Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tìm hiểu ý nghĩa câu đối chùa Cam Lộ, Quảng Trị

Tìm hiểu ý nghĩa câu đối chùa Cam Lộ, Quảng Trị

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nhật Mỹ
Học viên Cao học tại Học viện PGVN tại Huế
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

Dẫn nhập

Trong xu thế xã hội đang ngày càng phát triển vượt bậc, cơn lốc khoa học kỹ thuật và nhu cầu vật chất ngày càng cao khiến con người bận rộn hơn, dần dần, họ đánh mất đi nhu cầu văn hóa tinh thần của mình. Hiểu rõ và đáp ứng được nhu cầu đó, chùa trở thành nơi lý tưởng để mọi người dừng lại, quay về với lối sống an nhàn, thảnh thơi sau những phút quay cuồng trong guồng nhịp mưu sinh. “Cửa từ bi” hay “cửa không”, “cửa thiền” từ lâu đã là nơi che chở cho “hồn dân tộc”. Đó chính là tinh thần hòa nhập vào cuộc đời, cứu khổ cho những “con người” bất hạnh. Chính những điều trên mà các tổ đình, tịnh thất, niệm Phật đường, thảo am,… được thiết lập và đây chính là nơi rèn luyện thân, nuôi dưỡng tâm cho những người xuất giavà các thiện nam, tín nữ phật tử. Tín đồ đến chùa không chỉ để chiêm ngưỡng, bái lạy, cầu nguyện, mà còn để học tập, rèn giũa văn hóa ứng xử. Trong số đó, cũng không ít những người muốn tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu, mang đầy tính triết lý đằng sau các câu đối tại chùa mà các bậc cổ nhân đã gầy dựng nên. Thông qua đó, đi sâu tìm hiểu văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo hiện hữu song hành qua các thời đại thịnh suy.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 Tim hieu cau doi chua Cam Lo Quang Tri 1

1. Lịch sử hình thành và phát triển câu đối

1.1. Lịch sử hình thành và phát triển

Câu đối là một hình thức văn học bắt nguồn từ Trung Quốc được người Trung Quốc gọi là Đào Phù [16] là những hình vẽ hoặc những câu bùa chú dùng để trấn át ma quỷ. Về sau nó phát triển từ hình thức mang tín ngưỡng mê tín thành một loại hình văn hóa thuần phong mỹ tục, tao nhã. Từ đó, câu đối trở nên phổ biến vì trên đó viết lên những lời ca tụng, chúc phúc nhau vào những dịp Tết. Và câu đối hình thành tại Việt Nam vào thế kỷ thứ VI, hình thành rõ nét nhất vào đời Trần, phát triển mạnh vào thời Lê.

1.2. Cách thức thực hiện câu đối

Theo định nghĩa của tác giả Trần Bích San [2], câu đối là hai câu văn đi song đôi với nhau cân xứng về ý, chữ và luật bằng trắc. Vế câu đối gọi là đôi liễn, từ liễn là do đọc trại từ chữ liên. Đối liễn là hai bức dài làm bằng giấy bồi hoặc lụa, mỗi bức viết một vế của câu đối.

Vế câu đối không giới hạn số chữ, gồm có ba thể chính là Tiểu đối, Câu đối thơ và Câu đối phú. Thể Tiểu đối là câu đối có 4 chữ hoặc ít hơn, vần chữ cuối vế trên phải đối với vần vế dưới theo luật bằng trắc. Thể câu đối thơ thì làm theo thể thơ ngữ ngôn hoặc thất ngôn, và quy luật bằng trắc của câu đối cũng phải theo quy luật thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn đường luật. Còn thể Câu đối phú gồm có 3 loại: Song Quan (câu đối có từ 6 đến 9 chữ), Cách Cú (mỗi vế chia làm hai đoạn, đoạn trước ngắn, đoạn sau dài hoặc ngược lại) và Gối Hạc (mỗi vế có 3 đoạn trở lên), chữ cuối hai vế phải theo luật bằng trắc, chữ cuối vế trên là vần bằng thì chữ cuối vế dưới phải vần trắc và ngược lại. Số chữ của câu đối tùy thuộc vào dụng ý của tác giả nên có thể linh hoạt tùy ngữ cảnh.

2. Khái quát về chùa Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

2.1. Vị trí địa lý

Huyện Cam Lộ là một huyện ở phía tây bắc tỉnh Quảng Trị. phía đông giáp thành phố Đông Hà, phía tây giáp huyện [Dakrong], phía nam giáp huyện Triệu Phong, phía bắc giáp huyện Gio Linh. Có sông Cam Lộ (sông Hiếu) chảy qua. Cam Lộ là địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi ngang qua: Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, Đường 9, tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, đường xuyên Á từ Lào về cảng Cửa Việt.

Chùa Cam Lộ toạ lạc ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Cách thành phố Đông Hà 10km, giáp đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua Cam Lộ, bên dòng sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị, ngôi chùa Cam Lộ uy nghiêm hùng vĩ với kiến trúc hài hòa, trầm mặc trên vùng đất đã từng gánh chịu nhiều khốc liệt của chiến tranh. Chốn thiền tâm linh này đã trở thành nơi viếng thăm quen thuộc của hàng ngàn phật tử cùng nhân dân trong và ngoài tỉnh Quảng Trị.

2.2. Lịch sử hình thành và phát triển

Chùa và Chi hội Phật học Cam Lộ được thành lập vào năm 1942, do cụ Thái Đình Châu làm Chi hội trưởng. Những ngày đầu, niệm Phật đường đặt tạm tại nhà ông Trần Văn Ba ở xóm Đông Định. Chi hội đã tổ chức trang nghiêm buổi lễ ra mắt Ban đại diện dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đôn Hậu, trụ trì chùa Thiên Mụ, Huế. Năm 1951, niệm Phật đường dời về nhà ông Lê Văn Đĩnh ở xóm Thượng Viên. Đến năm 1952, Chi hội tạo dựng được ngôi chùa riêng mang tên chùa Cam Lộ.

Đầu năm 1961, chùa được khởi công xây dựng dưới sự chứng minh của Đại đức Thích Đức Minh, Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Trị. Ngày 08/02/1971, chùa khánh thành với nhiều hoạt động phật sự đã đi vào nền nếp. Năm 1972, chùa hư hỏng trong chiến tranh. Từ năm 1975 đến năm 2001, chùa được sửa chữa tạm để phật tử có nơi lễ bái. Tháng 6 năm 2001, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thiện Tấn đảm nhiệm trụ trì. Thượng tọa đã lập quy hoạch xây dựng, vận động đại trùng kiến ngôi chùa từ ngày 19/9/2002, khánh thành ngày 14/7/2006.

Qua thời gian đảm nhiệm công việc trụ trì của ngôi già lam, Hoà thượng Thích Thiện Tấn nhận thấy tín đồ phật tử mỗi lúc đến sinh hoạt càng đông, khuôn viên hành lễ còn nhỏ không đủ không gian để hành trì tu tập cho tín đồ phật tử. Năm 2018, chùa tiếp tục trùng tu, mở rộng thành ngôi đại tự uy nghiêm, tráng lệ. Qua thời gian hai năm đại trùng tu hoàn thành, được sự cho phép của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị, các cơ quan ban ngành địa phương, ngày 09/12/2020 chùa Cam Lộ tổ chức lễ Khánh thành đại trùng tu, bổ nhiệm Đại đức Thích Viên Thành làm trụ trì. Hoà thượng Thích Thiện Tấn làm Viện chủ chùa Cam Lộ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 Tim hieu cau doi chua Cam Lo Quang Tri 2

3. Câu đối tại chùa Cam Lộ

Từ xa xưa, sáng tác thi, phú, đối, liễn đã trở thành thú vui tao nhã, trí thức của người xưa. Đối, liễn được xem là một trong những nét đặc trưng tiêu biểu tại các chùa, niệm Phật đường… Câu đối thường có hai vế: Xuất đối và Phúc đối; các vế đối nhau theo luật bằng trắc, đúng niêm luật. Tuy nhiên không bắt buộc thành vần, số lượng chữ mà tùy theo suy nghĩ của tác giả. Tại chùa Cam lộ các câu đối, bức hoành được bố trí như sau:

3.1. Câu đối cổng tam quan

Mặt trước cổng Tam quan có 4 cặp câu đối bằng chữ Hán và mặt sau cổng được phiên âm thành Hán Việt.

*Hai câu đối ở cổng chính 1-2 trên cổng có ghi:

甘露寺“Cam Lộ Tự”:

Chữ Hán:

1. 梵宇輝煌四眾同修依妙法而登寶所
2. 甘露門開萬類有情仗勝緣早歸覺路

Phiên âm:

1. Phạm vũ huy hoàng tứ chúng đồng tu y diệu pháp nhi đăng Bảo sở
2. Cam Lộ môn khai vạn loại hữu tình trượng thắng duyên tảo qui giác lộ.

Dịch nghĩa:

1. Chùa chiền rực rỡ bốn chúng cùng tu nương pháp mầu mà lên Bảo sở
2. Cửa Cam lồ mở muôn loài hữu tình nhờ duyên tốt sớm về đường giác.

Cặp đối này thuộc câu đối phú. Mỗi vế có ba đoạn. Còn gọi là “Gối Hạc” hay “Hạc Tất” [14]. Về hình thức, câu đối rất cân, chỉnh, theo đúng quy luật bằng trắc; chẳng hạn, chữ của vế trên “sở” vần trắc thì chữ cuối của đậu câu [14] “tu” vần bằng; chữ cuối của vế dưới “lộ” vần trắc thì chữ cuối của đậu câu vần bằng. Câu đối được đặt chính giữa cổng chùa Cam Lộ là muốn chuyển tải ý nghĩa vào cửa Phật là muốn tỏ tường nguồn chân, việc duy nhất là tìm cầu chân lý “y diệu pháp nhi đăng Bảo sở” và “trượng thắng duyên tảo qui giác lộ”. Muốn lên Bảo sở, sớm về nẻo giác đều phải nhờ duyên lành, phải nương diệu pháp làm thuyền bè và cánh cửa chùa Cam Lộ huy hoàng đã mở ra cho tất cả “vạn chúng đồng tu”, “vạn loại hữu tình”.

*Hai câu đối cổng bên phải (nhìn từ ngoài vào) 3-4 trên cổng có ghi:

門若般 “Bát Nhã Môn” Chữ Hán:

3. 出世家斷世緣棄世事去除夙緣業障
4. 入佛 地 修 佛教 行 佛行 熏修善 因 梵行

Phiên âm:

3. Xuất thế gia, đoạn thế duyên, khí thế sự khử trừ túc duyên nghiệp chướng
4. Nhập Phật địa, tu Phật giáo, hành Phật hạnh huân tu thiện nhân phạm hạnh.

Dịch nghĩa:

3. Ra nhà đời, bỏ duyên đời, vứt chuyện đời trừ khử nghiệp chướng duyên xưa
4. Vào đất Phật, tu theo Phật, làm việc Phật thấm nhuần nhân lành phạm hạnh.

Ở đây cũng một câu đối phú khác, chữ dùng trong câu đối này cũng khá chỉnh, đối nhau bằng từ loại, động từ “xuất” của vế trên đối với động từ “nhập” ở vế dưới; danh từ “thế gia” đối với “Phật địa”. Vế trên hai chữ “gia, duyên” gieo vần bằng và “chướng” ở vế sau gieo vần trắc. Tương tự vế dưới cũng như vậy. Ý nghĩa của “xuất thế gia, đoạn thế duyên, khí thế sự” là chỉ người xuất gia thì phải ra khỏi nhà thế tục, dứt sạch thế duyên, mọi thế sự đều gác lại. Với mục đích “khử trừ túc duyên nghiệp chướng”, phải phá được tường rào của thế sự mới mong vào sâu được chân trời Phật pháp và vế dưới “nhập Phật địa, tu Phật giáo, hành Phật hạnh”. Người đã có chí nguyện xuất trần theo gót chân Phật, vào cảnh giới Phật thì “huýnh thoát trần thế, ký kỳ xuất ly” [10], lấy phạm hạnh làm lẽ sống. Thân và tâm phải sống trọn vẹn trong ngôi nhà Tam bảo, thân cận và gần gũi với chính pháp. Mục đích chính của người tu Phật là “siêng làm việc đáng làm [11], tức từng giây từng phút hộ trì các căn để đạt được thiền định giải thoát chứ không có việc thứ hai để làm. Hai câu đối này được khắc ở cổng phía hữu của chùa trên có ghi “Bát Nhã Môn”, ý muốn nói người có trí luôn luôn ở yên trong an lạc của Niết Bàn, trong thanh tịnh không lầm mê của sinh tử luân hồi.

*Hai câu đối ở cổng bên trái (nhìn từ ngoài vào) 5-6 trên cổng có ghi:

門脫解 “Giải Thoát Môn” Chữ Hán:

5. 佛號法音晝夜宣揚護法天龍常擁護
6. 鐘聲鼓響朝暮和鳴人間天上喜歡聞

Phiên âm:

5. Phật hiệu, pháp âm trú dạ tuyên dương hộ pháp thiên long thường ủng hộ
6. Chung thanh, cổ hưởng triêu mộ hoà minh nhân gian thiên thượng hỷ hoan văn

Dịch nghĩa:

5. Hiệu Phật, lời pháp ngày đêm vang vọng hộ pháp, trời, rồng luôn ủng hộ
6. Chuông ngân, trống vọng sáng chiều âm vang nhân gian trên trời đều thích nghe.

Nếu cổng “Bát Nhã môn” khuyên người cắt đứt thế duyên, một lòng tu đạo thì cổng “Giải Thoát môn” phía bên trái chùa Cam Lộ khắc lên hai câu đối như hai bản nhạc giao hưởng, là thanh âm của sự giải thoát. “Phật hiệu pháp âm trú dạ tuyên dương”, “Chung thanh cổ hưởng triêu mộ hoà minh”, chốn thiền môn xứ Quảng Trị này ngày đêm thường xiển dương giáo lý của Phật đà. Tiếng chuông tiếng trống sớm chiều ngân vang hòa quyện với pháp âm giải thoát khiến người trời đều hoan hỷ, chúng thiên long đến giữ gìn, hộ trì.

*Cặp đối 2 trụ biên (nhìn từ ngoài vào) 7-8: Chữ Hán:

7. 山門清淨一塵不染菩提地
8. 海眾安和百姓康寧心自在

Phiên âm:

7. Sơn môn thanh tịnh, nhất trần bất nhiễm bồ đề địa
8. Hải chúng an hoà, bách tính khương ninh tâm tự tại.

Dịch nghĩa:

7. Cửa chùa thanh tịnh, chút bụi không nhơ đất bồ đề
8. Tăng chúng yên ổn, nhân dân an khang tâm tự tại

Đến với câu đối 7-8, đây là câu đối tập cú [14, 11], tức lấy câu có sẵn trong sách để làm câu đối. Vế dưới “hải chúng an hòa” đối với vế trên “sơn môn thanh tịnh” dùng câu chữ trong kinh sách [13] để đối lại câu chữ trong kinh sách. Ngoài ra, câu đối còn dùng “bách” ở vế dưới để đối với “nhất” ở vế trên. “Nhất trần bất nhiễm bồ đề địa” ở vế trên có nghĩa chốn bồ-đề mảy trần không dính. Như Lục Tổ Huệ Năng có bài kệ: “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai” [4] (xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi dơ). Bản tâm vốn thanh tịnh, sáng suốt, không ô nhiễm. Chúng ta cũng vậy, luôn an trú trong chỗ thanh tịnh, vắng lặng đó mà không hề hay biết. Chỉ cần tâm yên trí sáng thì bồ đề liền hiển lộ. Vế dưới, “bách tính khương ninh tâm tự tại” (tâm tự tại, rỗng rang nhân dân trăm họ được an lạc) phải luôn luôn để tâm rỗng mới thấu suốt được mọi việc, tâm tự tại mà không lao theo sự vật, không bị vọng tình khuấy nhiễu, luôn trụ vững nơi tâm tự tại của chính mình thì không có gì lay động đó mới là chỗ yên ổn vậy.

3.2. Câu đối Tiền đường chính điện và tổ đường

Những cặp đối trong tiền đường Chùa Cam Lộ

Cặp đối 1-2 Chữ Hán:

1. 離四句絕百非自此忘言真 有道
2. 旋六根淨三業只於鳥念 證無生

Phiên âm:

1. Li tứ cú tuyệt bách phi tự thử vong ngôn chân hữu đạo
2. Toàn lục căn tịnh tam nghiệp chỉ ư điểu niệm chứng vô sinh

Dịch nghĩa:

1. Xa rời tứ cú cắt đứt trăm điều sai trái tự quên đi ngôn ngữ đó mà có con đường chân chính
2. Trở lại sáu căn tẩy sạch ba nghiệp dừng lại nơi ý niệm đó mà chứng quả vô sinh.

Bước vào chính điện ngôi phạm vũ Cam Lộ, chúng ta sẽ bắt gặp cặp đối chuyển tải ý nghĩa vượt thoát. Câu chữ “tự thử vong ngôn chân hữu đạo” hay “chỉ ư điểu niệm chứng vô sinh” là cảnh giới cao của Phật. Ngôn ngữ là thứ dùng để diễn đạt kiến thức nhưng kiến thức lại là chỗ được ý thức nhào nặn bóp méo. Sở tri chướng được ví như “cây gậy giúp ích khi đi nhưng cản trở khi bay” [6]. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật cũng từng khẳng định: “Trong bốn mươi chín năm ta chưa hề nói một lời nào” [5] hay “Ta từ đêm được Chính giác tối thượng cho đến đêm nhập Niết bàn, trong khoảng thời gian ấy, chưa hề thuyết một chữ nào, cũng chưa từng đã thuyết hay sẽ thuyết. Không thuyết mới là Phật thuyết” [7]. Bặt dứt ngôn ngữ mới là người thấy tính và dừng lại ngay ý niệm hiện tiền rõ biết thì liền chứng quả vô sinh. Chừng nào còn ngôn ngữ thì chừng đó con người chưa thể cập bến giác.

Cặp đối 3-4 Chữ Hán:

3. 入解脫門設斷貪嗔癡慢有漏業
4. 證三寶地常行慈悲喜捨無量心

Phiên âm:

3. Nhập giải thoát môn thiết đoạn tham sân si mạn hữu lậu nghiệp
4. Chứng tam bảo địa thường hành từ bi hỉ xả vô lượng tâm

Dịch nghĩa:

3. Vào cửa Giải thoát cắt đứt nghiệp hữu lậu tham – sân – si – mạn
4. Lên đất Tam bảo thực hành tâm vô lượng từ – bi – hỉ – xả

Một khi hành giả “nhập giải thoát môn”, bước đến cửa ngõ giải thoát thì dĩ nhiên mọi lậu hoặc dứt trừ và nghiệp chướng tự không; vì cửa giải thoát thì làm gì có ngã và có pháp để so sánh phân biệt, ngã không và pháp không là cảnh giới vô ngã của Phật đạo. Vế dưới “chứng tam bảo địa” mang ý nghĩa: một khi vào được nhà Như Lai, tâm tràn ngập khắp mười phương pháp giới, tình yêu thương cũng tràn ngập khắp thế gian này. Khi tâm không còn vướng một chỗ thì tâm này phủ khắp tất cả chúng sinh, đây mới thật là bi tâm đúng nghĩa trong đạo Phật.

Cặp đối 5-6-7-8 Chữ Hán:

5. 盡捨貪嗔癡當此土而為淨土
6. 圓修戒定 慧 即 凡心 他作聖心
7. 佛不離心動靜隨綠消舊業
8. 志存大道去來無磑悟單機

Phiên âm:

5. Tận xả tham sân si đương thử độ nhi vi tịnh độ
6. Viên tu giới định tuệ tức phàm tâm tha tác thánh tâm
7. Phật bất ly tâm động tĩnh tùy duyên tiêu cựu nghiệp
8. Chí tồn đại đạo khứ lai vô ngại ngộ đơn cơ

Dịch nghĩa:

5. Bỏ hết Tham Sân Si nơi cõi này, ta làm nên cõi tịnh
6. Tu đầy Giới Định Tuệ ngay tâm phàm, ta làm thành thánh tâm
7. Phật chẳng rời tâm, động tĩnh tùy duyên tiêu nghiệp cũ.
8. Chí gìn đạo lớn, xưa nay vô ngại ngộ căn cơ

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 Tim hieu cau doi chua Cam Lo Quang Tri 3

Sao gọi là “Phật bất ly tâm động tĩnh tùy duyên tiêu cựu nghiệp”? Tâm ở đây là chỉ cho tâm thức phân biệt có động có tĩnh, có phải có quấy, là cái tâm nhị biên. Tâm kẻ phàm phu luôn chấp thiện bỏ ác, lấy chân bỏ ngụy nhưng cái thấy của Phật vượt ra ngoài tâm thức, tức để cho cái tâm vọng động xảy ra một cách tự nhiên mà tâm Phật không rời, chỉ rõ biết tường tận, không cần dụng công mà có thể tiêu nghiệp cũ mới là đỉnh cao của công phu vậy. “Chí tồn đại đạo khứ lai vô ngại ngộ đơn cơ”, tâm Phật luôn ở chỗ đại đạo nên tâm quá khứ, tâm hiện tại hay tâm vị lai có đến có đi cũng đều vô ngại, không chỗ trụ “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” [8], không vướng mắc vì “các pháp vốn tự ly” [5], và trong bài kệ của ngài Đạo Ngô từng dạy: “Nếu còn một niệm ngộ, in tuồng người mê cũ” [4]. Nếu còn một niệm biết mình ngộ thôi thì chưa phải là đạo, vẫn là cái ngộ của người mê cũ. Cho nên “ngộ đơn cơ” ở đây chỉ cho sự bình đẳng pháp giới toàn chân.

Cặp đối 9-10-11-12 Chữ Hán:

9. 佛身 清淨 似 琉璃 炤 耀乾坤
10. 佛面曙光如满月輝煌世界
11. 法大空門包含于四生九有
12. 德海無涯融攝於七衆三乘

Phiên âm:

9. Phật thân thanh tịnh tợ lưu li chiếu diệu càn khôn
10. Phật diện thự quang như mãn nguyệt huy hoàng thế giới
11. Pháp đại không môn bao hàm vu tứ sinh cửu hữu
12. Đức hải vô nhai dung nhiếp ư thất chúng tam thừa

Dịch nghĩa:

9. Thân Phật sạch trong giống lưu ly chói rọi đất trời
10. Mặt Phật sáng ngời như trăng tròn rực rỡ thế giới
11. Pháp rộng không cửa bàn bạc khắp bốn loài chín cõi
12. Biển đức không bờ dung chưa hết bảy chúng ba thừa.

Trong bài kệ 299 kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

“Đệ tử Gotama

Luôn luôn tự tỉnh giác Bất luận ngày hay đêm
Thường tưởng niệm Sắc thân” [11, 109].

Sắc thân của đức Phật là phúc báo được kết tụ nhiều đời nhiều kiếp “Phật thân thanh tịnh tợ lưu li chiếu diệu càn khôn” hay “Phật diện thự quang như mãn nguyệt huy hoàng thế giới”. Niệm tưởng Sắc thân này khuyên người tưởng nhớ đến kim thân Phật hay dung nhan của Ngài để thấy rõ định lực, tuệ lực của đức Phật. Trên khuôn mặt từ hòa ấy thể hiện trọn vẹn lòng từ thương yêu hết thảy chúng sinh muôn loài.

Cặp đối 13-14-15-16

Chữ Hán:

13. 四八端嚴微妙相紫磨金身
14. 八十種毫潤色身秀麗容顏
15. 為佛弟子必須頓断貪嗔痴
16. 是釋種者應當修持戒定慧

Phiên âm:

13. Tứ bát đoan nghiêm vi diệu tướng tử ma kim thân
14. Bát thập chủng hào nhuận sắc thân tú lệ dung nhan
15. Vi Phật đệ tử tất tu đốn đoạn tham sân si
16. Thị Thích chủng giả ưng đương tu trì giới định tuệ

Dịch nghĩa:

13. Ba mươi hai tướng đoan nghiêm rực rỡ thân vàng óng ánh
14. Tám mươi vẻ đẹp thấm nhuần cơ thể dung nhan rạng rỡ.
15. Là đệ tử Phật ắt phải mau đoạn tham sân si
16. Là người họ Thích nên phải tu giữ giới định tuệ.

Như vậy, mỗi một phúc tướng là sự kết tinh của công phu tu tập nhiều ngàn kiếp mới có. Đệ tử của Phật thường nhớ tưởng sắc thân, như tướng lông trắng giữa chặng mày là một trong “ba hai tướng tốt” và “tám mươi vẻ đẹp”, thể hiện trí tuệ của đức Phật vượt thoát hai bên, tức chúng ta phải làm sao để đạt được đỉnh điểm phước báo như đức Phật – phải sống lìa hai bên, đó mới đúng nghĩa ngày đêm tưởng niệm sắc thân. Câu đối 15 và 16, vế trên “vi Phật đệ tử tất tu đốn đoạn tham sân si” và vế dưới “thị Thích chủng giả ưng đương tu trì giới định tuệ” muốn nói đến là đệ tử của Phật, nghiên cứu về lịch sử đức Phật trước khi thành Phật cũng phải tu thiền để thành Phật. Đây là con đường duy nhất để vượt thoát sinh tử chứ không có con đường nào khác hơn. Nên đức Phật mới nhắc nhở: “bất luận ngày hay đêm, ý vui tu thiền quán” [11, 110], có nghĩa thiền định trở thành món ăn tinh thần cho mỗi người con Phật “thiền duyệt vi thực, pháp hỷ xung mãn” [12, 456].

Cặp đối 17-18-19-20

Chữ Hán:

17. 見真實相乃悟四大本來無主體
18. 聞解脫 心 方辨三心常在不去來
19. 六字彌陀專持能勝三千之福德
20. 一禮釋迦常作必消萬劫之冤愆

Phiên âm:

17. Kiến chân thật tướng nãi ngộ tứ đại bản lai vô chủ thể
18. Văn giải thoát tâm phương biện tam tâm thường tại bất khứ lai
19. Lục tự Di Đà chuyên trì năng thắng tam thiên chi phước đức
20. Nhất lễ Thích Ca thường tác tất tiêu vạn kiếp chi oan khiên

Dịch nghĩa:

17. Thấy rõ thật tướng mới hiểu bốn đại vốn không có chủ
18. Nghe tâm giải thoát liền rõ ba tâm là thế chẳng đến đi
19. Sáu chữ Di Đà luôn giữ có thể hơn công đức của tam thiên
20. Một lạy Thích Ca thường làm ắt sẽ tiêu oan khiên muôn kiếp

Hành giả “kiến chân thật tướng” tức đã bước ra khỏi tầng tâm thức, cảnh giới không còn thân căn ngũ uẩn. Là cái thấy viên mãn, tròn đầy trùm khắp. “Thật tướng” là hiện tượng bình đẳng tuyệt đối, vạn sự sai biệt đều không bị lầm lẫn. Cho nên, “nãi ngộ tứ đại bản lai vô chủ thể” tức ngộ được sắc thân tứ đại vốn là không, xưa nay vốn không có chủ thể, không cố định, không thường tại. Thấy được thật tướng các pháp vô ngã thì phải nhận thức thân sắc chất này theo thật tướng của nó: “Cái này không phải của tôi, đây không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi” [9]. Vạn pháp luôn ở yên vị trí của chúng, chúng tự sinh ra, tự lớn lên rồi cũng tự tắt mất. Chỉ cần chúng ta không thêm thắt, không khởi niệm thì tâm hiện tại luôn mới mẻ, tâm quá khứ cũng mới mẻ, hiện tiền và tâm vị lai cũng vậy, luôn mới luôn sống động, là cảnh giới của thiền “tam tâm thường tại bất khứ lai”.

Hai câu đối tiếp theo, pháp môn niệm Phật “lục tự Di Đà chuyên trì” “thường tưởng niệm Phật đà” [11, 109] và lễ Phật “nhất lễ Thích Ca thường tác” là điều căn bản để hành giả tiêu trừ nghiệp chướng và lớn thêm công đức. “Chuyên trì sáu chữ Di Đà” để tâm hành giả không vọng động, không phóng túng, không buông lung, rỗng lặng. Luôn tự chủ trong cái thấy nghe hay biết, đối duyên cảnh mà yên được trong chân trời giác ngộ, không lầm mê. Chỉ như vậy, hành giả mới biết quý chỗ thanh tịnh, yên ổn, an lạc của chính mình, chính chỗ phúc lạc này mới lớn thêm công đức. Lễ kính chư Phật dù chỉ nhất lễ Thích Ca cũng đủ tiêu trừ hết thảy nghiệp tập. Càng lễ Phật nhất tâm chừng nào thì chừng đó bản ngã sẽ càng mỏng dần. Một khi phá được ngã thì lấy đâu kiêu căng, ngã mạn. Ấy vậy mới nói “nhất lễ Thích Ca thường tác tất tiêu vạn kiếp chi oan khiên”.

3.3. Câu đối tháp Phổ Tịnh

Nội dung câu đối 2 trụ giữa (tính từ bên phải từ ngoài nhìn vào): 1-2

Chữ Hán:

1. 開佛道覺群邪廣治教中為座主
2. 運悲心弘正法甘露堂上作導師

Phiên âm:

1. Khai Phật đạo giác quần tà Quảng Trị giáo trung vi toà chủ
2. Vận bi tâm hoằng chính pháp Cam Lộ đường thượng tác đạo sư

Dịch nghĩa:

1. Làm vị thuyết giảng khai mở con đường giác cho dân chúng Quảng Trị còn lầm mê.
2. Làm người dẫn đường vận dụng bi tâm mở rộng pháp Cam Lộ.

Tháp Phổ Tịnh được khởi công xây dựng năm 2017, tháp được xây dựng bằng đá, bảo tháp có 5 tầng, xây theo kiến trúc hình vuông, có thành nội và thành ngoại. Trước tháp có 4 trụ biểu, mặt trước được khắc câu đối chữ Hán, mặt sau được khắc câu đối âm Hán nói về hành trạng, sự đạt ngộ của Ngài Viện chủ chùa Cam Lộ. Đây là người khai mở, soi sáng con đường giác cho phật tử bản địa buổi đầu còn bỡ ngỡ với giáo lý Phật đà. Người là vị hướng đạo sư đem đạo vào đời, vận dụng bi tâm, sẵn sàng làm người dẫn đường, hướng dẫn chúng sinh đến bờ giác, để được nếm vị Cam Lộ mát ngọt từ chính pháp nhiệm mầu.

Nội dung câu đối 2 trụ biên (tính từ bên phải từ ngoài nhìn vào): 3-4

Chữ Hán:

3. 善智破貪嗔痴當此土而成淨土
4. 進修持戒定慧於凡心化作聖心

Phiên âm:

3. Thiện trí phá tham sân si đương thử độ nhi thành tịnh độ
4. Tấn tu trì giới định tuệ ư phàm tâm hoá tác thánh tâm

Dịch nghĩa:

3. Khéo dùng trí tuệ phá tham sân si, ngay nơi cõi này chính là cõi tịnh.
4. Tinh tấn tu tập giới định tuệ thì ngay nơi tâm phàm liền chuyển thành thánh.

Hai chữ đầu ở hai câu đối trên là Pháp hiệu của Hòa thượng viện chủ chùa Cam Lộ. Người làm câu đối đã khéo léo sử dụng từ ngữ vừa nêu được danh tự (thượng “Thiện” hạ “Tấn”) của một vị Thầy đức độ khéo dẫn dắt đồ chúng vừa toát lên được công phu tu tập của Hòa thượng. Dù bận rộn các phật sự, hoằng dương chính pháp nhưng khéo dùng trí gạn lọc phiền não để “đương thử độ nhi thành tịnh độ”. Ở trong công việc nhưng tâm không lao xao theo thế sự xoay vần, luôn ẩn nhẫn trong hiện tiền an lạc “ư phàm tâm hoá tác thánh tâm”. Hai câu đối này nhằm ca ngợi, tán dương công đức của bậc chân tu, có năng lực chuyển thức (phàm tâm) thành trí (thánh tâm), biến cõi đời ô trược đầy bụi trần thành cõi tịnh “nhất trần bất nhiễm” [3].
Thành nội của tháp có 2 trụ cổng phía ngoài chữ Hán, phía trong phiên âm (tính từ bên phải từ ngoài nhìn vào):

Chữ Hán:

1. 心功圓果满
2. 勇隻履西歸

Phiên âm:

1. Tâm công viên quả mãn
2. Dũng chích lý tây quy

Dịch nghĩa:

1.Tâm sáng quả tròn đầy

2.Một bước vượt trời tây

4. Một vài nhận xét về đặc điểm và ý nghĩa câu đối tại chùa Cam Lộ – Quảng Trị

4.1 .Đặc điểm chung của câu đối tại chùa Cam Lộ

Về hình thức: Các câu đối ở Chùa Cam Lộ được đắp vẽ chủ yếu ở cổng tam quan, trong chính điện và bảo tháp. Vật liệu sử dụng có sự khác nhau, ở cổng tam quan và bảo tháp được đắp vẽ đơn thuần bằng xi-măng và sơn đen để nổi bật lên trên nền vàng của cổng. Điều này khiến người xem dễ đọc, dễ tiếp nhận. Trong đại hùng bảo điện thì các câu đối được khắc một cách công phu, tinh xảo hơn trên những tấm gỗ quý rồi sau đó mới sơn son thiếp vàng. Nó mang một giá trị nghệ thuật trang trí – nghệ thuật điêu khắc trên gỗ.

Về thể thức viết chữ: Theo lịch sử phát triển của chữ Hán có năm kiểu chữ đặc trưng là: Triện thư, lệ thư, khải thư, hành thư và thảo thư. Theo khảo sát, các câu đối chùa Cam Lộ được viết theo lối Triện thư – một kiểu chữ thư pháp Trung Quốc cổ. Thể thức viết của chữ triện phức tạp hơn các kiểu chữ khác.

Về loại chữ sử dụng: Thông thường các câu đối ở các chùa thường sử dụng hai loại chữ là chữ Hán hay chữ quốc ngữ. Tuy nhiên ở Chùa Cam Lộ, phía trước cổng câu đối được khắc vẽ bằng chữ Hán giúp tôn nghiêm cảnh già lam. Tuy nhiên, phía sau được phiên âm Hán Việt để những người không am hiểu về chữ Hán cũng có thể tiếp cận và học hỏi thấm nhuần yếu chỉ về giáo lý của Phật đà thông qua các câu đối.

Về nội dung: Các câu đối hiện diện ở các chùa chiền, đình, miếu… không chỉ phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ mà đằng sau mỗi câu đối đều muốn chuyển tải đến người đọc một triết lý hay hay một lối sống đẹp. Các câu đối ở chùa Cam Lộ cũng nổi bật lên những giáo lý như Vô Ngã, tính Không, Tam vô lậu học, tinh thần nhập thế, an trú hiện tiền, vượt thoát sinh tử hoặc xưng tán chư Phật. Hoặc ca ngợi công hạnh của các bậc tiền nhân đã dày công tạo dựng ngôi Phạm vũ này… Đó là những lời giáo huấn thức tỉnh kẻ mê, đánh thức mọi loài chúng sinh sớm quay về nẻo giác, đề cao tính thiện và muốn hoàn thiện con người đến cái chân-thiện-mỹ.

4.2 .Ý nghĩa các câu đối

Các câu đối có ý nghĩa lớn trong đời sống văn hóa, giáo dục: thông qua câu đối có thể uốn nắn tâm tính, hoàn thiện nhân cách, sống theo phương thức sống từ bi bác ái của đạo Phật khiến thân tâm trở nên trong sáng, đời sống tinh thần được giải tỏa,…

Bên cạnh đó, chúng còn mang tính thẩm mỹ và dễ dàng được mọi người tiếp nhận: bởi có nhiều đối tượng đến chùa nhìn chữ Hán tuy không biết, không hiểu ý, nhưng vẫn thích thú. Thiết nghĩ, câu đối không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật hay một sản phẩm của văn học mà ở đó là sự kết tinh của trí tuệ tuyệt vời. Câu đối tuy vỏn vẹn vài câu hoặc vài chữ nhưng nếu là lời của bậc giác ngộ có năng lực đánh động tâm thức của người đọc thì dù người đến chùa tuy chưa biết Phật, chưa hiểu Pháp, bước đến cổng chùa hay vào ngôi già làm hoặc nhiễu quanh tháp đọc được yếu chỉ trên các câu đối cũng có khả năng đốn ngộ trong gang tấc. Ngoài ra, câu đối còn mang những giá trị về lịch sử, nói lên công lao và hành trạng của người đã sáng lập ngôi Phạm Vũ Cam Lộ. Như thế sẽ giúp người đời sau đến chùa gieo duyên, lại biết ôn cố tri tân và nỗ lực tìm cách giữ gìn, phát huy những giá trị tâm linh, khiến Phật pháp tồn tại lâu dài chiếu rọi khắp trần gian này.

Kết luận

Từng bước hòa nhập vào đời sống tinh thần người Việt, trên tinh thần tùy duyên, Phật giáo vừa đồng hành, vừa góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc. Từ bao đời nay, các hệ thống chùa làng, cũng chính là các tụ điểm văn hóa của dân tộc Việt. Phật giáo song hành cùng truyền thống đạo lý của dân tộc, khiến cho phẩm tính cao đẹp về tình người của dân tộc lại càng được phát huy. Với lối kiến trúc đặc trưng của các câu đối cùng cảnh quan hài hòa, ngôi già lam Cam Lộ đã trở thành điểm đến tâm linh thu hút phật tử và du khách tìm đến lễ Phật, tham quan, thưởng lãm. Chính các câu đối cùng với điêu khắc, chạm trổ, tiểu cảnh trong chùa đã hiện diện một cách hài hòa tạo nên một tổng thể kiến trúc chùa tháp đặc trưng mang đậm tính văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.

Thích Nhật Mỹ
Học viên Cao học tại Học viện PGVN tại Huế
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Văn Ngọc (2001), Câu đối, Nxb Văn Hóa Thông Tin, TP.HCM.
2. Trần Bích San (2018), Việt Nam Văn học Sử, chương 27: Câu Đối, Nxb Cỏ Thơm.
3. Thích Thiện Quang (2020), Hoành Phi Thi Đối Liên, NXB Thuận Hoá.
4. Đoàn Trung Còn & Huyền Mặc Đạo Nhơn (2009), Kinh Pháp Bảo Đàn, Nxb Tôn Giáo.
5. Thích Trí Tịnh (2005), Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Nxb Tôn giáo.
6. Đinh Vũ Thùy Trang (2010), Tư tưởng Thiền trong thơ Đường, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh, TP HCM.
7. Thích Duy Lực (1994), Kinh Lăng Già, Nxb Thành hội Phật giáo HCM.
8. Thích Trí Quang (2011), Kinh Kim Cang, Nxb Tổng hợp TP. HCM.
9. Thích Minh Châu (2017), Kinh Tương Ương Bộ, tập I, Phẩm Kiến, tr 797-802, Nxb Tôn giáo.
10. Trí Quang (2006), Luật Tiểu, Nxb Tôn giáo.
11. Hòa thượng Minh Châu (2016), Kinh Pháp Cú, Phẩm Tạp Lục, tr 108, Nxb Phương Đông.
12. Thích Minh Thời (2007), Kinh Nhật Tụng, Nxb Tôn giáo.

Tài liệu internet:
13. Văn hóa Phật giáo (2010), Tuyển tập các bài phục nguyện, https://hoavouu.com/a3950/tuyen-tap-cac-bai-phuc-nguyen, truy cập ngày 4/5/2022
14. Banmaihong’s blog (2012), Câu đối trong Văn học Việt Nam – Trần Bích San, TS. Trần Gia Thái, https://banmaihong.wordpress. com/2012/11/28/cau-doi-trong-van-hoc-viet-nam-tran-bich-san-ts-tran-gia-thai/, truy cập ngày 5/5/2022
15. Hoài Anh (2010), Nguyễn Văn Ngọc, người góp phần bảo tồn vốn quý dân tộc, https://www.trieuxuan.info/nguyen-van-ngoc- nguoi-gop-phan-bao-ton-von-quy-dan-toc, truy cập ngày 5/5/2022
16. Đào Duy Đạt (2014), Nguồn gốc câu đối tết và tập tục dán ngược chữ “Phúc” trong dịp tết của người Trung Quốc, http:// vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=462, truy cập ngày 5/5/2022

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường