Trang chủ Chuyên đề Tiếng chuông thức tỉnh

Tiếng chuông thức tỉnh

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Hoa Đức Hạnh
Quan Độ – Văn Môn – Yên Phong – Bắc Ninh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Tieng chuong thuc tinh 1

Tiếng chuông ngân vang ở các chùa trong thời khắc Giao thừa thiêng liêng, thể hiện sự giao hòa giữa trời và đất. Tiếng chuông nhắc nhở mọi người buông bỏ hỉ, nộ, ái, ố để tịnh tâm, tu tập, khơi dậy ước vọng mùa Xuân để cho bản thân, gia đình và xã hội được nhiều điều tốt đẹp, chào đón năm mới bình an, hạnh phúc.

Chuông được người tu hành coi là pháp khí thức tỉnh lòng người khỏi cơn mê, “hàng yêu phục ma” cõi u giới, tiếng chuông trầm ấm ngân vang, khiến người nghe có cảm giác bình yên đến kỳ lạ. Nào danh, nào lợi, nào tình ái cuồng si, nào tranh, nào đấu… cuộc đời là một hơi thở rất nhẹ và mong manh, chỉ cần ngừng lại trong giây phút ngắn là rũ bỏ tất cả.

“Mộ cổ thần chung, cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách
Kim kinh ngọc kệ, hoán hồi khổ hải mộng mê nhân.”

Dịch nghĩa:

“Chuông sớm trống chiều, thức tỉnh khách trần đang chạy theo danh lợi;
Kinh vàng kệ ngọc, kêu gọi người đời mau thoát khỏi bể khổ mênh mông”.

Tiếng chuông thức tỉnh cả âm cảnh lẫn dương trần, thức tỉnh bao tâm hồn còn mãi đắm chìm trong cõi mộng, tuy sống trong cõi vô thường mà không ý thức về sự thật vô thường của vạn thể. Tiếng chuông là phương tiện thiện xảo của cửa thiền để mở đường nhập vào đời sống tâm linh, là âm thanh trầm hùng kêu gọi thế nhân thực tại. Chuông ngân như một cuộc hành hương từ chốn phong ba về vùng tĩnh lặng an nhiên. Cho nên trong “Nghi thức thỉnh đại hồng chung” mà các chùa thường đọc và thường được khắc lên chuông rằng:

“Xin nguyện tiếng chuông này lan toả trong pháp giới.
Địa ngục dù có tối tăm, tất cả đều được nghe.
Nghe âm thanh này tâm được thanh tịnh.
Hết thảy chúng sinh thành bậc chính giác.”

Dịch nghĩa:

“Giờ con xin đánh chuông này
Tiếng vang thấu khắp mọi nơi xa gần
Ai nghe thấy lòng trần nhẹ bổng
Đạo Bồ-Đề được chứng lên ngay.”

Tiếng chuông không chỉ là để điểm giờ, nhắc người tu hành tụng niệm, người đánh chuông cũng phải tạo ra được âm thanh trầm hùng, vang vọng mà du dương. Đánh chuông cũng là thể hiện công phu, định lực của người tu luyện. Chính vì vậy mà trong “Bách Trượng Thanh Quy – Pháp khí” có ghi rằng: “Tiếng chuông buổi sớm trước thì hối hả sau chậm rãi, gọi mọi người thức giấc, đêm dài đã qua, chớ biếng nhác mà say ngủ, hãy dậy sớm, tranh thủ thời gian tu hành. Tiếng chuông chiều muộn trước thì chậm rãi sau hối hả, nhắc nhở người tu luyện đừng bị cuốn vào công việc nơi trần thế, tâm trí cần tĩnh lặng, thôi không nghĩ ngợi thì mới có thể tu hành.” Tiếng chuông ngân vang, thâm trầm trong trẻo lan xa còn mang theo hàm nghĩa “thức tỉnh con người trước danh lợi tình nhân thế, trở về ‘ngôi nhà’ thật sự của mình, thoát khỏi biển khổ và ảo mộng”.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có nói: “Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời dừng nghỉ, chúng sinh chịu hình phạt được tạm thời an vui”. Trong mỗi tiếng chuông, trống, mõ, của nhà Phật là những sứ giả Như Lai mang đến cho đại chúng những tâm nguyện từ bi, để giúp cho chính họ có thể tự mình giải tỏa những nỗi muộn phiền đau khổ, hay để tắm gội cho thân tâm thanh sạch, những buồn bực, chán nản… bụi trần. Âm vang tiếng chuông là tiếng gọi thiết tha đưa người về với thực tại, xua tan đi tất cả những vấn vương tục lụy, những nỗi trần tâm:

“Đánh tan tục lụy hồi chuông sớm
Gõ nát trần tâm tiếng mõ trưa”

Tiếng chuông chùa thi vị và đầy sức cảm hóa làm nảy sinh ra biết bao cảm hứng về âm nhạc và thơ văn, chan chứa chất liệu cốt tủy của tinh thần Phật giáo cùng với mối sầu cảm ướp đầy tình tự quê hương. Tiếng chuông chùa quả thật có một năng lực hồi sinh rất lớn. Vì thế trong bài kệ chuông có câu:

“Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ;
Trí huệ lớn, giác đạo sinh;
Lìa Địa ngục, khỏi hầm lửa;
Nguyện thành Phật độ chúng sinh”.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Tieng chuong thuc tinh 2

