Tích truyện Pháp cú – Phẩm 16 – HỶ ÁI
Tập "Tích truyện Pháp cú" này được dịch theo bản Anh ngữ "Buddhist Legends" của học giả Eugène Watson Burlingame. Nhà học giả này đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải (Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli.
PHẨM XVI: HỶ ÁI 1. Cha Mẹ Và Con Bỏ mình theo thế tục ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến ba đệ tử.
Tại Xá-vệ, một gia đình nọ chỉ có một người con trai. Công tử là niềm vui và tình thương đối với cha mẹ. Một ngày kia, có vài vị Tỳ-kheo được mời đến nhà thọ trai. Sau khi ăn xong chư Tỳ-kheo nói lời hồi hướng. Chàng thanh niên nghe những câu kệ tụng bỗng ao ước trở thành Sa-môn và lập tức xin cha mẹ xuất gia. Hai ông bà từ chối. Chàng trai nghĩ thầm: "Khi cha mẹ ta không để ý, ta sẽ trốn nhà đi tu".
Mỗi khi ông cha đi đâu, ông bảo vợ trông chừng con trai: - Hãy giữ nó cẩn thận. Và khi người mẹ đi vắng, bà giao ông trông chừng. Ngày nọ, sau khi người cha rời khỏi nhà, bà mẹ thầm nghĩ: "Ta sẽ trông nom con ta chu đáo". Bà ngồi chắn ngang cửa ra vào, hai chân chặn hai cánh cửa và bắt đầu dệt.
Chàng trai nghĩ: "Ta sẽ lừa mẹ trốn đi", và chàng nói: - Mẹ yêu dấu, nhấc chân lên một chút, con muốn đi ra ngoài. Bà nhích chân và cậu đi ra. Cậu chạy như bay đến tinh xá và xin phép các Tỳ-kheo cho mình xuất gia. Các Tỳ-kheo nhận lời, cho cậu gia nhập Tăng chúng. Người cha về đến nhà, hỏi vợ: - Con đâu rồi? - Nó vừa mới đây.
Ông cha tìm khắp nơi, nghĩ: "Con ta có thể đi đâu?" Và khi không thấy con trai đâu, ông kết luận: "Chắc nó đã đến tinh xá". Ông cha đi đến tinh xá, và thấy con trai đã khoác y vàng, ông khóc lóc than thở: - Con ơi, sao con nhẫn tâm với cha vậy?
Nhưng sau đó, ông suy nghĩ: "Bây giờ con ta đã xuất gia, sao ta còn sống đời cư sĩ làm gì?" Ông bèn xin xuất gia làm Sa-môn. Bà mẹ ở nhà bắt đầu sốt ruột: "Sao thằng con và ông già đi đâu lâu quá?". Tìm kiếm chán, thình lình bà chợt nhớ: "Chắc chắn họ đã đi vào tinh xá và tu rồi". Bà chạy đến tinh xá, thấy hai cha con trở thành Sa-môn, bà suy tính: "Họ đã xuất gia, mình còn sống ở thế gian này làm gì?" Và bà đến tinh xá ni, xin xuất gia.
Nhưng dù cho cả ba đã từ bỏ thế gian và chấp nhận đời sống tu sĩ, họ cũng không thể lìa xa nhau. Ngay ở tăng xá hay bên nữ tu viện, cả ba đều ngồi chung với nhau và nói chuyện với nhau cả ngày. Chư Tỳ-kheo chê trách thái độ ấy và bạch lên đức Phật.
Thế Tôn cho gọi cả ba và hỏi: - Có phải các ngươi làm như thế, như thế? Họ thưa vâng. Phật dạy: - Vì sao các ngươi làm vậy? Ðó không phải thái độ của người xuất gia. - Nhưng, bạch Thế Tôn, chúng con không thể sống xa nhau được. - Từ khi đã xuất gia, thái độ như thế là không thích hợp. Chia lìa người thân hay bắt buộc phải gặp hoài người không thân, cả hai đều gây đau khổ. Vì thế, ta không nên chấp nhặt là thân hay không thân, dù đối với người hay là vật.
Phật nói kệ: (209) Bỏ mình theo thế tục, Người không tròn phận tu, Bỏ đích theo lòng dục, Ganh tị bậc chuyên tu (210) Chớ gần gũi người yêu, Trọn đời xa kẻ ghét. Yêu không gặp là khổ, Oán phải gặp cũng đau. (211) Do vậy chớ yêu ai, Ái biệt ly là ác, Nhưng ai không yêu ghét, Không thể có buộc ràng.
2. Phật An Ủi Người Phiền Muộn Do ái sinh sầu ưu ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một đệ tử cư sĩ. Một tín đồ nọ mất đứa con trai, ông ta buồn đến nỗi mỗi ngày đều đi đến nơi hỏa táng than khóc khôn nguôi. Một buổi sáng sớm, đức Phật quan sát căn cơ chúng sanh, Ngài nhận thấy ông ta có khả năng chứng Thánh quả. Sáng hôm ấy, sau khi khất thực,
Ngài mang theo một vị Tỳ-kheo thị giả đi đến trước nhà ông ta. Nghe tin đức Phật đến nhà, ông ta nghĩ thầm: "Chắc hẳn Thế Tôn muốn chúc sức khỏe theo phép lịch sự như thường lệ". Ông ta mời Phật vào nhà, thỉnh ngồi, đảnh lễ Phật và kính cẩn lui ngồi một bên.
Phật hỏi liền: - Thiện nam, vì sao ông buồn? - Con trai mới mất nên con buồn. - Này thiện nam, chớ ưu bi! Cái chết không dành riêng một nơi nào hoặc riêng cho ai, đó là quy luật chung cho tất cả chúng sanh trên thế gian. Không có ngũ uẩn nào thường tại. Vì thế không nên buồn rầu quá đáng, mà hãy có một cái nhìn hợp lý về cái chết, như người ta thường nói: "Các pháp sanh diệt phải chịu sanh diệt, các vật biến hoại phải chịu biến hoại".
Cư sĩ hỏi: - Bạch Thế Tôn, ai đã làm được như thế? Trong trường hợp nào? Xin Ngài dạy cho con! Phật kể một chuyện quá khứ: Như rắn lột bỏ da, Người đi về cõi khác Bỏ lại sau thân xác Thân thể đã chết rồi Ðâu còn biết buồn vui Trong lúc ngọn lửa bốc Thiêu rụi thân mình đó Hắn đâu nghe tiếng khóc Tiếng than của bà con Vì thế ta đâu còn Khổ buồn vì hắn chết Hắn đã đi, và đến Tới nơi hắn phải đi
Sau khi đức Phật kể lại đầy đủ chi tiết chuyện tiền thân Uraga (trong phẩm năm), Ngài nói tiếp: "Thời quá khứ, người trí không hành động như ngươi khi con trai chết. Ngươi đã bỏ hết mọi việc, không thèm ăn uống, mà phí thời giờ khóc than. Người trí thì không như vậy. Trái lại, họ chuyên chú quan sát cái chết, không theo cơn phiền muộn, ăn uống như thường, làm mọi công việc hàng ngày. Này, đừng buồn phiền vì ý nghĩ đứa con trai thân yêu của mình đã chết. Có ưu bi sợ hãi chỉ vì ta thương một kẻ nào đó.
Phật nói kệ: (212) Do ái sinh sầu ưu, Do ái sinh sợ hãi, Ai thoát khỏi tham ái, Không sầu, đây sợ hãi.
3. Phật An Ủi Kẻ Ưu Sầu Ái luyến sinh sầu ưu ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn ở Kỳ Viên, liên quan đến nữ thí chủ Tỳ-xá-khư. Bà Tỳ-xá-khư thường nhờ cậy cô cháu gái tên Dattà, chăm sóc các Tỳ-kheo khi bà vắng nhà. Ít lâu sau Dattà chết. Bà Tỳ-xá-khư hỏa táng thi hài cháu gái xong, quá buồn khổ bà đi đến chỗ Phật đảnh lễ và lui ngồi một bên.
Phật hỏi: - Này Tỳ-xá-khư! Có việc gì ngươi ngồi đây đầy vẻ buồn khổ, rơi nước mắt khóc than? Tỳ-xá-khư kể chuyện: - Bạch Thế Tôn, đứa cháu gái thân yêu rất thật thà và trung tín của con vừa qua đời. Con sẽ không còn thấy lại nó. - Này Tỳ-xá-khư, có bao nhiêu cư dân trong thành Xá-vệ này? - Bạch Thế Tôn, con có nghe Ngài nói khoảng bảy mươi triệu. - Giả sử tất cả những người này đều là người thân yêu của ngươi như Dattà, ngươi có thích không? - Thưa vâng, thích. - Có bao nhiêu người ở Xá-vệ chết trong một ngày? - Bạch Thế Tôn, rất nhiều. - Trong trường hợp đó, chắc chắn ngươi sẽ không đủ thời giờ than khóc, ngày đêm ngươi sẽ chẳng làm gì ngoài việc khóc lóc, kể lể. - Thưa Thế Tôn, đúng vậy. Con đã hiểu. - Tốt lắm, đừng ưu sầu. Ưu sầu hay sợ hãi chỉ khởi lên từ ái luyến. Ngài nói kệ: (213) Yêu thương, ngục buồn phiền, Ái luyến, xiềng sợ hãi. Người lòng như hư không Ngục xiềng nào khóa mãi?
4. Các Hoàng Tử Lệ-Xá Và Kỹ Nữ Hỷ ái sinh sầu ưu ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ở tinh xá gần Vệ-xá-ly (Vesali), liên hệ đến các hoàng thân dòng Lệ-xá. Vào một ngày hội, các hoàng tử Lệ-xá trang điểm đỏm dáng với đủ kiểu đồ trang sức, ra khỏi thành phố đến chỗ hội hè.
Khi Phật đi vào thành khất thực, gặp họ trên đường, Ngài chỉ cho các Tỳ-kheo: - Này các Tỳ-kheo! Hãy nhìn theo các hoàng tử Lệ-xá! Ai chưa từng thấy chư thiên cõi trời Ba mươi ba, hãy nhìn những hoàng tử này thì biết.
Trên đường đến chỗ lễ hội, các hoàng tử gặp một kỹ nữ, và mang cô theo. Trước người đẹp, họ ganh tài nhau, đi đến đánh nhau gây thương tích, máu chảy dường thành sông. Dân chúng phải xúm khiêng các công tử về hoàng cung. Ðức Phật và chư Tăng thọ trai xong, trở về tinh xá, bắt gặp cảnh tượng đó.
Các Tỳ-kheo bạch Phật: - Bạch Thế Tôn! Hồi sáng sớm, các hoàng tử Lệ-xá rời thành lộng lẫy như chư thiên, vậy mà bây giờ chỉ vì một cô gái họ trở nên thảm hại thế đấy. Phật dạy: - Này các Tỳ-kheo! Ở đâu có tham dục, ở đó có buồn khổ, lo âu. Ngài nói kệ: (214) Hỷ ái sinh sầu ưu, Hỷ ái sinh sợ hãi, Ai giải thoát hỷ ái, Không sầu, đâu sợ hãi?
5. Cô Nương Tử Kim Tham ái sinh sầu muộn ... Câu chuyện được kể lại khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến Anitthigandha Kumàra. Kumara từ cõi trời Phạm thiên tái sanh xuống Xá-vệ, trong một gia đình quyền quý. Từ lúc chào đời, chàng không thích gần phụ nữ, nếu có bà vú nào ẵm bồng chàng khóc thét lên, muốn cho bú bà vú phải kê một cái gối trước ngực mình.
Khi đến tuổi trưởng thành, song thân chàng bảo: - Này con! Ba má muốn cưới vợ cho con. Chàng trả lời: - Con không cần vợ. Sau đó cha mẹ hỏi nhiều lần chàng đều từ chối. Cuối cùng, chàng cho mời năm trăm người thợ kim hoàn đến, trao cho họ ngàn lượng vàng khối, bảo họ đúc một tượng thiếu nữ thật xinh đẹp. Một lần nữa, khi song thân chàng bảo: - Này con, nếu con không chịu kết hôn, dòng dõi nhà ta sẽ tuyệt tự. Hãy để cha mẹ cưới vợ cho con. Chàng chỉ pho tượng vàng: - Thưa, nếu cha mẹ tìm được cho con một cô gái y như pho tượng này, con sẽ vâng lời. Song thân chàng mời một vài người Bà-la-môn đến nói: - Con trai chúng tôi đáng giá ngàn vàng, cần có một người tương xứng với nó.
Hãy mang pho tượng này đi theo, và khi tìm được cô gái nào giống như thế thì đưa về. Các Bà-la-môn nhận lời, họ khởi sự đi tìm, từ thành này đến thành kia, cho tới khi đến thành Sagala thuộc vương quốc Madda. Trong thành này có một thiếu nữ độ tuổi trăng tròn rất xinh đẹp, cha mẹ nàng để nàng ở trên tầng lầu thứ bảy. Các thầy Bà-la-môn đặt pho tượng vàng bên đường đi đến hồ tắm, và ngồi tại đó nghĩ thầm: "Nếu có thiếu nữ đẹp như pho tượng này, dân cư ở đây trông thấy sẽ bảo nhau, pho tượng này đẹp như con gái nhà nọ nhà kia".
Bấy giờ, bà vú của cô gái đi đến hồ tắm, thấy pho tượng tưởng là cô chủ mình, bèn đi đến rầy rà: - Cô hư lắm nhé! Tôi vừa tắm cho cô xong, ra khỏi nhà là cô đã đến đây trước tôi! Vừa nói vừa đập nhẹ pho tượng, bà bỗng thấy mình chạm phải cái gì đó cứng ngắt, bà lẩm bẩm: - Tôi tưởng đây là cô tiểu chủ, sao lại thế này?
Các Bà-la-môn thấy thế bèn hỏi: - Này bà, cô chủ của bà có giống bức tượng này không? - Cô chủ tôi hả? Tượng này không bằng một góc! - Ðược rồi, hãy đưa chúng tôi đến gặp. Bà vú dẫn các Bà-la-môn về nhà, thuật lại câu chuyện cho cha mẹ cô. Họ tiếp đón các thầy nồng hậu và cho cô gái xuống đứng gần bức tượng. Cô xinh đẹp đến nỗi lu mờ cả pho tượng. Các Bà-la-môn trao pho tượng cho cha mẹ cô, được phép dẫn cô đi, đồng thời liền báo tin cho cha mẹ Kumara. Họ rất vui mừng, ra lệnh đón cô lập tức, kèm theo nhiều lễ vật.
Khi Kumara nghe tin có một thiếu nữ đẹp hơn cả tượng vàng, nỗi ước muốn dâng lên, chàng mong mau được gặp cô gái. Cô gái lên xe đi, nhưng cô quá đỗi mảnh mai, đoạn đường dằn xóc làm cô ngã bệnh và chết. Còn Kumara cứ hỏi chừng: - Nàng đến chưa? Ðến chưa? Lòng khao khát chờ đợi của chàng biểu lộ quá mãnh liệt khiến họ không báo tin ngay, cứ nay hứa mai hẹn. Sau đó họ mới nói sự thật, chàng kêu lên: - Trời ơi! Ta đã mất đi người vợ xinh đẹp! Nỗi buồn rầu đè nặng lấy chàng như cả tảng núi đá. Ðức Phật thấy chàng có khả năng chứng quả, nên trên đường khất thực, Ngài dừng lại trước cửa nhà Kumara. Song thân chàng mời Phật vào nhà, cúng dường trọng hậu.
Thọ trai xong, Phật hỏi: - Còn Kumara đâu? - Bạch Thế Tôn, nó chẳng chịu ăn uống, cứ ở lỳ trong phòng. - Hãy gọi ra đây. Kumara đi ra, đảnh lễ Phật và lui ngồi một bên. Phật bảo: - Trông con có vẻ thảm sầu quá! - Thưa vâng, bạch Thế Tôn, một người vợ xinh đẹp chưa cưới của con đã chết trên xe hoa, tin ấy làm con buồn đến mức không thể ăn được gì. - Nhưng con có biết nguyên nhân nỗi khổ ấy không? - Bạch Thế Tôn, không. - Này, Kumara! Vì ái sinh sầu muộn, sầu muộn và sợ hãi phát sinh từ ái. Ngài nói kệ: (215) Dục ái sinh sầu ưu, Dục ái sinh sợ hãi, Ai thoát khỏi dục ái, Không sầu, đâu sợ hãi. Nghe xong, Kumàra chứng quả Tu-đà-hoàn.
6. Ðừng Ðể Tâm Vào Của Cải Thế Gian Tham ái sinh sầu ưu ... Câu chuyện này được đức Phật nói đến khi Ngài ở Kỳ Viên, liên quan tới một người Bà-la-môn. Một người Bà-la-môn tà kiến ngày đi dọn cỏ ruộng bên bờ sông. Ðức Phật nhận thấy ông ta có khả năng chứng quả, bèn đi đến chỗ ông làm ruộng. Bà-la-môn, mặc dù thấy Phật, không hề tỏ dấu cung kính, chỉ im lặng, Phật mở lời: - Này Bà-la-môn! Ông đang làm gì thế? - Tôi đang dọn đất, Cồ-đàm! Phật không hỏi thêm, đi qua. Ngày hôm sau, ông đi cày. Phật cũng đến hỏi: - Bà-la-môn, ông đang làm gì đấy? - Tôi đang cày ruộng, Cồ-đàm!
Phật nghe xong, tiếp tục đi qua. Mỗi ngày, Ngài đều đến chỗ Bà-la-môn và hỏi như thế. Tùy mỗi lúc, Bà-la-môn trả lời: - Tôi đang gieo mạ, tôi đang nhổ cỏ, tôi đang canh nước.. Phật cũng lại đi. Một ngày nọ, Bà-la-môn nói với Phật: - Cồ-đàm, ông đã đến đây từ khi tôi mới dọn đất, khi nào lúa chín tôi sẽ chia cho ông. Tôi không muốn ăn một mình. Từ đây ông là bạn của tôi.
Thời gian trôi qua, lúa chín. Bà-la-môn tự nhủ: "Lúa đã chín, ngày mai ta đi kêu thợ gặt". Và ông chuẩn bị gặt hái. Nhưng đêm đó một trận mưa bão khốc liệt nổi lên làm tan nát cả ruộng, cánh đồng trơ trụi như được gặt sạch. Tuy vậy, đức Phật đã dự biết trước vụ gặt không thành.
Sáng sớm hôm sau, Bà-la-môn nhủ thầm: "Ta sẽ đi thăm ruộng". Khi đến nơi thấy cánh đồng bị quét sạch, ông đau đớn nghĩ thầm: "Thầy Cồ-đàm đã đến thăm cánh đồng này từ khi ta mới dọn đất, ta có hứa sẽ chia lúa cho ông khi mùa gặt đến. Nhưng ước mong của ta không thành tựu". Ông buồn quá nên không ăn uống gì và nằm dài trên giường.
Bấy giờ, đức Phật dừng chân trước cửa nhà ông. Nghe tin, ông bảo: - Hãy mời ông bạn của ta vào nhà và mời ngồi! Phật ngồi xong, hỏi: - Người Bà-la-môn ở đâu? - Thưa đang nằm trong phòng. - Hãy mời ông ra. Ông Bà-la-môn ra ngồi một bên. Phật hỏi: - Có chuyện gì thế? - Thưa Cồ-đàm, ông đã đến thăm tôi từ ngày tôi mới dỡ miếng ruộng, và tôi có hứa chia lúa cho ông. Nhưng hy vọng của tôi không thành, nên tôi buồn khổ, không còn muốn ăn uống gì. - Nhưng này! Ông có biết nguyên nhân nào khiến ông buồn khổ không? - Thưa, không. Nhưng Ngài biết. Phật xác nhận: - Ðúng thế! Này Bà-la-môn, khi nào có ước mong sẽ có sợ hãi và sầu khổ. Ngài nói kệ: (216) Tham ái sinh sầu ưu, Tham ái sinh sợ hãi, Ai thoát khỏi tham ái Không sầu, đây sợ hãi.
7. Ngài Ca Diếp Ðược Cúng Bánh Ðủ giới đức, chánh kiến ... Câu chuyện được kể lại thời gian đức Phật ở tại Trúc Lâm, khi Ngài đang trên đường đi, liên quan đến năm mươi thanh niên. Một hôm vào dịp lễ hội, đức Thế Tôn cùng với tám mươi vị Trưởng lão thượng thủ và năm trăm Tỳ-kheo tùy tùng vào thành Vương Xá khất thực. Trên đường, Ngài gặp năm trăm thanh niên vai mang túi bánh đi đến chỗ hội. Khi gặp Phật, họ chỉ khẽ chào và tiếp tục đi, không hề mời một vị Tỳ-kheo nào ăn bánh.
Họ đi rồi, Phật hỏi các Tỳ-kheo: - Các ông có muốn ăn bánh không? - Bạch Thế Tôn, bánh ấy ở đâu? - Các ông có thấy các thanh niên vừa đi ngang, vai mang túi bánh chứ? - Nhưng bạch Thế Tôn, họ chẳng cúng cho ai chiếc bánh nào? - Này các Tỳ-kheo, mặc dù họ không mời Ta hay các ông ăn bánh, nhưng có một Tỳ-kheo đi phía sau sẽ được cúng số bánh ấy, các ông sẽ được ăn bánh trước khi đi. Ðức Thế Tôn không hề nghĩ xấu hoặc ghét ai nên Ngài nói như thế. Và Ngài ngồi dưới một cội cây cùng các Tỳ-kheo.
Khi các thanh niên thấy Tôn giả Ca-diếp đi sau, lập tức sanh lòng kính mến, nỗi vui sướng tràn ngập toàn thân khi họ vừa thấy Tôn giả. Họ để giỏ bánh xuống, đảnh lễ Tôn giả, xong dâng hết bánh cho Ngài: - Xin mời Ngài dùng bánh. Tôn giả nói: - Ðức Thế Tôn và chư Tăng đang ngồi dưới gốc cây đằng kia. Hãy đem bánh đến cúng dường. - Thưa vâng, bạch Tôn giả! Họ đi đến Phật và chư Tăng dâng bánh. Ðến lượt Tôn giả, họ dâng bánh rồi đứng chờ một bên, đợi Ngài dùng xong, đưa nước rửa tay. Các Tỳ-kheo đều mích lòng, nói: - Mấy thanh niên này thiên vị khi cúng dường, họ chẳng dâng cúng lên Thế Tôn hoặc chư vị Trưởng lão thượng thủ, mà chỉ cúng cho Tôn giả Ðại Ca-diếp. - Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo như Ðại Ca-diếp rất được trời người kính mến, đối với vị như vậy họ rất hân hạnh được dâng cúng tứ sự.
Và Ngài nói kệ: (217) Ðủ giới đức, chánh kiến, Trú pháp, chứng chân lý, Tự làm công việc mình Ðược quần chúng ái kính.
8. Tôn Giả Chứng Quả A Na Hàm Ước vọng pháp ly ngôn ... Câu chuyện này xảy ra khi Phật ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một vị Trưởng lão đắc quả A-na-hàm. Một ngày kia, các đệ tử của vị Trưởng lão hỏi thầy mình như sau: - Bạch thầy, thầy đã đạt Thánh quả chưa?
Vị Trưởng lão nghĩ: "Ngay cả hàng tục gia cư sĩ cũng có thể chứng Tam quả. Ðể đợi khi ta chứng Tứ quả rồi sẽ nói với chúng". Và vì ngượng, thầy không nói chi. Không bao lâu, thầy viên tịch và tái sanh lên cõi trời Ngũ Na-hàm. Các đệ tử của thầy khóc lóc than thở, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy lui ngồi một bên, cũng còn than khóc.
Phật hỏi: - Vì sao các ông khóc? - Thầy chúng con đã mất, bạch Thế Tôn! - Không sao cả, các ông chớ buồn, đó là luật vô thường. - Thưa vâng, chúng con biết điều ấy. Nhưng chúng con đã hỏi người chứng quả hay chưa, mà người mất, không trả lời chúng con. Vì thế chúng con buồn. - Này các Tỳ-kheo, các ông chớ lo lắng, thầy các ông đã chứng Tam quả và nghĩ rằng: "Ngay cả hàng tục gia cư sĩ cũng có thể chứng Tam quả. Khi nào chứng Tứ quả, ta sẽ nói với chúng". Vì ngượng nên ông ấy không nói. Khi mất, ông ấy tái sinh vào cõi Ngũ Na-hàm thiên. Các ông hãy vui mừng, thầy các ông đã thoát ngũ dục.
Phật nói kệ: (218) Ước vọng pháp ly ngôn (Niết-bàn) Ý cảm xúc thượng quả, Tâm thoát ly các dục, Xứng gọi bậc Thượng Lưu.
9. Nandiya Ðược Sanh Thiên Khách lâu ngày ly hương ... Câu chuyện này được kể lại khi Phật ở tại Lộc Uyển (Chư thiên đọa xứ) liên quan đến Nandiya.
Tại Ba-la-nại, có một thanh niên tên Nandiya, con của một gia đình Phật tử thuần thành. Nandiya có nhiều đức tính tốt nên song thân chàng để chàng làm thị giả trung tín của chư Tăng. Ðến tuổi trưởng thành, song thân chàng muốn chàng kết hôn với Revatì, bà con cô cậu ở nhà đối diện. Nhưng Revatì không tin Phật nên chẳng biết cúng dường, vì thế Nandiya không muốn kết hôn.
Mẹ Nandiya bảo Revatì: - Này con, hãy quét dọn nhà, lau chùi sạch sẽ chỗ các Sa-môn sẽ ngồi, chuẩn bị chỗ ngồi, để đồ gác chân vào đúng chỗ cho các Ngài. Khi các Ngài đến, đỡ lấy bát, mời ngồi, dâng nước lọc sạch. Khi các Ngài thọ trai xong, hãy rửa bát. Nếu làm được như vậy con sẽ chiếm được tình cảm của nó.
Revatì làm y lời, và mẹ của Nandiya bảo chàng: - Bây giờ Revatì đã thuần hậu. Nandiya đồng ý, họ làm lễ thành hôn. Nandiya bảo vợ: - Nếu em chăm sóc các vị Tỳ-kheo chu đáo, và chăm sóc cha mẹ cũng thế, em có đặc quyền ở trong nhà này, em nên lưu ý. - Thưa vâng.
Revatì hứa làm theo lời chồng. Trong vài hôm, nàng học cách đối xử như một phật tử thuần thành. Nàng luôn vâng lời chồng, và sau đó sanh hai con trai. Khi cha mẹ chồng mất nàng trở thành nữ chủ và Nandiya được hưởng gia sản trở nên giàu có. Chàng cúng dường Tăng chúng thường xuyên, và cho để vật thực ở cửa, đều đặn cung cấp cho người nghèo và khách lữ hành.
Ít lâu sau, nghe Phật thuyết pháp, chàng bèn khởi công cất một tinh xá tứ giác có bốn phòng, tại đại tinh xá ở Lộc Uyển. Sau khi sắm đủ giường ghế, chàng dâng cúng cho chư Tăng, thiết lễ ngọ trai và xối nước cúng dâng vào tay mặt Thế Tôn. Khi dòng nước vừa xối vào tay đức Phật, trên tầng trời Ba mươi ba mọc lên một tòa lâu đài lộng lẫy rộng mười hai dặm, cao một trăm dặm, làm bằng thất bảo với vô số thiên nữ trong ấy.
Khi Tôn giả Ðại Mục-liên du hành lên cõi trời, Ngài dừng lại trước cung điện này và hỏi: - Ai là chủ nhân đầy phước đức của cung điện với vô số thiên nữ này? Chư thiên thuật lại công đức chủ nhân: - Thưa Tôn giả, ngài Nandiya, con trai của một gia chủ đã xây cất tinh xá cúng dường đức Phật, do công đức ấy, cung điện này hiện ra. Các thiên nữ bạch với Tôn giả: - Thưa Tôn giả, chúng tôi là nô lệ của Nandiya. Mặc dù được sinh ở đây, chúng tôi rất buồn vì không gặp chủ nhân. Xin Ngài nói với Nandiya lên đây, cởi bỏ thân người làm thân trời, giống như đập vỡ bình gốm để lấy bình vàng.
Tôn giả trở về bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, có đúng là người nào hiện tại tạo nhiều phước lành ở cõi người sẽ gặt nhiều vinh dự ở cõi trời. - Này Mục-kiền-liên, chính mắt ông thấy những thành quả trên cõi trời Ba mươi ba mà Nandiya đạt được, sao ông lại hỏi Ta câu ấy? - Như vậy là đúng sự thật, bạch Thế Tôn. - Này Mục-kiền-liên, sao ông nói vậy? Nếu có người con hay anh em đi vắng lâu nay trở về, những người đứng ở cổng làng trông thấy vội vã về báo tin cho thân quyến.
Họ sẽ vui mừng hân hoan, mau mau đi đón nói: "Con thân yêu, thế là con đã về". Cũng thế, khi thiện nam hay thiện nữ đã tạo nhiều công đức ở đây, rời bỏ cõi đời này sang cõi khác, chư thiên mang nhiều phẩm vật tranh nhau đi đón và nói: "Hãy để tôi đến trước! Tôi đến trước".
Và Phật nói kệ: (219) Khách lâu ngày ly hương, An toàn từ xa về, Bà con cùng thân hữu Hân hoan đón chào mừng. (220) Cũng vậy các phước nghiệp, Ðón chào người làm lành, Ðời này đến đời kia, Như thân nhân đón chào. Trong chú giải Vimàna-vatthu kể tiếp rằng sau khi Nandiya sanh thiên, Revatì thôi không cúng dường chúng Tăng, mắng chửi Tỳ-kheo và bị ném vào địa ngục lúc còn sống.
*
-Hết phầm 16 –
✿✿✿
Bình luận (0)