Trang chủ Đời sống Tìm hiểu tư tưởng “ý chí quyền lực” trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế” của F.Nietzsche

Tìm hiểu tư tưởng “ý chí quyền lực” trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế” của F.Nietzsche

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mục lục bài viết

Thích Nữ Nghiêm Liên
Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Dẫn nhập

“Ý chí quyền lực” hay còn gọi là “ý chí hùng cường” là một trong những khái niệm nổi bật của triết gia người Đức Friedrich Wilhelm Nietzsche (F. Nietzsche). F.Nietzsche (1844-1900) bắt đầu sự nghiệp như một nhà ngữ văn học, chuyên viết về các vấn đề tôn giáo, đạo đức, văn hóa và triết học. Những tác phẩm nổi tiếng của F.Nietzsche chứa đựng nhiều nghịch lý rất đáng nghiên cứu và suy tư, như là Lữ khách và bóng hình mình (Human, All Too Human), Bình minh (The Dawn), Tri thức hân hoan (The Gay Science), Zarathustra đã nói như thế (Thus Spoke Zarathustra), Bên kia thiện ác (Beyond Good and Evil ), Phổ hệ luân lý (On the Genealogy of Morality)… Hiểu được “ý chí quyền lực” của F.Nietzsche, độc giả và những người nghiên cứu sẽ hiểu hơn về bản chất con người theo góc nhìn của F.Nietzsche.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu tuong y chi quyen luc cua F.Nietzsche 1

Nội dung

Khái niệm “ý chí quyền lực” được chuyển từ nguyên văn tiếng Đức là “der Wille zur Macht”, tiếng Anh chuyển dịch là “the will to power”. Khái niệm này được đề cập trong tiểu thuyết triết học Zarathustra đã nói như thế. Trong tiểu thuyết Zarathustra đã nói như thế, F.Nietzsche khẳng định “ý chí quyền lực” tuyệt nhiên không do thế lực siêu nhiên định đoạt. “Ý chí quyền lực” chính là động lực, là tiêu chuẩn cho mọi nhận thức, hoạt động và sự sống của con người nằm trong chính con người, và do con người quyết định.

Theo F.Nietzsche, mọi hoạt động của con người không do thần thánh siêu nhiên nào chi phối, ấn định hay an bài, mà do chính bản thân con người tự tạo. Cuộc đời con người, tuy có đau khổ, bất hạnh nhưng không vì đó mà bi quan, ủy mỵ, yếm thế. Muộn phiền hay than thở là biểu hiện của lối sống vô vị, vô bổ của thành phần người quen sống dựa dẫm vào những thế lực bên ngoài. Ngược lại, chính trong sự kém may mắn, nhiều bất hạnh, con người không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt thoát, nhắm đến thiết lập giá trị cho bản thân mình. Đấy chính là biểu hiện của “ý chí quyền lực” nội tại trong mỗi con người mà F.Nietzsche nhấn mạnh: “chỉ nơi nào có đời sống, nơi đó mới có ý chí: không phải ý chí khao khát sự sống, nhưng là ý chí quyền lực”.[1] (only where life is, is there also will; but not will to life, instead – will to power!).

“Ý chí quyền lực” còn có nghĩa là ý chí giải phóng, là học thuyết đích thực về ý chí và tự do, là sứ giả của niềm vui, là sự vui vẻ, là niềm tin sáng tạo ra các giá trị mới.[2] Theo F.Nietzsche, đời sống này chính là nơi tập hợp các giá trị tối cao mà tự thân con người có thể tìm kiếm và khám phá được, dựa trên hai nguyên tắc: sáng tạo và ý chí. Cụ thể, muốn giải thoát các nỗi khổ niềm đau, con người cần sáng tạo ra các niềm vui mới và muốn thoát khỏi sự bó buộc trong các quan niệm lạc hậu, lỗi thời, con người cần có ý chí. Ý chí sẽ thúc đẩy con người thiết lập ra quyền lực trên chính bản thân họ, không phải quyền lực trên đối tượng khác. Chính khi con người có can đảm trong sáng tạo và mạnh mẽ trong ý chí, con người sẽ đạt đến “ý chí quyền lực”.

Thật sự, “ý chí quyền lực” vốn luôn có sẵn trong mỗi con người. Đó chính là năng lực tự làm chủ cuộc đời của chính mình, bất luận người đó thuộc thành phần thấp kém trong xã hội: “Bất luận gặp gỡ sinh thể nơi nào, ta đều gặp thấy ý chí quyền lực và ngay cả trong ý chí của kẻ vâng phục ta cũng tìm thấy ý chí muốn làm chủ nhân”.[3] (Wherever I found the living, there I found the will to power; and even in the will of the serving I found the will to be master). Tuy nhiên, con người đã đánh mất quyền lực đó do lối sống buông thả và dựa dẫm vào thế lực bên ngoài. Một khi đã không tự tin vào chính bản thân mình, đã không còn tự quyết định được cuộc sống của bản thân mình, “ý chí quyền lực” của con người mất đi là điều tất yếu.

Từ khi mới hình thành, các nền triết học đã không ngừng tìm kiếm và giải đáp về bản chất của con người và bản chất thế giới. Trong nỗ lực của mình, F.Nietzsche đã đặt lại vấn đề về con người, và có câu trả lời riêng của chính ông. Theo F.Nietzsche, ý chí khát vọng quyền lực chính là bản chất của con người, bởi vì: “Có nhiều sự việc mà sinh thể cho là cao hơn cả đời sống, nhưng trong chính sự phán định giá trị ấy, vẫn ngân vang lên giọng nói sang sảng của ý chí quyền lực”.[4] (Much is esteemed more highly by life than life itself; yet out of esteeming itself speaks – the will to power!)

“Ý chí quyền lực” của F.Nietzsche không phải là thực thể tinh thần. Sự tồn tại của vạn vật bên ngoài chính là biểu hiện sự vận động liên tục của ý chí bên trong con người. Con người vô cảm, thờ ơ thế giới bên ngoài chính là hệ quả của nền luân lý nô lệ – nền luân lý đã dạy con người sống thụ động và tiêu cực. Đấy chính là lý do F.Nietzsche kêu gọi con người cần thể hiện ý chí khát vọng quyền lực và nhận trách nhiệm với đời sống của chính mình. Được như vậy, “ý chí quyền lực”, vốn có trong mỗi con người, sẽ phát huy được sức mạnh và năng lực.

Lời kết

Như vậy, tư tưởng “ý chí quyền lực” của F.Nietzsche chính là khát vọng quyền lực của mỗi cá nhân vì hạnh phúc của chính họ. Đây chính là quá trình cơ bản bên trong tinh thần con người, là điều kiện cần thiết để con người thiết lập đời sống tự làm chủ nhân của chính mình, cho mình và vì mình. Con người không ngừng chiến đấu với chính bản thân để được giải phóng, để được tự do, để được thoát ra khỏi những giá trị cổ hũ mà tự con người đã tạo lập nên. Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp và hạnh phúc chỉ khi mỗi người tự sáng tạo ra niềm vui cho chính mình và luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua nghịch cảnh, Với “ý chí quyền lực”, F.Nietzsche đã khẳng định quyền tự quyết định đời sống của mỗi cá nhân. Hạnh phúc hay đau khổ, bình an hay bất an, tự tại hay trói buộc đều do chính mỗi người tự quyết định.

Thích Nữ Nghiêm Liên
Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***
Chú thích
[1] Trần Xuân Kiêm (dịch), Zarathustra đã nói như thế, Nxb. Dân Trí, 2021, tr. 178.
[2] Trần Xuân Kiêm (dịch), Zarathustra đã nói như thế, Nxb. Dân Trí, 2021, tr. 136.
[3] Trần Xuân Kiêm (dịch), Zarathustra đã nói như thế, Nxb. Dân Trí, 2021, tr. 177.
[4] Trần Xuân Kiêm (dịch), Zarathustra đã nói như thế, Nxb. Dân Trí, 2021, tr. 178.

Tài liệu tham khảo
Trần Xuân Kiêm (dịch), Zarathustra đã nói như thế, Nxb. Dân Trí, 2021.
F. Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường