡng cha mẹ không để thiếu thốn; Phàm làm điều gì trước phải thưa cho cha mẹ biết; Cha mẹ làm điều gì, mình phải kính thuận, không được chống báng; Không trái với việc làm của cha mẹ; Không ngăn cản việc lành của cha mẹ.”
Tác phẩm Đạt Na thái tử hạnh cũng đã khẳng định công lao to lớn của cha mẹ và ý nghĩa của lòng hiếu thuận:
“Mẹ cha cúc dục thù lao Ân ấy báo bổ lẽ nào được nay Ba năm nuôi nấng khổ thay Công ấy xem tày trời đất núi non.”
Những vần thơ trên lại một lần nữa khẳng định công lao to lớn sánh ngang với trời đất của hai đấng sinh thành và việc báo đáp ân đức cù lao của cha mẹ chính là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người con dù người đó là Nho sĩ trí thức hay là tu sĩ Phật giáo.
Như vậy, cả hai tôn giáo đều dạy người con phải có hiếu với cha mẹ, ông bà thông qua các hành vi lễ phép, phụng dưỡng chăm sóc, làm cho cha mẹ an vui. Đối với cha mẹ đã mất, cả hai tôn giáo đều dạy người con phải lo lễ tang chu toàn. Đó chính là những điểm tương đồng về đạo Hiếu giữa đạo Nho và đạo Phật.
3. Những điểm dị biệt về đạo Hiếu giữa Nho và Phật
Bên cạnh những nét tương đồng thì quan niệm về chữ Hiếu giữa Nho giáo và Phật giáo vẫn có những điểm khác biệt. Cụ thể, Nho giáo cho rằng người con hiếu thuận thì phải thực hành ba điều, đó là:
1. Không được huỷ hoại thân thể, không được cạo bỏ râu tóc;
2. Phải lập thân hành đạo, dương danh hậu thế, mang tiếng tốt về cho gia đình, giòng tộc;
3. Phải sinh con, nối dõi tông đường.
Mạnh Tử còn cho rằng: “Trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất.” Có thể thấy rằng, những điều nêu trên lại trái ngược hoàn toàn với quan niệm của Phật giáo. Theo đó, người xuất gia học Phật phải cạo bỏ râu tóc, từ bỏ danh vọng và đặc biệt là phải tuyệt lòng dâm dục. Như vậy, đứng trên quan niệm của nhà Nho thì tất cả những tu sĩ Phật giáo đều là những người con bất hiếu và hành động từ bỏ ngôi vị Thái tử để xuất gia của Đạt Na thái tử cũng chính là một sự bất hiếu đối với vua cha. Tất nhiên không phải vậy, vì đạo Phật có những quan niệm về hiếu đạo của riêng mình. Nếu như Nho giáo chỉ chú trọng việc báo ân cha mẹ trong đời này thì Phật giáo lại dạy cho người con phải biết báo hiếu cho khắp cả tứ sinh phụ mẫu trong bảy đời hoặc nhiều đời, nhiều kiếp. Điển hình như câu:
“Chữ rằng lo trả bốn ân Trai giới nghiêm sạch mới nên đấng người.” hay câu: “Trước là độ lấy chưng mình Sau cứu tổ nể siêu sinh bảo đài.”
Theo Phật giáo, vì nghiệp lực nhân duyên nên con người phải nhiều kiếp luân hồi trong tứ sinh lục đạo, do đó tất cả chúng sinh đều là cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của ta. Vì vậy, người con hiếu thảo chân chính thì không chỉ hiếu thuận với cha mẹ trong hiện tại mà phải biết hiếu kính với tất cả chúng sinh bằng cách tu tập, giữ gìn giới luật trang nghiêm, trước là độ thoát cho chính mình, sau là hướng dẫn cho chúng sinh cởi bỏ được sự trói buộc của phiền não, được sống đời sống hạnh phúc an lạc, đó mới chính là sự báo hiếu chân chính. Lòng báo hiếu đó đã được đúc kết trong Đạt Na thái tử hạnh:
“Sinh vào làm con quốc quân Chẳng tham danh lợi lập thân tu hành Cứu được cha mẹ làm ngăn Vợ cùng phi tần lên ngồi tòa sen Ấy là thuở trước nhân hiền Một người tu thiền độ được toàn gia Tiêu dao khoái lạc vinh hoa Bất sinh bất diệt bảo tòa Tây thiên.”
4. Tiểu kết
Như vậy, tác phẩm Đạt Na thái tử hạnh đã phần nào cho ta thấy được những nét tương đồng và dị biệt về đạo hiếu giữa Nho giáo và Phật giáo. Với xuất thân là một Nho sĩ trí thức, vì mến mộ đức hạnh của tam tổ Trúc Lâm mà chàng trai trẻ Nguyễn Nghiêm đã xuất gia lúc mới mười chín tuổi với hiệu là Chân Nguyên Tuệ Đăng. Do đó, Thiền sư rất am hiểu về giáo lý, tư tưởng của hai nhà Nho - Phật. Bằng kiến thức uyên bác của mình, Ngài đã tìm cách dung nhiếp những giá trị tốt đẹp về hiếu đạo của cả hai tôn giáo để xây dựng một tư tưởng thống nhất, hỗ tương, bổ trợ cho nhau. Tư tưởng này cũng đã xuất hiện vào các thời kỳ trước đây, điển hình như trong thời Lý - Trần quan niệm việc xây dựng chùa chiền, tháp miếu để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ, giúp cho mọi người tích góp công đức, phát khởi lòng từ thì đó cũng chính là hiếu đạo. Qua đó, các nhà tư tưởng thời Lý - Trần đã tìm điểm tương dung ngay trong sự mâu thuẫn của Nho và Phật về hiếu đạo. Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng với Đạt Na thái tử hạnh đã có sự kế thừa và phát huy tư tưởng đó bằng những vần thơ chân chất, gần gũi nhằm phổ biến rộng rãi tinh thần hiếu đạo đến với quần chúng nhân dân. Đó cũng chính là điểm độc sáng và là công lao rất to lớn của Ngài.
Bên cạnh đó, dưới thời Lê Trung Hưng, xã hội loạn lạc, thiên tai thường xuyên xảy ra khiến cho dân chúng phải sống trong cảnh lầm than khốn khổ. Với lòng trắc ẩn của một vị Thiền sư, Ngài Tuệ Đăng đã dựa vào một câu chuyện Phật giáo để viết nên Đạt Na thái tử hạnh để chỉ bày cho chúng sinh về một tấm gương hiếu hạnh, về con đường đi tìm hạnh phúc cho cuộc sống. Theo đó, chỉ có tu tập theo giáo lý Phật đà, trước là tự cứu độ mình, sau là hướng dẫn cho song thân phụ mẫu cũng như tất cả chúng sinh trong lục đạo được thấm nhuần trong ánh hào quang của chư Phật, trở về với Phật tính sẵn có, siêu thoát sinh tử luân hồi. Đó mới thực sự là lòng hiếu thuận chân chính.
Tóm lại, với 934 câu thơ lục bát mộc mạc, gần gũi, Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng đã gửi gắm vào đó nhiều giá trị sâu sắc, đặc biệt là hiếu hạnh. Đối với tinh thần hiếu đạo này, mặc dù Nho giáo và Phật giáo có những quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung cả hai tôn giáo đều xem hiếu hạnh là một phẩm hạnh đạo đức căn bản mà mỗi người cần phải luôn trau dồi trong cuộc sống của mình. Chính vì vậy, Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng đã dung nhiếp giá trị tốt đẹp của hai đạo Nho - Phật và truyền bá tinh thần đó rộng rãi khắp quần chúng nhân dân.
Thích Đức Thịnh Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022 ***CHÚ THÍCH: (1) 《孝經。紀孝行》: “孝子之事親也,居則致其敬,養則致其樂,病則致其憂,喪則致其哀,祭則致其嚴。” (2) Trường A Hàm I, Kinh Thiện Sinh, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr. 567 (3) Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập II, NXB Hồng Đức, Tp Hồ chí Minh, tr. 864 (4) 《孟子。離婁上》: “不孝有三,無後為大。” (5) Lê Mạnh Thát (2018), sđd, tr. 872 (6) Lê Mạnh Thát (2018), sđd, tr. 855 (7) Lê Mạnh Thát (2018), sđd, tr. 873
Bình luận (0)