Đối với người tu hành thời xưa, một tiếng chày kình (là dùi thỉnh chuông) cũng phải dụng tâm cung kính, buông bỏ nhân tâm thì mới ra được âm thanh hay. Thế nên tiếng chuông ấy mới có đủ uy lực để thức tỉnh lòng người say mộng, nhắc nhở thế nhân không chấp chước say đắm vào những điều phù phiếm, dễ tiêu tan. Tiếng chuông là sự thức tỉnh, nhắc nhở con người ở trong cuộc đời này vô thường, không có cái gì tồn tại vĩnh viễn. Bởi bất kể vật thể nào đã có hình danh sắc tướng, đều có sinh thì ắt có diệt. Có sinh có diệt, hiểu được vô thường thì con người nên làm việc chăm chỉ và tử tế. Nếu không tự tỉnh thức bằng trí tuệ, để tìm thấy các giá trị thật của mọi việc đang có mặt chung quanh mình, thì thật là uổng phí, vì mình sẽ mất tất cả theo luật tự nhiên, và nếu như khi đặt hết trọng tâm của đời mình vào Từ, Bi, Hỷ, Xả, để thực hiện việc gì cho mình hay cho người bằng những giá trị thật của việc đó, thì mình sẽ không bao giờ bị mất tất cả. Cho nên tiếng chuông buổi sáng cảnh tỉnh con người nên làm những điều thiện, trên nền tảng trí tuệ, đấy là cứu cánh của đạo Phật Chúng ta đi đâu, làm gì rồi một ngày kia, trên chặng đường danh lợi nhọc nhằn mệt mỏi, trong mỗi bước chân đua chen cơm áo gạo tiền, sẽ thấy lòng thanh thản hơn khi thấy chợt đâu đó ngân nga một tiếng chuông chùa.

Bước sang năm mới, lòng người náo nức, chộn rộn, cỏ cây hoa lá đâm lộc non chồi biếc, vạn vật vui tươi mong một mùa xuân mới. Người ta lại muốn đến cửa chùa để được trầm mình trong bầu không khí linh thiêng, lắng lòng nghe tiếng chuông chùa vang xa ngân nga. Tiếng chuông là một nhạc khí, pháp khí, gần gũi quen thuộc với mỗi người dân Việt từ làng quê cho tới thị thành, ăn sâu tự bao đời nay, nhờ như vậy mà con người sống có ý thức hơn, minh triết hơn. Tiếng chuông ở đây vừa dẫn dắt con người hòa nhập với cảnh vừa thức tỉnh đưa con người rời cõi mộng ảo quay về với thực tại, cho nên thi sĩ Huyền Không viết:

“Mỗi tối dân quê đón gió lành;
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh;
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi;
An ủi dân lành mọi mái tranh”

Tiếng chuông là tiếng của đạo và đời, của chính con người. Con người mà không có tâm đạo thì gõ chuông chỉ lấy tiếng to. Người gõ chuông phải gõ bằng tâm chứ không phải bằng chày. Tâm thanh, lòng tịnh, nghe tiếng chuông âm vang, len lỏi tới từng trái tim của mỗi con người mà hướng thiện. Vào đến cửa chùa, tiếng chuông khiến người ta thức tỉnh, buông bỏ trần tục thế gian, để lắng lại và gửi tâm sự bằng tiếng lòng của mình tự nhiên thấy tiếng chuông rất hay.
Cho nên có bài kệ:

…“Âm vang tiếng vọng hồng chung
Gọi người thức tỉnh thoát vòng u mê
Hồng chung ngát ý Bồ Ðề
Chuông ngân thanh thoát đường về bến hoa”…
…“Đại Hồng Chung xóa sương mù
Giúp người tinh tiến đường tu viên thành”…

Tiếng chuông có đầy đủ định lực và uy lực, khiến cho người cõi trần được tỉnh thức, người tu thêm tinh tấn.

Tiếng chuông chùa xứ Việt đã từng lan tỏa từ đỉnh chùa, thả vào không gian và thơ văn những tiếng vang, cuộn trôi êm đềm những lo toan sầu muộn, thay bằng những lắng đọng khiến người ta dần tỉnh thức. Cho nên tiếng chuông đêm giao thừa: ‘Thần Chung” thức tỉnh danh lợi khách, kẻ đánh người nghe đều cần một tấm lòng. Như nhà thơ Quách Tấn, một trong “Bàn thành tứ hữu” (bốn người bạn ở thành Đồ Bàn bao gồm Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn) đã từng tâm sự: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn cõi trần tục”… “Nếu không có tiếng chuông lay động thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây ráng, hoặc làm con cò vương hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh”.

Tiếng chuông chùa linh thiêng đã tồn tại từ lâu đời và mang trong đó một nội hàm sâu sắc đã thẩm thấu mặn mà trong tâm khảm của dân tộc. Đời sống tâm linh và xã hội đã hoà quyện vào nhau thành một thực thể, cùng một lúc ta tiếp xúc trọn vẹn cả hai cội nguồn tâm linh và huyết thống, chính là nét nhân bản đẹp đẽ muôn đời của tổ tông từ cuộc sống hiện tại cho đến mai sau.

Tiếng chuông gạn lọc những toan tính trần tục, khơi dòng cảm xúc thuần khiết trong tâm hồn, nhắc cho chúng ta thong thả mỗi bước chân, ung dung, tự tại bước vào cõi tâm linh sâu thẳm trong tâm thức.

Hoa Đức Hạnh
Quan Độ – Văn Môn – Yên Phong – Bắc Ninh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường