THÔNG ĐIỆP CỦA BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM Gửi tăng, ni, cư sĩ phật tử nhân Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981 - 07/11/2021)

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính gửi: Chư tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.

Dưới sự sáng soi của đạo pháp, bằng tinh thần lạc quan và tâm định tuệ, tăng mi, phật tử cả nước đã vượt lên trên mọi hoàn cảnh, bằng nhiều hình thức sáng tạo trong tổ chức làm nên không khí hoan hỷ của Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh gửi tới Chư tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài lời chúc mừng đại đoàn kết, đại hòa hợp, và đại thành tựu trong sứ mệnh phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam!

Ngày 07/11/1981 là một sự kiện lịch sử trọng đại mang đầy ý nghĩa đối với tăng ni, cư sĩ phật tử Việt Nam. Đó là ngày các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã chung sức, chung lòng, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó cũng là kết quả của nguyện vọng thống nhất Phật giáo trải qua nhiều thế hệ trong lịch sử, mà khởi nguồn từ Giáo hội Trúc Lâm do Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Là chủ thể kế thừa tinh hoa 2000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, mọi phật sự của Giáo hội đều được thực hiện theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội là minh chứng cho tinh thần nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Suốt chặng đường trưởng thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, làm cho đạo Phật xương minh trong lòng dân tộc. Luôn luôn chú trọng đào tạo tăng tài, phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo tạo nguồn lực tăng ni hùng hậu có đầy đủ đạo hạnh và trí tuệ để đẩy mạnh sự nghiệp lợi sinh, hướng dẫn đồng bào phật tử, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo góp phần giữ gìn các di sản văn hóa truyền thống dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng bước những bước đi vững chắc hội nhập và phát triển cùng đất nước.

Tinh thần nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong chặng đường lịch sử 40 năm. Ra đời vào thời kỳ đất nước xảy ra cuộc chiến tranh biên giới và sự cấm vận của nước ngoài, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, động viên Tăng Ni hành Bồ tát đạo, tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng Phật giáo thế giới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bước sang giai đoạn đổi mới, Giáo hội bắt đầu thời kỳ phát triển xây dựng nền tảng vững chắc trong những năm cuối thế kỷ 20, làm tiền đề hội nhập phát triển trong thế kỷ 21. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào thành tựu chung của đất nước như khôi phục nhiều di sản văn hóa của dân tộc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh song hành với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, là những nhiệm kỳ đánh dấu giai đoạn phát triển rực rỡ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cả về chiều rộng tổ chức Giáo hội ở trong và ngoài nước, và chiều sâu đạo pháp, chất lượng tăng tài đáp ứng nhu cầu của thời đại. Giáo hội đã tích cực, chủ động trong hội nhập và quan hệ quốc tế góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa của đất nước. Giáo hội đã ba lần tổ chức thành công rực rỡ các kỳ đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vào các năm 2008, 2014, và 2019 được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Giáo hội bước vào hội nhập quốc tế với tâm thế định hình và định hướng sự phát triển của Phật giáo thế giới tham gia vào giải quyết các vấn đề toàn cầu theo chương trình Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên Hợp Quốc.

Trong gần hai năm qua (2020 - 2021), khi cả nhân loại phải trải qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 chưa từng có, và Việt Nam chúng ta cũng vừa trải qua những tháng ngày gian nan nhất, thì hơn bao giờ hết, tinh thần nhập thế, đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử của Phật giáo Việt Nam lại một lần nữa được viết tiếp vào trang sử hào hùng của dân tộc. Tiếp nối truyền thống của Thày tổ năm xưa “Cởi áo ca sa, khoác áo chiến bào” thì nay, tăng ni đã thể hiện tinh thần bi, trí, dũng sẵn sàng “Gấp áo ca sa, khoác áo bờ lu” tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh Tăng Ni, Phật tử cùng các y, bác sỹ chăm sóc bệnh nhân trong các khu cách ly, bệnh viện dã chiến thu dung, cũng như tăng ni, phật tử các chùa nấu những bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch, túi an sinh, túi thuốc F0, trang thiết bị y tế… để chăm lo cho Nhân dân với tinh thần đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân là trên hết, trước hết. Cũng như hình ảnh các vị Tăng đang ngày đêm thỉnh những tiếng chuông chủ quyền ở các chùa trên quần đảo Trường Sa, và những cột mốc tâm linh vùng biên giới, càng khẳng định tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh tán thán và đánh giá cao công đức của toàn thể tăng ni, phật tử và các cấp Giáo hội ở trong nước và ở nước ngoài. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh mong muốn các cấp Giáo hội, các Ban, Viện ở trung ương và địa phương, các sơn môn, hệ phái, tăng ni, cư sĩ phật tử hãy tiếp tục nêu cao truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội. Hơn lúc nào hết, tăng ni cần phải trau dồi giới đức, phẩm hạnh của một Tỳ kheo, hạnh nguyện của một sứ giả Như Lai hành Bồ tát đạo, tùy duyên bất biến giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của Đạo Phật trong thời đại ngày nay.

Trước bối cảnh đất nước đang phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, dân giàu, nước mạnh. Trong quá trình đó, xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng với thời cơ vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi mà tình hình trên thế giới, và trong khu vực đang có những thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, diễn biến phức tạp nguyên nhân đưa đến nguy cơ của chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng hoảng môi trường, biến đổi khí hậu, và dịch bệnh khó lường... Giáo hội chúng ta cần phải phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa, tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng nhân Đại lễ này, thay mặt các cấp Giáo hội, tăng ni, cư sĩ phật tử Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh bày tỏ tình cảm sâu sắc và tri ân đến các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức trong nước và bạn bè quốc tế, các tầng lớp nhân dân đã và đang quan tâm giúp đỡ, động viên chia sẻ các hoạt động phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong suốt 40 năm qua. Giáo hội coi đây là nguồn động viên khích lệ to lớn để tăng ni, phật tử và tổ chức Giáo hội các cấp hoàn thành tốt mọi phật sự ích đạo lợi đời, cùng cả nước xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc, trọn vẹn niềm hoan hỷ vô biên, và thành tựu mọi phật sự!

BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM