Tích truyện Pháp cú

Lời nói đầu

Tập "Tích truyện Pháp cú" này được dịch theo bản Anh ngữ "Buddhist Legends" của học giả Eugène Watson Burlingame. Nhà học giả này đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải (Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli. Tương truyền Pháp Cú Sớ Giải là công trình của ngài Buddhaghosa (Phật Âm), sống khoảng thế kỷ thứ V Tây lịch.

Nhận thấy sự lợi ích rộng lớn của nó, chúng tôi phụng dịch để đóng góp vào nền Phật học nước nhà. Tuy cố gắng hết sức, nhưng không sao tránh khỏi những thiếu sót, kính mong chư vị Cao Túc thương tình tha thứ cho.

Chúng con cũng xin tri ân Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ cho việc in ấn dịch phẩm.

Thiền viện Viên Chiếu,Cuối năm Ất Hợi, 1995.

Kính ghi

Tích truyện Pháp cú

DẪN NHẬP Kính lạy đức Thế Tôn Phật Ðà, đấng Toàn Thiện Toàn Giác.

Con xin cúi đầu đảnh lễ Phật, đảnh lễ Pháp, đảnh lễ Tăng.

Cả thế gian chìm trong đêm tối dày đặc của vô minh phiền não. Ngài cũng ở thế gian mà quét sạch được nó. Với năng lực siêu phàm chứng đạt được, Ngài đã thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp.

Ngài là bậc Toàn Trí, phân biệt rành mạch chơn ngụy trong mọi vấn đề. Ðấng Ðạo sư đã thuyết nói chánh pháp, vì lòng từ vô lượng đã giảng giải giáo pháp theo căn cứ, khiến trời người đều được an vui, mãn nguyện.

"Một bản chú giải thật sinh động được lưu truyền qua bao thế hệ trên đảo Tích Lan. Nhưng vì tác phẩm viết bằng thổ ngữ địa phương nên sự lợi lạc chẳng đến được các xứ xa xôi. Không chừng tác phẩm sẽ góp phần đắc lực trong việc mang lại an lạc cho hết thảy nhân loại".

Ðấy là ước nguyện của Trưởng lão Kumàra Kassapa đã thổ lộ với tôi, vị Trưởng lão đã khéo tự điều phục được mình, hằng sống với tâm an tịnh, chí nguyện luôn kiên trì. Ngài chân tình khuyến thỉnh tôi, do lòng mong muốn Chánh pháp được trường tồn.

Vì vậy, tôi sẽ thay thế thổ ngữ đầy những lối diễn đạt dài dòng này, phiên dịch tác phẩm"Tích truyện Pháp cú" qua thứ tiếng thông dụng, êm ái, dễ nghe của kinh điển. Những điểm nào khó hiểu, chưa rõ nghĩa trong các câu kệ, dù chữ hay lời, tôi xin sẽ làm sáng tỏ. Phần còn lại, tôi sẽ trình bày bằng tiếng Pàli, phù hợp với tinh thần các câu kệ. Như thế, tôi mong sẽ đem đến an vui, mãn nguyện cho tâm bậc hiền trí về cả hai mặt đạo và đời.

Tích truyện Pháp cú - Tác giả bản Pàli.

PHẨM I: SONG YẾU

1. Nếu Con Mắt Ngươi Làm Hại Ngươi, Hãy Móc Bỏ Nó Ði

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo.

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau

Như xe, chân vật kéo.

Phật dạy Pháp Cú này tại đâu?

- Tại Xá-vệ.

- Cho ai?

- Cho Trưởng lão Cakkhupàla.

Tôi nghe như vầy: Tại Xá-vệ có một Trưởng giả tên là Ðại Phú (Mahà Suvanna). Ông ta rất giàu, có nhiều của cải và đủ trò vui chơi giải trí, nhưng lại chẳng có con.

Ngày nọ trên đường đi tắm trở về nhà, ông trông thấy bên vệ đường một cây rừng thật lớn, tán lá to rộng. Nghĩ rằng đây chắc là chỗ ở của một vị thần đầy uy lực, Trưởng giả ra lệnh cho dọn sạch miếng đất dưới gốc cây, rào tường chung quanh và rải cát bên trong, rồi cho trang hoàng đủ loại cờ xí và nguyện: "Nếu có một đứa con, ta sẽ tạ ơn thần xứng đáng".

Chẳng bao lâu vợ ông mang thai. Bà lập tức báo tin cho chồng. Ông liền tổ chức lễ Bảo thai cho bà. Sau mười tháng bà hạ sinh một bé trai, và ông đặt tên con là Pàla, có nghĩa là người Bảo Trợ, vì nhờ sự bảo vệ và chăm sóc cội cây mới sinh được đứa bé. Ít lâu sau, ông có thêm đứa con nữa, bèn đặt tên là Culla Pàla (Bảo Trợ em), đứa lớn là Mahà Pàla (Bảo Trợ anh). Ðến tuổi trưởng thành ông bà cưới vợ cho hai con. Thời gian sau, cả hai ông bà đều qua đời, để lại cho hai anh em toàn bộ gia sản.

