Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tinh thần tự lực trong tu tập

Tinh thần tự lực trong tu tập

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Chúc Hào
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ khóa II, Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Tự lực là một trong những phạm trù được đề cập thường xuyên trong giáo nghĩa Phật giáo. Tự lực được xem là điều kiện chính quyết định kết quả thành công hay thất bại của mỗi người. Nhờ tự thân vận động mà con người có thể chuyển mê khai ngộ, từ phàm phu tiến lên Thánh vị. Tự lực được xem là yếu tố căn bản tạo nên sự khác biệt giữa Phật giáo (S. Buddhaśāsana, P. Buddhasāsana, C. 佛教) và các Tôn giáo Thần quyền. “Sau khi ta nhập Niết bàn, đại chúng các người phải rộng tu các pháp môn, sớm thoát ra ngoài ba cõi, không được trì trệ lười nhác, buông thả phóng túng để tâm tán loạn”[1]. Trong tạng Pāli tinh thần tự lực này luôn được đức Phật (S=P. Buddha, C. 佛) đề cao và nhấn mạnh. Những yếu tố quyền năng thần thông biến hóa rất ít được đề cập trong kinh điển Nguyên thủy. Trái lại, trong Kinh điển Phật giáo Đại thừa yếu tố tha lực được trình bày rất nhiều, nhất là khi nói về tinh thần lợi tha của Bồ-tát đạo. Chư Phật, Bồ-tát (P. bodhisatta, C. 菩薩) thường hộ niệm cho tất cả chúng sinh, các Ngài sẵn sàng làm tất cả mọi công hạnh để giúp mọi người phát bồ đề tâm hướng đến quả vị giác ngộ vô thượng chính đẳng chính giác.

NỘI DUNG

1. Tự lực

Tự lực nghĩa là “Do sức của chính mình, với sức lực của bản thân, không nhờ ai”[2]. Tự lực nghĩa là dựa vào sức lực của mình không nương tựa một ai khác, mọi chuyện buồn vui, hạnh phúc đau khổ đến với bản thân do mình tạo và tự mình gặt lấy quả báo, không do một đấng quyền năng nào sắp đặt. “Vậy này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Và này Ānanda, thế nào là vị Tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?”[3]. Những lời giáo huấn của Thế Tôn khẳng định tinh thần tự lực của bản thân: “Không nên lệ thuộc người khác mà phải nương nhờ nơi mình, tự mình cố gắng. Đức Phật dạy: Tumhechi kiccam ātappam akkhātāro tathāgatā. ‘Các con phải cố gắng, các đấng Như Lai chỉ là những vị thầy’ ”[4].

Phật giáo luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là hạt nhân sinh khởi và chiêu cảm mọi vấn đề. Trong tiến trình tu tập mục đích chính là chuyển hóa chính mình, khi hạt nhân thay đổi thì các điều kiện bên ngoài cũng vận hành theo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu luc trong tu tap 1

2. Tinh thần tự lực trong tu tập

2.1. Tinh thần tự lực trong cuộc đời đức Phật

Tìm hiểu về tiến trình tu tập của đức Phật từ lúc xuất gia tìm đạo, hành đạo cho đến khi giác ngộ dưới cội bồ đề, chúng ta không thấy Ngài nương tựa vào đấng quyền năng nào để giúp Ngài giác ngộ (P. bodhi, C. 覺悟) và cũng không dựa vào các hình thức nghi lễ cầu đảo để tẩy rửa ô nhiễm nơi tâm. “Đức Phật đã từng sánh ví Ngài như một quả trứng gà. Bằng tuệ giác, hành động, tu trì, chuyển hóa, Ngài dùng cái mỏ của trí kim cương để chọc thủng vỏ trứng vô minh và phiền não. Khi chọc thủng vỏ trứng đó, đức Phật sử dụng hai bàn chân tự lực cất từng bước chân đi để có mặt và hiện hữu ở cuộc đời này”[5].

Thật vậy, Ngài chỉ đến gặp các nhà minh triết học hỏi giáo lý và tự thân mình hành trì. Khi Thái tử Sĩ-đạt-ta nhận ra rằng không ai có đủ tuệ giác để chỉ dẫn cho mình thì Ngài tự lực hành trì tìm ra chân lý bất tử, rồi từ đó Ngài đem giáo lý giác ngộ trải khắp muôn nơi cho chúng sinh thấm nhuần lợi lạc. Trong tác phẩm Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Hòa thượng Thích Minh Châu đã khẳng định là trong hơn sáu năm tầm đạo, hành đạo và chứng đạo Thế Tôn đã tự mình nổ lực cá nhân, đã tự mình tự lực tìm đạo, tự mình hành thiền, cũng tự mình phất triển trí tuệ và cuối cùng thành đạo dưới gốc cây bồ đề, thành bậc chính đẳng giác. Đức Phật không nhờ một thần lực nào, không phải là hiện thân của đấng thiêng liêng nào, không phải hóa thân của một đấng tối cao nào: “Lập trường của Phật Giáo Nguyên thủy và Thiền-Tôn là: không ỷ lại vào Trời, không ỷ lại vào Thần, duy chỉ nhờ vào sự khắc phục lấy mình mà triệt để đại ngộ: đó là phương châm tu dưỡng của chủ nghĩa Tự-Lực. Tuy nhiên, khi đạt đến giai đoạn chứng ngộ lại không thể không nhờ một thứ tha lực”[6].

2.2. Ứng dụng tinh thần tự lực trong tu tập

Trong kinh Đại bát Niết-bàn (Mahāparinibbānasutta) trước khi nhập diệt Đức Phật nhắn nhủ chư đệ tử: “Này các Tỳ kheo, nay Ta khuyên dạy các Ngươi: ‘Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật’ ”[7]. Mỗi người đệ tử phải tuệ tri cuộc đời là vô thường, khổ não, vô ngã mà hãy tinh tấn tu tập chớ có giải đãi buông lung. Vấn đề tu tập là phải dựa vào năng lực mỗi người; chí thân như cha mẹ, thầy trò cũng không ai cứu giúp ai được, việc thương tưởng tình nghĩa chỉ là chia sẽ về chân lý cao thượng nhưng hành trì hay không, đi hay không đi là cá nhân mỗi người quyết định, giống như cơm ai ăn nấy no, lạnh ai co nấy ấm, không thể tu giúp được.

Trong cuộc sống nhiều người vì một điều gì đó mà lạy lục, cầu nguyện, van xin để được ơn trên ban phước lành thì thật là mù quáng. Nó chẳng đem lại kết quả gì, trái lại còn mất thời gian một cách vô ích. Điều này được đức Phật dạy rõ trong Tương ưng bộ kinh (S. Saṃyuktāgama, P. Saṃyutta-nikāya, C. 相應部經) như sau: “Ở đây, một người sát sinh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: ‘Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên Thiện thú, thiên giới, cõi đời này!’. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sinh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ví như, này Thôn trưởng, có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: ‘Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!’. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?”[8].

Còn nhiều kinh nhấn mạnh sự vô ích của việc cầu nguyện, van xin. Cũng vậy, theo Nārada: “Chẳng những cầu nguyện, van xin, là vô ích mà đó còn là một thái độ nô lệ tinh thần. Thay vì đọc kinh cầu nguyện[9], Đức Phật khuyên nên cố gắng hành thiền để ghép mình vào kỷ luật, tự kiểm soát, tự thanh lọc tâm, và giác ngộ. Thiền tập là liều thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí, là phần nòng cốt, là điểm thiết yếu của Phật Giáo”[10]. Chính vì vậy, “… đức Phật phản ánh dưới góc độ phê phán những người lười biếng, chỉ biết cầu nguyện, van xin tha lực chứ không có nỗ lực tự thân. Những việc cần thiết nỗ lực làm để dẫn đến thành công thì không nỗ lực, làm sao có thể đạt được kết quả?”[11].

Trong Phật giáo nghi lễ chỉ là hình thức để biểu đạt tấm lòng, là phương tiện nương vào đó để tu tập. Khi đối trước Tam bảo (P. tiratana, C. 三寶) thọ trì kinh nhờ khung cảnh trang nghiêm, có Phật, có Pháp, có Tăng lời kinh tiếng kệ trầm hùng nhờ vậy làm cho thân tâm chúng ta dễ thâu nhiếp. Lúc phục nguyện cầu an, cầu siêu “Âm siêu dương thới, hải yến hà thanh, pháp giới chúng sinh, đồng thành Phật đạo”. Sự cầu nguyện chỉ là ước muốn, nguyện vọng của mỗi người nhưng được an hay siêu thì tự bản thân Phật tử (S. Buddha putra, P. Buddha putta, C. 佛子) phải thực hành theo con đường chính pháp.

Trong Tiểu kinh nghiệp phân biệt (Cūlakammavibhanga sutta) đức Phật giải thích cho thanh niên Subha Todeyyaputta như sau: “Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu”[12]. Theo lời dạy của Phật mọi sự khác biệt trong cuộc đợi này đều là do nghiệp (S. karma, P. kamma, C. 業), chính nghiệp này đã thúc đẩy lôi kéo chúng ta vào vòng luân hồi và chiêu cảm lấy các quả báo tương ứng và nghiệp là do mình tác tạo và lãnh lấy hậu quả chứ không phải tự nhiên hay ngẫu nhiên mà đến. Như một người với tâm (S=P. citta, C. 心) không từ bi (S. maitrī-karuṇā, P. mettā-karuṇā, C. 慈悲)  sát hại các loại hữu tình do nhân nghiệp sát như vậy khi thân hoại mạng chung có thể sinh vào cõ dữ, còn nếu được sinh làm người thì sẽ bị đoản thọ.

Như vậy, chúng ta muốn tránh các quả báo ác nghiệp khổ đau, muốn chuyển nghiệp bất thiện thành thiện thì tự thân phải thay đổi không tạo nhân đó nữa thì quả báo sẽ không còn. Phật dạy trong kinh Pháp cú (S. Dharmapada, P. Dhammapada, C.  法句), kệ số 165 như sau: “Tự mình, điều ác làm/ Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình ác không làm/ Tự mình làm thanh tịnh/ Tịnh, không tịnh, tự mình/ Không ai thanh tịnh ai”[13]. Cho nên, trong kinh tạng Pāli yếu tố tự lực luôn được đức Phật nhấn mạnh và nêu cao. Trong công phu tu hành cũng vậy, khi một người đạt được chứng ngộ là do ý chí sắt đá nỗ lực công phu hành trì.

Một hành giả đi trên lộ trình giác ngộ phải ý thức được con đường mình đang đi. Bởi vì một khi bản thân hiểu rõ vai trò cũng như trách nhiệm của tự thân một cách rõ ràng mới mang lại hiệu quả nhất định. Đầu tiên, chúng ta phải làm chỗ nương tựa vững chãi cho chính chúng ta với ý chí, nghị lực và niềm tin chắc thật vào con đường chư Phật đã đi qua. Đức Phật dạy chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, mọi hành động thiện hay ác đều xuất phát từ thân, khẩu, ý của chúng ta chứ không phải một ai khác mang lại. Vì lẽ đó, mỗi bước chân của chúng ta đi đều phải ý thức rằng đó là bước chân có ý nghĩa. Mọi việc làm, lời nói cũng phải như vậy, bởi mỗi hành động tạo tác đều đem lại “nhân” và gặt hái “quả” sau này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 3.2022 Y nghia ngay Phat nhap niet ban 3

Cuộc sống an lạc hay khổ đau đều do bản thân mỗi người tạo lập. Theo triết lý đạo Phật, muôn sự muôn vật trong vũ trụ đều vận hành theo quy luật nhân quả. Gieo nhân nào gặt quả nấy, đó là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi, tuyệt đối không phải do tự nhiên, ngẫu nhiên hay đấng thần linh nào định đoạt hay ban phước giáng họa. Mỗi chúng ta, ai ai cũng phải nhận lấy nghiệp quả mà mình đã tạo ra. Và đức Phật đã tuyên bố với nhân loại rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật, Ngài là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Lời dạy của đức Phật chẳng những khẳng định nguyên tắc bình đẳng tuyệt đối làm nền tảng cho sự nỗ lực vươn lên của con người, mà còn mang tính chất nhân bản, cao thượng. Nó xác định quyền làm chủ vận mệnh và tự quyết định tương lai của mỗi người bằng tinh thần tự lực, khả năng sẵn có của chính họ. Hiểu rõ được những điều này, bản thân mỗi hành giả đều tinh cần tu tập, chuyển hoá bản thân, có trách nhiệm với những suy nghĩ, hành động cũng như lời nói của mình nhằm đem lại lợi lạc cho chính mình cũng như tha nhân. Và để chuyển hóa nghiệp lực xấu ác, mỗi cá nhân phải tự mình nỗ lực tu tập, tự hoàn thiện chính mình: “Điều cần thiết trước nhất của người tu hành là phải trừ phiền não cấu nhiễm trong tâm. Phiền não cấu nhiễm không những là trở lực cuả tâm hạnh bố thí, mà còn là trở lực (sức cản trở) các hạnh lành khác và xóa mờ tâm trí vốn thanh tịnh sáng suốt của mỗi chúng ta.[14]”

Những pháp môn tu tập là những phương tiện giúp người hành giả tiến nhanh đến bến bờ giải thoát. Ngồi thiền, niệm Phật hay tụng kinh đều giúp cho tâm ta an tịnh. Nếu tu tập đúng hướng thì bản thân mỗi người sẽ đạt được an lạc, hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Như vậy, tự lực trong tu tập nghĩa là phải tự mình nỗ lực, tinh tấn thực hành theo những giáo pháp của Phật: “Hàng đệ tử Phật dù khi Thế Tôn còn tại thế hay sau khi Thế Tôn diệt độ cần phải tự mình soi sáng cho chính mình bằng cách nương tựa Chính pháp. Điều này đã được Thế Tôn lặp lại một lần nữa trước khi Niết-bàn: ‘Này Ānanda, sau khi Như Lai diệt độ, chính Pháp và Luật sẽ là Đạo sư của các ngươi’. Do vậy, thực hành nương tựa vào Chính pháp, nương tựa vào chính mình là phương châm tu học của tất cả những người con Phật”[15].

Thật vậy “Con người tự mình làm chủ mình, không có một thực thể hay quyền năng nào cao hơn có thể định đoạt số phận nó… Ngài giảng dạy, khuyến khích và cổ võ mỗi người tự mở mang và tìm sự giải thoát cho chính mình, vì con người vốn có năng lực tự giải thoát khi mọi ràng buộc bằng trí tuệ và nổ lực của chính mình”[16].

KẾT LUẬN

Tóm lại, tự lực được xem là động cơ chính giúp chúng sinh hoàn thiện nhân cách của chính mình. “Giáo pháp cao thượng không phải là cái gì ở ngoài ta, mà hoàn toàn tùy thuộc nơi ta và chỉ do ta chứng ngộ. Do đó Đức Phật dạy: Attadīpā viharatha attapaṭisaraṇā. Dhammadipā viharatha, dhamma paṭisaraṇā, n’āñña paṭisaraṇā.’ ‘Hãy ẩn náu nơi chính ta như một hải đảo, xem chính ta là chỗ nương tựa. Hãy ẩn náu nơi Giáo Pháp như một hải đảo, như chỗ nương tựa. Không nên tìm ẩn náu từ bên ngoài’”[17]. Đồng thời, do bản thân muốn thành tựu đạo nghiệp nên tự thân mỗi người hành giả luôn luôn nỗ lực tu tập, tìm kiếm những pháp môn tu phù hợp với bản thân để tiến nhanh đến bờ giải thoát. Đặc biệt, lý tưởng mạnh dẫn đến ý chí mạnh. Chính điều đó đã thôi thúc người hành giả phải cố gắng hoàn thành rốt ráo mục tiêu hướng đến. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, tùy theo căn cơ của mình mà áp dụng sao cho phù hợp, nhằm gạn lọc thân tâm cho thanh tịnh, hoàn thiện bản thân và mục đích tối hậu là giác ngộ giải thoát.

Thích Nữ Chúc Hào
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ khóa II, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
[1] Kinh Trường bộ, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 354.
[2] Hán Việt tân từ điển, Nguyễn Quốc Hùng, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1975.
[3] Kinh Tương ưng bộ, tập 5, Thích Minh Châu dịch, Phẩm Ambapāli, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 240.
[4] Nārada, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 273.
[5] Thích Nhật Từ, Phật giáo và thời đại, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 125.
[6] Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 418.
[7] Kinh Trường bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, Kinh Đại bát Niết-bàn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 665.
[8] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng bộ,  tập 4, Thiên Sáu Xứ, Chương VIII Tương Ưng Thôn Trưởng, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 489 – 490.
[9] “Cầu nguyện là một hành động mà tôi chân thành thú nhận là tôi không có xu hướng theo.” Canon B.H. Streeter, trong quyển Modern Churchman, tháng 9 năm 1924, trang 347.
“Tôi không hiểu vì sao người ta vẫn tiếp tục cầu nguyện, ít ra người ta cũng phải biết chắc rằng có một lỗ tai đang nghe”. Rev. C. Beard, trong quyển Reformation, trang 419.
Sri Radhakrishnan viết: “Những lời vái van cầu nguyện có tách cách là một sự thông cảm riêng tư, một sự mặc cả với Thần Linh. Đối tượng mà nó tìm là những tham vọng trần tục đang thiêu đốt ý thúc về bản ngã. Đàng khác, hành thiền là tự mình sửa đổi lấy mình.”
[10] Nārada, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 273.
[11] Thích Nhật Từ, Đạo Phật pháp môn và đạo Phật nguyên chất, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2017, tr. 101.
[12] Kinh Trung bộ, tập 2, Thích Minh Châu dịch, Tiểu Kinh Nghiệp phân biệt, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 539 – 540.
Nguyên tác: Kammassakā, māṇava, sattā kammadāyādā kammayonī kammabandhū kammappaṭisaraṇā. Kammaṃ satte vibhajati yadidaṃ – hīnappaṇītatāyāti.
[13] Kinh Pháp cú, kệ số 165, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr.64.
Nguyên tác: Attanā hi kataṃ pāpaṃ, attanā saṃkilissati; Attanā akataṃ pāpaṃ, attanāva visujjhati; Suddhī asuddhi paccattaṃ, nāñño aññaṃ visodhaye.
[14] Thích Toàn Châu (dịch giải), Yết kiện và phương thức tự lợi lợi tha, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 98.
[15] Quảng Tánh (biên soạn), Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikāya, tập I,II & III, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr. 129.
[16] Walpola Rahula, Đức Phật đã dạy những gì (Con đường thoát khổ), Thích Nữ Trí Hải dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2000, tr. 16.
[17] Nārada, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 281.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hán Việt tân từ điển, Nguyễn Quốc Hùng, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1975.
2. Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
3. Kinh Tăng chi bộ, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2015.
4. Kinh Pháp cú, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2015.
5. Kinh Trung bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
6. Kinh Trường bộ, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2016.
7. Kinh Tương ưng bộ, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2014.
8. Nārada, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.
9. Nguyễn Minh Tiến, Tự lực và tha lực trong Phật giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.
10. Quảng Tánh (biên soạn), Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikāya, tập I,II & III, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011.
11. Thích Minh Châu, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012.
12. Thích Toàn Châu (dịch giải), Yết kiện và phương thức tự lợi lợi tha, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1999.
13. Walpola Rahula, Đức Phật đã dạy những gì (Con đường thoát khổ), Thích Nữ Trí Hải dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2000.
14. Thích Nhật Từ, Mê tín chánh tín, Nxb. Thời Ðại, Sài Gòn, 2013.
15. Thích Nhật Từ, Phật giáo và thời đại, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010.
16. Thích Nhật Từ, Đạo Phật pháp môn và đạo Phật nguyên chất, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2017.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường