Tích truyện pháp cú - Phẩm 23: VOI

Tập "Tích truyện Pháp cú" này được dịch theo bản Anh ngữ "Buddhist Legends" của học giả Eugène Watson Burlingame. Nhà học giả này đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải ( Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli.

Tích truyện pháp cú - Phẩm 23: VOI

1. Phật Bị Lăng Nhục Ta như voi giữa trận... Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở Kỳ Viên, trong trường hợp của chính Ngài. Trong truyện tích Pháp Cú (179) đã đề cập đến trường hợp Màgandiyà bị Phật từ chối, và cô bị chạm tự ái nặng. Khi trở thành hoàng hậu, nàng quyết tâm trả thù Phật. Nàng tung tiền mướn cư dân thành, bảo họ rằng: - Khi Sa-môn Cồ-đàm đến đây khất thực, các ngươi hãy tụ tập những người hạ tiện đi theo chửi mắng ông ta, đuổi ông ta đi. Khi đức Phật và A-nan đi đến thành, dân cư không tin Tam Bảo đã đi theo Ngài, la hét. - Ông là kẻ giặc cướp, ngu dốt, khùng, ông là lạc đà, bò, lừa, quỷ ở địa ngục, là súc sanh, không có hy vọng được cứu rồi, ông chỉ có nước chờ bị đọa thôi... Như vậy, họ dùng mười cách mắng chửi để mắng chửi Phật. Nghe các câu mạ nhục, Tôn giả A-nan bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, dân cư nơi này chửi mắng chúng ta, xin hãy đi nơi khác. - Chúng ta sẽ đi đâu, A-nan? - Ði đến thành phố khác, bạch Thế Tôn. - Nếu như dân ở thành phố đó cũng chửi mắng ta? - Thì chúng ta lại đi đến thành phố khác, bạch Thế Tôn. - Nếu như đến nơi kia cũng bị mắng chửi? - Ði đến chỗ khác nữa, bạch Thế Tôn. - Này A-nan! Chúng ta không nên làm như thế. Bất cứ nơi nào có rắc rối, phiền não nổi lên, chúng ta nên ở lại đó cho đến khi chúng lắng dịu hẳn, và chỉ khi đó chúng ta mới nên đi nơi khác. Nhưng ai đã chửi mắng chúng ta? - Bạch Thế Tôn, những kẻ hạ tiện, nô tỳ, tất cả đều chửi mắng. - Này A-nan! Ta như con voi đã ra trận. Và như con voi giữa trận hứng chịu tên bay từ bốn phía, bổn phận ta phải nhẫn nại nghe những lời ác độc thốt ra. Và Ngài lấy mình làm tiêu đề giảng pháp với các câu: (320) Ta như voi giữa trận, Hứng chịu cung tên rơi, Chịu đựng mọi phỉ báng, Ác giới rất nhiều người. (321) Voi luyện, đưa dự hội, Ngựa luyện, được vua cưỡi, Người luyện, bậc tối thượng, Chịu đựng mọi phỉ báng. (322) Tốt thay, con la thuần, Thuần chủng loài ngựa Sindh [*] Ðại tượng, voi có ngà, Tự điều mới tối thượng. [*] loài ngựa đẹp ở vùng sông Sindha, Ấn Ðộ Nghe xong, quần chúng ở hai bên đường, ở ngã ba, ngã tư, những kẻ ăn tiền chửi mướn Phật đều chứng từ Sơ quả đến Tam quả.

2. Thầy Sa Môn Luyện Voi Chẳng phải loài cưỡi ấy... Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến một Tỳ-kheo từng là quản tượng. Một ngày nọ, một vị Tỳ-kheo trước kia từng là quản tượng, đứng bên bờ sông Acirvatì thấy một người quản tượng đang cố gắng huấn luyện một con voi. Thấy người ấy không đạt kết quả, thầy muốn mách nước, bèn nói với các thầy Tỳ-kheo đứng gần: - Nếu đánh con voi ở chỗ này, chỗ này... nó sẽ nghe lời ngay thôi. Người quản tượng nghe được, làm theo lời, và chẳng bao lâu con voi tuân theo ý ông... Các Tỳ-kheo bạch Phật câu chuyện. Phật cho gọi thầy Tỳ-kheo ấy lên hỏi: - Có phải thật ông nói như thế? - Bạch Thế Tôn, vâng! Phật quở: - Ngươi vô tích sự, ngươi thi thố tài nghệ với người luyện voi, luyện thú để làm gì? Không phải leo lên lưng những con thú đó là có thể đi đến nơi muốn đến mà chưa đến được. Chỉ có trong sự tự huấn luyện bản thân mới có thể đến được nơi khó đến. Từ đây ngươi hãy tự điều phục chính mình, đừng làm trò huấn luyện thú như thế nữa: Ngài nói kệ: (323) Chẳng phải loài cưỡi ấy, Ðưa người đến Niết-bàn, Chỉ có người tự điều, Ðến đích, nhờ điều phục.

3. Lão Bà La Môn Và Các Con Con voi tên Tài Hộ... Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở Xá-vệ, trong trường hợp một Bà-la-môn già bị các con hất hủi. Tại thành Xá-vệ, một Bà-là-môn có bốn người con trai và gia tài tám trăm ngàn đồng tiền vàng. Khi các con đến tuổi trưởng thành, ông cưới vợ cho chúng và cho mỗi đứa một trăm ngàn tiền vàng. Sau đó, vợ ông chết, các người con họp nhau lại bàn tán: - Nếu cha ta cưới vợ khác, gia tài sẽ bị chia cho mấy đứa con sau và không còn gì cả. Chi bằng chúng ta săn sóc ông già để hưởng gia tài của ông. Chúng bu quanh hầu hạ ông chu đáo, lo thức ăn ngon, quần áo đẹp, tắm rửa cho ông, mọi bổn phận đều làm tròn. Một ngày nọ, chúng đến hầu thấy ông vẫn còn ngủ. Ngay khi ông thức giấc, chúng rửa tay chân cho ông, và nói về sự bất lợi của một gia đình chia hai dòng con. Chúng hứa: - Chúng con sẽ săn sóc cha cho tới khi cha chết, cha hãy chia cho chúng con số tiền còn lại. Ông già chiều theo lời yêu cầu, chia luôn bốn trăm ngàn tiền còn lại làm bốn phần, cho mỗi đứa một phần, riêng ông chẳng còn gì, ngoài bộ quần áo dính da. Vài ngày đầu, đứa con trưởng hầu hạ ông. Một hôm, khi ông đến nhà người này như thường lệ, mụ con dâu đứng ở cửa vừa gặp ông liền nói: - Ông có cho thêm con trai ông một trăm hay một ngàn đồng không? Rõ ràng ông cho mỗi con trai ông hai trăm ngàn đồng mà. Ông không biết đường đi tới nhà mấy ông con kia à? Ông Bà-la-môn giận dữ, mắng: - Im đi, con đàn bà đê tiện. Ông đến nhà đứa con thứ hai. Nhưng chỉ vài hôm, ông lại bị đuổi ra khỏi nhà theo cách của đứa thứ nhất, và cảnh ấy cũng diễn ra ở tại nhà đứa út. Rốt cuộc ông không có nhà để nương thân. Do đó, ông từ bỏ đời thế gian, đi tu theo giáo đoàn Pandaranga, xin ăn từ nhà này sang nhà khác. Theo thời gian, ông trở nên gầy ốm vì tuổi già, thân thể suy sụp vì thức ăn tồi tệ và chỗ ngủ không đủ ấm. Một ngày nọ, sau khi đi xin ăn về, ông nằm dài tại chỗ và ngủ thiếp đi. Mở mắt ra ông mệt mỏi nhìn quanh chẳng thấy có đứa con nào để nhờ cậy. Ông nghĩ thầm: "Họ nói rằng Sa-môn Cồ-đàm có một dáng dấp từ hòa, vẻ mặt chân thật cởi mở, rằng thái độ của Ngài hoan hỷ, rằng Ngài tiếp khách lạ với tất cả vẻ thân thiện. Có lẽ ta nên đến với Sa-môn Cồ-đàm, để được tiếp đãi ấm áp". Ông khoác áo, ôm bát, chống gậy đi đến chỗ Thế Tôn. Ðến nơi ông ngồi qua một bên thật cung kính. Ðức Thế Tôn chào đón ông vui vẻ và hỏi: - Này Bà-la-môn, vì sao ông đến nơi này với vẻ tiều tụy, áo rách tả tơi thế kia? - Thưa Cồ-đàm, tôi có bốn đứa con trai, nhưng chúng bị mê hoặc bởi mấy con vợ, rồi đuổi tôi ra khỏi nhà. - Ðược rồi, ông hãy học thuộc bài kệ này. Và khi mọi người và các con ông đến nhà họp, ông đọc lên trước chúng. Ngài dạy: Chúng là những đứa con khi sanh ra tôi vui mừng, mong mỏi. Vậy mà chúng nghe lời vợ xúi giục, đuổi tôi như xua chó. Chúng gọi tôi "Cha thân yêu!..." thật ác độc và rỗng tuếch. Quỷ đội lốt con trai, chúng bỏ rơi tôi khi tuổi già, như bỏ đói con ngựa già vô dụng. Làm cha một lũ ngu, phải xin ăn lang thang từng nhà. Một cây gậy còn tốt hơn lũ con bất hiếu. Gậy còn đuổi được bò rừng chó dữ. Gậy dẫn đường trong đêm tối, đỡ chân qua vũng nước bùn lầy. Ông Bà-la-môn học thuộc lòng bài dạy trên. Một ngày nọ, dòng Bà-la-môn họp mặt, các con trai ông cũng đến họp. Chúng ăn mặc sang trọng, trang sức quí giá và ngồi vào chỗ danh dự giữa những người Bà-la-môn. Ông già nhủ thầm: "Ðây là cơ hội tốt cho ta". Ông đi vào phòng họp, giữa mọi người ông đưa tay lên nói: - Tôi muốn đọc một bài thơ, xin các ngài hãy nghe cho. - Ông đọc đi, chúng tôi nghe. Ông đứng giữa hội chúng, đọc lên bài kệ đức Phật dạy. Luật pháp thời ấy ấn định rằng: "Nếu người nào hưởng gia tài của cha mẹ, mà không nuôi dưỡng cha mẹ, sẽ bị tử hình". Các con ông đã hoảng sợ, quỳ xuống dưới chân ông van xin: - Cha ơi! Xin cứu chúng con. Trái tim người cha mềm yếu, ông bèn bảo lãnh cho chúng. - Xin các vị đừng xử tội chúng. Chúng sẽ nuôi nấng tôi. Hội chúng hăm đám con ông: - Từ nay, nếu các anh không săn sóc ông cụ tử tế, chúng tôi sẽ đưa ra pháp luật đấy. Bốn người con trai hoảng sợ, vội khiêng ông cụ về nhà, tắm rửa kỳ cọ, xoa dầu, bôi kem, ướp phấn... cho ông cụ, rồi gọi vợ đến bảo: - Từ nay bổn phận của các bà phải săn sóc cha cho chu đáo. Nếu thiếu sót coi chừng ăn đòn. Chúng dọn thức ăn thượng vị cho ông. Từ đó được bồi dưỡng, nghỉ ngơi êm ấm tiện nghi, ông cụ phục hồi sức khỏe, thân thể tươi tốt. Ông tự nhủ: "Ta được như vầy là nhờ Sa-môn Cồ-đàm". Ông bèn chọn một cặp vải tốt, đi đến chỗ đức Phật, chào Ngài và lui ngồi một bên, đặt vải dưới chân Phật, thưa: - Kính bạch Cồ-đàm, dòng Bà-la-môn chúng tôi mong ước rằng một vị thầy nhận lễ vật, xin đức Cồ-đàm tôn kính là thầy của tôi, nhận lễ vật này. Phật nhận xấp vải, và giảng pháp cho ông cụ nghe. Nghe xong, ông quy y Phật và thưa: - Bạch Cồ-đàm, các con tôi thường cung cấp cho tôi một ngày bốn bữa ăn, tôi xin cúng dường Ngài hai bữa. - Rất tốt đó ông lão, nhưng chúng ta chỉ đi đến nhà nào được chọn. Ông cụ về nhà bảo các con: - Này các con, Sa-môn Cồ-đàm là bạn của ta, ta dâng Ngài hai bữa ăn. Khi Ngài đến hãy tiếp đãi đừng thiếu sót. Các con đều hứa nghe lời. Ngày hôm sau, đức Phật đi khất thực, Ngài đứng trước cửa nhà của người con trưởng. Người này vội đỡ lấy bình bát của Ngài, mời vào nhà, soạn ghế nệm gấm thỉnh Phật ngồi, và cúng dường thức ăn thượng vị. Những ngày sau, đức Thế Tôn đến các người con kế, họ đều tiếp đón Ngài nồng hậu. Ngày nọ sắp đến lễ hội, người con trưởng hỏi ông: - Thưa cha, ai là ân nhân danh dự của chúng ta? - Chỉ có Sa-môn Cồ-đàm thôi, không ai khác. - Như thế, ngày mai xin mời Ngài và năm trăm vị Sa-môn. Ông cụ thỉnh Phật và năm trăm Tăng chúng. Ngày hôm sau, Phật cùng chúng Tăng đến nhà ông. Ngôi nhà trang hoàng theo nghi thức lễ hội, ông Bà-la-môn dọn chỗ ngồi cho Phật và chúng Tăng, dâng cúng các thức ăn thượng vị loại cứng, loại mềm.

Bốn người con ngồi trước Phật, bạch rằng: - Thưa Ngài Cồ-đàm, chúng tôi săn sóc ông già chu đáo, không dám lơ là. Ngài hãy nhìn ông cụ xem. Phật dạy: - Các ngươi làm như thế tốt lắm. Người khôn ngoan bao giờ cũng nuôi dưỡng cha mẹ chu đáo. Ngài nói kệ: (324) Con voi tên Tài Hộ, Phát dục, khó điều phục, Trói buộc không ăn uống, Voi nhớ đến rừng voi. Ðức Phật kể chuyện con voi Tài Hộ (Dhanapàla) dù được vua săn sóc, cho ăn ngon, ở nơi đẹp, vẫn nhớ mẹ nơi rừng voi. Không chịu ăn uống vì nghĩ đến bổn phận làm con đối với cha mẹ. Nghe xong, mấy người con đều rơi lệ. Ðức Phật biết rằng họ đã thấm nhuần bèn giảng pháp. Cuối cùng, cả ông cụ, các con trai, con dâu, đều chứng Sơ quả.

4. Ăn Uống Ðiều Ðộ Người ưa ngủ, ăn lớn... Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến vua Ba-tư-nặc. Có một lúc, vua Ba-tư-nặc thường ăn rất nhiều cơm nấu với cà ri, nước sốt gia vị. Ngày kia, sau bữa điểm tâm dồi dào quá độ, cơ thể và tâm tư ngầy ngật, nhà vua đến chỗ Phật, đi tới đi lui trước mặt Ngài với vẻ thật mệt mỏi. Nhà vua chỉ muốn nằm lăn ra ngủ mà không được nên đến ngồi xuống một bên Phật. Ðức Phật thấy thế bèn hỏi: - Ðại vương, trước khi đến đây Ngài chưa được ngủ nghĩ chăng? - Bạch Thế Tôn, không phải. Con luôn khó chịu sau khi ăn no. - Này Ðại vương! Ăn uống vô độ thường đưa đến sự mệt mỏi. Ngài nói kệ: (325) Người ưa ngủ, ăn lớn, Nằm lăn lóc qua lại, Chẳng khác heo no bụng, Kẻ ngu nhập thai mãi. Muốn giúp nhà vua, Phật dạy thêm: Người khôn ăn uống vừa chừng Thân tâm nhẹ nhỏm, lâu già, sống vui. Phật bảo hoàng tử Uttara (Uất-đà): - Con hãy học thuộc bài kệ này, và mỗi khi nhà vua ngự yến, con đọc lên theo cách sau và nhà vua sẽ tự ngừng. Xong, đức Phật bày cho hoàng tử cách làm. Hoàng tử tuân theo lời Phật dạy. Và sau một thời gian nhà vua ăn uống nhỏ nhẹ, giảm bớt trọng lượng và trở nên dễ chịu. Nhà vua thường xuyên đến thăm Phật, tổ chức lễ hội dâng cúng phẩm vật tối thắng trong bảy ngày. Khi đức Thế Tôn nói lên lời hồi hướng, cả hội chúng triều đình đều được ích lợi lớn.

5. Chú Tiểu Và Dạ Xoa Trước tâm này buông lung... Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên quan tới chú tiểu Sànu. Sànu là con trai duy nhất của một gia đình mộ đạo, chú được nhận vào Tăng đoàn khi còn rất bé. Hồi ấy chú rất nhiệt tâm và đạo hạnh. Chú làm tròn bổn phận một cách trung hậu với thầy Tế độ, với Giáo thọ và các khách tăng. Mỗi tháng, vào ngày mùng 8, chú dậy sớm, xách nước đổ đầy các chum vại, quét dọn giảng đường, lau chùi bàn ghế, thắp đèn, và dùng tiếng trong thanh kêu gọi thiện tín đến nghe pháp. Các thầy Tỳ-kheo thấy chú ngoan ngoãn và cần mẫn, lại thích thú giọng chú đọc tụng kinh nên thường yêu cầu chú tụng đọc. Chú không bao giờ từ chối, nói rằng: "Con mệt tim..." hay "Con nhức mình..." hay tỏ ra miễn cưỡng tuân lời. Chú ngồi trên ghế, cao tiếng tụng đọc như dòng hải triều tuôn từ cõi chư thiên. Mỗi khi tụng đọc xong, chú tụt xuốnng ghế và hồi hướng: "Tất cả phước báo do việc tụng đọc kinh này, xin hồi hướng cho cha mẹ tôi". Song thân hiện tại chú không biết gì về sự hồi hướng ấy, nhưng bà mẹ kiếp trước của chú, tái sanh làm quỷ Dạ-xoa. Bà thường cùng đến nghe kinh với các vị thần. Và bà nói: "Con yêu quí, ta cảm tạ sự hồi hướng của con". Thường có câu: "Một vị Sa-môn giữ giới trong sạch được trời và người quý mến". Vì thế, chư thiên kính trọng chú Sa-di, xem ngang bằng trời Ðại Phạm, hoặc như ngọn đuốc sáng. Cũng thế, họ tôn kính và ca ngợi bà Dạ-xoa, mẹ kiếp trước của chú. Khi các Dạ-xoa hợp đến nghe kinh, bà được ngồi ghế thứ nhất, uống nước trước nhất, có thức ăn trước nhất. Ngay cả các Dạ-xoa đầy uy lực, cũng nhường bước và nhường chỗ ngồi cho bà. Khi Sànu đến tuổi trưởng thành, tâm sinh lý chú phát tirển, chú trở nên lười chán. Và không tự thắng được chính mình, ngày kia, chú không nói với ai, để râu tóc mọc dài, y áo nhớp nhúa, chú mang y bát trở về nhà. Bà nữ thí chủ thấy con trở về, bà chào chú: - Ủa này con, lúc trước con thường về nhà với thầy con hoặc một sư huynh hay vài Sa-di nhỏ, sao hôm nay con về một mình? Chú bày tỏ với mẹ nỗi khổ về sự bất mãn của mình. Nữ cư sĩ là người mộ đạo, giảng giải cho chú những bất lợi của cuộc sống thế tục, nhưng chú không nghe. Rốt cuộc, mẹ chú nghĩ thầm: "Có lẽ không cần sự khuyên bảo của ta, chú ấy sẽ nghĩ lại". Bà nói: - Thôi con ngồi đây, đợi mẹ làm cơm cho con ăn. Ăn xong, mẹ đem áo quần tốt ra cho con mặc. Bà lo sắp chỗ ngồi, đem bánh trái ra thết đãi chú, và dọn bánh xèo, rồi mới lo nấu cơm. Bà ngồi vo gạo cách đấy không xa. Lúc ấy, bà Dạ-xoa tự hỏi: "Chú Sa-di đi đâu? Chú có khất thực được không?". Bà quan sát thấy chú muốn hoàn tục, đang trở về ngồi tại nhà mẹ ruột. Bà nghĩ: "Nếu ta khuất phục được chú Sa-di, ta sẽ được chư thiên kính trọng. Ta sẽ ngăn cản chú ấy". Lập tức bà nhập vào chú, khống chế tay chân, vặn cổ chú và xô té xuống đất, chú Sa-di mắt trợn ngược, sùi bọt mép, giãy giụa. Bà mẹ đang vo gạo, thấy thế vội ẵm chú lên, mọi người chung quanh chạy đến, mang đồ cấp cứu. Bà mẹ khóc, đọc bài kệ: Tôi nghe chư A-la-hán Dạy: "Người mỗi nửa tháng Giữ giới Bát quan trai Và giới bố-tát ngày Mồng tám, rằm, mười bốn Giữ phạm hạnh như thế Dạ xoa không xâm hại" Nhưng hôm nay tôi lại Thấy họ phá Sànu. Quỷ Dạ xoa nghe bà đọc bài kệ, bèn đáp: Chư A-la-hán nói trúng Ai cứ mỗi nửa tháng Giữ giới Bát quan trai Và giới Bố-tát ngày Mồng tám, rằm, mười bốn Giữ phạm hạnh như thế Dạ xoa không xâm hại. Rồi Dạ xoa đọc kệ khuyên Sànu: Sànu, Hãy nghe Dạ xoa nói Ðừng xa Phật, làm ác Lén lút hay công khai. Nếu làm ác đời nay Hoặc sau này, ngươi sẽ Chẳng bao giờ thoát khổ Dù có cánh để bay Lên trời tìm đường ẩn. Nói xong, quỷ xuất ra. Sànu mở mắt, thấy mẹ mình tóc tai rối bù, khóc than kể lể, mọi người chung quanh. Không biết mình mới bị quỷ nhập, chú hỏi: - Vừa mới đây con còn ngồi trên ghế, mẹ vo gạo gần con. Sao bây giờ con lại nằm dưới đất? Và chú nói tiếp: Người ta khóc kẻ chế Hoặc người đi không về Con ngồi đây sao mẹ Lại khóc con tỉ tê? Bà mẹ muốn chỉ rõ cho chú thấy hậu quả xấu của việc đã xuất gia từ bỏ mọi thú vui thế gian, mọi lạc thú nhục dục, lại muốn hoàn tục.

Bà đáp: Con à, người ta khóc Người chết, hoặc người đi Ði mãi chẳng trở về. Họ cũng khóc nữa khi Người tu lại ra đời Những người như thế ấy Sống chết đâu khác gì. Bà tiếp tục so sánh đời sống thế tục như lò than, như hỏa ngục, nhấn mạnh sự nguy hại của đời sống tại gia. Than hừng cả hai bên. Con có muốn ngã nào? Ðịa ngục từ bốn phía, Con có muốn rơi vào? Bà nói thêm: - Con ơi! Cầu con được may mắn! Con đã được mẹ cứu như giựt củi khỏi đống lửa, con đã từ bỏ thế gian đi theo Phật nay lại muốn trở lui thiêu đốt trong nhà thế gian. Con hãy mau ra khỏi và che chở cho chúng ta! Nói xong, bà tự nhủ: "Không có cách nào để ta đánh thức sự chán ghét, ghê tởm của chú hơn nữa sao?" Ðể chú rõ thêm, bà đọc kệ: Hãy tinh tấn con ơi! Cầu con đi đường may Bằng cách nào mẹ khiến Con gớm đời được đây? Ðã giựt ra khỏi lửa, Con là thanh củi say, Muốn cháy thiêu lần nữa, Làm sao, làm sao đây? Chú Sànu nghe mẹ nói xong, tri giác tự tỉnh và nói: - Con không hoàn tục. - Tốt lắm! Con yêu quý! Bà mẹ rất hoan hỷ, bà dọn đủ món ngon cho chú. Ăn xong, bà hỏi tuổi chú và được biết chú đủ tuổi để thọ Tỳ-kheo chánh thức gia nhập Tăng đoàn, bà cúng dường chú ba y. Với y và bát đầy đủ, chú được chính thức là vị Tỳ-kheo của Tăng đoàn.

Ðức Thế Tôn, ngay lúc ấy đã khuyên chú nên kiểm soát tư tưởng: - Nếu một người để tư tưởng mình rong ruổi xa xôi, lâu dài, suy nghĩ đủ mọi chuyện mà không cố gắng kiểm soát, người ấy không thể đạt được Giải Thoát. Vì thế phải nỗ lực kiểm soát tư tưởng, như người nài voi kiềm thúc con voi trong thời phát dục bằng móc sắt. Ngài nói kệ: (326) Trước tâm này buông lung, Chạy theo ái, dục, lạc, Nay ta chánh chế ngự, Như cầm móc điều voi. Nghe xong, chư thiên cùng đến nghe pháp với Sànu, đã chứng Pháp nhãn. Sau này, Thượng toạ Sànu thông suốt Tam tạng, Ngài trở nên một vị giảng sư uyên bác, sống một trăm hai chục tuổi, giáo hóa toàn cõi Diêm-phù-đề, và sau cùng nhập Niết-bàn.

6. Con Voi Sa Lầy Hãy vui không phóng dật... Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên quan đến voi Pàveyyaka. Vua Ba-tư-nặc có một con voi tên Pàveyyaka. Khi còn nhỏ nó rất mạnh, nhưng trở về già sức lực yếu đi. Một ngày nọ, nó lội ngang các hồ lớn, bị lún chân xuống bùn không bước được.

Dân chúng kháo nhau: - Xem kìa! Con voi hồi nhỏ mạnh như thế, bây giờ yếu như thế. Nhà vua nghe tin, lập tức ra lệnh cho người quản tượng: - Hãy kéo con voi ra khỏi đám bùn, Người quản tượng đi đến bờ hồ, giả cách để cho voi thấy như mình sắp ra trận, đầu đội mũ sắt, trống đánh vang lừng. Kiêu khí của con voi trỗi dậy. Nó đứng lên mau mắn, và rút chân ra khỏi sình, bước liền lên đất khô. Các vị Tỳ-kheo chứng kiến sự việc, về bạch Phật, Phật dạy: - Này các Tỳ-kheo, con voi đã tự kéo mình ra khỏi sình lầy. Nhưng các ông bị đắm nhiễm trong bãi lầy dục vọng, hãy cố gắng với tất cả sức lực của mình để thoát ra. Ngài nói kệ: (327) Hãy vui không phóng dật, Khéo phòng hộ tâm ý, Kéo mình khỏi ác đạo, Như voi bị sa lầy.

7. Voi Làm Thị Giả Phật Nếu được bạn hiền trí... Câu chuyện xảy ra khi Phật ở trong một khu rừng với voi Pàveyyaka, liên quan đến một nhóm Tỳ-kheo. Khi Phật ở Kosambi, các thầy Tỳ-kheo ở đấy đã chia phe tranh cãi nhau không dứt. Phật dạy bảo cũng không ai nghe, Ngài bèn vào rừng nhập hạ một mình. Ở đấy, một con voi chúa đã hầu hạ Ngài chu đáo. Ðiều này mọi người tăng tục đều hay tin. Nơi thành Xá-vệ, ông Cấp Cô Ðộc, bà Tỳ-xá-khư, các nhà đại phú hộ khác đến thỉnh cầu Tôn giả A-nan: - Bạch Tôn giả, xin cho chúng con được gặp Phật. Và năm trăm thầy Tỳ-kheo ở xứ khác, sau khi an cư, đã đến thỉnh cầu A-nan: - Thưa Tôn giả, đã lâu chúng tôi không được nghe pháp âm của đức Thế Tôn. Xin Tôn giả vui lòng cho chúng tôi được gặp Thế Tôn và nghe Ngài giảng pháp. Tôn giả A-nan liền dắt năm trăm Tỳ- kheo đi đến khu rừng nơi Phật ở. Ðến cửa rừng, Ngài nghĩ thầm: "Ðức Như Lai đã sống cô tịch trong ba tháng. Bây giờ thật không thích hợp, nếu ta đột ngột mang hết mấy trăm người này cùng vào với ta". Nghĩ thế, ngài bèn đi một mình đến chỗ Phật. Khi voi chúa Pàveyyaka thấy Tôn giả, bèn tung vòi tiến tới. Ðức Phật bảo: - Hãy lui, Pàveyyaka, đừng xua đuổi người ấy. Ðó là thị giả của Như Lai. Voi chúa bèn cuốn vòi lại, và ngỏ ý muốn đỡ y bát của Tôn giả, nhưng Ngài từ chối. Voi nghĩ: "Nếu người biết lễ phép, sẽ không đặt vật dụng của mình lên phiến đá của Như Lai ngồi". Tôn giả đặt y bát của mình xuống đất (Theo lễ nghi không được để vật dụng của mình nơi giường hoặc ghế của thầy). Sau khi lễ Phật, Tôn giả lui ngồi một bên. Phật hỏi: - Ông đến một mình? A-nan thưa rằng mình đến với năm trăm Tỳ-kheo. - Họ ở đâu? - Con không biết ý của Thế Tôn nên để họ ở ngoài rừng. - Hãy gọi họ vào. Tôn giả trở ra gọi năm trăm Tỳ-kheo vào. Thế Tôn hoan hỷ tiếp đón các thầy. Và các Tỳ-kheo đã bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, Ngài là một vị Phật tôn quý, một ông hoàng quý phái. Vậy mà Ngài phải ở một mình ba tháng tại nơi này, thật vất vả khi đứng, khi ngồi. Không có ai giúp đỡ Ngài trong các việc quan trọng cũng như lặt vặt, chẳng ai múc nước cho Ngài súc miệng... Phật trả lời: - Này các Tỳ-kheo, voi chúa Pàveyyaka đã làm giúp ta tất cả mọi việc. Ðược một người bạn như thế, sống độc cư cũng tốt. Và nếu không có bạn như thế, tốt hơn là nên sống một mình. Ngài nói kệ: (328) Nếu được bạn hiền trí, Ðáng sống chung, hạnh lành, Nhiếp phục mọi hiểm nguy, Hoan hỷ sống chánh niệm. (329) Không gặp bạn hiền trí, Ðáng sống chung, hạnh lành, Như vua bỏ nước bại, Hãy sống riêng cô độc, Như voi sống rừng voi. (330) Tốt hơn sống một mình, Không người ngu kết bạn, Ðộc thân, không ác hạnh, Sống vô tư vô lự, Như voi sống rừng voi.

8. Ma Vương Cám Dỗ Phật Vui thay, bạn lúc cần! ... Khi đức Bồ-tát còn ở trong thời kỳ tu ẩn dật ở trong dãy núi Tuyết (Himàlaya), chế độ cai trị của các quốc vương khắc nghiệt. Và đức Thế Tôn trông thấy dân chúng bị nhiều hình phạt độc ác, Ngài động lòng thương xót. Ngài tự nhủ: "Tại sao không thực hành một chế độ công bình, chính trực, không có giết chóc, chinh phạt và đau khổ". Khi ấy Ma vương bắt gặp tư tưởng trên thoáng qua trong đầu đức Phật, hắn nghĩ: "Sa-môn Cồ-đàm vừa nghĩ đến việc cai trị. Có lẽ bây giờ ông ấy muốn làm vua, đó là một dịp cho ông ấy tán tâm. Nếu ông ấy ra nắm quyền cai trị, ta có thể cám dỗ ông ấy. ta sẽ đến để gợi lòng tham ấy." Ma vương đến chỗ Phật và bảo: - Thưa Ngài, hãy để đức Thế Tôn cai trị, hãy để bậc Tối Thắng cai trị, sẽ không có giết chóc, chinh phạt và khổ đau, mà chỉ có công bằng và chính trực. - Này Ma vương! Ông thấy ta thế nào mà nói như vậy? - Thưa Ngài, một vị Phật có thể thi triển bốn phép mầu. Chỉ cần Ngài ra lệnh: "Ngọn núi Himàlaya hãy biến thành vàng", lập tức nó sẽ biến thành vàng. Tôi cũng sẽ lấy tài lực này để thực hiện tất cả những việc có thể thực hiện bằng tài lực. Như thế, Ngài sẽ cai trị công bằng chánh trực. Phật bảo: Lòng tham người không thỏa Dù có núi tử kim Biết vậy, người khôn tìm Ðường thẳng ngay tiến bước. Người đã sớm vẽ trước Người nhân của khổ đau, Ðâu có thể nào giao Ðời mình cho lạc thú? Hãy để người đã thấu Nhân sanh tử luân hồi Tự tu tập điều phục "Lưỡi ái" buộc bao đời Phật cảnh cáo Ma vương: - Này Ma vương, ta khuyên ông một lần nữa, Ta không giống ông. Ðó là điều Ta muốn nói. Ngài nói kệ: (331) Vui thay, bạn lúc cần! Vui thay, sống biết đủ! Vui thay, chết có đức! Vui thay, mọi khổ đoạn! (332) Vui thay, hiếu kính mẹ! Vui thay, hiếu kính cha! Vui thay, kính Sa-môn! Vui thay, kính Hiền Thánh! (333) Vui thay, già có giới! Vui thay, tín an trú! Vui thay, được trú tuệ! Vui thay, ác không làm!

*

-Hết phần  23 –

✿✿✿

Nguồn: “Tích Truyện Pháp Cú” được Thiền viện Viên Chiếu dịch theo bản Anh ngữ “Buddhist Legends” của học giả Eugène Watson Burlingame.