Lúc bấy giờ đức Phật đang chuyển Pháp Luân. Sau khi du hành từ nơi này đến nơi nọ, Ngài trú tại Tinh Xá Kỳ Viên do Trưởng Giả Cấp Cô Ðộc xây cất, trị gía năm trăm bốn chục triệu đồng.

Suốt thời gian ngụ tại Kỳ Viên, đức Phật dạy về pháp sanh thiên, pháp giải thoát (Ðức Thế Tôn chỉ ở lại một mùa an cư tại ngôi tịnh xá do hai nhánh thân tộc Ngài xây dựng, một nhánh gồm tám vạn gia đình bên ngoại và một nhánh gồm tám vạn gia đình bên nội.

Ngài trú tại Kỳ Viên suốt mười chín hạ, và sáu hạ tại Pubbàràma, một tịnh xá do bà Tỳ-xá-khư, một nữ cư sĩ lỗi lạc xây cất, trị giá hai trăm bảy chục triệu đồng. Do công đức lớn lao của hai gia đình Cấp Cô Ðộc và Tỳ-xá-khư, đức Phật đã an cư gần Xá-vệ trong suốt hai mươi lăm hạ).

Ông Cấp Cô Ðộc và bà Tỳ-xá-khư mỗi ngày đều đặn đi đến Thế Tôn hai lần. Họ không bao giờ đi tay không vì biết rằng các thầy Sa-di trẻ đang chờ họ để bát. Trước ngọ, họ dâng thức ăn loại cứng và loại mềm. Sau ngọ, họ cúng năm thứ dược liệu và tám thức uống. Ngoài ra họ luôn dành sẵn chỗ tại nhà cho hai ngàn Tỳ kheo. Bất cứ vị nào cần thức ăn, nước uống hay thuốc men liền được cung cấp như ý muốn.

Trưởng gỉa Cấp Cô Ðộc không hề thưa hỏi Phật. Người ta nói rằng sở dĩ ông không dám thưa hỏi vì Quá kính mến Phật. Ông nghĩ rằng đức Thế Tôn là một vị Phật cao qúy và là một thái tử phong nhã. Sở dĩ Thế Tôn thuyết pháp cho ai vì nghĩ đó là thí chủ của Ngài. Nếu bây giờ phải thuyết pháp cho ta, Ngài sẽ nhọc mệt thêm.

Vì lý do đó, Trưởng giả Cấp Cô Ðộc không hề thưa hỏi Phật. Nhưng khi ông vừa ngồi xuống, đức Phật đã nghĩ: "Trưởng giả này bảo trợ cho Ta khi Ta không cần bảo trợ. Ta đã trải qua bốn a-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp để thành tựu đạo quả. Mái tóc đeo đầy trang sức Ta đã cắt bỏ, đôi mắt Ta đã vứt đi, máu thịt tim Ta cũng nhổ bỏ tận gốc. Con Ta, vợ Ta thân thiết như chính mạng sống, Ta cũng từ bỏ, chỉ vì muốn đem chánh pháp đến cho chúng sanh. Người này bảo trợ cho Ta khi Ta không cần bảo trợ". Rồi đức Phật thuyết một bài pháp.

Lúc ấy có năm mươi triệu trong số bảy mươi triệu cư dân thành Xá-vệ nghe xong liền xin làm đệ tử tại gia của Phật. Còn lại hai mươi triệu chưa tin đạo. Các cư sĩ đệ tử của Phật có hai nhiệm vụ: trước ngọ để bát cho chư Tăng, sau ngọ cầm hương hoa và cùng với tôi tớ mang y phục, thuốc men, thức uống đi đến đức Phật nghe pháp.

Một ngày nọ, Mahà Pàla trông thấy các cư sĩ đi đến tịnh xá với hương hoa trên tay, anh ta bèn hỏi:

- Các vị đi đâu vậy?

Và được trả lời:

- Ði nghe pháp.

- Cho tôi đi với.

Rồi anh ta đi theo họ đến đảnh lễ đức Phật và ngồi bên ngoài vòng pháp hội.

Khi chư Phật thuyết pháp, các Ngài luôn tùy theo căn cơ của thính chúng từng người một, xem người nào thích hợp để quy y, để thọ giới hoặc xuất gia. Ngày hôm ấy, đức Phật để ý đến căn cơ Mahà Pàla và thuyết pháp cho anh ta. Ngài giải thích rành rẽ, theo thứ lớp từng vấn đề về trí tuệ, bố thí, giới luật, sự sanh thiên, nghiệp báo, sự ngu si và uế trược của dục lạc, và về phước lành của hạnh xuất gia.

Gia chủ Mahà Pàla chú tâm lắng nghe. Anh nhận định khi con người từ giã cõi đời sang bên kia thế giới, chẳng có thể đem theo con cái hay tài sản; hơn nữa, cả thân này cũng chẳng đi theo được, vậy sống đời tục gia có lợi gì? Và anh định xuất gia. Vì thế cuối thời pháp, Mahà Pàla đến bên đức Phật xin gia nhập Tăng đoàn.

Ðức Phật hỏi:

- Con còn thân nhân nào không, để việc xuất gia được đúng pháp?

