Tìm hiểu việc phong tăng và cấp độ điệp giới đao: trường hợp Tổ Phúc Chỉnh
ISSN: 2734-9195
00:53 24/10/2019
Thủ tục xét phong Hòa thượng, chức Tăng cương thời Nguyễn cụ thể như thế nào ngưới viết từ trước tới nay chưa thấy tài liệu nào nói tới. May thay, năm 2017, khi khảo sát văn bia chùa Phúc Chỉnh (Hưng Long tự) phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình, chúng tôi được đọc một số văn bia nói rõ việc này dưới thời vua Bảo Đại.
Thủ tục xét phong Hòa thượng, chức Tăng cương thời Nguyễn cụ thể như thế nào ngưới viết từ trước tới nay chưa thấy tài liệu nào nói tới. May thay, năm 2017, khi khảo sát văn bia chùa Phúc Chỉnh (Hưng Long tự) phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình, chúng tôi được đọc một số văn bia nói rõ việc này dưới thời vua Bảo Đại. Xin giới thiệu với quý vị độc giả1.
Bia thứ 1Thông tư phúc tra của Bộ LễBộ Lễ vì việc phúc đáp công văn sau khi tiếp nhận công văn của quý toà số 890, có chuyển giao cho quý tòa Thống sứ Bắc Kỳ làm công văn rồi đệ trình lên sảnh toà ra công văn số 20, về khoản đồng ý xin cho Tăng trưởng chùa Hưng Long là Nguyễn Thanh Thịnh làm Hoà thượng. Bản Bộ đã vâng mệnh cứu xét từ trước đến nay thì ngoài kinh đô (Huế) ra, sư các chùa đều chưa ai được đội ơn chuẩn y cho làm Hoà thượng. Duy có lần vào năm Mậu Thìn (1868) niên hiệu Tự Đức thứ 21 có thiền tăng Lê Lễ ở chùa Liên Trì tỉnh Bình Thuận là chuyên tâm vào khoa nghi, nên vâng chuẩn cho sung làm Tăng cương ở chùa tỉnh đó. Lại vào năm Quý Sửu (1913) niên hiệu Duy Tân 7, có thiền sư Phạm Hoằng Phúc ở chùa Thạch Sơn tỉnh Quảng Ngãi là người tu hành đắc đạo, nên vâng chuẩn cho sung làm Tăng cương ở chùa đó, hồ sơ đều còn ở trên án. Bản Bộ sau khi suy xét đối chất với những chùa quan (tức chùa công) ở kinh đô như Tăng cương Trương Văn Luận ở chùa Thiên Mụ, Tăng cương Phạm Gia Khánh ở chùa Diệu Đế, Tăng cương Nguyễn Chính Sắc ở chùa Thánh Duyên, thảy đều có trình tự vâng mệnh khảo tra Phật giáo. Còn chức danh Hoà thượng thì chỉ ban cho ai tu hành đắc đạo, tới mức được Tăng chúng trong mười phương lấy danh hiệu đó suy tôn để trọng danh hiệu. Còn theo thể lệ của Quốc gia, chư tăng thuộc chùa quan từ trước tới nay, người nào tu hành đắc đạo được vâng trao độ điệp, thì đều được đội ơn chuẩn y trao cho chức Tăng trưởng, hoặc trụ trì đến chức Tăng cương mà thôi, chưa có lệ chuẩn y cho chức Hoà thượng. Nay chùa Phúc Am của quý tỉnh tuy là chùa tư, thuộc chùa của sư Nguyễn Thanh Thịnh. Sự tu hành và đối với Phật giáo, trộm nghĩ sư vẫn thuộc hệ có công. Thông qua bình xét xin khen thưởng các quý vị ở Sảnh đường cùng các vị liệt đài đại sứ, lại thừa mệnh các quý vị Thống sứ Bắc Kỳ, cùng liệt vị đại thần Khâm sứ ở Trung Kỳ bàn họp, tất cả đều thương lượng chuẩn y cho Nguyễn Thanh Thịnh lên chức Tăng cương, đồng thời vị xin thỉnh đó cũng đồng lòng thuận theo. Mỗi loại đơn từ, bản bộ đều vâng mệnh chiểu theo trình tự mà xử lý các việc, thì thấy danh xưng Hoà thượng đều do tập tục tôn xưng ưcủa Tăng chúng mười phương, vốn không phải danh xưng trong nhà Tăng. Lại cứu xét các sư chùa ngoài kinh đô, đều chuẩn y cho làm Tự trưởng, hoặc là chức trụ trì. Tựu trung người nào mà chuyên tâm hành đạo, thực có công đức, kinh qua việc xét cử của quan lại địa phương, cộng thêm được Tăng đồ suy tôn, thật phải là loại đặc sắc thì mới chuẩn y phong cho làm Tăng cương. Còn riêng vị sư chùa này, vượt trên cả danh lẫn sắc, vả có đủ điều kiện để tuân theo lệ chuẩn trước kia như mấy vị được phong hồi Tự Đức và Duy Tân.Nay xét Nguyễn Thanh Thịnh thuộc vị tăng ở chùa riêng, năm trước đã được quý sảnh làm đơn xin, bản Bộ đều chuẩn y cho làm Tăng trưởng ở chùa đó. Nay lại xét các lẽ trong đơn, thấy vị Tăng đó có công với Phật giáo, có ích với dân sinh, có thiện tâm và trung thành, rất đáng khen thưởng. Sau khi được gộp xét ý kiến của quý sảnh cùng quý đại sứ, lại vâng mệnh ngài Thống sứ đại thần cùng ngài Khâm sứ đại thần, tất cả duyệt xét đều dựa vào sự trạng của Tăng trưởng Nguyễn Thanh Thịnh đó với Tăng cương Lê Lễ ở chùa Liên Trì, Tăng cương Phạm Hoằng Phúc ở chùa Thạch Sơn thấy đều giống nhau. Vậy xin cung kính tuân theo tiền lệ từ thời Tự Đức, Duy Tân (đều nói ở trên) mà thương lượng thưởng cho sư chức Tăng cương. Còn những cái khác thì do bản Bộ chiểu theo lệ mà cấp cho Giới đao một chiếc, Độ điệp một đạo, rồi giao cho vị Tăng đó vâng giữ trụ trì, để khuyến khích thiện tâm và lòng trung thành. Thông qua bản phúc tra số 702 của quý Khâm sứ đại thần, bản Bộ liền làm tờ phúc tra này, chỉ mong cho tất cả biết rõ mà thi hành. Còn Giới đao và Độ điệp đợi rèn và chế xong, sẽ do quý sảnh nhận rồi giao cho Tăng cương Nguyễn Thanh Thịnh lĩnh nhận cho khớp. Vì thế mà làm thông tư phúc tra này.Trên đây là thông tư phúc tra.Ninh Bình Tuần phủ viện đường Đại nhân cùng quý liệt vị dựa vào mà chiểu theo.Ngày 1 tháng 9 niên hiệu Bảo Đại 5 (1930).Viên ngoại Nguyễn Khắc Niệm vâng mệnh khảo.Ngày 17 tháng 9 niên hiệu Bảo Đại 5 (1930), Ninh Bình Tuần phủ bộ vâng mệnh sao lục cho biết mà tuân hành.Bia thứ 2Thông tư phúc tra của Bộ LễBộ Lễ vì việc làmthông tư phúc tra, trước có tiếp nhận công văn số 946 của quý tỉnh, trong có trình bày việc Tăng trưởng chùa Hưng Long là Nguyễn Thanh Thịnh được thăng thưởng chức Tăng cương, muốn sức cho bản bộ chiểu theo lệ mà trao cho Giới đao và một đạo Độ điệp rồi chuyển giao cho quý tỉnh nhận rồi giao cho vị sư đó vâng giữ. Nhân việc phát đi thông tư, bản bộ đã sao lục một đạo Độ điệp, một trang bằng cấp, coi như xong việc do quý toà gửi trình. Còn một Giới đao, muốn chiểu theo mẫu thức (trong có mẫu sao cùng dâng lên), dựa vào mẫu thức mà chế ra cho tiện. Liền có tờ thông tư phúc tra này, mong hễ thấy Độ điệp và bằng cấp đưa đến, thì sức cho nhận đủ đúng như trong thông tư phúc tra. Vì thế mà làm tờ thông tư phúc tra này.Trên đây là thông tư phúc tra.Ninh Bình Tuần phủ viện đường Đại nhân cùng quý liệt vị dựa vào mà chiểu theo.Ngày 24 tháng 6 niên hiệu Bảo Đại 17 (1942). Thông tư số 1154.Ngày 17 tháng 12 niên hiệu Bảo Đại 17 (1942), Tuần phủ Ninh Bình là Phan Đình Hoè vâng mệnh sao lục ở huyện Gia Khánh, chuyển cho Tăng cương nhận giữ Độ điệp và bằng cấp, kèm sao mẫu thức giới đao đính ở sau. Nay sao lại.Bia thứ 3Bằng cấp của bộ LễBộ Lễ vì việc cấp văn bằng, nay căn cứ vào lời bẩm tâu của hương hào, kỳ dịch, lý trưởng cùng toàn xã Phúc Chỉnh, huyện Gia Khánh, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có trình bày: Nguyên trong xã từ xưa có chùa Hưng Long, trải qua nắng mưa xuống cấp, mới rước mời thiền tăng là Nguyễn Thanh Thịnh về, là người tu hành có đạo hạnh, đến nay đã 60 tuổi. Năm ngoái khi Tiên đế băng hà2, Thiền tăng đã dốc lòng chí thành tụng kinh cầu nguyện cho Tiên đế hết 7 tuần. Sau lần đó, quan địa phương đem chuyện rồi làm thông tư gửi lên hạt, hiện đã có sức văn khen thưởng để làm gương sáng cho đạo luân thường. Trong thông tư có những lời đại loại bẩm xin thế nào để cho vị sư đó được đội ơn ban thưởng, v.v…Chiểu theo lời bẩm, đồng thời trải qua kết quả tra xét của tỉnh thấy đúng như sự thực, cùng các nguyên do khác. Bản Bộ tra cứu thấy trùng hợp với nghị định năm Tự Đức thứ 2 (1849), vì thế chiểu theo lệ mà chuẩn y cho vị tăng Nguyễn Thanh Thịnh thăng chức Tăng trưởng ở chùa đó, để khiến cho rạng rỡ Phật pháp. Ngoài những thông tư mà tỉnh Ninh Bình đã biết và thi hành, nay gộp lại ban hành bằng cấp, rồi về hồi trình quan lại địa phương được biết, khiến cho được chuyên tâm hành đạo. Vì thế mà trao cho bằng cấp.Trên đây là bằng cấp Tăng chùa Hưng Long, xã Phúc Chỉnh, tỉnh Ninh Bình là Nguyễn Thanh Thịnh chiểu theo bằng cấp này.Ngày 4 tháng 11 niên hiệu Bảo Đại 1 (1926). (Đóng dấu “Lễ bộ chi ấn”)Bia thứ 4:Bằng cấp của Bộ LễBộ Lễ vì việc cấp văn bằng, chiểu thấy Tăng trưởng chùaHưng Long là Nguyễn Thanh Thịnh, đức tính kính cẩn thuần phác, am tường khoa giáo. Trải qua thương lượng và ra phúc tra số 27 ngày 15 tháng 8 niên hiệu Bảo Đại 5 (1930), nên ấn định cất nhắc cho vị tăng đó được thăng chức Tăng cương ở chùa đó, gộp lại ban hành bằng cấp, sư nên dẫn dắt tăng chúng trong chùa cùng thi hành. Phàm mọi việc cần rất phải cẩn trọng, nếu mọi việc không thành kính, đã có phép công thực thi. Vì thế mà trao cho bằng cấp.Trên đây là bằng cấp Tăng cương chùa Hưng Long là Nguyễn Thanh Thịnh giữ lấy mà chiểu theo.Ngày 24 tháng 6 niên hiệu Bảo Đại 7 (1932) (Đóng dấu “Lễ bộ chi ấn”)Bia thứ 5
Độ điệp
Phiên âm
Lễ bộ vi cấp độ điệp sự, chiếu đắc Phạm gia lập giáo, yếu tại từ bi; Giác đạo khai nhân, bản hồ thanh tịnh. Đàm hoà bối diệp, ngộ nhân chi diệu đế nan cùng; bảo phiệt từ hàng, độ thế chi phúc duyên vô lượng. Cố truyền kinh trác tích, quy y Bát nhã chi hương; thụ bát trì y, ấm tý Bồ đề chi thụ. Tất tu tịnh lục trần ư đức thuỷ; không vạn cảm ư tâm hương. Tư khả dĩ mặc khế Thiền lâm tịnh tịch chi chân thuyên; nhi kính dương Thánh đại thăng bình chi cảnh thước giả dã.Ngưỡng kiến ngã Hoàng thượng, trung chính thể nguyên, đãng bình tập chỉ, kính đức dĩ kỳ vĩnh mệnh; tích thiện dĩ nhạ phồn hy. Tư Hưng Long tự Tăng trưởng Nguyễn Thanh Thịnh, kinh thương trước định y tăng vi y tự Tăng cương. Triếp thử cấp dữ Độ điệp nhất đạo, Giới đao nhất bả, nhưng thính vu y tự chuyên nghiệp.Ư hy! Hương thuỷ bồ đoàn y Tịnh cảnh, thông tuệ sam Tượng giáo chi vi; Từ vân hoa vũ áng sinh cơ, viên mãn phổ Long trì chi ấm. Vương chương Phật pháp, cộng quán đồng điều. Chí điệp cấp giả.Hữu điệp cấp dữ Hưng Long tự Tăng cương Nguyễn Thanh Thịnh chấp chiếu.Bảo Đại thất niên lục nguyệt nhị thập tứ nhật.Dịch nghĩaVề việc Bộ Lễ trao cấp Độ điệp, chiểu theo thấy nhà Phạm dựng giáo, cốt ở từ bi; đạo Giác cứu người, gốc tại thanh tịnh. Hoa Đàm lá Bối, là phép mầu giác ngộ con người khôn cùng; bè báu thuyền từ, là phúc duyên cứu giúp cuộc đời vô lượng. Cho nên truyền kinh chống trượng, về nương quê hương Bát nhã; trao bát giữ y, phù hộ cội gốc Bồ đề. Ắt nên sạch sáu Trần nơinước đức, buông muôn cảm cõi hương lòng. Từ đó có thể ngầm hợp với lẽ chân như trong lắng của nhà Thiền; để mà cung kính hoằng dương cảnh thái bình lâu dài của đời Thánh vậy.Ngửa trông ơn Hoàng thượng, nắm ngôi trung chính, dẹp tan giặc giã, gom góp phúc lành, kính đức lớn để cầu bền mệnh; chứa điều lành để rước điềm lành. Nay Tăng trưởng chùa Hưng Long là Nguyễn Thanh Thịnh, sau khi bàn định cất nhắc lên chức Tăng cương ở chùa ấy. Liền đó mà trao cho một đạo Độ điệp, Giới đao một chiếc. Cứ ở chùa đó mà chuyên trì.Ôi! Nước thơm bồ đoàn nương cõi Tịnh, thông tuệ tham học vi diệu của Tượng giáo; mây lành mưa hoa trùm cuộc sống, tròn đầy phủ khắp bóng râm chốn Long trì. Phép vua với Phật pháp thông suốt các điều với nhau, cho nên trao cho điệp.Điệp trao cho Tăng cương chùa Hưng Long là Nguyễn Thanh Thịnh chiểu theo mà nắm giữ.Ngày 24 tháng 6 niên hiệu Bảo Đại 7 (1932) .(còn tiếp)Nguyễn Đại ĐồngTạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2019CHÚ THÍCH:1. NCS Nguyễn Văn Quý (Viện NCTG), NNC Lê Quốc Việt dập và dịch văn bia.2. Tiên đế: tức vua Khải Định lên ngôi năm 1916, băng hà năm 1925.TÀI LIỆU THAM KHẢO:1. Văn bia dập tại chùa Phúc Chỉnh, thành phố Ninh Bình.2. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi, Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb Tôn giáo, 2017.
“Đời sống tăng đoàn ở Nalanda (Ấn Độ) vào thế kỉ 7: cây xỉa/chà răng theo ghi chép của pháp sư Nghĩa Tịnh” bàn về điều 8 trong 40 điều (hay chương) của cuốn Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện/NHKQNPT, soạn giả là pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713).
Chính Niệm là ngọn đèn sáng soi rọi nội tâm, giúp hành giả vượt qua bóng tối của vô minh và khổ đau. Qua từng hơi thở và từng bước chân, hãy để Chính Niệm dẫn dắt tâm trí trở về với sự an lạc tịch tĩnh.
Để phá vỡ những bức tường của tâm lo âu, thờ ơ và phiền muộn, chúng ta có thể thực hành các phương pháp nuôi dưỡng từ bi tâm và Bồ đề tâm với khát ngưỡng đạt tới quả vị Phật để làm lợi lạc cho bản thân và tất thảy mọi người.
“Đời sống tăng đoàn ở Nalanda (Ấn Độ) vào thế kỉ 7: cây xỉa/chà răng theo ghi chép của pháp sư Nghĩa Tịnh” bàn về điều 8 trong 40 điều (hay chương) của cuốn Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện/NHKQNPT, soạn giả là pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713).
Pháp lạc tại Đâu Suất giúp các cư dân duy trì trạng thái thanh tịnh trong suốt thời gian dài, giúp họ không bị xao lãng bởi các cảm xúc tiêu cực hay phiền não.
Việc chuyển thể các câu chuyện từ Tạp A Hàm kinh thành tác phẩm văn học thiếu nhi không chỉ là một cách tiếp cận sáng tạo mà còn mang lại hiệu quả lớn trong việc truyền bá phật pháp.
Thời điểm xưa nhất tài liệu ghi chép, Vua A Dục (Asoka, 268-233 trước Dương lịch) vào lần tập kết kinh điển lần thứ 3 đã cho cán mỏng đồng đỏ thành lá để ghi chép và lưu trữ kinh Phật.
Sự xuất hiện của đức Phật nhằm thức tỉnh con người hướng đến mục tiêu giác ngộ về sự thật của cuộc đời và vượt lên trên cuộc đời để giải phóng con người thoát khỏi những tối tăm, chìm đắm, quên lãng và phó mặc của cuộc đời
Bình luận (0)