Trước hết cần phải nhấn mạnh là nét đặc sắc của Thiền Tào Động ở miền Bắc chính là tư tưởng biện chứng về cách giải thích luận bàn thêm về Phật tính cũng như thể tính giác ngộ bản lai diện mục. Điều này, chính là sự tiếp nối từ tư tưởng của Tổ Thanh Nguyên Hành Tư (tổ thứ 34 của Tào động Trung Quốc). Ngài đắc pháp và truyền kệ:

“Chân trần mặc áo vượt qua ngọn núi xanh Gặp nhau kỵ nhất nói chuyện Phật Oai Âm Kỳ lân xoay trở dứt hết công lao Đánh nát gương soi hình bóng chìm Sương mù ngùn ngụt mây lạnh ngắt bao trùm cả đỉnh núi Trăng sáng tròn mênh mang đợt sóng tâm Trâu vàng không bao giờ ăn cỏ ở nhân gian sáng sớm chui vào biển xanh thăm thẳm không biết đâu mà tìm”(1).

Nghĩa là Phật tính từ tâm, bản thể chân tâm hiện hữu trong thế giới nhân sinh giống như bóng trăng đáy nước, sự Giác ngộ chỉ có thể đạt được khi thiền định rốt ráo và làm chủ được chân tâm của mình, không bị chi phối bởi những yếu tố ngoại cảnh. Có công phu tọa thiền thì ánh sáng trí tuệ Phật tính sẽ tự chiếu sáng, đừng để ngoại cảnh tạo thành những đợt sóng tâm mà không bao giờ đạt được hương vị giải thoát, tương ứng giữa thực tiễn và tri thức là một. Yếu tố hành trì nghiêm mật là tôn chỉ được cụ thể hoá qua sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng chính là sự vận động và mối liên hệ chuyển hóa giữa Tâm và Vật, giữa Phật tính và Giác ngộ. Đó là sự quan hệ tương hỗ và có tính chất quyết định luận lẫn nhau. Điều này được Thiền sư Thủy Nguyệt chuyển tải trong mấy bài kệ sau:

“Trong gió lửa nổi dậy

Trên sóng nước an nhiên”.

Hay:

“Đúng ngọ trăng sao hiện

Nửa đêm mặt trời hồng”

Như vậy, “Trong gió lửa nổi dậy” phân tích theo Tứ Đại – Trí Tuệ thì Đất là nguyên tố của sự sống, là chấp trước của sự sống, là hiện thân của quá khứ - hiện tại – tương lai; Nước là nguyên lý của sự sống (không ép buộc được); Lửa là yếu tố (nguyên nhân) của sự sống; Gió là biểu hiện của sự sống (thăng hoa). Theo quan điểm của Phật giáo thì Gió còn biểu thị cho Tám ngọn gió của nghiệp quả, ngọn gió của cuộc đời, thói quen: Một là lợi, hai là suy, ba là hủy, bốn là dự, năm là xưng, sáu là cơ, bảy là khổ, tám là lạc. Các ngọn gió này đều có trong mọi người đó là nghiệp quả ai cũng phải gánh lấy, chỉ có người tu hành mới đủ sức để xóa bớt ngọn gió nghiệp quả đó. Mà theo bài kệ trên ngụ ý gió nghiệp có xô đẩy thế nào thì “lửa” tức Phật – ánh sáng ngọn lửa vĩnh cửu vẫn cháy được, gió mạnh thì lửa to hơn, hiển nhiên do Tâm không ngăn ngại sợ hãi như Bát Nhã thì càng lửa thêm sáng chói. Còn “trên sóng nước an nhiên” thể hiện quan điểm mặc cho ngoại cảnh tác động cứ để thuận tự nhiên, tương tự như phân tích ở trên dù có sóng đưa đẩy thì ta chẳng sợ hãi, chẳng để tâm, chỉ là những hiện tượng Tướng hiện, vọng tâm lúc ngồi thiền, ta cứ việc pháp an tâm thiền mà thôi. Đó phải chăng đây là sự áp dụng tư tưởng của đức Thích Ca Mâu Ni Phật: Chân lý và sự vắng lặng chỉ tìm được ở bên trong chúng ta, có lẽ vậy. Cũng chẳng thể nào mà giờ ngọ có trăng sao, nửa đêm lại có mặt trời hồng, hai khoảng thời gian như có vẻ trái ngược nhau về cảnh vật nhưng lại không là vậy, khoảng thời gian này nếu tu hành ngày và đêm tinh tấn thì giữa ngọ vẫn sẽ thấy trăng sao, đêm tối vẫn có mặt trời hồng mọc lên, đó là Phật.

Và Ngài Tông Diễn cho rằng:

Đã có gì cũng có Khi không gì cũng không Khi có không nhào xuống, Mặt trời mọc đỏ hồng(2).

Trong nội dung này, quan điểm cơ bản của Tào Động tông được thể hiện trọn vẹn trong năm ngôi nhân thế trên cơ sở triết thuyết của thiền sư Động Sơn. Học thuyết này là cụ thể hóa những nhận thức về toát yếu của Bát Nhã, sử dụng quán chiếu Bát Nhã để thể hiện tâm đại từ bi. Nội dung chính của Bát Nhã gồm: nhập chính định cảnh giới thậm thâm; đại Bồ tát thâm nhập Bát nhã Ba la mật đa sâu xa; thấy năm uẩn đều không tự tính; đến cả năm uẩn cũng không có tự tính. Sắc tức là không, không tức là sắc. Không chẳng khác sắc, sắc chẳng khác không. Tương tự như vậy, thọ tưởng hành đều không tự tính. Mọi hiện tượng do yếu tố kết hợp đều vô thường; mọi hiện tượng ô nhiễm đều là khổ; mọi hiện tượng đều là không và không tự có; Niết bàn là an lạc chân chính; pháp vô ngã và thân vô ngã. Đã được Tào Động áp dụng trong tu hành Thiền, tạo nên những triết thuyết mang tư tưởng biện chứng – logic trong các công án, phương pháp đốn ngộ.

Cần nói thêm, mối quan hệ biện chứng giữa “Không và Sắc”, “Hữu và Vô”, có vai trò rất quan trọng trong tư tưởng của phái Tào Động đằng ngoài, mà Tổ truyền thừa ở miền Bắc phải nói tới Tổ Thủy Nguyệt và Tổ Tông Diễn, sau này ảnh hưởng đến các thế hệ truyền thừa về sau của tông phái này. Theo lý học phương Đông, ngũ hành có thể giải nghĩa “Sắc – Không” một cách giản dị, từ đó cho hành giả hiểu sâu hơn “Không – Sắc”, dần dần tự tu chứng, mang lại niềm hỉ lạc cho chính tâm hồn mình và sự yêu thương cho đồng loại. Sắc là thế giới hiện hữu của các hình tướng - thế giới Tục đế của các pháp, bao gồm cả các pháp

hữu tình và vô tình. Mở rộng ra nếu “Sắc” là vạn pháp, thì “Không”, hiểu một cách rốt ráo, Không không có nghĩa là khác với Sắc, lại cũng không có nghĩa là rỗng tuếch, trống vắng. “Không là bản tính siêu việt và hóa giải mọi cực đoan, định kiến về chân lí công ước và chân lí tuyệt đối”, tức là nó là thế giới bản thể chân thật sống động của Sắc.

Đối với phái Tào Động ở miền Bắc thì mối quan hệ biện chứng Sắc-Không là điều vô cùng quan trọng. Tổ Thủy Nguyệt có trao truyền cho Tổ Tông Diễn bài kệ:

“Không có pháp nào sinh Không có pháp nào diệt, Sen nở trên lưỡi người, Chuyện tương truyền ta biết(3).

Thông qua bài kệ của Tổ Thủy Nguyệt cho thấy, “Không có pháp nào sinh, không có pháp nào diệt” nhấn mạnh tới tính Không và Vô ngã, ở đây cũng mang ý nghĩa của Thiền Tứ Niệm Xứ của Phật giáo Nguyên thủy. Nhưng rõ ràng vẫn có Sắc “Sen nở trên lưỡi người - Chuyện tương truyền ta biết” đó là sự nhấn mạnh tới cách thức tu Thiền của phái Tào Động, sự trở về với Chân Như tự tính dù chỉ là sự im lặng nhưng tư duy luôn quán chiếu vẫn đưa con người đạt đến được sự giác ngộ.

Như vậy, dưới cái nhìn của Phật giáo Nguyên thủy thì Tam Pháp ấn “Vô thường, Khổ, Vô ngã” là những “chất liệu” chính để giúp hành giả vượt thoát ra khỏi sinh tử mà đạt đến sắc cứu cánh thanh tịnh Niết Bàn. Hành giả dùng “Tính Không quán” để quán chiếu thế gian Vô thường, tứ đại Khổ, Không và ngũ uẩn Vô ngã (ngũ uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức của Đại thừa và cũng chính là Thân, Thọ, Tâm, Pháp của Tiểu thừa) nên thế gian vạn pháp dưới sự thiền quán của hành giả không có gì thường hằng để tham luyến, si mê, chấp thủ, ngay cả tấm thân tứ đại cũng chỉ do duyên sinh mà hiện hữu. Do đó cái “Không” vạn pháp không tồn tại, trường cửu, lại biến chuyển trong vô thường nên họ chứng được pháp Không. Nói cách khác, đối với sự vật hiện tượng của thế giới Hữu vi như trời trăng đáy nước, sương đậu trên hoa, không có gì thoát khỏi luật biến hoại vô thường nên tất cả vạn pháp trong Pháp Nhãn của thiền giả đều có tự tính Không dẫn đến Tuệ giác Không. Vì vậy “Ngã - Không” ở đây chính là nhất thiết pháp Vô ngã. Khi đạt được chân lý Vô ngã, Không thì các vị chứng được quả vị Bồ tát, A La Hán và Niết Bàn. Sắc thân, cảnh vật, cảm xúc, nhận thức, suy tư và phân biệt chỉ có trong một giai đoạn nào đó của hợp duyên qua lộ trình nhân quả Sinh – Trụ - Di – Diệt mà thôi đó chính là không thực Ngã, không thực tính.

Như quan niệm về Thiền Tuệ của Phật giáo về danh pháp, sắc pháp chỉ là pháp vô thường, trạng thái của vô thường và danh pháp chỉ là danh pháp, sắc pháp chỉ là sắc pháp, danh pháp là một, sắc pháp là một, suy ra tất cả mọi danh pháp, sắc pháp cả trong tam giới đều Vô ngã, khi biết được Thiền tuệ thì nhận ra danh pháp, sắc pháp đều biến đổi không ngừng, sinh diệt liên tục nên nó cũng là Vô thường của danh pháp, sắc pháp. Bất kỳ sự chứng ngộ nào về Danh pháp, Sắc pháp đều Vô ngã, Vô thường đều đi đến Niết Bàn. Đây là tư tưởng của Phật giáo về Thiền Tuệ, Tào Động cũng tương tự và có tư tưởng rất đúng đắn về Thiền Phật giáo.

Cần nhấn mạnh thêm rằng, ứng dụng tính Không, các Tổ Tào Động đã đem vào triết thuyết của mình các diệu dụng của Không ở tinh thần dung thông, vừa phân biệt các pháp vừa siêu việt sự phân biệt đó. Đó là cái vạn pháp giai Không trong tương quan của Thẳng và Nghiêng dưới cái nhìn quán chiếu của pháp tu Đại thừa. Hơn thế bằng sự dễ dàng vứt bỏ đi mọi kinh nghiệm và lí luận, phương pháp của tổ Tào Động giúp hành giả thâm nhập vào vẻ đẹp của sự sống thực tại hiện tiền không phán xét, không tư duy, không phân biệt. Và sống như một người nghệ sĩ cho từng công án sự sống nhiệm màu của chính mình, điều phục Tâm Không đạt đến tự do tuyệt đối. Trên đỉnh cao của tâm thức là sự từ bỏ ngay cả mọi suy tư quán chiếu về thân phận con người và thế giới khách quan. Nhận thức xưa nay về con người qua cái nhìn tổng thể, như một tổng hợp của "ngũ uẩn" (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Sắc như thế giới ngoại tại và tự thân con người bao gồm đất, nước, gió, lửa, không; còn thọ, tưởng, hành, thức như tính linh sinh động gồm buồn vui, tư tưởng, sự vận hành tâm tư và nhận thức. Khi còn nhận thức trong thế giới đối đãi Có - Không, Sinh - Diệt, Dơ - Sạch, Tăng - Giảm... là còn sống trong khổ đau muôn màu. Đây cũng chính là tư tưởng cơ bản được Tổ Tào Động tiếp nối từ Tổ Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư và được truyền tới hai Thiền sư Việt Nam là Tổ Thủy Nguyệt Thông Giác và Tổ Tông Diễn Chân Dung.

Sau này Thiền sư Giác Đạo – Minh Chánh (sa môn Thanh Đàm – Huyền Quang) – phái thiền Tào Động, đời 42, khi sư Thanh Đàm gặp Hòa thượng Thanh Lãng, quỳ gối, chắp tay bạch rằng: “Tâm không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở giữa, vậy rốt ráo tâm ở chỗ nào?” – một tư tưởng của Bát Nhã – không trong không ngoài, không trên không dưới. Hòa thượng cho bài kệ:

“Tùy thời ứng dụng Gặp vật thấy cơ Tính vốn như như Nào ngại trong ngoài.” (4)

Ở đây, bài kệ muốn nói hãy tu rồi sẽ hiểu “tùy thời ứng dụng” Tâm có thể ở mọi nơi, có thể ở mỗi trong ta, đừng nên chấp vào cái gì cả, tùy vào sự ngộ đạo mà tu sĩ sẽ hiểu được. Có thể hiểu theo cách khác, “tùy cơ ứng dụng”, có thể là những lời nguyện của chư Phật, Bồ Tát, tùy lúc ứng dụng những phương tiện độ khắp chúng sinh. Còn “gặp vật thấy cơ’ chính là sự Giác Ngộ (ngộ đạo) tức ngồi thiền và dùng ánh sáng trí tuệ Bát Nhã sẽ thấy cơ – thấy được Phật quả, nên hãy siêng năng tu hành thiền định, như đức Phật Thích Ca có nói: Ta là Phật đã thành, chúng sinh (các ngươi) là Phật sẽ thành. Mang âm hưởng của Phật giáo Đại thừa khi dùng những lời nguyện và bằng phương tiện độ Từ bi hỷ xả được thể hiện trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa “Tính vốn như như” chỉ cái Phật tính ở khắp mọi nơi vốn dĩ đã như vậy, vĩnh hằng, đâu cần biết nó trong ngoài hay trên dưới, các chúng sinh đều sẽ thành Phật.

Cũng cần nói thêm, năm Canh Ngọ (1810), sư Thanh Đàm đăng đàn thọ giới Cụ túc, từng gõ cửa Tổ sư để được kiến tính. Tổ sư lại mật ấn cho bài kệ:

Chân mày phóng quang đâu phải Phật Gót chân mây phủ chớ bảo Tiên Hãy nên nuôi dưỡng trâu cường tráng Hôm sớm quen cày đám ruộng mình.(5)

Tính logic, biện chứng thể hiện rất rõ ở chỗ: chớ nhận lầm sự sai biệt những sự ảo ảnh là Phật, Tiên, hãy siêng năng trau dồi kinh sách, trau dồi bản thân, tinh tấn tu tập “nuôi dưỡng thân trâu cường tráng” vừa thể hiện tư tưởng tu tập Tịnh Độ vừa là Thiền – Mật kết hợp rất sâu sắc. Nó thể hiện được tư tưởng, triết lý logic, biện chứng của Tào Động miền Bắc, khi nêu ra Phật tính ở khắp mọi nơi, và vốn là vĩnh hằng, “tính vốn như như”, đừng nên lầm khi tưởng ta là Phật, phải siêng năng tu hành như Phật mới là Phật, mới tránh được sai lầm.

Rõ ràng, tính biện chứng của Tào Động tông rất thịnh hành ở miền Bắc do Tổ Thủy Nguyệt, Tổ Tông Diễn truyền bá vào cuối thế kỷ XVII. Hiện nay, ngoài những chùa như Hòe Nhai, Hàm Long, Trấn Quốc,… thuộc phái Tào Động thì phải kể đến một số ngôi chùa khác cũng có thể ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng của Tào Động như chùa Đậu (Hà Nội), chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), chùa Bích Động (Ninh Bình),...

Và như vậy, tư tưởng của phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam có nguồn gốc Phái Tào Động Trung Quốc, nên mang những dấu ấn mạnh mẽ của tông phái: Triết lý Ngũ vị thiền, Công án thiền, sự hỗn dung của Nho, Phật, Lão thể hiện trong những tư tưởng biện chứng logic đó là biện chứng của triết học Phật giáo. Nhưng lại có dấu ấn riêng của Tào Động miền Bắc Việt Nam.

Để khái quát lại những tư tưởng biện chứng, logic của phái Tào Động miền Bắc Việt Nam, ta sẽ tóm tắt lại bảng dưới đây:

Như vậy, những tư tưởng biện chứng của phái Tào Động mang màu sắc triết học Phật giáo, đều có cơ sở tư tưởng, kinh sách và phương pháp tu hành của Phật giáo. Cả Tào Động Trung Quốc lẫn Tào Động miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi sẽ rút ra nhận định tập trung ở phần kết luận dưới đây.

3. Tạm kết

Tư tưởng biện chứng của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc tập trung bàn luận về phạm trù Sắc – Không, Hữu – Vô theo nguyên lý của Ngũ vị và tư tưởng Bát Nhã Đại Thừa, cho thấy những tư tưởng trọng yếu về mối quan hệ biện chứng giữa Lý và Khí hay giữa Thẳng và Nghiêng là nguyên lý vận động của nhân sinh vừa biện chứng vừa logic với nhau. Tào Động miền Bắc với những tư tưởng biện chứng – logic vừa mang tính nhân sinh sâu sắc vừa thể hiện biện chứng của Phật giáo nói chung nhất là bàn về Vô Ngã. Vì là Thiền phái mang tư tưởng nhập thế nên đã có sự dung hợp của Nho, Phật, Lão với tín ngưỡng bản địa, cùng phương pháp Tịnh – Thiền – Mật của Phật giáo. Tuy có những hạn chế nhất định về tư tưởng, phương pháp tu hành những đối với Tào Động thì sự thiền định để trở về với Chân Như phải theo nguyên tắc và chu trình tự tính của nó mới giữ được Tâm và chống lại đối cảnh để đạt được sự giác ngộ chân tâm bản tính. Đây chính là những đóng góp quan trọng của thiền phái Tào động đối với Phật giáo Việt Nam Đàng Ngoài, đồng thời cũng là những đóng góp đáng chú ý của Thiền phái Tào động cho Phật giáo Việt Nam kể từ thế kỉ XVII đến sau này. Tuy rằng, hiện nay Tào Động chỉ còn trên hình thức khi những phương pháp đã bị mất dần, nên sử dụng Tịnh Độ là phương pháp tu hành, truyền bá Phật pháp thay thế. Và có thể thấy rằng:

Thứ nhất, Tào Động miền Bắc chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của Tào Động Trung Quốc, nên những tư tưởng biện chứng – logic về Ngũ Vị thiền, về các Công án ngộ đạo được hiểu như nhau, trong sự hòa lẫn muôn màu, muôn vẻ nhưng là một thể ấy,ta tìm được vị riêng của miền Bắc do đặc trưng điều kiện đất nước bấy giờ, do phong tục, tập quán, tín ngưỡng – văn hóa – xã hội bản địa nên thể hiện một nét riêng rất phù hợp.

Thứ hai, hầu hết các hành giả – thiền sư Tào Động lúc bấy giờ đều là các nhà Nho, Đạo tu Phật nên có sự hỗn dung tư tưởng Nho, Phật, Lão và tín ngưỡng bản địa tạo nên những triết lý môn phái riêng nhưng vẫn mang đậm màu sắc Phật giáo nói chung Điều này cũng thấy được ở những môn phái đương thời, tương tự là Lâm Tế. Tào Động miền Bắc không tránh khỏi quy luật đó.

Thứ ba, phái Tào Động với những tư tưởng biện chứng sâu sắc của Phật giáo, với những công án mang tính chất đốn ngộ - tính biện chứng, logic thể hiện rất nhiều ở trong các công án của Tào Động miền Bắc, ngoài ra còn thể hiện ở trong các bài kệ của các vị Tổ sư của họ, vửa mang tính chất truyền thừa, vừa thể hiện triết lý về Phật giáo ở trong đó.

Thứ tư, Thiền phái Tào Động có những ưu và nhược điểm nhất định về phương pháp tu hành, tính ưu việt vì dựa vào Bát Nhã, kinh sách, công án, nhưng đó cũng là nhược điểm vì không đưa ra một phương pháp hợp lý nhất để phù hợp với mỗi tính cách, biệt nghiệp,.. của từng tu sĩ mà lại theo sự truyền thừa qua các công án và bài kệ - mang tính khuôn mẫu có thể làm mất đi tính năng động, phù hợp trong tu hành.

Thứ năm, Tào Động ở miền Bắc là một thiền phái mang tư tưởng nhập thế để phù hợp với đất nước thời bấy giờ, lối tu kết hợp Tịnh – Thiền – Mật và Nho, Phật, Lão cùng tín ngưỡng bản địa.

Và như vậy, Thiền Tào Động ở miền Bắc Việt Nam hiện nay chỉ mang hình thức, còn thực chất đã mang tư tưởng Tịnh Độ để hoằng pháp, tạo thành thế Thiền, Tịnh, Mật đồng tu như hầu hết bao nhiêu phái và chùa khác trong phần lớn các ngôi chùa miền Bắc Việt Nam hiện nay.

Hà Nội, ngày 7 tháng 6 năm 2020.

(tiếp theo kỳ 1, Tạp chí NCPH số 163 và hết) Tác giả: ThS. Hoàng Văn Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2020 ------------------

CHÚ THÍCH: (1) Sa môn Như Sơn (2015), Thiền uyển kế đăng lục, Nxb. Hồng Đức, Tr.217. (2) Nguyễn Lang (2000), Tlđd, Tr. 612 - 613. (3) Nguyễn Lang (2000), Tlđd, Tr. 613. (4) Nguyễn Hiền Đức (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tập 1, Tr. 478 (5) Nguyễn Hiền Đức (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tập 1, Tr. 482.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Duy Bột, Nguyễn Phương (1963), Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại Học Huế dịch và xuất bản. 2. Thượng Tọa Thích Minh Châu (chủ biên) (1974), Tư tưởng số 1, Trước thềm đại học, Nxb. Đại học Vạn Hạnh. 3. Nguyễn Hiền Đức (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tập 1, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Nguyên Giác Phan Tấn Hải (2001), Vài chú giải về thiền Đốn ngộ, Nxb. Thiện Tri Thức, 5. Chùa Hòe Nhai, Sách khóa cúng của chính tông Tào Động, Lưu hành nội bộ. 6. Phạm Kim Khánh (1998), Đức Phật và Phật pháp việt dịch, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 7. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận 1,2,3, Nxb. Văn học, Hà Nội. 8. Nhà xuất bản Văn học (1976), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ X-XVII, Nxb.Văn Học, Hà Nội 9. Hồng Như (2002), Tinh túy Bát nhã tâm kinh, chuyển Việt ngữ, Thupten Jinpa,Montreal. 10. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Hải Phòng (2005), Phật học căn bản, tập III, Lưu hành nội bộ. 11. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1995), Danh tăng Việt Nam tập 1,2, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh in ấn và phát hành. 12. Sa môn Như Sơn (2015), Thiền uyển kế đăng lục, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 13. Nguyễn Minh Tiến (2005), Lược sử Phật giáo (song ngữ Anh – Việt), Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh. 14. Nguyễn Minh Tiến (2006), Thiếu Thất lục môn, Yếu chỉ thiền Đạt Ma, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 15. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, lưu hành nội bộ tại trang nhà http://www.quangduc.com/vietnam/ index.html. 16. Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tổng hợp, Hà Nội. 17. Mật Thể (1942), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Đà Nẵng. 18. Đạo tràng hoasentrenda: hoasentrenda.org 19. Thiền Phái Tào Động tới nước Việt, http://traitimtubi.com/index.php Tổ Thủy Nguyệt - Đệ nhất Tổ sư thiền phái Tào Động Việt Nam, truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2015 20. Gia phong của năm phái Thiền, http://www.tosuthien.com/kinh-sach/coi-nguon-truyen-thua-va-thien-that-khai-thi-luc/coi- nguon-truyen-thua/gia-phong-cua-nam-phai-thien cập nhật ngày 27 tháng 11 năm 2015 21. http://kyluc.com.vn/Hoa-thuong-Thuy-Nguyet-De-nhat-To-su-thien-phai-Tao-Dong-Viet-Nam_kyluc_D1983.htm . 22.http://www.sangdaotrongdoi.vn/vai-net-ve-thien-phai-tao-dong-trong-lich-su-phat-giao-viet-nam-a-192.aspx 23. Lịch sử truyền thừa Thiền phái Tào Động Nam Định thuộc Tổ Đình Chùa Thọ Vực, ngày 18/11/2017, truy cập website: http:// chuathovuc.vn/ ngày 4/10/2019. 24. Tham khảo chuyên gia, đạo sư Thiền tông.