- Bạch Thế Tôn! Con còn một em trai.

- Vậy thì hãy báo tin cho em con.

Mahà Pàla hoan hỷ thưa:

- Xin vâng.

Rồi chào Phật trở về nhà, gọi em đến bảo:

- Này chú! Mọi tài sản trong nhà, động sản và bất động sản, anh giao hết cho chú, hãy bảo quản.

Người em ngạc nhiên hỏi:

- Còn anh thì sao?

- Anh sẽ theo Phật, gia nhập Tăng đoàn.

- Anh nói gì vậy, anh thân yêu? Khi mẹ mất anh chăm lo cho em như mẹ, đến cha mất anh lại thay cha. Nhà anh đầy của cải, chắc chắn anh sẽ làm được việc thiện dù sống đời tại gia. Xin anh đừng xuất gia.

- Này chú, sau khi nghe Phật thuyết pháp, anh không muốn sống đời tại gia nữa. Ðức Phật đã giảng rất hay trong phần đầu, phần giữa và phần cuối. Ngài đã nêu lên một cách chính xác và đúng đắn ba tính chất của các pháp: vô thường, khổ và vô ngã. Anh không thể hành trì trọn vẹn giáo pháp nếu còn bận bịu việc nhà. Anh phải xuất gia em à!

- Anh ơi! Anh còn trẻ lắm, để lúc già hãy đi tu.

- Ðợi đến già để thành lão khọm à! Tay chân lụm khụm, không làm gì được theo ý mình, lại thêm con cháu đùm đề. Không, anh không thể nghe lời chú được. Anh sẽ làm tròn bổn phận Tỳ-kheo.

Tuổi già tay yếu run chân

Tu sao được nữa khi thân mỏi mòn?

Anh sẽ đi tu, dù chú cản trở cách gì.

Mặc người em than khóc, Mahà Pàla đi đến gặp Phật và xin xuất gia vào Tăng đoàn. Ðược thu nhận và tu học, Mahà Pàla trải qua năm mùa hạ với thầy Tế độ và Giáo thọ. Mãn hạ thứ năm và làm lễ giải hạ xong, thấy đến chỗ Phật, đảnh lễ và thưa hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Nương theo Thế Tôn con có bao nhiêu bổn phận tu tập phải thọ trì?

- Này Tỳ-kheo! Chỉ có hai là Pháp học và Pháp thiền.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Pháp học? Và thế nào là Pháp thiền?

- Pháp học là hiểu biết Phật ngôn tùy theo căn cơ mỗi người, phải thông suốt một hoặc hai bộ A Hàm, hay toàn bộ Tam Tạng kinh điển, thuộc lòng, đọc tụng và giảng dạy. Còn Pháp thiền sẽ dẫn đến quả vị A-la-hán. Thiền định đòi hỏi một đời sống đạm bạc, ưa thích ở nơi vắng, luôn chuyên niệm về lão và tử, và khai triển Minh sát tuệ bằng sự nỗ lực bền bỉ.

- Bạch Thế Tôn! Vì con đã lớn tuổi mới xuất gia, con không thể làm tròn bổn phận đối với Pháp học, nhưng con có thể làm tròn bổn phận đối với Pháp thiền. Xin dạy cho con thiền định.

Phật dạy cho thầy pháp tu dẫn đến quả vị A-la-hán. Thầy đảnh lễ đức Phật và tìm được sáu mươi vị Tỳ-kheo cùng đi với mình. Thầy đi khoảng hai mươi dặm (tám mươi cây số), đến một làng rộng lớn gần biên giới, và cả đoàn vào làng khất thực. Dân làng thấy các vị oai nghi chỉnh tề, làm tròn bổn phận tăng sĩ và lại dễ thân cận nên sanh lòng quý kính. Họ mời các thầy ngồi, dâng những thức ăn ngon.

Rồi họ hỏi:

- Thưa chư Tôn giả, các vị đi đâu?

- Này chư thiên tín, chúng ta đi đến một chỗ ẩn cư thích hợp.

Dân làng khôn ngoan tự hiểu rằng những vị Tỳ-kheo đáng kính đang tìm chỗ an cư trong mùa hạ. Họ thỉnh cầu:

- Nếu chư Tôn giả bằng lòng ở đây suốt ba tháng hạ, chúng con xin quy y và thọ giới.

Nghĩ rằng nhờ những thí chủ này trợ giúp để tu ra khỏi sanh tử luân hồi, các thầy ưng thuận ở lại. Dân làng dựng ngay một tịnh xá, xây khu vực ban đêm và khu vực ban ngày, dâng cúng lên chư Tăng. Các Tỳ-kheo chỉ có việc đều đặn vào làng khất thực. Có một y sĩ phát tâm đến tịnh xá chữa bệnh, ông đã trình lên chư Tăng nguyện vọng của mình:

- Chư Tôn giả! Chỗ nào đông người đều không tránh khỏi bệnh tật. Nếu có người bệnh, xin nhắn tôi đến chữa trị.

Ngày đầu hạ, Trưởng lão Mahà Pàla đã gọi tất cả Tỳ-kheo lại hỏi: - Các huynh đệ, suốt ba tháng hạ các vị sẽ tu trong mấy oai nghi? - Trong bốn oai nghi, bạch Ðại đức.

- Nhưng có thích hợp không, các huynh đệ?

Chúng ta phải thật chánh niệm, chính vì đức Phật chỉ dạy Pháp thiền mà chúng ta đến đây hành trì. Sở dĩ chúng ta được chư Phật gia hộ chẳng do nhờ dối trá hai mặt, mà chính do hạnh tinh tấn tu tập. Bốn thứ khổ sanh, lão, bệnh, tử đang chờ người giải đải tán tâm, đó là cảnh giới họ ra vào quen thuộc như nhà riêng của mình. Vì thế, các huynh đệ hãy chánh niệm.

- Còn Ngài, thưa Ðại đức?

- Tôi chỉ dùng ba oai nghi. Tôi sẽ không đặt lưng nằm.

- Tốt lắm! Thưa Ðại đức, hãy chánh niệm!

Sau tháng thứ nhất Trưởng lão Mahà Pàla, người tự nguyện không ngủ, bắt đầu thấy nhức mắt. Nước mắt chảy ra từ mắt thầy giống như từ chiếc bình bể. Suốt đêm dài, thầy dốc hết thân tâm ngồi thiền, và chỉ đến sáng thầy mới vào liêu ngồi nghỉ. Ðến giờ đi bát, chư Tăng đến chỗ Trưởng lão thưa:

- Bạch Trưởng lão! Ðã đến giờ đi khất thực.

- Tốt lắm, huynh đệ, hãy lấy y và bát.

Bảo họ lấy y bát rồi, chính thầy cũng lên đường. Các Tỳ-kheo thấy thầy chảy nước mắt, hỏi:

- Có việc gì vậy, thưa Ðại đức?

- Gió làm xốn mắt tôi.

- Sao ta chẳng mời y sĩ, thưa Ðại đức? Chúng ta sẽ nhắn ông ta đến.

- Tốt lắm.

Các Tỳ-kheo báo tin cho y sĩ. Ông chế một thứ thuốc gởi đến. Trưởng lão thoa thuốc mỡ vào mũi và vẫn ngồi như thường lệ. Rồi Ngài vào làng. Y sĩ gặp Ngài hỏi thăm:

- Thưa Tôn giả, con nghe nói gió làm Ngài bị đau mắt?

- Ðúng thế, thiện tín ạ.

- Thưa Tôn giả, Ngài có thoa vào mũi thuốc con đã chế và gởi đến không?

- Có, thiện tín ạ.

- Bây giờ Tôn giả thấy thế nào?

- Vẫn đau nhức như trước.

Y sĩ bán tín bán nghi, thuốc mình gởi đến chỉ thoa một lần là khỏi bệnh, vì sao

Tôn giả không hết đau? Ông bèn hỏi tiếp:

- Khi thoa thuốc Ngài ngồi hay nằm?

Trưởng lão im lặng. Mặc cho y sĩ hỏi đôi ba phen, Ngài vẫn không nói một lời. Y sĩ không biết làm sao để giải quyết, chỉ còn cách chào Ngài và đến tịnh xá xem xét chỗ ở. Liêu của Trưởng lão chỉ có lối kinh hành và một chỗ ngồi, không có chỗ nằm. Y sĩ thắc mắc:

- Thưa Tôn giả, khi thoa thuốc Ngài đã ngồi hay nằm?

Trưởng lão vẫn im lặng.

- Thưa Tôn giả, xin Ngài đừng làm vậy. Việc tu tập chỉ có thể tiến hành khi nào thân thể được chăm sóc cẩn thận. Ngài có nằm khi thoa thuốc không?

Y sĩ hỏi đôi ba lần, Trưởng lão mới trả lời:

- Hãy về đi, Y sĩ. Tôi sẽ hội ý lại và quyết định việc này.

Trưởng lão không có ai thân thích ở đó cả, vậy thì Ngài hội ý với ai? Ngài chỉ bàn với chính mình: "Này Pàlita, thầy quí con mắt hay quí Phật đạo? Trong vòng luân hồi không manh mối, biết bao lần thầy không được sáng mắt. Trong vô số muôn ngàn đức Phật đã ra đời, thầy đã không gặp được một vị nào. Giờ đây trong mùa hạ này, thầy đã quyết không nằm suốt ba tháng. Vậy cứ để cho đôi mắt bị hư. Chỉ lo giữ giới luật, đừng giữ con mắt".

Và để khiển trách thân, Ngài đọc bài kệ sau: Mắt tai nay đã hỏng rồi,

Cả thân này nữa cũng thôi không còn. Ðó là chuyện mỏi mòn thân ấy, Pàlita, sao vẫn tán tâm?

Mắt tai này đã hết mong, Cả thân này nữa chẳng trông lâu dài. Ðó là chuyện hoại hư thân ấy, Pàlita, sao vẫn tán tâm?

Mắt tai nay đã tiêu tan,

Cả thân này nữa tan hoang còn nào!

Ðó là chuyện hư hao thân ấy,

Pàlita, sao vẫn tán tâm?

Tự khiển trách mình với ba câu kệ xong, Trưởng lão thoa thuốc lên mũi, lại tiếp tục ngồi như trước, rồi Ngài vào làng khất thực. Y sĩ trông thấy hỏi: - Thưa Tôn giả, Ngài có thoa thuốc vào mũi?

- Có.

- Ngài thấy thế nào?

- Vẫn đau như trước.

- Thưa Tôn giả, Ngài có ngồi khi thoa thuốc hay nằm xuống?

Trưởng lão im lặng. Y sĩ hỏi lại mấy lần, Trưởng lão vẫn không nói một lời. Y sĩ bảo:

- Ngài không chịu làm điều phải làm để lành bệnh. Vì vậy Ngài không nên xin thuốc, và tôi cũng sẽ không chế thuốc cho Ngài. Tôi không còn cách nào hơn. Bị y sĩ từ chối chữa bệnh, Trưởng lão trở về tịnh xá, tự dặn dò: "Tỳ-kheo, dầu cho thầy bị y sĩ từ bỏ, chớ từ bỏ tư thế ngồi của mình". Như con bệnh nan y, Y sĩ thôi chữa trị, Chắc chắn gặp tử thần, Pàlita, sao còn tán tâm?

Tự khiển trách mình với bài kệ trên, Trưởng lão lại tiếp tục thiền định. Vào cuối đêm đôi mắt Ngài mù hẳn, các lậu đồng thời hết sạch. Ngài chứng A-la-hán an trú trong an lạc của Minh sát tuệ. Rồi Ngài vào liêu ngồi nghỉ. Ðến giờ khất thực, các Tỳ-kheo đến bên Trưởng lão thưa:

- Bạch Tôn giả, đã đến giờ chúng ta đi bát. - Ðến giờ rồi ư, chư hiền hữu?

- Thưa vâng.

- Thế thì các thầy hãy đi.

- Còn Ngài, thưa Tôn giả?

- Mắt tôi đã mù.

Họ nhìn vào mắt Ngài và mắt họ đẫm lệ:

- Ðừng lo ngại, chúng con sẽ săn sóc Ngài. Họ an ủi Trưởng lão, và sau khi xong bổn phận hành thiền, họ vào làng khất thực. Không thấy Trưởng lão, dân làng hỏi thăm:

- Bạch quý thầy, Tôn giả Trưởng lão của chúng con đâu?

Khi rõ sự việc, họ gởi cháo về cúng dường Ngài. Sau đó, từng người một đem thức ăn đến đảnh lễ Trưởng lão, lăn mình dưới chân Ngài, không ngớt than khóc. Rồi họ an ủi Ngài:

- Thưa Tôn giả, xin đừng lo lắng, chúng con sẽ săn sóc Ngài.

Từ đó, dân làng đều đặn gởi cháo đến tịnh xá. Trưởng lão thường răn nhắc sáu mươi Tỳ-kheo, và các Tỳ-kheo đều tuân hành theo lời Ngài, nghiêm chỉnh đến nỗi vào ngày giải hạ tất cả đều chứng A-la-hán và đắc thần thông.

Cuối mùa an cư, vì muốn gặp Phật, các Tỳ-kheo thưa với Trưởng lão xin đi. Trưởng lão không tránh khỏi đăm chiêu: "Ta nay sức yếu, trên đường về lại đi qua khu rừng có nhiều ma quỷ. Nếu ta cùng đi, các thầy sẽ nhọc công và không thể khất thực. Ta sẽ để họ đi trước".

Và Ngài bảo:

- Các thầy hãy đi trước.

Các Tỳ-kheo thắc mắc:

- Nhưng còn Tôn giả?

- Tôi ốm yếu, đường đi phải băng qua khu rừng có nhiều ma quỷ, nếu tôi cùng đi các thầy sẽ nhọc công. Các thầy hãy đi trước.

- Không được, thưa Tôn giả. Chúng con chỉ đi cùng Ngài.

- Xin các thầy đừng làm thế, tôi chẳng vui lòng. Nếu em tôi gặp các thầy và hỏi thăm tôi, hãy bảo là tôi mù mắt, nó sẽ gởi người đến và dẫn tôi về. Hãy nhân danh tôi chào mừng đấng Thập Lực và tám mươi vị Ðại Trưởng lão.

Nói xong, Tôn giả bảo họ ra đi. Bắt buộc phải lên đường, các Tỳ-kheo đành xin phép Trưởng lão vào làng khất thực rồi lên đường.

Dân làng mời ngồi, dâng thức ăn, năn nỉ ở lại; nhưng biết các Tỳ-kheo phải về gặp Phật, họ đành khóc lóc tiễn đưa. Du hành một thời gian, các thầy đến Kỳ Viên và nhân danh Trưởng lão chào mừng Ðạo sư cùng tám mươi vị Ðại Trưởng lão. Xong các thầy đi khất thực, qua nhà gia chủ em của Trưởng lão. Gia chủ nhận ra các thầy ngay, thân mật đón tiếp, mời ngồi và hỏi thăm Trưởng lão.

Các Tỳ-kheo kể lại những gì đã xảy ra. Người em lăn mình trên đất, than khóc mếu máo, không biết phải làm sao bây giờ.

Các Tỳ-kheo vỗ về:

- Trưởng lão muốn có ai đến đưa Ngài về.

- Thưa, đây là Pàlita, con của chị con. Xin gởi nó đi!.

- Ðể nó đi không ổn vì đường nhiều nguy hiểm. Nếu cho nó xuất gia thì an toàn hơn.

Người em bằng lòng.

Thế là các thầy làm lễ xuất gia cho chàng trai, dạy anh ta cách thức đắp y v.v.. trong vòng hai tuần, rồi chỉ đường cho anh ta đi. Băng qua nhiều làng mạc, một hôm thầy Sa-di trẻ gặp một cụ già tại cổng làng đó và hỏi thăm:

- Chào cụ, cụ có biết một tu viện ẩn cư nào gần đây không? - Thưa Tôn giả, có.

- Ai sống ở đó?

- Có một Trưởng lão tên Pàlita.

- Hãy chỉ cho tôi đường đến đó.

- Tôn giả là ai?

- Tôi là con của em gái vị ấy.

Cụ già liền dẫn thầy đến nơi ẩn cư. Thầy tới đảnh lễ Trưởng lão, và trong hai tuần làm đủ bổn phận từ việc lớn đến việc nhỏ đối với Trưởng lão, chăm sóc Ngài thật tận tụy. Rồi thầy đề nghị với Trưởng lão:

- Thưa Tôn giả, cậu của con mong được gặp Ngài.

Chúng ta hãy trở về.

- Tốt lắm, hãy nắm lấy gậy của ta.

Và như thế tay không rời gậy, cả hai người một già một trẻ đi vào làng. Dân làng tìm hết cách thuyết phục Trưởng lão ở lại nhưng vô hiệu, họ đành khóc lóc đưa đi một đoạn đường. Họ đi đến ngôi làng kế cận ở ven rừng tên là Katthanagara, và lần bước ra khỏi làng.

Bỗng từ xa cất tiếng hát của một cô gái đang gom củi. Thầy Sa-di chợt cảm thấy yêu mến ngay tiếng hát trong trẻo (Ðức Thế Tôn đã từng dạy: "Này các Tỳ-kheo! Chưa từng có âm thanh nào khác thâu nhiếp con tim người nam bằng tiếng người nữ"). Và quá xao xuyến thầy liền buông đầu gậy ra thưa với Trưởng lão:

- Thưa Tôn giả, chờ con một lát. Con bận một chút việc.

Nói xong thầy tất tả đi về hướng cô gái. Trông thấy thầy, nàng ngừng hát và thầy phạm giới tà hạnh với cô gái. Trưởng lão đợi thầy Sa-di hồi lâu chưa thấy trở lại, đoán ngay có điều bất thường, có tiếng hát phụ nữ và chú Sa-di lại đi lâu quá, chắc đã phạm giới rồi.

Thầy Sa-di sau đó trở về bên Trưởng lão, hối hả giục Ngài tiếp tục lên đường: - Thôi ta đi, thưa Tôn giả.

Trưởng lão nghiêm giọng:

- Này Sa-di, con đã phạm tội phải không?

Thầy im lặng, và dù được hỏi lần nữa thầy vẫn nín khe. Trưởng lão răn tiếp:

- Một kẻ tội lỗi như chú không bao giờ được nắm đầu gậy của ta.

Thầy Sa-di quá ăn năn, cởi chiếc y vàng, khoác áo thế tục, cúi đầu nhận lỗi:

- Thưa Tôn giả, trước đây con là thầy tu, nay trở lại làm cư sĩ. Con đi tu chẳng phải do tín tâm, chỉ vì sợ những bất trắc dọc đường. Giờ thì chúng ta đi thôi.

Trưởng lão vẫn không đổi ý:

- Một kẻ xấu ác, dù là bậc xuất gia hay tại gia vẫn là kẻ xấu ác. Khi là Sa-di chú không giữ được phạm hạnh, thì liệu chú có là người tốt khi làm cư sĩ không? Một kẻ tội lỗi như chú không bao giờ được nắm đầu gậy của ta.

-Tôn giả ! Ðường đầy ma qủy, Ngài lại mù, làm sao Ngài lại ở đây được?

- Chú đừng lo việc ấy. Ta có nằm chết ở đây hay đi đâu chăng nữa, cũng không có gì quan trọng. Ta không đi với chú.

Nói xong, Trưởng lão ngâm đoạn kệ sau: Ôi ánh sáng mắt ta đã mất!

Con đường dài mệt mỏi xiết chi.

Ði cùng với kẻ ngu si,

Thà rằng nằm xuống chẳng đi, không màng.

Ôi ánh sáng mắt ta đã mất!

Con đường dài mệt mỏi xiết chi.

Ði cùng với kẻ ngu si,

Thà rằng phải chết, chẳng đi, không màng.

Chú nghe những lời này, hối hận, nghẹn ngào, cất tiếng than:

- Con đã phạm một tội ghê gớm, một lỗi lầm kinh khủng.

Rồi khóc lóc vặn vẹo đôi tay, chú lao vào rừng mất dạng.

Ðức hạnh của Trưởng lão làm cho ngai vàng Ðế Thích dài sáu mươi dặm, rộng năm mươi dặm, dày mười lăm dặm, rực rỡ màu hoa hồng đỏ, tự động hạ thấp khi Ðế Thích ngồi, vương cao khi Ðế Thích đứng, bỗng nhiên nóng bỏng lên. Ðế Thích giật mình không hiểu ai có thể hắt ngài ra khỏi ngai như thế này, và quan sát thế gian, với thiên Nhản Ngài thấy Trưởng lão.

Người xưa kể rằng:

Ðế Thích có ngàn mắt,

Làm thanh tịnh mắt thần.

Pàla ghét tội lỗi,

Làm thanh tịnh tâm thân.

Ðế Thích có ngàn mắt,

Làm thanh tịnh mắt thần.

Pàla sùng giới luật,

An lạc trong đạo tâm.

Ðế Thích tự nhủ: "Nếu ta không đến giúp một Trưởng lão ghê tởm tội lỗi và tôn sùng giới luật như vậy, thì đầu ta sẽ bể làm bảy mảnh. Ta sẽ đến giúp Ngài". Vậy là:

Ðế Thích có ngàn mắt, Thống lãnh hết chư thiên, Ðến ngay trong khoảnh khắc, Bên Cakkhupàla.

Và Ðế Thích bay đến Trưởng lão. Khi đến gần, Ngài kéo lê chân.. Trưởng lão bèn hỏi:

- Ai đó?

- Tôi, một bộ hành.

- Này thiện tín, ngươi đi đâu vậy? - Ðến Xá-vệ, thưa Tôn giả.

- Hãy tiếp tục lộ trình.

- Nhưng thưa Tôn giả, Ngài đi đâu?

- Tôi cũng đến đó.

- Tốt quá, vậy thì chúng ta cùng đi.

- Này bạn, tôi ốm yếu, đi với tôi bạn sẽ chậm trễ.

- Tôi không có việc gì gấp. Hơn nữa nếu đi với Ngài, tôi sẽ được công đức vì đã làm một trong mười điều thiện. Ta hãy cùng đi, thưa Tôn giả!

Nghĩ rằng đây là một người ngoan đạo, Trưởng lão bằng lòng:

- Tốt lắm, hãy nắm lấy đầu gậy của tôi.

Ðế Thích y lời và làm phép thâu ngắn đoạn đường để họ đến Kỳ Viên kịp trong chiều ấy. Và rồi tiếng kèn, trống và những nhạc cụ khác nổi lên bên tai, Trưởng lão ngạc nhiên:

- Tiếng ấy ở đâu?

- Ở Xá-vệ.

- Này thiện tín, lần trước tôi đi lâu lắm mới đến, sao kỳ này nhanh vậy? - Thưa Tôn giả, tôi biết một lối đi tắt.

Trưởng lão hiểu ngay đây không phải là người thường mà là một vị trời.

Phạm thiên có ngàn mắt, Thống lãnh hết chư thiên, Thâu ngắn đi khoảng cách, Ðến Xá-vệ thật nhanh.

Rồi Ðế Thích dẫn Trưởng lão đến một túp lều bằng lá và cỏ, nơi người em của Trưởng lão dựng riêng cho anh mình ở tạm, để Trưởng lão ngồi trên giường, và hóa thành anh bạn đến thăm người em. Anh bạn này kêu lên khi đến nhà:

- Bạn Pàla!

Pàla chào bạn:

- Gì vậy bạn?

- Anh có biết Trưởng lão đã về chưa?

- Chưa! Ngài về thật sao?

- Quả vậy, tôi vừa từ nơi ẩn cư về, thấy Trưởng lão đang ngồi trong lều của anh. Nói xong anh bạn ra đi.

Vị gia chủ bèn đi đến lều cỏ. Vừa trông thấy Trưởng lão, anh gieo mình xuống chân Ngài, lăn trên đất khóc lóc:

- Con biết mà, Trưởng lão! Vì thế con không muốn để người đi tu.

Hàn huyên thăm hỏi xong, gia chủ bèn trả tự do cho hai nô lệ, cho chúng xuất gia làm đệ tử Trưởng lão để trông nom Ngài.

Anh dặn dò:

- Nhớ về làng lấy cháo và thức ăn, chăm lo săn sóc Trưởng lão. Hai tân Sa-di chăm sóc Trưởng lão hết sức tận tụy, làm đủ các bổn phận từ việc lớn đến việc nhỏ.

Ngày nọ, một nhóm thầy Tỳ-kheo ở xứ khác đến kính viếng Phật. Sau khi lễ Phật và thăm tám mươi Ðại Trưởng lão, họ đi tham quan tịnh xá. Ðến thất của Trưởng lão Cakkhupàla họ bàn nhau đến vấn an Ngài. Chiều hôm đó họ định vào thăm, nhưng một cơn bão dữ dội nổi lên, họ đành quay về và hẹn sáng hôm sau trở lại.

Cơn mưa lớn kéo dài suốt canh một, đến canh hai thì dứt. Trưởng lão, một con người giàu nghị lực đã quen kinh hành, lần xuống hàng hiên vào canh năm, và vô tình giẫm chết rất nhiều côn trùng bò lổn ngổn trên nền đất ẩm. Các thầy Tỳ-kheo ngụ tại đó không quét dọn sớm, nên khi các thầy Tỳ-kheo ở xa đến thăm Trưởng lão, thấy đủ loại côn trùng nằm chết rải rác ngoài hàng hiên. Họ kinh ngạc lên tiếng:

- Ai đã bước đi trên lối này?

Và được trả lời:

- Thưa Tôn giả, Thầy chúng tôi.

Họ bực bội nói:

- Xem một Tỳ-kheo kìa! Khi ông ấy sáng mắt thì nằm ngủ và không tạo tội. Còn bây giờ mù mắt lại nghĩ: "Tôi sẽ kinh hành". Và đã giết chừng ấy côn trùng. Ông ấy nghĩ mình làm đúng, nhưng thật chẳng đúng tí nào.

Rồi họ bỏ đi và bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trưởng lão Cakkhupàla nghĩ "Tôi sẽ kinh hành", và đã giết hại nhiều côn trùng.

Thế Tôn gạn hỏi lại:

- Nhưng các ông có thấy ông ấy giết không?

- Thưa không thấy.

- Thực sự các ông không thấy ông ấy giết, cũng vậy, ông ấy không thấy côn trùng.

Này Tỳ-kheo! Người giải thoát các lậu hoặc, không còn ý sát sanh.

- Bạch Thế Tôn, vị ấy chắc chứng A-la-hán, vậy do đâu mà bị mù?

- Này các Tỳ-kheo, đó là vì lỗi lầm trong một kiếp quá khứ.

- Sao thế, bạch Thế Tôn, vị ấy đã làm gì?

- Các ông hãy lắng nghe!

Chuyện quá khứ

A. Người Ðàn Bà Và Ông Thầy Thuốc Ðộc Ác.

Thuở xưa, khi vua Kàsi lên ngôi ở Ba-la-nại, có một thầy thuốc đi dạo xóm làng chữa bệnh. Gặp một người đàn bà đau mắt, ông hỏi:

- Bà sao vậy?

- Tôi không thấy rõ.

- Tôi sẽ chữa cho bà.

- Xin thầy làm ơn chữa giùm.

- Bà sẽ trả công cho tôi thế nào?

- Nếu thầy chữa được cho tôi mắt sáng và khỏe mạnh lại như xưa, tôi và luôn cả con trai con gái tôi sẽ hầu hạ thầy.

- Tốt lắm.

Rồi ông kê toa cho thuốc. Chỉ sau một lần dùng thuốc, đôi mắt của người đàn bà sáng lại. Hạnh phúc vừa đến nhưng lại kèm theo nỗi lo âu mãi lởn vởn trong đầu: "Mình hứa làm nô lệ cho ông thầy, cả các con mình cũng phải làm. Nhưng xem ra lão ấy chẳng tử tế đâu. Chà! Làm sao bây giờ đây? Phải tìm cách để gạt lão mới được". Kịp đến lúc thầy thuốc trở lại hỏi thăm bệnh tình, bà làm ra vẻ khổ sở:

- Trước đây mắt tôi đau ít, nay lại đau dữ dội hơn bao giờ.

Ông thầy đoán ngay là bà ta muốn lừa mình để quỵt tiền công chữa bệnh. Ông tức giận lầm bầm: "Ðược rồi, ta chẳng cần mụ trả công, ta sẽ cho mụ mù luôn". Và ông bỏ đi ngay không nói một lời, trước cặp mắt ngơ ngác của người đàn bà thất hứa.

Ông thầy thuốc về nhà, kể lại cho bà vợ nghe cho hả tức. Vợ ông lặng thinh, còn ông thì tức tốc bào chế một thứ thuốc mỡ khác, mang đến cho người đàn bà và dặn thoa vào mắt. Người đàn bà làm theo chẳng chút nghi ngờ và ánh sáng đôi mắt vụt tắt.

Ông thầy thuốc đó chính là Cakkhupàla.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

- Này các Tỳ-kheo! Ðệ tử ta làm ác nên bị ác nghiệp theo đuổi mãi mãi, vì việc ác đi theo người làm ác như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe. Kể chuyện xong, đấng Pháp Vương, như một vị vua đóng dấu ấn bằng con triện hoàng gia lên sắc dụ đã được niêm phong, tuyên đọc bài kệ sau:

 (1) Ý dẫn đầu các pháp,

 Ý làm chủ, ý tạo.

 Nếu với ý ô nhiễm,

 Nói lên hay hành động,

 Khổ não bước theo sau

 Như xe, chân vật kéo.

*

(Còn tiếp)

✿✿✿

Nguồn: "Tích Truyện Pháp Cú" được Thiền viện Viên Chiếu dịch theo bản Anh ngữ "Buddhist Legends" của học giả Eugène Watson Burlingame.