Bản chất con người trước sự (sống chết) là hoảng sợ và lo lắng, bởi vọng tưởng và dính mắc từ lũy kiếp. Nếu chúng ta hiểu Tâm thức tồn tại luôn thường hằng thì theo giáo lý ngũ uẩn, khi con người chết là mất đi phần Tứ đại trong cấu trúc của thân vật lý đó là (vật chất).
Nguyễn Đức Sinh Hội Văn học Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023
Trong giáo lý đạo Phật, Thức đứng vị trí thứ 5 trong (ngũ uẩn). Nhưng thức lại đóng vai trò quan trọng về mặt nhận thức của con người, bởi chúng hình thành dựa trên hai trạng thái đó là, Khổ và Lạc (buồn - vui). Khi con người gặp điều bất như ý, hoặc đắc ý thì có cảm thọ vui - buồn ngay tức khắc. Nói về thức một cách rộng hơn, thì trong “A-tỳ-đạt-ma -Tập Dị Môn Luận” đề cập: “Những gì là thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc thô, hoặc tế, hoặc biệt, hoặc thắng, hoặc xa, gần tất cả thức như vậy lược thành một Tụ, gọi là Thức uẩn.
Phật dạy “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, đây là gốc của vấn đề. Theo các kinh điển: Thức được hiểu là Ngã, thức uẩn cũng chính là “Nghiệp” hay còn gọi là “A lại da” thức, hoặc “chủng tử” và về sau theo Phật giáo Đại thừa chính là “Như Lai Tạng”.
Thực tế theo giáo lý đạo Phật, con người dưới sự phân tích của 5 uẩn chỉ là hai khái niệm của Danh và Sắc hay Vật lý và Tâm lý. Vật lý chính là những gì chỉ về sắc; còn tâm lý thì gồm 4 yếu tố, đồng thời nó nương tựa vào nhau mà tồn tại. Điều đó cho thấy 5 uẩn không phải là cái ngã độc lập, bất biến, mà nó là duyên sinh, không vĩnh cửu và hoàn toàn vô ngã.
Ngũ uẩn là giáo lý đức Phật dạy để phân tích về con người và vũ trụ này là do duyên sinh, bản chất là vô thường và vô ngã.
Việc phân tích 5 uẩn không phải hình thành một hệ thống triết lý về con người và vũ trụ mà để nhìn thấy một cách rõ ràng bản chất về con người và thế giới hiện tượng.
Những khổ đau của con người là do vô minh, chấp ngã, tham ái, vọng tưởng… mà có, thế nên diệt tận các phiền não thì cần phải tu tập pháp môn 5 uẩn này. Vì sao? Vì tập pháp môn 5 uẩn thì tuệ sẽ sinh, vô minh, tham ái, chấp thủ, vọng tưởng sẽ đoạn diệt. Như trong nội dung “Bát nhã tâm kinh” có đề cập: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách…”
Đoạn trích tâm kinh trên cho thấy, ngài Quán Tự Tại Bồ tát nhờ thực hành trí tuệ Bát nhã Ba la mật, nên thấy rõ tự tính của 5 uẩn là “không”. Vì thế vượt thoát mọi khổ ách.
Phật dạy 5 uẩn chính là gánh nặng, và hễ ai bỏ được gánh nặng 5 uẩn này xuống thì tức khắc đã giác ngộ và hiểu được cuộc đời là duyên sinh, vô thường và vô ngã.
Thức uẩn là nhận thức phân biệt, sự hiểu biết. Thức uẩn được hình thành dựa trên 3 loại (thọ, tưởng, hành thức). Thức có nghĩa là liễu biệt, tức là tâm phân biệt rõ ràng. Nếu y cứ theo duy thức thì “thức” gồm tám thức: Tiền ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, thức), thức thứ 6 là (Ý thức), thức thứ 7 (Mạt na thức). Thức chính là chỉ sự hiểu biết của con người, khi các căn tiếp xúc với các trần cảnh, thì thức đóng vai trò là nhận thức phân biệt các pháp ấy. Nếu đứng về bản thể luận thì thức vốn không có hình tướng và thường được hiểu là tâm của con người. Còn xét về phương diện hiện tượng thì từ nơi vô tướng mà thấy có tướng, từ chỗ vô phân biệt mà khởi ra có phân biệt, thì được gọi là thức. Thế nên chúng ta có thể hiểu thức cũng chính là chỉ cho tâm của con người.
Khi thức được hình thành thì luôn có hai trạng thái đó là Khổ và Lạc. Khi gặp điều bất như ý hoặc gặp điều đắc ý (thuận ý) thì có cảm thụ vui - buồn. Nói về thức một cách rộng hơn, thì trong “A- Tỳ - Đạt - Ma Tập Di Môn Túc Luận” có đề cập: “Thức uẩn là gì? - Đáp: Những gì là thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc liệt, hoặc thắng, hoặc xa, hoặc gần tất cả thức như vậy lược thành một Tụ, gọi là thức uẩn".
Gọi nó là thức, vì nó nhận thức đối tượng. Điều này ta có thể kinh nghiệm và chứng minh được bằng hoạt động của sáu thức: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là tầng ngoài cùng của cơ cấu tâm thức, gọi là thức thường nghiệm tức là những hoạt động nhận thức mà ta có thể kinh nghiệm được bằng giác quan thường nhật. Tầng này, được gọi chung là thức. Tầng thứ hai trung gian như đã biết, gọi là ý hay là thức thứ bảy. Nó cũng được gọi là thức, vì nhận thức về sự tồn tại của tự ngã, một cái tôi. Tầng trong cùng gọi là thức thứ tám, mà nhận thức của nó là duy trì mối quan hệ tồn tại của thân tâm và thế giới.
Hai tầng sau này thuộc về thức siêu nghiệm, tức không thể nhận biết bằng kinh nghiệm giác quan thường nhật. Chủ yếu chỉ là dựa trên chính hoạt động của sáu thức tầng ngoài để khám phá ra hai tầng kia.
Như vậy, thức là nhận biết, phân biệt, ban đầu, chỉ như là sự thấy biết của con mắt: chỉ nhìn và thấy biết, nhưng không phân biệt cái được thấy là gì. Ta thường gọi cái thấy biết đó là trực giác; thuật ngữ Phật học gọi là thức hiện lượng vô phân biệt. Nhưng khi nói: “tôi biết tôi đang nhìn, hay đang thấy” thì lúc đó rõ ràng có một cái tôi đang chủ trì sự thấy. Song, tất cả mọi cái thấy và biết đều phải thấy, biết về một cái gì đó; ví thử con mắt thấy tất nhiên phải có cái gì để thấy.
Theo cách hiểu thông thường, cái thấy biết nào cũng là sự tích hợp của hai yếu tố: thức và cảnh, tức chủ thể nhận thức và đối tượng tương ứng của nó. Nhưng chúng ta biết rằng thức không tự biết nó là cái gì cả, như lưỡi dao bén không thể tự cắt chính nó và đối tượng của nó. Nhưng do thấy kết quả, rồi suy luận ra có thức đang thấy, đang biết; từ những kinh nghiệm được tích lũy bởi thức, người ta suy nghĩ ra cái linh hồn, như là chủ thể của sinh mạng và nhận thức. Thật ra đây là một quá trình, một chuỗi quan hệ nhân duyên tương tục lẫn nhau.
Ta biết có một cái tôi tồn tại, ấy là do quan hệ; quan hệ giữa trong và ngoài, nội giới và ngoại giới. Nói gọn lại, thức và cảnh chủ thể cùng đối tượng của nó luôn quan hệ với nhau, nhưng nếu chỉ y nơi quan hệ của hai cái thôi thì cũng không đủ để hiểu được hoạt động của nhận thức và quá trình hình thành để xuất hiện cái tôi.
Thế giới xuất hiện theo cấu trúc của căn, cảnh thức ấy là thế giới tồn tại do bởi phân biệt của chúng hòa hợp với nhau tạo thành hình ảnh thế giới mà ta thấy, ta nghe …
Thế giới xuất hiện theo sự cấu trúc của căn, cảnh. Thức ấy là do phân biệt. Tất cả tồn tại do phân biệt, nên có thể nói là vọng tưởng, vì nó không phải ảnh trung thực tồn tại nó như là nó.
Vậy, theo kinh Tạp A-hàm đức Phật dạy: Trong giáo lý ngũ uẩn, tưởng uẩn là tưởng tượng, tri giác của sự thấy biết.
Ví dụ như biết về các màu xanh, vàng, đỏ, trắng…và biết về khổ - vui nên gọi là tưởng uẩn. Tưởng uẩn (vọng tưởng) sinh ra mọi phiền não chướng. “…Này các Tỳ kheo: có sáu tưởng thâu vào, đó là mắt tiếp xúc sinh ra tưởng tượng, và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sinh ra tưởng.
Tóm lại: “Nếu nhận thức được thực tại, thấy được thực tại, hiểu rõ được chân lý thì có thể biến đổi thế gian này, làm cho nó tồn tại hay làm cho nó hủy diệt, đó chính là nói rằng Ma hay Phật cũng đều do tâm, ba cõi duy chỉ một tâm, là nói theo nghĩa này" (Thích Tuệ Sỹ).
Tâm thức là phạm trù sâu rộng và trừu tượng, trong duy thức học Phật giáo có cả một bộ Trung Quán Luận phân tích rất sâu sắc về các tầng thức của con người. Ở đây chỉ đề cập khái quát về Thức uẩn trong giáo lý ngũ uẩn, hay có thể gọi là (pháp tu ngũ uẩn) nếu chúng ta nhận diện và tìm hiểu sâu hơn về pháp ngũ uẩn này cũng đủ để giúp ta nhìn nhận về vấn đề sinh tử rõ hơn thông qua giáo lý này.
Bản chất con người trước sự (sống chết) là hoảng sợ và lo lắng, bởi vọng tưởng và dính mắc từ lũy kiếp. Nếu chúng ta hiểu Tâm thức tồn tại luôn thường hằng thì theo giáo lý ngũ uẩn, khi con người chết là mất đi phần Tứ đại trong cấu trúc của thân vật lý đó là (vật chất). Nếu hiểu sâu đạo lý này, chúng ta di dưỡng phần tinh thần, tức (chân ngã) để sống tốt đẹp và cao thượng hơn, đó là ta đã lựa chọn nghiệp vãng sinh giải thoát ở các cảnh giới an lành trong đời sống kế tiếp. Theo giáo lý duyên sinh Phật giáo, linh hồn, linh thể hay linh giác khi thân tứ đại trở về cát bụi, thì Thân trung ấm hằng còn mang điện từ âm dương hoặc điện từ quang đi tái lập một thân khác, cõi khác.
Với trí tuệ của bậc toàn giác, trong ngày Thành đạo đức Phật tuyên bố với thế gian, với loài người, với cõi trời và tất cả muôn loài về con đường đạo cứu khổ và diệt khổ, con đường dẫn đến cõi bất sinh bất diệt mà Ngài đã được khai mở. Trong kinh Pháp Cú số 153-154 đã ghi lại những Phật ngôn đầu tiên trong (ngày Thành đạo) Ngài thốt lên được ghi lại đoạn Phật ngôn dưới đây:
“Lang thang bao kiếp sống Ta tìm nhưng không gặp Người xây dựng nhà này. Khổ thay phải tái sinh. Ôi! Người làm nhà kia Nay ta đã thấy ngươi Ngươi không làm nhà nữa Đòn tay ngươi bị gẫy Kèo cột ngươi bị tan Tâm Ta được tịch diệt. Tham ái thảy tiêu phong”.
Đoạn ngôn này như một bài ca khải hoàn mô tả sự chiến thắng vẻ vang rực rỡ sau cuộc chiến đấu nội tâm thầm lặng gian nan nay đã gặp chân lý. Ông thợ trong đoạn Phật ngôn này tượng trưng cho ái dục, vô minh, phiền não, vọng tưởng… (thuộc ngũ uẩn) luôn ẩn kín trong mỗi con người, nay đã được phát hiện. Thật may mắn cho những ai khi gặp được chính pháp của đạo Phật. Dù tu theo pháp nào chúng ta cũng có được lợi ích trên lộ trình giác ngộ - giải thoát; dẫu chỉ là giải thoát hoàn cảnh trong tam giới, nhưng để rồi có thêm những cơ hội tiến đến giác ngộ giải thoát toàn triệt trở về Phật giới.
Nguyễn Đức Sinh Hội Văn học Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: -Kinh Tạp A hàm -Bát nhã tâm kinh. -Kinh pháp cú (bản dịch HT Thích Mih Châu) -Bài: Tâm ý thức của Thích Tuệ Sĩ (trang Người Phật tử 2/2023)
Bình luận (0)