Thượng tọa Thích Quảng Tiếp Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hòa Bình Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đoàn kết là sức mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong lịch sử, hiện tại và trước những yêu cầu, thách thức, vận động của thời đại mới. Thời đại mới đặt ra cho mỗi quốc gia trên toàn thế giới nói chung, dân tộc Việt Nam, các tôn giáo và Phật giáo nói riêng, muốn tồn tại, phát triển bền vững, trước hết phải có sự hoà hợp, trên dưới đồng lòng và thống nhất trong cùng một mục tiêu chung, sự nghiệp chung, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Sinh thời, Đức Thế Tôn luôn nhắc nhở Giáo đoàn, đoàn kết vừa là nhiệm vụ hàng đầu, vừa là đạo hạnh mà người con Phật phải luôn noi theo vì sự trưởng dưỡng và trường tồn của Phật giáo. Nhận thức được điều đó, ngay từ khi thành lập, năm 1981 đến nay, trải qua 8 kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc, trước ngưỡng cửa chuẩn bị cho Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nhất quán tinh thần đoàn kết vì mục tiêu chung của Giáo hội, vì phương châm hành động gắn Đạo với Đời: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Tinh thần đoàn kết là dường cột, chèo lái con thuyền Giáo hội Phật giáo Việt Nam vượt qua thử thách, đồng lòng, đồng sức, đồng thuận trên dưới, gắn bó keo sơn giữa Chư Tôn đức, Tăng Ni và Phật tử trong Giáo hội. Đoàn kết cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên nền tảng vững chắc của “Lục Hoà” trong trưởng dưỡng đạo pháp, lợi lạc chúng sinh và phục vụ dân tộc.

Trong kinh “Đại Bát Niết Bàn”, Đức Thế Tôn từng căn dặn: “Này các Tỷ khiêu, khi nào chúng Tỷ khiêu tụ hợp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ khiêu, chúng Tỷ khiêu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”. Đoàn kết chính là sự hoà hợp, xuất phát từ nội tâm và lòng chân thật của con người. Đoàn kết cũng thể hiện sự bình đẳng giữa con người với con người, được thể hiện bằng pháp lục hoà. Sáu phương pháp cư xử của con người từ lời nói đến tinh thần: Thân hoà đồng trụ, khẩu hoà vô tránh, ý hoà đồng duyệt, giới hoà đồng tu, kiến hoà đồng giải và lợi hoà đồng quân. Do ý nghĩa đó, đoàn kết cũng chính là bình đẳng, là sức mạnh của chính pháp nhà Phật.

Hoà thượng Thích Giác Toàn cũng chỉ ra trong kinh Tăng Chi Bộ rằng: “Với Phật giáo, sự đoàn kết được Đức Phật định nghĩa hết sức cụ thể trong kinh Tăng chi bộ, khi Ngài dạy về các yếu tố tạo nên sức mạnh của hội chúng Tỷ khiêu, những người có sứ mệnh truyền bá Chính pháp”. Đức Phật đã tóm tắt 7 nội dung như sau: thường tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau; tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết; không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành; tôn sùng, kính trọng, đỉnh lễ, cúng dàng các bậc Tỷ khiêu Trưởng lão, những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc Thầy của chúng Tăng và nghe theo những lời dạy của những vị này; chúng Tỷ khiêu thích sống những chỗ nhàn tịnh; chúng Tỷ khiêu tự thân an trú chính niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở; các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở được sống an lạc. (Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Tăng chi bộ 3, chương VII, Bảy pháp III, phẩm Vajjì (Bạt-kỳ), HT. Thích Minh Châu dịch, lược trích).

Nghi thức suy tôn đức Pháp chủ HĐCM GHPGVN tại Đại hội IX

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong lịch sử và hiện tại luôn quán triệt sâu sắc tinh thần đoàn kết trong những lời của Phật dạy, lại kết tinh trong truyền thống “lá lành đùm lá rách”; “Đoàn kết là sức mạnh của dân tộc” trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cụ thể hơn là những di nguyện và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chiến sĩ, đồng bào cùng toàn thể nhân dân Việt Nam: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói đó của Bác thật giản dị, nhưng từ lâu đã trở thành lẽ sống, phương châm sống và khẩu hiệu hành động của Đảng ta, dân tộc ta, đồng thời cũng phù hợp và tương đồng với tinh thần của nhà Phật. Ngay từ khi thành lập năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lãnh đạo Tăng Ni, Phật tử cùng toàn thể nhân dân mến chuộng đạo Phật đi theo đúng con đường chính Pháp, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong “Tâm thư” của Hoà thượng Thích Trí Thủ tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, họp mặt tại Chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội từ ngày 04 tháng 11 năm 1981 đến ngày 07 tháng 11 năm 1981 đã chỉ rõ: Đại hội là kết quả của tinh thần đoàn kết, thống nhất, nói lên ý chí và tấm lòng của toàn thể hàng giáo phẩm, Tăng Ni và đồng bào Phật tử cả nước đoàn kết nhất trí xây dựng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam. Đồng thời cũng nói lên sự tận tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương dành cho Phật giáo....

Sau ba mươi năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều chùa là cơ sở cách mạng, nhiều Tăng, Ni tạm thời rời bỏ Thiền môn, hăng hái tòng quân đánh giặc cứu nước. Bác Hồ dạy: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Toàn thể Tăng Ni và Phật tử ghi lòng tạc dạ lời dạy đó của Bác, nhận thức rõ lý tưởng giải thoát của người tu hành không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, do Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng sản lãnh đạo...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đoàn kết chặt chẽ với các đoàn thể, nhân dân trong đại gia đình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động tích cực trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật pháp nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, luôn luôn xứng đáng là một thành viên đáng tin cậy của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hiện tại, khi bối cảnh thời đại trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cả dân tộc và nhân loại đứng trước những thời cơ mới, thách thức mới của toàn cầu hoá, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây, vấn đề thiên tai, dịch bệnh, nhất là Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Tinh thần đoàn kết được kế thừa và phát huy trong lịch sử dân tộc, trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của Phật giáo Việt Nam và dân tộc lại được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy và tô đậm, thêm sâu sắc, nhân văn và ý nghĩa hơn. Thể hiện sự nhất quán và thống nhất trong toàn thể Giáo hội về mặt tổ chức đoàn thể, thống nhất đoàn kết, hoà hợp trong Tăng đoàn, Tăng Ni, Phật tử và đồng bào cả nước, thống nhất đoàn kết giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các tôn giáo bè bạn, giữa Giáo hội với các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân, đồng bào cả nước và nhân dân, các quốc gia trên toàn thế giới cùng nhau vượt qua Đại dịch, ổn định tình hình kinh tế, xã hội, nêu cao tinh thần “cứu khổ cứu nạn”, “Từ - bi - hỷ - xả” của Phật giáo và tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” của cả dân tộc Việt Nam và nhân dân, bè bạn quốc tế trên khắp năm châu.

Tinh thần đoàn kết qua những việc làm và hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự thể hiện hài hoà từ bên trong: Tạo một khối thống nhất, chặt chẽ, bền vững trong Tăng đoàn, giữa Chư Tôn đức, Tăng Ni, và Hàng Giáo phẩm với quần chúng, đồng bào nhân dân Phật tử và đoàn kết bên ngoài giữa Giáo hội với các Tổ chức chính quyền các cấp, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo trong nước và quốc tế. Đó là, tinh thần vượt qua Đại dịch, hỗ trợ đồng bào vừa chống dịch, vừa ổn định sản xuất và đời sống.

Từ năm 2019 đến nay, khi tình hình dịch bệnh Covid 19 bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp trên khắp cả nước làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung và các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trung ương đã cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương cùng chính quyền, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể chủ động, sáng tạo, thực hiện các hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội phù hợp với tình hình chung, phát huy vai trò “hộ quốc an dân” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tình hình mới.

Trên tinh thần đoàn kết cao nhất được quán triệt trong thời đại mới, mọi hoạt động của Giáo hội với sự nhất trí và quyết tâm, chung sức, đồng lòng của chư Tôn đức, Tăng Ni và Phật tử cả nước cùng Chính quyền các cấp, Giáo hội đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ và đạt được những kết quả tốt đẹp....

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong báo cáo của mình đã chỉ rõ sự vững mạnh của Giáo hội không chỉ về mặt số lượng, chất lượng cơ sở thờ tự cũng như đội ngũ Tăng, Ni, tín đồ Phật tử đông đảo trong cả nước. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có 18.544 cơ sở, gồm 15.871 Tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa; cả nước có khoảng gần 54.200 Tăng Ni. Tín đồ Phật tử chiếm khoảng 60% dân số cả nước...

Trong bối cảnh hiện nay, các hoạt động Phật sự của Giáo hội được diễn ra quy củ, nền nếp và chuẩn mực theo đúng quy định và tinh thần trang nghiêm của Giáo hội. Cụ thể như các hoạt động an cư kết hạ hàng năm, các pháp hội, các nghi lễ trọng và lễ nhật như kỷ niệm ngày Đức Phật xuất gia, Đức Phật thành đạo, và ngày khánh đản Đức Bồ tát Quan Âm, cầu an... được duy trì đáp ứng nhu cầu và đời sống tâm linh cho đông đảo quần chúng nhân dân, Phật tử. Các Đạo tràng Phật tử, Câu lạc bộ Phật tử sinh hoạt đều đặn. Các hoạt động Hoằng pháp kết hợp với các hoạt động từ thiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hiến máu nhân đạo tiếp tục được tiến hành bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch…Công tác Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử chuyển hình thức sinh hoạt thuyết giảng, tụng kinh, chia sẻ Phật pháp trực tuyến online qua các phương tiện truyền thông, hệ sinh thái số như Facebook, Youtube, Zalo, mạng xã hội Phật giáo Butta, trang Phật sự Online, Giác Ngộ Online….Tích cực duy trì khám chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn và thực hiện nghiêm các quy định về y tế trong phòng, chống dịch bệnh... Để góp phần cùng cả nước vượt qua Đại dịch Covid 19, trung ương Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử các chùa đã ủng hộ trang thiết bị y tế, ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân, những người bị nghi lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung, các y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng tình nguyện nơi tuyến đầu phòng chống dịch. Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện còn vận động quyên góp, ủng hộ cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn một cách thường xuyên, liên tục, kịp thời như tặng nhu yếu phẩm, nước ngọt, các bình chứa nước loại lớn, các cây nước, giếng nước, máy lọc nước...Nhiều chùa, Tăng Ni đã tổ chức phát gạo, mỳ, nhu yếu phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các cây ATM gạo, ATM nước nghĩa tình, các Siêu thị Hạnh phúc – 0 đồng… đã góp phần giúp cho người nghèo vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Các hoạt động cứu trợ nhân đạo, từ thiện chăm lo phát quà Tết hằng năm cho người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào các dân tộc vùng cao miền núi, đồng bào nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bởi nạn hạn hán, xâm nhập mặn cũng được Tăng Ni, Phật tử cả nước tích cực tham gia quyên góp, giúp đỡ bằng hiện vật và tiền trị giá ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Qua đó cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, Phật giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo nói riêng cùng toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước luôn nêu cao truyền thống đi đầu trong đoàn kết tôn giáo, đoàn kết, hoà hợp trong tăng đoàn. Tiếp nối dòng chảy của Phật giáo yêu nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, ở thời kỳ nào, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay hòa bình phát triển đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc và đều có rất nhiều tấm gương điển hình giúp đời, “hộ quốc, an dân”. Phật giáo luôn nêu cao truyền thống đi đầu trong đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc và tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phật giáo Việt Nam trong những hoạt động xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng luôn khẳng định được vị thế của mình với vai trò tiên phong trong quá trình lịch sử Việt Nam. Bằng những hoạt động và đóng góp trong suốt thời gian qua, cho thấy tinh thần đoàn kết đã tạo nên được sức mạnh kết nối cộng đồng mạnh mẽ của Phật giáo trong các hoạt động của đời sống chính trị, văn hoá và xã hội của dân tộc.

Tóm lại, có thể thấy rằng, tinh thần đoàn kết, hoà hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới cho thấy mục tiêu và hành động của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hiện nay luôn lấy: Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển, để tạo sự thống nhất trong tổ chức Giáo hội từ trung ương đến địa phương, và ở nước ngoài. Truyền thống đoàn kết của Phật giáo là những giá trị luôn được khẳng định và phát huy trong mọi thời đại, có thể thấy rằng, hoà hợp và Lục hoà là những pháp chính yếu tạo nên niềm tin vững chắc cho Giáo hội có thể vượt qua mọi thách thức của thời đại, đồng thời tạo sự phát triển bền vững cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, củng cố thêm niềm tin của Tăng Ni, Phật tử cả nước vào sứ mệnh lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Giáo hội trong các hoạt động Phật sự lẫn thế sự.

Thượng tọa Thích Quảng Tiếp Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hòa Bình Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX ***

Tài liệu tham khảo 1. Vương Trần, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi đầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, 2021, https://laodong.vn 2. Thảo Lan, Phật giáo Việt Nam triển khai hiệu quả các hoạt động Phật sự trong bối cảnh đại dịch Covid 19, 2021, Laodongxahoi.net 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981-2012), NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr50-51 4. Lê Mạnh Thát & Thích Nhật Từ (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 5. Viện Trần Nhân Tông (chủ biên, 2018), Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.\ 6. TT.TS Thích Ðức Thiện (2022), Vai trò của GHPGVN đối với việc đoàn kết tín đồ Phật giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, https://phatgiao.org.vn 7. SC. Thích Nữ Thắng Tâm, “Từ bi-Chất liệu quan trọng đồng hành của Phật giáo trong khối Đại đoàn kết dân tộc”, Phật giáo, văn hoá & Đời sống, Văn hoá Phật giáo, số 388, https://tapchivanhoaphatgiao.com. 8. HT.Thích Giác Toàn (2014), Sức mạnh của sự đoàn kết & tinh thần phụng sự Chính pháp, https://giacngo.vn