Hàng nghìn năm qua, trong lịch sử dân tộc, ánh sáng nhiệm màu của đạo từ bi trí tuệ luôn tỏa rạng, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa, con người và đất nước Việt Nam. Có những người đã hội tụ được tinh hoa thần khí của non sông đất nước, đó là đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông.Trần Nhân Tông là vị vua anh minh của dân tộc, đã ghi mốc son chói lọi qua chiến thắng quân Nguyên Mông, xây dựng và kiến thiết đất nước; đồng thời đã khai sáng và làm rạng danh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; xây dựng tinh thần Phật giáo nhập thế:
“Tùy thuận các duyên không chướng ngại Niết bàn, sinh tử thảy không hoa”
Giáo lý đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm vừa giản dị, gần gũi nhưng cũng rất đỗi thâm sâu ý nhị được thể hiện qua những bài kệ Điều ngự truyền trao đến hàng hậu học. Nhân kỷ niệm 710 năm ngài viên tịch, chúng ta cùng tìm hiểu về tư tưởng Bất Nhị Pháp Môn vi diệu của Phật giáo qua bài kệ thị tịch của Phật hoàng Trần Nhân Tông trước khi ngài lâm chung.“Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi hữu”
Hành trạng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 7 tháng 12 năm 1258 – 14 hoặc 16 tháng 12 năm 1308), tên khai sinh Trần Khâm ( 陳 昑 ), là vị hoàng đế thứ ba của hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng từ năm 1293 cho đến khi qua đời. Sinh thời, trên cơ sở nền móng Thiền phái Trúc Lâm do vua cha Trần Thái Tông thiết lập và truyền thừa, vua Trần Nhân Tông đã phát triển và hoàn thiện thiền phái trở thành ý thức hệ tiêu biểu của xã hội lúc bấy giờ. Thiền phái Trúc Lâm đã kế thừa và phát huy giá trị tích cực của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, hội tụ cả triết lý của Nho giáo và Đạo lão. Tư tưởng triết lý và văn hóa đạo đức của Thiền phái Trúc Lâm đã phát huy ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, đồng thời chi phối hệ tư tưởng và văn học nghệ thuật của nước ta thời Trần và của cả các triều đại phong kiến Việt Nam sau này.Tư tưởng Bất Nhị Pháp Môn qua bài kệ thị tịch của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Trong sách “Trần Nhân Tông toàn tập” của Giáo sư Lê Mạnh Thát có ghi, đại ý: “Ngày mùng một tháng 11 năm 1308, vào lúc nửa đêm, sao mai sáng rực, Thượng hoàng hỏi Bảo Sát: “Lúc này mấy giờ rồi?”. Bảo Sát trả lời: “Giờ Tý”. Thượng Hoàng dùng tay mở cánh cửa sổ ra nhìn rồi nói “Đây là giờ ta đi”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu?”. Thượng hoàng nói bài thi kệ sau:“Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi hữu”
(Hết thảy pháp không sinh
Hết thảy pháp không diệt
Nếu thấu suốt như vậy
Chư Phật luôn hiện tiền
Chốn nào đi đến nữa)
Có thể nhận thấy, đây chính là bài kệ đắc pháp thâm diệu của Phật hoàng Trần Nhân Tông ẩn chứa trong đó tư tưởng Bất Nhị Pháp Môn của Phật giáo. Trong Kinh Duy Ma, Bồ Tát tên là Pháp Tự Tại nói rằng: sinh với diệt là hai. Các pháp xưa vốn chẳng sinh, nay tất nhiên chẳng diệt. Được pháp nhẫn vô sinh ấy là vào pháp môn “Chẳng phân hai”. Pháp môn “Chẳng phân hai” (Bất nhị pháp môn) dịch sát nghĩa là “chẳng hai” hoặc “không hai”, nhưng hàm ý ở đây nói đến sự phân biệt, chia chẻ trong nhận thức. “Bất nhị” không ngụ ý nói đến số lượng tính đếm, mà nhấn mạnh vào sự phân biệt đối với các pháp. Phật học tiểu từ điển giải thích “bất nhị” là “không phân biệt đối với tất cả mọi hiện tượng”, siêu việt trên mọi phân biệt. “Bất nhị” là không phải cái này, cũng không phải cái kia. “Bất nhị” còn được gọi là “chân như”, “pháp tính”. “Bất nhị” chỉ trạng thái siêu việt tuyệt đối, vượt khỏi mọi đối lập tương đối. Bất nhị là không hai. Không hai là không lạc vào hai cực đối đãi của một vấn đề, bản chất sự việc như to - nhỏ, cao - thấp, đi - về, một - nhiều… “Bất nhị” thường được xem như là phương pháp thuộc lĩnh vực nhận thức. “Pháp môn Bất nhị” là pháp môn nhằm làm rõ chân lý tuyệt đối không phân chia. Chương Nhập Bất Nhị Pháp Môn (Chương IX trong 14 chương của Kinh Duy Ma) chuyên thuyết giảng về vấn đề này: Bất nhị tức là không hai, không hai chứ không phải một. Mới nghe tưởng như là chơi chữ nhưng đó là cách diễn đạt con đường buông xả đầy diệu dụng. Thông thường, thế giới được nhận thức qua lăng kính nhị nguyên, nghĩa là luôn có chủ thể và đối tượng, thế giới luôn được phân hai: thiện - ác, tốt - xấu, được - mất, hơn - thua, cao - thấp, trên - dưới, trong - ngoài, ta - người… Không có hai thì thế giới không tồn tại. Tư tưởng kinh Duy Ma cho rằng cái hai ấy không phải là hai, vì chúng là song lập, cùng tồn tại bất khả phân ly; nói cách khác, chúng tồn tại trong thế duyên khởi. Do vậy không thể nhìn riêng bất cứ pháp nào, mà nên nhìn với cái nhìn toàn diện của một pháp. Kinh Duy Ma được xây dựng trên nền tư tưởng Bát Nhã và Hoa Nghiêm: các pháp không có tự tính, không sinh không diệt, vô tướng, bất khả thuyết… Bất nhị là đúc kết lý thuyết chân không diệu hữu mà Bát Nhã và Hoa Nghiêm đã triển khai. Ngài Duy Ma dạy: “Sắc và không là hai nhưng sắc là không, không phải sắc diệt mới không mà là sắc tính tự không; cũng vậy, thọ, tưởng, hành thức…”. Rõ ràng tư tưởng Bất nhị có sắc thái Nhất nguyên luận. Tuy nhiên ngài Duy Ma không ngừng lại ở triết lý siêu việt mà đưa tư tưởng Bất nhị vào đời sống thực nghiệm tâm linh hiện thực rằng: “Nhãn và sắc là hai nhưng nếu biết nhãn đối với sắc không tham, sân, si thì đó là tịch diệt… cho đến ý với pháp là hai, nhưng ý đối với pháp không tham, sân, si thì đó là tịch diệt, sống trong ấy là nhập vào pháp môn Bất nhị”. Bồ Tát Văn Thù đã nói: “Thưa các vị, theo như ý tôi, đối với tất cả các pháp thì không nói, không thuyết, không chỉ danh, không giải thích, lìa khỏi mọi sự vấn đáp. Đó mới là nhập pháp môn Bất nhị”. “Pháp thuận với không, tùy theo vô tướng, ứng với vô tác. Pháp lìa khỏi tốt và xấu. Pháp không có thêm và bớt. Pháp không có sinh và diệt… Tướng pháp là như vậy, há thuyết diễn được sao?”. Và “Luận đến chỗ cứu cánh của thuyết pháp thì người nói không nói gì hết, không phô bày gì hết. Người nghe không nghe gì hết và không có được một sở đắc nào. Như nhà ảo thuật thuyết pháp với người ảo hóa…”. Như vậy, “nhập” được vào cửa Bất nhị thì sẽ thấy Như Lai “như như bất động”. Như ngài Duy Ma Cật đã “mô tả” Như Lai như sau: “…chẳng ở bên này, chẳng ở bên kia, chẳng ở giữa dòng; không tối, không sáng; không danh, không tướng; không mạnh, không yếu; không sạch, không nhơ. Chẳng phải vô vi, chẳng phải hữu vi… Chẳng lại, chẳng đi. Chẳng ra, chẳng vào, chẳng thủ, chẳng xả…”. “Không phải hữu tướng, không phải vô tướng, không tác, không khởi, không sinh, không diệt, không sợ, không lo, không mừng, không chán; không phải đã tồn tại, không phải đang tồn tại, không phải sẽ tồn tại…”. Pháp nếu lìa nơi thành Làm sao mà có hoại Pháp nếu lìa nơi hoại Thì làm sao có thành Thành, hoại cùng một thời Làm sao có thành, hoại? Cho nên với Như Lai “chẳng thể dùng trí mà hiểu, chẳng thể dùng thức mà biết”, “không thể dùng tất cả ngôn thuyết để hiển thị hay phân biệt, tất cả ngôn ngữ đàm luận đều dứt tuyệt”. Trong Kinh Bát Nhã cũng dùng một loại mười tám loại “Không”, từ “Nội không” cho đến “Vô pháp hữu pháp không” để đẩy toàn bộ cái thế giới hữu sắc này đến chỗ tận cùng của chân không, đến chỗ toàn triệt, của phủ định. Nhiều kinh sách, luận giải cũng nói đến pháp môn này, như: - Lý vô thường xác định rằng mọi việc, mọi vật đều là vô thường, không thật. - Lý duyên khởi: nói rằng mọi việc, mọi vật đều do nhân duyên tạo ra, nó không có chủ thể nên tự nó đã không thật. - Luận Trung Quán cũng chứng minh rằng mọi sự vật chẳng phải cái nọ, chẳng phải cái kia. Thực ra trên thế gian này tất cả đều là “không”, kể cả con người (ngã). “Ngã” do ngũ uẩn hợp thành cho nên cũng là “không” (vô ngã). Nếu Pháp “không”, Ngã “không” thì Tâm làm sao có thể vướng víu, hệ lụy vào hiện tượng nào đó trong cuộc sống được? Mà tâm rỗng rang, không vướng mắc thì chả phải “chư Phật luôn hiện tiền” đó ư? Tu là làm sao siêu xuất ra khỏi vòng biến thiên, sinh tử, ra khỏi vòng biến dịch nhị nguyên, tương đối, tương đãi, để thực hiện được cái tâm tịch diệt, cái Niết bàn tịch diệt; được trở về với căn nguyên, thực hiện được Bất Nhị Pháp Môn, mà Bất Nhị Pháp Môn là vô đối, là viên dung toàn mãn, siêu xuất lên trên các cặp đối đãi Hữu và Vô. Tóm lại, Bất nhị trong Phật giáo có hai ý nghĩa cơ bản, Bất nhị không phải là hai, cũng không phải là một, mà là không có số lượng. Bất nhị cũng có nghĩa là tuyệt đối, tức không có sự đối đãi giữa chủ thể và đối tượng. Thiền sư kiến tính, ngộ đạo là cách nói của thế gian. Thật ra không có thiền sư cầu đạo, cũng không có cái tính hay cái đạo để thấy, để ngộ. Mà chỉ có trở về với tâm Bất nhị vô thủy vô chung, không còn thấy có mình hay có tâm gì nữa cả. Như lời Lục tổ Huệ Năng nói: Đừng nói có sáng, có tối. Đừng hiểu rằng tu theo Đạo là lấy sáng trừ tối, lấy bồ đề phá phiền não, là vì phiền não tức bồ đề, chẳng khác nhau cũng chẳng phải hai. Nếu lấy trí huệ phá phiền não tức là chấp có hai của hàng Thanh Văn Duyên Giác. Hàng trí cao không thể làm vậy. Đối với sáng và tối, kẻ phàm thấy có hai, hàng Đại thừa thấy “bất nhị” (không hai). Tính Bất nhị là thực tính chân như. Thực tính này bình đẳng ở muôn vật, bất cứ ở đâu, ở phàm phu không bớt, ở hiền thánh không thêm, ở phiền não không loạn, ở thiền định không lắng. Cái thấy “bất nhị” tuyệt đối ấy chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng đi, chẳng đến, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng động, thường trụ chẳng rời. Đó là Đạo. Thiền sư Duy Khoang cũng đã nói: “Khi không còn có tâm phân biệt bận nghĩ tới ta, người, thì bấy giờ ai hỏi Đạo ở tại đâu?”. Khi thấu triệt được “Hết thảy pháp không sinh/ Hết thảy pháp không diệt”, giữ được Tâm không thì mặt trời trí huệ sẽ tự nhiên chiếu sáng và:“…nếu thấu suốt như vậy
Chư Phật luôn hiện tiền
Chốn nào đi đến nữa”
Từ đó, có thể nhận thấy, phương pháp Bất nhị là phương pháp quan trọng trong tám vạn bốn nghìn phương pháp nhận thức của Phật giáo. Cốt yếu của pháp môn này đã chứng minh rằng: Những sự vật, sự việc ở cõi ta bà này là không có thật, cốt để đưa chúng sinh thoát khỏi chấp trước, trở về với chân như, Phật tính. Như ý nghĩa câu ngạn ngữ của người phương Tây: . Cõi thế vốn vô thường, không ai có thể nắm giữ mãi những gì mình đang có trong tay. Phải buông xả tất cả thì mới có thể an nhiên tồn tại trong cõi “Không”. Chân lý đó cho thấy chính nhờ buông bỏ tất cả nên nắm bắt được tất cả. Vạn pháp do tham luyến mà bị hư hoại, nhờ buông xả mà được thường tồn.Nhìn lại lịch sử sau hơn 700 năm
Hiện nay, ở thế kỷ 21, trước khủng hoảng của các tư tưởng hệ, bao gồm tư tưởng khoa học, khủng hoảng môi sinh, đạo đức xã hội,… chúng ta nhận thấy những triết lý nhân bản thực tại luận của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông ngày càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã được tiếp nối qua nhiều vị Thiền sư, tuy nhiên đó chỉ là phần biểu hiện bên ngoài, chính “tâm Thiền” mới là mạch sống thật. Dù ẩn, dù hiện, thăng hay trầm, hễ có người tỏ sáng được tâm Thiền, là tiếp nối được mạch sống Tổ tông. Đây chính là điểm cốt lõi tạo nên truyền thống Trúc Lâm và Nhân Tông Đệ nhất Tổ trong lịch sử Thiền phái nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Hơn 700 năm sau ngày Điều Ngự Giác Hoàng nhập Niết bàn, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã được hồi phục và phát triển mạnh mẽ bởi cách tu tập và triết lý vẫn mang đậm tính thời đại: Tu thiền chính là trở lại với tâm mình, đem tâm mình trở về từng giờ từng phút, sống với nội tâm thanh tịnh. Ngài chính là linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vĩnh viễn bất sinh bất diệt trong lòng hậu thế. Tâm là nguồn báu truyền đời, giữ được tâm ấy thì giữ được hạnh phúc và an lạc quốc gia. Tự trong tâm hồn mỗi người con Việt, núi Yên Tử đã trở thành cái nôi của Phật giáo Việt Nam, là điểm tựa tâm linh vững chắc cho mỗi người con Phật. Mỗi khi hướng về nơi đó, mỗi chúng ta lại trào lên những cảm xúc bồi hồi, bởi ở đó có một vị vua đắc đạo đang yên nghỉ, thấy lòng mình ấm lại và vững chắc niềm tin vào cuộc sống. Chính ngài là tấm gương không ngừng học hỏi, tu tập cho đến khi thấu tỏ giáo lý Phật đà, góp phần tạo nên sức sống mạnh mẽ, quan niệm sống tích cực, một niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của đất nước; giúp con người đạt được chân lý ngay trong thực tại chứ không phải ở một thế giới nào khác.Lời kết
Nhân kỷ niệm 760 năm ngày sinh và 710 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đồng thời góp phần vào việc nghiên cứu, khai thác và phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa đặc sắc của Điều ngự Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và GHPGVN đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, bao nghịch duyên từ trong ra ngoài nhưng với giới đức tinh nghiêm, đạo hạnh thanh tịnh và thệ nguyện sâu rộng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã luôn dấn thân trọn vẹn với lý tưởng nhập thế, đem đạo vào đời, với tinh thần tùy duyên bất biến, cư trần lạc đạo. Ngài quả thật là tấm gương sáng ngời của bậc minh quân lỗi lạc, tài đức vẹn toàn, vị Tổ sư đắc đạo; ngài là biểu tượng cho tính nhân văn, tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến và tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Xin kính dâng ngài nén tâm hương và phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ chốn Tổ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở, duy trì truyền thống tự lực, tự cường, phát huy nội lực, kết hợp với ngoại lực để xiển dương đạo pháp:"Mãi mãi sáng ngời gương Phật tổ
Ngàn sau còn chiếu rạng nét Tông phong”.
Tác giả: Hòa thượng Tiến sĩ Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS - GHPGVN Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 11/2018
Bình luận (0)