Tác giả: Thích Tâm Thiện Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Hà Nội

DẪN NHẬP

Vua Trần Thái Tông là vị vua khai sáng ra triều đại nhà Trần – triều đại chói ngời hào khí Đông A. Là một nhà chính trị và quân sự tài ba, vua Trần Thái Tông đã chỉ đạo quân và dân kháng chiến, đập tan giấc mộng xâm lược Đại Việt của Nguyên Mông. Bên cạnh đó, nhà vua còn là một nhà văn, nhà thơ có những đóng góp to lớn cho lịch sử tư tưởng và văn học nước nhà.

Cho đến tận ngày nay, Khóa Hư Lục là một trong những tác phẩm của vua Trần Thái Tông viết về chủ đề Phật giáo được sưu tầm, nghiên cứu và học tập. Dù trải qua thời gian, việc bảo tồn phải chịu nhiều sức ép và tổn thất là điều không thể tránh khỏi; nhưng may thay, những gì còn lại ở Khóa Hư Lục cũng đủ phác họa trở lại tư tưởng của một thiền gia lỗi lạc.

Trong Khóa Hư Lục, một trong số các tác phẩm được tập hợp là Niệm Phật Luận. Đây là một bản văn nói về pháp niệm Phật của vua Trần Thái Tông. Qua tìm đọc người viết nhận thấy cho đến nay, các nghiên cứu về tác phẩm Khóa Hư Lục đều nhấn mạnh những bản văn mang đậm tư tưởng thiền học của nhà vua. Do đó, nhận thấy pháp tu niệm Phật là pháp tu khá phổ biến ở nước ta hiện nay, trong bài viết “Tìm hiểu pháp niệm Phật qua Niệm Phật luận của vua Trần Thái Tông”, tác giả tập trung khái quát các vấn đề sau:

- Khái quát cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Thái Tông. - Tìm hiểu về pháp niệm Phật trong kinh Nguyên thủy và tông Tịnh độ. - Trình bày ý nghĩa và phương pháp niệm Phật qua Niệm Phật Luận.

Trong quá trình thực hiện bài viết, người viết dựa vào nội dung bản dịch Niệm Phật Luận của giáo sư Lê Mạnh Thát làm bản văn chính để tìm hiểu. Bên cạnh đó, người viết góp nhặt những tài liệu của Chư tôn đức, các bậc trí giả, thức giả liên quan đến pháp niệm Phật để vấn đề phần nào sáng tỏ.

Tượng vua Trần Thái Tông. Ảnh: St

I. KHÁI QUÁT CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG

1. Tình hình nước Đại Việt từ cuối nhà Lý đến đầu nhà Trần

1.1. Chính trị

Triều đại nhà Lý (1010 – 1225) cực thịnh ở những đời vua anh minh trị quốc, bắt đầu từ Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Thần Tông, Anh Tông; và có dấu hiệu suy nhược kể từ vua Cao Tông trở đi.[1] Đến nỗi một nhà thiền sư Tăng phó Nguyễn Thường đã dám tiên liệu sự mất nước, thông qua câu chuyện khúc nhạc Chiêm Thành “đó là triệu bại vong”.[2] Cũng như trong quần thần có người dám quyết đoán với nhà vua rằng “tất có người họ khác đến ở”.[3]

Mối suy vi tiếp tục biểu lộ qua đến Huệ Tông, và vương triều Lý chính thức sụp đổ sau sự kiện “tháng 12, ngày 11, Mậu Dần, Chiêu Hoàng đặt đại hội ở điện Thiên An, ngự trên bảo sàng, các quan mặc triều phục vào chầu lạy dưới sân. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, khuyên mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế”.[4]

1.2. Kinh tế

Cuối thời Lý, hàng loạt thiên tai, dịch bệnh, liên tiếp xảy ra làm trì trệ nền kinh tế Đại Việt. Nhà nông mất mùa vì hạn hán kéo dài, nhà vua phải thân ngự đến chùa Pháp Vân để cầu mưa (năm 1188, 1197). Động đất, gió bão (1188, 1192), mưa đá (1194), nạn đói làm xác người chết đói nằm gối lên nhau (1208).

Bên cạnh thiên tai là bàn tay con người. “Vua thì thích làm tiền, các quan phần nhiều bán quan chức buôn hình ngục”.[5] Cướp bóc cũng từ những sự yếu kém trong việc vận hành bộ máy cai trị mà xảy ra (1207). Hay phải đối mặt với những thế lực phản triều đình, bao gồm cả trong và ngoài lãnh thổ Đại Việt. Từ những yếu tố từ con người cho đến thiên nhiên như sử sách đã nêu thì nền kinh tế nước nhà lũng đoạn là điều không thể tránh khỏi.

1.3. Văn hóa

Trong triều đình nhà Lý đã xuất hiện những bậc tiền nhân nổi danh như Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiển, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Kính Tu… đều ra sức cống hiến cho sự vững mạnh của đất nước, vương triều. Thế nhưng, trong 215 năm tồn tại ấy, thì từ khi Tô Hiến Thành mất (1179) thì quần thần bênh cạnh vua hầu như hết người tài giỏi lỗi lạc, phần nhiều là nịnh thần a dua. Ngô Thời Sĩ có kết luận trong Việt Sử Tiêu Án: “Suốt thời nhà Lý chỉ thấy có hai lần nhắc đến lập nhà học, mà quy chế thi cử không nhất định, Sĩ phu ở vào thời bấy giờ không có gì để mài dũa học vấn, bồi dưỡng khí tiết; người đã vào vòng sĩ hoạn thì chỉ mượn sự báo tin có điềm tốt để làm bậc bước lên chức cao, người nào đã hiển đạt rồi thì chỉ y a phụ họa để làm kế giữ vững địa vị; như thế thì hỏi sao sĩ phong chả thối nát, nhân tài chả suy kém,…trời không cho kẻ hiền tài xuống giúp nhà vua là tại không biết cách gây dựng lấy nhân tài đó, không thể đổ tại thời đại không có nhân tài được”.[6]

Nếu như kinh tế là nền tảng vật chất, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Theo đó thì đối với tình hình Đại Việt cuối nhà Lý như đã thưa, cho thấy đời sống người Việt đã xuống cấp ở cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Vì vậy, việc cởi bỏ chiếc áo cũ, và khoác lên mình chiếc áo mới là việc nên làm. Yêu cầu của thời đại là bước sang một trang mới, như lịch sử nước nhà đã chứng kiến, đó là sự ra đời của vương triều Trần, mà khởi đầu là đức vua Trần Thái Tông, cũng là người đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời.

2. Vua Trần Thái Tông

2.1. Tiểu sử

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển V, kỷ nhà Trần chép khá đầy đủ về nhà vua khai nghiệp – Thái Tông hoàng đế (1218 – 1277). Sử chép: “Vua họ Trần, húy là Cảnh, trước húy là Bồ; làm chi hậu chính triều Lý, được Chiêu Hoàng nhường ngôi cho. Ở ngôi 33 năm, nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi, băng hà ở cung Vạn Thọ, chôn ở Chiêu Lăng. Vua là người khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể mở nghiệp, truyền sau, đặt rường giăng mối, chế độ nhà Trần tốt đẹp…”[7]

Về dòng dõi, sử này cũng cho biết: “Đời trước của vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê, sinh ra vua vào năm Mậu Dần Kiến Gia thứ 8 triều Lý, tháng 6, ngày 16”. Sử cũng không quên tả “vua mũi cao,  mặt rồng, giống như Hán Cao Tổ”.[8]

Bên cạnh việc hôn nhân thường được cho là mang tính chính trị giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Thái Tông, sự kiện khá quan trọng của nhà vua cũng liên quan đến hôn nhân, đó là việc người chú Trần Thủ Độ ép nhà vua lấy vợ (công chúa Thuận Thiên) của anh mình (Trần Liễu). Cuộc hôn nhân này nhận được khá nhiều sự chỉ trích như các bộ sử ghi nhận. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, tác giả Lê Mạnh Thát bày tỏ quan điểm của mình, rằng đó là biện pháp quyết liệt nhìn xa trông rộng của Trần Thủ Độ, đứng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện thời.[9] Đó là ý kiến khá hay và hợp lý khi nhìn lại lịch sử nước nhà. Dù sao đi nữa, nó cũng đóng vai trò quan trọng, tác động đến tâm lý vua Trần Thái Tông, làm cho “vua trong lòng áy náy, đêm ra khỏi thành đến ở nhà Phù Vân quốc sư ở núi Yên Tử”.[10] Để rồi, sau khi nghe lời khuyên của quốc sư, nhà vua từ giã núi rừng, trở về xây dựng đất nước Đại Việt hùng cường, chiến thắng ngoại bang xâm lược.

Đối với trách nhiệm gia đình, giáo dục con cái, “vua thân làm bài minh cho các hoàng tử, dạy về trung hiếu hòa tốn, ôn lương cung kiệm”.[11] Đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhà vua là một vị vua anh minh yêu nước thương dân. Vua tổ chức các khoa thi Tam giáo, triển khai chiến lược xây dựng phát triển kinh tế phú cường, đắp đê phòng lụt. Không những thế, với vai trò là người đứng đầu đất nước, vua trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258); sau khi dành thắng lợi, nhà vua không ngủ yên trên chiến thắng, mà truyền ngôi cho con, dành thời gian quay trở về chăm sóc nguồn tâm của mình, học Phật và tu tập Thiền giáo.[12] Vì thế, vua Trần Thái Tông dù chưa từng xuất gia cũng đã trở thành thiền gia lỗi lạc.

2.2. Sự nghiệp trước tác

Trong Tựa Thiền tông chỉ nam, vua Trần Thái Tông tự thuật: “Trẫm khi còn trẻ thơ, ở tuổi hiểu biết, hễ được nghe lời dạy của thiền sư, thời trầm tư mặc tưởng, hồn nhiên thanh tịnh, lưu tâm ở nội giáo, tham cứu ở Thiền tông, quên mình tìm thầy, tinh thành mến đạo”.[13] Và:“ …Trong khoảng thời gian mười mấy năm, phàm gặp cơ hội việc nước nhàn rỗi, Trẫm thường tụ tập các bậc kỳ đức để tham thiền hỏi đạo và nghiên cứu các kinh điển đại giáo”.[14]

Như thế đủ thấy được tinh thần tu học Phật xuyên suốt của vua Trần Thái Tông. Đối với vai trò của mình, hẳn vua có rất nhiều chuyện, việc nước việc dân phải làm; nhưng vua tranh thủ nhất có thể để tham cứu tu tập.

Theo Thánh đăng ngữ lục thì vua Trần Thái Tông là tác giả các tác phẩm sau: Văn tập, Chỉ nam ca, Thiền tông Khóa hư.[15] Theo tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận, tác phẩm đầu tay của vua là Thiền tông chỉ nam mà bài tựa còn được giữ lại trong sách Khóa hư được viết khi vua khoảng ngoài 30 tuổi. Các tác phẩm khác là Kim cương tam muội kinh chú giải – hiện không còn, chỉ còn bài tựa trong trong Khóa hư; Lục thời sám hối khoa nghi – nghi thức sám hối còn giữ được nguyên vẹn trong Khóa hư; Bình đẳng lễ sám văn - hiện không còn, chỉ còn bài tựa trong trong Khóa hư; Thái tông thi tập – tập thơ cũng không còn, chỉ còn một vài bài.[16]

Như vậy, một số lớn các tác phẩm do vua Trần Thái Tông viết phần nhiều đều bị thất lạc hay hiện không còn. Tuy nhiên, những phần còn lại và các tác phẩm khác đều được tập hợp trong Khóa hư, do đó Khóa hư đóng vai trò hết sức quan trọng. Học giả Nguyễn Đăng Thục đã nhận xét: “Bộ sách này có thể gọi là kinh Khóa Hư, vì là cả một đời thực nghiệm về chân lý sinh tồn của tác giả”.[17]

Niệm Phật luận là một trong số những tác phẩm được Khóa hư tập hợp. Nội dung nói về phép niệm Phật theo quan điểm của vua Trần Thái Tông. Ở đó trình bày ý nghĩa và phương pháp tu tập phép niệm Phật, bắt đầu với người trí tuệ thấp đến cao. Là một thiền gia, nhưng vua Trần Thái Tông cũng quan tâm đến vấn đề niệm Phật, vốn là pháp tu căn cốt của tông Tịnh độ. Nếu xem Thiền tông là “chủ nghĩa tự lực”, Tịnh độ tông là “chủ nghĩa tha lực”; thì, đối với Niệm Phật luận, sẽ mang nhiều ý vị khi tìm hiểu quan điểm về vấn đề niệm Phật từ một thiền gia.

II. NIỆM PHẬT QUA NIỆM PHẬT LUẬN

1. Niệm Phật

1.1. Niệm Phật trong Kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy

Tiến trình lịch sử tư tưởng Phật giáo là một tiến trình liên tục, không có gián đoạn và đột ngột. Sự hưng khởi của Phật giáo Đại thừa diễn ra sau khi thời kỳ Phật giáo Bộ phái. Phật giáo Bộ phái là do Phật giáo nguyên thủy phát triển mà hình thành. Do đó, trước khi tìm về tư tưởng của vua Trần Thái Tông, người viết thiết nghĩ việc xem lại dấu hiệu của Pháp niệm Phật được ghi nhận trong kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy như việc làm cần thiết khi tìm về nguyên ủy.

Ở tạng Nam truyền, đức Phật dạy: “Có một pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn , đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật”.[18]

Tương tự, ở tạng Bắc truyền, ghi nhận việc tại Xá Vệ, đức Phật dạy Lộc Tử Mẫu Tì Xá Khư ở Lộc tử mẫu giảng đường: “…Này bà cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, "Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước…Phật, Thế Tôn". Người ấy sau khi tưởng niệm Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt”.[19]

Phương pháp thực hành là “niệm tưởng Như Lai”, không nói rõ danh hiệu vị Phật nào, nhưng ở đây ám chỉ Như Lai chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Như vậy, trong kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy, là cơ sở tài liệu thời kỳ đầu, ghi nhận việc đức Phật dạy về pháp niệm Phật. Điều ấy xác quyết rằng đây là một trong những pháp tu hình thành rất sớm; pháp niệm Phật phù hợp với sự phát triển tư tưởng Phật giáo, và đó là một trong những con đường đưa đến giải thoát, Niết bàn.

1.2. Niệm Phật theo tông Tịnh Độ

Nói đến niệm Phật không thể không nói đến tông Tịnh Độ. Niệm Phật là pháp tu căn cốt của tông này. Ngoài xuất phát điểm như trên đã trình bày, tông Tịnh Độ liên tục phát triển và kiện toàn hệ thống của mình thông qua quan điểm và kiến giải của các luận sư, đại sư.

Theo học giả Junjiro Takakusu thì các bản thích luận của hai ngài Long Thọ (Nagarjuna) và Thế Thân (Vasubandhu) là những tác phẩm Ấn Độ được nhìn nhận có thẩm quyền.[20] Các luận sư Tịnh độ thường dùng luận điểm “nan hành đạo” “dị hành đạo” của ngài Long Thọ nói về pháp niệm Phật, và pháp này thuộc về “con đường dễ thực hành”. Ngài Thế Thân lấy pháp tu Ngũ niệm môn[21] làm pháp vãng sinh Tịnh Độ. Đó là những lý luận đầu tiên về niệm Phật được chú ý.

Pháp niệm Phật, hay tông Tịnh độ chính thức được lan truyền rộng rãi từ sau sự kiện kết Bạch Liên Xã do Huệ Viễn đại sư xướng xuất.[22] Theo đó, ngài Huệ Viễn dựa vào pháp “Niệm Phật tam muội” để thấy Phật, cầu sinh Tây phương. Ngài giải thích chữ “tam muội” có nghĩa là chuyên nhất, ý tưởng tịch tĩnh. Trong các tam muội thì Niệm Phật tam muội đứng đầu, vì nó huyền diệu, vắng lặng, tôn xưng đức hiệu là Như Lai, thể thần hợp biến, cảm ứng vô cùng. Cho nên khiến người nhập định này thầm quên tri kiến, ngay nơi sở duyên mà quán chiếu, trí sáng thì quán chiếu nội tâm và vạn tượng từ đó sinh ra, chẳng phải chỗ tai nghe mắt thấy nhận biết được, đây chính là nhất tâm chuyên niệm, ngăn chặn các ý tưởng khác, được đích thân thấy cảnh giới Phật.[23]

Rõ ràng, Niệm Phật theo Tịnh Độ mang màu sắc của tu tập thiền định. Từ những trình bày về niệm Phật ở kinh Nguyên thủy và tư tưởng các nhà lập tông Tịnh Độ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu ý nghĩa và phương pháp niệm Phật dưới lời bàn của vua Trần Thái Tông.

2. Niệm Phật qua Niệm Phật Luận

2.1. Ý nghĩa niệm Phật

Mở đầu Niệm Phật Luận, vua Trần Thái Tông viết: Niệm Phật là điều do tâm khởi. Tâm khởi điều thiện tức là niệm thiện. Niệm thiện khởi thì thiện nghiệp báo lại. Tâm khởi điều ác tức là niệm ác. Niệm ác nảy sinh thì ác nghiệp ứng theo. Như gương hiện ảnh, như bóng theo hình. Cho nên thiền sư Vĩnh Gia[24] nói: “Vô niệm thì vô sinh” là nói về việc đó”.[25]

Chỉ với vài câu ngắn gọn, nhà vua đã nói lên định nghĩa và công năng của pháp niệm Phật. Nhà vua khẳng định niệm Phật là hoạt động của tâm (niệm Phật là điều do tâm khởi). Tâm nghĩ đến điều gì thì sẽ là niệm ấy. Tâm nghĩ đến Phật thì sẽ là niệm Phật. Mặt khác, theo như định nghĩa nhà Phật, Nghiệp chính là hành động có tác ý. Ở đây, “tâm khởi” tức là tác ý. Trong Pháp cú số 2, đức Phật cũng đã dạy vấn đề ấy trong bài kệ ngắn gọn:

“Ý dẫn đầu các pháp Ý làm chủ, ý tạo Nếu với ý thanh tịnh Nói lên hay hành động An lạc bước theo sau Như bóng không rời hình.”[26]

Đưa ra hoạt động của tâm dưới hai phạm trù niệm thiện – ác, và nghiệp báo ứng theo hai ngả ấy. Vậy để có được những niệm thiện, niệm tốt, đúng theo tinh thần của Tứ chánh cần[27], thì nhà vua cho rằng cần nên niệm Phật: “Nay kẻ học muốn khởi niệm chính để dập tắt ba nghiệp cũng là nhờ công niệm Phật vậy”.[28] So với lời dạy của đức Phật trong kinh tạng Nguyên thủy, hay tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Huệ Viễn đã được trình bày ở trên, thì nhận định của vua chính là cách trình bày trở lại giáo nghĩa ấy.

2.2. Phương pháp niệm Phật

Để trả lời câu hỏi vì sao phải cần nên niệm Phật để “dập tắt ba nghiệp”, vua Trần Thái Tông đưa ra lời giải thích đơn giản: “Niệm Phật dâp tắt được ba nghiệp là cớ sao? Vì rằng trong lúc niệm Phật thân thẳng ngồi ngay, không làm việc tà, như vậy là tắt được nghiệp thân. Miệng tụng lời chân không nói điều bậy, thế là tắt được nghiệp miệng. Ý chăm tinh tiến, không nảy niệm tà, thế là tắt được nghiệp ý”.[29]

Có thể thấy được ba nghiệp thân, khẩu, ý được tịnh hóa thông qua việc niệm Phật như nhà vua trình bày tương đối dễ hiểu. Điểm lý thú khác là, nếu liên hệ đến hình ảnh nhà vua như một thiền gia, hơi thở của pháp tu thiền tọa như được thổi vào câu “Trong lúc niệm Phật thân thẳng ngồi ngay”. Nhà vua nói về cách diệt nghiệp ý “ý chăm tinh tiến, không nảy niệm tà”, đó là lời dạy về thực tập chính niệm. Vì chính niệm là chú tâm nhận diện đúng đắn về các pháp hay các hiện tượng, tức là tỉnh giác xem xét quán sát các hoạt động của thân, tâm. Mặc dù thân ngồi, miệng niệm nhưng tâm vẫn có thể có những hoạt động khác bên cạnh việc điều khiển thân và miệng niệm Phật. Thế nên vua Trần Thái Tông nhắc nhở siêng năng canh chừng tà niệm dấy khởi.

Nhằm cụ thể hóa phương pháp niệm Phật, vua Trần Thái Tông đưa ra ba cách thức thông qua ba nhóm người, được gọi là “ba hạng trí”, để dễ dàng trong việc trình bày phương pháp tu tập như đã nói.

Ở hạng thượng trí, vua viết: Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, không cần tu thêm, niệm tức là bụi trần, không vướng mảy may, trần và niệm vốn tịnh, nên nói là như như bất động. Đó là Phật thân. Phật thân tức là thân ta ấy vậy, không có hai tướng. Tướng và tướng không hai, lặng lẽ tồn tại thường hằng, tồn tại mà không biết, đó gọi là Phật sống”.[30]

Về phương pháp dành cho hạng thượng trí này, có thể nhận ra điểm tương đồng với ngài đại sư tông Tịnh độ. Trong tư tưởng của ngài Huệ Viễn, Tịnh Độ được phân làm ba loại sai biệt là: Sự tịnh độ, Tướng tịnh độ, và Chân tịnh độ. Theo đó, Chân tịnh độ là cõi mà Bồ tát Sơ địa trở lên cho đến chư Phật cư trú. Cõi này là thiện căn của chư Phật, Bồ tát thực chứng được thật tính duyên khởi, vi diệu thanh tịnh, lìa được cấu nhiễm, thường hằng bất biến. Lúc tu nhân các Ngài không duyên niệm nên cõi không duyên niệm; cõi không có tướng trạng nên là cõi vi diệu vô tướng. Mà tâm các Ngài không có phân biệt cố chấp, không phân biệt.[31] Như vậy, trình bày về Chân tịnh độ hay trình bày về “bậc thượng trí” đều nói đến đối tượng là những bậc tu hành thành tựu, ít nhất cũng đã đạt một trình độ khá cao trong hệ thống giai vị Bồ tát.

Ở hạng trung trí, vua viết: “Hạng trung trí ắt nhờ vào niệm Phật. chú ý tinh cần, niệm niệm không quên thì tâm mình thuần thiện. Niệm thiện đã hiện thì niệm ác liền tiêu, niệm ác đã tiêu thì chỉ còn niệm thiện. Dùng niệm mà ý thức về niệm thì niệm niệm đều diệt. Khi niệm đã diệt ắt về chính đạo, lúc mệnh hết qua đời sẽ được niềm vui cõi Niết bàn. “Thường lạc ngã tịnh” là đạo của Phật”.[32]

Theo ý kiến của tác giả Lê Mạnh Thát thì rằng ở đời không phải ai cũng là bậc thượng trí cả, nên vua Trần Thái Tông đề ra cách thức niệm Phật thứ hai dành cho những người mà nhà vua gọi là trung trí, tức là bậc trí tuệ trung trung.[33] Ý nghĩa về niệm Phật được nhắc lại dưới nghĩa ứng dụng tu tập. Trong tu tập thiền Phật giáo, có từ “xả niệm”; hay nói theo ngôn ngữ của Hòa thượng Thích Thanh Từ “biết vọng liền buông”, thì ở đây vua Trần Thái Tông sử dụng cách nói “Dùng niệm mà ý thức về niệm” để triển khai. Thế nhưng, niệm Phật ở đây trở thành vô niệm, cũng lại là điểm gặp gỡ với tu tập thiền.

Nói tóm, ở đây dạy dùng niệm Phật để diệt niệm ác, niệm ác diệt hết chỉ còn câu niệm Phật, niệm Phật mãi mãi đến bao giờ câu niệm Phật cũng lặng luôn đến vô niệm, là Niết bàn thường lạc ngã tịnh. Như vậy cũng đi đến chỗ đạt đạo. Đây là bậc trung trí.[34]

Ở hạng hạ trí, vua viết: “Kẻ hạ trí miệng siêng niệm lời Phật, lòng muốn thấy hình tướng Phật, thân nguyền sinh ở nước Phật ngày đêm siêng tu, không thoái chí thay đổi, như vậy đến khi mệnh hết qua đời sẽ theo niệm thiện mà được sinh ở nước Phật, sau đó lĩnh hội được chính pháp của chư Phật nêu ra mà chứng được bồ đề cũng vào quả Phật”.[35]

Trong các thời khóa kinh Tịnh độ của các chùa, có câu “nguyện sinh tây phương tịnh độ trung...bất thoái bồ tát vi bạn lữ”. Ở phương pháp thứ ba này, vua Trần Thái Tông cũng hướng dẫn theo lối ấy: “thân nguyền sinh ở nước Phật ngày đêm siêng tu, không thoái chí thay đổi”. Phương pháp thứ ba này trao cho hành giả tu học khung sườn của sự kỳ vọng, ước mong.

Tuy chỉ rõ ba phương pháp cho ba hạng người như vậy, nhưng vua Trần Thái Tông muốn hướng hành giả tu học “hãy lấy cách của kẻ hạ trí làm đầu”, bởi vì “ví như làm một tòa lâu đài ba tầng mà không làm tầng dưới trước, đó là điều chưa từng có vậy”.[36] Sự khó dễ của ba phương pháp ấy, nhà vua không quên nói đến: “Ba hạng trí ấy nông sâu không giống nhưng cái nhận được là một. Nhưng bậc thượng trí nói thì dễ, làm thì khó. Đời nay kẻ muốn theo mà học, vì không có thang bậc nâng đỡ nên hầu hết chỉ nhìn bờ rồi thoát lui, càng khó đặt chân tới được. Bậc trung trí nếu có thể chăm chỉ tu hành như đã nói ở trên thì lập tức thành Phật. Nhược bằng các lậu chưa hết mà đã chết thì tùy theo nhân quả mà sinh trở lại trên đời để nhận nghiệp thiện báo ứng. Khi thiện báo đã hết, nếu không có người cảnh tỉnh, lại sẽ rơi vào cõi ác. Những người như thế thì cũng khó đắc đạo vậy. Kẻ hạ trí lấy niệm làm bậc, lấy sự tinh tiến làm thang, chú ý đến thiện duyên, nguyện sinh vào nước Phật. Nếu chuyên cần không nhác, tâm tính thuần thục thì sau khi chết đi sẽ tùy theo ý nguyện mà được sinh vào nước Phật. Đã sinh ở nước Phật thì thân mình có mất đi đâu”.[37]

Tình hình tu học ở nước ta hiện nay, hầu hết là đi theo phương pháp thứ ba này của vua Trần Thái Tông. Đó là điều dễ thấy khi trong “Tịnh độ tam kinh” thì Kinh A Di Đà được ưu tiên hàng đầu trong việc thọ trì và tụng đọc trong các tự viện, đạo tràng. Vì bản kinh ẩn chứa hầu hết nội dung mà phương pháp thứ ba này nói đến.

III. KẾT LUẬN

Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, truyền thống thiền học đóng vai trò chủ đạo trên cả hai phương diện pháp học và pháp hành. Có thể nói tác phẩm Niệm Phật Luận của vua Trần Thái Tông ra đời là một hiện tượng tương đối mới lạ trong dòng văn học Phật giáo nước nhà. Đặc biệt hơn, đây không phải là ngòi bút của một đại sư Tịnh độ, mà là nhà vua tu tập theo truyền thống thiền học.

Niệm Phật Luận của vua Trần Thái Tông là tác phẩm nói về pháp tu niệm Phật mang hương vị thiền. Tuy bàn về niệm Phật, thường được gắn nhãn mác đại diện cho “chủ nghĩa tha lực”, nhưng ở đó hình như nhà vua “đã quên” sử dụng yếu tố “tha lực” để trình bày; mà liên tục triển khai phần “tự lực”. Đó cũng là điều dễ hiểu, khi nhà vua là một thiền gia, luôn đặt tinh thần “tự lực” lên hàng đầu. Giải thoát của mỗi con người phải bắt đầu từ chính mình. Điều đó cũng giống như việc giải phóng đất nước Đại Việt ra khỏi nanh vuốt xâm lược Mông Nguyên, phải chính từ sức mạnh của Đại Việt, mà nhà vua đã thực hiện được tính tự lực ấy.

Điểm đặc biệt tiếp theo, đó là Niệm Phật Luận là một tác phẩm bàn về việc niệm Phật nhưng lại không chỉ cụ thể là “niệm” ai. Ngay cả trong kinh Nguyên thủy, dù không nói đích xác nhưng vẫn ám chỉ đối tượng. Mặc dù, qua các nghiên cứu thì Phật tử nước ta vào thời vua Trần Thái Tông niệm Phật là niệm đức Phật A Di Đà, nhưng nhà vua chỉ chọn bàn một cách chung chung. Về việc này, có thể nhà vua chọn cách trình bày mà sau này Hòa thượng Thích Thanh Từ đã sử dụng, “niệm Phật” tức là “nhớ nghĩ về giác tỉnh”. Trong một lần trả lời câu hỏi “Phật Di Đà và Phật Thích Ca là một hay là hai?”, Hòa thượng đã đáp: “Phật là một, Di Đà và Thích Ca là hai.”

Tác giả: Thích Tâm Thiện - Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Hà Nội

-----------

CHÚ THÍCH [1] Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về vua này: “vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém”. Xem: Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, tr. 408. [2] Sđd, tr. 416. [3] Sđd, tr. 417. [4] Sđd, tr. 432. [5] Sđd, tr. 418. [6] Dẫn theo Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập IV, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr. 11-12. [7] Đại Việt sử ký toàn thư, tr. 434. [8] Sđd, tr. 434. [9] Xem: Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.46-54. [10] Đại Việt sử ký toàn thư,tr. 449. [11] Sđd, tr. 460. [12] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 50-51. [13] Thích Thanh Kiểm (1992), Khóa hư lục, Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, tr. 52. [14] Sđd, tr. 55. [15] Thích Phước Đạt, Sđd, tr. 50. [16] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, Nxb. Phương Đông, tr. 179 – 180. [17] Xem: tựa Khóa hư lục, Thích Thanh Kiểm, Sđd. [18] HT.Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Một Pháp, tập I, Nxb. Tôn Giáo, tr. 67. [19] HT.Tuệ Sỹ (dịch) (2013), Kinh Trung A-hàm, Kinh Trì Trai (202), tập IV, Nxb. Phương Đông, tr. 2217. [20] HT.Tuệ Sỹ (dịch) (2011), Tinh hoa triết học Phật giáo, Nxb. Phương Đông, tr. 255. [21] Ngũ niệm môn trong luận Vãng sinh của ngài Thế Thân : Lễ bái, Tán thán, Tác nguyện, Quán sát, Hồi hướng. Xem: Thích Nữ Giới Niệm (dịch) (2014), Lịch sử giáo lý Tịnh độ Trung Quốc, Nxb. Hồng Đức, tr. 83 – 90. [22] Sđd, tr. 21 – 22. [23] Sđd, tr. 25. [24] Vĩnh Gia thiền sư: tức ngài Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713), là Thiền sư Trung Quốc đời Đường. [25] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 366. [26] HT.Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Tiểu Bộ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 41. [27] Tứ chánh cần: (1) Tinh tấn làm cho bất thiện pháp chưa sinh không sinh khởi; (2) Tinh tấn đoạn trừ bất thiện pháp đã sinh; (3) Tinh tấn làm cho thiện pháp chưa sinh sinh khởi; (4) Tinh tấn làm cho thiện pháp đã sinh được phát triển. [28] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 366. [29] Sđd, tr. 366. [30] Sđd, tr. 366 – 367. [31] Xem: Thích Nữ Giới Niệm, Sđd, tr. 95 – 97. [32] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 367. [33] Sđd, tr. 267. [34] HT.Thích Thanh Từ (1996), Khóa hư lục giảng giải (https://thuvienhoasen.org/p27a6704/12-luan-ve-niem-phat). [35] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 367. [36] Sđd, tr. 368. [37] Sđd, tr. 367 – 368. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập I, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội. 2. Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập IV, Nxb. TP. Hồ Chí Minh. 3. Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh. 4. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 5. Thích Thanh Kiểm (1992), Khóa hư lục, Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành. 6. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, Nxb. Phương Đông. 7. HT.Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Một Pháp, tập I, Nxb. Tôn Giáo. 8. HT.Tuệ Sỹ (dịch) (2013), Kinh Trung A-hàm, Kinh Trì Trai (202), tập IV, Nxb. Phương Đông. 9. HT.Tuệ Sỹ (dịch) (2011), Tinh hoa triết học Phật giáo, Nxb. Phương Đông. 10. Thích Nữ Giới Niệm (dịch) (2014), Lịch sử giáo lý Tịnh độ Trung Quốc, Nxb. Hồng Đức. 11. HT.Thích Minh Châu (dịch) (2017), Kinh Tiểu Bộ, Nxb. Tôn Giáo. 12. HT.Thích Thanh Từ (1996), Khóa hư lục giảng giải (https://thuvienhoasen.org/p27a6704/12-luan-ve-niem-phat) https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tran-thai-tong-va-van-de-cai-cach-dat-nuoc-thoi-tran.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-tai-tam-duoi-goc-nhin-cua-tran-thai-tong.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vai-tro-cua-tran-thai-tong-trong-viec-xay-dung-nen-van-hoa-dai-viet-thoi-tran.html