Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Thơ văn Minh Châu Hương Hải: “Tinh thần tùy duyên tùy tục và con đường Bồ tát”

Thơ văn Minh Châu Hương Hải: “Tinh thần tùy duyên tùy tục và con đường Bồ tát”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Đặt vấn đề:

Tinh thần tùy duyên của đạo Phật luôn được lan tỏa tiếp nối bằng cách thể nhập vào đời sống xã hội, hóa độ chúng sinh trong nhiều lĩnh vực khác nhau tùy theo hạnh nguyện của mỗi người. Các vua nhà Trần với sứ mạng cao cả tùy duyên hóa độ, trên tinh thần “Phật pháp không lìa thế gian pháp” các Ngài áp dụng lời dạy đó trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của mình. Đó là tư tưởng chủ đạo của Thiền Phật giáo Việt Nam, luôn được tiếp nối bởi các Thiền sư Việt Nam, từ đó cho đến về sau. Kế thừa và phát huy truyền thống “đem đạo Phật đi vào cuộc đời” các Thiền sư đời hậu Lê như Minh Châu Hương Hải, Chân Nguyên Tuệ Đăng cũng không nằm ngoài dòng chủ lưu của Thiền Phật giáo, áp dụng tinh thần nhập thế vào sự nghiệp giáo hóa của mình một cách hữu hiệu qua nhiều hình thức khác nhau.

Tag: Bồ tát hạnh, Minh Châu Hương Hải, tùy duyên, tùy tục,

Tư tưởng tùy duyên tùy tục

Trách nhiệm và bổn phận của mỗi người xuất gia là tự độ và độ tha. Đây cũng chính là bản hoài của chư Phật trong vô lượng kiếp. Thế nên Ngài dạy: “Hãy du hành vì hạnh phúc cho mọi người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài người, loài trời.”(1) Nhưng đức Phật không khuyến khích hàng đệ tử của Ngài ra đi khi bản thân mình chưa trang bị đầy đủ trí tuệ và đức hạnh. Trí tuệ và đức hạnh là hành trang cần thiết cho người xuất gia trên con đường hoằng hóa lợi sinh. Nếu trí tuệ và đức hạnh chưa đủ công phu tu tập chưa sâu thì chưa độ được đời mà dễ bị cuốn vào dòng thế tục. Thế nên để thực hiện công hạnh lợi tha trước phải hoàn thiện phần tự độ. Điều đó thể hiện qua lời đối đáp của Thiền sư với vua Lê Bảo Thái(2). Khi vua Lê Bảo Thái đến hỏi đạo “Trẫm nghe sư già là một vị Thầy từ xa mến đức mà tới, nguyện xin nói lời pháp âm khiến trẫm liễu ngộ. Thiền sư thưa rằng: “Thần nguyện xin bệ hạ hết lòng lắng nghe bài kệ rằng:

Hằng ngày quán lại chính nơi mình
Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh.
Trong mộng tìm chi người tri thức,
Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Tho van Minh Cha Huong Hai 1

Tuy bài thơ này được Lê Mạnh Thát cho rằng không phải của Minh Châu Hương Hải, nhưng học viên cũng xin mạo muội trích ra đây. Vì theo thiển ý của học viên, tuy bài thơ không phải của chính Minh Châu Hương Hải nói ra nhưng cũng chính là những lời Thiền sư đã sống và thực hành theo lời chỉ dạy từ chư tổ đi trước. Điều này đã được nhắc đến khi Sơ tổ Trúc Lâm hỏi yếu chỉ Thiền Tông, Tuệ Trung thượng sĩ đáp: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc”(3). Đó là yếu chỉ của Thiền là cương yếu của pháp tu, vì vậy Thiền sư lập lại những lời cốt yếu này để hướng dẫn đồ chúng tu tập. Không chỉ bài thơ này mà còn rất nhiều bài thơ của các Thiền sư Trung Quốc được Thiền sư dẫn lại để chỉ dạy cho hàng đệ tử những yếu chỉ cốt lõi trong việc tu tập được ghi lại trong tác phẩm Hương Hải Thiền sư ngữ lục. Sau khi đã hoàn thành việc tự độ cần phải hòa nhập vào cuộc đời để thực hiện hạnh độ tha đáp đền ân Phật. Thế nên sau khi ẩn tu 8 năm tại đảo Tiêm Bút La, công phu Thiền định viên mãn Ngài đã trở về đất liền để hành hạnh lợi tha. Bằng chứng là Ngài đã tùy duyên, với công năng tu hành của mình tụng kinh trì chú, phổ độ oan khiên giúp cho vợ quan trấn thủ Thuần quận công và Hoa Lễ Hầu được hết bệnh. Nên trong bài Sự Lý dung thông Ngài nói:

“Bể từ rạt sạch nguồn mê,
Máy thiêng mở khép đề huề độ sinh.” (5)

Dùng biển từ bi làm trong sạch biển khổ sông mê. Khi đã sống trong biển từ bi thì mặc sức dùng phương tiện cứu giúp mọi người. Trong Giải Kim cương kinh lý nghĩa Thiền sư Minh Châu Hương Hải đã chỉ dạy về sự tu tập đạt đến quả vị đẳng chính giác cũng không rời những việc hàng ngày như mặc áo, ăn cơm:

“Phật rằng hết thảy chư pháp đều cũng dùng sự tu hành cho được thành đẳng chính giác. Thiền gia dầu bỏ, ắt lỗi ý kinh. Khác nào chưa đến ngạn mà đã bỏ thuyền, há mình chẳng chìm trong nơi khổ hải? Hết thảy chúng sinh, từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng khỏi pháp tính tam muội. Dầu khi mặc áo, ăn cơm, đàm thuyết, đối đãi, lục căn thường hành, nhậm vận thi vi, thật những là pháp tính diệu dụng. Chẳng biết phản bản hoàn nguyên, vậy bèn tùy danh chấp tướng, tình mê vọng khởi, tạo chủng chủng nghiệp. Dầu hay biết được, nhất niệm hồi quang, liễu phàm tâm chứng được thánh tâm, chuyển thế pháp đều nên Phật pháp” (6)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Tho van Minh Cha Huong Hai 2

“Chuyển thế pháp đều nên Phật pháp”, tư tưởng của Ngài đã quá rõ ràng, Phật pháp không rời thế gian pháp. Phật pháp chính là những gì xảy ra trong giây phút hiện tại, ở nơi đây và ngay bây giờ. Những việc như mặc áo, ăn cơm, đối đãi, lục căn thường hành, nhậm vận thi vi, đó là những pháp tính diệu dụng. Đây cũng là tư tưởng được nhắc đến hầu hết trong các bản kinh “Đến giờ đức Phật đắp y trì bát vào làng khất thực…” diễn tả sự bình thường nhưng thể hiện sự phi thường… Sơ Tổ Trúc Lâm đã từng nhấn mạnh: “Mọi người ăn cơm, ăn cháo, tại sao không rõ được việc bát, việc muỗng?”(7). Tức ngay chỗ sống hàng ngày đây, cần phải nhận biết một cách rõ ràng những gì đang xảy ra. Ánh sáng giác ngộ luôn biểu hiện ngay trong chỗ cầm bát, động muỗng, rất gần gũi với
mọi người, không có gì xa lạ. Cho nên Lục Tổ Huệ Năng nói: “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ” (8). Các Thiền sư đời Trần không dừng lại ở đó mà đem đạo Phật đi vào cuộc đời, sống tùy duyên tùy tục, thuận theo thế sự mà hành động không xa rời thực tiễn xã hội. Đây cũng là tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam.

Thiền sư Thường Chiếu cũng đã truyền dạy cho đệ tử nguyên tắc tùy tục là làm giống như cuộc đời. Bài kệ Ngài nói trước khi viên tịch đã thể hiện được phong thái của người đã thấy đạo, tự tại giải thoát nên bất cứ nơi đâu cũng là nhà:

“Đạo vốn không nhan sắc,
Mà ngày càng gấm hoa,
Trong ba ngàn cõi ấy,
Đâu chẳng phải là nhà?” (9)

Tuệ Trung thượng sĩ cũng đưa ra quan điểm tùy tục để chỉ mối liên hệ khắn khít giữa ta, người với ngoại cảnh. Sự có mặt của muôn sự muôn vật giữa cuộc đời này có mối quan hệ tương quan tương duyên lẫn nhau. Chính vì vậy Ngài chủ trương sống hòa mình vào cuộc đời để tùy duyên hóa độ:

Vào xứ mình trần bỏ áo đi,
Phải đâu quên lễ chỉ tùy nghi.(10)

Đó cũng là quan niệm sống đạo của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn nhọc ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền.

Tuy ở trong trần mà hành động xuất trần, sống và hành động tùy duyên tùy tục đem lại lợi ích cho tất cả quần sinh.

Sơ Tổ Trần Nhân Tông viết về tư tưởng của Tuệ Trung trong Thượng sĩ hành trạng như sau: “混俗和光與物未嘗觸忤” Hổn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc gỗ (dịch: Hòa mình vào trần tục đối với mọi vật không hề xúc phạm, làm trái sẽ ngược lại”(11).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Tho van Minh Cha Huong Hai 3

Từ những vấn đề đã trình bày ở trên, có thể khẳng định rằng tư tưởng Thiền của Thiền sư Minh Châu Hương Hải đã ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng tùy duyên tùy tục của các Thiền sư Lý – Trần. Trong kinh Giải Kim cương lý nghĩa Ngài nói: “Dầu người hằng thanh tịnh, chẳng còn cầu ngoài, nhậm vận tùy duyên, một pháp chẳng có chỗ được, khi đi đứng nằm ngồi, cùng hợp lẽ đạo, thật gọi là trang nghiêm tịnh độ.”(12)

Lại trong Sự lý dung thông Ngài nói:

“Đạo viên minh ngại chi chân tục
Miễn lòng rồi, tri túc thì nên
Năm mươi lăm phẩm dưới trên
Luyện tam muội hỏa chí bền kim cương” (13)

Đây cũng là tư tưởng của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc, sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”(14). Trên tinh thần tùy duyên hóa độ, tùy vào mỗi hoàn cảnh mỗi con người đều có những cách khác nhau để thực hành và hóa độ chúng sinh, dù bất cứ tư tưởng nào thì đó cũng là sự kế thừa của các bậc tiền bối.

Phật giáo đã đi vào cuộc đời hòa nhập vào đời sống dân tộc. Bởi ở nơi các Thiền sư, Thiền lý và Thiền hành đã nhập làm một. Bằng hạnh và nguyện của mình các Ngài đã xả thân cống hiến cho đời bằng nhiều cách khác nhau. Tư tưởng Thiền của các Ngài không nằm trên phạm trù ngôn ngữ mà ở sự tu tập và
thực hành Thiền trong đời sống thường ngày, hòa mình vào đời sống thế gian để làm lợi ích cho đời. Nói theo tư tưởng kinh Kim Cang: “tất cả pháp đều là Phật pháp” vì vậy không thể tìm Phật pháp ở ngoài thế gian này. Thế nên Thiền sư Minh Châu Hương Hải trong Giải Kim cương kinh lý nghĩa cũng đã nói: “Tại thế tính hằng ly thế. Cư trần, lòng vốn viễn trần, ắt rằng thật là cứu cánh pháp.”(15). Là một người tu hành sống được với tâm thể của mình các Ngài đi vào cuộc đời nhưng tâm hồn các Ngài vẫn thong dong tự tại không bị bụi trần làm ô nhiễm. Tinh thần tùy tục này đã thể hiện qua hai câu thơ:

“Mặc dầu vân thủy nước mây,
Đầu đà thượng hạnh làm thầy độ sinh.”(17)

Phật giáo Việt Nam với nền Phật giáo thế sự, lấy chủ trương tùy tục để nhập thế nên các Thiền sư đã sống hòa lẫn trong thế tục, sống hài hòa với chúng sinh không làm ra vẻ khác người, xóa bỏ hố sâu ngăn cách giữa ta và người. Các Ngài đi vào cuộc đời giáo hóa nhưng không rời bản vị giác ngộ giải thoát, thực hành viên mãn công hạnh của một vị Bồ Tát hướng đến giác ngộ.

Con đường Bồ Tát hạnh

Bồ Tát nói cho đủ là Bồ đề Tát Đỏa, tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là giác hữu tình hay hữu tình giác ngộ, trở lại giác ngộ hữu tình khác. Bồ Tát đạo là những bậc được kết tinh bởi đức hạnh cao cả của đức Phật, thánh hóa để trở thành nhu cầu của quần chúng. Bồ Tát còn là biểu trưng cho chất liệu từ bi và trí tuệ, cả hai phải đầy đủ mới có thể hóa độ chúng sinh. Nếu chỉ có lòng đại từ, đại bi mà không có trí tuệ thì con đường hóa độ sẽ không đi đến viên mãn công hạnh. Thế nên Thiền sư Minh Châu Hương Hải nói:

Đường lên hiền Thánh Phật tiên
Gồm no phước huệ vẹn tuyền chẳng sai.(18)

Nhưng nếu chỉ tu tập trí tuệ mà không có lòng từ thì cũng là sai lầm:

“Nếu giải thích Bồ Tát là người cầu trí tuệ không thôi thì đó là điều rất sai lầm; Bồ Tát sở dĩ được xưng là Bồ Tát, như đã nói ở trên, là ở chỗ xả kỷ để làm tất cả thiện sự, nói cách khác, là tận lực “hạ hóa chúng sinh” mà việc làm đó cũng là một bộ phận của nhất thiết trí, hoặc là chuẩn bị để đạt đến nhất thiết trí, theo lập trường này, người chí nguyện tu như thế thì gọi là Bồ Tát.” (19)

Bồ Tát là người phát nguyện Bồ Đề tâm tu tập để đạt đến qủa vị Phật. Vì vậy, Bồ Tát không phải chỉ cần có tâm đại từ, đại bi mà cần phải có trí tuệ để ban vui, cứu khổ cho chúng sinh. Ban vui, cứu khổ cho chúng sinh ở đây không phải chỉ về vật chất mà cần phải giúp chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi đạt được an lạc giải thoát như mình. Nhờ có trí tuệ mà trải qua vô số kiếp Bồ Tát luôn luôn phát hạnh nguyện rộng lớn không thay đổi. Cho nên, các Ngài luôn được người đời kính ngưỡng bởi hạnh nguyện từ bi, ban vui cứu khổ không mệt mỏi, không giới hạn. Hạnh nguyện của Bồ Tát được nhắc đến rất nhiều trong các kinh điển Đại thừa như Kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma Cật…

Với tinh thần hoằng pháp lợi sinh đức Phật trước khi thành đạo Ngài đã trải qua vô số kiếp hành hạnh Bồ tát, phương châm đó đã được đức Phật thể hiện qua việc hóa độ chúng sinh. Sau khi Phật nhập Niết Bàn chư Tăng đệ tử đã tiếp nối tư tưởng Bồ Tát hạnh trên con đường hoằng pháp lợi sinh. Hòa mình vào dòng chảy của lịch sử, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã đem giáo lý từ bi, vô ngã, vị tha chan hòa vào bước thăng trầm của dân tộc truyền bá lý tưởng Bồ Tát đến xã hội Việt Nam. Từ buổi đầu Phật giáo du nhập, thế kỷ thứ hai Khương Tăng Hội đã dịch Lục độ tập kinh nói về sáu hạnh tu của Bồ Tát. Trải qua các triều đại của lịch sử Việt Nam Đinh, Lê, Lý, Trần cho tới thời Nguyễn, Phật giáo Việt Nam luôn góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền hòa bình của dân tộc, đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân cũng chính nhờ tinh thần Bồ Tát đạo này.

Trong Giải Kim cương kinh lý nghĩa Thiền sư có nói: “Phát nguyện là trong kinh giáo dạy khiến hạnh nguyện đầy đủ hài hòa. Tuy có công hạnh mà chẳng có chí nguyện thì hạnh ắt chẳng định. Dầu có chí nguyện mà chẳng có công hạnh, nguyện ắt hư vong vậy. Phải nên hạnh nguyện tương ưng hài hòa, bèn hợp chẳng lỗi mới nên phát nguyện vậy” (20)

Vị Bồ Tát đang trên đường đi đến Phật quả phải có đại nguyện và đại hạnh. Ví như Bồ Tát Địa Tạng lập thệ: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng Bồ Đề.”

Bồ tát Phổ Hiền trong bài nguyện cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm nói:

“Nhẫn đến hư không, thế giới tận
Chúng sinh, nghiệp và phiền não tận
Nhưng bốn pháp ấy không cùng tận
Nguyện tôi rốt ráo hằng vô tận.” (21)

Chúng sinh và phiền não của chúng sinh thì vô biên, vô tận, bậc Bồ tát phải nguyện độ hết tất cả chúng sinh và đoạn trừ hết phiền não chúng sinh tâm, vừa độ
những chúng sinh hữu tình bên ngoài, đưa tất cả vào Niết Bàn tịch tịnh. Do vì chúng sinh vô biên, phiền não vô tận nên Bồ Tát phải học vô lượng pháp môn để tùy căn cơ hóa độ chúng sinh đạt đến cứu cánh viên mãn giải thoát. Trong quá trình tu tập Bồ Tát hạnh, Bồ Tát phát hạnh nguyện rộng lớn đi vào cuộc đời thực hành hạnh lợi tha bằng các pháp tu như Lục độ, Tứ nhiếp pháp,… Tất cả những pháp tu như thế của Bồ Tát là để hoàn thiện công hạnh tu tập Ba La Mật của mình vừa để lợi mình, lợi người, phá trừ nghi hoặc cứu độ tất cả chúng sinh, đưa họ từ bờ mê qua bến giác với tâm bình đẳng không phân biệt thân sơ.

Tẩy không non mạn thành nghi
Một lòng bình đẳng trí bi độ người. (22)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Tho van Minh Cha Huong Hai 4

Bồ Tát với tâm bình đẳng thương tất cả chúng sinh như thân bằng quyến thuộc của mình, với tấm lòng từ bi rộng lớn không nỡ để chúng sinh chìm đắm trong biển sinh tử nên phát nguyện đi vào cuộc đời tu tập và hóa độ chúng sinh. Bồ Tát với hạnh nguyện rộng lớn bình đẳng theo tinh thần hướng thượng tu tập Giới Định Tuệ, Tứ Nhiếp pháp, Lục Ba La Mật hướng đến quả vô thượng Bồ Đề. Đây là kiếp sống cuối cùng “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, sau kiếp sống này không còn kiếp sống nào khác”, vượt qua kiếp sống cuối cùng trong sinh tử luân hồi, có đầy đủ các đức tính Đại từ đại bi, đại hỷ, đại xả, đại hùng đại lực để cứu độ chúng sinh ra khỏi sông mê.

“Bể từ rạt sạch nguồn mê
Máy thiêng mở khép đề huề độ sinh” (23)

Tinh thần Bồ Tát đạo như thế đã xuyên suốt trong các kinh điển Nguyên Thủy, Đại thừa và đã được Phật giáo Việt Nam áp dụng trên tinh thần nhập thế đưa đạo Phật đi vào cuộc đời hòa nhập vào cuộc đời để làm lợi ích cho nhân quần xã hội. Đặc biệt là những vị Thiền sư như Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Vạn Hạnh và các ông vua Thiền sư đời Trần như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, v.v… đều là những tấm gương sáng hòa nhập vào cuộc đời làm lợi lạc quần sinh. Thiền sư Minh Châu Hương Hải cũng là tiếp nối dòng chảy của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, đưa đạo Phật đi vào cuộc đời thực hành hạnh Bồ Tát bằng cách Ngài đã điều phục chúng ma, chữa bệnh giáo hóa, hoằng pháp lợi sinh đem lại an vui lợi lạc cho con người, cho nhân quần xã hội, giúp người hướng tâm đến Tam Bảo.

Kết luận

Trải qua các triều đại, đạo Phật đều thể hiện nét riêng biệt, trong cái riêng đó cũng có sự nhất quán trong tư tưởng hành động của Phật giáo Việt Nam. Từ đó có thể cho rằng con người và hoàn cảnh xã hội mỗi thời kỳ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần quy định bản chất của Phật giáo Việt Nam.

Thiền sư Minh Châu Hương Hải với tinh thần kế thừa tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã vận dụng tư tưởng Cư trần lạc đạo vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của mình. Bản thân Thiền sư Minh Châu Hương Hải cũng như các Thiền sư Phật giáo đời Trần đều là những người đầy nhiệt huyết và hoài bảo lớn lao, tận tâm tận lực muốn xây dựng cho mình một dòng thiền mang tính đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Các Ngài không đóng khung chết một chỗ mà luôn áp dụng tinh thần khai phóng phù hợp với thực tiễn, phù hợp với căn cơ của quần chúng. Vì vậy, các Ngài dấn thân vào cuộc đời để phụng sự cho con người, đặt sự tồn tại của dân tộc trong nguyện lực vượt thoát sinh tử của mình.

Thích Nữ Trí Tuyền – Học viên Thạc sĩ Phật học khóa II Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2021

——————-

CHÚ THÍCH:
(1) Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn, HT.Thích Minh Châu (dich), Tu Thư Phật Học Việt Nam, 1991, tr.499
(2) Vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh (1706 – 1719) sau đổi thành niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729)
(3) Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.113.
(4) Thích Thanh Từ (2018), Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải, Nxb Hồng Đức, tr.44.
(5) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.395.
(6) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.248.
(7) Lê Mạnh Thát (2006), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.
(8) Thích Thanh Từ (2012), Kinh Pháp Bảo Đàn, Nxb Tôn giáo, tr.159.
(9) Thích Thanh Từ (2015), Thiền sư Việt Nam, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, tr.220.
(10) Thơ văn Lý – Trần, sđd, tr.257.
(11) Thơ văn Lý – Trần, sđd, tr.538.
(12) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.221.
(13) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.398.
(14) Thơ văn Lý – Trần, sđd, tr.506.
(15) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.228.
(16) Đầu đà:
(17) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.398.
(18) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.388.
(19) KimuraTaiken, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch (2012), Nxb Tôn giáo, tr.93
(20) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.185.
(21) Kinh Đại phương quảng hoa nghiêm tập 4, Thích Trí Tịnh (2003), Nxb Tôn giáo, tr.846.
(22) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.390.
(23) Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.395.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. KimuraTaiken, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch (2012), Nxb Tôn giáo.
2. Lê Mạnh Thát (2002), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb TP Hồ Chí Minh.
3. Lê Mạnh Thát (2006), Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Công Lý (2003), Văn Học Phật giáo Lý – Trần diện mạo và đặc điểm, Nxb Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam tập 1-7, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
7. Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
8. Thích Thanh Từ (2005), Hương Hải Thiền Sư ngữ lục, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
9. Thích Thanh Từ (2012), Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, Nxb Tôn giáo.
10. Thích Thanh Từ (2015), Thiền Sư Việt Nam, Nxb Văn Hóa – Văn Nghệ.
11. Thích Thanh Từ (2017), Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb Hồng Đức.
12. Thích Trí Tịnh toàn tập, tập 1 (2011), kinh Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Nxb Tôn Giáo.
13. Viện văn học (1998), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường