PGS.TS.Nguyễn Tá Nhí Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Năm 1984, Viện nghiên cứu Hán Nôm được Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội mời tham gia công việc điêu tra tìm hiểu Di sản văn hóa Hán Nôm đang lưu giữ tại các cơ sở thờ tự ở Hà Nội. Phòng nghiên cứu Văn bản chữ Nôm của chúng tôi được phân công tác nghiệp tại chùa Liên Phái, quận Hai Bà Trưng. Đoàn gồm 9 thành viên là Cung Văn Lược, Nguyễn Thị Lâm, Lê Thị Bích Ngân,… tôi được phân công làm Tổ trưởng. Trách nhiệm của Tổ trưởng là đến Phòng Văn hóa quận liên hệ công tác, rồi đến gặp sư cụ trụ trì ở chùa. Thấy đoàn công tác đến, Sư cụ trụ trì là Hòa thượng Thích Thanh Tuệ niềm nở tiếp đón, sau đó lại nhờ tôi đưa Hòa thượng đi đổi sổ mua gạo ở trên phố Lê Đại Hành. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, làm xong việc đổi sổ mua lương thực, quay trở lại chùa, tôi đã thấy anh em in dập được 30 thác bản văn bia và sao chép được toàn bộ câu đối hoành phi đang lưu giữ ở chùa. Ông Cung Khắc Lược học rộng biết nhiều, lại có khả năng viết chữ rất đẹp nên được phân công sao chép thơ văn câu đối ở chùa. Tất cả gồm 29 đôi câu đối và nhiều bức trâm, bức đại tự, chép trong 8 tờ giấy trắng, xin xem phụ ảnh kèm theo.
Đặc biệt ở ban thờ Tổ, có nhiều câu đối đại tự ghi rõ công lao trùng hưng sơn môn Liên Phái của chư Tổ, rất phù hợp với chuyên đề thứ 3 Đóng góp của chư Tổ và Sơn môn Liên phái cho Phật giáo Việt Nam mà Ban tổ chức hội thảo khoa học đã đặt ra ở bản dự thảo, do vậy chúng tôi xin tập trung nghiên cứu giới thiệu về Sư tổ Trùng hưng Sơn môn Liên Phái qua một số câu đối thờ ở nhà Tổ.
Từ ngoài bước vào gian thờ Tổ, các Phật tử nhìn thấy câu đối thờ ở chính ban giữa, ghi:
Thế lạp bát tuần tôn, Đại Giác Đại Quang vô lượng thọ;
Quốc điệp lục thông độ, Liên Trì Liên Phái hữu dư hương.
Nghĩa là:
Tuổi thọ vừa đủ bát tuần, đây Đại Giác ấy Đại Quang còn vô lượng thọ;
Quốc gia ban lục thông điệp, kia Liên Trì đây Liên Phái vẫn ngát hương thơm.
Và ở dòng lạc khoản trên đôi câu đối thờ ở nhà Tổ thấy ghi dòng chữ:
Sơn môn đẳng đồng kính phụng,
Phúc Điền Hòa thượng Liên tọa hạ tứ giám.
Nghĩa là:
Các đệ tử trong Sơn môn cùng kính dâng đôi câu đối thờ, cúi xin Phúc Điền Hòa thượng ngự trên tòa sen chứng giám.
Theo các tư liệu Hán Nôm đang lưu giữ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm như Đạo giáo nguyên lưu, A.1825, Thiền uyển truyền đăng lục, VHv.9, Đại Nam thiền uyển truyền đăng tạp lục, VHv.1392, Sa di luật nghi giải âm AB.527, Xuất gia sa di quốc âm thập giới, AB.306,… thì số lượng các vị đệ tử trong sơn môn nhiều lắm, trong khuôn khổ của bài Tham luận này, chúng tôi chỉ xin nêu ra một số vị đại đệ tử hàng xuất gia ở các ngôi chùa lớn để chúng ta nhận chân được công đức của các tác giả đồng biên soạn câu đối này. Đó là:
- Thiền sư Văn Đường ở chùa Đại Giác, xã Bồ Sơn, nay thuộc TP. Bắc Ninh.
- Thiền sư Chỉ Nam ở chùa Đại Quang xã Phú Nhi, nay thuộc phường Phú Nhi, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.
- Thiền sư Thông Vinh ở chùa Hàm Long, nay thuộc TP. Bắc Ninh.
- Đại sư Phổ Đoan ở chùa Long Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
- Đại sư Phổ Quang ở chùa La Phù, nay thuộc xã La Phù, huyện Hoài Đức TP. Hà Nội.
- Đại sư Phổ Thiền ở chùa Đa Bảo, nay thuộc huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội.
- Đại sư Thanh Hinh là Giám tự chùa Liên Tông Hà Nội.
- Tả Giám tự chùa Liên Tông, tên tự là Đầu Đà; Hữu Giám tự chùa Liên Tông tên tự là Thanh Chiểu.
Các tư liệu Hán Nôm dẫn ra ở trên cho biết, Hòa thượng Phúc Điền sinh năm 1784 tại làng Bạch Sam, nay thuộc huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Thuở nhỏ, Hòa thượng được thân mẫu đưa sang lễ tại ngôi chùa Phổ Tế ở gần nhà. Đây là ngôi chùa của ba thôn Đống Vũ, Trung Thịnh và Yên Trường, nên dân trong vùng quen gọi là chùa Tam Thôn. Hiện trong chùa còn lưu giữ được nhiều tư liệu Hán Nôm quý giá như câu đối, đại tự, văn bia, văn chuông. Đặc biệt tấm bia Trùng tu Phổ Tế tự bi ký do Ngộ Thiền Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm biên soạn năm 1794. Văn bia cho biết chùa Phổ Tế do sư tổ Hi Thiền Trương Bá Hoãn người quê ở đây xây dựng trên nền chùa cũ, mở đầu viết: “Ông Hi Thiền Trương Bá Hoãn là chỗ quen biết với gia đình ta. Trước đây ta từng tiến cử ông ra làm quan với triều đình, được mấy năm ông liền từ quan lùi về ở ẩn tại cửa Thiền…”. Có thể chính vì lý do hâm mộ các vị tiền bối Hi Thiền và Ngộ Thiền, nên sau này khi đã giác ngộ đạo Phật ở mức thâm sâu rồi Hòa Thượng đã được đặt pháp hiệu là An Thiền.
Sách Đạo giáo nguyên lưu cho biết, Hòa thượng Phúc Điền người làng Bạch Sam, huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Nội. Thuở nhỏ ngài mồ côi cha, đến năm 12 tuổi xuất gia tu đạo đến ở chùa Đại Bi, xã Thịnh Liệt, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc phường Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Tại đây, ngài khổ công tu tập, vậy nên đạo hạnh ngày một tăng tiến, đến năm 20 tuổi được Sư tổ ở chùa trao cho cụ túc giới và đặt cho pháp danh là An Thiền. Từ ngày ấy trở đi, Hòa thượng Phúc Điền đã hoàn toàn an tâm tu tập ở cửa thiền. Ít lâu sau, ngài được Sư tổ cho đi trông coi chùa Pháp Vân, xã Phù Ninh, trấn Kinh Bắc. Năm 1835, vua Minh Mạng ở kinh đô Phú Xuân biết đến danh tiếng của ngài liền ban chiếu triệu Hòa thượng vào kinh đô Huế tham dự kỳ tuyển hạch, rồi được ban phong là Độ điệp Phúc Điền Hòa thượng. Sau này, ra Bắc nhờ sự trợ duyên của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, Hòa thượng Phúc Điền đã lần lượt đến khai hóa ở chùa Đại Giác, xã Bồ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; chùa Đại Quang, xã Phú Nhi, tỉnh Sơn Tây; chùa Liên Trì Hải Hội, xã Cựu Lâu, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội,… Công việc Phật pháp được hoằng dương mạnh mẽ, một phần cũng nhờ sự trợ giúp của các Phật tử tại gia, do vậy Hòa thượng lại soạn thảo sách Tại gia tu trì Tam giáo nguyên lưu để khuyến hóa. Sách được khắc ván in năm Tự Đức thứ 2 (1849) tại chùa Đại Giác, tỉnh Bắc Ninh. Hiện trong kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được bản in ký hiệu AB.156.
Văn bia Trùng tu Liên Phái tự Li trần viện ký cho biết: "Đến thời Sư tổ đời thứ 6 là Hòa thượng Phổ Hinh thì cảnh chùa đã sa sút, một phần do nạn binh đao tàn phá, một phần do bọn cường hào xâm đoạt, thêm vào đó do trải qua thời gian lâu dài nên tường đổ vách nát, mưa dập gió vùi, khiến cho chùa chiền đổi thay, cảnh trí tiêu điều. Ôi! vận trời thay đổi tuần hoàn, chẳng có điều gì đi rồi mà không bao giờ quay trở lại cả. Đến năm Giáp Dần (1854) sư tổ Phổ Hinh tự thấy mình là nhà chùa xới đất trồng rau, chẳng làm nổi việc lớn, bèn đem toàn bộ sổ bạ ruộng đất ở chùa cùng các đồ tế khí lên tận chùa Liên Trì Hải Hội nhất nhất dâng lên cho Hòa thượng Phúc Điền".
Ngày ấy, Hòa thượng Phúc Điền đã hoan hỷ nhận lời về trụ trì chùa Liên Phái, nhờ đó mà sơn môn được hưng chấn. Công việc tiến hành từ năm 1855, đến năm 1861 thì hoàn thành. Văn bia cho biết, sau khi tôn tạo xong, cảnh chùa trở nên trang nghiêm rạng rỡ. Đồng thời, Hòa thượng cũng cho chỉnh trang các bộ ván in kinh Phật. Các tác giả viết văn bia đều là đại đệ tử của ngài gồm: Thiền sư Thích Thanh Minh ghi chép, Thiền sư Thích Văn Đường viết chữ Hán. Bia dựng năm Kỷ Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869). Hòa thượng còn rất quan tâm đến việc dịch kinh Phật ra tiếng Việt giúp cho các vị sơ cơ nhập đạo tu tập. Bài Tiểu dẫn sách Đạo giáo nguyên lưu có đoạn ghi: "Bữa trước nhân buổi an cư, các đệ tứ tới cầu xin ta diễn giải Kinh Phật ra chữ Nôm để giúp cho bọn sơ cơ tu học được thuận tiện. Ta chẳng ngại mình hiểu biết hẹp hòi, vẫn dụng công diễn giải được các bộ kinh là: Kim cương kinh, 1 quyển; Di Đà kinh, 1 quyển; Quy Sơn cảnh sách, 2 quyển; Sa di sớ, 2 quyển; Thiền lâm bảo huấn, 4 quyển; Di Sơn đại sư phát nguyện, 1 bài; Vân Thê phát nguyện, 1 bài; Trúc song, 3 quyển; Hộ Pháp luận, 1 quyển; Khóa hư lục, 3 quyển; Thái căn đàm, 1 quyển; Tam giáo nhất nguyên, 1 quyển; Nhân sinh nhất đán, 1 quyển; Bán điểm, 1 bài; Hàn lâm sở, 1 bài; Vương thị cảnh thế lương ngôn, 1 chương; Tân soạn Thích giáo chân ngôn, 1 chương; Tiên nho hoằng luận, 1 chương; Phụng Phật tổ đối liên kỷ cú; Hoa Nghiêm phương sách kinh, 82 quyển; Giải hoặc thượng hạ, 2 quyển; Tân biên nhật dụng đồ, 1 tập; Chư kinh nhật tụng, 1 tập; Tam giáo quản khuy Thích Nho Đạo, 3 tập; Truyền đăng Phật tổ, 5 quyển; Phật tổ thống kỳ, cổ bản Phạn văn (1), 54 quyển, kim vi phương sách, 20 quyển. Tai gia tu trì Tam giáo nguyên lưu, 2 quyển; Tiểu du già, 1 quyển; Lễ thiên địa nhương tinh cập âm hồn bài vị (2), 20 bài; Trùng khắc đại giới điệp, 1 tờ; Tân biên ngũ giới thập giới điệp, 1 tờ. Các bộ sách trên Trưởng lão đã cùng các đệ tử cho khắc in từ năm Canh Tý (1840) đời Minh Mệnh đến năm Tân Dậu (1861) đời Tự Đức. Môn nhân Văn Đường kính ghi vào ngày Phật hoan hỷ mùa Thu.
Có lẽ do nhận được sự quan tâm chiếu cố hết sức đặc biệt này mà ở gian thờ Tổ trong chùa còn có nhiều bức đại tự biểu thị tấm lòng của các môn sinh. Gian bên tả có bức:
THIỀN PHONG VĨNH CHẤN
Nghĩa là:
Phong thái nhà Thiền được chấn hưng mãi.
Gian bên hữu có bức
TỔ SÁI TRÙNG HƯNG
Nghĩa là:
Chốn Tổ đình Liên Phái được hưng thịnh trở lại.
Hợp nghĩa hai bức đại tự này có thể nhận ra lòng tôn kính của các đệ tử đối với vị Tổ trùng hưng ở Sơn môn Liên Phái rồi.
Cũng trong gian thờ Tổ này từ bên ngoài đi vào các Phật tử còn được chiêm bái một câu đối bằng trúc ghép lại hết sức tinh xảo, phải tốn nhiều công sức mới nhận ra đủ các thông tin ghi trong đó:
Thành Phật kính chiêm vô lượng thọ;
Tập thần chân thị hữu sinh duyên.
Nghĩa là:
Tu thành Phật quả kính xem thọ khảo vô lượng;
Tập trung thần thái đầy đủ duyên kiếp đời nay.
Dòng lạc khoản đặt ngay bên dưới ghi: Thái tuế Quý Hợi đông nguyệt Phúc Điền hòa thượng cung chí (Tháng mùa đông năm Quý Hợi, Hòa thượng Phúc Điền cung kính ghi lại).
Nghiên cứu kỹ dòng lạc khoản3, chúng tôi đoán định rằng đôi câu đối ghép bằng mảnh trúc này do các môn đệ của Hòa thượng Phúc Điền biên soạn để tri ân sư tổ, và cũng là để tán dương công đức vô lượng của ngài. Bởi lẽ năm Quý Hợi dòng lạc khoản(4) nói đến quy ra dương lịch là năm 1863, mà thời điểm đầy đủ hơn là vào mùa đông năm đó, tức là khi mà Hòa thượng đã thu thần thị tịch rồi.
Lời kết
Qua những phân tích giới thiệu trên, chúng tôi thấy các câu đối hoành phi đang lưu giữ trong nhà Tổ chùa Liên Phái Hà Nội nay đã ghi được đầy đủ công lao to lớn của tổ Phúc Điền đối với chùa Liên Phái, ngài rất xứng đáng được xem là Sư tổ Trung hưng Sơn môn.
Hà Nội, ngày 21 tháng 2 năm 2023
PGS.TS.Nguyễn Tá Nhí Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ***
Chú thích: 1. Cổ bản Phạn văn: Bản cũ viết bằng chữ Phạn 2. Lễ thiên địa nhương tinh cập âm hồn bài vị: Bài vị tế sao và các âm hồn. 3. Theo văn bia Trùng tu Liên Phái tự Li trần viện biệt chí ở chùa cho biết, Hòa thượng giỗ ngày 30 tháng 10. 4. Hai bản phụ ảnh ở phía sau.
Tài liệu tham khảo:
1. Chùa Liên Phái - Danh lam nổi tiếng Hà Thành, Nxb Tôn giáo, năm 2000 2. Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, Nxb Khoa học xã hội, năm 1993. 3. Đại Nam thực lục, Nxb Khoa học xã hội, năm 1975. 4. Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 2005. 5. Từ điển Phật học Hán Việt, Phân viện Nghiên cứu Phật học, năm 1992.
Bình luận (0)