Bài kinh Cày ruộng đã cho chúng ta thấy rõ được lộ trình tu tập của đức Phật và chư đệ tử để đạt đến quả vị bất tử. Chỉ với ví dụ gần gũi, mộc mạc ngay trong đời sống hàng ngày nhưng Ngài “Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chính pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích.”
Ni sinh Thích nữ Liên Luân Lớp Thạc sĩ Phật học khóa V - Học viện PGVN tại Tp.HCM
Phương thức truyền đạt và cách thức truyền đạt trong khi hoằng truyền giáo pháp rất quan trọng. Làm sao cho người nghe hiểu và lãnh hội là cả một quá trình công phu và thiện xảo của người chủ thuyết.
Trong bối cảnh giáo pháp của đức Phật chưa được chúng sinh hiểu rõ và lan tỏa mạnh như thời đại ngày nay thì nhiệm vụ truyền bá đạo màu thời Phật tại thế càng là một thử thách. Thế nhưng nó lại không là gì ngăn ngại đối với một Đấng toàn tri, điêu luyện, khéo léo và với từ tâm cứu khổ ban vui “Ngài giảng pháp cao siêu, rõ ràng, đầy đủ, từ chặng đầu, chặng giữa cho đến chặng cuối.”[1] Tùy từng căn cơ trình độ mà Ngài dùng nhiều phương tiện giáo hóa và đưa ra những ví dụ thực tiễn để chúng sinh hiểu ý Pháp, đi vào thực hành. Kinh Cày ruộng là ví dụ điển hình cho sự thiện xảo trong phương pháp giáo hóa ấy. Cày ruộng của đức Phật cũng như cày ruộng của người nông phu, nhưng việc làm ấy lại cho chúng con và tha nhân nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống tâm linh, đạt quả rốt ráo là giải thoát. Lời dạy của Phật không dùng ca từ mỹ ngữ, không văn chương hoa lá, không bóng bảy lụa là, nó chỉ là những ngôn ngữ bình dân giản dị với đời sống là thế, nhưng ai đọc cũng hiểu và thực hành được.
I. Giới thiệu kinh Kasibhāradvāja
1.1. Xuất xứ kinh Kasibhāradvāja
Kasibhāradvājasuttaṃ là bài kinh thuộc trong bộ Saṃyutta Nikāya. Saṃyutta Nikāya là bộ kinh gồm tập hợp các bài kinh dài, ngắn không đều, nhưng được sắp xếp và kết nhóm theo từng loại chủ đề tương ưng với nhau. Hòa thượng Minh Châu đã dịch 2889 bản kinh này từ bản Pāli sang Việt ngữ. Saṃyutta Nikāya gồm năm thiên/tập được chia làm 56 tương ưng. Kinh Kasibhāradvāja là kinh số 1 trong 12 kinh của phẩm Upāsakavaggo thuộc Thiên có kệ - Sagāthāvaggapāli, chương 7, Tương ưng Bà La Môn - Brāhmaṇa saṃyuttaṃ.
1.2. Nội dung kinh Kasibhāradvāja
Bài kinh được thuyết khi đức Phật ở tại Magadha, trên núi Nam Sơn, tại làng Bà La Môn tên là Ekanāḷā. Đức Phật đã hóa độ Bà La Môn Bhāradvāja trong lễ cày ruộng qua việc lý giải cho ông biết về công việc “cày ruộng” của Phật và chúng đệ tử qua ví dụ về việc cày ruộng của Bà La Môn Bhāradvāja. Với lòng tin là hạt giống, khổ hạnh là mưa móc, trí tuệ là cày và ách, tàm quý là cán cày, ý căn là dây cột, chính niệm là lưỡi cày và gậy đâm, hộ trì tam nghiệp là quản thúc vật kéo, nhổ lên mọi tà vạy là nhổ cỏ trừ sâu, tinh tấn là khả năng mang ách. Bà La Môn Bhāradvāja vô cùng hoan hỷ và xác nhận đức Phật là một người nông phu, sự cày ruộng của Ngài đưa đến quả bất tử, là quả vị tối thắng “Kassako bhavaṃ. Yañhi bhavaṃ gotamo amatapphalampi kasiṃ kasatī’ti”[2]. Ông hoan hỷ cúng dường vật thực nhưng đức Phật đã từ chối vì nhận sự cúng dường này là không hợp pháp. Vị Bà La Môn này đã tán thán đức Phật và xin trọn đời quy y Tam bảo.
1.3. Giải thích về việc “cày ruộng”
Cày ruộng là công việc theo mùa vụ của người nông dân. Sau khi thu hoạch mùa vụ xong, người nông dân lại tất bật chuẩn bị cho mùa gieo mạ mới. Họ dùng vật kéo như trâu, bò … kéo những vật sắc nhọn để xới đất lên, làm tơi đất, lật lớp đất màu mỡ mang chất dinh dưỡng mới ở phía dưới lên, làm cho cỏ dại trên bề mặt đất bị chôn vùi và phân hủy để làm chất dinh dưỡng lâu dài cho cây. Cày ruộng giúp thông không khí trong lòng đất, giữ ẩm tốt hơn cho đất. Cày ruộng là công việc của nông dân, họ quanh năm trông nom vào mùa vụ, nên làm nông là kế sinh nhai giúp họ tồn tại. Đức Phật cũng “cày ruộng” nhưng không giống như người nông dân.
II. Sự “cày ruộng” của đức Phật qua bài kinh Kasibhāradvāja
2.1. Lòng tin là hạt giống
“Saddhā bījaṃ”[3]: niềm tin là hạt giống. Là niềm tin bất động với Tam bảo.
Niềm tin tuyệt đối với Phật bảo vì Ngài là bậc giác ngộ, đã tự tu tự chứng, là vị toàn giác, đã tự mình giác ngộ lý Tứ đế và thực tập theo lời Ngài thì sẽ được an vui giải thoát như Ngài đã đạt được. Đức Phật có chín ân đức/Buddhaguṇa[4]: 1. Arahaṃ là vị đã đoạn trừ mười kiết sử phiền não, thành tựu thắng trí, bậc xứng đáng được người và trời cúng dường. 2. Sammāsambuddha là bậc chính tỉnh thức. 3. Vijjācaraṇasaṃpanna là bậc đầy đủ phước và trí. 4. Sugata là bậc đã hoàn thiện tất cả các công việc: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm. 5. Lokavidū là bậc khéo giải, thấu hiểu những việc thế gian. 6. Anuttaro Purisadammasārathi là bậc xuất trần khéo điều phục nhiếp hóa chúng sinh. 7. Satthā devamanussānaṃ là bậc thầy của trời người. 8. Buddha là bậc đại toàn giác, bậc tối thắng trong thế gian. 9. Bhagavā là bậc có đủ các sự may mắn, thoát khỏi mọi hiểm họa, là bậc hữu phần, bậc chia phần. Khi có niềm tin tuyệt đối vào đức Phật thì trong tâm hồn của hành giả đã có hạt giống Phật. Gieo chủng tử Phật thì hành giả ngay trong đời sống hiện tại sống có nhân cách phạm hạnh, không sớm muộn cũng sẽ làm Phật. Hạt giống Phật ấy được gieo ở đâu? Đó là mảnh đất tâm của mỗi hành giả.
Niềm tin tuyệt đối với Pháp bảo: Trong Trường bộ kinh nói “dhamme aveccappasādena samannāgato hoti – Svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opaneyyiko paccattaṃ veditabbo viññūhī’ti”[5]. Niềm tin bất động vào Pháp vì Pháp là những kinh nghiệm mà đức Phật đã chứng đạt, là lời dạy của bậc Toàn giác, là con đường, là pháp môn hành trì thiết thực hiện tại. Ta phải có lòng tin kiên cố vào con đường thực hành chính pháp, con đường ấy nằm trong Tam tạng kinh điển. Pháp/Dhamma là ngọn hải đăng, là hải đảo cho chúng sinh nương tựa vững chắc. Pháp mang sáu đặc tính tạo thành niềm tin bất động cho người con Phật gồm: 1. Được đức Phật khéo thuyết giảng: Pháp được đức Phật khéo thuyết giảng ở chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối. Pháp ấy phù hợp với mọi căn cơ trình độ chúng sinh. 2. Thiết thực hiện tại: Pháp mà đức Phật dạy luôn gần gũi với chúng sinh, luôn thiết thực ngay trong đời này. Vì đời là khổ, nên đức Phật thuyết về khổ, Ngài chỉ ra nguyên nhân của khổ và con đường để diệt trừ khổ đạt an vui. 3. Không có thời gian: Giáo pháp này mang tính vượt thời gian, không có giới hạn.
Gần ba ngàn năm trôi qua, nhưng giáo pháp ấy vẫn hiện hữu và tồn tại nguyên vẹn, thiết thực, là kim chỉ nam cho chúng sinh. Giáo pháp của đức Phật thuyết luôn đi trước thời đại, vượt tầm mọi khoa học. 4. Đến để mà thấy: Kinh Sabbāsava nói: “Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy”[6]. Sự chứng ngộ giáo pháp chỉ có thể đạt được khi tự mình hành trì, liễu ngộ. 5. Có khả năng hướng thượng: Pháp giúp chúng con hướng thượng, vươn lên từ cuộc sống khổ đau để đạt an vui, hạnh phúc, thoát khỏi tâm si mê đạt được trí tuệ. Thực hành theo giáo pháp cho chúng con khỏe thân khỏe tâm, biết giữ gìn tam nghiệp, ít bệnh hoạn, đời sống bình yên, thanh thản và an nhiên. 6. Được người có trí chứng hiểu: Pháp này được chính đức Phật, bậc đại hùng, đại lực, đại từ bi, đại trí huệ chứng hiểu và thuyết giảng. Được các bậc thánh đệ tử của Phật trùng tuyên. Khi chúng đệ tử hành theo pháp sẽ chứng đạt giác ngộ giải thoát như các vị Thánh Tăng đã đạt được. Chính pháp Như Lai có mười điều[7]: Tứ đạo, tứ quả, một Nibbāna và một pháp học/pariyattidhamma là con đường thực hành Bát chính đạo/Bát Thánh đạo. Thực hành con đường Bát chính đạo thì chắc chắn sẽ không rơi vào cõi khổ, đạt bốn thánh quả. Bát Thánh đạo nói rộng ra là 37 phẩm trợ đạo, nói gọn lại là Giới thanh tịnh – Tâm thanh tịnh – Tuệ thanh tịnh. Khi gieo niềm tin nơi Pháp bảo thì trong vườn tâm đã có chủng tử Pháp, hành giả tin theo Pháp nên hành trì những lời hay ý đẹp, các pháp môn hành trì, con đường tu tập trong giáo pháp. Từ đây giúp hành giả thanh tịnh tâm, diệt trừ mọi tâm cấu uế, bất tịnh, sống đời sống an lạc trong hiện tại và gieo nhân giải thoát trong tương lai.
Niềm tin bất động đối với Tăng/Saṅghara? Vì Tăng là đệ tử Phật, là người thay đức Phật hoằng truyền giáo pháp. Tăng là bậc mô phạm, bậc thầy tâm linh, hướng đạo giúp chúng sinh hiểu rõ và thực hành theo giáo Pháp. Tăng là bậc tu hành thanh tịnh, không còn tâm cấu uế, đoạn trừ tham/lobha – sân/dosa – si/moha, là ruộng phước điền cho chúng sinh gieo trồng công đức. Là vị đạt được bốn hạnh và bốn đôi tám vị. Các Ngài xứng đáng là nơi nương tựa, quy y, cung kính, thọ nhận sự cúng dường. Tăng ở đây là Thánh Tăng, là Tăng đoàn thanh tịnh. Trong Trung bộ kinh nói về chín ân đức Tăng/Saṅghaguṇa[8]: 1. Thiện hạnh/Supaṭipanno: Bậc có sở hành tốt đẹp. 2. Trực hạnh/Ujupaṭipanno: Bậc có sở hành ngay thẳng. 3. Chính hạnh/Ñāyapaṭipanno: Bậc có sở hành chân chính. 4. Nghiêm hạnh/Sāmīcipaṭipanno: Bậc có sở hành trang nghiêm. 5. Đáng cung phụng/Āhuneyyo: Là những vị đáng được hiến dâng. 6. Đáng nghênh tiếp/Pāhuneyyo: Đáng được tiếp rước ân cần. 7. Đáng cúng dường/Dakkhineyyo: Bậc đáng được dâng cúng với tâm trong sạch. 8. Đáng lễ bái/Añjalikaraneyyo: Bậc đáng được chắp tay đảnh lễ. 9. Phước điền vô thượng của đời/Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Thánh Tăng là ruộng phước cao thượng cho chúng sinh trồng công đức. Khi hành giả gieo niềm tin vào Tăng là tìm được điểm tựa vững chắc, nhờ có niềm tin vào Tăng mà họ quyết tâm hành trì để có được đời sống phạm hạnh và an vui như chư Tăng. Hành giả có chí hướng thượng, tâm tinh cần dõng mãnh và lấy chư Tăng làm tấm gương cho đời sống đạo đức.
Bên cạnh đó, niềm tin mà đức Phật chỉ dạy là niềm tin chân chính, đúng hướng, không gò bó không ép buộc, không dụ dỗ ai, Ngài cũng chưa bao giờ nói mọi người hãy theo Ngài, chỉ có Ngài mới giúp chúng sinh thoát khổ. Ngài dùng chính phẩm hạnh nhân cách đạo đức của mình để thâu nhiếp chúng sinh. Ngài dạy rằng: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói, chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì đúng theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến, chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo sư của mình. Khi nào tự mình ông biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là có tội, các pháp này bị người có trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh và khổ đau, thời này Bhaddiya, ông hãy từ bỏ chúng.”[9] Đức Phật chỉ dạy mọi người hãy tự cảm nhận xem pháp môn mà họ đi theo có đem lại an lạc cho bản thân và mọi loài không, có thoát khổ đau hay không, chứ không nên tin mù quáng vì bất cứ điều gì.
Khi có lòng tin thì không có sự do dự, luôn để tâm ý vào việc mình làm. Nên đức Phật đã ví niềm tin như hạt giống. Nhờ niềm tin bất động vào Tam bảo mà phát triển mầm bồ-đề tươi tốt. Từ đây mọi công hạnh và phước đức được thành tựu, tất cả như những nhân duyên hỗ trợ cho nhánh bồ-đề kia vươn mình sinh trưởng, đơm hoa kết trái, đem lợi ích cho bản thân, cho mọi người và phụng sự cho đời. Niềm tin chính là nhân lành, là hạt giống cực thiện, là chủng tử Phật. Niềm tin là cội nguồn của mọi công đức. Vì gieo niềm tin là chủng tử Phật nên sẽ là vị Phật tương lai.
2.2. Giới – bờ ruộng bảo vệ và những nhân duyên cho việc cày ruộng
Giới như bờ ruộng ngăn che không cho nước phèn từ ngoài tràn vào ruộng làm hư hoa màu. Giới cũng chính là nhân duyên tiên quyết cho việc vun trồng mảnh đất tâm. Đối với việc cày ruộng chuẩn bị cho gieo mạ thì việc cần các công cụ và các khâu chuẩn bị trước như hạt giống, bò kéo … là rất quan trọng. Vì phải có đầy đủ các yếu tố ấy mới cấu thành cho việc gieo mạ. Chúng con ví những yếu tố này như nền tảng cơ bản, như những nhân duyên tích cực, cần thiết để cho một vụ mùa bội thu. Cũng vậy giới luật là hàng rào ngăn che bảo vệ cho đời sống tu sĩ được thanh tịnh và an vui tu học. Trong kinh Tăng chi nói “Tỳ kheo gìn giữ giới luật, từ bỏ ác giới, viễn ly ác giới, có chính tri kiến, từ bỏ tà kiến, viễn ly tà kiến, đoạn tận các lậu hoặc, từ bỏ các lậu hoặc, viễn ly các lậu hoặc … đạt được tối thượng, đạt được căn bản thanh tịnh, được an trú ....”[10] Trì giới, tu tập giới là thước đo giúp chúng con vượt qua khổ đau, sống bình yên, được bảo vệ khỏi mọi cám dỗ, không bị mất giới thân huệ mạng. Giới luật là một phạm trù rất bao quát, trong bài kinh này giới được đức Phật đề cập không phải chỉ là các học giới, các điều răn đe mà giới ở đây còn bao gồm cả đời sống phạm hạnh, biết tàm quý trong các điều nhỏ nhặt, thu thúc lục căn, hộ trì tam nghiệp, từ đó nhổ lên mọi tà vạy, thanh tịnh thân tâm.
a. Khổ hạnh là mưa móc“Tapo vuṭṭhi.”[11] Khổ hạnh được đức Phật ví như mưa móc. Mưa móc là mưa có sương, là cơn mưa thấm nhuần, thẩm thấu, tẩm ướt và làm mát lạnh vạn vật dưới đất, giúp cho mọi chúng sinh được mát mẻ an lành. Với hạt giống đã được gieo trên ruộng đất tươi xốp và màu mỡ, cộng với duyên tăng thượng là cơn mưa sẽ giúp cho hạt giống nhanh nảy mầm và có đà phát triển thuận lợi.
Đức Phật đã dạy “Này Sāriputta, Ta thắng tri phạm hạnh, đầy đủ bốn hạnh: Về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất. Về bần uế, Ta bần uế đệ nhất. Về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất. Về độc cư, Ta độc cư đệ nhất.”[12] Khổ hạnh là một trong bốn hạnh của đời sống phạm hạnh, khổ hạnh là hành trì giới luật miên mật, tuân thủ mọi điều với tâm hoan hỷ vì mục đích mong cầu giải thoát. Khổ hạnh ở đây không phải là ép xác, đầy đọa, hành hạ, đập nát thân này để mong thanh tịnh hóa tâm hồn. Nói chính xác khổ hạnh là sống một đời sống phạm hạnh, sống trong tinh thần giới luật, sống nương mình trong quy luật của thiền môn. Sống đời sống phạm hạnh dần thẩm thấu và giúp cho người hành trì tích lũy và huân tập các tập quán nghiệp thiện, nó như mưa móc thẩm thấu, như hàng rào ngăn che và bảo vệ ta không tạo tác bất thiện pháp, làm thành trì kiên cố che chở chúng con được an toàn.
Chỉ có đời sống xuất gia mới thực hành được đời sống phạm hạnh viên mãn. Như trong kinh Trung bộ 2, kinh Ratthapala, nói về một thiện nam tử tên là Ratthapala, suy nghĩ như sau: "Như ta được hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia đình thật không dễ gì thực hành phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn trong sạch, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình."[13] Một người tại gia trong họ chỉ có những suy nghĩ, tính toàn lo cho đời sống gia đình vợ chồng, con cái, cơm áo gạo tiền,… thì không thể hành đời sống phạm hạnh. Công việc của người nông phu chỉ có làm, ăn và lo cho gia đình nhỏ bé. Nhưng công việc của người xuất gia thì khó trăm bề, người xuất gia đi ngược dòng sinh tử, sống đời sống phạm hạnh họ phải bỏ thân quyến, bà con vì lý tưởng tự độ và độ tha. Người nông phu lo tích chứa, tham ái, say đắm trong năm dục trưởng dưỡng nhưng người tu sĩ đệ tử Phật không vậy. Họ sống đời sống phạm hạnh với mục đích đoạn trừ tam độc và hướng đến đời sống vắng lặng tịch tịnh. “Này các Tỳ kheo, thế nào là mục đích Sa-môn hạnh? Này các Tỳ kheo, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si.”[14] và “Này các Tỳ kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ông như sau: Vì mục đích gì, này chư Hiền, phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama? ….Vì mục đích hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ, này chư Hiền, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn.”[15]
Đối với pháp tu khổ hạnh theo hướng cực đoan mà Ngài đã từng hành trì, đức Phật không tán dương nhưng Ngài đề cao lối tu này hơn pháp tu hưởng thụ. Ngài đã kinh qua cả hai pháp tu này và không thấy nó đưa đến mục đích rốt ráo của cứu cánh. Ngài rút ra được con đường trung đạo đưa đến mục đích tối hậu là giải thoát. Con đường trung đạo chính là bát chính đạo. Trong kinh Tương ưng bộ, Ngài dạy “Này các Tỳ kheo, thế nào là Sa-môn hạnh? Chính là Thánh đạo Tám ngành.”[16]
Như vậy, đời sống phạm hạnh giống như mưa móc thẩm thấu dần trong hành giả tu tập, nó làm cho hành giả thấm nhuần, tẩm ướt và sung mãn, dần khiến cho thân tâm nhất như, chuyên nhất, định tỉnh và đi thẳng tới đạo lộ giải thoát.
b. Tàm quý là cán càyTrong kinh nói “hirī īsā”[17] tàm quý là cán cày. Cán cày là vật quan trọng để cầm nắm, lái lưỡi cày. Không có cán cày thì sẽ không thể cày bừa ruộng được. Cũng vậy, tàm quý rất quan trọng trong đời sống tu tập, không có tàm quý thì không thể chỉnh sửa, thanh lọc tâm cấu uế trong ta, không thể lái và điều khiển tâm ta đi theo sở nguyện. Người không có tàm quý như kẻ trơ trơ, trơ trẽn, khó dạy, ngang bướng, ngã mạn, kiêu căng và hống hách, là người khó dạy, không chịu tiếp thu ý kiến bên ngoài, không biết kiểm lỗi mình thì không thể có đời sống tâm linh an lạc. Họ sống nhưng với tâm hướng trong năm dục và si mê để rồi phải đi vào đọa xứ. Trong kinh Tăng chi nói rõ “Ví như, này các Tỳ kheo, một cây không có cành và lá, các mầm non của cây ấy không đi đến thành mãn, vỏ trong, giác cây, lõi cây không đi đến thành mãn. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, khi tàm quý không có, với người không có tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt ... giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt.”[18]
Tàm quý là khi mình có lỗi, mình hối hận, ăn năn hổ thẹn với lỗi lầm ấy. Hổ thẹn với điều sai trái, ái ngại với bạn đồng tu, vì sao ta cũng như bạn nhưng bạn làm được mà ta lại làm không được? Tàm là hổ thẹn với mình và quý là hổ thẹn với người. Ví như khi nhận vật phẩm cúng dường ta phải biết tàm quý, suy xét xem mình có xứng đáng để nhận sự cúng dường hay không, có xứng đáng với sự phát khởi tín tâm cung kính của người dâng cúng đối với mình hay không? Người có tàm quý biết những điểm yếu, thiếu kém của mình, biết tìm bậc phạm hạnh học theo để mong bản thân mình cũng được đời sống phạm hạnh như các vị ấy, biết so sánh với huynh đệ tốt hơn mình và hổ thẹn với những gì mình sai sót vi phạm trong đời sống tu tập, nhờ đó mà thay đổi và làm mới bản thân, mỗi ngày mỗi thấy sự thay đổi tốt đẹp ở trong ta. Để có tinh thần tàm quý vị ấy phải luôn sống trong giới luật, sợ hãi vi phạm ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất, vị ấy sống thu thúc ba nghiệp, hộ trì căn môn, tích chứa từng chút phước đức nên đạo lộ tu tập được hanh thông và ít chướng duyên. Vị ấy hướng tâm mình đến nhàm chán, viễn ly tham dục và các ác bất thiện pháp, chứng đạt thiền định, đạt trí huệ sáng suốt, được giải thoát tri kiến.
Vị Bà La Môn Bhāradvāja có nhiều của cải, nhiều gia nhân hầu hạ, giúp việc nên ông vốn kiêu căng, trịnh thượng, ngạo nghễ và không bao giờ suy xét lại việc mình đã làm, luôn tự đắc, tự cao, tự hào,… và có kiến chấp về kiến thức của mình. Khi gặp đức Phật ông có thái độ ngạo nghễ, khinh lờn, ngộ nhận công việc cày cấy phải có sự thật việc thật,… nhưng do còn chút thiện duyên nên khi nghe đức Phật giảng giải về công việc cao quý của người xuất gia ông đã hiểu và biết suy xét đúng sai, biết nhìn lại để suy nghĩ, có tinh thần lắng nghe, học hỏi và làm mới bản thân. Ông sửa lỗi bằng cách chấp nhận và xác chứng đức Phật chính là người nông phu chân chính. Vì thấy kết quả việc cày ruộng của đức Phật là thanh cao và có lợi ích lớn cho đời sống tâm linh nên ông đã từ bỏ đạo Bà La Môn xin trọn đời quy y Phật. Tinh thần hiểu ra vấn đề khi có người chỉ lỗi là tinh thần tàm quý. Nhờ có tàm quý mà Bhāradvāja đã quy y và kính tin Tam bảo nên không đọa lạc vào ác đạo.
c. Ý căn là dây cột“Mano yottaṃ”[19] ý căn là dây cột. Dây cột có công năng giữ, lôi kéo, níu lại bất cứ thứ gì nó cột vào, không để cho vật bị cột thất lạc, mất, hay tự ý đi lung tung. Dây cột trong việc cày ruộng là dây cột vật kéo như trâu, bò. Nhờ cột như vậy mà con trâu, bò phải đi theo ý muốn của người chủ, dễ chăn dắt, dễ huấn luyện và dễ điều khiển khi kéo cày. Ý căn cũng vậy, phải dán chặt ý căn vào đối tượng, không rời đối tượng thì ý mới không chạy lăng xăng, không lao xao như khỉ chuyền cành. Mục đích xuất gia của chúng ta là giải thoát, chúng ta hàng ngày phải cột chặt tâm, chỉ hướng tâm theo một ý nguyện duy nhất, bất cứ khó khăn gì cũng không thối lui vì ý nguyện ấy đã biến thành sức mạnh và làm định hướng cho lộ trình tìm cầu giác ngộ. Trong quá trình thực hành cũng vậy, chúng con không để tâm vọng động chạy theo trần duyên, chúng con cột chặt tâm ý mình trên đề mục tu tập.
Đức Phật dạy pháp môn niệm hơi thở, dán chặt tâm vào đề mục hơi thở, thấu triệt hơi thở trong ta đang thở vô hay đang thở ra, hơi thở ngắn hay dài, hơi thở cả toàn thân, hơi thở an tịnh thân hành,… . Với sự dán chặt tâm trên đối tượng hơi thở như sợi dây buộc chắc, cột chặt, dính liền nên tâm không còn điên đảo mộng tưởng, không còn mơ tưởng viễn vông, tâm an trú trong chính niệm, tỉnh giác. Trong kinh Tăng chi nói: “Tỳ kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỳ kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ nhãn căn, thực hành sự phòng hộ nhãn căn.”[20] Khi căn tiếp xúc với trần, chỉ dừng lại ở đây mà không có tác ý, không phóng tâm thì sẽ không có thích hay không thích trần cảnh tiếp xúc. Nhờ đó mà không có đau khổ khi yêu thương không được, hay khi gặp cái không vừa lòng. Ý căn được cột chặt trên các thiện pháp, trên pháp môn tu thì đâu còn chỗ cho các bất thiện len lỏi vào trong ruộng đất tâm này được.
Ý căn được đức Phật ví như sợi dây, biểu hiện cho sự cột chặt, không rời vì vốn dĩ ý căn/tâm của một người chưa tu dao động không yên tĩnh như khỉ chuyền cành, nó luôn chạy nhảy và lăng xăng. Vậy nên phải cột nó lại không cho vọng động điên đảo nữa. Tâm của người có tu tập luôn thuần thục, đầm tính, nhẹ nhàng nhưng vững chắc, không có sự dao động, chao đảo, tâm tĩnh lặng như mặt nước trong, không gợn sóng. Trong nhà thiền có “thập ngưu đồ” là ám chỉ cho việc chăn dắt tâm mình. Nhìn bề ngoài người đời nghĩ rằng người tu an nhàn, vô lo vô nghĩ. Nhưng bên trong không phải vậy, đệ tử Phật luôn đêm ngày phản tỉnh và vun đúc thân tâm, luôn tinh tấn để chiến đấu với nội ma, bởi chiến thắng giặc bên ngoài thì dễ, chiến thắng chính nội tâm mình mới là chiến công oanh liệt nhất:
“Yo sahassaṃ sahassena,
Saṅgāme mānuse jine
Ekañca jeyyamattānaṃ
Save saṅgāmajuttamo”[21]
Nếu như người nông dân chỉ khổ cực về thân thể thì người xuất gia phải khổ cực về trí tuệ và tinh thần. Để chiến thắng nội ma thì cần sự tinh cần, nỗ lực không ngơi nghỉ, cần trí tuệ sáng suốt để chặt tan những vô minh, không rơi vào các cạm bẫy của ngũ dục lạc. Những người phàm phu không biết việc làm đi ngược dòng sinh tử và đích đến rốt ráo mà người xuất gia muốn tìm về, dám hy sinh cả đời sống hưởng thụ thế gian để giữ mình trong đời sống phạm hạnh mẫu mực mong đạt giác ngộ nên họ có cái nhìn sai lạc về hình ảnh người xuất gia là trốn đời, bi quan, yếm thế. Họ không hiểu rằng trong các công việc, sự tu tập của tu sĩ là vĩ đại và cao thượng nhất, việc làm ấy đem đến lợi ích cho số đông, vì an lạc và hạnh phúc cho khắp quần sinh. Đúng theo hạnh nguyện mà đức Phật đã thị hiện trong cõi đời ô trược này là vì muốn đem đến hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người “yāvañca so bhagavā bahujanahitāya paṭipanno bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ.”[22]
d. Hộ trì thân nghiệp và khẩu nghiệp là quản thúc vật kéo“Kāyagutto vacīgutto, āhāre udare yato.”[23] Thân hành và khẩu hành được hộ trì. Thực ra phần này có thể ghép chung với “phần c” thành hộ trì tam nghiệp, nhưng người viết để riêng ý căn làm một phần vì hai lý do. Thứ nhất là vì giải thích đi theo tuần tự của chính văn. Thứ hai là vì hộ trì ý căn là quan trọng nhất, bởi: “ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo”[24]. Khi có lời nói thiện ác hay hành động thô xấu là do ý căn chỉ đạo. Người xuất gia luôn thành tựu về khẩu nghiệp và thân nghiệp, nhưng ý nghiệp thì rất khó. “Có ba nhân duyên này, này các Tỳ kheo, khiến các nghiệp khởi lên. Thế nào là ba? Tham là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Sân là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Si là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên.”[25] Ý nghiệp được ví như gốc cây, còn thân và khẩu nghiệp chỉ như thân và lá cây. Thân và lá cây dễ dàng cắt bỏ vì nó là mặt nổi, cội gốc cây thì khó trừ bỏ. Thành tựu về ý nghiệp thì đồng nghĩa với tam độc bị nhổ sạch, vị ấy chứng quả vị Arahaṃ.
Người xuất gia sống trong đời sống phạm hạnh, giữ gìn oai nghi, hành trì giới luật nên lời nói và hành động được thu thúc, nhẹ nhàng và vi tế, không thô tháo như người nông dân, ăn to nói lớn, hành động thô thiển. Trong kinh Trung bộ, đức Phật dạy Rahula: “Này Rahula, khi ông muốn làm một khẩu nghiệp gì, hãy phản tỉnh khẩu nghiệp ấy như sau: Khẩu nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai, khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Một khẩu nghiệp như vậy này Rahula, nhất định chớ có làm.”[26] Tức là trước khi nói hay làm đều phải suy xét trước sau, lợi hại ra sao? ảnh hưởng tới những ai? Nên làm hay không? Bởi “phàm làm gì phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Nếu ta cứ ăn nói và hành động thô tháo, vô độ, không làm chủ thân và khẩu thì hậu quả gây ra rất nghiêm trọng.
Thân hành là hộ trì trong tứ oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm và trong các oai nghi nhỏ nhặt: co tay, duỗi tay, đắp y, mang bát,… Thân hành là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không làm những hành động xấu ác, từ việc nuôi mạng sống cũng phải chân chính, không nuôi thân mạng này trên cái chết của chúng sinh, không vì hám danh lợi mà làm ra những thứ độc hại người, khiến cho gia đình người tán gia bại sản, không hạnh phúc. Ví như buôn thuốc phiện, ma túy. Việc canh tác của nông dân cũng mang nhiều đau khổ cho chúng sinh, khi sới đất lên làm ruộng có bao côn trùng thiệt mạng, nhưng chỉ vì nuôi mạng sống, nuôi gia đình mà người nông phu phải làm. Người tu sĩ vì tránh nghiệp về thân nên chỉ ăn đồ ăn khất thực, sống tiết độ trong tứ vật dụng, coi tứ vật dụng như phương tiện nuôi thân để ta thành tựu đạo nghiệp. Nhờ tiết độ như vậy mà không có nhu cầu tìm kiếm năm dục lạc, không bị chúng súi dục tạo nghiệp về thân. Dừng được nghiệp về thân là giảm bớt sự gieo duyên luân hồi trong sáu cõi, hiện tại làm thánh thiện bản thân.
Khẩu hành là hộ trì trong bốn điều: không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác và không nói lời phù phiếm. Đức Phật dạy rằng “Tỳ kheo nói lời thiện thuyết, không nói lời ác thuyết, nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp, nói lời ái ngữ, không nói lời ác ngữ, nói lời chơn ngữ, không nói lời phi chơn. Ðầy đủ bốn đức tính này, này các Tỳ kheo, lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, vô tội và không bị người có trí chỉ trích.”[27] Vậy nên khi nói năng hay im lặng cũng phải như chính pháp, lời nói ra mà mang đến an lạc cho mọi người, lời nói chân thật và tạo không khí hòa hợp thì ta hãy nói. “Có năm loại ngôn ngữ mà các Người có thể dùng khi nói với các người khác: đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm.”[28] Đối với người nông phu nói riêng, người thế tục nói chung thường có những lời nói trong phi thời, nói không chơn thật, lời nói thô tháo, sân hận, không mang lại lợi ích chỉ mang đến phiền não cho mọi người. Vì họ không làm chủ được lời nói của mình, nhiều khi câu trước thốt ra nhưng câu sau họ đã không biết mình mới nói gì. Họ nói trong sự bộc trực, vô độ, không kiềm chế, không kiểm soát. Người xuất gia thì luôn hộ trì khẩu hành: “Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm.”[29] Lời nói của người xuất gia nói ra như mưa lành giải khát, chứa đựng từ tâm bao phủ và lan tỏa trong mọi chúng sinh. Cho chúng sinh có năng lượng bình an, sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.
Ta phải tu tập thân - khẩu - ý, đừng để những lỗi lầm phát sinh, nhất là khẩu nghiệp ta rất dễ vi phạm, lời nói đã nói ra thì không bao giờ rút lại được, nhân gian có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” cũng vì lẽ này. Ta phải biết im lặng, nói năng đúng pháp của các bậc thánh. Ba nghiệp được hộ trì giống như vật kéo bị quản thúc và được huấn luyện thuần thục. Với ba nghiệp thuần thục trong thiện pháp tạo duyên cho định và huệ phát sinh. Thân, khẩu và ý luôn chân chính thì nó thuộc chính ngữ/sammāvācā, chính nghiệp/sammākammanta, chính mạng/sammājīva. Tam nghiệp được hộ trì thì đây là cõi cực lạc trần gian. “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương.”
e. Nhổ lên mọi tà vạy là nhổ cỏ, trừ sâu“Saccaṃ karomi niddānaṃ, soraccaṃ me pamocanaṃ”[30] nghĩa là:
“Ta nhổ lên tà vạy
Với chơn lý sự thật
Hoan hỷ trong Niết-bàn
Là giải thoát của ta.”
Nhổ lên tà vạy là nhổ lên và đoạn trừ tận gốc mười thứ kiết sử/saṁyojana, chúng sai khiến và đưa ta trầm luân trong bể khổ. Mười kiết sử gồm: Năm hạ phần kiết sử/orambhagiya saṁyojana: Thân kiến/sakkāyadiṭṭhi, nghi/vicikicchā, giới cấm thủ/sīlabbataparāmāsa, tham/lobha và sân/dosa. Năm thượng phần kiết sử/uddhambhāgiya saṁyojana gồm: Sắc ái/rūparāga, vô sắc ái/arūparāga, mạn/māna, trạo cử/uddhacca và vô minh/avijjā. Người nông dân muốn thu hoạch được hoa màu có chất lượng, đạt năng xuất thì phải chăm chỉ nhổ cỏ và trừ sâu cho cây trồng. Nếu không nhổ cỏ thì cỏ dại sẽ lấn chiếm và làm chết hoa màu, những cây hoa màu còn sống sót cũng thiếu chất dinh dưỡng, bị tong teo, èo uột không cho ra nông sản có chất lượng. Người tu sĩ trên lộ trình thanh tịnh đất tâm cũng vậy, muốn tâm trong sạch, lắng trong thì phải lau chùi, gột rửa tâm. Ngài Thần Tú nói:
“Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh kính đài
Thời thời cần phất thức
Vật sự nhạ trần ai”[31].
Trong tâm này có 16 thứ tâm cấu uế[32] nên hành giả phải loại bỏ và làm thanh tịnh tâm mình. Cũng ví như trong Vatthūpama Sutta nói: “Như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm,… vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm không sạch sẽ. Vì sao vậy, này các Tỳ kheo, vì tấm vải không được sạch sẽ”[33].
Vậy nên, tâm cấu uế trong ta phải loại trừ, gột rửa hàng ngày. Tâm cấu uế như cỏ dại, bụi bẩn, ta lau sạch, nhổ sạch nhưng một thời gian nó lại có. Vì sao vì còn trong đỗi đãi, còn trong cõi dục này. Tâm cấu uế hết khi hành giả đạt đến quả vị thứ ba là Bất lai/Anāgami, các kiết sử đã đoạn tận, hành giả bước vào quả vị Arahaṃ.
2.3. Định – sự chăm chỉ vun trồng của người nông phu
a. Chính niệm là lưỡi cày và gậy đâm“Sati me phālapācanaṃ”[34] chính niệm là lưỡi cày và gậy đâm. Hình ảnh lưỡi cày luôn đại diện cho những gì có tính chất sắc, nhọn, bén. Gậy đâm ám chỉ sự thôi thúc, thúc giục, sách tấn. Cũng như những vật kéo chỉ cần vung roi gậy chưa cần đánh là vật kéo đã làm việc nhanh lẹ, không ì ạch. Cũng vậy, chi phần chính niệm/sammāsati đại diện cho sự liên tục, không gián đoạn, là chi phần nổi trội và sắc bén nhất trong ngũ lực, nếu như bốn lực kia là: tín, tấn, định và huệ phải giữ quân bình với nhau thì niệm phải luôn nổi trội và đi đầu. Trong suốt quá trình hành trì pháp tu, niệm phải luôn hiện hữu. Đức Phật dạy: “Tỳ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỳ kheo, là Tỳ kheo chính niệm. Sống quán thọ trên các cảm thọ ... quán tâm trên tâm ... quán pháp trên các pháp.”[35] Niệm ngay trong sát-na hiện tại. Khi nghĩ tưởng quá khứ, mơ tưởng tương lai là ta đã thất niệm. Niệm là niệm trong tứ niệm xứ/cattāro satipaṭṭhāna, gồm:
Quán niệm trên thân/kāyanupassanā có sáu đề mục chính:
- Quán niệm hơi thở/ānāpāna: thở vào mát, thở ra nóng.
- Quán niệm trên tứ oai nghi/iriyāpatha: đi, đứng, nằm ngồi, đều hay biết một cách rõ ràng, chú tâm tỉnh giác.
- Quán niệm trên các tiểu oai nghi/sampajāna: “Tỳ kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay, đều tỉnh giác; khi mang y, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nếm đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác. Như vậy, là Tỳ kheo tỉnh giác.”[36]
- Quán niệm thân ô trược/paṭikūla manasikāra: Ba mươi hai thể trược: tóc, lông, móng, răng, da,… .
Quán niệm trên các giới phần, quán tứ đại/dhātumanasikāra: Đất, nước, gió, lửa.
Quán niệm tử thi từ lúc mới chết cho tới khi chỉ còn bộ xương trắng.
Quán niệm trên các cảm thọ/vedanānupassanā gồm có chín thọ: 3 cảm thọ chính gồm dukkhā, sukhā, adukkhamasukhā cộng với ba loại thọ trên thuộc hiệp thế/gehasita và ba loại cảm thọ trên thuộc siêu thế/nekkhamma.
Quán niệm trên tâm/cittānupassanā gồm có 16 đề mục, chia làm tám cặp: 1. Tâm có tham. 2. Tâm không có tham. 3. Tâm có sân. 4. Tâm không có sân. 5. Tâm có si. 6. Tâm không có si. 7. Tâm có hôn trầm. 8. Tâm có phóng túng. 9. Tâm có hành cảnh lớn. 10. Tâm không có hành cảnh lớn. 11. Tâm hữu hạn dục giới. 12. Tâm vô thượng thuộc sắc giới và vô sắc giới. 13. Tâm định. 14. Tâm không định. 15. Tâm giải thoát. 16. Tâm không giải thoát.
Quán niệm trên các pháp/dhammānupassanā gồm có năm đề mục: quán niệm trên năm triền cái/nīvaraṇa, quán niệm trên năm thủ uẩn/upādānā khandha, quán niệm trên sáu nội giới và sáu ngoại giới/āyatana, quán niệm trên bảy giác chi/bojjhaṅga, quán niệm trên tứ đế/ariya sacca.
Chính niệm rất quan trọng, nó quyết định đến sự thành hay bại của hành giả, như cày đất mà lưỡi cày bị hư bị cùn không sắc bén thì không thành tựu việc cày. Chính niệm cần sự liên tục, nhịp nhàng, đều đặn không đứt quãng, cày mà đứt quãng thì bị bỏ sót đất, bị lỏi đất, đất không thể làm tơi sốp. Vậy nên trong kinh nói “Này các Tỳ kheo, với người không có chính niệm, tỉnh giác, tàm quý đi đến hủy diệt, chế ngự các căn đi đến hủy diệt, giới đi đến hủy diệt, chính định đi đến hủy diệt, tri kiến như thật đi đến hủy diệt,… giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt.”[37] Chính niệm có mặt trong hầu hết các phẩm trợ đạo, là yếu tố cần thiết trong lộ trình tu tập. Như đi xa điều quan trọng nhất là nước và lương khô, chính niệm cũng quan trọng như vậy.
b. Tinh tấn là khả năng mang ách
Đi cùng với chính niệm là tinh tấn, trong kinh nói “Vīriyaṃ me dhuradhorayhaṃ, yogakkhemādhivāhanaṃ.”[38] Tức là:
“Tinh tấn đối với ta
Là khả năng mang ách
Đưa ta tiến dần đến
An ổn khỏi ách nạn.”
Vật kéo mang ách trên cổ, lúc đầu đi có vẻ nhẹ nhàng, nhưng về lâu dài sẽ bị đuối sức, lúc này nếu không có gậy đâm thì vật kéo cứ ù lì không chịu đi, nhờ có gậy đâm mà vật kéo biết sợ và cố gắng, nỗ lực hơn để không bị người chủ đánh. Cũng vậy, hành giả khi tu tập một thời gian dài thì dần sinh tâm chán nản, làm biếng, trễ nải. Không có chính niệm thôi thúc, không có sự tinh tấn thì khó có khả năng chịu đựng và kham nhẫn vượt qua mọi chướng ngại, thử thách để tiếp tục bước đi mà dễ bị thối lui, nản chí muốn bỏ cuộc, buông suôi.
Chính tinh tấn/sammāvāyāma có bốn loại: “Tỳ kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sinh, khởi lên ý muốn không cho sinh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các ác, bất thiệp pháp đã sinh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các ác, thiện pháp chưa sinh, khởi lên ý muốn làm cho sinh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp đã sinh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.”[39] Tinh tấn phải là trong thiện pháp, đối với các ác bất thiện pháp thì hành giả phải loại bỏ không cho nó có mặt và sinh khởi. Tinh tấn trong bất thiện pháp như người ăn trộm, họ nỗ lực, kiên trì đi trong đêm tối, không ngủ để chờ đợi gia chủ ngủ say trộm đồ. Trong tà tinh tấn của kẻ trộm này còn có cả tà chính niệm, người này phải rón rén từng bước cẩn trọng, thở nhỏ để không tạo ra tiếng động.
Một vị Tỳ kheo tinh tấn hành thiền miên mật từ khi thức giấc tới khi đi ngủ, luôn chính niệm tỉnh giác tu tập, thời gian cho sinh hoạt cá nhân rất ít, một ngày chỉ ngủ khoảng 3 hoặc 4 tiếng “Tỳ kheo ban ngày, khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh một, khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh giữa, nằm xuống như con sư tử về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chính niệm tỉnh giác, tác ý tưởng thức dậy, ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái.”[40]
Kết quả của việc cày ruộng là tùy thuộc vào sức mang ách và khả năng chịu đựng bền bỉ khi kéo cày của vật kéo và người chủ dắt vật kéo. Sức yếu và nhanh chán nản thì kết quả cày ít, sức mạnh và chăm chỉ thì cày được nhiều. Theo quy luật domino thì năng xuất tùy thuộc vào việc ruộng được cày nhiều hay ít, độ tơi xốp của đất có hay không. Tinh tấn trong tu tập cũng vậy, tinh tấn không đủ mạnh và nỗ lực liên tục thì khó thành tựu.
2.4. Trí tuệ là cày và ách
“Paññā me yuganaṅgalaṃ”[41] trí tuệ là cày và ách. Ách là vật cột trên cổ trâu, bò kết nối với cày bằng các dây chão để vật kéo có thể kéo cày dễ dàng và tạo năng xuất công việc. Cày bao gồm toàn bộ lưỡi cày, cán cày,… . Đây là vật tiên quyết tạo nên những vỡ cày, chém đứt mọi cỏ dại, úp mặt đất xuống để phần đất mới được lật lên tạo màu mỡ cho đất. Có thể nói cày và ách là dụng cụ quan trọng nhất của người làm nông. Trí tuệ cũng vậy, trí tuệ có công năng đoạn trừ và chặt đứt mọi kiết sử, phiền não và vô minh. Trí tuệ giúp cho hành giả thấy rõ thực tướng của các pháp đúng như nó là, các pháp vốn mang ba đặc tính là vô thường/aniccatā, khổ/dukkhatā và vô ngã/anattatā. Với trí tuệ vị ấy thấy rõ được pháp Tứ đế “Vì có tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là trí tuệ. Có tuệ tri gì? Có tuệ tri: Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là Con đường đưa đến Khổ diệt.”[42]
Trí huệ/paññā được ví như ánh sáng phá trừ bóng tối vô minh, có đặc tính là nhận chân bản chất thật của các pháp vốn là tạm bợ, mong manh, sinh diệt tương tục, vô thường, giả tạm, khổ đau và không có thật tánh. Trí tuệ cũng là cái biết nhưng là cái biết tường tận, rõ ràng, thấu đáo, cái biết này do tu thiền quán mới có. Còn cái biết thông thường, kiến thức của người thế tục chỉ là cái biết của tưởng/saññā và của thức/viññāṇa mà thôi. Nhưng để có thể phát huy được trí huệ thì phải trải qua quá trình của học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi, suy tư và chiêm nghiệm. Danh từ Phật học gọi đó là văn tuệ/sutamaya ñāṇa, tư tuệ/cintāmaya ñāṇa và tu tuệ/bhāvanāmaya ñāṇa.
Khi đạt được trí huệ, tâm chúng con không còn si mê, vọng chấp, tâm cấu uế bị đoạn diệt tận gốc, tâm thanh tịnh hiển bày, ánh sáng xuất hiện thì bóng tối tiêu tan, trí huệ có mặt thì vô minh đoạn tận, phiền não mất thì giải thoát là đây. Vậy nên nói: “phiền não tức bồ-đề”, “vô ngã là Niết-bàn”, “đối với tự thân đã giải thoát, trí khởi lên: Ta đã giải thoát, sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”[43]
Trí tuệ gồm chính kiến và chính tư duy, đức Phật nói về chính kiến như sau “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sinh được sinh khởi, các pháp thiện đã sinh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này các Tỳ kheo, như chính kiến. … Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sinh không sinh khởi, và các pháp bất thiện đã sinh bị đoạn diệt, này các Tỳ kheo, như chính kiến.”[44] Sammādiṭṭhi: Là cái thấy cái nhìn đúng đắn, chân chính, hiểu rõ và thấy được pháp nào là thiện, pháp nào bất thiện, con đường nào thanh cao, con đường nào hạ liệt. Chính kiến quan trọng và đi đầu trong bát chính đạo. Để có chính kiến thì không gì khác hơn việc thân cận thiện hữu tri thức, học pháp, hành pháp, cung kính và thuần thục pháp.
Chính tư duy/sammāsaṅpappa: Là suy nghĩ chân chính, ý nghĩ chơn chính. Là suy nghĩ, tư duy về đoạn trừ tham - sân - si, có tâm từ và tâm bi. Với tư duy chơn chính, không có tưởng, nên đã buông bỏ được những tư duy tiêu cực thay thế vào là những tư duy thiện. Đức Phật dạy “Này các Tỳ kheo, thế nào là chính tư duy? Chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy.”[45] Với tư duy chân chính đưa đến hành động và lời nói chân chính, không sai trái. Chính tư duy bắt nguồn từ sự hiểu biết chân chính, nên chính tư duy và chính kiến có liên hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau đưa đến nhận thức ngày càng rõ rệt bản chất của các pháp.
2.5. Giải thoát – Nibbāna là nông sản thu hoạch của việc cày ruộng
“Gacchati anivattantaṃ, yattha gantvā na socati”[46] nghĩa là khi thực hành được các pháp như trên thì thẳng tiến lên không còn trở lui, nơi mà hành giả đi đến là không sầu, không khổ. Là cảnh giới của an lạc rốt ráo “evamesā kasī kaṭṭhā, sā hoti amatapphalā”[47] cày ruộng như lời đức Phật chỉ dạy đưa đến quả bất tử và được quả giải thoát “etaṃ kasiṃ kasitvāna, sabbadukkhā pamuccatī’ti”[48]
Thu hoạch hoa màu là hạnh phúc của người nông phu. Vì sau bao năm tháng bỏ công sức, tiền bạc ra để mong có cái ăn lo cho gia đình. Khi được mùa, người nông dân hạnh phúc vô cùng, họ liên hoan và tiệc tùng ăn mừng. Kết quả nông sản cũng thể hiện khả năng lao động và sự giỏi giang trong công việc của người nông phu. Cũng vậy, khi đạt quả bất tử, đạt giải thoát cũng nói lên khả năng tu tập tinh tấn, sự miệt mài khổ luyện và ý chí quyết tâm của một hành giả. Có công thì có quả. Người nông dân gieo nhân vật chất thì đạt quả trong vật chất, hành giả tu hành gieo nhân tinh thần thu lại quả vị tinh thần. Quả giải thoát là quả vị rốt ráo mà người con Phật ai cũng muốn hướng về, giải thoát giúp cho đời sống hiện tại an lạc, vị lai không còn tái sinh trong lục đạo luân hồi. Người bình thường cũng có thể tu tập pháp môn nhà Phật, vì giải thoát có nhiều cấp bậc khác nhau. Giáo lý nhà Phật luôn là quan điểm và cách sống an lạc trong hiện tại. Vậy ta nên gieo nhân gì để hiện tại lạc an? Không gì khác hơn là vun trồng mảnh đất tâm linh, chăm sóc vườn tâm mình. Chỉ có Tam bảo mới là nơi giúp đời sống tâm linh hướng thượng, tìm về giải thoát.
III. Sự cày ruộng của nông phu và sự cày ruộng của đức Phật
3.1. Sự cày ruộng của người nông phu
Công việc cày ruộng của nông phu là sới đất, đắp đê, gieo hạt giống, làm cỏ trừ sâu. Họ chỉ biết lo cho đời sống vật chất, họ không biết vun trồng đời sống tâm linh. Họ chỉ biết lợi ích trước mắt mà không hiểu rằng những thứ thuộc vật chất có rồi lại mất, chúng chỉ đáp ứng nhu cầu nhất thời, không phải là tài sản lâu dài, chỉ có phước đức và công đức tu tập mới là tài sản bền lâu. Vì không nhận ra được nên người nông dân nói riêng và người thế gian nói chung chịu khổ đau trong luân hồi. Đức Phật dạy nhân của khổ chính là do “Kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, người ấy quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Ðối với vị ấy, sắc ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi sắc ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc. Các pháp ưu não sinh khởi do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc sau khi xâm nhập tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sinh khởi và ưu não.”[49]
Người xuất gia không lo tu tập, không lo sống đời sống phạm hạnh thì không khác người thế tục, chỉ khác ở hình thức, thân xuất gia mà tâm không xuất gia. “Ở đây, này Tỳ kheo, có người thọ tà giới, theo ác pháp, bất tịnh, có những hành vi đáng nghi ngờ, có những hành động che đậy, không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không phải Phạm hạnh nhưng hiện tướng Phạm hạnh, nội tâm bị hủ bại, đầy dục vọng, là một đống rác bẩn.”[50] Họ không những có đời sống tâm linh không trong sạch, không có phước đức và công đức mà còn gieo nhân xấu chịu quả xấu.
Người nông phu chỉ là một phàm phu nên cảm xúc bị chi phối trong đầy đủ tám pháp thế gian/lokadhamma: lābha/được, alābha/mất, yasa/vinh, ayasa/nhục, nindā/chê, pasaṃsā/khen, sukha/vui, dukkha/buồn, cùng với những hỷ, nộ, ái, ố, tật, san,… do vậy không thể huân tập tánh thuần thục như đệ tử Phật. Họ sống luôn trong sự cạnh tranh hơn thua, ngạo nghễ, được thì tự đắc, bại thì tự ti,… không có tàm quý, cứ như con thiêu thân lao vào bóng đèn chết cháy cũng không biết do đâu.
3.2. So sánh sự cày ruộng của nông phu và của đức Phật
Sự cày ruộng của người nông dân là theo mùa vụ, có khi nghỉ làm vì thời tiết vì nhân lực,… . Sự cày cấy của đức Phật là lộ trình tu tập Giới – Định – Tuệ, lộ trình này xuyên suốt không gián đoạn, tiến thẳng theo nấc thang lên dần. Sự cày ruộng của người nông dân là làm vật chất, phải cày ruộng ở ngoài đồng, với những vật dụng thực tế, thuộc pháp thế gian. Sự cày ruộng của đức Phật là cày ở trong tâm, là tu tập Giới – Định – Tuệ, vun bồi mảnh đất tâm linh, đây là pháp thuộc xuất thế gian. Người nông dân làm cày ruộng tạo ra hoa màu nhưng tất cả nó chỉ là vật chất, sử dụng trong nhất thời, kết quả trong hiện tại, có dư giả thì để cho con cháu, nhưng không cẩn thận thiếu phước đức thì cũng bị: lửa, nước, trộm, vua quan tịch thu, con bất hiếu tiêu phá hết. Trong khi tài sản tu tập và chăm sóc vườn tâm là tạo phước đức và công đức không bao giờ bị mất, là hành trang để tái sinh trong các cảnh lành.
Xét thêm khía cạnh khác, tài sản hoa màu làm ra tùy thuộc vào sự chăm chỉ của người nông phu, khi người nông dân tinh tấn, đầu tư, tính toán hợp thời, hợp lý, chăm lo cho ruộng vườn bao nhiêu thì sẽ cho kết quả vụ mùa bấy nhiêu. Nó phụ thuộc rất lớn vào sự bỏ công chăm sóc và đầu tư đúng mức của người nông phu. Nếu không cẩn thận thì sẽ bị mất mùa, thất thu và chịu sự đói kém. Cũng vậy, trên lộ trình tu tập Giới - Định - Tuệ, người tu sĩ phải có dụng công, niềm tin, tinh tấn và tinh thần tự giác. Như người uống nước nóng lạnh tự biết. Trong quá trình tu tập ba phẩm hạnh phải luôn duy trì và phát triển đó là: ātāpi/tinh cần, satimā/chính niệm và sampajāno/tỉnh giác, có như thế hành giả mới đạt quả giải thoát bất tử. Sự cày ruộng của đức Phật đem đến quả vị bất tử và giải thoát. Nếu ta không chịu tu tập mà chỉ nói suông thì không có kết quả.
IV. Bài học ứng dụng trong cuộc sống
4.1. Pháp thế gian và pháp Nibbāna
Pháp thế gian chỉ là tạm bợ, nhưng chúng có năng lực ma ám, mê mị, dụ dỗ, lôi kéo chúng sinh. Chúng ta đừng để những pháp thế gian ấy nhuốm bẩn tâm ta. Đức Phật dạy rằng “Này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật.”[51] Tài sản vật chất người thế gian kiếm được chỉ là tạm thời không giúp gì cho đời sống tâm linh cầu giác ngộ. Chỉ có pháp của Đức Từ phụ mới đưa chúng ta đạt đến mục đích cuối cùng. Chúng ta phải tinh tấn tu tập hơn nữa để là người thừa tự pháp chứ không phải là kẻ thừa tự tài vật. Bởi giữa hai con đường thế gian và Nibbāna chúng ta phải có lựa chọn rõ ràng:
“Aññā hi lābhūpanisā aññā nibbānagāminī
Evam etaṃ abhiññāya bhikkhu buddhassa sāvako
Sakkāraṃ nābhinandeyya vivekamanubrūhaye”[52]
4.2. Vun sới đất tâm tươi tốt
Tâm của chúng ta như mảnh đất, nếu để như vậy không chăm sóc thì mảnh đất ấy trở nên hoang vu và rậm rạp bởi cỏ dại vây quanh và sự lạnh lẽo khi không có sự chăm sóc, phát quang. Mảnh đất đó trở thành nơi trú ngụ của các loài thú dữ, là nơi dơ nhớp, chuột, muỗi mòng tụ hội, ruồi bọ chui rúc. Nếu ta không chăm sóc, vun sới thường xuyên thì năm thứ tâm hoang vu[53] mọc triền miên, những thứ tham - sân - si hẫy hừng, hỷ nộ ái ố theo cảnh sinh khởi, chúng ta sẽ không làm chủ được mình mà trái lại còn bị những thứ ấy lôi đi, sai sử, sống trong phiền não, khổ đau. Do tâm không được chăm sóc hàng ngày nên khô cằn, thô lỗ, cục mích, ganh ghét, tật đố, sam tham,… gây khổ đau cho người và cho chính bản thân mình.
Khi học bài kinh này, cho chúng ta biết bổn phận và trách nhiệm của mình là phải siêng năng nhổ sạch mọi phiền não, vun bồi cho mảnh đất tâm linh luôn tươi tốt với những tâm từ bi, vị tha, vô ngã, tâm thương yêu muôn loài, tâm vô tham, vô sân, vô si, tâm với đầy đủ của tứ chính cần, tứ như ý túc, tứ vô lượng tâm, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chính đạo phần. Đi đầu là phải nỗ lực, tinh tấn, tăng trưởng niềm tin, niềm tin chính là cội nguồn mọi công đức. Ta hãy sống hộ trì các căn để không cho những hạt giống bất thiện có cơ hội xâm nhập trong tâm khiến tâm bị nhơ nhớp không trong sạch; sống đời sống phạm hạnh, tiết độ, thiểu dục để huân tập những nhân lành, tạo môi trường cho chủng tử thiện được sinh trưởng tươi tốt.
Qua bài kinh này cũng cho chúng ta thấy được sự cực khổ của người nông phu, phải làm việc vất vả mới có tiền của vật chất. Nhất là trong thời buổi khủng hoảng kinh tế làm cho nhiều người thất nghiệp, đói khát khắp nơi, cộng thêm những thiên tai như bão lũ, động đất, hạn hán,… người dân đã cơ cực thiếu thốn nay lại càng chật vật kiếm sống hơn thế nhưng vì kính tin Tam bảo, vì mong muốn gieo hạt giống phước và hạt giống công đức mà họ nhín ăn nhín mặc đem cúng dường Tam bảo, đây quả thật là một sự hộ pháp cao quý. Vậy nên, tu sĩ càng phải gắng tu học để mong sao có thể xứng đáng với niềm tin yêu và sự gửi gắm ấy.
4.3. Tu tập Giới – Định – Tuệ
Rõ ràng rằng chỉ có con đường thanh tịnh tâm để đạt tuệ giải thoát mới là con đường cao thượng nhất. Trong kinh nói “Có một con đường Trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân, khiến tịnh nhãn sinh, khiến chân trí sinh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này chư Hiền giả con đường Trung đạo ấy là gì? Ðó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chính tri kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định.”[54] Đây là đạo lộ mà chư Phật đã đi, chư thánh Tăng cũng noi theo chư Phật đi trên con đường ấy. Bát chính đạo là đường mòn quen thuộc cho mọi hành giả tu tập, chỉ có ai với tâm dõng mãnh, nhiệt tâm, tinh cần, chính niệm không lui sụt thì mới về đến đích. Trên hành trình tìm về Phật tâm có nhiều chông gai, gian nan thử thách, nhưng chẳng có gì làm trở ngại khi chúng ta đã làm chủ và chiến thắng được bản thân mình.
Chúng ta phải thấy được sự quan trọng của đời sống phạm hạnh, sự tiết độ trong tứ sự, sự thiểu dục biết đủ, chính niệm tỉnh giác. Giới chính là nền tảng quan trọng trên lộ trình đưa chúng ta đến giải thoát. Nhờ có giới mà tâm được định tỉnh nhất tâm, từ đây đạt được trí tuệ minh sát thấy rõ và biết như thật về thực tướng của cuộc đời này vốn: Sabbe saṅkhārā aniccā, sabbe saṅkhārā dukkhā, sabbe dhammā anattā. Tu tập Giới – Định – Tuệ chính là thềm thang nâng bước chúng ta đi từ phàm/puthujjana sang thánh/ariyapuggala, chấm dứt khổ đau đạt giải thoát, Nibbāna.
4.4. Nhân quả
Bài kinh cho chúng ta bài học về nhân quả rõ ràng, thiết thực. Người nông gieo nhân trồng hoa màu được quả là nuôi sống bản thân và gia đình, có của dư để dành trang trải cuộc sống. Chư Phật và chúng đệ tử gieo nhân vun sới mảnh đất tâm để mảnh đất ấy màu mỡ làm ruộng phước điền cho chúng sinh gieo trồng phước đức. Quả vị chư Phật và chư Thánh đệ tử đã đạt được là quả bất tử, quả vị cho người thế gian đạt được là sự an lạc thân tâm trong hiện tại và tương lai.
Đức Phật từng nói về ví dụ nhân quả như sau: “Người nào hành trì hạnh con chó một cách hoàn toàn viên mãn, hành trì giới con chó một cách hoàn toàn viên mãn, hành trì tâm con chó một cách hoàn toàn viên mãn, hành trì uy nghi con chó một cách hoàn toàn viên mãn, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh thân hữu cùng với các loài chó.”[55] Bài học về nhân quả cho chúng ta cẩn trọng trong đời sống tu tập, cân nhắc việc làm của mình để không tạo nhân ác, gây quả xấu, góp nhặt từng chút phước duyên nhỏ, tích lũy thiện nghiệp để có quả báo tốt hơn trong tương lai.
Tổ sư Minh Đăng Quang nói con đường làm ruộng trải qua ba bậc từ thấp đến cao, có nghĩa là gieo nhân ở mức độ nào sẽ thành tựu quả ở mức độ đó. Làm người, làm thiên nhân, hay làm Phật sẽ có ba cách cày ruộng tương ứng “Như thế là có ba cách làm ruộng, Phật làm ruộng bằng tâm, bằng đạo đức, nuôi tất cả chúng sinh. Kết quả Niết-bàn vĩnh viễn, hưởng chơn như. Trời làm ruộng bằng trí, bằng thiện nuôi dưỡng xã hội, gia đình, kết quả trời ngàn năm lâu khá, hưởng tinh thần. Người làm ruộng bằng thân bằng ác, nuôi được gia đình nhỏ hẹp.”[56] Người nông phu còn trong tình thương vị kỷ, chỉ có thể lo cho bản thân và gia đình bé nhỏ, vì nhân họ gieo chỉ là công việc cày bừa tìm những thứ vật chất phục vụ cho sinh hoạt gia đình, khi chết phải trôi lăn trong lục đạo. Người có tâm rộng mở hơn họ làm thập thiện, tu bát quan trai nên quả đạt được là sự hưởng an vui tinh thần trong hiện tại và sinh thiên giới hưởng phước đức, khi phước báu hết họ vẫn đọa lạc. Chỉ có gieo nhân tin kính Tam bảo, tu tập Giới - Định - Tuệ, gieo chủng tử Phật, hành tứ niệm xứ thì mới đưa đến quả vị của rốt ráo, giải thoát mọi khổ đau.
4.5. Tinh thần lắng nghe và học hỏi
Đây chính là tinh thần của một hành giả cầu tu cầu học. Tinh thần này theo suốt lộ trình tu học và thành tựu của mỗi người. Ngay cả đức Phật cũng vậy. Ngài thực hành tinh thần này một cách đều đặn, khéo léo, thiện xảo và nhịp nhàng trong khi hoằng truyền chơn lý. Ngài luôn lắng nghe mọi nguyện vọng, thắc mắc, khó khăn, đau khổ của chúng sinh. Ngài lắng nghe với từ tâm và chính niệm nên bất cứ ai trình bày sự việc với Ngài đều được trở nên hoan hỷ với cách Ngài chỉ dạy, cách Ngài tháo gỡ khúc mắc và cách mà Ngài hướng dẫn phương pháp tu tập. Ngài chưa bao giờ cho mình là bậc Đạo sư, Ngài nói Ngài chỉ là người chỉ đường cho chúng sinh[57]. Khi với vai một người chỉ đường, không phải là vai một vị Thầy như vậy thì cách tiếp xúc và chia sẻ với mọi người sẽ khác, không mang tính áp đặt, bắt buộc, trịnh thượng, dạy dỗ mà luôn có sự lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ và học hỏi khi thấy điều đó là hay là đẹp.
Lắng nghe và học hỏi cần phát huy trong mọi hình thức, mọi đối tượng. Trong cuộc sống này luôn có các thiện tri thức quanh chúng ta. Có vị với từ tâm, lời nói từ ái chỉ dạy, có vị lại dùng thân hành chỉ dạy, có người hiện tướng hành bất thiện để cho chúng con tự thấy sợ mà rút ra bài học cho bản thân. Điều căn bản đó là chúng con phải luôn có sự tàm quý và biết nhìn lại chính mình để từ đây hoàn thiện bản thân hơn. Tinh thần lắng nghe và học hỏi mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi người, ta biết chia sẻ và cảm thông trong sai phạm của nhau, biết trải lòng thương đến mọi chúng sinh. Hạnh lắng nghe và học hỏi giúp chúng ta tăng trưởng tâm từ, bi, hỷ và xả. Ví như nhờ tinh thần lắng nghe và học hỏi mà vị Bà La Môn Bhāradvāja đã sớm quay về quy y Tam bảo, chuyển hướng tu tập để không còn tái sinh trong khổ cảnh.
Tóm lại, bài kinh Cày ruộng đã cho chúng ta thấy rõ được lộ trình tu tập của đức Phật và chư đệ tử để đạt đến quả vị bất tử. Chỉ với ví dụ gần gũi, mộc mạc ngay trong đời sống hàng ngày nhưng Ngài “Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chính pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích.”[58] Bài pháp này đã làm thức tỉnh bao chúng sinh vốn có tà kiến sai lầm về đức Phật và đệ tử của Ngài là vô công vô sự. Công việc của người tu sĩ là việc làm cao thượng và đem lại lợi ích an lạc cho tự thân và cả tha nhân trong đời sống hiện tại và gieo chủng tử Phật cho kiếp vị lai, làm thay đổi cách nghĩ và lối tư duy cổ hủ, góp phần làm cho đất nước phồn thịnh và sống đời sống an lạc, con người có đạo đức phẩm hạnh, biết tôn ty trật tự, biết nhân quả nghiệp báo, giữ thân tâm trong giới luật,… tất cả tạo nên nét đẹp văn hóa dân tộc thuần Phật giáo đầy thánh thiện và hiền lương trong mắt các quốc gia trên khắp năm châu.
Một bài pháp tuy đơn giản với những từ ngữ bình dân, thuần nông nhưng lại đem đến nhiều bài học thiết thực và hiện tại cho đời sống tâm linh. Giúp bất cứ một ai thấy sai và sửa đổi, biết chấp nhận trong sự hân hoan, bỏ tà về chính, đi theo dấu chân các bậc thánh để rồi bước trên con đường giải thoát. Người xuất gia phải xác định đạo và đời dứt khoát. Nếu xuất gia mà lo làm chuyện thế sự, lo tích cóp của cải thế gian, thì những vị xuất gia ấy cũng không khác gì những người nông phu kia chỉ biết thu gom vật thực, lo tạo các thứ vật chất phù du, tạm bợ, có đó rồi mất đó, sống như vậy uổng một kiếp tu hành.
Ni sinh Thích nữ Liên Luân Lớp Thạc sĩ Phật học khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM ***Tài liệu tham khảo 1. Chaṭṭha saṃgāyanā tipiṭaka. Select Pali Text Display Script. 2. Minh Châu, thích, dịch. Năm bộ Nikāya. Nxb Tôn giáo, 2017. 3. Minh Châu, thích, dịch. Kinh Pháp cú song ngữ. Nxb Tôn giáo, 2006. 4. Tổ sư Minh Đăng Quang. Chơn lý. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1998. 5. Trí Liên, Thích nữ. Giáo trình môn kinh Tương ưng, năm học 2020. 6. Trung Còn, Đoàn. Dịch. Pháp Bảo Đàn kinh. Nxb Tôn giáo, 2011
Chú thích: [1] Hòa thượng thích Minh Châu, Tăng chi III, Kinh Kalama, (Nxb Tôn giáo, 2017), tr.65. [2] S. I. 172. [3] S. I. 172. [4] M. I. 37. [5] D. II. Janavasabhasuttaṃ. 290. [6] Kinh Trung bộ, Kinh Tất cả các lậu hoặc, sđd, tr 25. [7] Saṅgha Ṭikā. 65. [8] M. I. 37. [9] Kinh Tăng chi, tập 2, sđd, tr 185. [10] Kinh Tăng chi, tập 1, sđd, tr 420. [11] S. I. 172. [12] Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Đại sư tử hống, sđd, tr 180. [13] Kinh Trung bộ, kinh Ratthapala, sđd, tr 499. [14] Tương Ưng bộ, tập 5, sđd, tr 46. [15] Tương Ưng bộ, tập 5, sđd, tr 49. [16] Tương Ưng bộ, tập 5, sđd, tr 45. [17] S. I. 172. [18] Kinh Tăng chi, tập 3, sđd, tr 417. [19] S. I. 172. [20] Kinh Tăng chi, tập 1, sđd, tr 202. [21] Dhammapada 103. [22] D. II. Janavasabhasuttaṃ. 285. [23] S. I. 172. [24] Pháp cú 01. [25] Kinh Tăng chi, tập 3, sđd, tr 96. [26] Kinh Trung bộ, tập 2, Kinh Giáo giới La hầu la ở rừng Am - bà - la, sđd, tr 180. [27] Kinh Tương ưng, tập 1, sđd, tr 415. [28] Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Ví dụ cái cưa, sđd, tr 287. [29] Kinh Tăng chi, tập 2, sđd, tr 701. [30] S. I. 172. [31] Đoàn Trung Còn dịch, Pháp Bảo Đàn kinh, (Nxb Tôn giáo, 2011), tr 06. [32] Kinh Ví dụ tấm vải, sđd, tr 61-62. [33] Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Ví dụ tấm vải, sđd, tr 61. [34] S. I. 172. [35] Kinh Tương ưng, tập 4, sđd, tr 341. [36] Kinh Tương ưng, tập 4, sđd, tr 341. [37] Kinh Tăng chi, tập 4, sđd, tr 44. [38] S. I. 172. [39] Kinh Tương ưng, tập 5, sđd, tr 378. [40] Kinh Tăng chi, tập 1, sđd, tr 203. [41] S. I. 172. [42] Kinh Trung bộ, tập 1, Đại kinh phương quảng, sđd, tr 640. [43] Kinh Ví dụ tấm vải, sđd, tr 64. [44] Kinh Tăng chi, tập 1, sđd, tr 66. [45] Tương ưng bộ kinh, sđd, tr 345. [46] S. I. 172. [47] S. I. 172. [48] S. I. 172. [49] Tương ưng bộ, tập 3, sđd, tr 37. [50] Tương ưng bộ, tập 4, sđd, tr 196. [51] Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Thừa tự pháp, sđd, tr 26. [52] Dhammapada 75. [53] Trung bộ kinh, kinh Tâm hoang vu, số 16, sđd. [54] Kinh Trung bộ, tập 1, Kinh Thừa tự pháp, sđd, tr 39. [55] Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Hạnh con chó, sđd, tr 116. [56] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tr. 458. [57] Kinh Trung bộ, tập 3, Kinh Ganaka Moggalana, sđd, tr 115. [58] Tương Ưng, tập 1, sđd, tr 351.
Bình luận (0)